Hôm nay,  

Gặp Bữa, Nhớ Mẹ

09/08/201400:00:00(Xem: 9282)
Tác giả: Phan
Bài số 4296-14-29696vb7080914

Phan là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí xuất bản tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp nhiều bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh me, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Nhân Tháng Bẩy Vu Lan, mời đọc một bài của chàng Phan nhớ mẹ.

* * *

Tôi ngồi tán dzóc (vóc) với anh bạn ở vườn sau nhà anh ấy, sau khi đến xin cây táo tàu về trồng, vì xin táo khô về ngâm rượu thuốc hoài cũng kỳ! Chỗ bạn bè, đã để anh ấy trồng, tưới, hái, chọn trái ngon mới phơi khô. Rồi mình chỉ có công mở miệng hỏi xin thì khác gì khi xưa đi báo hàng xóm coi chừng trộm chó, trộm gà, để gặp bữa!

Thế mà hôm nay tôi gặp bữa thật! Làm nhớ quá quê nhà và tuổi thơ.

Chị nhà ton ton ra vườn, tôi ước gì chị ấy đòi lại cây táo mà anh nhà đã đánh vô chậu cho tôi. Cứ nói ra đi, “chị lỡ hứa với ai rồi, nhưng anh không biết!” Tôi sẽ thầm mang ơn chị cho tôi cái cớ khỏi trồng để bớt ngượng khi hỏi xin táo khô. Không ngờ người sao tánh vậy, chị đẹp lão như cây khế già thường cho quả ngọt. Chị nói khơi khơi, “Gặp bữa. Em vô nhà ăn với anh chị chén cơm cho vui. Có gì ăn nấy thôi. Vì cái bao tử của anh ấy không ăn trễ được.”

Đúng là gặp bữa! Mà gặp bữa ở hải ngoại mới càng quý. Vì bạn bè ở đây có mời tới nhà họ thì họ cũng đặt vài món ngoài nhà hàng rồi bưng về. Có khác là khác không khí bàn tiệc ở nhà ấm cúng, thoải mái hơn ngoài nhà hàng đông người không quen thôi!

Tôi ăn thiệt tình, ngon miệng, với bắp cải trắng luộc, giằm trái cà chua vô tô nước luộc. Bắp cải thì chấm trứng luộc giằm trong nước mắm chua… Món này mẹ tôi và bà vú nấu thường, nhưng không ngon bằng chị nhà đây! Vì chị luộc bắp cải vừa ăn, chín tới. Không nồng cải còn sống, nhưng còn giữ được độ giòn của bắp cải nên miếng cải còn ngọt. Không như mẹ tôi hay bà vú cứ nấu lấy nước để cải rục ra, bã chè. Trứng giằm nước mắm thì nước mắm mặn, nước mắm nguyên chất trong tĩnh chiết ra. Người bắc không ăn nước mắm pha chanh, đường, cho chua chua, ngọt ngọt, mặm mặm nước mắm, mới thật là thương về miền bắc địa dư làm cho con người kham khổ theo. Chanh, đường ngoài ấy đâu dễ có trong nhà người bình dân.

Bữa ăn thật là ngon. Lại thú vị khi chị nhà chợt nhớ ra món độc trong tủ lạnh. Chị nói, “Không biết em có biết ăn món bắc không, nên chị không mời. Hay cứ hâm thử lên, rồi cùng ăn cho vui.”

Tôi nghe món bắc nên không mặn mòi cho lắm! Nhưng dù sao cũng cần lịch sự. “Thì chị cứ hâm nguyên cái tủ lạnh lên cũng được. Món gì em cũng ăn được…”

Tôi chỉ thấy chị nhà đưa vào microway một hộp togo loại lớn. Không biết món gì, nhưng lòng chẳng quan tâm nên thây kệ! Nhưng lúc chị lấy ra thì gian bếp ấm lên mùi gừng thơm thoảng. Tiếp theo là mùi ốc. Suy ra ốc luộc có bỏ gừng cho bớt tanh, tẩy nhớt, là người bắc ưa làm thế, người nam thì bỏ sả cho thơm và cũng tẩy nhớt của ốc. Và luật âm dương trong ẩm thực truyền đời là ốc thuộc hàn, phải ăn với nước mắm gừng hay nước mắm sả thuộc hoả để quân bình âm-dương…

Đến chị nhà bày ra đĩa và bưng ra bàn ăn thì tiên đoán của tôi chỉ còn đúng một nửa, vì là món ốc nhồi lá gừng. Tôi bần thần tâm tưởng như gặp lại chính mẹ tôi ngồi trên cái ghế cóc ngoài sàn nước. Lưng mẹ tựa hờ vào lu nước bằng đất nung mát lạnh cho đỡ mỏi và bớt nóng thời tiết quê nhà. Quanh mẹ nhiều rổ, rá bằng tre đan; bóng cây mng cầu xiêm già xô đẩy thành gió; chứ không phải gió làm di động bóng mát của cây mà mẹ tôi đã nương theo bằng cách dời ghế ngồi để được mát.

