Hôm nay,  

Bắc Du

29/05/201400:00:00(Xem: 14730)

Tác giả: Nguyễn Viết Tân
Bài số 4225-14-29635vb5052914

Trong số 80 tiến sĩ dược khoa của Đại học Washington State tốt nghiệp năm nay, có tới 17 gốc Việt. Nhân dịp đi dự lễ tốt nghiệp của thứ nam, tác giả có du ký đặc biệt về trang trại của một “lão nông” Việt tị nạn ngay giữa thành phố. Dự Viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên, Nguyễn Viết Tân hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết. Hình:

*

Tôi vô tâm nên không để ý đến việc học của con cái cho lắm, nhất là ngày ra trường trung học và đại học của chúng, cho đến bữa kia thấy tụi nó ngồi nói chuyện với nhau bằng tiếng Mỹ mới biết rằng mình quá thiếu sót.

Đám con cháu mẹ tôi, bà cụ Xuân, ra trường cũng đã nhiều, nhưng toàn là Trung Sĩ với Thượng Sĩ, nay mới được một mống Chuẩn Úy thực thụ, thì cả gia đình nên làm một chuyến "Bắc Du" lên tiểu bang Washington, trước là thăm họ hàng anh em bạn hữu ở Seattle và Canada, sau nữa là đến thành phố Spokane, nơi thằng Bư đang theo học.

Bư là thằng con thứ ba trong gia đình, hai anh nó là thằng Chuồn và Ốc đi làm đã lâu, con Chim là gái út cũng đi làm Y tá (RN) ở nhà thương Long Beach gần nhà được 1 năm rồi, chỉ có Bư bây giờ mới học xong.

Cũng không phải nó dốt như bố nên học chậm, mà vì chương trình học dài quá, đến 9 năm, mà nó lại mất 2 năm nhảy ra đi làm Pharmacy Techincian để dành tiền mà học tiếp. Vị chi là nó đã mài đũng quần ở ghế nhà trường chẵn 22 năm.

Thằng Chuồn và mấy đứa kia bây giờ đi làm cũng có tiền, nên tỏ ý bao cho cha mẹ một chuyến đi chơi 8 ngày.

Chúng tôi đi máy bay từ phi trường Long Beach lên Seattle cho rẻ, vì hãng Jet Blue bán vé đi về mà có 170$.

Trời Nam Cali nóng và gió Santa Ana khô rát đang thổi khí hậu từ sa mạc ra, nên chúng tôi ung dung diện may ô quần sọt mà lên máy bay, quên luôn gọi trước coi thời tiết ra sao. Ai dè lên tới phi trường Seatac gió rét lạnh căm, mưa phùn bay mờ mịt như những ngày muà đông mưa dầm ở Huế.

Vì đã có thuê xe trước, nên chúng tôi tự lái xe về nhà cháu Sơn Thanh. Đây là căn nhà to đẹp mà cách đây 3 năm, thằng Bư tới trước cửa nhà nhưng không dám vào vì nó to lớn và sang trọng quá.

Hôm nay chiều thứ Bảy, nên anh em tới mừng tôi cũng hơn 50 người.

blank
Bư trong áo mũ tiến sĩ dược khoa đấu chưởng vơi em gái.

Ngoài trời vẫn gió mưa mù mịt.

Sáng Chúa Nhựt cả nhà đi lễ lúc 8g để rồi còn đi Canada. Thằng Ốc không mang theo passport nên cùng mấy đứa kia ở lại Seattle mà đi chơi với các anh chị em họ. Cháu Thanh cụ bị một giỏ đồ ăn thật to, cứ y như sắp vượt biên, mà vượt biên thật đấy chứ gì nữa. Chúng tôi sắp vượt biên giới qua Canada.

Anh Phương xung phong làm tài xế, có chị Hương làm người dẫn đường, tay cầm sẵn bản đồ mới in ra từ computer.

Từ Seattle lên tới biên giới khoảng 2g lái xe.

Dọc đường tuy vẫn còn mưa, nhưng quang cảnh xanh tươi, có loại hoa vàng như hoa mai mọc khắp nơi, nhiều chỗ như một rừng mai vàng. Hoa tulip và một loại hoa gì tôi không biết tên đang nở khoe màu rực rỡ.

Khởi đầu Phương dự tính là sẽ đi ngang qua Vancouver để thăm hai người anh em Kinh 5 là Hà và Thuận, rồi ngắm vườn hoa nhưng mưa trắng trời nên vượt qua exit mà chẳng biết. Thế là chạy lạc cả tiếng đồng hồ mới xuống tới phà đi đảo Victoria.

Chiếc phà này nhiều tầng, đậu 6 hàng xe song song, hai tầng trên cùng có nhà hàng để cho hành khách ngồi rất thoải mái. Từ đất liền ra tới đảo là 100km, phà chạy hết 2 tiếng.

Nhớ tới tai nạn chìm phà mới đây ở bên Nam Hàn chết nhiều người tôi cũng hơi lo, nhưng hôm nay sóng lăn tăn nhẹ, và trên tầng hành khách thì phao và xuồng thoát hiểm rất nhiều, nếu tàu có chìm cũng không đến nỗi chết.

Victoria là hòn đảo lớn nhất và cũng là thủ phủ của Canada. Nhiều người nói vậy nhưng thực ra thủ phủ là thành phố Ottawa.

Nó có diện tích bằng 2/3 nước VN (217 ngàn Km so với 331 ngàn Km vuông). Bởi vậy tuy tiếng là đảo, nhưng hệ thống xa lộ, nhà cửa, phố xá rất sầm uất, những rừng thông bạt ngàn và đây...một nông trại giữa thành phố của anh Lê Ngọc Châu, một cựu lão nông của Kinh 5, mới 60 cái xuân xanh:

Cách đây hơn 1 tháng, hội bác ái Kinh 5 Foundation có phát động giúp vốn cho những gia đình ở K5 bên quê nhà nuôi nghé hay bê trong những ngày nông nhàn, nên khi tới trang trại của anh Châu, thấy đồng cỏ thênh thang trên 10 hecta, nuôi trên chục con bò và bê là tôi thích chí quá xá.

Anh nuôi 2 loại bò, loại coi ốm nhom là loại để làm bê thui, còn loại to lớn, béo nần bán cho người ta làm thịt vì dưới lớp da nó là lớp mỡ dầy, tuy coi ngon vậy mà khi thui ra ăn không ra cái tướng báo gì.

Chung quanh đồng cỏ là rừng thông vượt lên cao. Đồng trồng cỏ cũng ngăn ra thành từng khu, bò ăn hết khu này mới lùa đi chỗ khác, lúc đó lái máy cắt cỏ vô để cắt sát gốc nên phẳng phiu như sân cỏ trước vườn nhà.

Trước đây chủ cũ có để lại 2 máy cắt cỏ cỡ trung, nhưng anh đã mua máy cày lớn như John Deer kéo theo dàn máy trông rất tối tân.

Anh Châu sưu tập nhiều xe mô tô cỡ lớn, nhưng cũng có nhiều xe Vespa cũng như Cady.

Ông nội này còn chơi một trò chơi rất tốn tiền là máy bay remode control loại lớn, nhưng đặc biệt hơn cả là anh ta đang lắp ráp một máy bay thật, có 1 người lái.

Anh tâm sự ngày xưa mê làm Pilot lắm, nhưng mắt có vấn đề sao đó, nên bị loại đành xin vào làm lính kỹ thuật của KQ. Bây giờ có phương tiện thì tại sao không thoả ước mong của mình.

Cũng may là anh đã qua đây, chứ nếu còn ở VN, có làm ra được thì họ cũng cấm hoặc tịch thu máy bay này.

Nhưng tình thiệt mà nói, anh cho tôi lái chiếc này thì cũng đành nói "Hổng dám đâu" dù xưa kia tôi ở KQ cũng 6 năm trời đi mây về gió, vì trông nó giống chiếc máy bay bà già L19 mà coi mong manh lắm, bay lên trời cứ như con chuồn chuồn.

Anh Châu còn có một cái Barn 2 tầng. Tầng trên chứa những bành cỏ khô vuông vắn dành để cho bò ăn vào mùa đông, khi ấy cỏ xanh nằm chết dí dưới lớp tuyết dày của xứ Canada, bò đành nhơi cỏ khô nằm suy nghĩ thế sự xoay vần..

Ở trên tầng này sàn ván rộng thênh thang, có sân khấu, bàn ghế... có thể dùng làm nơi đãi tiệc vài ba trăm người, hoặc bà con K5 có về đây họp đại hội thì cả trăm người cũng chẳng cần mướn khách sạn, chỉ cần mang theo nệm hơi hoặc túi ngủ thì còn ngon hơn đi cắm trại, vì ở đây có đủ đồng cỏ, rừng cây với ao hồ... các cái rồi..

Tầng dưới là nơi để nông cụ và những garrage mà anh cho mướn mỗi cái 300/tháng để người ta chứa ca nô hay đồ lặt vặt như một cái kho Storage.

Gần ngoài đường còn hai căn nhà nữa, nhỏ hơn nhà chính đang cho mướn.

Anh còn nuôi "sư phụ", lâu lâu buồn tình sư phụ lại kêu lên: be he, be he....

Chuồng gà chừng vài trăm con, anh cũng để trứng và gà thịt để ăn và biếu bà con chứ cũng không bán chác gì.

Trước đây anh không nuôi bò đẻ, chỉ mua bê khá lớn về nuôi, vỗ béo rồi bán. Cứ 3 con anh bán được 10 ngàn đô. Như vậy chỉ cần bán 3 đợt là cũng như một người đi làm hãng trong một năm rồi.

Tháng rồi anh mua thêm một con bò khá trộng, nhưng mấy tuần liền, anh phải ra tiệm giặt ủi giúp vợ nên cũng chẳng chú ý gì tới đàn bò, sẵn cỏ sẵn nước đó thì cần gì lo tới chúng.

Bỗng một buổi tối đi làm về đến nhà thấy có đống gì đen đen trắng trắng trên sân cỏ, chiếu đèn ra coi thì đó là một con bê coi xinh quá chừng.

Anh bèn đi mượn từ một ông bạn người Mỹ một con bò đực gọi là Bull về cho nó làm chủ giang sơn nhà bò cho thêm phần vui vẻ.

Chú Phương nói: "Ông này dở, cứ coi vú nó nở ra là biết bò có chửa ngay mà".

Anh cười cười trả lời: "Bận việc quá, vú vợ còn không có thời giờ coi đến, nói gì đến coi vú bò".

Khi nghe tin chúng tôi qua chơi, chị Loan đã đóng cửa tiệm giặt ủi mà về sớm lo đồ ăn để đãi khách phương xa.

Anh Châu thì hí hoáy đốt lò, còn anh chị Thành đang bày bê thui vào các dĩa vì anh chị có nhà hàng, nên đem ra đó thái bằng máy cho mau.

Chúng tôi dạo một vòng, khi đến hàng rào thì đàn bò chạy tới thò mõm ra ngoài ý như hỏi thăm.

Sư phụ tôi thì nghếch mõm lên trời kêu lên một tràng be he để chào đón đệ tử.

Lát sau thì vợ chồng Đông đến, mang theo một bao scallop, hai bao oyster và một bao nghêu vì vợ chồng anh làm cho công ty chuyên nuôi và kinh doanh hải sản.

Trời ơi chưa tới 20 người mà đồ ăn bày ra quá trời.

Có lẽ phần đông chúng ta đã ăn scallop trong nhà hàng hoặc mua đông lạnh về xào với cải, nhưng ăn tươi thì còn khá hiếm.

Thường thì con sò con hến khi ta tách nó ra sẽ thấy 1 cục thịt trắng nhỏ hơn đầu đũa, chúng dùng bắp thịt này để mở hay khép hai vỏ lại.

blank
Chủ trang trại làm nông, anh Châu đứng tứ hai từ trái sang. Đây là một trong 3 căn nhà ở trang trại của anh.

Nhưng cục thịt con scallop to quá, vậy chắc nó phải lớn như cái quạt?

Sự thực không phải thế, nó chỉ lớn như bàn tay mình thôi, nhưng cục thịt đó chiếm tới 90% thân thể nó, chỉ có một chút bèo nhèo bạc nhạc nằm quanh cục thịt bự đó mà thôi.

Con này tiếng Việt mình gọi là con điệp hay sò điệp, nó là nhãn hiệu của hãng xăng Shell đó.

Sò điệp dùng bắp thịt này mở ra khép vào rất nhanh, nên nó nhảy tưng tưng di chuyển từ nơi này qua nơi khác rất lẹ.

Sức tôi mà chỉ ăn vài ba con là ngán, vì nó to thất kinh, một khay nướng chỉ vừa có 6 con.

Đặc biệt là cục thịt này rất mềm và ngon ngọt.

Tiệc bày ra lúc 5g mà đến quá 12g đêm mới tan, vì có những người trong chúng tôi đã hơn 30 năm không gặp nhau. Cũng có thể vì tôi "kể chiện có diên" nên khách ráng ngồi nghe chăng?

Dân Kinh 5 ở trên hòn đảo lớn này có 3 gia đình, nên buồn vui gì cũng tụ họp lại, nhất là khi có khách từ đất liền hay từ Mỹ tới.

Lúc 8g tối còn có Hà gọi phone từ bên Vancouver nói chắc qua không kịp vì đậu chờ xuống phà lâu quá, phải quay về thôi.

Người cùng quê ở Vancouver cũng còn hai ba gia đình nữa, nhưng đi phà cũng ái ngại lắm.

Trại chủ ân cần mời ở lại thêm vài ngày để đi vòng trên đảo coi cho biết nhưng chúng tôi phải về vì hôm thứ năm đã phải đi Spokane dự lễ ra trường của thằng Bư.

Anh Châu nói: "Trời ơi đồ ăn nhiều quá thế này thì các bạn phải mang về Mỹ chứ hai vợ chồng tôi làm sao thanh toán đây".

Thế là chất hết lên xe. Hải sản thì tôi không ngán, nhưng còn bê thui, gà luộc, trứng luộc không biết họ có cho mang vào Mỹ không (?)

Tôi cản, nhưng chị Hương nói cháu có linh tính là "thoát", nếu có bề gì mình cứ nói đây là đồ ăn left over.

Tới biên giới thì y chang, bị ách lại đưa vào trạm kiểm soát.

Tôi than thầm "Thế là toi, bao nhiêu công gói ghém, đóng thùng, giờ chắc nó cho vô thùng rác hết, vì bê thui còn đỏ hồng thế kia mà nói already cooked bố nó cũng chả tin được".

Ấy vậy mà 2 cảnh sát, một nam một nữ ra xe lục lọi một hồi rồi cầm chìa khoá vào, "Tha Tào".

Về đến Seattle, chúng tôi ra salon của chị Thanh để chị làm đẹp, gội đầu cắt tóc, uốn ép để ngày mai đi dự lễ cho nó oách.

Chiều nay, thứ Ba thì con Ý Nhi mới lên tới Seattle vì chưa xin được phép để đi cùng ngày với gia đình. Chúng tôi hẹn nhau ăn cơm mời nhà anh Khánh, đây là một Mạnh Thường Quân và cũng là nơi tụ hội của chi nhánh Kinh 5 Foundation tại thành phố này.

Bữa cơm đông vui và khi ăn xong, người em của Khánh là Thành mời chúng tôi ghé xem căn nhà mới xây, vì biết tôi cũng trong cùng ngành xây cất.

Qủa thực căn nhà to lớn quá sức tưởng tượng của tôi, vì đây là nhà của một công nhân bình thường chứ không phải đại gia, cả tiền mua đất lẫn xây dựng chưa tới một triệu, mà cao 3 tầng, rộng 6,000sf, lại ở trước cái hồ rộng quá đẹp. Nói theo kiểu Mỹ là có cái view.

Trong nhà vật liệu rất tốt, phòng ốc rộng rãi gấp 3 so với nhà tôi.

Sáng hôm thứ Tư vẫn còn mưa gió, ai cũng nói thời tiết đang đẹp nhưng vì có chúng tôi lên đây nó mới chuyển ra như làm vậy!

Chúng tôi thẳng tiến về phía đông lên thành phố Spokane.

Trước đây nghe Bư nói con đường từ Seattle lên Spokane hơn 200 mile khó đi lắm, thì tôi cứ tưởng nó nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo như đường lên Yosemitte, ai dè chỉ có khúc gần Seattle là đèo dốc chứ hầu hết hai bên đường là bình nguyên trồng cỏ như vùng Kansas, với những dàn tưới quay vòng. Thì ra nó nói khó là vì vùng này mùa đông đá và tuyết rất trơn trượt.

Vừa nghe O Điểm nói chạy từ từ nghe Chuồn, má thấy có xe cảnh sát đậu dọc đường đó. Chừng vài phút sau đã thấy đèn đỏ quất lia lịa phía sau. Xe tấp vào. Vị cảnh sát mặt nghiêm và buồn cho biết rằng: Sir đã chạy 63 mile trong khu vực construction site.

Ông ta đòi bằng lái, liếc mắt nhìn trong xe thấy lố nhố người chen lẫn những bó hoa nên hỏi đi mô rứa. Thằng Chuồn nói chúng tôi từ California lên đây dự lễ ra trường của đứa em.

blank
Và cảnh nông nhàn, bò nhởn nhơ gặm cỏ.

Thế là lại được "Tha Tào".

Hú hồn chim én. Trong vòng 2 ngày, được "bạn dân" tha cho 2 lần.

Lên tới Spokane còn sớm quá, chúng tôi chạy vòng vòng coi cảnh thổ. Không ngờ đây là thành phố lớn thứ hai của tiểu bang Washington, chỉ sau Seattle. Nằm cách biên giới Canada 90 mile và cách Idaho có 20 mile mà thôi. Ở giữa thành phố là một cái thác của giòng Spokane nước chảy cuồn cuộn, được chặn lại làm thuỷ điện. Bên trên là hệ thống cáp treo, chở du khách đi ngắm nhìn thành phố, lâu lâu nó lại dừng để có thể chụp hình những cảnh đẹp.

Nhà cửa nơi đây pha trộn cũ mới, những cao ốc xây bằng gạch đỏ cả trăm năm như kể lại thời huy hoàng, khi người dân đổ về đây khai thác vàng và bạc.

Chúng tôi đến khu vườn Nhật để thấy sự hài hoà tinh tế của nghệ thuật trồng hoa cùng cây kiểng tuyệt vời.

Vào những ngày cao điểm của phụ huynh đến đây dự lễ ra trường mà phòng khách sạn chỉ lấy giá 80$/ngày. Thằng Bư lên đây trước nên nhảy mấy Hotel rồi, lý do là nó mướn 1 ngày thì được free một ngày.

Hôm nay cũng là sinh nhật của Bư, nên Chuồn và Ốc đưa gia đình đến một nhà hàng đã được book trước. Ai dè họ nói sao không thấy tên. Kiểm soát lại mới biết đi nhầm, cái nhà hàng này là để cho trưa mai cơ. Tẽn tò.

Tiệc sinh nhật của Bư có hơn 10 người, gồm cả cháu Hồng đang học dược sĩ năm thứ hai.

Đến trưa thì từ Seattle bà con lên thêm một xe nữa và hẹn nhau ăn ở nhà hàng, xong rồi đi bộ đến nơi làm lễ vì cách có một khoảng đường.

Đây là một rạp hát khá tân tiến, chứ không làm ở sân trường vì chỉ vỏn ven có 80 tiến sĩ dược khoa (nghe tên kêu ghê) trong đó có đến 17 người VN. Trong danh sách có một số người họ Ho, không biết là người Tàu hay là "cháu của Pác".

Có 80 tân tiến sĩ mà họ hàng bà con ngồi chật cả rạp. Riêng họ hàng nhà Bư đã chiếm hết 2 hàng ghế đầu.

Buổi lễ kéo dài đến gần 2 tiếng, sau đó tràn ra đại sảnh ăn thức ăn nhẹ, trái cây v v...

Chúng tôi rời thành phố xinh đẹp này và về Seattle trong buổi chiều.

Hôm nay chiều thứ Bảy, các cháu tôi có tổ chức một buổi tiệc lớn, trước là mừng người anh chị chú bác là anh Định đã được qua đoàn tụ gia đình, sau là mừng cho em Bư đã học xong, lại đã có job ở Fresno cũng không xa nhà ba mẹ bao nhiêu.

Lúc sáng tôi đã đi thăm các trưởng lão như ông trùm Trụ, ông Thế, ông Khang; các gia đình bạn hữu Minh, Tài, Phương, Văn...cũng có một số người đi làm nên tôi chưa gặp mặt, nhưng lúc 5g chiều thì mọi người quây quần đủ cả.

Có lẽ trên dưới 100 người, vừa ngồi trong nhà lẫn ngoài sân.

Tôi cũng gặp chị Khuyên chị cha Nghị, anh Vũ Ô ở phi đoàn 213 Đà Nẵng, cùng rất đông anh em cùng quê đã hơn 30 năm chưa gặp.

Xin cám ơn thịnh tình của mọi người, nhất là Minh, Khánh, Phương và hai cháu Hương, Thanh đã ưu ái đến gia đình tôi.

Mong rằng một ngày gần đây, thí dụ như có đám cưới con cháu ở Seattle, chúng ta lại gặp.

Nguyễn Viết Tân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,315,620
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến