Hôm nay,  

Hành Trình Vượt Biển Tìm Tự Do

30/06/201400:00:00(Xem: 17799)

Tác giả: Nguyễn Xuân Mai
Bài số 4262-14-29662vb8062914

Tác giả 56 tuổi, nghề nghiệp: Production Engineer cho hãng COBHAM trên 20 năm, hiện cư ngụ tại Davenport, Iowa. Bài viết về hành trình tìm Tự Do hồi tưởng việc chính tác giả tổ chức tàu vượt biển. Chuyến đi gặp giông bão, từng bị 15 tàu Thái Lan bao vây và được tầu Hải quân Mỹ cứu vớt ngày 20 tháng Bẩy 1983.

Đây là bài chót của giải thưởng viết về nước Mỹ năm thứ XV.-2014. Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách mới được tổ chức vào Chủ Nhật 17-8-2014.

Thứ Ba 1-7-2014, bắt đầu phổ biến các bài viết về nước Mỹ năm thứ XVI.-2014-2015.

* * *

Đã đúng ba mươi năm kể từ chuyến tàu vượt biển đó. Tháng Bẩy năm 1983. Nhiều chuyện cho đến nay vẫn chưa được kể ra. Đây là lần đầu tiên tôi cố gắng hồi tưởng và viết lại.

Tôi nhớ thời nhỏ, khoảng năm sáu tuổi gia đình tôi sống tại ấp chiến lược Văn Hữu, Bình Long. Ba tôi là lính bảo an trong ấp. Cuộc sống đang êm đềm hạnh phúc thì có những tiếng súng, tiếng pháo kích cứ lâu lâu vọng về. Rồi vào một ngày năm 1963 việt cộng tấn công đồn bảo an. Hầu hết binh sĩ trong đồn bị tàn sát. Ba tôi lãnh nhiều mảnh đạn, nhờ giả chết mà được cứu nhưng sau 4 năm trị thương, bị tàn phế một chân. Đó là ngày khủng khiếp nhất trong thời thơ ấu của tôi.

Chúng tôi lại phải ra đi về một vùng đất mới, đó là làng Vinh Sơn, Bình Dương. Nơi đây tuổi thơ tôi được an bình một thời gian. Tuy gia đình tôi cũng chẳng giàu có gì, Mẹ tôi cũng chỉ làm thuê, buôn bán tảo tần lo cho gia đình.. Chị em chúng tôi chỉ biết ăn học, vui chơi...

Nhưng chiến tranh ngày càng lan rộng, mới chập chửng mơ mộng yêu đương thì phải lên đường nhập ngũ, nghiệp lính chưa tròn thì miền Nam sụp đổ.

Tôi có một người Cậu ruột tu sống trong nhà Dòng từ lâu, nhưng khi cọng sản vào họ đuổi ra hết để chiếm cơ sở, Cậu tôi rất giỏi về các loại máy nổ vì cậu là thợ máy chính của nhà Dòng

Cậu cũng nhìn thấy tương lai u ám của những thế hệ chúng tôi.. Rồi Cậu dẫn tôi lên thành phố giới thiệu vào các xí nghệp công tư hợp doanh.. Nhưng rồi cũng vì lý lịch, tư tưởng, chỉ đặt nặng: Hồng hơn chuyên, lao động để lấy vinh quang chứ đừng đặt nặng quyền lợi.. Vì thế không nơi nào tôi làm được hơn ba tháng. Và đúng lúc có nhu cầu nhiều người đang cần máy để gắn xuống tàu. Họ nhờ Cậu tôi, tôi đi theo giúp Cậu và giấc mộng cho Tự Do có cơ hội bùng cháy lên trong lòng. Sau cùng, chúng tôi cũng đủ sức tự lo cho chính mình.

Đó là chuyến đi đã được chuẩn bị từ khá lâu, và cũng đã đình hoãn vài lần vì nhiều lý do. Cậu tôi bảo tôi: Mình phải đánh đợt này thôi. Không thể kéo dài nữa, càng lâu càng nguy hiểm. Trách nhiệm của Cháu là dẫn tàu ra đi, cố gắng mọi sự cho tốt đẹp.

Một thoáng thắc mắc, tôi hỏi lại: Cậu đi cùng cháu luôn chứ, như mình đã dự định?

Cậu nhìn tôi một lúc rồi nói: Cậu lớn tuổi rồi, hơn nữa chỉ có một thân một mình đừng lo cho cậu.

Tôi nói: Tụi cháu đi hết rồi còn ai mà giúp cậu. Cậu tôi trả lời: Cậu không làm gì nữa đâu. Có thể Cậu sẽ về ở với Mẹ Cháu. Mọi việc mình đều đã sẵn sàng. Cháu liên lạc lại bến bãi, nếu tốt đẹp là tiến hành thôi. Tôi đáp: Cháu cảm thấy khá nặng và lo lắng… Cậu tôi trấn an: Cháu yên tâm đi. Đây là chuyến mình chuẩn bị cẩn thận nhất. Cậu tin là mọi sự tốt đẹp.

Thế là tất cả được quyết định. Vâng lời Cậu, tôi chỉ biết cố gắng và phó dâng… Là người được cậu giao cho việc tổ chức, tôi biết đây là chuyến tầu được chuẩn bị chu đáo nhất về mọi mặt. Tài công chính, lái tầu đường biển là một Hải quân Trung Tá vừa ra tù cải tạo. Tài công phụ, lái tàu đường sông, là tay rành rẽ nhất trong vùng. Người lo bến bãi và điều hành taxi (ghe nhỏ) đưa người ra cá lớn (tàu lớn) là tay kinh nghiệm lâu năm, lại hết lòng, vì chính anh ta cũng mang gia đình đi luôn chuyến này. Thợ máy nhà nghề và vật liệu đủ loại, từ dầu nhớt tới lương thực đều đầy đủ. Riêng con tầu thì dài tới 24 mét, khá lớn so với các ghe vượt biên thời bấy giờ. Bộ đội biên phòng của cộng sản thời ấy cũng dùng loại tàu tương tự, nên chúng tôi đã quyết định hóa trang luôn thành tàu bộ đội để khỏi bị các tên du kích địa phương bắt nạt. Đây cũng là một quyết định đưa tới những hậu quả bất ngờ, sẽ kể sau.

Sau vài tuần chuẩn bị, bổ sung mọi việc cần thiết cho chuyến đi, một ngày gần trung tuần tháng Bẩy năm 83, sau khi biết chắc “gà nha” phía mình đã vào nơi chờ an toàn, tôi nhảy xuống tàu lớn đậu gần cầu Tân Thuận đi “công tác.”

Sau nhiều giờ lòng vòng ngoài sông lớn chúng tôi cho tàu chạy tà tà vào điểm hẹn. Đúng như định liệu trước, tín hiệu bằng đèn pin được chiếu lên một lát thì bắt đầu thấy các “taxi” -tiếng lóng gọi thuyền nhỏ đưa người ra tầu vượt biển- từ từ tiến tới và lần lượt đổ quân lên “cá lớn.”

Gần hai tiếng đồng hồ chờ đợi và bốc người, thấy đã nhiều người rồi mà taxi vẫn lai rai cho người lên. Đám đàn ông mới vừa lên tàu toàn mặc đồ kiểu bộ đội và công an, nhiều lúc làm tôi giật mình vì không biết thật giả ra sao. Để kiểm soát lại, tôi nhảy xuống hầm tàu coi tình hình và xem phía “gà nhà” thiếu đủ ra sao.

Tìm tới tìm lui, chỉ thấy một đứa em trai 16 tuổi, còn bà chị lớn của tôi không hiểu sao không thấy. Chuyến trước chị tôi đã bị rớt lại trong lúc mọi người đều đi trót lọt nên lần này tôi gởi gấm chị rất cẩn thận cho người lái taxi đi cùng với gia đình họ mà sao vẫn không thấy chị. Rồi gia đình của chị kế tôi có sáu người cũng không thấy đâu? Bạn gái tôi và vài người khác cũng chưa thấy, trong khi số người trên tàu đã nhiều hơn dự định.

Theo hợp đồng thì bên chủ tàu được 50, bên tổ chức và lo bến bãi là chúng tôi được 70. Tổng cộng khoảng 120 người cho chuyến đi này. Vậy mà bên của tôi mới khoảng hơn 30 người. Đã dự liệu chuẩn bị kỹ mà lại xảy ra tình trạng này sao?

Tôi đi tìm hỏi Anh Thảo, người lo về taxi và bến bãi cũng ra đi trên chuyến tàu này. Anh nói giờ biết làm sao đây.

Sau đó anh cho biết có thể vì anh làm trong nghề này khá lâu, có uy tín với đàn em. Khi họ biết lần này anh mang gia đình đi luôn và anh rất tin tưởng ở chuyến tầu này, nên họ đã cố tình đem người thân của họ đi nhiều hơn rồi chính họ cũng đi luôn. Kết quả là không ai lái taxi về để tiếp tục đón những người còn chờ đợi, ghe (taxi) không người lái trôi lềnh khênh trên sông!

Sau khi thấy mọi việc xảy ra ngoài dự liệu, tôi thấy mùi vị đắng cay nghẹn ở cổ. Đang phân vân thì anh thợ máy chính đi tới nói với tôi: Thôi rồi em ơi, mình bị tụi nó chơi rồi. Vợ con anh cũng không thấy! Tôi hỏi anh Vậy bây giờ tính sao? Anh đang suy nghĩ thì tôi nói luôn: Hay là anh cho ủi tầu vào ụ cho họ lên mình chạy về làm lại?

Im lặng một lát rồi anh nói: Tùy em quyết định vì em là người chịu trách nhiệm chính.

Vừa lúc đó chú Cầu đến nói với tôi: Các đồ nghề đầy đủ chứ? Tôi nói: Đầy đủ, còn gia đình Chú đủ chưa? Chú nói: Hai đứa con gái đã lên đầy đủ, mình đi thôi, trễ rồi. Sợ ra cửa không kịp là kẹt.

Chú Cầu là trung tá hải quân mới ra khỏi trại cải tạo và là tài công chính của chuyến đi. Chú không dám đưa nguyên gia đình đi vì mới ra khỏi cải tạo nên chỉ đưa hai cô con gái đi mà thôi.

Sự thúc dục của chú Cầu và lời anh thợ máy giúp tôi trở về với thực trạng trước mắt. “Cố gắng mọi sự cho tốt đẹp,” câu nói của Cậu tôi lại vang lên. Sau một thoáng suy nghĩ và bình tâm, tôi nói với anh: Mình chạy vào chưa chắc đã thoát, nếu đổ bể coi như xong, không còn đường hy vọng. Còn nếu ra đi coi như mình thua thiệt, thất bại cho bên mình nhưng về mặt tổ chức chưa thất bại.

Sau đó, tôi đến nói chuyện với anh Tiến, người tài công đường sông rất am tường kinh nghiệm vùng này: Thôi, mình đi. Không chờ đợi nữa, nếu không ra cửa, qua vùng nguy hiểm kịp lúc trời còn tối là mình sẽ thua đó.

Thế là con tầu xuất phát từ Sàigòn Chợ lớn, bắt đầu trực chỉ hướng Vũng Tàu duyên hải mà tiến. Vì hóa trang là đi công tác nên chúng tôi phải cho con tầu đi ra vẻ ngang nhiên tuy trong lòng căng thẳng từng phút giây...

Và rồi tầu cũng đã ra được cửa biển. Chúng tôi cho tầu chạy suốt đêm, tới ngày hôm sau thì biết là đã ra khỏi vùng nguy hiểm. Vì lo chạy thoát thân suốt đêm mà sóng thì lớn nên tàu bị nước vào. Lúc này bà con trên tàu tinh thần còn cao, thân xác còn mạnh khỏe, mà lại không biết mình đã đi được xa chưa nên hăng hái chia nhóm tát nước vui vẻ...

Nhưng niềm vui không lâu, vì sóng gió càng lúc càng dữ hơn. Con tàu dài 24 mét vật vã giữa đại dương nhiều phen đã tưởng không thể được cự nổi. Nước tiếp tục tràn vào tàu. Thêm một ngày nữa thì hầu hết kiệt lực, người say sóng ói mửa nằm la liệt trên tàu. Một số thanh niên họp lại bàn bạc, nói đi nữa là chết hết, bây giờ mình đi chưa xa lắm còn quay về được, thà ở tù vài năm ra còn hy vọng đi tiếp và rồi họ cùng nhau biểu tình một hai đòi trở về.

Tôi họp riêng với chú Cầu và Anh Thảo trong phòng lái: Chú và Anh nghĩ như thế nào nếu mình quay về, tôi hỏi. Anh Thảo đáp: Tôi mà về chắc tôi chết! Còn Chú Cầu nói tôi mới tù cải tạo ra, quay về lần này là hết đường. Và Chú hỏi tôi: Còn cháu thì sao? Tôi nói, nếu quay về là thất bại toàn bộ, cháu không gánh nổi trách nhiệm này. Mình phải tiếp tục đi tới thôi, tôi đáp.

Sau ít phút căng thẳng, chú Cầu hỏi tôi: Tình trạng xăng đầu của mình ra sao? Tôi đáp: Dầu chuẩn bị còn nhiều. Nhờ tàu lớn nên chúng tôi có làm mấy thùng rất lớn để chứa dầu và nước, hiện vẫn chưa dùng tới. Chú Cầu quyết định: Cách duy nhất là tiếp tục đi. Nhưng trước tình hình lộn xộn này, cứ nói với họ là mình quay về. Trong khi đó, chú sẽ cho tàu cặp theo sóng đi qua đi lại như hình chữ Z, đường đi sẽ rất dài không biết bao lâu mới tới nơi. Tôi nói: Không sao, biết đâu tới lúc đó hết sóng mình lại đi thẳng lại.

Tôi ra khỏi phòng lái và tuyên bố với mọi người bây giờ tàu sẽ đổi hướng đi về. Chú Cầu đổi hướng cặp theo sóng, tàu đang bị nhồi như xe đụng ổ gà, bỗng êm lại. Nhóm thanh niên biểu tình hài lòng reo lên tàu quay về, mình sông rồi, anh em ơi tát nước. Trong mấy anh em nhảy xuống tát nước, có anh chàng nào đó vừa tát nước vừa nghêu ngao: Vậy là chuyến này con không nuôi cá nhưng Má sẽ nuôi con, hy vọng một ngày nào con sẽ nuôi lại Má...

Tàu cứ đi như vậy thêm khoảng hai ngày nữa mà sóng có vẻ như càng ngày càng lớn hơn, ai cũng mỏi mệt, người nào cũng ướt nhẹp, ngay cả cái máy bơm nước cũng thấybơm rất yếu. Tôi bảo Dũng (Phụ thợ máy) Em xuống tăng lại dây bell cho nó căng lên một chút Dũng nói dạ và nhảy xuống làm liền. Lát sau, bỗng thây cái bơm nước bể luôn. Thì ra Dũng quá vội, chưa nới lỏng ốc đủ mà cứ bỏ xà beng vào bắn đẩy cái bơm nước mạnh quá khiến nó bể luôn. Vậy là mọi người lại mệt hơn vì không còn bơm nước nữa.

Con tàu tiếp tục vật vã với sóng gió. Sang ngày thứ năm, giữa lúc mọi người nằm ngồi trên sàn (boong) tàu, bỗng có anh chàng coi ống nhòm nhìn thấy sao đó mà la lên: “Có tàu. Tàu Taiwan, gần mình lắm. Tôi cùng vài người nữa cũng lại nhìn ống nhòm, thấy có bóng tàu nhưng sóng lớn nhấp nhô liên tục không thể thấy rõ. Chú Cầu nói dù sao nơi này chắc chắn không phải tàu việt cộng, mình cố tiến lại gần phía họ.

Rượt ròng rã cả mấy tiếng đồng hồ khi gần đến nơi thì ai cũng hết hồn vì đó là tàu đánh cá Thai-Lan, nó đi xa xa không tới gần nó dùng ống nhòm cứ đi vòng vòng và xem xét bên mình. Thêm mấy tiếng trôi qua, từ từ thấy có nhiều chiếc khác kéo tới. Bọn táu Thái bao vây quanh chúng tôi. Đa số bọn trên tàu cổi trần bôi bột trắng trên người và nhảy tưng tưng như chuẩn bị ăn mừng. Bên tàu chúng tôi thấy các chị em phụ nữ kinh hoảng, chúng tôi cho phụ nữ xuống hầm tàu còn thanh niên, đàn ông ở trên sẵn sàng được cự. Thật ra lúc đó chúng tôi không sợ gì cả. Thấy tàu chúng tôi cứ tiến sát lại, mấy tàu Thái de lui. Rồi có một chiếc tới gần tàu chúng tôi, ra hiệu cho chúng tôi quăng dây lên cho nó, và chúng tôi quăng liền cho nó và nó buộc vào tàu nó rồi nó kéo đi, nhưng chúng tôi cầm dây kéo cho tàu chúng tôi sát lại gần tàu nó hơn. Thấy vậy, nó quăng dây trả lại và lại giang ra xa đứng quan sát...

Chúng tôi bàn với nhau bây giờ mình cho người bơi qua tàu của nó và hỏi nó có bơm nước không, nếu có mình sẽ mua giá bao nhiêu mình sẽ trả bằng vàng cho họ. Thế là Anh Nhiên tình nguyện nhảy xuống biển bơi qua và nó cho anh lên tàu. Anh Nhiên thương lượng với nó khua tay múa chân một hồi khá lâu rồi nhảy xuống bơi trở về bảo nó nói không có...

Đoàn tàu Thái tiếp tục bao vây chúng tôi cả ngày. Tôi đếm tất cả là 15 chiếc tàu đánh cá Thai Lan loại lớn. Thình lình, một tàu Thái tới gần thảy cho chúng tôi một số mì gói và thuốc rê và chỉ hướng cho tàu chúng tôi đi. Sau đó chúng từ từ kéo nhau đi...

Sau khi các tàu Thai Lan ra đi chúng tôi cứ theo hướng hải bàn đi tiếp, chúng tôi thấy có những tàu buôn đi gần và cũng đang hướng về tàu chúng tôi, chúng tôi hò la làm dấu hiệu xin cứu nhưng rồi tàu nào cũng rẽ hướng khác mà đi.

Đêm xuống, chúng tôi lấy dầu tẩm vào quần áo để vào cái chậu thau đốt cho cháy cả đêm mà cũng không tàu nào vớt...

Chúng tôi suy nghĩ: Có thể tại họ thấy tàu mình còn chạy, còn khỏe vì họ thấy khói tàu còn bay ra? Hay mình làm như tàu bị hư hết chạy được, mà biển thì đang có sóng trong trường hợp nguy hiểm như vậy chắc họ sẽ cứu, nếu họ không cứu mà thấy nguy hiểm quá thì mình mở máy lại chạy tiếp. Mọi người tán đồng. Vải trắng được treo lên làm cờ SOS. Con tàu tự tắt máy. Nhưng sau khi tắt máy thì con tàu không còn điều khiển được nữa, đành mặc cho sóng gió đưa đi đâu thì đi, cứ quay vòng vòng đúng là thuyền không lái...


Chúng tôi chờ đợi và cố gắng chịu đựng khá lâu mà vẫn không có tàu nào chịu đến gần dù lâu lâu cũng có một hai chiếc đi xa xa... Sóng ngày càng lớn, biết là không thể nào chịu đựng lâu hơn, chúng tôi quyết định cho máy nổ lại để dễ đương đầu với sóng gió... Nhưng đề mấy lần mà máy không nổ. Rồi anh thợ máy la lên là nước biển đã vào trong bình điện, vì mỗi bình còn lại có mấy nắp vặn và có nhiều nắp rớt ra nằm ngoài thùng cây. Đúng là người tính không bằng trời tính.. Chúng tôi cố gắng tìm những cách như mồi dầu và dùng máy F-10 (Dùng để bơm nước mà bơm nước bị bể nên nằm không) kéo phụ bánh trớn và nhiều cách khác nữa... Nhưng đều thất vọng, mọi người nhìn nhau im lặng...

Sau một đêm sóng gió, cơn bão tan dần, biển xanh thấy êm ả trở lại. Khoảng gần trưa, thấy có một chiếc máy bay bay xa xa, chúng tôi ra hiệu đốt lửa, lấy vải trắng làm cờ, kêu la. Ồ.. Nó bay lại gần, bay hơi cao nhưng chúng tôi vẫn cố gắng làm đủ cách mong cho họ thấy mình. Nhưng nó bay qua rồi đi luôn. Trong lúc mọi người đang tuyệt vọng, bỗng thấy chiếc máy bay vòng lại, lần này lượn vòng thấp hơn. Hình như họ đã thấy chúng tôi nên tiếp tục bay thấp. Chúng tôi thấy rõ hàng thân máy bay có chữ US Navy. Tất cả cùng reo lên: A máy bay Mỹ, Máy bay Mỹ. Có người trên máy bay ra dấu chào chúng tôi và máy bay đi xa khuất. Chúng tôi bàn nhau là Mỹ họ đã thấy mình, chào mình, chắc thế nào họ cũng cứu mình.”

Khoảng hai tiếng đồng hồ sau đó, thấy xuất hiện một chấm trắng ở xa tít xa đang hướng về phía chúng tôi. Mấy người nhìn ống nhòm đều la lên có tàu đang đến cứu mình. Chỉ một lát sau, chiếc màu xám rất to chạy tới đậu cách tàu chúng tôi vài trăm mét, chúng tôi nhìn thấy cờ Mỹ mọi người đều vui mừng nhìn mặt ai cũng thấy hạnh phúc đang đến với mình, tàu chiến của Hải Quân Mỹ tôi còn nhớ số là CG 31, mà sao đậu xa thế hay đang xem xét chúng tôi như thế nào? Tình trạng chúng tôi ra sao?

Khoảng 10 ngày lênh đênh trên biển với bao sóng gió, nguy hiểm chắc chắn ai cũng mệt nhưng vì quá vui mừng như được sống lại nên nhìn ai cũng tươi, khỏe có thể vì vậy mà họ chưa cứu mình cũng nên? Và chúng tôi thấy tàu Mỹ thả xuống một chiếc canô có 5-6 người lính mặc áo giáp đội nón sắt và có một lá cờ Mỹ thật to trên chiếc canô từ từ tiến về phía tàu chúng tôi, tôi liền nhớ trên tàu tôi có hai người là thông dịch viên, Anh Quí, mấy người sĩ quan có đi du học ở Mỹ, và các Sĩ quan khác, và những người thông thạo Anh ngữ đang giàn một hàng ngang đứng sẵn sàng để nói chuyện với họ, và tôi cũng kêu gọi các người khác mình nên nằm im, rất mệt đang cần sự cứu giúp thật sự, còn những người khác sẽ có nhiệm vụ nói chuyện với tàu Mỹ..

Khi chiếc ca nô tới gần, chúng tôi chưa kịp nói gì thì nghe một người lính Mỹ hỏi chúng tôi: “Tàu các ông có nước vào nhiều không? Các ông có khỏe không? Hỏi bằng tiếng Việt rất rõ ràng. Mọi người đều ngạc nhiên rồi vui mừng. Sau khi lên tàu chúng tôi, họ nói là họ sẽ sẵn sàng giúp chúng tôi cái gì chúng tôi cần như: lương thực, dầu xăng, sửa máy, mọi thứ họ có thể lo được... Chúng tôi nói là máy tầu không chạy nữa vì bình điện bị hư và tàu bị nước vào nhiều, mọi người đều kiệt sức, mong đựợc cứu vớt chúng tôi.. Nhưng họ nói là họ sẽ cố gắng mọi cách để giúp chúng tôi ra đi tiếp tục chứ họ không thể vớt chúng tôi được vì họ không được phép và họ đang tập trận với hải quân Thai-Land. (Hèn gì bọn hải tặc không dám làm thịt chúng tôi vì gần vùng tập trận)

Thế rồi họ gọi cho bên tàu khu trục hạm của họ đưa bình điện mới qua và các dụng cụ để sửa máy, thợ máy chuyên nghiệp qua. Tôi nghĩ vậy là mình không được vớt rồi, họ sẽ làm máy nổ xong là mình lại phải tiếp tục ra đi. một thoáng thất vọng! Nhưng có còn hơn không. Họ gắn xong bình điện và đề máy... đề mấy lần mà cũng không nổ. họ thay bình khác mạnh hơn mà cũng không nổ. Làm thêm đủ cách, từ đo dầu, đo nhớt, tháo máy sửa luôn mà cũng không nổ.. Cuối cùng họ tìm ra lý đo là cốt máy bị cong. Họ nói cái gì họ cũng có thể sữa được, còn cốt máy thì họ chịu thua vì phải thay máy khác.

Nghe nói vậy tôi mừng thầm vậy là mình được họ vớt? Nhưng họ liên lạc về tàu họ có Ông thiếu tướng chỉ huy tàu bên đó. Ông thiếu tướng nói không có lệnh vớt.. Mấy ông lính bên này nói mấy người tị nạn ở đây họ mệt lắm rồi mà máy thực sự không làm được gì nữa. Bên kia ông Thiếu Tướng liên lạc về Washington chờ lệnh, và hai bên cứ liên lạc mãi mấy tiếng đồng hồ mà vẫn chưa quyết định làm chúng tôi ai cũng hồi hộp, rồi một số người lại lâm râm nguyện cầu.

Chúng tôi chờ đợi vừa buồn vừa lo và ai cũng thấm mệt vừa lúc đó tiếng nói của ông lính Mỹ nói bằng tiếng Việt Nam: “Washington đã cho phép chúng tôi vớt các người lên tàu, vậy để chúng tôi kéo ghe lại gần tàu và đưa người lên tàu... Ồ mọi người thở ra sung sướng. Đó là ngày 20 tháng 7 năm 1983.

Tàu chúng tôi được kéo lại gần tàu lớn. Tôi thấy trên tàu Mỹ các sĩ quan và lính đều mặc đồng phục đứng thành hàng sẵn, hình như họ chuẩn bị đón chúng tôi. Nhìn mấy hàng quân mấy trăm người đồng phục sắp hàng trang trọng chờ đón, tôi giật mình thấy mình chỉ mặc một cái quần cụt từ ngày đầu tới bây giờ lúc nào cũng ướt. Tất cả chúng tôi đều tả tơi như nhau.

Chiếc canô kéo tàu chúng tôi tới sát Khu trục Hạm CG-31, họ thả xuống cái thang xếp lớn hình chữ Z, các Hải quân Mỹ đứng thành hàng theo bực thang để dìu, dẫn chuyển tiếp từng người lên tàu của họ, khi vừa tới boong tàu là mỗi người được trao cho một ly nước cam hay một ly sữa và nửa trái táo đã cắt sẵn. Chắc thấy chúng tôi yếu và mệt họ chưa dám cho ăn nhiều.

Tuy vậy tôi cũng đã cảm giác được Thiên Đàng là gì. Sau bao nhiêu lần tưởng là đã xuôi tay.. Mà giờ đây đang đứng trên cao giữa đại dương bao la gió mát lồng lộng tay cầm một ly nước cam và đang thưởng thức vị ngọt, thơm của táo. Nhìn xuống biển xanh, tôi thấy con tàu chúng tôi bỏ lại đang bị xịt xăng, dầu để đốt bỏ. Vậy là con tàu mà chúng tôi đã chăm chút tu bổ, sửa chữa từng miếng ván, bù lon, gắn máy này thay máy kia, rồi vật vã với nó suốt cuộc hành trình, thoáng chốc đã thành một đám lửa bập bềnh. Tàu hải quân chạy vòng vòng cho tới khi chắc chắn tàu đã cháy xong họ mới đi.

Sau khi ăn xong chúng tôi được đi tắm, họ làm những nhà tắm tạm bằng lều vì đây là tàu chiến chúng tôi không được phép vào những khu vực quân sự. Mấy ngày sau tôi được biết tàu này có khoảng 60 sĩ quan và 500 lính. một anh lính hải quân đưa cho tôi một cục xà bông chỉ vào phòng tắm và ra hiệu cởi quần áo để tắm, sau khi tôi cởi đồ ra thì họ xịt hơi sát trùng lên đô áo rồi họ quăng xuống biển. Sau khi tắm xong họ để sẵn một đống quần áo còn mới trên boong tàu ai muốn mặc cái nào tùy ý, tôi chọn một bộ mặc vào và thấy mình khác hẳn.

Rồi họ phục vụ bửa ăn tối cho chúng tôi, tôi nhớ đây là bửa ăn dài nhất vì nhiều món my, ngon, lạ mà chúng tôi thì đang đói lại có nhiều giờ rảnh rỗi vừa ăn vừa đi vòng vòng làm quen thăm hỏi nhau lại vừa coi phim và hình như những người phục vụ họ cảm nhận được điều đó nên họ vẫn vui vẽ chiều chuộng chúng tôi, họ thật dễ thương và đáng phục... Ngày hôm sau họ vớt thêm một ghe vượt biên nữa, ghe này khoảng 90 người khởi hành từ Rạch Giá mới đi được hơn 20 tiếng, con tàu của họ còn ngon lành, chạy boong boong vì biển lúc này cũng rất êm. Sỹ quan trên tàu nói bây giờ học đã được phép vớt chúng tôi nên sẵn họ vớt luôn.

Rồi những người lính hải quân Mỹ lại dàn hàng và đưa rước từng người lên, trên này thì có chúng tôi chia vui, chúc mừng, và họ cũng cho một người một ly nước ngọt và một trái táo. Tàu cứ chạy mấy ngày như vậy họ nói là nếu vớt thêm một số người nữa thì họ sẽ đưa chúng tôi qua thẳng Philiphine, có lần họ nói thấy giống tàu vượt biên họ rượt theo chúng tôi ai cũng reo mừng thật hên cho chiếc nào đang vượt biên mà nằm trong vùng này vì họ đang cố tình tìm vớt trên đường qua Phi để gởi chúng tôi bên đó, nhưng tới gần thì họ nói đó là tàu đánh cá.

Cuối cùng họ quyết định gởi chúng tôi vào tạm ở Thai-Lan vì họ đang tập trận với Thai-Land mà chở chúng tôi đi thì không đáng. Nhưng theo luật muốn gởi chúng tôi ở Thai-Land thì Mỹ phải chịu trách nhiệm về tình trạng di trú thì Thái mới cho vào, thế là Mỹ đưa phái đoàn ra tàu chúng tôi làm thủ tục rất nhanh gọn và dễ dàng, chúng tôi khoảng 250 người ngang nhiên trở thành “con nuôi” của Mỹ lúc còn lênh đênh ngoài khơi. Lúc đó chúng tôi chưa thấy quí và trân trọng những vấn đề này cứ tưởng là rất bình thường cho tới khi chúng tôi lên Thai lan hay qua Indô (Ga-Lăng) thấy những cảnh đời bị nước này đá lên, nước kia đá xuống chờ đợi 34 năm sống leo lét cảnh đời tị nạn thiếu thốn buồn tủi, rồi còn bị bang này, hội kia nghi ngờ sát hạch làm tội làm tình đủ thứ. Lúc đó mình mới biết là may mắn và phúc đức như thế nào.

Chúng tôi được gởi vào trại tị nạn Panat Nikhom Thai-Land, ở riêng trong khu tàu vớt thật nhàn hạ và bình yên, suốt ngày đi vòng vòng, vào thư viện đọc sách rồi tới giờ có người phát cơm. Khoảng 3 tuần bắt đầu có những chuyến chuyển trại lai rai có người thì qua trại Bataan Phi luật Tân có người thì qua GaLăng Inđô và tuần nào cũng có chuyến đi.

Sau 4 hay 5 tuần gì đó tôi và em tôi cũng có list để đi nhưng vài ngày sau thì bị canceled. Có vài người cho tôi biết là Đại úy Vinh, người làm an ninh cho trại có kêu nhiều người lên hỏi tin tức về chuyến vượt biên và về tôi, có người khai là thấy tôi chỉ huy chuyến đi, mặc đồ bộ đội, nhiều người gọi tôi là thủ trưởng. Những lời khai này đều là sự thật, thấy sao nói vậy.

Chờ đợi thêm gần 3 tháng trong khu tàu vớt chỉ còn tôi, em tôi và và một gia đình nữa. Tôi lên khu an ninh xin gặp đại úy Vinh, một lát sau Ông cho tôi vào gặp, tôi chưa kịp hỏi thì Ông nói: Vài bữa nữa em và em của em sẽ có list đi đó. Vì nhiều người nói nên anh phải điều tra thôi. Bây giờ xong rồi, Anh biết hết rồi, sorry em chờ hơi lâu, vài hôm nữa thì em sẽ có tên đi. Tôi cám ơn và chào Ông.

Vậy là tôi ở trại Panat nikhom Thai Land khoảng ba tháng, tôi qua Galăng Inđô vào cuối tháng 10/83, vừa tới cầu tàu Ga lăng, tôi rất vui vì thấy có ba đứa em của tôi nữa và những người quen đi cùng với các em tôi gần hai năm trước vẫn còn ở đây. Ba đứa em tôi thì được Úc đại lợi nhận mấy tháng nay rồi chỉ chờ có chuyến bay là đi thôi. Tôi xin cho ba em tôi cùng đi Mỹ với tôi thì cao ủy trả lời là thủ tục hơi rắc rối và khá lâu vì tôi phải chờ vào khóa học, học xong tôi qua Mỹ rồi mới làm giấy bảo lãnh cho ba em tôi rồi lúc đó mới được vào khóa học.

May sao tại đây tôi có dịp gặp lại Cha Tân dòng Phanxicô, người được tôi thu xếp cho đi cùng chuyến với mấy em của tôi. Biết chuyện đang khó xử cho tôi, Cha giúp chở tôi lên gặp Ông cao ủy trưởng và Cha sẽ hỏi giúp.

Sau đó Cha Tân viết một lá thơ bằng tiếng Pháp đại ý nói tới hoành cảnh của tôi, anh em không muốn chia lìa, và Cha còn nói là lúc trước đây tôi đã giúp Cha bây giờ Cha cũng muốn giúp lại tôi. Sau đó Cha chở tôi bằng xe Vespa mà Cha Dominici Đỗ minh Trí cho Cha để Cha chạy lên chạy xuống giúp người tỵ nạn.

Ông cao ủy trưởng người Pháp là bạn với Cha Tân ngày xưa cùng học một trường bên Pháp. Gặp lại nhau một người làm cao ủy tị nạn một người là nạn nhân tỵ nạn.

Sau khi Ông cao ủy Trưởng đọc tờ đơn và hỏi han một hồi thì Ông nói: Trường hợp này Ông giúp được với một điều kiện là tôi phải tới Mỹ trước và các em tôi sẽ tới sau nhưng không lâu đâu. Tôi hỏi: Khỏang bao lâu thưa ông? Ông cười và nói: Một tháng, một tuần hay một ngày, nhưng phải qua sau anh vì đó là luật. Thật cám ơn ông và Cha Tân.

Vậy là tôi an tâm vì anh em cùng được đi Mỹ, và gặp Thầy Hải đi chung tàu và cũng biết tôi ở Suối nghệ có chơi nhạc và sinh hoạt Thiếu Nhi nên Thầy kêu tôi vào sinh hoạt với các em thiếu nhi và giúp ca đoàn thiếu nhi. Tuy mới tới đảo nhiều chuyện còn phải lo, chuẩn bị vào khóa học, nhưng nhớ lại những ngày trên biển, những nguyện cầu.. nên tôi nhận lời ngay, và những ngày trên đảo Galăng qua đi rất nhanh để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhiều niềm vui phục vụ. Hai anh em tôi vào khóa học 23 và ba đứa em của tôi vào khóa học 24. Tôi tới Mỹ tháng 4 năm 1984, mấy em tôi qua sau tôi một tháng, thành phố Pasadena, California là nơi chúng tôi sinh sống những ngày đầu trên đất Mỹ.

Rồi mọi sự cũng trôi qua... Sau tám năm Ba Mẹ và đứa Em út của tôi cũng qua Mỹ theo diện tôi bảo lãnh, sau mười năm tôi trở về đưa người bạn gái bị rớt lại ngày xưa qua, rồi có hai con một gái một trai.. Cả nhà vẫn sinh hoạt ca đoàn, Thiếu Nhi...

Còn về phần Cậu tôi sau khi chúng tôi ra đi Cậu tôi được nghỉ ngơi một thời gian, nhưng cây muốn lặng mà gió không ngừng! Người ta lại tìm và muốn Cậu tôi tiếp tục làm vì họ thấy mấy chuyến rồi đều tốt đẹp. Nhưng rồi từ thất bại này đến những mất mát khác và cuối cùng Cậu tôi bị bắt giam vào số 4 Phan đăng Lưu.. Sau 5 năm khi họ biết Cậu tôi không còn gì họ có thể lấy được nữa từ của nổi của chìm thì họ cho về.. (Tôi còn nhớ câu nói của Cậu: “Đừng lo cho Cậu.. Cậu không làm gì nữa đâu”..“Tụi cháu đi hết rồi còn ai giúp cho Cậu”).. Nhưng rồi Cậu đã phải trả một giá quá đắt mà đúng ra Cậu không phải trả!

Đó là hành trình chuyến đi của tôi mà trong đó cũng có nhiều nổi niềm cần được nói ra như một lời tâm sư, một câu tri ân.. dầu rất bình thường nhưng cũng là một chứng tích rất cần cho tương lai.

Nguyễn Xuân Mai

Ý kiến bạn đọc
21/06/202400:07:43
Khách
2006b, fusion mediated by M2br N197D V200T at the low CD4 levels was even more efficient Additional File 2 <a href=https://cialis.lat/discover-the-best-prices-for-cialis>buy cialis usa</a> However, for those who have not yet neared the pregnancy s full term and for whom their underlying health disorders are difficult to manage, consideration may be given to terminating the pregnancy, especially in cases where doctors believe that the continuation of the current pregnancy may carry risk for both mother and child
29/06/202305:53:11
Khách
There it says our God and Father and his son Jesus comfort us during trials, so that we can comfort others during any sort of trial <a href=http://viagr.cfd>best natural viagra</a>
15/03/202304:57:24
Khách
<a href=https://buycialis.beauty>cialis professional</a> The advantage of the two- stage procedure is that incisions are only made around the edge of the areola
02/09/201413:53:13
Khách
Ai cũng vuot biên như cha nội này thì còn ai ở vn. Nhớ rằng không có Pháp và Mỹ thì không có chiến tranh Nam Bắc, trước đây nước ta vẫn từ ải Nam quan đến mũi Cà mau mà
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến