Hôm nay,  

Kỷ Niệm Thời Con Gái

20/09/201400:00:00(Xem: 13289)
Tác giả: Phan
Bài số 4335-14-29735vb7092014

Phan là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí xuất bản tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh mẽ, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của Phan kể về cô gốc Việt trước khi về nhà chồng kêu thợ chụp hình khoả thân để làm kỷ niệm.

* * *

Tôi có người bạn trẻ, anh ta làm nghề chụp hình đám cưới, đám ma, tiệc đầy năm, đầy tháng, tiệc sinh nhật... bên Việt nam. Trước khi được đi xuất cảnh sang định cư tại Hoa Kỳ, anh ta có học một lớp về Photoshop ở Câu lạc bộ thanh niên thành phố, anh ta kể cho tôi nghe như vậy. Và tôi có khuyên anh ta còn trẻ thì nên theo học một nghề khác để kiếm sống ở Mỹ sẽ dễ hơn cái nghề chụp ảnh và photoshop...

Nhưng cứ thấy anh ta chắt chiu những đồng lương nhỏ bé để mua những dụng cụ, máy móc của nghề ảnh thì lại quá đắt tiền. Tôi thông cảm được lòng đam mê của anh ta vì khi còn trẻ ở Việt nam, tôi cũng nhịn ăn để mua phim, dụng cụ và hoá chất để rửa ảnh trắng đen thời trước.

Rồi chúng tôi không làm việc chung với nhau được nữa vì công việc làm business cards, poster, plyer... không đủ sống. Chúng tôi chỉ còn giữ liên lạc qua điện thư, điện thoại, để khoe nhau bức ảnh ưng ý mà mình vừa chụp được. Có cơ hội gặp nhau thì đi uống cà phê...,

Hôm tôi đi dự buổi tiệc thường niên của Hội Cựu quân nhân ở một nhà hàng. Tình cờ nhìn sang gian khác của nhà hàng rộng lớn, thấy anh bạn trẻ đang hành nghề với một đám cưới của người Việt. Tôi cảm kích lòng tận tụy với nghệ thuật của anh bạn trẻ vì chụp hình đám cưới đâu phải mỗi ngày, thỉnh thoảng mới đi chụp một đám thì làm sao sống, kiếm được bao nhiêu với khách hàng là Việt nam, trong khi muốn bước chân vô thị trường Mỹ thì phải có đủ thứ ngoài khả năng của một người mới định cư vài năm như bạn tôi.

Tối hôm đó, tôi bấm xong vài tấm ảnh để minh họa cho bài phóng sự địa phương; anh bạn trẻ cũng xong việc bên đám cưới. Chúng tôi đi ăn khuya, trò chuyện, tâm sự... Không ngờ lúc tạm biệt nhau ở bãi đậu xe, anh ta nói:

"Ngày mai, anh xách cái máy ảnh đi với em được không?"

"Độ gì?" Tôi hỏi,

Anh ta ấp úng trả lời, "... có con nhỏ Việt nam, nó mới chỉ nói chuyện với em qua điện thoại chứ chưa gặp mặt. Nó muốn chụp ảnh khoả thân, để kỷ niệm thời con gái trước khi lấy chồng. Nó sắp đám cưới rồi."

"Trời mẹ ơi! Apartment mày ở bị hư máy lạnh rồi sao? Muốn vô nhà đá ở cho mát hả...?"

"Không có đâu! Em tin con nhỏ này là người đàng hoàng. Nó chưa đám cưới mà đã mua nhà. Nó hẹn em đến nhà nó mà..."

"Thôi. Mày cứ đi một mình vậy! Để có gì còn có tao đi thăm nuôi mày..."

"..."

Chúng tôi cười chia tay ngoài bãi đậu xe, chỉ có gió đêm biết chuyện gì. Đường về nhà tôi có cả tiếng lái nên tha hồ suy nghĩ... Tôi nghĩ về cô gái sắp lấy chồng, nghĩa là cỡ tuổi con mình, suy ra mẹ cô ta cũng cỡ tuổi vợ mình. Nhưng thế hệ của vợ tôi và mẹ cô bé thì đánh chết cũng không cởi áo cho ai xem thân thể loã lồ, nói gì tới chuyện còn chụp ảnh làm kỷ niệm.

Thế mà chỉ một thế hệ, tư duy người phụ nữ Việt nam đã xoay 180 độ, hay xoay nửa vòng trái đất thì đúng hơn. Có lẽ cô bé do tiếp thu giáo dục Mỹ, sống với văn hoá và đời sống Mỹ nên không e dè như thế hệ của mẹ cô. Từ suy nghĩ đó, tôi thắc mắc từ đâu cô bé có tư tưởng giữ lại hình ảnh thời con gái trước khi lấy chồng. Điều đó có thể lý giải được phần nào tâm tư của một cô gái Mỹ gốc Việt chăng?

Càng nghĩ về cô bé tôi càng có hứng muốn gặp mặt, hỏi chuyện, để hiểu được phần nào về thế hệ sau mình; và đặc biệt là sự tác động của văn hoá tây phương lên văn hoá đông phương của người Việt tha phương...

Những suy tư khiến tôi nghĩ đến những tấm ảnh đẹp. Chụp ảnh khoả thân bằng cách nào mà người xem ảnh chỉ nghĩ đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm; có lẽ cả tôi và anh bạn trẻ đều chưa đủ kinh nghiệm để làm nên nghệ thuật. (Bộ hình kỷ niệm thời con gái của người ta mà làm ăn không ra trò trống gì thì chết chắc. Cái xấu hổ với mình chụp ảnh dở ẹt mới đáng sợ nhất.)

Lấn cấn trong đầu chi bằng gởi cho anh bạn trẻ cái tin nhắn, rồi mai tính sau, "Mai gap. O dau, may gio... cho anh biet!"

Bạn tôi cũng chưa ngủ dù trời đã khuya lơ, chắc còn nghĩ chưa ra cách thực hiện bộ ảnh làm nên tên tuổi một tay chụp hình dạo từ trong nước ra hải ngoại. Hắn trả lời nhanh chóng, "He, He... Vay moi la anh em chu! Co phuoc cung huong co hoa cung chiu... Em nay chac dep lam. Noi chuyen cung de thuong..."

Làm tôi đi ngủ cũng dễ thương với tai họa thoáng qua thì trời đã sáng. Chúng tôi gặp nhau ở tiệm phở gần nhà cô bé. Hai anh em ngồi nhâm nhi cà phê để đợi cô bé sẵn sàng thì gọi.

Tôi thấy lòng mình nguội lạnh với đợi chờ. Có lẽ đã lâu không đợi ai trong đời sống một ngày như mọi ngày ở Mỹ - mở mắt ra sáng thứ hai thì nhắm mắt lại đã chiều thứ sáu, từng tuổi đời là những tờ paycheck tiền lương mất hút vào cơm áo gạo tiền ở Mỹ, đến mất khái niệm thời gian và cảm giác đợi chờ, - một cảm giác làm nên hưng phấn, sáng tạo, của nghệ thuật.

Nghĩ đến cô bé, không có gì trong đầu tôi vì chưa gặp bao giờ thì lấy gì để hình dung, suy nghĩ ra những góc ảnh lạ từ tác phẩm bất tử của tạo hoá đã làm nên tên tuổi bao kẻ sĩ đã khai thác được phần nào bí mật của tạo hoá về tác phẩm bất hủ nhất trong vũ trụ.

Trong khi anh bạn tôi cứ than thở, "Mẹ nó! Cực còn hơn đi rước dâu. Hồi em lấy vợ..."

Thế là tôi không đánh mà tự nó khai ra hết cái đám cưới không đụng hàng của nó, vì nó lấy vợ người Miên, qua tới bên Miên rước dâu, làm cho mấy cô gái trong xóm nhỏ của nó nuỗi tiếc, ngậm ngùi, đã coi thường nó nghèo. Chỉ còn cách chê vợ nó xấu để trả thù thì lại tức vì gái Miên với gái Việt là hai hệ khác nhau, làm sao so sánh để đi đến kết luận là vợ nó xấu (hay đẹp) hơn các cô trong xóm... nghèo còn bày đặt chảnh.

Không khí quán sớm có gì đâu mà nóng, nhưng anh bạn tôi cứ như ngồi trên than hồng. "Trời ơi! Con nhỏ này hôm qua còn nói chắc với em lắm mà. Không lẽ nó cho mình leo cây..."

Tôi nói, "Leo cây thì chắc là không, vì chẳng ai đi nói chơi chuyện này, nhưng đu dây thì có. Gái sắp lấy chồng có quyền xài đồng hồ dây thun. Thôi, chịu khó đu dây chút đi em, cho người ta có thời giờ sửa soạn, trang điểm..."

Điện thoại của nó để trên bàn, cái điện thoại rung lên là mắt nó sáng rực... chộp liền, "Alô. Cindy hả cưng. Trời ơi! Hẹn anh mấy giờ mà giờ này mới dậy..."

Nó làm một hơi như nói chuyện với bạn bè thân quen! Nhưng cơ mặt nó giãn ra - biểu lộ vui vẻ, "Được. Được... Em cũng có hiếu quá ha! Vậy là tốt. Em đối xử với bà nội em làm sao thì sau này cháu nội của em đối xử với em y (chang)...

...Ô-kê. Nửa tiếng nữa anh tới nhà,..."

Nó cúp điện thoại vui vẻ, mặt tươi rói. "Mẹ nó. Em mà chưa có vợ, chắc em cua con nhỏ này quá! Nó nói chuyện hết sức dễ thương. Con gái thời nay mà có hiếu quá chừng luôn! Nó nói em, bà nội nó không khoẻ đêm qua, nên sáng nay nó chở bà nội đi bác sĩ trước, rồi sang nhà nó sau. Chừng nửa tiếng nữa..."

Chúng tôi đến khu nhà khang trang thuộc thành phố Grand Prairie. Còn đang tìm nhà thì có cô gái trẻ tươi cười ngoắc chúng tôi. Cô đón chúng tôi vô căn nhà tươm tất nói lên gia chủ không phải người cẩu thả, càng làm tôi khó hiểu việc cô gọi thợ tới nhà để chụp ảnh khoả thân.

Thấy cô hơi thắc mắc là sao chúng tôi đến tới hai người. Anh bạn trẻ của tôi hiểu ý gia chủ nên mau miệng, "Anh đây là sư phụ của anh. Sáng nay sư phụ rảnh nên mời sư phụ đi uống cà phê và sẵn đi chung để cố vấn thêm cho anh em mình...

Tôi chào gia chủ. Cảm ơn cô đã cho phép tôi có mặt trong buổi chụp hình này.

Cô bé tươi như mấy chậu hoa sớm ngoài sân sau nhà cô. Hai chúng tôi phải lượn một vòng theo cô để xem nhà mới vì lỡ dại miệng khen nhà đẹp nên cô bé khoe hết phòng này sang phòng khác, khoe ra đến sân, vườn, hồ bơi...

Trở vào nhà để vào việc. Cô bé đi pha cà phê, có cả bình trà để mời chú-sư phụ. Tôi cảm ơn cà phê ngon, bình trà chưa uống đã nghe thơm... "Thôi, hai bạn trẻ đi làm việc đi. Có gì cần thì cho hay..."

Tôi ngồi ngoài phòng khách lộng lẫy của căn nhà - cái gì cũng mới. Nhưng nghe lồng lộng tiếng hai đứa cãi nhau trong phòng master,

"Trời ơi. Anh đã dặn là đừng mặc đồ lót từ tối đi ngủ tới sáng cho da không bị giập mấy đường dây thun của đồ lót. Cindy còn đi mặc đồ lót chật ních. Bây giờ mình mảy còn thâm, bầm những lằn dây nịt ngực, mông như bị má đánh còn dấu roi... chụp lên hình ai coi!"

"Chứ sáng nay em phải chở bà nội em đi bác sĩ, không mặc đồ lót mà ra đường cho người ta cười thúi đầu em hả?"

"Trời ơi! Biết làm sao bây giờ đây trời...! Thôi, em... lấy cái mền quấn người em lại đi. Đi coi tivi một lát cho giãn da mấy đường xấu xí đó rồi tính. Anh đi set-up đèn đuốc của anh. Tại anh tính chụp bằng máy không thôi. Nhưng có sư phụ anh đi chung thì set-up đèn phông cho nó đẹp ảnh..."

"..."

Thiệt tình! Hết nói nổi hai người bạn trẻ này. Họ gặp nhau lần đầu theo hợp đổng, mà cứ như hai người bạn đã quen biết từ lâu. Có nhiều người Việt chọn phương châm sống ở Mỹ là không làm ăn, giao thiệp, (giao du) với người Việt. Phải như họ thấy bạn tôi đang làm ăn với đồng hương trong cái tình cùng ngôn ngữ thì biết đâu những người kỳ thị tổ tiên ấy sẽ đổi ý!

Tôi nhớ lại đôi lần cùng đi với thằng quỷ này, những bạn ảnh khác để chụp ảnh khoả thân cho mấy cô gái Mỹ. Họ có vẻ chuyên nghiệp lắm - là: Thợ tới thì họ đưa SD card cho thợ bỏ vô máy liền. Mấy thợ thì họ đưa mỗi người một cái. Nói theo anh bạn trẻ của tôi là mấy cô Mỹ mình mảy láng o, họ chỉ mặc áo ngủ rộng thùng thình, không đồ lót, cho da không bị giập lằn nào hết, có cô chỉ quấn hờ cái khăn lông ngang lưng, để ngực trần vì họ đã đánh phấn lên hai gò ngực. Họ trang điểm sẵn. Chụp kiểu gì, ở đâu trong nhà..., họ đã tính trước. Nên một, hoặc hai, ba máy thợ cứ di chuyển theo người mẫu mà bấm máy. Họ tạo dáng thế nào không cần thợ cố vấn vì họ có kinh nghiệm khai thác và thể hiện những ưu điểm trên thân thể họ...

Có khi hai, ba cô chụp chung, khi chụp riêng từng người... hoàn toàn họ chủ động. Có khi có cả một, hai người thanh niên vạm vỡ - cũng được trang điểm sẵn để làm background cho họ.

Chúng tôi bấm máy vừa theo yêu cầu của người mẫu, vừa theo con mắt nghệ thuật riêng của từng thợ. Hoàn toàn tự do bấm máy những góc cạnh, góc độ không được người mẫu yêu cầu. Hứng thú nhất trong những buổi chụp hình khoả thân là "bắn lén" vì thường được những tấm ảnh lạ về góc độ, ánh sáng, đặc biệt là vẻ tự nhiên của người mẫu; những tấm ảnh mà cả thợ và người mẫu đều tự hào về mình...

Làm việc với Mỹ rất sướng là tự do thi triển tài năng của mình. Khi xong việc là tính giờ, trả SD card cho khách hàng là lấy tiền, cuốn gói càng nhanh càng tốt. Nhất là những chuyến ngao du sơn thủy để chụp ảnh khoả thân với thiên nhiên càng hứng thú (dù sợ cảnh sát bắt thấy mồ). Những chuyến chơi dại hơn cần tiền ấy trở thành kỷ niệm lạ lùng trong đời những tay thợ không chuyên (amatour). Cứ nhớ lại cái xe lăn bánh trên đường như bao cái xe khác. Nhưng trong xe có cô gái Mỹ hoàn hảo về thể hình, người không mảnh vải che thân, cô ấy quấn cái khăn qua vai hờ hững để che mắt những xe khác. (Nhưng đủ bằng chứng để cảnh sát còng đầu, tống vô tù tên lái xe với mấy tên thợ chụp hình về tội bắt cóc.)

Rồi bất chợt ngang cây cầu xe lửa cũ kỹ, cô đơn-riêng một góc trời. Người lái dừng đột ngột, cô gái nhanh chân bước lên cầu xe lửa, trút cái khăn quàng, gởi hương cho gió, làm loài cỏ cây hoang dại bừng mắt ngây ngô, loài ma quái ngu si hiện hồn vào mấy tay thợ chụp hình như ma nhập, thành những gã thợ săn - bắn. bắn... và bắn... bặc bặc bặc chừng ba bốn tấm ảnh là dông lẹ.

Lên xe bình an đã mừng, nhưng chuyến đi phập phồng còn chưa lắng nhịp hồi hộp trong tim. Nhưng kìa, thanh đường ray gỉ đã trăm năm còn đang ngạt thở với mỹ nữ đột ngột xuất hiện như tiên giáng trần; đám đá xanh dưới chân kiều nữ đã ngước mặt nhìn đời (trời) mấy triệu năm, để hôm nay gặp được cánh đồng chết vì cô gái tóc vàng nên cỏ hạ cũng vàng hoe như cháy nắng-đá nói lời vô ngôn. Cánh hoa vàng mọc lên từ gỗ mục để làm nữ hoàng của sắt gỉ, đá thô, và gió trời phiêu lãng trên cây cầu xe lửa hoang vu, như cũng ghen tỵ với nhũ hoa nở nụ mặt trời... Đó là những gì thấy được trong những tấm ảnh đột kích cầu xe lửa.

Có khi là căn nhà hoang xiêu vẹo, đổ nát trên đường về những vùng đồng quê, khi là cái máy cày cũ mục trên cánh đồng bắp gặp hên được lên ảnh với mỹ nữ, trước khi thành sắt phế liệu; có cả ông cao bồi Texas từ thời còn cỡi ngựa, không biết ông chết vì đấu súng hay chiến tranh Mỹ-Mễ xa xưa. Mỹ nữ khoả thân trườn mình trên mộ ông làm cho tay cao bồi dưới mộ huýt gió ngu ngơ, ôi lãng du quay về điêu tàn... chứ đâu phải gió xoáy đặc trưng ở những vùng đồng cỏ ở Texas.

Những chuyến ham vui hơn cần tiền khi ngồi nghĩ lại mới thấy cái dại có thần che chở, bịt mắt cảnh sát để không gặp rắc rối. Ông thần Phó (Phó nhòm sư tổ) che chở đàn con đi bắn tỉa, bắn sẻ, bắn lén, bắn mướn..., nhưng nhờ vậy mới có được những tấm ảnh được xem một lần là nhớ trăm năm trong cõi người ta...

Và thường là các cô gái Mỹ rất biết tạo dáng nên tay chụp hình đỡ cực. Các cô lại trả tiền công thợ rất xộp. Có lần tôi hỏi một thanh niên làm background cho các cô, "họ chụp làm chi quá nhiều hình...?" Anh ta trố mắt nhìn tôi, "Anh không biết hả! Chỉ một tấm lọt vô lịch hay tạp chí khoả thân là đủ xài cả năm. Thậm chí vừa mắt ông triệu phú, tỷ phú nào thì còn hơn trúng số độc đắc..."


Thì ra!

Tôi còn đang nhớ về những cô gái Mỹ, suy nghĩ sang đến cái độ chụp hình khoả thân cho cô gái Việt hôm nay thật lạ lùng. Một cô bé thật dễ thương, tôi tin cô ấy rất ngoan, hiền trong gia đình và mọi người; một cô bé chắc chắn có giáo dục gia đình vì lời ăn tiếng nói rất lễ phép. Một người còn rất trẻ đã ngăn nắp trong nhà, sạch sẽ ra tới ngõ, cho thấy trình độ cũng không thấp... Sao lại mướn thợ về nhà để chụp ảnh khoả thân - làm gì? Không lẽ cô này cũng gởi ảnh cho những tạp chí khoả thân để mong chờ phép lạ; sự may mắn gõ cửa - trao cho cô ông thần tài!

Không ngờ Cindy quấn chăn như con sâu làm tổ, gieo mình xuống sofa để trò chuyện với tôi,

"Chú là sư phụ anh Ty thật hả?"

"Ty nói chơi thôi. Chú với Ty là bạn làm chung cho một người chuyên nhận làm danh thiếp thương mại, poster, plyer, ticket ca nhạc, vé đại nhạc hội... làm về graphic design. Còn nghề ảnh thì cùng ham thích nên ưa trò chuyện với nhau về chụp hình...."

"Vậy chú có nhận chụp hình đám cưới, đám tiệc không?"

"Không. Chú đi làm hãng. Chụp hình chỉ là chơi thôi..."

"... nhưng anh Ty gọi chú là sư phụ. Chắc chú chụp hình đẹp lắm..."

"Đã nói, là nói chơi thôi mà..."

"Vậy, hôm nay chú có chụp hình cho cháu không?"

"Không. Chú chỉ đi chơi với Ty. Hình như nó thấy lạ, về việc cháu là người Việt đầu tiên thuê thợ chụp ảnh khoả thân nên nó rủ chú theo cho biết. Còn trước đây thì chú với Ty và những bạn ảnh khác nữa, đi chụp ảnh khoả thân cho mấy cô gái Mỹ là chuyện thường..."

"Vậy hả chú! Sao chú không làm nghề chụp hình mà đi làm hãng chi cho cực. Chụp hình nhẹ nhàng hơn, vui nữa..."

"Cháu là người thấy mình trong ảnh: trẻ, đẹp, cười tươi... thì cháu vui thích. Còn người bấm máy cho cháu bức ảnh đẹp đó thì nhức đầu lắm! Vì phải nghĩ nát óc cho ra cách khác lạ, không khác lạ độc đáo được thì cũng đừng xoàng xĩnh. Cái nhức đầu nhất của người cầm máy là không hiểu người mẫu muốn thế nào? Nhưng người mẫu cho quyền quyết định thì lại không diễn tả được ý mình - làm sao cho người mẫu hiểu ý mà tạo dáng...

Dĩ nhiên là sướng rơn khi cầm máy mà người mẫu hiểu ý mình. Bấm không biết mỏi tay..."

"Thích quá chú ha! Cháu chưa từng nghĩ đến việc chụp ảnh lại khó đến như vậy! Cháu chỉ nghĩ là máy thợ mắc tiền nên hình ảnh có phẩm chất tốt hơn. Thợ có kinh nghiệm thì chỉ cho người chụp ảnh những tư thế đẹp, hay dễ đẹp hơn người không kinh nghiệm..."

"Chuyện nghệ thuật thì bao la, mỗi người lại có khiếu thẩm mỹ khác nhau, nói tới đâu cho cùng được. Nhiều khi, cháu thích nhất tấm ảnh mà người thợ chụp hình cho cháu muốn xoá bỏ vì anh ta không ưng, chụp rồi anh ta mới nhìn ra những yếu kém về chuyên môn trong bức ảnh... Nghệ thuật là vậy, chỉ có điều chú muốn hỏi, cháu không tiện trả lời thì thôi, không sao, chú không miễn cưỡng cháu trả lời..."

"Chú nói ghe,"

"Cháu chụp bộ ảnh này, thuê thợ về nhà chụp cho đàng hoàng. Cháu... dự thi cái gì vậy? Không lẽ để chơi thôi?"

"...Đúng là để chơi thôi chú! Chuyện dài dòng của cháu không phải không kể được, tại nó dài dòng quá thôi! Nhưng sao chú hỏi vậy? Đâu nhất thiết chụp ảnh là đi dự thi, mà lại là ảnh khoả thân..."

"Cháu thật thông minh. Có điều, chú nghĩ cháu cỡ tuổi con của chú. Suy ra mẹ cháu cũng cỡ tuổi với vợ chú. Thế hệ mới chỉ trước thế hệ cháu một thế hệ, nhưng chuyện chụp một tấm ảnh khoả thân đối với họ là điều không thể - vì nhiều lý do. Nhưng đến đời con của họ thì chỉ còn một lý do - là có thể.

Chú hiểu tại sao vợ chú và mẹ cháu không thể. Nhưng chú lại nghĩ không ra tại sao đối với đời con của họ (như cháu đây) thì có thể."

Cháu có nghe mẹ cháu nói về quan hệ với bạn trai, người yêu, thời mẹ cháu. Cháu cũng thấy nhiều điều hay lắm! Nhưng xã hội đó khác với xã hội cháu sống bây giờ. Ví dụ như người bạn trai nào đã đến nhà - xin phép ông bà ngoại để đưa mẹ cháu đi chơi một buổi - thì người ấy đã gần như, (có đến 90%) sẽ trở thành con rể của ông bà ngoại. Trong khi cháu qua đây từ hồi lớp ba, lớn lên với bạn bè Mỹ, nên thằng bạn Mỹ, hay Việt tới nhà xin phép ba mẹ cháu để chở cháu đi chơi một bữa. Có thể là đi với đông bạn bè, hay hai đứa đi với nhau thôi... Sự khác là cháu với thằng bạn chỉ là bạn, nó là bạn cháu. Nó đến xin phép để chở cháu đi chơi là hành động cho thấy nó là người đàng hoàng, không có gì nói lên nó là người yêu của cháu hết. Cháu cũng đàng hoàng đi chơi với bạn cháu, cháu đâu có nói với ai nó là người yêu của cháu, người sẽ làm đám cưới với cháu trong tương lai đâu..."

"... nghĩa là ngoài người bạn trai đặc biệt (hay còn gọi là người yêu) thì cháu có nhiều bạn trai bình thường, có thể rủ nhau đi ăn, đi chơi..."

"Dạ đúng."

"Nói chuyện với cháu có lý! Chú hỏi thêm câu nữa được không?"

"Dạ được?"

"Có nhiều trò để chơi cho cả con trai hay con gái. Sao cháu là con gái, lại chọn việc chụp ảnh khoả thân để chơi?"

"Chú giống ba cháu quá! Giống y chang luôn. Hễ coi băng ca nhạc Thúy Nga là ba cháu bỏ vô phòng... Không cấm ai coi, nhưng ba không coi. Chắc chú cũng thích cỡ... mấy cô muôn đời áo dài tới đất, phải không?"

"Chú đã xác nhận, và cảm phục sự thông minh của cháu. Chú nói thêm là cháu rất khéo dẫn người đối thoại sang chủ đề khác. Nhưng chú... là ba cháu - vì giống y chang mà!..."

Cười.

“Chú muốn biết để hiểu con cái hơn thôi, sao cháu lại có ý định (là tư tưởng) dẫn tới quyết định (là hiện thực tư tưởng của mình) và cuối cùng là hành động (là thực hiện) một ý tưởng khá đặc biệt đối với một người con gái Việt. Có phải cháu đã nói là cháu qua Mỹ năm học lớp ba, tức cháu mới chín, hay mười tuổi. Cháu không sợ điều bất lợi cho cháu như tai tiếng chẳng hạn..."

"...Ừm... chú hỏi khó quá! Cháu nghĩ cha mẹ sinh ra mình. Nhưng thân thể là của riêng mình. Một thân thể cháu thương yêu, tự chăm sóc từ khi có ý thức. Vì sự riêng tư của thân thể cháu với tất cả nên nó có sự... cháu không biết nói làm sao!"

"Ý cháu muốn nói tới cái linh hồn riêng của thân thể cháu?"

"Dạ đúng. Cháu còn có một ý nghĩ nữa. Nhưng cháu không biết nói ra bằng tiếng Việt..."

"Vậy, cháu kể một dẫn chứng. Chú tìm từ tiếng Việt cho..."

"Chuyện dài dòng..., Đến chú là người khéo khơi chuyện hơn cả cháu biết tránh né..."

"Ty nó còn ra xe lấy vài cái đèn nữa. Set-up đèn background cũng không nhanh đâu. Cháu cứ từ từ nói. Chú lập lại là không miễn cưỡng..."

"...chuyện của cháu là chừng mười năm trước. Chị cháu lấy chồng. Năm đó cháu mới đi đại học năm thứ nhất thôi. Cháu bận học, bận rộn đi làm thêm... Cháu về nhà để dự đám cưới chị. Nhà đông bà con ở xa về, nên nhường phòng của cháu cho khách. Cháu sang ngủ phòng chị cái đêm cuối cùng chị còn ở nhà; có thêm người chị họ nữa. Ba chị em gái ở chung phòng, cháu ngồi ở góc giường, mày mò đọc cách sử dụng cái máy chụp hình cháu mới mua. Hai chị thay quần áo hết bộ này sang bộ khác, soi gương, bình phẩm với nhau...

Đến một trong những cái áo mà cô dâu ngày mai sẽ mặc, người chị họ cháu nói với cháu, "mày xem có phải chị mày mặc cái áo này không phải là không hợp. Nhưng nó cứ sao sao ấy...?"

Cháu thật sự thấy nó chả có sao hết! Nhưng chị họ của cháu là người sành về ăn mặc. Cuối cùng chị ấy nói với chị gái của cháu là do cái áo ngực không phù hợp, làm cho cái áo dạ tiệc không đứng, cứ như mặc áo khính. Nhưng khi chị gái cháu thay cái áo ngực, không biết mệt quá, hay chị nghĩ gì... chị vắt cái áo ngực qua vai, gục mặt xuống cái bàn viết nhỏ trong phòng. Và khóc. Cháu ngồi bên giường, đưa máy ảnh lên bấm cái rụp. -Cháu cũng không biết mình nghĩ gì mà đi chụp bức ảnh đó.

Chị gái cháu thì bảo "delete ngay cho tao." Nhưng chị họ xem qua thì lại bảo giữ lại, tấm ảnh đẹp.

Cháu là người không biết gì về ảnh, lại lần đầu tiên trong đời đi mua cái máy ảnh với hơn một trăm đồng là lớn lắm với cháu lúc đó. Cháu tháo cái sim ra, vì cái đó chỉ chứa được hai mươi ảnh, họ bán theo máy mà. Thay cái chứa được nhiều ảnh vào để mai chụp đám cưới.

Cháu cất giữ bức ảnh khoả thân của chị gái cháu tới quên luôn. Nhưng một hôm (cả năm sau) chị chợt nhớ ra và hỏi cháu. May sao cháu tìm được trong học tủ. Chị không nói lý do tìm lại hình ảnh xưa, nhưng đưa về cho anh rể cháu xem.

Rồi một hôm khác, anh rể cháu mời cháu sang nhà anh chị, đãi cháu một bữa thịnh soạn để trả công cho dì chụp được bức ảnh đẹp nhất trên đời. Anh dẫn cháu vô phòng ngủ của anh chị cháu, chỉ cho cháu xem tấm ảnh mình chụp đã được rọi lớn lên... đến quá lớn. Nhưng đẹp thật. Anh rể cháu rọi ảnh trắng-đen chứ không rọi ảnh màu. Hình ảnh thiếu nữ vắt cái áo ngực qua vai thì cái áo ngực mờ thôi, nhìn thì biết ngực trần nhưng mờ ảo, gương mặt cũng không rõ, chỉ lọn tóc ngẫu nhiên vắt qua hốc mắt đen (do ánh sáng) lại rõ, đặc biệt là giọt nước mắt rơi (trong khoảng không ngắn ngủi từ mắt chị cháu xuống mặt bàn viết đâu có bao nhiêu). Sao cháu lại chụp đúng lúc giọt nước mắt bơ vơ trong khoảng không ngắn ngủi, nó phản chiếu ánh đèn của máy chụp hình, nên nhìn như cánh sao rơi trên nền ảnh không rõ, không mờ... màu đen làm chủ nền ảnh. Cháu không biết tả hết, chỉ biết thích tấm ảnh đó từ lần đầu tiên cháu đứng xem..."

"Đó là khoảnh khắc nghệ thuật của nhiếp ảnh. Sự ngẫu nhiên trong nghệ thuật rất lạ lùng. Lạ lùng đến mức người nghệ sĩ chỉ giải thích được một câu ngắn ngủi là: tôi may mắn. Cháu làm chú nhớ đến bức ảnh tấm thẻ bài của một nhiếp ảnh gia quân đội. Hiện chú treo bức đó trong phòng làm việc của chú ở nhà. Bức ảnh đoạt giải ảnh nghệ thuật quốc tế đã có khoảng 50 năm trước. Người thầy của chú có tâm sự về bức ảnh đó cho chú nghe. Nhưng là chuyện bí mật nhà nghề...

Và cháu cũng đã ru được chú cỡi ngựa xem hoa đủ rồi! Trở lại câu hỏi của chú đi Cindy. Please!"

"Thì ra chú là người dứt khoát không từ bỏ ý định của mình."

"Nếu miễn cưỡng thì thôi. Chú xin lỗi!"

"...chú nói tới cái linh hồn riêng của thân thể mình. Cháu rất thích câu đó. Nhưng điều cháu vẫn nghĩ tới lại khác hơn. Bởi tấm ảnh đó in vào đầu óc, vào trí nhớ cháu đến cháu nhắm mắt lại là thấy được tấm ảnh của chị cháu. Nhưng 5 năm, rồi lâu hơn... chị cháu vẫn gầy người như xưa; vẫn có đôi lần thay áo trong phòng cháu. Cháu nghĩ chị cháu là người khác chứ không phải người chị mà cháu đã chụp hình khi xưa, có cái gì đó thật gần gũi với cháu thì cháu hiểu là tình chị em, ăn chung, ngủ chung. Nhưng chị cháu là người khác... so với tấm ảnh."

"À! Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều... cháu biết câu thơ đó của Nguyễn Bính không? Hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Cô gái quê ra tỉnh một lần thôi mà hương đồng gió nội đã bay đi ít nhiều, huống chi là đi lấy chồng. Nếu chú may mắn thì chú đoán đúng điều cháu muốn nói tới, điều cháu nghĩ là cái hương trinh của thiếu nữ. Từ một sự trinh nguyên của đất trời tạo hoá, sau sự chung đụng với một thân thể khác lạ đến âm-dương là đàn ông với đàn bà. Người con gái vẫn còn hình hài cha sanh mẹ đẻ. Nhưng ngọc ngà trinh nữ đã tan theo hạnh phúc lứa đôi... Ở đời không bao giờ được cả đâu cháu ạ! Được cái này phải mất cái khác..."

Cháu hiểu rồi! Cảm ơn chú. Nhưng. Vậy chú cũng hiểu tại sao cháu muốn chụp ảnh khoả thân trước khi lấy chồng!"

"... chưa bao giờ chú trò chuyện lâu với một người bạn trẻ như cháu. Cảm ơn cháu nhiều."

Tiếng hai người bạn trẻ vọng ra từ phòng master những câu trao đổi của họ. Những câu ngắn mà bật lên tiếng cười dài của họ thật vui, "em đừng nhìn vô máy, sượng ảnh lắm!"; "ờ, ờ... như vậy nha... relax, relax..."; "Trời ơi! Cái mặt em đừng có ngầu hình sự như công an..."; "đúng rồi đó. Đúng rồi đó... làm lại một lần. Cúi xuống nhặt cây lược lên, nhưng tóc phải bỏ qua vai bên kia trước, chứ không nó che hết hai cái mả mẹ anh rồi, còn gì nữa để chụp..."

Tiếng cười của Cindy như vỡ bình hoa trong master bathroom...

Chừng nửa tiếng sau họ trở ra phòng khách. Bạn tôi nhễ nhãi mồ hôi, cô gái bơ phờ nhưng hí hửng bỏ sim vào laptop. Người con gái quê tôi sau hai mươi năm sống trên nước Mỹ, ngồi ngang vai với hai người đàn ông để bình phẩm về thân thể mình. Là điều không có cuộc bỏ phiếu bằng chân do hoạ cộng sản thì văn hoá Việt nam vẫn bưng bít trong lũy tre làng với những giáo điều.

Nhưng văn minh tây phương và sự hội nhập này đi về đâu. Hôm nay tôi ngồi giải thích với Cindy về hương trinh - là điều cô gái Mỹ gốc Việt còn cảm nhận. Nhưng sự cảm nhận yếu ớt theo nắng chiều nhạt phai ngoài khung cửa. Rồi cô bé có cái tên Mỹ nhưng còn họ Việt này suốt thời con gái sẽ mất luôn cái họ sau khi lấy chồng. Nếu là chồng Mỹ thì cô gái Việt đã mất luôn cội nguồn...

Nước Mỹ bao la nhiều năm nữa, có cô gái mắt đen sao tóc vàng. Cô truy tìm nguồn gốc của mình trong thinh lặng mà tưởng tượng ra bà ngoại của cô là cô gái di dân từ Việt nam. Nhưng đâu có sự tưởng tượng nào chính xác. Nên Cindy để lại cho con cháu mảnh vai trần nuột nà của bà ngoại là người Việt nam với lọn tóc đen nhung, bờ ngực ngọt ngào mỹ thuật hơn hai bầu bơ sữa xứ này... Những tấm ảnh đã ố màu thời gian cũng chưa chắc bước qua được định kiến cổ hủ của dân tộc tôi. Nhưng ủng hộ hay chống đối Cindy hôm nay là điều còn làm tôi khắc khoải vì cái vòng kim cô trên đầu tôi do người đời trước tròng vào nhưng không ai tháo ra cho - như tôi tháo cho Cindy những trăn trở chỉ vì thiếu tiếng mẹ đẻ trong vốn từ vựng nghèo nàn của trẻ nhỏ di dân.

Không chừng chính Cindy mới là người tháo gỡ cho tôi vòng kim cô định kiến, những băn khoăn về sự hội nhập...

Phan

Ý kiến bạn đọc
26/05/201818:27:21
Khách
3 Days FREE Trial: http://bit.ly/2s3DL01
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,984,785
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến