Hôm nay,  

Nỗi Đau Giam Con Trong Lồng Sắt

02/08/201400:00:00(Xem: 12333)
Tác giả: H. Tịnh
Bài số 4291-14-29691vb7080214

Tựa đề đầy đủ của bài viết là “Nỗi Đau của Vợ Chồng Việt Giam Con trong Lồng Sắt ở California”. Người viết: Tịnh tên thật là H. Tịnh. Quê hương Quảng Nam Đà Nẵng. Sư phạm Huế ngày xưa. Thợ lao động về hưu. Sống hạnh phúc... đó đây cùng gia đình ở Quận Cam, California. H. Tịnh là tác giả sách “Bên Vực Tự Kỷ - Tất cả về... Tự Kỷ và Học Đường.” đã ra ấn bản 2014. Đây là một công trình sưu khảo công phu, tâm huyết 10 năm của H. Tịnh, gom thành gần 500 trang sách khổ lớn, 8.5-11. Năm 2010, với bút hiệu Tịnh, có bài “Những Đứa Con Tự Kỷ” Bài mới sau đây được ghi: Viết tặng anh chị N. Lan, Đ. Tuấn, Thu Hảo của Hội Trái Tim Bác Ái ở Quận Cam, California.

* * *

Chúng ta hãy tự hỏi: Trong một ngày trên trái đất vòng xoay đến chóng mặt nầy, có bao nhiêu đứa trẻ sẽ cất tiếng khóc chào đời, và trong số đó, có bao nhiêu những người làm cha, làm mẹ sẽ khổ đau, vật vã khi một vài năm sau, họ phải đón nhận sự thật hết sức phủ phàng rằng... con tôi là tự kỷ?

Nhiều năm trước, tôi đã bồng đứa con "cầu tự" còn đỏ hỏn vào lòng và khóc bằng những giọt nước mắt hạnh phúc đầu đời. Vậy mà, chỉ chừng 2 năm sau, tôi đã bị sốc và qụy ngã trong căn phòng chẩn đoán tự kỷ ở bệnh viện UCI ngay khi bác sĩ chuyên về sự phát triển và hành vi của trẻ em nắm lấy tay vợ chồng tôi, nói: "Thưa ông bà, chúng tôi khẳng định rằng đứa trẻ nầy bị bệnh tự kỷ!"

Rồi thời gian vô cảm, nặng nề trôi qua trong sự trông chờ dịch vụ hỗ trợ cho con ngày mỗi mỏi mòn và tuyệt vọng. Thằng con cầu tự, bị tự kỷ càng lớn thì càng kén ăn, kén mặc. Vì chưa nói được, nó ưa nằm vạ trên sàn hoặc đánh đầu vào tường mỗi khi người thân không hiểu được ý nó. Cũng may, nhiều phụ huynh đi trước và có kinh nghiệm về bệnh tự kỷ đã hướng dẫn vợ chồng tôi đi săn tìm dịch vụ.

Người bản xứ thường nói: "Squeaking wheel gets the oil Những bánh xe phải biết lăn kêu kọt kẹt thì mới được bôi trơn dầu mỡ." Nhờ vậy, bằng thái độ khiêm tốn, chịu đựng, và kiên trì đối với những cá nhân canh giữ dịch vụ mà chẳng bao lâu, con tôi nhận được những sự hỗ trợ về nói/ngôn ngữ, vận động, kể cả phương pháp can thiệp hành vi ABA (Applied Behavior Analysis) từ Trung Tâm Vùng (Regional Center), từ những chuyên viên tâm lý và giáo dục của học khu ở California. Kết quả là thằng bé nói được, chấm dứt dần những hành vi hung tợn, chống đối, và tự hại bản thân trước đây.

Hiện tại, thằng bé đã ra khỏi chương trình giáo dục đặc biệt, có khả năng tự học và sinh hoạt độc lập. Gánh nặng ngàn cân về mặt tinh thần của vợ chồng tôi đã giảm đi nhiều lắm từ ngày nó biết nói, biết học hỏi nhằm cải biến hành vi ngày mỗi tích cực hơn ở gia đình, ở nhà trường, và ở những môi trường sinh hoạt khác.

Là phụ huynh có con em bị khuyết tật, vẫn biết con tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong xứ sở tự do nầy, nhưng phải thú thật rằng làm sao tôi có thể quên đi những tháng ngày sống vô vọng với nỗi đau thầm kín, với sự dày vò, mặc cảm tội lỗi vì con tự kỷ mà chẳng biết chia sẻ cùng ai trong quá khứ? Rồi, mãi cho đến khi xem TV, đọc báo, và biết được vào chiều ngày 2 tháng 7, cảnh sát ở thành phố Anaheim, Quận Cam, California, đã bắt giữ hai vợ chồng Việt về tội kiềm giữ đứa con trai tự kỷ, 11 tuổi, trong chiếc lồng sắt thì tự dưng tôi thấy xót xa, cảm thấu được nỗi đau của hai vợ chồng đáng thương nầy nhiều và nhiều lắm.

Sự thật là, sau khi sự việc xảy ra, hầu hết những anh chị có con em tự kỷ ở quanh vùng Bolsa, Little Saigon đã gọi điện thoại cho nhau bằng sự quan tâm và cảm thương sâu sắc hai vợ chồng trong câu chuyện. Họ hy vọng luật pháp, nhất là Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em (Child Protective Services) sẽ không dồn ép hai vợ chồng gốc Việt đến bước đường cùng, và nên cho phụ huynh cơ hội được làm cha, làm mẹ một lần nữa qua chương trình chuyển hướng, xây dựng, huấn luyện có chủ đích (Diversion Programs), thay vì trừng phạt họ bằng cách chia đàn xẻ nghé, hay bằng những án tù thiếu sự công minh, đi ngược lại với những tiền lệ đã từng được phân xử trước đây ở Hoa Kỳ.

Họ đâu phải là tỷ phú Bill Gates! 100 ngàn tiền thế thân cho hai vợ chồng là quá bất công và quá nặng! Họ đáng thương hơn là đáng ghét! Phải tìm cách giúp đỡ họ! Nhiều phụ huynh ray rứt, bức xúc, phân trần với tôi như vậy qua điện thoại. Thử hỏi, vì sao phụ huynh có định kiến và đồng lòng bênh vực hai vợ chồng Việt có hoàn cảnh đáng thương nầy vậy?

Bởi vì, ngay sau khi sự việc xảy ra, các chuyên gia tự kỷ ở Trung Tâm Điều Trị Tự Kỷ và Rối Loạn Phát Triển Tâm Thần (Center for Autism and Neurodevelopmental Disorder) ở Santa Ana, đã khuyên mọi người đừng vội vã lên án hoặc chỉ trích hai vợ chồng gốc Việt. Họ nói phụ huynh hành động như vậy có thể vì quá cùng đường và tuyệt vọng. Họ biện minh rằng hành động phụ huynh giữ con tự kỷ vào lồng sắt chứng tỏ sự thiếu thốn trong vấn đề cung cấp dịch vụ trị liệu cho trẻ tự kỷ ở gia đình còn tồi tệ hơn sự nuôi dạy hay can thiệp hành vi không đúng cách của phụ huynh.

Chính đại diện cảnh sát, ông Bob Dunn, cũng đã thẳng thắn và hết sức thành thật khi xác định rằng ngoài chiếc lồng sắt có chiều cao 6 feet và chiều ngang 4 1/2 feet với tấm nệm lót bên trong, họ không biết phụ huynh đã kiềm giữ trẻ từ khi nào và trong thời gian bao lâu. Ông Dunn còn nói đứa bé rất khỏe mạnh, không bị suy dinh dưỡng, không có bất cứ thương tích nào trên cơ thể, và được chăm sóc rất chu đáo, sạch sẽ.

Ông Dunn giải thích thêm rằng mọi người đều biết đứa bé tự kỷ ngày mỗi lớn thì sự rối loạn về hành vi ở gia đình ngày mỗi nghiêm trọng hơn. Nghĩa là, đứa bé nầy có thể có những hành vi gây nguy hại đến bản thân và cho cả 2 em nhỏ không bị tự kỷ, đứa 8 tuổi và 10 tuổi, trong gia đình. Ông Dunn hy vọng sau sự việc nầy đứa bé tự kỷ sẽ có những dịch vụ hỗ trợ thích hợp và tích cực cho hành vi hiện tại của em.

Dựa vào những lời phát biểu có lý, có tình nêu trên của ông Dunn, bằng chứng duy nhất để họ buộc phụ huynh về tội gây nguy hiểm cho trẻ con, về tội giam cầm trái phép theo Điều Khoản Bổ Xung Thứ Tư của Hiến Pháp Hoa Kỳ (the Fourth Amendment of the U.S. Constitution) chính là chiếc lồng sắt lấy ở hiện trường mà thôi.

Theo tài liệu của Văn Phòng Đặc Trách Dân Quyền (Office of Civil Rights or OCR), trong vụ kiện về khống chế và giam cầm trẻ khuyết tật ở trường học thuộc tiểu bang Tennessee vào năm 2004, các công tố viên đã thú nhận rằng rất khó để truy tố hình sự đối với các giáo viên trong chương trình giáo dục đặc biệt, bởi vì luật pháp ở các tiểu bang đòi hỏi sự buộc tội phải có bằng chứng, chẳng hạn hình ảnh bị thương tích của con em hay giấy chứng nhận bị tổn thương về thể xác hoặc tinh thần của các bác sĩ chuyên môn thì họa may mới thuyết phục được bồi thẩm đoàn.

Một tài liệu khác của GAO (United States Government Accountability Office) về vụ kiện khống chế và cô lập học sinh khuyết tật ở Illinois năm 2006 cũng đã cho thấy rằng phía công tố gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kết tội vì những lý do như sau:

Thứ nhất, tòa án không muốn sát hạch và khơi lại những chấn thương về tâm lý cho nạn nhân. Thứ hai, phần lớn trẻ và học sinh khuyết tật có khiếm khuyết về sự truyền đạt ngôn ngữ, và vì vậy, lời khai của các em thiếu chi tiết và không có tính thuyết phục. Thứ ba, bồi thẩm đoàn thường có sự cảm thông "thầm kín" đối với những khó khăn của các giáo viên trong chương trình giáo dục đặc biệt ở nhà trường.

Trở lại chuyện hai vợ chồng Việt kiềm giữ con trong lồng sắt. Hầu hết phụ huynh có con em tự kỷ, khi trao đổi ý kiến với nhau, đều cho rằng sự can thiệp hành vi với chiếc lồng sắt làm công cụ là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được. Tôi đồng ý nhưng nghĩ lại, tôi tự chất vấn rằng nếu luật pháp ở Hoa Kỳ khó buộc tội các chuyên viên trong chương trình giáo dục đặc biệt về vấn đề giam cầm và khống chế gây thương tích cho học sinh khuyết tật ở nhà trường thì dựa vào tiền lệ nào để luật pháp có thể kết tội phụ huynh người Việt rất đáng thương trong sự kiện?

Theo cá nhân tôi, câu chuyện hai vợ chồng Việt kiềm giữ đứa con tự kỷ trong lồng sắt ở California cũng giống hệt như tiền lệ đã xảy ra ở Washington cách đây không lâu.

Năm 2011, ở Vancouver, Washington, John E. Ekhart và bạn gái Alayna Higdon đã bị bắt và bị truy tố hình sự về tội giam cầm, ngược đãi, gây nguy hiểm cho hai đứa con tự kỷ, 5 tuổi và 7 tuổi bằng màn lưới sắt. Phía công tố đã dùng nhân chứng duy nhất và đó là đứa con trai 10 tuổi, không bị tự kỷ, để chỉ chứng sự ngược đãi của cha và dì đối với hai em trước tòa. Họ buộc tội phụ huynh là làm biếng và bất chấp, rằng sự cô lập hai con tự kỷ, chưa thể bỏ tã lót, trong không gian quá chật hẹp, bẩn và sặc mùi nước tiểu chỉ vì phụ huynh muốn thuận tiện cho bản thân, cho thú vui chơi games, nghỉ xả hơi để hút thuốc lá dài hạn...

Ngược lại, phía phụ huynh bày tỏ những khó khăn, khổ nhọc khi phải vừa chăm sóc trẻ tự kỷ và những trẻ khác trong gia đình. Phụ huynh nói hai đứa trẻ tự kỷ có thể ăn trọn đủ thứ, kể cả thảm lót sàn và tường vôi. Nếu thả ra, chúng sẽ lao thân vào những vách tường quanh nhà, chạy ra ngoài, trèo cổng, và trốn biệt dạng.

Riêng người chồng, ông Ekhart đã tâm sự với bồi thẩm đoàn rằng bản thân ông từ nhỏ đã phải theo học chương trình giáo dục đặc biệt, và phải nghỉ học khi lên lớp 7 vì... không thể đọc và hiểu tiếng Anh. Thêm vào đó, luật sư của hai vợ chồng Ekhart đã nhấn mạnh trước tòa bằng những lời lẽ thuyết phục rằng gia đình Ekhart không có kinh nghiệm, không từng được huấn luyện cách thức nuôi dạy và can thiệp hành vi cho con em bị tự kỷ thuộc dạng nặng.

Trắng án!

Mười hai bồi thẩm viên, 6 nam và 6 nữ, đã đồng loạt bỏ phiếu tha bổng hai vợ chồng Ekhart.

Sau vụ kiện, các bồi thẩm viên đã nói với báo chí rằng họ không thể buộc tội phụ huynh vì họ hiểu được những khó khăn, khổ đau của những gia đình có con em bị tự kỷ nhưng không được cung cấp hay huấn luyện đầy đủ cách thức nuôi dạy con ở gia đình. Họ nói sự phán quyết phụ huynh vô tội là điều công bằng và hợp lý, và lẽ ra, sự việc nên được dàn xếp ổn thỏa từ trước, chứ không cần thiết phải dẫn đến sự đối mặt, tố tụng phụ huynh trước tòa. Luật sư biện hộ cho hai vợ chồng còn giải thích thêm cho giới báo chí rằng người ta không thể dựa vào cuộc sống ấm êm, hạnh phúc của những gia đình không có con em tự kỷ để lên án hành động của phụ huynh có con em tự kỷ dạng nặng như trong gia đình Ekhart.

*

Là phụ huynh, tôi viết bài nầy để bày tỏ sự đồng cảm với người cùng cảnh ngộ.

Dĩ nhiên, tôi tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp hành vi bằng cách cô lập con tự kỷ trong lồng sắt, bởi vì điều đó hoàn toàn vi phạm luật pháp. Nhưng, phải nói làm sao tôi có thể vội vã chỉ trích, lên án họ khi tôi chưa hiểu được động cơ, nguyên nhân, hay nhiều yếu tố khách quan khác trong câu chuyện?

Thật ra, con người có khi là nạn nhân của hoàn cảnh, và của sự lựa chọn giữa điều tồi tệ hơn và tồi tệ nhất khi nằm trong những tình huống tuyệt vọng. Giờ hai vợ chồng khổ tâm lắm. Cho dù họ được tòa án tiểu bang hay liên bang tha bổng thì họ cũng sẽ tiếp tục bị phân xử bởi tòa án gia đình để định đoạt cha mẹ nuôi hay cơ quan nào sẽ là người bảo dưỡng ba đứa con vô tội. Đó là chưa kể Cơ Quan Bảo Vệ Trẻ Em không chịu bỏ cuộc, tìm cách đưa hai vợ chồng đáng thương nầy lên mạng hay vào danh sách của tiểu bang về tội ngược đãi trẻ con. Vì vậy mới nói, trong sự việc nầy, nếu vợ chồng họ tránh được cái ải thử thách thứ nhất thì cũng khó tránh được những cái ải gian nan hơn đang chờ đợi họ.

Thật ra, họa vô đơn chí đối với phụ huynh có con em bị khuyết tật có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào, bất kể sự khác biệt về sắc tộc, tầng lớp kinh tế hay địa vị xã hội. Mà thôi, càng nghĩ đến những bi kịch sẽ xảy ra đối với hai vợ chồng Việt đã cô lập con tự kỷ trong lồng sắt thì chỉ càng khiến tôi cảm thấy như bị xát muối vào tận những vết thương lòng đã lành lặn năm xưa...

H. Tịnh

Ý kiến bạn đọc
24/07/201715:29:59
Khách
dù bài viết này đã lâu ...tôi vẫn buồn và muốn chia sẻ với tác giả cũng như những người Cha Mẹ có con bị khuyết tật này
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến