Hôm nay,  

Thầy Việt, Trò Mỹ

17/05/201400:00:00(Xem: 31006)
Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4214-14-29624vb7051714

“Mỗi năm, vào ngày Thứ Sáu tuần thứ hai của tháng 5 diễn ra sự kiện “Ngày Ngôn Ngữ”. Đây là dịp Bộ Quốc Phòng quảng bá môi trường quân đội bằng cách tổ chức triển lãm và biểu diễn các sự kiện văn hóa của hơn 40 ngoại ngữ thuộc tám trường của Viện.”

Tác giả sinh trưởng tại Sài Gòn, định cư tại Hoa Kỳ tháng 9 năm 1997. Hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Với ba bài đã phổ biến trước đây, “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh”, “Vết Thương Xát Muối,” và “Tấm Ảnh Sống Sót”, Orchid Thanh Lê là tác giả đã dành được sự trân trọng đặc biệt của bạn đọc. Sau đây là bài viết thứ tư của cô.

* * *

Tính đến hiện tại, tôi đã trải qua hơn phần tư thế kỷ trong nghề dạy học: buồn, vui, cay, đắng nếm đủ.

Khi mới sang Mỹ định cư, tôi mang tâm lý của những người mới qua là phải tìm một việc làm ngay để bớt gánh nặng cho người bảo lãnh. Thấy tôi sốt ruột, chị tôi khuyên:

- Em không biết đấy thôi, em mới qua chưa thể tìm việc ưng ý, do đó đồng lương nếu kiếm được có lẽ vừa đủ tiền để gửi trông mấy đứa con thôi. Em nên ở nhà với tụi nhỏ thêm một thời gian nữa.

Ở nhà được vài tháng, tôi rơi vào tình trạng buồn bã, quyết tìm một việc làm trước mắt để phụ gia đình. Lần này chị tôi góp ý:

- Em biết tiếng Anh rồi thì xin việc ở hãng điện tử khá thuận tiện, lại có thêm giờ phụ trội nữa. Chị sẽ chỉ em những bước căn bản của nghề.

- Nghe nói mấy con chip điện tử nhỏ xíu, em sợ mắt mình cận nhìn không rõ, chị à.

- Thế thì học làm móng tay, không mất thì giờ nhiều.

Anh tôi là người bảo lãnh gia đình tôi sang Mỹ, nghe hai chị em nói chuyện, anh nhăn mặt:

- Cô hay nhỉ, nó dạy học ở Việt Nam bao năm rồi thì cố gắng tìm công việc tương tự như thế chứ!

Nói là làm, anh đưa tôi đến một học khu để được sát hạch lấy chứng nhận khả năng trợ giảng. Tôi may mắn đạt ngay lần đầu, nhưng điều này không có nghĩa là tôi nhận được việc làm ngay. Họ cho biết tôi có thể nhận việc trợ giảng trên cơ sở khi cần sẽ gọi. Tôi gật đầu bừa nhưng thực sự chưa hình dung được công việc ra sao. Chỉ vài hôm sau, lúc sáu giờ sáng tôi nhận điện thoại từ một trường tiểu học, cho biết có một cô giáo bị ốm, cần người thay thế lớp học buổi sáng hôm đó và tôi phải có mặt tại trường trong vòng một tiếng. Tôi quýnh quáng vì không kịp tìm người trông các con; vả lại tuy đã có bằng lái xe nhưng vẫn chưa có xe để lái, đường xá lại chưa thông thuộc, tôi đành ngậm ngùi từ chối và tin chắc họ sẽ không gọi đến tôi lần thứ hai.

Một cơ hội khác đến với tôi. Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ năm đó đăng thông báo tuyển người dạy tiếng Việt. Tôi nộp đơn, trải qua hai lần phỏng vấn: một lần qua điện thoại với hai giáo sư Việt mà sau này là đồng nghiệp của tôi, và một lần mặt đối mặt với hai phỏng vấn viên Mỹ; sau đó phải chờ sưu tra lý lịch cá nhân rồi mới được nhận việc làm. Tính từ thời gian tôi nộp đơn đến khi vào làm việc là gần một năm.

Trước khi nhận việc, tôi nghe được một số thông tin không mấy lạc quan về tình hình giáo dục tại Mỹ, đại để học trò Mỹ nói năng đốp chát khi không hài lòng cách dạy của thầy cô, gác chân khi nói chuyện với thầy cô, thậm chí ngang nhiên ăn vặt trong lớp, vân vân. Đó là chưa kể đến các vụ học trò xách súng vô trường xả hàng loạt đạn vào thầy cô và bạn bè, thật là ngán ngẩm.

Tuy nhiên, ấn tượng trong lần đầu tiên tiếp xúc với các trò Mỹ gần như xoá đi những định kiến trước đó trong tôi. Thêm vào đó, thời gian gắn bó với sinh viên đủ lâu để củng cố những nhận định của tôi về các học trò của mình: được rèn luyện trong môi trường quân đội, hầu hết các sinh viên ý thức kỷ luật cao, cư xử đúng mực. Thi thoảng có một vài sinh viên cá biệt như nhác học hoặc tác phong bê bối, các em được chấn chỉnh ngay bởi một viên chỉ huy lớp học thường là sinh viên có cấp bậc cao nhất trong lớp. Tôi dần quen với hình ảnh các sinh viên tóc húi cao, nhiều em đầu cạo trọc, đến lớp trong bộ quân phục thẳng nếp của từng quân chủng. Riêng ngày thứ năm các em mặc quân phục nghi thức theo nội quy của Viện.

blank
Ngày Ngôn Ngữ - Thầy Việt & Trò Mỹ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Quý Lan, Lộc Uyển, Nhất Phương, An Vy.

Thời gian đầu thử việc, tôi va vấp rất nhiều. Nói thật không ngoa vì tôi phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” trong một môi trường mới mẻ cho tôi nhưng quen thuộc đối với các đồng nghiệp. Họ thường cười khi hỏi chuyện tôi:

- Quê cô ở đâu, cô?

- Dạ, tôi sanh ở Sài Gòn.

- À, ha. Nghe “dọng” là biết dân Sài Gòn.

Chỉ vài tuần sau, ông Trưởng Ban Tiếng Việt gọi tôi lên, lạnh lùng:

- Cô biết đấy, ở đây chúng tôi dạy tiếng Bắc. Sinh viên có nhiều quyền lắm cô ơi, nếu cuối khóa học họ viết phê bình và cho cô điểm thấp, buộc lòng tôi không thể thu dụng cô.

- Vâng, tôi hiểu.

Ra thế đấy! Thảo nào một sinh viên đã reo lên:

- Cô nói tiếng Sài Gòn.

- Điều gì làm em biết chắc vậy?

- Vì cô đi “bưu điện” mà không đi “biu điện”, cô “uống rượu” mà không “uống diệu” như các giáo sư khác.

Trời đất! Ngay chính tôi cũng chưa biết là mình không nói được tiếng Bắc bởi những tưởng gia đình tôi quê gốc Bắc di cư vào Nam và mọi thành viên trong gia đình nói cùng một phương ngữ với nhau thì ắt hẳn thứ tiếng tôi đang nói là tiếng Bắc hẳn hoi. Có khác biệt chăng là khi đi học tôi có nhiều bạn nói tiếng Nam thì có thể giọng tôi có bị lai chút ít?

Để giữ được việc làm mà không gặp “giắc giối”, từ đó trở đi tôi phải đáp lại lời cám ơn bằng “không dám” thay vì “không có chi”, dùng chữ “ông nhà” hay “bà nhà” khi hỏi thăm, nói đến “nhà tôi” khi đề cập về người phối ngẫu, làm quen với cái cốc, cái bát, cái bàn là, vân vân.

Viết thư tâm sự với một cô bạn đồng nghiệp ở trong nước, tôi kể về nỗi trần ai của mình phải trẹo hàm mỏi miệng chuyển sang tiếng Bắc khi dạy học. Nhắc nhở tôi đừng nản chí, cô sưu tầm và gửi nhiều thông tin về tiếng Sài Gòn trong đó có đoạn:

“Tiếng Sài Gòn thực ra không phải là tiếng của những người có quê quán lâu đời ở Sài Gòn, chỉ cần bạn sinh ra ở Sài Gòn hay khi còn nhỏ theo gia đình vào sống ở Sài Gòn là bạn có thể sở hữu giọng nói của người Sài Gòn. Tiếng Sài Gòn là tiếng nói của cư dân đô thị mà đại diện là những tầng lớp có học thức nên những từ ngữ địa phương về nông nghiệp hay sông nước thì ít được dùng, chủ yếu là các từ thông dụng. Tiếng Sài Gòn cơ bản là tiếng Nam Bộ nhưng đã được chuẩn hóa. Do đó giọng Sài Gòn vừa có cái chân chất của người Nam Bộ, vừa có cái nhẹ nhàng của người có học thức thể hiện cách phát âm khá rõ trong từng từ một, không nuốt âm như các vùng ở nông thôn khác.”

Tôi thấm ý. Sau này mỗi khi nhớ lại thời gian ban đầu dạy học ở Mỹ, thâm tâm tôi biết ơn người bạn hiền đã gieo trong tôi lòng tự hào là người nói tiếng Sài Gòn.

Khi mới nhận việc, tôi thấy cách xưng hô trong Ban Tiếng Việt của cả thầy lẫn trò có phần lấn cấn. Các sinh viên tự xưng là “tôi”, hô gọi nam giáo sư là “ông” và nữ giáo sư là “bà” hoặc “cô”. Thành thử ra có vị nữ giáo sư độc thân lúc đó đã quá tuổi về hưu thì vẫn được gọi là “cô” trong khi tôi “bị” gọi bằng “bà” vì đã lập gia đình rồi nhưng so ra tôi chỉ tuổi đáng con, cháu của vị nữ giáo sư độc thân. Chưa hết, các giáo sư tự xưng “tôi” với các sinh viên thì không có gì đáng nói nhưng họ gọi các trò là “các ông, các cô” trong khi đa số các em mặt mũi trông còn non, vừa tốt nghiệp trung học là đăng lính ngay, nghe có thái quá chăng?

Tôi tìm đọc các điều lệ của Viện thì không thấy khoản nào qui định cách xưng hô giữa thầy và trò cả. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ trong tiếng Anh không có cách dùng nào khác ngoài “you” và “I” giữa người nghe và người nói nên cách xưng hô trong Ban Tiếng Việt dường như dựa vào sự xưng hô dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà thôi.

Cân nhắc nhiều lần cách giải quyết chuyện xưng hô giữa thầy và trò để tránh đụng chạm đồng nghiệp, một hôm tôi dùng tiếng Anh nói với các trò:

- Các em hẳn đồng ý với cô là khi học một ngôn ngữ mới, các em phải học văn hoá của ngôn ngữ đó.

- Dạ, đúng vậy, thưa cô.

- Thế thì cô cho các em biết rằng trong văn hóa Việt không có trò nào tự xưng “tôi”, gọi nam giáo sư là “ông” và nữ giáo sư là “bà” cả. Chưa kể là các em gọi phân biệt “cô” và “bà” thì ít nhiều mang tính kỳ thị về tình trạng gia đình nữa.

- Vậy họ xưng hô như thế nào, cô?

- Thông thường, trò xưng “em”, có khi xưng “con” đối với giáo sư lớn tuổi, hô gọi nam giáo sư là “thầy” và nữ giáo sư là “cô”.

Tôi không nói thêm, để tự các em suy nghĩ. Các trò tôi dường như hiểu ra, cố gắng điều chỉnh lối xưng hô. Dần theo năm tháng, đâu đó tôi nghe tiếng “thầy”, “cô”, và “em” nhiều hơn; nhẹ nhõm hơn nữa là tôi không gặp sự chống đối từ phía đồng nghiệp.

Làm việc được khoảng một tháng, tôi được giao hướng dẫn một lớp học mới gồm 10 em. Chuyện đặt tên Việt cho các em trong lớp học là một trong những điều phải làm trước tiên. Thông thường, giáo sư hướng dẫn lớp học đó được quyền đặt tên cho trò của mình và các giáo sư còn lại cứ theo đó mà gọi. Các giáo sư thường kháo vui với nhau rằng họ không cần phải sinh con mà vẫn được quyền đặt tên, mà đâu phải chỉ đặt có một tên vì thông thường một lớp học mới có ít nhất dăm, bảy sinh viên, thế thì còn gì bằng!

Tôi điểm qua cách đặt tên trò của các đồng nghiệp để lấy kinh nghiệm đặt tên cho sinh viên của mình. Thông thường, tên của các em thường được dựa vào âm tên Mỹ của chính các em rồi đọc trại ra, nếu trùng hợp với một ý nghĩa nào đó trong tiếng Việt thì càng tốt. Các em thường có tên Việt như Hy Thơ (Heather), Ái Mỹ (Amy), Đôn (Don), Giang (John), Giác (Jack), Uy hay Liêm (William), Đăng (Dan), vân vân. Lại có vị giáo sư yêu thích địa dư, lấy tên của những ngọn núi và giòng sông để gọi các trò của mình nên trong lớp học đó các em gọi nhau ý ới bằng các tên Nhị Hà, Cửu Long, Trường Sơn, Đông Triều, Hương Giang, vân vân... nghe rất khí thế.

Về phần mình, tôi chọn đặt tên cho các nam sinh viên theo các đức tính và các nữ sinh viên theo các loài hoa; đồng thời tôi phá lệ bằng cách đặt thêm cho mỗi em một họ để các em có một tên Việt đầy đủ và đồng thời giúp các em không lạ lẫm với họ tên các vị anh hùng sử Việt. Đây là niềm vui cho tôi vì từ đó trở về sau, các đồng nghiệp trong Ban Tiếng Việt cũng theo cách thức này mà đặt họ và tên cho các em.

Mỗi năm, vào ngày thứ sáu tuần thứ hai của tháng 5 diễn ra sự kiện “Ngày Ngôn Ngữ”. Đây là dịp Bộ Quốc Phòng quảng bá môi trường quân đội bằng cách tổ chức triển lãm và biểu diễn các sự kiện văn hóa của hơn 40 ngoại ngữ thuộc tám trường của Viện. Các xe buýt lớn nhộn nhịp chở các học sinh trung học từ các vùng phụ cận đến Viện tham dự ngày đặc biệt này. Về phần Ban Tiếng Việt, các sinh viên háo hức tập dợt văn nghệ, trang hoàng phòng triển lãm, phụ các giáo sư làm chả giò bán gây quỹ cho Ban. Riêng các em nữ sinh tíu tít hơn ai hết, vì dịp được mặc áo dài truyền thống Việt Nam chỉ diễn ra hai lần trong năm: “Ngày Ngôn Ngữ” và liên hoan Tết. Do các em có khổ người lớn hơn so với phụ nữ Việt nên các giáo sư tùy tâm đóng góp tiền mua vải và công may áo dài phỏng chừng kích cỡ các em. Mỗi nữ sinh tự chọn lựa bộ áo dài thích hợp cho mình, sau khi mặc xong thì có trách nhiệm giặt, ủi rồi đem trả lại cho Ban để còn dành cho dịp lễ sau.

Trò càng lém lỉnh, càng đùa vui thì lớp học sáu tiếng một ngày mới có thể trôi qua không nhàm chán. Trong thời gian đầu học tiếng Việt, lối nói chuyện của các em vẫn còn ảnh hưởng theo phong cách Mỹ, lại thêm không đủ chữ Việt để diễn tả nên lời nói của các em khá ngây ngô nhưng sao mà dễ thương lạ. Có lúc tôi ngẩn người vì chưa kịp hiểu ý các trò.

- Em đã hoàn tất “cắm trại giày bốt” cách đây ba tháng.

(A, trò muốn nói rằng trò đã hoàn tất khóa huấn luyện cơ bản, “bootcamp”, đây mà.)

- Tuần sau có khám quân vì vậy em phải đem bộ quân phục đi “giặt khô là hơi”.

(Cái gì mà “giặt khô là hơi” đây, ý trò muốn nói “dry clean” phải không?)

- Chủ nhật này em sẽ đi “nhà thổ” à quên, quên, xin lỗi, em đi “nhà thờ”.

(Vô tình hay cố tình nhớ nhầm đây hả trò?)

- Vợ em là một đàn bà đẹp. Vợ ấy cũng là một mẹ tốt của các con.

(Hình như trò nào cũng thuộc nằm lòng một trong những câu nói kinh điển của người Mỹ: “Nhà tôi đẹp/đẹp trai nhất.”)

Không ai còn lạ gì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng mặt khác, thầy cũng có lối trêu đùa lại các trò. Đối với các sinh viên bước vào lớp học mới, chỉ sau vài giờ học là các em có thể nói vài câu xã giao tiếng Việt. Có lần, một vị giáo sư rất thích bông đùa đã dạy các ma mới của lớp học trong ngày đầu tiên rôm rả “chào bà nội” khi gặp các cô giáo ngoài hành lang, nghe vừa bực mình vừa buồn cười. Sau khi được giải thích, các em rối rít xin lỗi và truyền nhanh thông tin để đồng đội mình không bị hố. Lại có giáo sư nói nhanh một câu nói ngọng rồi đố các em nói đúng lại bằng tiếng Việt hoặc dịch sang tiếng Anh, chẳng hạn “Tôi nau cái ny thì ló lứt gia nuôn” (Tôi lau cái ly thì nó nứt ra luôn); các em dù vò đầu bứt tai cách mấy thì rốt cuộc cũng phải chịu thua không đoán đúng ý câu.

Một hôm khác, giáo sư Luận dùng tiếng Anh thông báo cho các sinh viên rằng nếu em nào muốn biết “bí mật nguyên tử” mà ông vừa mới chế tạo thì em đó phải góp hai Mỹ kim vào quỹ liên hoan tết của Ban Tiếng Việt. Ông bảo đảm rằng các sinh viên sẽ học được điều thú vị mà không gặp chút nguy hiểm nào. Một khi khoác áo nhà binh, ít nhiều mang tính binh nghiệp thì các trò Mỹ rất háo hức muốn xem, hơn nữa lệ phí vào cửa cũng không quá cao.

Quy trình xem “bí mật nguyên tử” của giáo sư Luận diễn ra vào cuối ngày học: mỗi lần chỉ một sinh viên được bước vào một cửa phòng học bên ngoài có tấm bảng “Mời Vào”, tự giác bỏ hai đô la vào một hộp niêm có khe hở, gặp giáo sư Luận ngồi tại bàn với “hiện vật” được trưng bày. Sau khi được xem và giảng giải về lối chơi chữ, sinh viên sẽ bước ra khỏi phòng bằng một cửa khác. Ngày hôm đó, đồng nghiệp chúng tôi được một trận cười thoải mái khi nghe kể lại rằng giáo sư Luận đã đặt trên bàn một quả bí, một lọ mật, và một cây bút nguyên tử. Điều đáng nói, không có sinh viên nào tỏ ra tức tối cho là mình bị “lừa”, đa số các em bước ra khỏi phòng hớn hở ra mặt, đắc ý về điều mới học, đương nhiên không chia sẻ với những bạn chưa có dịp được xem “bí mật nguyên tử”.

Thế đó, các trò Mỹ chơi ra chơi nhưng học cũng hết mình. Các em cố gắng học một phần do động lực cụ thể: sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận một việc làm theo nguyện vọng hoặc sẽ được đề bạt một chức vụ tốt ở nước sở tại. Nếu các em duy trì được điểm khá sau mỗi kỳ kiểm tra thường niên, các em sẽ được thưởng thêm trong tiền lương. Tựu trung, học một ngoại ngữ cần có sự đam mê hoặc năng khiếu để đạt kết quả tối ưu. Có em chỉ vài tuần đầu đã bộc lộ chất giọng tự nhiên của dân Bắc “Hai Nút” (tiếng lóng các giáo sư trong Ban dùng khi đề cập đến người nói giọng Bắc 75) hoặc cũng có em cất được giọng trầm ấm của dân Bắc “Chín Nút” (Bắc 54) mà chưa hề qua một khóa luyện thanh nào. Cũng có em không may mắn, không có duyên với ngoại ngữ nên không qua nổi các kỳ thi sát hạch, đành ngậm ngùi chia tay thầy, bạn.

Nối tiếp lớp học này đến lớp học khác, sinh viên của các lớp tiếng Việt tuần tự tốt nghiệp sau 47 tuần đào tạo. Thông thường, thủ khoa của lớp sẽ được vinh dự đọc bài diễn văn do chính em viết bằng tiếng Việt tại buổi lễ tốt nghiệp. Trong dịp đặc biệt này, gia đình của các em từ mọi nơi đến tham dự, chứng kiến tận mắt con em mình đóng vai trò phiên dịch các cuộc chuyện trò giữa gia đình và các giáo sư. Tôi đọc thấy những nét rạng ngời trong mắt người thân của các em vì họ không ngờ được con em họ lại nói được một ngoại ngữ trôi chảy.

Phụ huynh của các sinh viên gốc Việt hân hoan hơn ai hết. Con em họ khởi thủy không muốn dùng tiếng Việt trong gia đình, thậm chí có những mâu thuẫn xảy ra do cả hai bên chưa hiểu rõ văn hóa Mỹ, Việt. Chọn quân đội làm hướng đi cho tương lai và học tiếng mẹ đẻ, các trò gốc Việt sau khóa học tự hào thừa nhận với gia đình “Con là người Việt.” Trò cám ơn công thầy dạy dỗ. Thầy đáp từ với lời chúc thành công cho trò. Thầy trò ôm nhau chia sẻ niềm vui.

Hợp rồi tan, đó là lẽ tự nhiên. Sau năm mươi năm thành lập từ lúc khởi sự chiến tranh Việt Nam cho đến khi kết thúc, Ban Tiếng Việt đã chính thức đóng cửa, nhường chỗ cho các ban tiếng khác mà quốc gia họ đang trong tình hình chiến sự nóng bỏng. Gần hết thầy Việt nghỉ hưu, một số đã trở thành người thiên cổ. Các trò Mỹ tứ tán nhận nhiệm vụ khắp nơi.

Không có tiếng ve sầu, không có cánh phượng đỏ rơi rơi nhưng tình cờ một lúc nào đó nỗi hoài niệm khơi dậy, trở thành những trang lưu bút trong ký ức của thầy, của trò.

Orchid Thanh Lê

Ý kiến bạn đọc
27/05/201421:11:24
Khách
Cháu Orchid, Chú có một người bạn mà học tại Viện Ngôn Ngữ của cháu khoảng chừng năm 70. Anh ấy nói theo giọng nói người Bắc. Năm 79 anh ấy đưa cho chú một số quyển sách của chương trình đó để giúp chú tự học tiếng Việt. Chú thích nhất sách lịch sử Việt Nam. Rất hay.
23/05/201421:22:54
Khách
Xin cám ơn quí độc giả đóng góp ý kiến cho bài viết này.
- Cám ơn đã khen ngợi để Orchid gắng thêm.
- Rất bất ngờ khi tấm ảnh trong bài gây sự chú ý của các độc giả Tuyết Mai, Angie, Quảng Trương, Châu Châu, vân vân, muốn biết người nào trong hình là thầy Việt. Xin giải đáp câu đố vui bất ngờ từ các độc giả: Các nữ sinh viên trong ảnh đều mặc áo (dài) màu.
- Riêng chú Sáu, ngay từ lúc đọc những bài viết đầu tiên của chú, cháu đã tự hỏi có phải chú xuất thân từ Viện Ngôn ngữ của cháu không.
- Em Lê Duy, trí nhớ em tốt quá, đã gần hai mươi lăm năm rồi còn gì. Giờ chơi chỉ mười phút nên cô thường ghé vào bộ môn BTTA là gần nhất. Cô chỉ dạy lớp XMHT duy nhất có một năm, nếu bạn em năm đó học với cô thì em hẳn học ở lớp XD5 vì năm đó cô chỉ phụ trách có hai lớp thôi. Dù sao đi nữa, cô xúc động với tấm tình các em còn nhớ đến cô.
- Anh Lê Văn mến, như trong bài viết có nhắc đến, Ban Tiếng Việt đã chính thức đóng cửa (từ tháng 10 năm 2004). Từ đó trở đi, Viện không tuyển thêm bất cứ một việc làm nào liên quan đến tiếng Việt, anh ạ. Trong tương lai nếu Viện tuyển công việc tương tự, tôi sẽ liên lạc với anh.
22/05/201422:08:30
Khách
Hello cô Orchid Le,
Bài hay nhẹ nhàng và cũng là một việc làm tốt và cần thiết. Tôi đã dạy học Trung học tại đây và rất thích việc dạy như cô, nều không phiền thì cô email cho việc apply job này và điều kiện: 7148782365 or email: [email protected].
Chúc cô an bình khỏe mạnh.
Văn Lê
21/05/201418:30:55
Khách
Toi doan nguoi mac ao zai trang la co giao thi dung hon.
21/05/201415:52:23
Khách
Bài viết Orchid rất hay. Nghe các chi tiết liên quan đến việc học tại trường đó tôi thích lắm. Ước gì có cơ hội học tiếng Việt ở đó ngày xưa.
20/05/201415:23:00
Khách
Rất nhiều khả năng người mặc áo dài trắng nữ sinh trong ảnh là cô giáo của tôi ở Đại Học Bách Khoa từ những năm 90. Ảnh tuy không rõ nét, có lẽ đã chụp lâu, nhưng tôi vẫn nhận ra vài nét là cô giáo cũ của tôi. Cô dạy cho Khoa Xây Dựng, giờ chơi thường hay ghé vô nói chuyện với các thầy cô bên bộ môn Bê Tông Tiền Áp. Tôi nhớ cô vì ngày đó trường ít giáo sư nữ. Các giáo sư nữ lúc đó theo mốt, mặc váy đầm phóng xe Dream đi dạy học. Nhưng riêng cô vẫn mặc áo dài, lóc cóc chiếc xe đạp đến trường.
Nếu là cô, em kính lời thăm cô và ơn cô. Một đứa bạn học, T.H.Q ở Chicago nói lúc xưa học lớp Xi Măng Hà Tiên với cô, bỏ bài viết của cô vô facebook. Tụi em đọc và nghĩ tác giả bài viết là cô giáo của mình.
Nếu không phải là cô giáo Bách Khoa ngày nào, tôi cũng chúc mừng cô TH. còn giữ nghề dạy học.
19/05/201423:19:55
Khách
Tôi nghĩ Angie đúng, cô giáo mặc áo dài vàng. Cô giáo nói bị cận nên trong hình có đeo kính.
19/05/201422:17:35
Khách
Tôi nhớ đọc một ý kiến của cô Khôi An cho thông tin về học vị, rất hay, không nhớ trong bài viết nào. Ai nhớ thì nhắc lại dùm.
Cô Thanh Lê có học vị tiến sĩ nhưng học hàm chỉ phó giáo sư. Tôi hiểu đúng không quí vị?
Cô Hương Bình nói chính xác, không dễ ai giữ được nghề nghiệp khi sang nước người. Nhưng biết đâu may mắn cô Hương Bình có dịp trở lại nghề, như dạy tiếng Việt ở trung tâm Việt Ngữ, phải không O?
19/05/201421:54:53
Khách
The teacher is the lady in yellow ao zai with glasses. Is that correct?
19/05/201420:41:44
Khách
Giáo sư Thanh Lê có cách hành văn nhẹ nhàng, không sáo ngữ. Mong cô tiếp tục viết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,256,595
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Nhạc sĩ Cung Tiến