Hôm nay,  

Trẩy Hội Đào Tiên

16/08/201400:00:00(Xem: 8850)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4302-14-29702vb7081614

Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, năm 62 tuổi, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University và trở thành bà giáo tại Marysville, một thành phố cổ nhất của Caliofornia ở Bắc tiểu bang. Phương Hoa đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sang năm 2014, bà góp thêm 14 bài mới, cho thấy sức viết mạnh mẽ. Với loạt bài về “Vietnam Museum, Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên,” tác giả tiếp tục vào danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Tuần trước, tôi theo ông xã đi Walmart mua ít dụng cụ để cuối tuần cùng vợ chồng bà bạn Calar đi câu cá. Chúng tôi đã đi với họ nhiều lần rồi, nhưng câu thì có mà cá thì không, nên ráng lần nữa thử xem sao. Về đến nhà ra khỏi xe gặp ông hàng xóm Bob cũng vừa đi bộ về. Bước thấp bước cao ông vung vẩy cây can tiến về phía chúng tôi.

- “Hey guys! Ngày…mai… có…có… Hội Đào Tiên ở Downtown đó, nhớ đi xem nghe!”

Bob nói, cà lăm cà lặp. Ông cũng đã trên bảy chục, bị tai biến suýt chết cách đây mấy năm, nên giọng nói bị rút lại và chân đi khập khễnh. Nhưng ông có một sự kiên nhẫn vô bờ mà chúng tôi luôn khâm phục. Sau lần thoát chết đó, ông nghe lời bác sĩ, ăn uống cẩn thận và đi bộ mỗi ngày. Sáu giờ sáng ông thức dậy đi bộ trên bờ đê một giờ rưỡi, buổi chiều cơm nước xong bảy giờ ông đi bộ cũng một thời gian như thế. Lập đi lập lại như chiếc đồng hồ không sai tí nào. Ông đi thật nhanh, tuy bước chân không đều nên luôn cầm theo cây can cho vững. Nhiều lần tôi thử thi với ông nhưng dù vừa đi vừa chạy tôi cũng không tài nào đuổi kịp. Có lẽ nhờ vậy mà mấy năm nay ông khỏe hẳn ra, không còn phải lo lắng về cái quả tim nữa.

- Ồ vậy sao? Nhà tôi nói. –Vậy thì năm nay chúng tôi nhất quyết phải đi xem mới được. Cám ơn Bob nha!

Tôi nghiệp Bob, ông là “nguồn thông tin” nhạy bén nhất, thường thông báo cho chúng tôi về những sự kiện xảy ra trong thành phố. Sống ở đây cũng đã mấy năm mà chúng tôi chưa hề gặp một người Việt nào, xoay trái xoay phải gì cũng “đụng” Mỹ, nên làm quen và chơi với những người bạn mắt xanh này cho đỡ cô đơn. Thực ra quen bạn Mỹ học được rất nhiều điều thú vị, tuy cũng có lắm…nỗi niềm. Mỗi khi trò chuyện phải “ngước đầu nghểnh cổ,” vì mình đứng chỉ tới nách họ. Khi họ nói mình phải “vểnh tai” để lắng nghe, và nói chuyện với họ thì phải kiêm thêm cái mục khoa tay múa chân, rồi…méo miệng khua mồm đến trẹo cả lưỡi. Nhưng như vậy lại hóa hay, tôi tự an ủi thế, vì có cơ hội tập thể dục toàn phần, đầu mình tứ chi tai mũi họng gì cũng đều phải “quớt” tuốt.

Đã trải qua hai mùa Hội Đào Tiên ở xứ này nhưng chúng tôi vì kẹt chuyện khác nên chưa một lần tham dự. Đây là lễ hội “Peach Festival” của người Mỹ, mà “peach” trong tự điển là “trái đào” còn “Tiên” là tôi chêm vào để…phong tước cho loại trái cây đẹp mượt mà này. Chẳng phải trái đào da dẻ hồng hào và mơn mởn như làn da của các cô Tiên, nhìn là muốn “cắn” –nói theo cánh húi cua– đó sao. Theo lời ông Bob, lễ hội Đào Tiên năm nay có nhiều mục hấp dẫn lắm. Ngoài việc trình diện đào tươi và các loại thức ăn ra, còn có chương trình văn nghệ đặc sắc nữa. Tôi bị có tật ham vui, gặp chuyện ăn uống và văn nghệ văn gừng là bắt “đúng đài,” tội gì mà không tới!