Tuổi thơ tôi nghĩ thế để tuổi già còn gặp lại mẹ tôi đổ ra rổ lớn cả khạp da bò nhỏ, là những con ốc bưu mà mẹ đã ngâm nước vo gạo từ chiều qua cho nhả nhớt. Mẹ rửa ốc bằng bàn chải cho vỏ thật sạch. Con nào xong, được xếp vô rổ sạch khác.

Xong công đoạn ấy, mẹ tôi mới trổ tài. Cái tài lể ốc sống của mẹ từng làm tôi khâm phục. Với con dao nhỏ, bén. Mẹ tôi rất khéo lách được lưỡi dao vào lẩy cả cái mày ốc ra ngọt sớt! Không dễ đâu, vì ốc đã luộc còn dính mày khó gỡ nói chi ốc còn sống.

Từng con, từng con, cứ như mẹ sẽ bị đứt tay bất cứ lúc nào vậy! Tôi chờ tiếng “ái già…!” của mẹ tới thiu thỉu ngủ gục trên cây mảng cầu cổ thụ thì tôi đã lớn. Như hiểu được gái bắc chìu chồng đáng phục.

Bấy giờ mẹ tôi mới làm ảo thuật với cây đũa tre là lể từng con, từng con ốc còn sống. Khó lắm! Tôi đã sớm biết mình vô dụng từ bé, nhưng máu anh hùng cứu mỹ nhân thì hệt cha tôi! Tôi tụt xuống khỏi cây mảng cầu, “mẹ đưa đây, con làm cho.” Nhưng có làm được đâu. Nên ngồi đó tròn xoe đôi mắt kinh ngạc với nữ ảo thuật gia. Thật ra chiếc đũa đã được vót nhọn và hơi dẹp như đầu cây kim sào may bao bố. Mẹ ghim vào thành trong của vỏ ốc, lượn que một vòng điệu nghệ, rồi mới ghim vào thịt ốc để lể ra. Tính nghệ thuật rất cao trong công đoạn một tay giữ vỏ ốc, một tay điều khiển que tre dùng dằng với nhau nhưng phải khéo léo để lấy được phần cuối của con ốc ra mới được. Tôi thử, chỉ bứt được đầu ốc ra, “thế cứt đái bên trong, để cho bố mày ăn à!” Chắc cực quá nên mẹ tôi mắng yêu người tình của bà thôi!

Mẹ tôi lại rửa đến bên trong vỏ ốc, úp ngược hết vô rổ khác cho ráo nước. Kế đến, mẹ vặt phần đuôi của từng con ốc, là chấtt đen, xảm như bùn trong con ốc bưu mà bỏ đi. Phần đầu ốc cho hết vào thau nhôm, bỏ thật nhiều muối bọt, và bóp đi bóp lại cho ra nhớt. Rửa đến mòn tay vì chồng con… Xong lại cho vô rổ khác để ráo nước rửa xả muối và nhớt ốc.

Bây chừ thì mẹ xài dao, thớt; để bằm thịt heo. Ngày xưa đâu có thịt xay sẵn như bây giờ. Thịt tảng phải ra lát, rồi lát ra sợi, chập sợi xắt nhống ra hạt lựu. Sau đó mới bằm. Khổ như dâu tằm, bị nhai mà không kêu rau ráu thì lại bị chê là dâu không ngon. Chả ai đổ lỗi cho con tằm kém sức nhai; chả ai trách đàn ông thích ăn món khó mà chỉ trách đàn bà không biết làm!

Tới nấm mèo ngày xưa cũng là nguyên tai nấm, được phơi khô thế thôi. Người nội trợ phải ngâm, rửa đã đời cho sạch đất cát. Mẹ tôi thì xắt sợi như loại có bán sẵn ngoài chợ bây giờ.

Đến mẹ bóc mớ củ hành đỏ như đọc nhật ký, nước mắt không muốn tươm lại rơi. Dúi mặt vào vai áo mình cho người tình trăm năm… Lại xắt, lại dần dao điệu đàng trên thớt để được chén hành đong đầy nước mắt làm vợ, làm mẹ…

Rổ ốc đã ráo nước, mẹ tôi lại xắt, lại chần lưỡi dao trên thớt… để tất cả: ốc, thịt, củ hành đều ở dạng hạt lựu. Riêng nấm mèo xắt sợi. Tất cả được trộn chung trong thau sạch, nêm muối, đường, tiêu xay, và cả tiêu hột. Thành một hỗn hợp dày công. Bấy giờ mẹ tôi mới thực sự làm nghệ thuật, là từng chiếc lá gừng non trở thành cái xuồng tam bản, chuyên chở hỗn hợp ấy vào lại từng cái vỏ ốc đã sạch sẽ trong ngoài và khô ráo.

Giai đoạn cuối là chất khéo tay những con ốc đã nhồi nhân ấy vào cái chõ đồ xôi. Chất sao cho khi hấp, nước thịt tươm ra không bị chảy xuống chõ mà phải ở nguyên trong vỏ ốc.

Mẹ bắc bếp liu riu than đước, rồi đi dọn rửa cả cái sàn nước như chiến cuộc vừa tàn với rổ, rá, dao, thớt, linh tinh. Than đước đượm lửa hồng là cái tô mê mẩn thuở bé với thi thoảng có tiếng lách tách nổ khi than cháy mà không có người xem, nên nó gọi bạn. Vì thế tôi cứ ngồi nhìn bếp lửa than suốt tuổi thơ mà nghĩ chuyện hoang đường… Nhưng hôm đó mùi lá gừng non thơm thoảng bay ra, pha thêm mùi ốc bao nhiêu thì nước bọt trong miệng tôi cũng tươm ra ngần ấy. Tôi thù người bắc cái thói nấu lâu, chín chắc rồi mà con ốc đã hứa cho con ăn thử của mẹ như cứ muốn nuốt lời! Cứ phải đợi rục đã-mới ngon.

Và tình huống nào cũng có bề trên thương xót! Mẹ tôi đã ngồi mấy tiếng đồng hồ để làm một món ăn. Nên khi có lệnh: “Con coi chừng chó, mèo, cho mẹ đi giải cái!”

Thế là tôi chỉ đợi cửa nhà xí khép lại, còn gì nữa mà không mở nắp chõ, chơi ngay hai con ốc nóng hổi vào vạt áo vì nóng quá! Bỏ lại sau lưng tình mẫu tử thiêng liêng và sự trừng phạt cũng đành. Tôi biến vào căn cứ địa của tôi thời bé là cái hầm tránh pháo kích. Lúc nào cũng ẩm lạnh, một tí sợ vu vơ như vô nhà mồ-nhưng còn hơn vô nhà mình-bởi ở đó lúc nào cũng có sẵn mấy thằng du côn anh em-dễ gì tụi nó để cho mình được ăn trọn vẹn.

Đầu tiên hết phải nói tới những giọt nước thánh trong vỏ ốc. Cứ húp tí thôi… mà nó vẫn hết vì chỉ có vài giọt. Cái ngọt, béo của thịt bị tẫm đẫm mùi ốc; lại tươm qua lớp lá gừng non… tạo thành một loại nước thánh đến cha xứ cũng phải thèm vì nước thánh ở nhà thờ thì cha uống bao nhiêu chả được; còn nước ốc nhồi lá gừng thì cha phải nghỉ tu mới có người làm cho ăn. Chỉ mấy giọt nước ốc nhồi đó thôi mà nó thấm thía linh hồn tôi tới trọn đời.

Khi dòng đã cạn khô. Cứ từ từ nắm cuống lá gừng non mà kéo ra kỳ diệu. Thịt bằm thơm lừng mùi ốc với mùi gừng. Thỏi thịt như con tằm cuộn mình trong lá dâu; nhởn nhơ hạt tiêu hạt, đĩ thõa miếng nấm mèo bóng mỡ thì ai mà chịu được; lại ốc-thịt xôi đậu như trêu ngươi; miếng củ hành than ôi rệu rã…

Cắn một phát ngập răng là đủ lên thiên đàng. Mùi hương xông lên ngã tư quốc tế-mắt tai mũi họng; chúng loan báo cho nhau: Hãy ngậm mà nghe! Chỉ thằng thần kinh đểu giả là trốn vào ký ức để làm khổ về sau-vì không có nữa để ăn.

Ôi! Ốc giòn, thịt ngọt và béo. Lá gừng làm nước mắt rưng rưng như vợ giận. Đố ai biết được người khóc vui hay mừng! Lại nhá phải hạt tiêu hạt thì khác nào thằng bạn nhậu mới trúng số. Gọi ra quán.

Thật ra là tôi chỉ nhớ cảm giác rất ngon, nhưng còn nhỏ quá và đã lâu quá nên không nhớ rõ từng cảm giác với từng chi tiết trong món, nên cà khịa vui thôi. Dù sao hai món ăn chơi @tuổi thơ.com của tôi là hầm tránh pháo kích và hai con ốc ăn vụng của mẹ hiền. Nó ngon ngọt một đời và làm tôi lớn hơn tôi tưởng là món bắc cũng có món ngon. Tại mình không đủ may mắn để thưởng thức hết.

Có đã hơn bốn mươi năm tình cũ-tôi mới được thưởng thức lại món ngon miền bắc. Thú thật là không ngon bằng mẹ tôi làm. Nhưng làm tôi nhớ mẹ quặn lòng. Tôi cũng đồng thời phát hiện ra mình chính xác là phàm phu tục tiểu tử vì có ăn mới nhớ mẹ hiền. Mẹ thì già và không còn nữa; con cũng không còn trẻ nữa theo thời gian. Nhưng tình mẹ với cha như cái con vẫn chưa tìm ra trong đời con. Vợ con đã mua cho con căn nhà con ưng, cái xe con thích; nhưng mẹ, chỉ mẹ mới làm được món ăn mà cha con thích. Câu nửa đùa nửa dạy khi con còn thơ, “cứt đái để cho bố mày ăn à?” con sẽ nghĩ hết đời con là câu mắng yêu của mẹ dành cho bố vì không yêu người thì mẹ không cực thân làm cái món công nhiều vạn lần của ấy cho bố ăn - chỉ vì bố thích.

Trở lại đời xa quê. Cảm ơn chị nhà đã không tiếc cậu em phiền nhiễu này. Chỉ là quà do người bạn bắc kỳ tặng chị; và anh nhà rất thích nhưng chị cũng hy sinh cho em ăn. Cho dù chị có lầm tình cảm của em với anh nhà thì em cũng chân thành khai báo là táo khô của anh ấy em dùng tiền vẫn mua không được nên giả thương cho anh ấy cảm động mà ra táo. Cái thật lòng là em viết ra để chị hết buồn lòng là không biết làm món chồng mình thích. Có lẽ chị cũng đã nhận ra sự khác biệt của con ốc nhồi do mẹ em làm là lá gừng non, khác với lát củ gừng non do bạn chị làm. Nhưng ở Mỹ-có mùi gừng đã là hương vị quê nhà. Em còn nghe người vợ buồn phiền vì không biết làm món chồng mình thích là ta chưa mất gốc.

Cảm ơn chị. Và chúc may mắn nha, người chị như cây khế già…

Phan

Ý kiến bạn đọc
11/08/201419:13:37
Khách
vì viết từ cảm xúc thật nên câu chuyện quá thật, quá hay. Cám ơn tác giả Phan.
10/08/201401:19:22
Khách
Bài viết hay quá chời! Mừng thay những người còn có Mẹ hay ít ra cũng sống với mẫu thân hơn nửa đời người. Mình thì măm mất sớm, mới hơn 10 tuổi đầu?! Bịnh tim vì sợ kinh tế mới, sợ hết thuốc uống (thời cấm vận), sợ...nên không qua khỏi!!!
Cám ơn tác giả, mong bài viết sau.
09/08/201414:22:20
Khách
Bài viết dễ thương quá tác giả Phan ơi! Món ốc nhồi của mẹ Phan làm cho PH đọc mà...chảy nước miếng, và nhớ mẹ, vì mẹ PH cũng từng làm món ốc nhồi cho PH ăn khi còn nhỏ, khi quê hương còn thanh bình để mẹ tự tay ra bắt những con con ốc bưu vàng mập quanh ao rau muống nhà vào những mùa nhiều nước.
Cám ơn A. Phan đã cho đọc những bài viết mà chữ nghĩa luôn lả lướt bay nhịp nhàng như những cánh én mùa xuán mang niềm vui đến cho mọi người...
PH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,973,069
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến