Hôm nay,  

Về Những Nụ Cười

13/05/201400:00:00(Xem: 10293)

Tác giả: Nguyễn Bích Thuỷ
Bài số 4211-14-29621vb3051314

Tác giả sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, đang làm việc trong phân xưởng in của một nhà máy tại địa phương. Sau đây là bài Viết Về Nước Mỹ thứ ba của cô.

* * *

Theo khảo sát cho biết trẻ em cười “vô điều kiện” trung bình 400 lần mỗi ngày trước khi vào mẫu giáo, trong khi đó người trưởng thành chỉ cười trung bình 14 lần một ngày! Càng có tuổi do những căng thẳng trong cuộc sống, những áp lực trong công việc và phải đối diện với bệnh tật, nghịch cảnh mà nhiều người đã gần như quên cười! Chính vì sợ nụ cười có nguy cơ bị tuyệt chủng nên các nhà khoa học, tâm lý học… đã đưa ra hàng loạt những yếu tố tích cực nhằm cứu lấy nụ cười vì họ cho rằng dường như ngày nay “tiếng khóc đang át tiếng cười”!!!

Cuộc sống đầy căng thẳng với công việc quá tải, ganh đua, stress dễ dàng đưa đến trầm cảm mà cả thế giới đang gánh chịu hậu quả của nó. Chuyện các tay mang súng vô trường sát hại hàng loạt học sinh và thầy giáo đã lập đi lập lại nhiều lần tại Mỹ. Chuyện người ta hành hung, tấn công, giết hại lẫn nhau vì những điều hết sức vô lý nhan nhản trên các mặt báo. Cả thế giới sống trong tình trạng “căng như giây đàn” nên chỉ cần một chấn thương tình cảm nhẹ hay một cư xử bất hợp lý là mọi thứ có thể nổ tung tan tành như xác pháo.

Ngày nay bên cạnh những chất bổ sung cho cơ thể tăng sức đề kháng, hơn bao giờ hết con người rất cần các loại “vitamin gây cười”. Chính vì thế những phim ảnh, thoại kịch có yếu tố gây cười đang được mùa bội thu. Các kịch bản của thập niên 60, 70 với tình cảm sướt mướt, éo le, bi ai đã dần được thay thế vào các thể loại tình cảm hài, hành động hài kể cả kinh dị hài... Các tiểu phẩm hài cũng lôi người ta đến rạp ngày càng đông với những trận cười nghiêng ngả quên hết đất trời. Những diễn viên xưa nay đóng các “vai mùi” chính kịch giờ cũng lấn sân sang tấu hài để tăng thu nhập và phục vụ thị hiếu của quần chúng.

Về âm nhạc những bài hát có tiết tấu sôi động, vui nhộn với ca từ ngắn gọn, dễ hiểu kết hợp với vũ đạo đẹp mắt đang được giới trẻ đón nhận một cách nồng nhiệt. Đặc biệt nhất là dòng nhạc Rap đã trở thành một “hiện tượng” gây sốt cả toàn cầu. Có thể nói chưa bao giờ con người khao khát cười như hiện nay.

“Như ngàn thang thuốc bổ”*

Đó là tựa quyển sưu tập truyện cười mà một vị Bác sĩ đã viết ra sau khi bị tai biến mạch máu não phải mổ sọ cấp cứu do nhiều năm trời “làm việc như điên” (nguyên văn của ông). Vị Bác sĩ này cho rằng vì “cái tạng” của mình ít chịu cười nên mới sinh ra tình trạng đáng tiếc như trên. Ông viết tập truyện cười này như “kê một toa thuốc bổ” cho chính mình và mọi người thông qua những trận cười sảng khoái đầy ý nhị.

Ngày nay có rất nhiều Câu Lạc Bộ Cười ra đời trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt nhất là môn Yoga Cười đang khá phổ biến tại 60 quốc gia với mục đích mang tiếng cười đến cho mọi người. Yoga cười là kết hợp giữa tiếng cười “vô-điều-kiện” và thở Yoga. Nhiều bệnh nhân tại Philippines đang áp dụng liệu pháp Yoga Cười trong điều trị ung thư để người bệnh giảm được căng thẳng, vơi đi nỗi cô đơn và mang đến cái nhìn lạc quan yêu đời.

Tại Việt Nam thỉnh thoảng người ta cũng tổ chức những buổi thuyết pháp tại các nhà giam, nơi cai nghiện, trại phục hồi nhân phẩm với mục đích đem tiếng cười đến những mảnh đời bất hạnh đang bế tắt, tuyệt vọng bằng những lời khuyên khá chí tình:

“…Hãy quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại, sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Có ai nghĩ rằng mình vẫn còn phước báu có buồng phổi tốt, có trái tim mạnh, có lục phủ ngũ tạng hoàn hảo để hít thở không khí trong lành của trời đất, để ăn, để uống. Nhiều người giàu sang phú quý, tiền rừng biển bạc nhưng quả thận không lành, dù chạy vạy khắp trong nước đến nước ngoài vẫn không mua được mạng sống. Cho nên, có mạng sống toàn vẹn là một phước báu…” **

Xu thế ở Phương Tây hiện nay của những cô gái khi chọn mẫu người yêu hay người chồng lý tưởng thường ưu tiên hàng đầu cho những anh chàng có tính dí dỏm và óc hài hước. Điều này chứng tỏ tiền bạc và vật chất tuy quan trọng nhưng trên tất cả, họ cần một người biết đem đến cho họ niềm yêu đời và sự lạc quan. Quả thật vậy! Người thích cười và biết làm cho người khác cười đã ngầm chứa đựng một tính cách thông minh, sâu sắc biết quan tâm chia xẻ và tinh tế.

Cũng như trường hợp một cô gái dù có gợi cảm hay tài giỏi cách mấy nhưng không-thích-cười và không-thèm-cười thì vẫn luôn nằm ngoài “tầm ngắm” của các đấng mày râu thời nay.

Cười …bài học cho cả một đời người!

Lần đầu tiên đến Mỹ chắc nhiều người sẽ không khỏi choáng ngợp bởi những tòa nhà cao chọc trời, những dinh thự nguy nga, những xa lộ thênh thang nối dài bất tận… Riêng tôi, khi đến xứ sở này lần đầu điều làm tôi thật sự ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ và cứ tự hỏi lòng hoài: “Tại sao ở đất nước này người ta giàu có quá: những nụ cười??”

Những nụ cười đã đón bước chân tôi ở sân bay, tại các cửa hàng quán xá, nơi cơ quan hành chánh, ở phòng mạch của Bác sĩ, Nha sĩ… đâu đâu người ta cũng niềm nở tận tình chỉ dẫn cho một kẻ mới di dân ít chữ nghĩa như tôi một cách hết sức kiên nhẫn không hề cau có, kẻ cả. Chính điều này làm tôi chợt liên tưởng đến những ánh mắt bén như dao của cô thư ký hành chánh ở Phường hay vẻ mặt lạnh lùng của anh mậu dịch viên quày hàng Hợp Tác Xã thời bao cấp năm xưa tại Việt Nam.

Tại Hoa Kỳ, tôi đã sống với những tiếng cười đó hơn 14 năm nay. Mười bốn năm với những tiếng cười chào nhau chúc buổi sáng tốt đẹp, chúc cuối tuần vui vẻ ở sở làm. Tôi cũng đã nhiều lần đón nhận cả nụ cười của những người xa lạ không hề quen biết trong các khu shopping center hay khi tình cờ gặp ai đó tản bộ trước sân nhà mình.

Tôi cũng bắt gặp những những hình ảnh đẹp nơi công cộng khi các cậu bé hoặc cô bé chừng năm hay sáu tuổi thỉnh thoảng tình nguyện đứng sang một bên giữ cánh cửa cho đoàn người phía sau đi vào rồi mới theo bước cha mẹ. Nhìn những nụ cười tràn trề hạnh phúc của các em khi nhận lời cám ơn của mọi người mà tôi không khỏi chạnh lòng vì những nghĩa cử này tôi không hề thấy trước đây tại đất nước mình!

Một nụ cười, một tiếng cám ơn hay một lời xin lỗi tưởng chỉ là những câu nói ở cửa miệng, nhưng đôi khi lại là những điều không tưởng tại nhiều đất nước mà cuộc sống bon chen, tranh dành, ích kỷ đã chiếm lĩnh hầu hết tâm trí của người dân. Muốn đạt được những điều nói trên đòi hỏi phải có sự tham gia của giới hữu trách, các nhà giáo dục học, tâm lý học, đạo đức học, xã hội học… cùng góp sức chung tay để uốn nắn các trẻ em từ những năm đầu đời đến lớp.

Tại nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, khẩu hiệu về “trồng người” được đề cao trên tường. Thực tế, chẳng biết trồng tỉa ra sao mà mà nhiều thế hệ không biết đến nụ cười thân ái.

Cười thuộc về bản năng!

Ai cũng biết cười từ những ngày mới lọt lòng mẹ nhưng cười thế nào cho đúng không phải dễ! Do mỗi một nụ cười được gửi đến một “địa chỉ” khác nhau nên “cách gửi” “cách nhận” cũng khác nhau!

Con người là một sinh vật duy nhất trên hành tinh có khả năng diễn tả nụ cười của mình bằng những cung bậc tình cảm khác nhau. Có phước báu mới được sinh ra làm người, do vậy đừng để những nổi buồn, những lo toan, những ngang trái vốn dĩ là một quy luật làm cản trở nụ cười của chúng ta. Cứ tưởng tượng nếu mỗi người luôn mang một tâm trạng nặng nề “chán cười” thì những thành viên trong gia đình họ sẽ “không cười nổi”. Nếu gia đình nào cũng na ná giống nhau thì cả một quốc gia và cả thế giới này sẽ héo úa vì vắng bóng những gương mặt cười! Điều này chắc sẽ đưa đến một hậu quả nghiêm trọng vì nó có khả năng tiêu diệt loài người một cách âm thầm nhưng dữ dội hơn sức tàn phá của chiến tranh!


Trên thế gian này từ trẻ em cho đến cụ già, từ kẻ nghèo hèn cho đến người giàu sang ai cũng biết cười và nụ cười vốn không mất tiền mua. Tuy nhiên, lắm lúc vì đối diện với những nổi đau của thân và tâm nên nhiều người đã không thể cười nổi. Nếu là cái đau trên thân thì phải nhờ đến thầy thuốc còn nếu là nổi đau của tâm thì phải cần sự điều trị của tâm lý hoặc tâm linh may ra mới có thể khỏi. Người ta thường nói “ Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác” nên rất nhiều bệnh về thân lại do tâm sinh ra. Chính vì vậy ai làm chủ được tâm của mình để nó luôn “nhẹ tênh” thì coi như đây là một thành công lớn nhất của kiếp người! Tất cả mọi hoạt động xã hội ra đời như lập pháp, hành pháp, tư pháp bao gồm cả văn học, nghệ thuật, tôn giáo…đều đi đến một điểm chung nhất là muốn đem đến cho mỗi cư dân trên quả địa cầu này niềm hạnh phúc, sự an lạc và tiếng cười. Chắc chắn rồi ai cũng già và chết! Đời người 60 năm hay 100 năm cũng chỉ là một chớp mắt và nếu trong cái chớp mắt đó chúng ta không “tranh thủ cười”, làm những chuyện tốt đẹp cho mình và cho mọi người thì há chẳng uổng phí lắm sao!

Từ nụ cười đến lòng trắc ẩn

Nếu còn sống ở Việt Nam chắc chắn cái cảm nhận của tôi về thế giới mãi mãi sẽ chỉ dừng lại trên những tờ báo, những trang sách, những thông tin trên mạng. Cám ơn cuộc đời đã đưa tôi đến đất nước này để tôi thấy cuộc sống vẫn còn đầy những tấm lòng nhân ái, tình yêu thương vô bờ bến giữa người và người.

Dạo còn sống trên tiểu bang Pennsylvania lần đầu tiên đi ngang một trường trung học tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước cảnh các học sinh nữ vừa mang backpack sau lưng vừa đẩy xe nôi đến trường. Sau nhiều lần chứng kiến và dọ hỏi tôi mới biết trong trường có chỗ giữ trẻ cho các cô học sinh có con nhỏ không ai trông nom. Công việc này nhằm giúp các “bà mẹ vị thành niên” được yên tâm tiếp tục học hành mà không phải trả bất kỳ khoảng chi phí nào cả. Đó là hình ảnh đầu tiên rất cảm động đã chạm vào trái tim tôi để tôi biết cảm phục những bàn tay, những tấm lòng đã cưu mang, thấu hiểu với sự lỡ lầm mà tuổi trẻ rất dễ mắc phải.

Mấy năm trước tình cờ đọc trên internet đoạn văn thật cảm động của cô gái trẻ ở Việt Nam bị mẹ ruột đuổi ra khỏi nhà khi biết cô có mang mà tôi thật đau lòng. Với cô gái, chẳng biết sau bước vấp ngã này liệu cô có còn cơ hội nào nữa để làm lại cuộc đời khi xã hội bên nhà đầy thành kiến khắt khe? Riêng với người mẹ, chẳng biết sẽ sống ra sao khi lương tâm của bà mãi mãi không thể yên vì bà đã đặt búa rìu dư luận lên trên tình yêu con?!

Rồi tôi cũng đọc những mẩu rao vặt chuyên “khâu vá”, “tân trang” cho những cô gái đã lỡ đánh mất “cái ngàn vàng” để có cơ hội lấy được tấm chồng “tử tế” cho bằng chị bằng em. Chắc chắn ai cũng thích sự thành thật nhất là trong hôn nhân. Nhưng sống trong một đất nước còn bị ảnh hưởng quá nặng nề của thời phong kiến thì các cô buộc phải làm cho mình trở nên thật “hoàn hảo” bằng mọi thủ thuật trước khi về nhà chồng. Những chuyện này kể ra ở Mỹ chắc có người tưởng cứ-như-đùa. Ở đất nước này khi đã yêu thì chẳng có gì khác cả giữa một trinh nữ và một cô gái đã có vài đứa con. Đám cưới của các bà Ngoại, bà Nội vẫn được tổ chức tưng bừng với sự chứng kiến của con cháu, dâu rễ là chuyện hết sức bình thường!

Những người trẻ tuổi ngày nay lại có khuynh hướng “sống thử” trước khi “sống thiệt” với nhau với một lý do rất đơn giản là họ không thích chơi trò may rủi với canh bạc cuộc đời mình. Họ lý luận: một chiếc xe hơi chạy chỉ có năm năm hay mười năm còn phải chạy thử, huống chi ở với “người ta” cả đời tại sao không thử để xem có “work” hay không?! Xã hội Mỹ không hề đánh giá đây là chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục hay luật pháp quốc gia, nó hoàn toàn thuộc về quyền tự do cá nhân của mỗi người!

Ngày nay tại nhiều quốc gia người ta bắt đầu có luật cho hôn nhân đồng tính để giúp cho tình yêu của những người thuộc giới tính thứ ba được luật pháp công nhận. Chính sự rộng lượng đầy lòng trắc ẩn đã đem đến biết bao tiếng cười và niềm hạnh phúc cho những mảnh đời mà không phải đất nước nào, dân tộc nào cũng làm được vì nó vượt qua luật lệ khắc khe của tôn giáo và lẽ tự nhiên của con người.

Ở tuổi ngũ tuần này tôi cũng chỉ là một lữ hành đang trên đường đi tìm sự hoàn thiện cho nụ cười của chính mình. Suốt một chặng đường dài đã qua tôi đã cho đi và nhận về biết bao nụ cười của thế nhân. Có những nụ cười làm cho tôi nhẹ nhõm, hạnh phúc và cũng có lắm nụ cười làm trái tim tôi thắt nghẹn quặn đau. Thế mới biết nụ cười trên gương mặt người là quan trọng đến dường nào! Người ta có thể yêu nhau hay ghét nhau cũng chỉ bởi một nụ cười! Nếu một người biết trang bị cho mình những nụ cười hàm tiếu, cười thoải mái, cười dí dỏm, cười thân thiện… thì chắc chắn những nụ cười tích cực này sẽ giúp họ dễ gặt hái được thành công.

Thế hệ của tôi được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh nên người Việt nào cũng luôn tích cốc phòng cơ. Ba mẹ tôi dù có của ăn của để nhưng họ sống rất cần kiệm, gói ghém cũng như bất kỳ gia đình Việt Nam nào trong thời chiến. Tôi nhớ ngày còn nhỏ của mình chưa bao giờ dám đòi mẹ mua cho những thứ “xa xỉ” nên rất nhiều lần tôi dừng lại rất lâu trước các cửa hàng để ngắm nhìn và mơ ước một hôp viết chì 24 cây đầy màu sắc rực rỡ, một con búp bê biết nói cười, những thỏi sô-cô-la thơm nưng nức…

Lên đến trung học tôi và bạn bè mình phải chứng kiến một cuộc đổi đời trong lịch sử của dân tộc với quá nhiều nước mắt, chia ly và tan tác cho những cảnh con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán vì tù đầy hay mất tích ngoài biển Đông. Bản thân gia đình tôi cũng nằm trong vòng xoáy của cuộc đời với bao khốn khó đã khiến cho những tháng năm trung học của tôi cũng đầy vất vả thiếu thốn khi người lớn phải từng bửa phải lo “chạy ăn” thật khó nhọc.

Ra đường mọi người gặp nhau chỉ biết “cười gượng” đầy hoài nghi, không thân thiện vì khó có thể phân biệt rạch ròi “ai bạn, ai thù”. Bởi biết đâu chỉ vì một nụ cười, một cử chỉ, một phát ngôn không đúng với “lập trường giai cấp” họ sẽ bị vạ vào thân. Và cứ thế tôi bỗng trở thành một người ít cười so với độ tuổi “tươi như hoa” của mình dạo đó?! Rồi đến tuổi trưởng thành biết yêu, tôi đã chia tay với tình đầu của mình đẫm nước mắt.

Ngày tôi lên đường theo chồng đi Mỹ, bên cạnh niềm vui lớn là một nỗi buồn không nhỏ vì từ đây tôi phải bỏ lại gia đình, bạn bè cùng sự nghiệp đang dang dỡ của mình tại Việt Nam. Sau bao thăng trầm trong cuộc sống giờ nhìn lại tôi mới thấy rằng mình đã “phung phí” gần cả cuộc đời do ít cười kém vui.

Bài học từ trẻ con

Có lẽ nhiều người khi bước qua tuổi ngũ tuần như tôi sẽ ca thán rằng:

Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật
Thế cho nên tất bật đến bây giờ
(Bùi Giáng)

Đúng vậy! Vì quá tất bật với những vui, buồn, giận, ghét tưởng như thật mà nhiều người đã quên đi những tiếng cười tự tại ở mỗi bản thân; với nụ cười này nó hoàn toàn không cần bất kỳ điều kiện gì cả từ những tác nhân bên ngoài để “mua vui”.

Hồi nhỏ khi đọc chuyện Tàu tôi rất thích nhân vật Trình Giảo Kim nổi tiếng với ba búa đầu mạnh như thần. Ông sống đến trăm tuổi ngày kia khi ngồi kể cho con cháu nghe chuyện “Chinh Đông, Chinh Tây” trong lúc quá tự đắc vì nghĩ mình đã sống thọ nhất trong 24 vị công thần ở Lăng Yên Các bao gồm các bạn đồng liêu như: Từ Mậu Công, Ngụy Trưng, Tấn Thúc Bảo… nên ông đã cười rũ rượi rồi lăn ra chết! Chuyện nghe thật “tức cười”! Nhưng thà được chết- cười trong thỏa mãn như vị danh tướng họ Trình kia há vẫn hay hơn là phải chết-khóc trong thất vọng của cả đời mình!?!

Suy cho cùng, mỗi người chúng ta là một nhân vật chính trong kịch bản của cuộc đời mình tự viết ra. Thay vì phải khóc hết nước mắt cho vở bi kịch này thì tôi nguyện xin là một người diễn viên sẽ được cười thoải mái nhất để góp vui cho mọi người trong suốt đoạn hài kịch cuối đời mình.

Để kết thúc bài viết này xin tạm mượn những lời của vị lãnh đạo tinh thần nước Tây Tạng như:

“Hãy quan sát và rút ra bài học từ trẻ con. Khi những đứa trẻ chơi đùa với nhau, chúng chắc chắn sẽ có gây gổ, đánh nhau, nhưng tựu trung trẻ con không để bụng, không nuôi dưỡng những ý nghĩ xấu xa như ganh ghét, hận thù như người lớn chúng ta. Chúng ta nhân danh người lớn, có kiến thức, có giáo dục, có văn hóa hơn trẻ con. Đó là lẽ dĩ nhiên. Thế nhưng, kiến thức đó, giáo dục đó có ích lợi gì khi chúng ta ngụy trang đằng sau nụ cười với vô số những ý nghĩ tiêu cực, bất thiện. Trẻ con không biết hành xử giả dối như vậy. Nếu giận, trẻ con sẽ thể hiện ra ngay lúc đó, và xong rồi thì thôi. Ngày mai, chúng quên hết và lại có thể chơi với nhau vui vẻ, hòa đồng.”

(Đức Dalai Lama XIV)

Ước gì mỗi người lớn chúng ta ai ai cũng có được một nụ cười vô tư hồn nhiên như con trẻ. Được vậy, chắc thế giới này sẽ không có chiến tranh, hận thù và oán thán.

Nguyễn Bích Thủy

*Như Ngàn Thang Thuốc Bổ: truyện cười sưu tập của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

**Trích trong bài viết “Hạnh Phúc Và Khổ Đau Là Tương Đối” của Đại Đức Thích Nhật Từ.

Ý kiến bạn đọc
14/05/201422:16:04
Khách
Rất hay. Đọc vài lần vẫn thích. Cám ơn tác giả.
13/05/201423:04:25
Khách
Bài viết này như liều thuốc bổ tinh thần!Hy vọng sau khi đọc xong mọi người chúng ta sẽ "quẳng gánh lo âu mà vui sống".Ai ít cười thì cười thêm,ai ưa cười càng cười vui...để cùng sống vui sống khoẻ đến Bách niên là chuyện đương nhiên!Cám ơn tg và bài viết chủ đề Cười...hahaha :-)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,072,229
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.