Thứ Bảy, ngày thứ nhì của lễ hội, tôi và ông xã tháp tùng Bob, khăn gói lên đường đi “trẩy hội Đào Tiên.” Vì nhà gần, chúng tôi hè nhau cuốc bộ, vừa để khỏi vất vả đậu xe, vừa “cột miệng” cái hầu bao khỏi làm giàu cho hảng xăng Shell, nhưng điểm chính vẫn là thể dục thể thao bất cứ khi nào có thể.

Từ đại lộ số 10 chúng tôi băng qua rừng cây rồi đi dọc theo bờ hồ Ellis Lake. Đây là hồ thiên nhiên do nước từ dòng sông Feather River tràn vào và được bàn tay người tân tạo lại từ năm 1924. Hồ Ellis quá rộng lớn so với cái thành phố bé xíu này, đi bộ giáp một vòng từ đầu đến cuối cũng phải mất hơn một giờ. Để giữ cho hồ được sạch, mỗi tuần thành phố phải bơm nước vào đến 44 tiếng đồng hồ. Đi dọc bờ hồ cũng là sở thích của tôi, vì chỉ cách mấy chòm cây xanh cổ thụ bao bọc quanh hồ, mà không gian nơi này như tách biệt với sự nhộn nhịp bên ngoài đại lộ.

Sáng hôm nay bầu trời quang đãng, trong xanh không một gợn mây. Vài cơn gió nhẹ hiu hiu dịu dàng mơn man qua mặt hồ phẳng lặng khiến cho làn nước xanh e ấp, lấp lánh vẻ thẹn thùng. Từng đàn ngỗng và vịt hoang đang đùa vui chí chóe trên hòn đảo nhỏ giữa hồ, một số khác đứng im lìm gát chân thư giãn trên những tảng đá gần mặt nước, bên cạnh là những chú rùa nằm khềnh phô mai với vẻ khoan thai, như gạt bỏ ngoài tai chuyện thế sự thăng trầm. Trên cây chim chóc chuyền lượn ríu rít hót ca, càng làm rộn rã buổi ban mai quanh cái hồ nổi tiếng là “cá đặc nước” này. Cá ở hồ luôn đông đúc vì phần lớn người ta câu lên – nhiều con cá bự chang ôm hổng nổi lận cơ đấy – nhưng chỉ chụp hình, để khoe với bạn bè, rồi lại thả xuống chứ không mấy người mang cá về ăn. Có lẽ họ chê nước hồ có nhiều “chất quý” thải ra từ đám vịt ngỗng hoang.

blank
Phố cổ, hội trái đào.

Hàng năm, có rất nhiều sự kiện vui chơi giải trí được tổ chức ở hồ Ellis, nhưng thú vị nhất là cuộc thi đua câu cá cho trẻ em (Children's Fishing Derby). Hồ vốn dĩ đã nhiều cá, mà trước ngày thi, người ta còn đem thả xuống hồ hàng nghìn con cá đủ loại, từ cá catfish, đến bass, bluegill, và cá carp, cho trẻ em tuổi từ 4 đến 13, đến câu thi lãnh thưởng. Cuộc thi này chẳng những hoàn toàn miễn phí mà còn được cung cấp thức ăn đồ uống. “Để khuyến khích bọn trẻ tham gia thú vui câu cá và giúp chúng tránh xa những hoạt động xấu,” đó là mục đích của chính quyền địa phương khi tổ chức sự kiện này.

Đến cuối hồ chúng tôi trèo lên, đi một lúc thì tới đường D, khu phố cổ downtown, là nơi lễ hội diễn ra. Từ đầu khu phố nhìn suốt đến cuối đường non một chục block, tràn ngập các gian hàng với sắc màu rực rỡ, cờ xí phất phới tung bay, nhạc trổi vang lừng, hòa lẫn với tiếng cười đùa rộn rã. Một trái đào mẫu to đùng đại diện cho sở y tế địa phương, cao như người Mỹ mà cũng chỉ đứng tới quá nửa chiều cao của nó, “án ngự” ngay đầu đường để chào đón khách. Nhìn dòng người nườm nượp tự nhiên vào ra rất là thoải mái, tôi chợt nhớ đến những buổi lễ hội Nho ở Lodi, lễ hội Măng Tây ở Stockton mà tôi từng dự trước đây luôn luôn bên ngoài lễ hội là hàng trăm xe cảnh sát bao quanh dàn chào hùng dũng để bảo đảm an toàn cho người đến dự. Ở đây không thấy bóng một “bạn dân” nào lảng vảng cả. Và trong khi các lễ hội nơi khác giá vé vào cửa thường làm…xẹp túi những gia đình đông con, ở đây thì vào cửa hoàn toàn miễn phí.

Lễ Hội Đào Tiên này chỉ là một trong những sự kiện đầy thú vị của thành phố cổ Marysville. Những sự kiện lớn của cái thành phố chỉ “đi dăm phút lại về chốn cũ” downtown này ngoài lễ Hội Đào Tiên thì còn nhiều lắm, như các lễ Hội Chợ Đường Phố (Street Fair), Diễn Hành lễ Độc Lập, Diễn Hành lễ Cựu Chiến Binh, Diễn Hành lễ Giáng Sinh… Đặc biệt, là lễ diễn hành nổi tiếng của đền thờ Bok Kai Temple, một đền thờ thuộc về đạo Lão (Lão Tử) duy nhất ở Hoa Kỳ, cũng tại khu phố này, có đốt pháo và múa rồng, với con rồng dài 175 feet đặt làm từ Hồng Kông mang về, nhưng các “chàng lân” trong đội múa là những phi công của phi trường Beale Air Force Base gần thành phố. Thường thì sau múa rồng là cuộc đốt pháo trống gọi là “Bomb Day” mà mỗi lần viên pháo thăng thiên bốc lên cao rồi phát nổ, người ta tranh nhau phóng theo để giật lấy “chiếc vòng may mắn” từ quả pháo rớt ra.

Theo lịch sử địa phương thì ngôi đền Bok Kai thờ Chúa Thủy, vị thần mưa cai quản về nước non lụt lội, tọa lạc cuối khu phố downtown, cạnh dòng sông Yuba River, nguyên thủy được tạo dựng bỡi những công nhân người Hoa đến đào vàng từ 1980. Tương truyền rằng ngôi đền này rất linh thiêng, gần đây nhất là việc Chúa Thủy đã che chở cứu dân địa phương thoát khỏi một trận lụt kinh hoàng năm 1997, trong khi các địa phương quanh vùng đều bị lụt tàn phá nặng nề. Đền thờ mở cửa chỉ mỗi năm một lần trong ngày lễ hội, và đông đảo khách thập phương đổ về từ khắp nơi để cầu phúc, xin xăm. Đông nhất là người Hoa và người sắc dân châu Á từ vùng Bay Area và San Fransisco. Dù đây là di tích của những kẻ đào vàng, ngôi đền Bok Kai bây giờ thuộc về di tích lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ. Trong lễ diễn hành thường niên lần thứ 134 năm nay, tháng 03, 2014, đội múa lân của đền thờ Bok Kai được chỉ huy bỡi phi công Adam Keydeniers. Tuy nhiên, những người giữ trách nhiệm về việc hương khói cho đền vẫn thuộc về một cộng đồng người Hoa ở cách xa thành phố Marysville, và họ chỉ đến mở cửa vào những ngày có lễ hội.

Tuy thành phố có rất nhiều “chuyện lớn” như thế, nhưng ý nghĩa nhất bên cạnh những chuyện lớn đó là tấm lòng người dân ở đây. Ai nấy đều hiền hòa dễ mến, đối xử với xóm giềng trong tình tương thân tương ái. Trái với những gì tôi từng được nghe về thủ đô ánh sáng New York, “ai chết mặc ai” người qua đường cứ thản nhiên phớt lờ bước đi không bao giờ để mắt đến. Người dân thành phố này đã cho tôi cái cảm giác thân thiện và an toàn. Mỗi khi chúng tôi ra đường gặp ai, hoặc đi bộ ngang qua nhà họ, chúng tôi đều được chào trước bằng những nụ cười rất thân thiện, cho dù họ đang ở tận vườn sau cũng bước ra vẩy tay chào. Những người hàng xóm biết chúng tôi là lính mới nên thường bày vẽ, hướng dẫn và rủ rê chúng tôi đi tham dự các cuộc vui ở địa phương và vùng phụ cận. Ông Bob này là một trong số họ.


“Wow!” – Nhì…ìn…kìa!” Ông Bob đột nhiên lên tiếng chen vào dòng tư tưởng của tôi. –

Đào năm…nay trái lớn quá!

Đúng là đào năm nay trái lớn thật. Chúng tôi dừng lại trước một sạp hàng chỉ toàn đào và đào. Tôi tròn mắt nhìn mê mẩn những trái đào to hơn trái cam Navel, chín hồng, với làn da mơn mởn lông tơ. Vốn tính…háu ăn, tôi nhặt một trái đưa lên mũi thưởng thức cái mùi thơm ngan ngát của đào chín, và chọn mua liền mấy trái thật lớn, dù ông Bob và nhà tôi kêu để từ từ khi nào đi về hãy mua khỏi mất công mang theo kè kè bên mình.

- Đây là đào chín cây mới hái sáng nay. Chị bán hàng vừa thối tiền vừa dặn. – Chị nên bỏ trong túi giấy để ở ngoài, khi nào chín mới bỏ vào tủ lạnh, chúng sẽ ngọt như đường và thơm lắm! Bỏ trong tủ lạnh bây giờ đào sẽ không chín đâu.

- Đúng rồi! Trước đây tôi không biết nên mua về bỏ ngay vào tủ lạnh và chúng đã… bị khô háp, không chín! Bà khách đang đứng lựa đào bên cạnh tôi bỗng dưng lên tiếng. Tôi xoay qua nhìn và ngạc nhiên khi nhận ra đó là bà Rita, người chúng tôi đã từng gặp khi đi câu cá mấy tháng trước.

- Oh! Chị Rita! Thật bất ngờ quá! Tôi kêu lên.

- Oh! “Thats you!” Là chị à? Bà ấy cũng reo lên.

blank
Phố cổ, hội trái đào.

Tôi vui mừng khi gặp lại người phụ nữ rất “thảo ăn,” nói theo ngôn ngữ của ngoại tôi ngày xưa. Lần đó chúng tôi đi câu ở bờ sông Feather River, dưới chân cây cầu dài của Freeway 20. Đây là khúc sông có vô số cá salmon, hầu hết là những con cá to kinh khủng mà nếu may mắn câu được một con thì có lẽ tôi cũng không thể nào vác nổi nó về nhà. Lũ cá salmon ở đây dạn dĩ, oai hùng lắm. Mặc kệ chúng tôi quăng cần và ngồi chờ…sung rụng, chúng cứ tự nhiên phóng lên đùa giỡn như thách thức, “làm gì được ông!” Bọn chúng thường phóng lên thật cao, nhào lộn như những tay xiếc lành nghề, để khoe làn da bóng loáng óng ánh vảy bạc dưới ánh mặt trời, rồi lao ầm xuống làm nước bắn lên tung tóe. Tôi chỉ mới học đi câu từ ngày nhà tôi nghỉ hưu, nên còn lụp chụp lắm. Lần đầu tiên đi sắm cần và mồi câu thì không biết loại nào dùng cho cá nào, chiếc phao phải nặng nhẹ bao nhiêu, tốt xấu ra sao, chỉ hỏi thăm ông chủ tiệm nhờ chỉ dẫn rồi về nhà quờ quạng lên online tìm hiểu thêm. Bỡi thế “thực tập” đi câu mấy tháng trời, tôi chỉ câu được vài con cá bé tẻo bé teo, nếu gộp cả lại đem nướng thì cũng chả đủ để...nhét kẽ răng.

Lần đó tôi quăng câu xong thì lại ngồi trên một tảng đá dưới chân cầu, mở quyển truyện “Message From Nam” của nhà văn Danielle Steel ra đọc. Truyện kể về một cô gái người Mỹ tình nguyện làm phóng viên chiến trường sang Việt Nam để tìm hiểu về cái chết của người yêu cô, một quân nhân Hoa Kỳ sang chiến đấu ở Việt Nam chưa bao lâu thì đã trở về trong hòm kẽm. Đọc đến đoạn cô phóng viên trẻ theo chân các quân nhân Mỹ chui xuống địa đạo Củ Chi, tôi hồi hộp và mê mẩn đến nỗi chiếc ghe của ban “Kiểm ngư,” tôi gọi đại thế không biết có đúng không nữa, do một người Mỹ lái ghé lại gần hỏi chuyện mà tôi cũng không hề hay biết. Đến chừng nghe được loáng thoáng tiếng người, tôi ngẩn lên thì hình như là ông ta vừa hỏi tôi câu “có cá salmon” không. Tôi “ba chớp ba nhoáng” lắc đầu nói “không” thì ông ta tròn mắt lên, cũng lắc đầu, và lập lại, “No license?” rồi loáng một cái, ông bẻ tay lái và tăng ga cho thuyền chạy vèo đi trong khi tôi hốt hoảng vội vã hét theo sau lưng ông là tôi “có license.”

Nhưng ông ta không chạy xa, mà dừng lại chỗ vợ chồng bà Rita –khi đó chúng tôi chưa quen họ -- đang câu gần đó, và lập lại câu hỏi có bằng câu cá hay không. Tôi nhìn theo và ngạc nhiên đến sững sờ. Khi bà Rita trả lời “Yes” tôi có license, thì người ấy tấp ghe sát vào và hì hục lôi ra ba con cá salmon mập như ba con lợn sữa quẳng lên bờ cho bà ấy. Trong lúc tôi ngồi nhìn chiếc ghe lướt nhanh trên dòng nước xa dần, lòng thầm tiếc rười rượi vì đã đánh mất cơ hội có được vài con cá salmon tươi rói, thì bà Rita ngoắc tay, kêu chúng tôi sang phía bà. Bà tặng lại chúng tôi một con salmon, nó bự đến nỗi ông xã tôi phải vác lên vai chứ bê không nổi. Bà Rita tốt bụng đã thấy tôi bỏ lỡ cơ hội được tặng cá nên chia xẻ bớt phần của bà. Bà còn nói những người trong ban kiểm ngư họ biết, mặc dù ở khúc sông này có rất nhiều cá salmon nhưng cũng khó câu được vì chúng rất khôn, nên thỉnh thoảng họ đem cho cá để khuyến khích các “fisherman” đừng bỏ cuộc! Tất nhiên là họ chỉ tặng cho những người đi câu có license.

Chuyện chỉ có ở Mỹ! Tôi lại “ca” cái điệp khúc cũ mỗi khi phát hiện ra những điều kỳ diệu từ đất nước Hoa Kỳ. Và con cá salmon bà Rita cho là con cá tình nghĩa, chúng tôi mang về ăn mà cảm thấy nó ngon hơn bất kỳ con cá nào chúng tôi mua từ trước đến nay.

Rối rít trò chuyện một hồi, bà Rita còn bày tôi cách làm bánh “Peach Pie” đơn giản mà rất ngon. Tôi vội vàng lôi giấy bút ra ghi lại cẩn thận. Lúc nào ra đường tôi cũng mang theo giấy bút hầu khi gặp những đề tài hay thì ghi lại kẻo quên. Nhờ vậy mà tôi thường nắm bắt được những câu huyện hấp dẫn.

Từ giã bà Rita, bước đi với túi đào trong tay, nghe mùi thơm ngan ngát của trái chín cây mà tôi thèm đến muốn cắn một trái ăn cho đã, nhưng ngại sợ ông Bob cười. Vừa đi xem triển lãm, tôi vừa nghĩ đến các chất dinh dưỡng của những quả đào trong tay cho đỡ… ghiền. Ngày trước, trong một lớp học về dinh dưỡng, tôi có làm nghiên cứu kỹ về các chất dinh dưỡng của trái đào. Gần đúng như chuyện huyền thoại ngày xưa trong Tây Du Ký, đào tiên ai ăn vào sẽ được…trường sinh bất lão, ngày nay các khoa học gia cũng đã tìm thấy đào tiên có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người.

Nếu phân tích kỹ và liệt kê hết ra, thì những chất bổ của trái đào sẽ làm tốn hao khá nhiều giấy mực. Chỉ tính sơ sơ những điểm chính yếu thông thường, đào chứa đựng rất nhiều vitamins để giúp đẹp da và ngăn ngừa bệnh; nhiều chất xơ chống táo bón, làm giảm cholesterol; nhiều vitamin C, A, beta-caroten chống ô-xy hóa giúp ngừa ung thư, tốt cho tim và mắt; điều hòa chứng rối loạn tiêu hóa, giúp bệnh thấp khớp, lọc thận… Cho nên, trái đào tiên không những chỉ có vẻ đẹp bề ngoài, mà còn chứa đựng nhiều chất dinh dưỡng tuyệt vời rất hữu ích cho người thưởng thức nó. Chả thế mà ngày xưa Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký đã chẳng làm loạn cả cung đình vì mấy trái đào này! Tôi mỉm cười thầm nghĩ.

Lúc này chúng tôi cũng vừa đi đến sân khấu hòa nhạc lộ thiên ở góc đường số 6 và đường D. Ban nhạc sống đang chơi rộn rã làm cho vài người khách trẻ đi qua cũng phải uổn ẹo vẹo mình nhún nhẩy hoặc nhịp bước chân theo. Trời đã bắt đầu nóng. Ánh nắng hè thô bạo xuyên qua các cây dù màu, các lều vải, mái che, làm cho trái cây, hàng hóa, vật dụng dường như cũng đang sắp sửa bốc khói. Ông Bob đưa tay quệt những giọt mồ hôi trên trán bên dưới cái mũ kết.

- Nóng quá! Chúng ta đi kiếm cái gì uống đi, rồi đợi đến bốn giờ chiều trở lại đây xem ban nhạc “The Ray Allen Band” biểu diễn.” Ông nói.

Chúng tôi đồng ý, và kéo nhau lại một lều bán đồ ăn, ngồi xuống bên chiếc bàn được bày cạnh vĩa hè. Tôi hoa mắt nhìn đủ loại đồ ăn thức uống và bánh trái đào trong tủ kính mà không biết mình nên thử món nào. Và tôi liếc mắt sang bàn bên cạnh. Đang khi trời nóng, nhìn món Peach Icream với ba nụ kem to đùng như ba trái đào tiên hồng hồng, tròn vành vạnh, khoe mình trong chiếc ly thủy tinh hình phểu, bên cạnh có gắm ba lát đào tươi của người thực khách bàn bên, tôi cảm thấy nước miếng ứa ra, dù miệng khô khốc vì khát nước. Tôi định gọi món kem này, nhưng nhà tôi đã nhanh tay kêu một ly Peach Milk Shake, thế là tôi lại chuyển sang cái cảm giác muốn nhấm nháp chút gì có nước nên cũng gọi một ly như vậy.

Ông Bob thì chọn một ly Peach Float With Coca và một ít Peach Chocollate. Ly Coca màu đà sậm có phần kem trái đào màu hồng phấn nổi trên mặt của ông Bob nhìn cũng hấp dẫn vô cùng. Vừa nhâm nhi món “Đào sữa lắc” – là tôi đặt cho món Peach Milk Shake này – tôi còn…thòm thèm nhìn vào các món Peach Pie, Peach Cheese Cake, Peach Iced Tea & Lemonade, và món kẹo vặn Peach Licorice, cùng với các món mặn như Peachy Sandwiche, Peach Burgers, và Turkey Legs with Peach Cobbler, định bụng đến chiều khi về sẽ ghé lại mua mỗi thứ một ít mang về nhà thưởng thức cho biết.

Ngoài những chương trình nhạc sống và Talk Show, chương trình Yuba Sutter's Got Talent, do nhiều ca nhạc sĩ và đài truyền hình địa phương đảm trách, lễ hội còn có thêm nhiều chương trình đặc biệt thật tuyệt vời như các cuộc thi Vũ Điệu Hula Hoop, Tasty Treat Challenge, là cuộc thi có trao giải món ăn ngon nhất làm từ quả đào tươi. Nhưng vui nhộn nhất, hấp dẫn nhất, là mục Pie Eating Contest, là cuộc thi ăn bánh trái đào. Mọi người cười vui, reo hò cổ vũ cho mấy chàng “dũng sĩ” đang cố gắng hết tốc lực để cắn, nhai, và nuốt vội nuốt vàng món bánh Peach Pie ngọt liệm. Xem họ ăn một cách ngon lành, ngấu nghiến, tôi bỗng cảm thấy… thèm món bánh Pie này, nên vội vã rủ “phe ta” đi ra mua một cái để đem về.

Có thử mới biết, tuy rằng món ăn nào làm từ quả đào cũng đều ngon và hấp dẫn, nhưng tôi thấy tuyệt vời nhất là món bánh đào “Peach Pie,” làm từ trái đào tươi mơn mởn vừa mới lìa cành. Trưa hè nóng bức mà được thưởng thức một miếng Peach Pie ngọt mềm, thơm lừng mùi bơ và mùi đào chín, rồi chiêu vài ngụm “Đào sữa lắc” nữa thì thật là sảng khoái giống như …gặp Tiên. Thế nên tôi có đặt tên cho “Peach Festival” là “Hội Đào Tiên” có lẽ cũng không đến nỗi quá lời…

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
31/08/201418:17:54
Khách
Chị Phương Hoa mến,
Các tấm hình trong diễn đàn Việt Bút tôi đã coi và "đánh dấu" rồi. Cảm ơn chị nhé.
Chúc anh chị mọi sự thật tốt đẹp.
Sáu
30/08/201415:30:33
Khách
Chào anh Sáu Steve,
PH cũng rất vui khi được gặp lại anh trong ngày lễ phát giải VVNM vừa rồi. Có rất nhiều hình anh chụp chung với cả nhóm Việt Bút mà CMH và các bạn khác đã post lên Dĩen đàn VB không biêts Anh có lấy xuông chứa? Nếu chưa và anh muốn có hãy email riêng cho PH để PH gửi cho anh để dành làm kỷ niệm nghe.
Cám ơn anh luôn ủng hộ đọc bài...
Chúc anh chị mãi hạnh phúc
PH
30/08/201414:33:57
Khách
Chào bạn Thuy
Bạn nói rất đúng. Bà con xa không bằng láng giềng gần. Người nào cũng vậy, mình đối xử với họ thật lòng thì sẽ được đáp trả. Cám ơn bạn đã đọc bài và cho cảm tưởng. Chúc bạn luôn vui vẻ
Thân mến
PH
25/08/201403:23:00
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị rất hay và vui. Kinh nghiệm anh chị đi câu cá cũng như tôi. Như chị nói, "câu thì có mà cá thì không". hahha Tôi rất vui mừng gặp lại anh chị tại họp mặt Việt Bút mới đây. Chúc mừng chị vì nhận được giải thưởng chung kêt VVNM năm nay.

Sáu
18/08/201414:14:54
Khách
Sống ở tỉnh lẽ mình phải thân thiện với người bản xứ hơn vì nếu không có ai để giao du đây. tác giả sống hạnh phúc quá. Cám ơn cô chia sẻ một bài viét thật vui, thạt hạnh phúc ở cõi hồng trần này về thành phố cô đang cư ngụ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,030,563
Năm nay, tháng Năm ngày 12, sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Pha Lê. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ năm của bà.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết mới là chuyện ngôi nhà đã mất sau tháng Tư 1975.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới, với lời ghi của tác giả: Thương kính viết tặng để tưởng nhớ Anh Tư - Cố Đại úy Pháo đội trưởng Trương Văn C., Tiểu đoàn 183, Sư đoàn 18 Pháo Binh.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ. Phần cuối: Chuyện 30 Tháng Tư của sinh viên gốc Việt tại Đại Học Stanford 2015 - 2019.
Khôi An định cư ở Bắc California. Cô là một kỹ sư từng làm việc ở hãng Intel hơn hai mươi năm. Sau đó, Khôi An trở lại trường lấy bằng Master về Ngôn Ngữ Học rồi đi dạy tiếng Việt ở các trường đại học vùng Vịnh San Francisco. Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008, cô đã nhận giải Chung Kết 2013. Sang năm 2015, thêm giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những nỗ lực phát huy văn hóa Việt trên đất Mỹ. Từ 2016, cô là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài tác giả mới viết sau đám tang của Ó Đen Lý Tống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết thứ tư.
Tác giả hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến