Hôm nay,  

Bố Tin Ở Con

12/09/201400:00:00(Xem: 9901)

Tác giả: Phi Yên
Bài số 4329-14-29729vb6091214

Bài viết được tác giả ghi là để “Kính tặng những ông Bố có con trai vào lính Hoa Kỳ.” Tác giả tên thật: Nông Phiên; Sinh năm 1965 tại Sài gòn. Giáo viên Sư phạm Kỹ Thuật. Công việc hiện tại: Electro-mechanic Technician. Năm 2012, Phi Yên có bài viết về nước Mỹ đầu tiên: một tự sự linh hoạt về công việc lưu trữ ngũ cốc tại Mỹ, lần đầu được đề cập bởi người gốc Việt.

* * *

Ba tôi là một quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đương nhiên Mẹ tôi là một người Vợ Lính. Tôi phải viết hoa hai chữ Vợ Lính và chắc chắn phải như vậy. Những người Vợ Lính VNCH thật xứng đáng để tôn vinh vì những đá nát vàng phai của thời chinh chiến điêu linh mà các bà phải hứng chịu. Chưa hết, các bà còn phải vượt lên trên chính mình để thay chồng nuôi con, thay chồng dạy dỗ con thơ giữa những giá trị đảo lộn của cái gọi là thiên đường XHCN. Biết bao ngưới chồng đang rũ liệt trong những trại tù tàn bạo từ Nam ra Bắc không biết ngày mãn án tù của mình. Thì gọi là tù chung thân chứ còn gọi là gì nữa đây. Mười mấy năm là bao nhiêu năm. Có phải là một đời lụi tàn son trẻ, có phải là một thời của những ước mơ bình thường nhất bất chợt bị đem dập vùi xẻ nghé chia đàn... Anh chị em tôi lớn lên trong tình thương của Ba Mẹ và đã sớm biết vật lộn với đời. Đời sống sau khi miền Nam thất thủ là một bức tranh màu xám hỗn độn, đảo lộn và hằn sâu trong ký ức của những Người Việt đi tìm tự do.

Tôi tin rằng nếu "CÓ" thì chẳng ai phải đi "TÌM" cả.

Bạn hỏi tôi rằng có buồn không. Tôi sẽ trả lời bạn: Đất nước mà tôi đã rời đi sẽ có một ngày tôi trở lại. Chính thể mà tôi đã rời đi thì không bao giờ tôi quay về hít thở bắt tay và thoả hiệp với nó. Ai cũng có quyền chọn lựa. Tôi không cho phép mình mặc lại chiếc áo cũ đã vứt bỏ cho dù nó có được sơn phết tô vẽ thế nào đi nữa. Bởi tôi là con của một quân nhân đã trả ơn đất nước bằng một đời binh nghiệp và mười ba năm tù cộng sản.

Tôi thường kể với các con tôi về ông Nội. He was a SOLDIER to the BONE. Cái chất Lính của ba tôi ít nhiều thể hiện ở cá tính anh em tôi khi dạy dỗ con cái.Tục ngữ mình có câu "Cha nào con nấy" cũng như tục ngữ Mỹ là "Like father-Like son" cũng hàm một ý cả. Các con tôi khi đọc sách có dính líu đến chiến tranh Việt Nam thường hay hỏi tôi nhiều câu ngây ngô mà theo trí óc non nớt của chúng thật khó phân biệt. Tôi trích dẫn những câu chuyện và hình ảnh cho chúng biết nhưng cũng căn dặn thêm phải cẩn thận truy xét các nguồn tư liệu, nhất là những nguồn từ các đại học bên Việt Nam hoặc từ những nguồn phản chiến. Ngụy trang che lấp lịch sử là một điều ghê tởm. Bởi chúng ta phải có trách nhiệm trả lại sự thật cho bao nhiêu người đã khuất- đã tức tưởi hoặc đã hào hùng nằm xuống cho quê hương...

Một ngày đẹp trời, thằng Út đang học lớp Mười một bỗng lù lù dắt về nhà hai ông Trung Úy người Mỹ giới thiệu với tôi mà không báo trước. Trời Đất! Hai người lính xin phép được trình bày program tuyển sinh của Lục Quân Hoa Kỳ (National Guard) và muốn biết chắc chúng tôi có đồng ý không trước khi làm thủ tục giấy tờ. Tôi ngó ngang thằng Út. Nó tỉnh bơ như không:

- Bố à! Bố có nhớ bữa trước con nói với Bố con muốn đi lính như a. Vũ không? Hôm nay Bố có muốn hỏi gì thì hỏi đi...

Ôi thằng Út nhà tôi! Bữa trước nó có nói muốn đi làm Hè kiếm tiền, ai dè nó đăng lính thiệt chứ không nói đùa! OK...hỏi thì hỏi. Sau khi tìm hiểu program do hai người thay phiên trình bày, tôi thấy việc đi lính của thằng Út không cản trở gì cho việc học college của nó trái lại còn được chính phủ tài trợ học phí. National guard yêu cầu trong tám năm: mỗi tháng chỉ phục vụ hai weekend và mỗi muà Hè phục vụ hai tháng. Đăng lính sớm ỏ tuổi junior thì thời gian phục vụ kéo xuống chỉ còn sáu năm. Nếu học giỏi ở college thì được tự động chuyển credit thành sĩ quan tương đương. Kế đến tôi được biết môi trường này sẽ đào luyện thằng Út nhút nhát của chúng tôi trở thành con người mới; sẽ khoác lên nó tinh thần vượt khó, danh dự và trách nhiệm- điều mà ông bố nào có con trai tuổi Teen cũng muốn nhưng không làm được bởi nhiều lý do... Tôi nhẹ nhàng bảo con:

- Con đã suy nghĩ kỹ chưa. Đi lính khổ chứ không sướng đâu nhé! Chỉ có làm theo chứ không có cãi. YES mà không có NO. READY mà không có WAIT A MINUTE để câu giờ đâu đấy.

Thằng Út lắng nghe rồi cương quyết:

- Bố cho đi đi Bố ơi! Con sẽ làm được mà. Con muốn như vậy.

...Hai tuần sau khi ký giấy tờ, Út tôi khám sức khoẻ ở một trung tâm National Guard gần nhà. Làm mọi thứ Test thể lực đều pass cả, cu cậu hí hửng lắm. Còn vợ tôi thì buồn lo nhưng biết không cản được ý nó và cũng không thể xoay chuyển ý tôi nên nàng cũng xuôi theo mặc dù không muốn xa con chút nào. Tôi an ủi:"Em phải để cho con nó lớn chứ. Thấy con trai muốn thử thách thì phải support nó, sao lại buồn?" Miệng tôi nói vậy nhưng tôi biết nàng luôn sợ nguy hiểm xảy đến cho con. Có người Mẹ nào mà không xao xuyến...

...

Tôi ngồi trong xe, hai bàn tay hờ hững đặt trên vô lăng nhìn vào khoảng trống của builing trước mặt. Hôm nay thằng Út lên đường đáp máy bay tập huấn tại Missouri- Trại Fort Leonardwood. Chương trình tập huấn đầu tiên trong hai tháng Hè sẽ là mốc khởi đầu cho tân binh nào muốn thử sức để ở lại trong đội ngũ. Ở đó người ta sẽ xé nát con tôi ra từng mảnh để rồi ráp lại thành một con người mới. Tôi biết vậy qua lời kể của một đồng nghiệp trong hãng trước đây có đi lính Hải Quân. Nguyên văn: They will break him down into pieces then reassembly those to form a new person. Hai bố con im lặng hồi lâu. Út cất tiếng hỏi:

- Bố! Bố có nghĩ là ông Nội vui khi con vào lính không?

- Chắc rồi! Ông Nội con là lính mà. For his whole life. À, con là cháu đích tôn bắt chước ông, chắc chắn ông Nội rất thích điều đó.

- Cháu..DIC..TONE là gì hả Bố?

- Là First grandchild, carry the name of family đó.

- Ah! Ah!...

Thằng Út gật gù. Tôi thấy nó cười. Nụ cười hiền và đôi mắt ánh lên vẻ thích thú. Phải rồi. Nụ cười và ánh mắt sáng ngời của ông Nội ngày nào... Tôi bảo:

- Bố hy vọng là con sẽ không bỏ cuộc. Rồi con sẽ thấy bố mẹ la rầy các con chỉ bằng một phần mười người ta mà thôi...

- Dạ con biết! _Thằng Út vỗ vỗ vào vai tôi như để trấn an.

Nhìn đồng hồ tôi nói với nó:

- Đến giờ rồi. Con vào đi. Nhớ lời Bố dặn. Giữ kỷ luật và học hỏi càng nhiều càng tốt. Còn sức của con thì Bố không trông đợi nhiều đâu. But it always good to try something. Phải không? Cả nhà sẽ support cho con. Now go!

Thằng Út mở cửa xe bước ra, xốc balô lính lên vai, cúi xuống thò tay qua cửa nắm lấy tay tôi "Bye Bố!"_rồi rảo bước băng qua parking lot. Tôi nhìn theo bước chân con và cái dáng đi quen thuộc. Gần tới cửa building bước chân nó ngập ngừng như muốn quay lại nhìn tôi. Nhưng không. Nó đi thẳng vào cửa. Đúng rồi!_Tôi tự nhủ. Vậy mới là con trai chứ. Come on young man!

Kể cũng lạ. thằng Út đang tuổi teen của tôi trước đây tuy lớn xác nhưng lại thiếu kỷ luật và bừa bãi vô cùng tận, vậy mà bỗng chốc nó xoay tôi từ một ông bố ngao ngán sang một ông bố hy vọng từ lúc nào tôi không hay. Nó gợi lại cho tôi ký ức ngày nào của đứa con trai mới lớn sống xa nhà để thử sức chính mình. Lúc đó điều tôi cần nhất là một lời khích lệ của ba tôi nhưng tôi không có. Ông đang mang kiếp tù đày từ Thanh Hoá ra mãi tận Hoàng Liên Sơn rồi sau vào Hàm tân Z30D, tiếp tục tù cho đến 1988 mới mãn hạn. Mười ba năm tù là mười ba năm ba tôi sống bằng hy vọng trong bóng tối của địa ngục trần gian, mong chờ ngày có thể đưa gia đình đến bến bờ Tự Do Dân Chủ đích thực. Ông không thể khích lệ bằng lời nhưng đổi lại ông đã viết thật nhiều lá thư cho Mẹ và anh chị em tôi, san sẻ niềm hy vọng của ông cho từng người trong gia đình để tiếp tục sống ở ngoài kia song sắt. Ông hiểu ở ngoài kia là một nhà tù lớn hơn mang bảng hiệu CHXHCNVN đảo điên mọi thứ giá trị mà gia đình tôi cũng như mọi người phải chung nhau sống và chịu đựng.

Ba tuần sau tôi nhận được lá thư đầu tay của thằng Út. Đại khái nó viết về nỗi nhớ nhà ghê gớm, những bạn mới, về Drill Sergeant (huấn luyện viên) và những luật lệ nghiêm ngặt ở trại cho bố mẹ biết. Chúng nó bị tịch thu phone, ipad, máy nghe nhạc ngay từ phút đầu. Không TV không giải trí không đọc sách báo, chỉ được đọc thư nhà thôi mà phải trong giờ cho phép. Cách ly với thế giới quen thuộc là một kinh nghiệm mới mẻ với các cậu Teen, từ phút đầu đã có cảm giác hổng cẳng chới với rồi. Nó cũng nhắn bố mẹ và chị đừng quá lo lắng cho nó, mọi sự sẽ ổn thôi... Tôi đọc và mỉm cười. Ừ, bắt đầu như vậy là tốt. Chưa thấm đâu, con trai!

Ba tuần nữa là lá thư thứ hai. Lần này thì...thấm thật rồi.

Ngày..tháng..năm

Bố Mẹ và Chị thương mến. vậy là con đã qua được ba trong số chín tuần Basic Training ở đây. Missouri thời tiết thật nóng đổ mồ hôi không như Minnesota. Tụi con không ngừng nhận những la hét, mắng tát vào mặt từ những chỉ huy. Chỉ cần một ngón tay đặt sai chỗ khi đứng xếp hàng thôi, là huấn luyện viên nhào tới làm cho một trận (thật sư đã xảy ra với con). Thêm vào đó nếu một người trong trung đội nhận lỗi thì cả đội (khoảng 60 người ) bị phạt chung. Điều này để chúng con biết ý thức mà nâng đỡ nhau cùng làm việc và hoàn tất đúng công việc như một người vậy. One Unit. One Team.

Con không phiền khi bị phạt và la mắng chừng nào con học được cho con từ lỗi của mình và của các bạn để tránh. Mỗi sáng chúng con thức dậy lúc 4H30. Mười phút để vệ sinh cá nhân. Thay quần áo tập thể dục rồi chạy ra ngoài trại exercise với nhóm trung đội khác. Tiếp theo là mặc đồ lính trận, mang súng và phụ tùng cho những hoạt động và mục tiêu phải tập trong ngày. Một ngày có ba bữa ăn. Mười phút cho mỗi bữa và con thật khó khăn phải nuốt trôi hết đồ ăn trong mồm trước khi HLV nạt hết giờ. Trong khi tập luyện thì không có chuyện ngồi nghỉ để thở. Mọi việc đều phải thao tác nhanh đúng quy định cho đến chiều tối về lán trại tắm rửa giặt quần áo rồi đi ngủ vào lúc 9 giờ. Hai ống chân con bị đau và sườn con bị thắt do di chuyển liên tục. Con sẽ xin thuốc ở trạm Y Tế để tự chữa, xin bố mẹ đừng lo và cầu nguyện cho con mau lành. Nhất định là con sẽ Pass thôi.

...Xa nhà xa những khuôn mặt thân quen con mới nhận ra gia đình mình là nơi tốt nhất trong đời mà con có được và sẽ luôn có được. Nhớ gửi hình cho con xem vì con nhớ bố mẹ và chị nhiều thật nhiều. Cầu nguyện cho con nhé!

Tôi gấp lại bức thư của con lòng bồi hồi... Nếu có thể gọi đây là bước ngoặt của thằng Út cũng không sai. Ít ra là lần đầu tôi thấy con mình chọn thử thách chính nó vào lúc mười bảy tuổi. Cái tuổi mà bất cứ cha mẹ nào cũng từng trải qua: háo hức, tò mò, nhiệt tâm, tràn sức sống nhưng cũng bỡ ngỡ chưa biết phải biết trái là gì.

Người ta nói đi Lính chỉ là một cái Job. Done the job and get paid. Tôi không nghĩ chỉ có thế. Không có cái Job nào bao quát những phẩm chất cao đẹp như tình đồng đội, lòng trung thành, kỷ luật và trọng danh dự như Job làm Lính. Hai đứa con tôi sinh ra ở Mỹ. Chúng nó được hít thở không khí tự do, uống nước và sống trên đất nước này. Tổ quốc và quê hương của chúng là United States of America, không sai. Bảo vệ và xây dựng đất nước này là điều chúng đã học từ mẫu giáo đến lớn khôn.

Tôi đã thấy tương lai của thế hệ sinh sau là một tương lai không có hận thù, không cay đắng nhưng là một tương lai chấp nhận khác biệt, chấp nhận sửa chữa để xã hội ngày một tốt hơn. Xã hội này sẽ ra sao nếu các bậc cha mẹ cứ áp đặt con cái theo tiêu chuẩn và định kiến của mình? Những điều chúng ta nên làm là chắp cánh cho các con bay vào tương lai. Bạn hãy mường tượng một ngày không xa chúng sẽ đủ sức để tự lập cho chúng một đời sống hạnh phúc và yên bình theo tiêu chuẩn của chúng, không phải tiêu chuẩn của bố mẹ. Điều đó thật tốt lành. Nước mắt chảy xuôi chẳng ai có thể đảo ngược lại được. Thế hệ chúng tôi, tuổi bốn năm bó, nửa nạc nửa mỡ nửa chừng Xuân còn mang quá nhiều định kiến. Tuy ở xứ Tự Do nhưng trái tim của chúng tôi vẫn còn giữ một góc quê hương Việt Nam khó phai nhoà. Mảng xám ký ức tuổi Hoa Đỏ, Hoa Xanh, Hoa Tím qua chiến tranh đau thương cùng chứng kiến sự đổi trắng thay đen của đất nước vẫn còn đó. Bốn mươi năm đã qua, năm nào vào tháng Tư cũng gợi lại cảm giác nhức buốt của vết thương khó lành...

Các con tôi thì không. Nếu ví cha mẹ là những chiếc cầu cho con bước tới

Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi Mẹ dắt con đi

Con thi trường Học, Mẹ thi trường Đời

Thì thế hệ chúng tôi sẽ qua đi để làm những con đường tiếp nối. Những con đường không gai nhọn không bùn lầy cho tương lai của con cái mai sau sống phục vụ xã hội, xây đắp một nước Hoa kỳ hùng mạnh tự do và nhân bản hơn.

...

Tôi kết thúc bức thư viết cho con trai:

...Những ngày này là một kinh nghiệm mà con sẽ phải trải qua. Dù muốn hay không chúng ta cũng phải học.

Hãy hứa với bố rằng con không Give Up khi đã chọn một con đường. We never know what are we capable of until we try. Hãy cố gắng. Con hãy xem gương ông Nội, dù bị tù đày nhưng ông Nội chưa bao giờ mất tư cách của một người Lính. Và điều đó đủ biến ông Nội trở thành HERO của riêng bố. Bố biết con cũng sẽ làm được như vậy. Con trai của Bố.

Bố Tin Ở Con.

Phi Yên

Ý kiến bạn đọc
14/08/201503:57:51
Khách
Dù tác giả chưa từng là lính nhưng là con nhà lính từ trong xương nên giọng văn đầy chất hào hùng & kiêu hãnh của quân đội VNCH. Chúc cho con trai bác Phiên sẽ luôn chân cứng đá mềm để trở thành 1 sĩ quan ưu tú như hàng trăm sĩ quan Mỹ gốc Việt đã, đang & sẽ làm rạng danh "Trai nước Việt" tại chiến trường quốc tế. Chúc mừng bác.
18/06/201502:59:27
Khách
Tác giả đã xử dụng chất liệu sống động hiện tại và hun đúc vào đó những quá khứ của VN mà thực tế của những GD HO đã trải nghiệm.
Đọc bài viết gây cho ta cảm xúc một nước Mỹ non trẻ mà đang cần những thanh niên ưu tú phụng sự tổ quốc , người con trai út của tác giả dù là cháu đích tôn vẫn sẵn sàng nhập ngũ để làm một người "lính" Hoa kỳ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,224,702
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến