Hôm nay,  

Xem Ciné Ở Mỹ

19/08/201400:00:00(Xem: 11246)

Tác giả: Nguyễn Tài Ngọc
Bài số 4305-14-29705vb3081914

Tác giả, cư dân SimiValley, Nam California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012,với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ, trong số này có các bài "Coi Dọn Dẹp Xưởng Chế Tạo Hỏa Tiễn," và "Nằm Trong Hộp Gỗ, Trông Lên." Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số vừa thành sách "Xin Em Tấm Hình." Có thể đọc nhiều bài khác của ông trên mạng tại: http://saigonocean.com/trangNguyenTaiNgoc.

* * *

Sau bao nhiêu tuần trì hoãn như e sợ cuối cùng hẹn gặp một cô bồ chỉ biết qua email mà không biết mặt mũi ra sao, ngây thơ như Ngọc Hân Công Chúa hay già giặn như bà Năm Sa-Đéc, hôm nay tôi quyết định đi xem ciné.

Tôi đã hỏi vợ tôi có muốn cùng đi hay không, nhưng vợ tôi từ chối vì nàng nói chốc nữa sẽ đi gym tập thể dục và xem ciné phim tình cảm ở đó. Gym nơi nàng tập thể dục có một phòng chiếu phim, thay vì có hàng ghế ngồi thì có chừng 40 máy treadmill đi bộ. Khách vừa đi trên treadmill tập thể dục, vừa xem ciné.

Phim xem ở đây không phải đang chiếu ở rạp, mà là phim đã chiếu ở rạp rồi sáu tháng hay một năm sau tung ra thị trường bán dưới dạng DVD. Vợ tôi muốn xuống cân nên thích xem ciné kiểu này, vừa xem vừa đạp xe đạp hay đi bộ hộc xì dầu, xuống mấy nghìn ca-lô-ri thay vì vào rạp ciné đã không xuống ký mà còn lên cân vì mua bắp rang ăn và uống nước ngọt CocaCola mệt nghỉ (rạp hát gần nhà tôi để máy bán nước bên ngoài quầy, khách mua thì được đưa một ly giấy, khách tự động đến bấm nút soda mình muốn, uống bao nhiêu cũng được).

Khi nói về màn ảnh đại vĩ tuyến Eastmancolor, hai vợ chồng tôi như người ở đầu sông Cầu Ông Lãnh, người ở cuối sông Cầu Ông Lãnh, chí lớn không bao giờ gặp nhau ở giữa sông Tương. Tôi chỉ thích xem phim đấm đá action "Máu nhuộm trước sân chùa", "Bốn nữ sát thủ khêu gợi", "Vợ tôi báo thù", "Tìm đường tẩu thoát khi bồ nổi giận", "Em đẹp kinh hoàng", trong khi vợ tôi chỉ thích xem phim tình cảm "Em đi anh ở lại nhà nấu cơm", "Yêu anh vì anh yêu em", "Cuộc tình thứ mười chín", "Hoa nở tối ngày", "Sao anh hổng nói?", thành thử để cho nàng tự do, tôi đi xem ciné một mình.

Người ta đi xem ciné thông thường rủ thêm người khác đi cho vui, nhưng tôi thích đơn độc nên đi xem một mình không là một vấn đề. Hơn nữa, 30 năm lấy nhau đi đâu lúc nào cũng có vợ đi theo để nàng vừa đóng vai người tình, vừa đóng vai gián điệp CIA nữ điệp viên 009 xem xét những hành vi khả nghi mờ ám của chồng với phụ nữ trên khắp vùng chiến thuật, vừa làm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện tuyên án mười năm khổ sai khi phạm nhân phạm lỗi, vừa làm Giám Đốc Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa theo dõi tù nhân thi hành án lệnh, nên có được vài giây phút không có Tổng Tư Lệnh Quốc gia đi theo thì không khác gì trúng số độc đắc.

Sống ở xứ Mỹ sung túc nên đôi khi một người quên đi quá khứ khó khăn. Mặc dù có lúc tôi quên, nhưng trong tâm khảm tôi luôn nhớ đến những năm nghèo khổ ở quê nhà trước 1975. Ciné là một thí dụ điển hình. Ở bên Mỹ leo lên xe hơi lái một vèo ra rạp mua vé vào xem chỉ có 12 dollars, nhưng ngày xưa ở SàiGòn đi xem ciné đối với tôi là cả một xa xí phẩm. Nhất là thời còn bé không được dịp bước chân vào rạp hát, chỉ xem phim tuyên truyền đen trắng mà tôi say mê theo dõi, tiếc hùi hụi khi phim chấm dứt.

Lúc tôi 5, 6 tuổi có một thời gian khoảng vài ba tháng mỗi Thứ Bẩy họ đem máy chiếu phim, dựng một màn ảnh ở bãi sân rộng trước chùa Phước Hòa gần chợ Bàn Cờ, rồi chiếu phim thời sự đen trắng loại ở rạp ciné thời bấy giờ chiếu trước khi xem phim chính: "Ngày mùng 5 tháng 10 vừa qua, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý ở ấp chiến lược...", "Tổng Thống Ngô Đình Diệm cắt băng khánh thành trường tiểu học...." Mục kích được hình người, xe cộ di chuyển, và có cả âm thanh trên màn ảnh là một phép lạ nhiệm mầu dưới con mắt ngây thơ bé bỏng của tôi, dù rằng hình ảnh tôi xem không có mầu, không phải là một câu chuyện, mà là tin tức "chiếc áo mầu đen là mầu cán bộ....".

Mở cửa garage vào xe sau khi hỏi vợ một lần nữa có đổi ý muốn đi hay không và nàng vẫn từ chối không đi, tôi lái xe đến rạp ciné, cách nhà chỉ có 15 phút. Ciné nơi tôi đi xem có 16 rạp. Bây giờ rạp ciné nào chỉ có một rạp (một màn ảnh) thì trở thành khủng long thời tiền sử, biến mất gần hết trên thị trường Mỹ. Thay vào đó, rạp ciné mới bây giờ trung bình thường có 16 đến 30 rạp nhỏ, chiếu ít nhất mười phim cùng một lúc.

Rạp ciné có nhiều rạp nhỏ với ghế ngồi trên sàn phẳng không cao thấp, bây giờ lỗi thời, tiếng Anh gọi là multiplex. Rạp ciné thông dụng hiện hành bây giờ có rất nhiều rạp nhỏ ít nhất từ 12 rạp trở lên với ghế ngồi từ thấp lên cao auditorium seating (nói "nhỏ" nhưng thật sự rạp cũng to với cả trăm ghế ngồi), tiếng Anh gọi là megaplex.

Tôi không thích loại ciné mới ghế ngồi từ cao xuống thấp vì dẫn vợ đi không dễ gì dở trò sờ soạng trong bóng tối, trong khi nếu tất cả ghế ngồi bằng nhau thì mình chìm hẳn trong vũng lầy phù sa, dở trò du kích ôm bồ không sợ gớm tay người ngồi đằng trước đằng sau không thể nào thấy hành động bất chính của mình, trừ khi họ liên lạc với CIA gửi máy bay không người lái drone bay lên không phận ciné thám thính hành vi đen tối của khán giả.

Giá vé trước 6 giờ chiều là $10 dollars. Tiếng Anh suất daytime này gọi là matinee (ma-ti-ni). Sau đó là $12 dollars. So với những rạp ciné mới ở SàiGòn bây giờ giá từ $3 đến $5 dollars thì bên Mỹ quá rẻ.

blank
Vừa đi bộ trên máy vừa coi phim.

Ngày xưa học lớp Đệ Lục năm 1972, tôi còn nhớ rất rõ là tôi chỉ có tiền đi xem ở rạp rẻ nhất thế giới Việt Nam Cộng Hòa là rạp Đại Đồng trên đường Cao Thắng, và chỉ xem được xuất chiếu hai phim vào buổi sáng. Sau 12 giờ trưa cho đến tối giá vé đắt gấp đôi, 60 đồng thay vì 30 đồng. Tôi không phải là loại người thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, nên thà chỉ tiêu 30 đồng mà được đi xem hai lần, còn hơn là bỏ 60 đồng chỉ xem được một lần vào buổi chiều.

Cá tính cần kiệm của người ta không thể nào bỏ được. Ngày xưa thuở mới quen nhau tôi thường rủ vợ tôi đi xem ciné vào ban tối không-cần-biết-giá-đắt-đến-đâu để cho bồ biết mình là dân shang; thế nhưng bây giờ lấy nhau 30 năm ván đã đóng thuyền, thuyền có đắm thì chỉ chết theo thuyền chứ không thể nào bơi vào đất cạn sống sót trở về trên đường làng tươi mát nên mỗi lần rủ vợ đi ciné, tôi thường đánh thức nàng dậy vào lúc gà gáy sáng sớm bình minh để kịp đi xem suất đầu cho rẻ.

Ở Mỹ ai cũng lái xe hơi nên cơ sở doanh thương nào cũng phải có chỗ đậu xe. Siêu thị và rạp ciné là hai nơi có chỗ đậu xe nhiều nhất nên tìm chỗ đậu không mấy khó khăn.

Tôi thích rạp ciné trước 1975 vì rạp nào cũng có bảng tranh khổng lồ gắn trước rạp vẽ tựa đề và một cảnh trong phim.

Ở trong rạp thì bốn bên tường, trước cửa ra vào, hai bên quầy bán vé trưng bày nhiều photos phim đang chiếu hay sắp chiếu. Gần quầy bán vé lúc nào cũng có giấy khổ to đủ mầu in tóm tắt chuyện phim. cả những yếu tố này kích thích người đi đường nâng cao lòng bồn chồn chờ khi phim trình chiếu sẽ đi xem.

Trước 1975 ở SàiGòn đến rạp ciné hào hứng, thích thú bấy nhiêu thì ở thành phố nhỏ tôi ở bên Mỹ cái kinh nghiệm ấy lại càng buồn tẻ bấy nhiêu. Không có bảng vẽ tranh sơn dầu to khổng lồ trưng bày ở mặt tiền mà chỉ có vài bích chương nhỏ quảng cáo phim.

Không có photo, giấy tóm tắt chuyện phim. Không có người đông ồn ào, tất cả vắng lặng như chùa bà Đanh. Nếu ai nhìn lầm rạp ciné ở Simi Valley là nhà quàn thì chắc cũng không sai mấy.

Có một sự việc tôi không hiểu tại sao rạp ciné Mỹ chỉ bán bắp rang mặn muối với bơ, không nơi nào bán bắp rang ngào đường. Đi xem ciné không bán bắp rang ngọt như đám cưới thiếu cô dâu, như giường nằm thiếu nệm, như cua rang muối thiếu cua. Cả một sự thiếu xót lớn lao làm sự chú ý của khán giả lung lay khi xem phim, người yếu tinh thần có thể phải xin nhập viện vào nhà thương Chợ Quán.

Một khi đã trình vé vào trong rạp, trên nguyên tắc mua một vé thì chỉ xem được một phim, nhưng khách có ở cho đến một giờ sáng khi rạp đóng cửa xem liền tù tì mười phim từ rạp này sang rạp khác thì cũng chẳng ai nói, chẳng ai soát vé (Ở đây tôi chỉ nói về rạp hát tỉnh lẻ Simi Valley của tôi, chứ còn những rạp hát Mỹ ở khu phố đông dân cư thì chắc không có chuyện này). Lý do nhân viên không kiểm soát vì họ hy vọng ở càng lâu khách càng đói bụng, không thể ra ngoài mua phở Pasteur hay bánh cuốn Tây Hồ nên khách bắt buộc phải mua bắp rang muối trộn bơ của rạp ciné bán để ăn lót dạ.

Khoảng mười năm trở lại đây, tôi không còn hào hứng xem phim ở ngoài rạp nữa, vì nhiều lý do. Ngày xưa khi còn ở Việt Nam tôi mê xem ciné vì tôi có cảm tưởng lạc vào một thế giới kỳ lạ không giống xã hội nơi mình ở. Tiếng Pháp, tiếng Anh của các tài tử trong phim Âu Mỹ nghe thật hay. Đặc biệt tiếng Anh lúc nào nghe tôi cũng có cảm tưởng là ngôn ngữ của họ bắt đầu toàn là bằng vần"shì, shì". Tuy rằng không hiểu nhưng tôi nghe say mê, mặc dù đôi lúc phải đọc phụ đề Việt ngữ trối chết. Các tài tử Tây Phương da trắng đẹp trai, đẹp gái, ai ai cũng cao lớn so với người Việt Nam.

Sang Mỹ ở gần 40 năm, mắt tôi quen nhìn người da trắng nên không còn thấy lạ. Tôi không còn thấy ai cũng đẹp mà thấy có người trời cho không được đẹp. Màn ảnh đại vĩ tuyến trong ciné ngày xưa làm tôi có cảm tưởng tài tử ai cũng to lớn nhưng thật ra tôi gặp ngoài đời nhiều người nhỏ con hơn tôi. Ciné thổi phồng chiều cao của tài tử, nhất là những cảnh đóng trong phim trường studio vì nhà cửa, khung cửa, họ xây theo tỷ lệ nhỏ bằng 3/4 thật sự ngoài đời. Lý do là để khi quay phim với bối cảnh nhà cửa chung quanh, nhất là gần khung cửa lớn hay cửa sổ, vì nó nhỏ bằng 3/4 khung cửa thật, các tài tử sẽ trông cao hơn bình thường.

blank
Khu trước rạp cine bình thường vắng tanh.

Đường phố, xe hơi nhà lầu ngày xưa xem phim tôi cứ mường tượng ở một hành tinh nào, bây giờ chính tôi sống trong đó nên không còn thấy lạ. Cái ngôn ngữ toàn là tiếng "shì, shì" ngày xưa tôi nghe say mê vì không hiểu, bây giờ chính tôi có thể nói. Khi nghe một cuộc đàm thoại bằng tiếng Anh, tai tôi không còn nghe những âm "shì, shì", mà chỉ nghe những chữ bình thường riêng rẽ. Do đó, tôi không còn thấy tài tử Mỹ trên màn ảnh ciné khác tôi một tí gì khi nói chuyện.

Tôi may mắn xem họ đóng phim một vài lần ở ngoài đường, cảnh đánh nhau thật là giả tạo. Trên màn ảnh khán giả xem sống động vì họ cho thêm vào nhạc và âm thanh, và càng ngày càng dùng nhiều computer-generated imagery (CGI) (computer tạo ra hình ảnh). Những phim mấy năm trước đây dùng CGI làm cách mạng thay đổi hẳn cách làm phim là Avator, The Matrix, Lords of the Rings, Titanic, Toy Story, Jurassic Park.... Đi xem ciné mà trong đầu cứ nghĩ là cảnh giả tạo thì mất hay.

Bao nhiêu lý do tôi đã liệt kê làm cho tôi bây giờ không còn hồ hởi đi ra ngoài rạp xem ciné, và đó là tại sao ở phần đầu của bài viết, tôi chần chừ do dự quyết định có đi xem ciné hay là không.

Lần này tôi xem hai phim: Dawn of the Planet of the Apes - Bình minh của hành tinh khỉ và Guardians of the Galaxy - Vệ binh dải ngân hà.

Guardians of the Galaxy là phim sci-fi (science fiction). Thú thật là tôi không thích xem loại phim khoa học giả tưởng phi thuyền quá mức tân kỳ bắn nhau, và người trên những hành tinh khác là thú vật, như trong phim này. Khoa học giả tưởng kiểu như thế thật là xem thường bộ óc kiến thức của tôi, dù rằng mức độ thông minh của tôi thấp còn hơn Thung Lũng Chết ở California (Death Valley), cao độ là trừ 282 feet (86 m) thấp hơn mặt biển.

Dawn of the Planet of the Apes tương đối hay. Đây là phim thứ tám về hành tinh khỉ từ khi phim đầu tiên Planet of the Apes với tài tử chính là Charlton Heston ra mắt vào năm 1968. Phim đầu tiên này hốt bạc và vì thế họ cứ liên tiếp đóng thêm những phim khác.

Khi mới sang Mỹ xem phim Planet of the Apes lần đầu tiên trên TV, tôi rất mê vì thấy lạ: họ hóa trang người ta thật giống khỉ. Lúc ấy diễn viên chỉ mang mặt nạ khỉ mà khán giả còn thấy giống, huống gì bây giờ 46 năm sau, với kỹ thuật CGI tột đỉnh, diễn viên đóng phim nhưng computer "biến" người ta thành khỉ trong giai đoạn hoàn chỉnh, khán giả nào vào xem phim bảo đảm sẽ há hốc mồm kinh ngạc.

Ngồi vào trong rạp khi ánh đèn còn mở tờ mờ, xem những đoạn phim ngắn quảng cáo cho phim sắp ra trước khi phim chính Dawn of the Planet of the Apes chiếu, tôi đã có thái độ dửng dưng đi xem ciné là để qua thì giờ, không hào hứng như đi Las Vegas xem vũ sexy Jubilee! ở khách sạn Bally's. Thế nhưng khi đèn đuốc tắt hẳn tối om, cả rạp im lặng, phim Dawn of the Planet of the Apesbắt đầu chiếu, tôi lâm vào mê hồn trận mê mẩn tâm hồn say mê theo dõi từ đầu đến cuối vì những con khỉ 100% giống thật, không sai trật một tí nào.

Sự say mê của tôi khi rạp tắt đèn bên trong đen ngòm bắt đầu chiếu phim chính không khác gì chuyện của vợ chồng chúng tôi. Ban ngày chẳng có gì hào hứng nhưng mọi sự thay đổi một khi trời trở tối màn đêm buông xuống.... (tòa soạn tự ý kiểm duyệt và đục bỏ).

Nguyễn Tài Ngọc

Ý kiến bạn đọc
27/08/201418:18:42
Khách
Phải chi tác giả dúng chữ dã nhân = ape thay ví khỉ = monkey thì hay biết mấy vì Planet of the Ape phải dịch là Hành Tinh Dã Nhân chứ không phải khỉ (monkey). Xin đừng bắt chước lối dịch thuật của lủ vc bên VN. Ví dụ như Washington Post tụi vc dịch là Bưu Điện Washington (Hoa Thịnh Đốn). Post ở đây đâu có nghĩa là bưu điện! Thật là bó tay với cái văn hóa 1/2 tàu cộng; 1/2 việt cộng!
Tiện đây xin tất cả Người Việt Quốc Gia tị nạn cs ở hải ngoại, hãy tẩy chay không dùng những từ ngữ ngoại lai của bọn csvn bán nước cho tàu cộng!
19/08/201416:37:30
Khách
Sao tui cũng giống hoàn cảnh tác giả lâu lâu đi vô rạp coi film mình ên lý do bà xã hổng thích xem film action giống mình.
Bài viết vui, hay hay. Thank you very nhiều. Mong đọc bài sau.
Hai Hoang
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,250,504
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến