Hôm nay,  

Út và Đại Út Cùng Đi Mỹ

10/09/201400:00:00(Xem: 13515)

Tác giả: Đỗ Xuân Tê
Bài số 4327-14-29727vb4091014

Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California. Bài mới của tác giả là chuyện về một người bạn tù, với ghi chú rằng, tuy hoàn cảnh là thật, nhưng tên nhân vật và sự việc hoàn toàn là hư cấu để tránh suy diễn đáng tiếc.

* * *

Tháng sáu trời mưa
tôi đưa em về
dưới quê
tôi đi học tập
hẹn nhau một tháng anh về
...
Một tháng chưa về
tôi ra ngoài Bắc
lại hẹn anh về
tháng sáu sang năm
...

Cứ vậy mà tôi và người phi công F5 Phan Anh cùng bao nhiêu số phận sau cái ngày tháng tư năm ấy lỗi hẹn với vợ và người yêu của mình trên dưới mười cái mùa mưa.

Nghe lời đường mật của bên thắng cuộc, tưởng đi một tháng lại về, không ngờ mưa Sài gòn đã đưa chân chúng tôi vào tử lộ. Gần bốn thập niên quay lưng nhìn lại, kẻ mất người còn lắm cảnh đau thương, nay qua chuyện này xin kể như một tấm gương về lòng độ lượng hiếm thấy với người vợ đầu gối tay ấp trong cảnh sa chân lỡ bước vì nghịch cảnh đổi đời sau tháng tư đen.

*

Con tàu Sông Hương đưa tôi và Phan Anh cùng khoảng trên dưới hai trăm sĩ quan rời Tân Cảng, ra khơi, trực chỉ biển Đông để đến một nơi vô định mà lúc đầu ai cũng đồn đoán là Côn Sơn hoặc một hòn đảo nào đó. Tàu đi lòng vòng nhằm đánh lạc hướng, tù nhân lại ở dưới hầm ăn ỉa tại chỗ nên càng khó giải mã điểm đến còn bao xa dù đã lênh đênh hơn ba ngày đêm trên sóng nước.

Chính vì không biết trước nên càng suy diễn lộ trình họ đưa chúng tôi đi biết đâu dẫn vào tử lộ, kết thúc số phận của những kẻ được liệt vào danh sách nợ máu qua vỏ bọc khoan hồng nhân đạo là học tập một tháng rồi về.

Chuyện không thể mà cũng thành có thể, vì trò tắm máu là có thật ở một nước láng giềng đã làm trước đó khi Pôn Pốt và bè lũ chiếm được Pnom Penh. Chính sách trả thù những viên chức chế độ cũ sau chiến tranh được kể như bài bản sao chép của cộng sản từ đông sang tây, nhẹ nhất là ở tù rồi chỉ định cư trú nơi rừng sâu nước độc, sa mạc hoang vu, nặng nhất là bị đày chung thân hoặc thủ tiêu trên sông trên biển.

Ai can thiệp cho chuyện này khi kẻ thua cuộc ở vào tình huống thân cô thế cô, các hàng binh rã đám đã ở thế vĩnh viễn chia tay với màu cờ sắc áo? Hàng thập niên sau nếu tỏ lộ thì chuyện đã rồi, các nạn nhân đã trở thành người thiên cổ. Mà cũng chẳng có tòa án quốc tế nào xử mấy cái vụ trả thù dã man này, nếu có thì lịch sử đã không lập lại các tội ác kiểu Cánh đồng tử thần (Campuchia) và Tháng tư đen (Việt nam) dù dư luận yêu chuộng hòa bình công lý chỉ đòi một lời xin lỗi công khai từ những thủ phạm có thật nhưng đã diễn trò ma giáo dấu tay.

Trở lại chuyến hải hành, lòng vòng hoài rồi tàu cũng phải cập bến.Viên cán bộ giọng Nghệ Tĩnh xuất hiện trên nóc hầm tầu dõng dạc tuyên bố, A-nô, a-nô, nghe đây, các anh đang ở trên lãnh thổ của nước Việt nam Dân chủ cộng hòa (lúc này quốc hội chưa đổi tên). Các anh phải nghiêm chỉnh thi hành lệnh của cán bộ. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các anh yên tâm học tập tốt lao động tốt sớm trở về xum họp với gia đình.

Lên khỏi hầm tàu đoàn tù không khó khăn khi nhận ra đây là cảng Vinh, một thành phố biển chẳng xa lạ gì với những người quen với bản đồ Việt, với Phan Anh thì nơi này gợi lại ký ức khó quên khi một lần năm 64 theo chân Phạm Phú Quốc ra Bắc oanh tạc, người chỉ huy ở lại còn anh thoát chết trở về.

Từ Vinh được phát cho ít đồ khô Trung quốc, biên chế lại đội ngũ cho đám tù lạc nhau khỏi kết bè kết đảng, đoàn tù được chuyển tiếp bằng đường xe lửa. Toa tàu bít bùng, trời tháng sáu hực lửa, thiếu nước, thiếu không khí, hai ông già cấp tá mới xuất viện chịu không nổi, chết ngộp trước khi đến ga Yên Bái, ga cuối của cuộc hành trình hãi hùng có một không hai.

Vì bám sát đuôi nhau, Phan Anh và tôi còn chung đội hình, cả hai cùng về một trại mới được dựng vội bằng tranh và tre nứa tạm trú cho tù chuyển từ Nam ra. Hai ngày sau học tập đâu không thấy, mỗi cá nhân được phát dao rựa lên non lao động ngay để lấy vật liệu làm thêm lán trại cho nhóm tù đến sau.

Những tháng ngày u ám trước mặt nơi rừng sâu đất Bắc chỉ có loài chim tu hú, anh em ta chẳng chịu an tâm, ngày về thăm Bác cứ ám ảnh khôn nguôi, lác đác đã có người tự chọn quyên sinh, đáng ngạc nhiên đa phần gốc Nam bộ đã từng vào sinh ra tử qua các chiến trường đẫm máu cả thù lẫn bạn.

Phan Anh vốn người gốc Huế anh như cam chịu số phận. Với anh, sống sót để trở về thôi thúc từ ước vọng muốn gặp lại mẹ nhiều hơn với gia đình, dù anh cũng thương yêu nhưng phần nào bỏ bê khi lấy không gian làm nhà và nghiệp bay làm lẽ sống, chưa kể số đào hoa các bóng hồng cứ vây phủ bao quanh.

Nhắc đến mẹ khi bà hay tin con ra Bắc đã nhắn con dâu dặn chồng đừng bao giờ trốn trại, dễ bị cọp bắt hết đường về với mẹ. Ít năm sau cọp chưa bắt thì bà cụ đã về với tổ tiên. Dò xét tâm tư, tôi biết Phan Anh bình thường tinh thần rất vững đã bị suy xụp sau ngày hay tin mẹ mất.

Còn tôi một kẻ Bắc kỳ di cư tưởng bỏ đi rồi chẳng bao giờ trở lại, nay trong cảnh bị bắt cóc bỏ dĩa không còn sự chọn lựa nào hơn là ai sao mình vậy nín thở qua sông, mong có ngày về với người vợ trẻ một nách bốn con thơ.

Phan Anh và tôi như có cái duyên, cả hai được biên chế về đội nhà bếp sau mấy tháng lao động trên non. Tôi lo khâu củi anh lo khâu cơm. Chuyện không ngờ người chuyên lái khu trục lại có tài... mổ trâu khi trại có mục “ăn tươi” những ngày lễ lớn. Anh xuống tay rất ngọt, nhưng có một lần giết lầm con trâu có thai, cán bộ nhà bếp thì mừng vì có thêm con nghé bao tử, nhưng anh và tôi đều xám mặt vì người miền Nam vẫn dị đoan sợ điều xui xẻo giết lầm con trâu có chửa chẳng khác gì sát hại thêm một thai nhi. Trước mắt cái bào thai trâu coi như phần lời không dành cho trại viên và được cấp cho đám vệ binh nấu nướng ngoài luồng.

Cũng trong những ngày làm bếp, Phan Anh và tôi có dịp tâm sự cùng nhau. Anh chia sẻ nhiều cho một người tâm tư ưa dấu kín. Tất nhiên Huế và những cuộc tình vẫn là những ký ức khó quên. Huế cũng chẳng xa lạ gì khi trước ngày tàn cuộc đơn vị tôi theo lệnh của Phủ đầu rồng ra trấn giữ lãnh thổ địa đầu như những anh lính trên non gác giặc trải dài từ sông Mỹ chánh đến cửa Thuận an.

Để qua một bên những mảnh tình chợt đến rồi đi, mà đa phần các phi công hào hoa thời chiến -sáng bay chiều đã Tổ quốc ghi ơn- đều ít nhiều vương víu, cuộc tình rồi dẫn đến hôn nhân của Phan Anh và người vợ đầu gối tay ấp được kể như một chuyện tình khá thơ mộng nơi chốn cố đô.

Thơ mộng vì hai kẻ yêu nhau ở tuổi học trò từ ngày chàng chưa vương áo lính, nàng một thời không thi sắc đẹp nhưng được trầm trồ như dạng hoa khôi. Tuy cùng trường nhưng sinh sống khác thôn, một bên này sông gần đất Kim Liên, một bên kia sông cuối dốc Trường Tiền. Hai nhà hai cảnh, bên trai có phần sa sút nhưng gia giáo lễ nghi, bên gái đang thời có quyền có chức, nhưng hai kẻ cứ đến với nhau theo tiếng gọi của con tim. Suýt không lấy được nhau vì nhà gái sợ con rể tương lai theo đuổi nghiệp bay rủi ro chết yểu, nhà trai sợ con trai có vợ vợ đẹp là vợ người ta, thông gia lại trên vai vế, thôi thì tìm người gần gũi cảnh nhà cho dễ bề đối xử. Họ có với nhau một mặt con, đứa trai vừa vào mẫu giáo khi Phan Anh giã từ vũ khí. Cô vợ trở thành cô giáo bên cạnh ông chồng do thâm niên bay bổng có lúc đã nắm một phi đoàn tác chiến đóng ở miền Trung.

Cứ nghe và đánh giá tôi thầm khen Phan Anh tốt số, bao năm tù đầy vẫn còn vợ thăm nuôi, trong khi ấy thiếu gì cảnh giữa đường dang dở, vợ của mình thành vợ người ta, chồng của mình bỗng dưng bị giựt hoảng. Cho đến một hôm vào bảy năm sau, trùng thời điểm chúng tôi được chuyển về Nam, Phan Anh và tôi vẫn như cặp bài trùng ở cùng một đội, tuy chưa được về nhưng vẫn chia sẻ buồn vui, no đói có nhau.

Phan Anh được vợ lên thăm dắt theo thằng con nhỏ. Lúc này qui chế trại tù có phần dễ thở, anh thuộc loại chấp hành tốt nội qui được cán bộ trại cho hai lần ra gặp vợ, tuy thời lượng gặp nhau có phần ngắn ngủi.

Sáng hôm trước khi trở về từ nhà thăm nuôi, Phan Anh mang theo bịch quà khá nặng, nhưng sắc mặt đăm chiêu như có chuyện không vui. Tối đi lao động về tôi chủ động khơi mào câu chuyện. Anh chỉ túi quà nói cứ ăn đi rồi sẽ nói chuyện sau. Bình thường anh rất lạc quan, tính tình điềm đạm, chẳng phải mình tôi mà bạn bè rất quí anh dù phải sống trong hoàn cảnh dễ gây bức bối, không biết tự chế cũng hay sinh chuyện. Nhưng sao hôm nay anh như kín tiếng, ngồi hút thuốc lá, bao thuốc vợ vừa tiếp tế, rồi cứ lặng im làm tôi mất hứng cũng chẳng muốn ăn.

Đang lúc tôi ăn nốt quả chuối, Phan Anh dụi tắt điếu thuốc, bật giọng, moa muốn hỏi ý kiến cậu một việc, chuyện ta bàn xin cậu giữ kín dùm moa. Tôi như bị hụt hẫng, có gì cậu cứ nói, cậu biết tính tôi, người không hở chuyện mở miệng không khai.

Vậy là chuyện được Phan Anh kể lại bằng một giọng điềm đạm, nghe như anh đang kể chuyện người khác.

Không gian là nhà thăm nuôi, nhân vật là Phan Anh và vợ, thêm thằng con nhỏ. Viên cán bộ thăm nuôi ngồi ở xa, hình như vợ Phan Anh đã lót tay mấy bao thuốc ngoại. Câu chuyện lúc đầu thăm hỏi sinh hoạt ở nhà, có lúc buột miệng Phan Anh tỏ lộ anh sắp được tha dịp 2-9, không hiểu anh lấy tin này ở đâu, nhưng thằng nhỏ nghe được không vui lại...bật khóc. Cô vợ cũng chưng hửng kéo thằng nhỏ hỏi cớ sự, sao con lại khóc? Thằng con nói con sợ ba về ba sẽ đuổi em con.

Khúc mắc là ở chỗ này, con sợ ba về ba sẽ đuổi em con. Thấy không thể dấu diếm sự thể, vợ Phan Anh bảo thằng nhỏ ra ngoài cho dễ bề hai vợ chồng nói chuyện. Cô chủ tâm khai hết, một lần rồi thôi, chồng cô sẽ về trước sau rồi cũng đối mặt với sự thật, cô đã có thai và đẻ ra một đứa trai sau ba năm ngày chồng ra Bắc.

Đầu đuôi câu chuyện Phan Anh kể lại với tôi sao bình thản như quay lại một phim truyện, anh kể chi tiết như những gì cô vợ thuật lại với anh. Chuyện chẳng vui nên tóm tắt đại để tình huống cũng đã từng xảy ra ở những gia đình khác có chồng đi tù cải tạo.

Do hoàn cảnh phải chạy ăn dưới xã hội mới, buôn chạy bán chui có lúc sa cơ lơ vận mất vốn, nợ nần, lại bị bọn công an, cai thuế lúc o ép lúc tỉ tê, chỉ vì phút yếu lòng nên thất thân mang họa. Vợ Phan Anh vừa trẻ vừa đẹp dễ bị coi là mồi ngon giữa chốn chợ đông. Cụ thể mà nói cô thất thân với tên cán bộ thuế, nhưng trớ trêu thay ở chỗ hắn lại thực tình yêu cô và có cưu mang cho hai mẹ con kể cả cho thằng con rơi, mà thằng nhỏ con Phan Anh do tình máu mủ lại rất yêu thương và đùm bọc đứa em. Chính vậy mà nó khóc sợ ba nó về, không thương em nó nên nó sẽ phải xa em.

Lòng vòng câu chuyện như vậy mới chỉ là hồi phụ, kịch bản hồi sau mới là chỗ muốn bàn. Cô vợ kể sự thật, lúc này chẳng cần thanh minh cầu xin tha thứ những chuyện đã qua, cô thẳng thắn học lại việc thằng nhỏ vừa khóc và xin Phan Anh suy nghĩ như một tối hậu thư: nếu anh còn thương em, thương con, thì cho em được nối lại tình xưa, nếu thấy em có lỗi không thể tha thứ thì khi anh được tha về xin hai đứa chia tay, em thông cảm điều này do đã xúc phạm tình cảm của anh, con của anh chúng ta cùng nuôi dù sao nó đã hiểu và con anh vẫn là của anh.

Cái khó xử cho Phan Anh là cô vợ xin anh vào trại đêm nay suy nghĩ cho chín. Nếu anh tha thứ bỏ qua thì ngày mai xin ra gặp lại, nếu không thì mẹ con cô về và vĩnh viễn chia tay.

Tôi được vào cuộc ở khúc quanh này, một hân hạnh được bạn tin yêu, nhưng khó cho tôi là biết khuyên bạn thế nào nếu tôi là người trong cuộc?

Mỗi nhà mỗi cảnh, hạnh phúc thì giống nhau nhưng bất hạnh thì rất đỗi riêng tư. Tôi đọc triết lý này của một nhà văn Nga nên chỉ vắn tắt khuyên Phan Anh hỏi lại chính con tim của mình, nghe sự mách bảo của nó, nếu còn yêu K.H. thì nên tha thứ, nếu không thì chấp nhận đau thương.

Đêm đã khuya, nội qui không cho phép to nhỏ riêng tư, chúng tôi đi ngủ. Tôi biết đêm ấy Phan Anh mất ngủ, những cựa mình thao thức như biểu hiện của niềm ray rứt khó nguôi, chia tay thì giản dị bình thường, làm ngược lại mới là phi thường nhưng ít ai muốn chọn.

Sáng hôm sau, trước giờ lao động, gọi tên thăm nuôi có tên Phan Anh. Lạ là anh vẫn mặc đồ lao động, mặc nhiên chẳng cần suy đoán tôi hiểu là anh sẽ từ chối thăm thêm. Nhưng lạ hơn là người tù có tên vừa gọi lững thững rời khỏi hàng bước theo người cán bộ. Tôi thả trí hướng về nhà thăm nuôi tửơng tượng đoạn phim khi thấy bóng Phan Anh từ xa, hai mẹ con sẽ rơi nước mắt vì không còn gì hạnh phúc hơn cho những phút tưởng chừng như mất khi người chồng người cha có lòng độ lượng vô biên.

Hai năm sau, cũng 2-9, tôi được tha và có dịp thăm anh. Cảnh nhà có phần tươm tất vì anh đã kiếm được một chân vẽ họa đồ cho một công ty xây dựng. Vợ anh không có nhà, vẫn đi buôn bán chợ trời, tôi chỉ gặp hai thằng trai, một giống Phan Anh, một hao hao giống mẹ như có dịp tôi nhìn qua ảnh. Như để tôi khỏi thắc mắc, anh vui vẻ giới thiệu, đây là thằng út của moa, còn đây là thằng...đại út.

Ít năm sau gia đình Phan Anh đi Mỹ theo diện nhân đạo dành cho cựu tù cải tạo. Dù mang họ mẹ, sanh sau 75, nhưng chung hộ khẩu, thằng đại út cũng có tên trên danh sách chuyến bay.

Vậy là cả Út và Đại Út đều đã có cơ hội thành người Mỹ gốc Việt. Thừa hưởng được bài học từ ông bố rộng lượng, chắc hai anh em khi trưởng thành sẽ thương quí nhau hơn.

Chuyện xin khép lại bằng mừng người bạn đồng hành của tôi đã cùng gia đình vượt qua được những ngày u ám. Xin gửi lời chúc lành tới anh chị Phan Anh.

viết tặng nhà báo H. Đ.

Đỗ Xuân Tê

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,101,420
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến