Hôm nay,  

Phong Pháo Chuột

21/02/201400:00:00(Xem: 23446)
Tác giả: Phan
Bài số 4145-14-29555vb5022014


Phan là một nhà báo quen thuộc, trong nhóm chủ biên của một số tuần báo, tạp chí xuất bản tại Dallas. Từ nhiều năm qua, ông liên tiếp góp nhiều bài viết về nước Mỹ, luôn cho thấy tấm lòng cùng sức viết mạnh me, và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới nhân Tết Giáp Ngọ của ông là tự sự của một người con lai Mỹ từng vào tù ra khám, và từng “Không bao giờ muốn còn phải nhìn lại mảnh đất quê mẹ.”

* * *

1.

Với tôi, cha tôi là bức hình người đàn ông trẻ, trên kệ thờ. Tôi chưa bao giờ thấy mặt ông từ khi tôi có trí nhớ; chỉ nghe chị tôi chỉ lên kệ thờ: Đó là hình cha. Tôi cũng không thắc mắc gì thêm sau khi nghe chị tôi giải thích: Ai chết rồi thì để hình lên bàn thờ (là nhà giàu), còn nhà mình nghèo thì để hình lên kệ thờ. Đến ngày đám giỗ, thì cúng giỗ…”

Với tôi, khái niệm về đám giỗ chỉ là cái trứng luộc mà từ khi thấy mẹ tôi bóc vỏ cho đến lúc được ăn là buồn ngủ mà không dám ngủ, bởi lo sợ cái trứng bị chuột tha. Và kệ thờ chỉ là miếng ván dán giấy hoa, được gắn vào tường, để thờ người đã chết, vậy thôi. Bức chân dung không làm tôi sợ, vì tuổi tôi chưa biết sợ. Mà tôi cũng không thấy thương yêu gì hết vì tôi có gặp cha bao giờ đâu để mà thương? (Cho tới nay, tôi cũng không biết đó là những tình cảm thật trong tôi lúc ấy, hay chỉ là những hồi ức sau này).

Nhưng tôi tin trí nhớ của mình đã đủ tin cậy từ lần chị tôi bị bệnh. Mẹ tôi nói, “Con đừng đi chơi đâu hết, phải ở nhà trông chừng chị con. Khi nào chị con dậy, thì chạy qua nhà anh Hiếu cho mẹ hay.” Lúc ấy vì chưa đủ khôn để biết là chị tôi đang bị sốt cao nên nằm mê man chứ không phải ngủ, nên tôi cũng không sợ gì hết. Cứ ngồi bên giường chị, mắt nhìn theo mẹ tôi đi…

Mẹ tôi đi dọn bàn, rửa dĩa cho một hàng cơm trưa ngoài lộ lớn. Nhưng mẹ thường đi sớm đến nhà anh Hiếu (là con ông bà chủ hàng cơm) để phụ giúp những việc chuẩn bị cho bữa bán cơm trưa, phụ dọn hàng. Sau hết mới tới việc chánh của mẹ là dọn bàn, rửa dĩa ngoài chỗ bán cơm, ở đầu hẻm nhà anh Hiếu.

Tất cả mọi việc của mẹ sẽ xong vào chừng 3 giờ chiều. Mẹ tôi trở về nhà với trái dưa leo, trái cà chua, củ cà rốt… Hôm nào được tí thịt vụn thì mẹ tôi vui vẻ lắm, hứa hẹn với chị em tôi những món ăn ngon mà mẹ sẽ nấu cho chị em tôi. Chị tôi nói, đó là khoản tiền công mẹ tôi đi giúp nhà chủ từ sớm. Còn tiền công dọn bàn, rửa dĩa của mẹ, “Mẹ phải mua gạo về nhà cho mình ăn, mua quần áo, mua thuốc cho chị bị bệnh hoài…”

Nếu ký ức tôi về tuổi thơ của mình chỉ có thế thì nó đã không dẫn tôi đến những suy nghĩ lạ lùng, như khi thấy cảnh hành quyết trong phim ảnh, trên tivi, tôi không quan tâm đến tử tội đã mang tội gì mà chỉ ước muốn được đổi mạng vô điều kiện với người sắp bị xử chết để giải thoát mình!

Sau đó tôi vui sướng với cảm giác được chết thay cho họ. Cảm giác mình đã chết, mọi chuyện đã xong, thật dễ chịu bao nhiêu… Nhưng khi thức giấc trên sofa vẫn là nỗi cô đơn ngập lòng, nỗi buồn ký ức như những lớp bột của bánh lột da, là món quà khi mẹ tôi có tiền, người thường mua cho chị em tôi ăn. Từng lớp ký ức được hai bàn tay nhỏ ngón nhưng khéo léo của chị tôi lột ra, và tuần tự đút vào miệng tôi, rồi miệng chị tôi. Chúng tôi biết cách ăn chung một cái bánh lột da để cho lâu hết. Phải cong lưỡi mình lên, ép miếng bột mỏng tang như giấy quyến ấy lên nóc họng. Ngậm nguyên đó, đừng động đậy cái lưỡi để nước bọt thấm vào bột vì nó sẽ tan nhanh. Phải ngậm khô thì mới giữ được mùi thơm của bột bánh lâu hơn. Mùi vị ấy xông lên đầu, theo chân tóc bay ra ngoài đến tôi ngửi được mùi bánh lột da trên tóc chị tôi mỗi khi tôi thèm ăn bánh lột da. Mẹ tôi chỉ cười buồn khi nghe tôi nói; hoặc khi thấy tôi không nói nhưng tự nhiên đến ngửi tóc chị tôi rồi nuốt nước miếng.

Bao nhiêu lớp bột mỏng tang của bao nhiêu cái bánh lột da mà chị tôi đã lột là bấy nhiêu ký ức ngậm khô …nên ký ức còn mãi. Đó là loại ký ức không mềm như tóc chị tôi mà cứng còng, xoăn tít như cục chùi nồi trên đầu tôi…

Có lẽ do tôi còn vài giờ bay nữa thì máy bay sẽ đáp xuống Sài gòn. Tôi sẽ gặp lại người chị tóc mềm có hai bàn tay nhỏ ngón. Tôi nhớ hôm nào mẹ bảo tôi ở nhà trông chừng chị thì tôi rất ngoan, dù buồn bã và buồn ngủ nhưng tôi không bỏ đi chơi rong. Tôi cứ ngồi nhìn chị tôi ngủ. Mồ hôi chị đầm đìa trán, và gương mặt chị đỏ lừ. Dù chị là con gái nhưng tôi thấy chị giống giống bức hình trên kệ thờ! Tôi không biết mình giống ai mà da không trắng như chị, như mẹ, như hình cha trên kia. Tóc tôi lại quăn chứ không thẳng như dây đàn… Tôi ngồi trông chị tôi thức dậy để hỏi chị xem: Em là ai?

Chị tôi nằm sốt mê man trên giường rất lâu, lúc thức dậy u ơ gọi mẹ, “Mẹ ơi! Con muốn uống nước…”

Tôi đi lấy cho chị tôi ly nước. Chị uống một hơi dài, không kể gì đến nước chảy tràn trên áo chị. Sau đó chị tỉnh lại. Tôi nói, “đưa ly em dẹp cho.” Chị cười mệt mỏi nhưng rất hiền. Chị kéo tay tôi lại giường, bảo tôi ngồi bên chị.

Chúng tôi ngồi nhìn ra khung cửa sổ là tàn cây vú sữa lớn bên nhà hàng xóm, gió mơn man những chiếc lá hai màu thật kỳ diệu, hồi nó trưng ra màu xanh thì xanh hết bầu trời qua khung cửa nhỏ; nhưng khi lọn gió quật lại thì toàn bộ đổi màu đỏ tím, lấp lánh nắng trên lớp lông bạc của lá. Tôi cười thành tiếng, nhưng chị tôi lại khóc!

Tôi hỏi, “Chị Hai đau lắm hả?”

Hai tay chị nóng bừng khi nắm hai tay tôi lạnh ngắt, chị nói với tôi, “Chắc chị chết quá Diệu ơi!”

“Chị Hai bệnh nóng thôi. Mẹ sắp về rồi. Mẹ mua thuốc cho chị uống là hết bệnh. Mẹ hứa mua bánh lột da nữa đó…”

Chúng tôi lại ngồi yên bên nhau, lẹt đẹt vài tiếng pháo rời của trẻ nhỏ trong hẻm. Tôi bảo với chị là tôi rất thích hai viên pháo mà chị nhặt được mấy hôm trước. Hai viên pháo đó, chị đã đốt một cây nhang rồi chỉ cho tôi châm ngòi. Một viên không nổ, nhưng một viên nổ đinh tai nhức óc, làm tôi sợ. Nhưng sau đó thì tôi thích lắm…

Chắc vậy mà chị tôi khóc lớn, chị tôi nói, “Mấy bữa nữa là Tết rồi. Chị bị bệnh như vầy thì làm sao đi nhặt pháo cho em đốt được…”

“Đâu có sao đâu chị Hai. Em thích đốt pháo. Nhưng không có thì coi người ta đốt cũng được…”

“…Em còn nhỏ, em không biết! Qua Tết là chị hết 9 tuổi. Chị 10 tuổi. Em hết 5 tuổi mà là 6 tuổi. Chị sợ, nếu bây giờ chị bị bệnh không khỏi. Chị bị chết thì 4 năm sau em chết, tại chị lớn hơn em 4 tuổi.”

Chị khóc lớn lên vì không muốn tôi bị chết. Chị khóc tới lúc mẹ tôi về. Mẹ dỗ chị nín, cho uống thuốc. Mẹ nói chị ngủ đi, mẹ nấu cháo thịt với cà rốt cho chị ăn…

Mẹ nói chữ “thịt” làm hai chị em tôi mừng, vì ít khi chúng tôi được ăn thịt. Đó là lớp bột cuối cùng của cái bánh lột da trong ký ức tôi; lớp bột tiếp giáp với khối nhân đậu xanh nghiền nên thấm ngọt đậu, đường và thơm mùi trứng… là một ngày để nhớ đời vì mẹ thưởng tôi nguyên cái bánh lột da như mẹ hứa cho công tôi đã ở nhà trông chị. Hơn nữa vì tôi ngoan hơn mẹ mong nên mẹ cầm lòng không đặng, móc trong túi áo ra cho luôn tôi một phong pháo chuột, thay vì để thật Tết mới cho, tức vài hôm nữa…

Không thể nào nói hết vui mừng với phong pháo chuột trong tay tôi. Tôi không nỡ gỡ ra - dù chỉ một viên thôi - để đốt. Nhưng tôi thèm nghe cái tiếng nổ sợ mà thích của pháo chuột. Tôi cứ đưa lên mũi để hít thật sâu, hết hơi này đến hơi khác cái mùi đặc biệt của phong pháo chuột.

Chị tôi dạy, đừng đốt cả phong một lần, uổng lắm. Đưa chị gỡ ra từng viên. Rồi chị lén lén mẹ đang nấu cháo dưới bếp, chị bỏ hết pháo rời vô túi ny-lon. Chị lén rút cây nhang trên kệ thờ, lén lấy bao diêm quẹt… cái gì cũng lén mẹ để cuối cùng chị em tôi ra ngoài hẻm.

Tôi hồi hộp châm đầu cây nhang cháy đỏ vào viên pháo đầu tiên còn chưa xong vì run tay, sợ nổ… Ai ngờ thằng quỷ hàng xóm xớt luôn cả túi ny-lon pháo của tôi ở sau lưng tôi.

Chị tôi đuổi theo nó để đòi lại. Tôi đuổi theo chị tôi, sau khi bừng tỉnh ra mới biết mình đã bị cướp mất túi pháo. Nhưng thằng ác ôn đó không dễ lấy lại được vì nó hung tợn nhất xóm. Dường như không ngày nào không thấy nó đánh lộn với hết đứa này thì đứa khác. Nó chẳng sợ ai hết, người lớn có đánh nó thì nó ném đá vô nhà họ để trả thù, rồi bỏ chạy. Nó không sợ ai hết. Vậy mà chị Hai tôi đánh lộn với nó để giằng lại túi pháo cho tôi. Cuối cùng là nó đánh chị Hai tôi một trận, mặt mày sưng tím, bầm xanh. Nó với túi pháo của tôi biến mất trước khi mẹ tôi nghe tin và chạy ra ngõ hẻm để cứu chị em tôi.

Nhưng cả người lớn và con nít đều quên ngay chuyện đánh lộn vì túi pháo. Cả đám đông đều hướng về người đàn ông đột ngột xuất hiện. Đó là cha tôi. Người đã chết. Có ảnh thờ từ bao giờ thì tôi không biết. Nhưng đúng là ông ấy đã về.

Mẹ tôi tái mặt, không nói nên lời. Ông thì hỏi qua loa vài người chứng kiến vụ đánh lộn của chị Hai tôi vừa qua… Ông đến nhấc cằm chị tôi lên để xem kỹ gương mặt chị bầm tím, và cũng là xác nhận xem có phải chị chính là con gái của ông không?!

Thình lình, ông quay qua tôi, sút cho tôi một đá thẳng cẳng.

Tôi chỉ còn nghe được tiếng chửi thề giận dữ của cha tôi. Tiếng chửi làm tê dại hết mọi cảm giác vì tôi quá đau đớn. Tôi không thấy gì nữa, nhưng biết chắc là hai bàn tay nóng ran của chị tôi đang ôm tôi.

Tôi tỉnh dần lại với tiếng khóc của mẹ và chị tôi, thì một trận đòn xối xả khác của cha tôi lại trút lên người tôi…

2.

Từ chiều hôm đó. Gia đình tôi mất hẳn nếp sống bình thường của ba mẹ con. Ngay từ chiều, cha về. Mẹ tôi múc cho chị Hai tôi tô cháo. Mẹ mới múc muỗng đầu tiên, còn đang thổi nguội để đút cho chị tôi ăn. Thì cha đã lườm mắt dữ dằn. Mẹ nói, “nó đang bệnh mà anh”. Nhưng một cú đá chớp nhoáng đã dán mẹ tôi vô vách nhà với tô cháo nóng.

Giờ nhớ lại tôi cũng không hiểu sao mẹ tôi lại không chết ngày đó. Hai bàn tay mẹ với một bên gò má chỉ đỏ da vì cháo nóng thôi. Mẹ tôi múc tô cháo khác cho cho chị tôi và bảo chị tự thổi nguội, tự ăn đi.

Chị tôi vừa khóc, vừa múc từng muỗng cháo, thổi nguội. Rồi lần lượt đút cho chị, cho tôi. Mẹ đi dọn dẹp mảnh vỡ của cái tô đã vỡ và cháo đổ. Sau đó, bà xách giỏ đi chợ. Sau nữa là một chiếu nhậu nhiều thịt được mẹ nấu và dọn ra. Tôi cũng không biết bạn bè của cha tôi từ đâu tới mà cứ mỗi lúc một thêm đông. Nhưng tôi nhớ suốt đời hình ảnh ông kề chính con dao mẹ đã xắt thịt cho ông nhậu với bạn bè ông vào cổ mẹ tôi dưới bếp để bắt mẹ tôi đi mua thêm rượu cho ông nhậu tiếp. Lớp bột mỏng tang như ký ức đầu tiên về cha này không bao giờ tan dù ngậm ướt sũng nước bọt cách mấy cũng không tan…

Bữa nhậu của cha tôi hôm đó không biết khuya tới chừng nào. Nhưng kết thúc là một trận đánh lộn giữa những người nhậu với nhau, làm náo động con hẻm vốn yên lặng của người nghèo thường đi ngủ sớm để dậy sớm. Công an phường đến bắt những người say không chạy trốn được…

Sau đó, cha tôi tự tay dẹp bỏ cái kệ thờ hình ông, bỏ lại vách tường chôm chổm mấy mũi đinh đóng vào vách ván. Tôi không biết ông làm nghề gì, ông ra khỏi nhà khi nào? Tôi chỉ biết lần nào ông về tới nhà cũng khuya lơ, say khướt. Nhiều lần tôi bị đá khi bất thình lình ông về nhà, sau đó là một trận đòn không nương tay, mà chính tôi, người bị đòn cũng không biết lý do vì sao mình bị đánh hoài. Chỉ nhớ một lần mẹ tôi nói với bà cụ hàng xóm khi mẹ dẫn tôi sang nhà bà để xin dầu cù là xức cho tôi. Mẹ nói, “Trời Phật độ thằng Diệu. Cho nó mọc thêm con mắt sau lưng đó bà ơi. Ba nó về tới đầu hẻm thì trong nhà nó đã trốn mất biệt. Nhưng Trời Phật hôm nay đi đâu mà bỏ thằng nhỏ,…” Trận đó tôi bị đánh tưởng lọt một con mắt ra ngoài, máu mũi tèm lem trên mặt và quần áo. Chị tôi cũng bầm mình vì chen vào giữa cha tôi với tôi để chịu bớt đòn cho tôi. Còn lưng mẹ tôi thì không bao giờ hết vết bầm vì cha tôi đạp khi mẹ ôm tôi vào lòng để hứng đòn thay…

Nhà tôi vốn nghèo thì bây giờ buồn thảm hơn với nỗi lo riêng của mỗi người trong nhà. Điều tôi biết chắc ở tuổi đó là từ hôm cha về, ông ấy đã lấy hết tiền của mẹ hàng đêm, nên chị em tôi không còn đủ cơm ăn cho no bụng. Ngay tiền điện hàng tháng mẹ cũng không còn tiền để đóng nên nhà bị cắt điện. Mẹ tôi phải nhờ người câu điện từ nhà ông Hai, đâu lưng với nhà tôi, và cả nhà chỉ được thắp sáng với một bóng đèn duy nhất, cho chị Hai tôi học bài. Ông Hai cũng không lấy tiền điện của mẹ tôi.

Đêm nào cũng bắt đầu từ tiếng chửi thề của cha tôi rõ dần trên con hẻm tối. Đó là âm thanh báo động cho tôi đi trốn. Tôi còn nhớ cuối cùng nhà tôi là hàng rào kẽm gai, cặm trên con mương nước chảy. Chính ông Hai ở ngôi nhà đâu lưng với nhà tôi đã vạch ở hàng rào ra một lỗ chó và che đậy sơ sài bằng tàu lá chuối khô. Ông chừa đường cho tôi thoát hiểm sang chuồng heo nhà ông khi bị cha tôi đánh tới đường cùng. Nhưng ông Hai không nói ra bao giờ vì sợ cha tôi gây rắc rối cho gia đình ông.

Cha tôi chửi thề với đám chó sủa, đệm tiếng khạc nhổ của ông trên con hẻm quanh co. Cuối cùng là đá cửa nhà để ào vào bên trong - thộp cổ tôi - và đánh túi bụi… Nếu tôi tránh né được trận đòn nào thì trận đó trút lên mẹ tôi vì tội che dấu - thằng quỷ nhỏ đó đâu rồi? Trận đòn sẽ nặng hay nhẹ tùy vào tiền trong túi mẹ tôi có được để đưa cho cha.

Rồi tết lại về. Sau này tôi mới nghĩ đến chuyện không biết sao ba mẹ con tôi lại sống sót qua thêm một năm. Tiếng pháo lẻ của trẻ nhỏ ngoài hẻm lại lẹt đẹt, thôi thúc lòng tôi mơ ước được cầm cây nhang, châm vào ngòi viên pháo chuột. Xì, xì… rồi “đoành” một tiếng nhỏ nhoi như đúng tên “pháo chuột”. Nhưng điều ấy đã nằm ngoài ước mơ của tôi, từ cha tôi về.

Để rồi một đêm giáp tết năm ấy. Cha tôi về nhà. Dĩ nhiên là hơi rượu vào nhà trước ông. Nhưng ông không nhìn quanh xem tôi đâu để tra tấn. Ông lại tay xách nách mang… “quà”!

Bao nhiêu, không phải là hận thù hay oán giận vì tuổi đó tôi đâu biết hận thù hay oán giận là gì? Chỉ biết ai thích thì gần, ai không thích mình thì ráng tránh để khỏi ăn đòn. Tôi cũng muốn có cha như những đứa khác trong xóm tôi lắm. Nên tôi rất mừng cha về nhà mà không quét hai con mắt đỏ một vòng để tìm tôi, lại có quà nữa chứ! Chỉ có ngọn đèn câu từ nhà ông Hai không vui cha về, nó leo loét, ảm đạm... Ánh đèn vàng bệt gương mặt mẹ tôi đã mở được nụ cười khi cha tôi hỏi tôi đâu - và tôi trong gầm giường chui ra.

Chị tôi được áo đầm mới mà cha tôi đã mua đồ cũ ở đâu thì không biết! Tôi cũng được quần sọc; áo sơ-mi... Lại còn có vịt quay, bánh mì, lạc lõng trong căn nhà thơm lừng tiếng chửi thề đã quen.

Đêm đó, cha tôi quyết định bán tôi cho gia đình anh Hiếu - vì tôi là con lai.

3.

Tôi qua sống bên nhà anh Hiếu, từ Tết tôi lên 7 tuổi. Cuộc đời chỉ cách nhau một com hẻm mà thay đổi ngoài tưởng tượng - giờ tôi đã được ăn no, được đi học. Cha mẹ anh Hiếu tử tế với tôi theo tiến triển của hồ sơ con lai. Hễ có tin tốt gì về giấy tờ bảo lãnh là tôi được đi hớt tóc, về nhà ăn ngon, mặc quần áo mới. Đặc biệt là được đi giày. Tôi thích mang đôi giày tây da đen, bóng loáng. Đôi giày làm cho tôi thấy mình rất quan trọng. Dù tôi không biết mình quan trọng về điều gì, việc gì? Tôi chỉ biết là mình rất quan trọng khi mang đôi giày tây đen bóng, đi tới đi lui trong con hẻm, giẫm thật mạnh chân lên hòn sỏi đá nào tôi thấy, vì không đau chân như những lúc đi chân không, hay mang dép cũ trước đó. Dù sao tôi cũng nhớ ơn ông bà đã cho tôi dám suy nghĩ là mình rất quan trọng, sau khi cho tôi ăn no, và được đi học.

Trong nhà chỉ anh Hiếu không thích tôi, anh vặn tai tôi khi anh tức giận - chuyện gì thì chỉ có anh biết! Nhưng chị Thảo, là em kế anh Hiếu, chị Thảo lớn hơn chị Hai tôi 3 tuổi, là người tôi mang lòng biết ơn mãi cho đến chết. Chị Thảo luôn nhường phần thức ăn của chị cho tôi, chị chỉ ăn qua bữa với chút nước mắm, nước tương, vài lát dưa leo… còn miếng thịt, miếng chả trứng, hay cái lạp xưởng, chị lén cho tôi vì biết tôi có sẵn giấy báo trong người. Tôi luôn gói phần thức ăn của mình lại, chỉ ăn cơm no là đã ngon. Sau những bữa cơm bên nhà anh Hiếu, tôi lén chạy ù về nhà, đưa gói giấy báo cho chị Hai tôi ăn. Chị Thảo biết được tôi nhường phần tôi cho chị Hai tôi, nên chị nhường phần chị cho tôi.

Tôi không bao giờ quên một lần, tôi gói về cho chị Hai tôi nguyên miếng sườn nướng, cái lạp xưởng tươi - là hai món tôi thích nhất vì chưa được ăn bao giờ. Các món này tôi cũng chưa từng được ăn bên nhà anh Hiếu - dù là nhà bán cơm tấm bì sườn chả. Chả là trước đó tôi đã kể với chị Thảo là em chưa từng ăn, nhưng chị dặn em đừng ăn trộm - thì làm sao em có được?

Thế là chị Thảo trộm miếng sườn và cái lạp xưởng cho tôi. Nhưng tôi chỉ lén ra sau nhà chút xíu rồi trở vô nói láo với chị là em ăn rồi! Tôi gói giấy báo miếng sườn nướng thơm tới trong mơ, cái lạp xưởng đỏ au, xì xèo mỡ chảy; chạy u về nhà đưa cho chị Hai tôi. Chị Hai hỏi: “Sao em không ăn đi?”

Tôi nói, “… Chị Hai ăn đi. Bên đó, chị Thảo cho em muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Bây giờ, em ngán luôn rồi!”

Chị Hai tôi nói, “Ngon quá hen. Thơm quá chừng. Chắc là ngon lắm!...” Chị đưa lên mũi hít hà cho đã thèm… rồi gói lại để dành cho cha.

Nếu chị để dành cho mẹ thì chắc tôi đã không nhớ miếng sườn với cái lạp xưởng đó, nó như lớp bột bánh lột da đã bị rớt xuống đất, nhặt lên bỏ miệng nhám xàm cát bụi. Lại làm tôi nhớ những đồng tiền bán ve chai thứ gì nhặt được của chị Hai cũng bị cha tôi đập ống heo để đi mua rượu khi ông có đánh mẹ tôi chết cũng không ra tiền.

Đó là thời gian tôi đã sống bên nhà anh Hiếu, chị Thảo. Cha không đánh tôi được nữa, cũng không làm tiền cha mẹ anh Hiếu được vì em trai của mẹ anh Hiếu là trưởng công an phường. Cha chỉ còn chửi thề, giận dữ khi bất chợt thấy tôi. Nhưng tôi chỉ thấy mẹ tôi không bao giờ hết vết bầm trên mặt; tôi thấy mẹ tôi qua nhà anh Hiếu mỗi ngày, vì công việc. Nhưng khi tôi tình cờ nghe ông bà nói chuyện với nhau về việc mẹ tôi hỏi mượn tiền của ông bà, tôi biết là cha tôi bắt mẹ tôi hỏi mượn tiền. Tôi không biết một cây vàng là bao nhiêu tiền, giá trị của ba cây vàng là bao nhiêu… thậm chí vàng là gì tôi cũng chỉ biết là sự tượng trưng cho người giàu có - người đeo nhiều vòng vàng trên người thì gọi là người giàu. Vậy mà tôi nghe được bà nói với ông, “Ông đã thoả thuận với nó (tức cha tôi) là ba cây vàng. Ông đưa thêm bao nhiêu cũng không đủ cho nó uống rượu đâu! Tiền thay vì đưa cho nó thì chạy giấy tờ cho nhanh hơn có tốt hơn không?...”


Một cái Tết nữa qua. Tôi đã 8 tuổi, thật sự không hiểu biết nhiều. Nhưng những gì tôi đã nghe, đã thấy, đều còn đọng trong tôi như những lớp bột của bánh lột da mà không ai gỡ tài tình bằng hai bàn tay của chị tôi. Có phải chị tôi đang gỡ đến lớp cha tôi bán tôi được ba cây vàng cho cha mẹ anh Hiếu để gia đình họ làm giấy tờ xuất cảnh diện con lai. Và ông đã uống rượu tới hết một đứa con khi tôi 9 tuổi. Ông bán đến chị Hai tôi, là lớp bột cuối cùng; lớp bột thơm ngon nhất của cái bánh lột da - bị rớt xuống đất.

Đó là bữa tối ăn chè đậu xanh cho mát bên nhà anh Hiếu. Bữa ăn cuối cùng do bà vợ của ông trưởng công an phường nấu đưa qua để gia đình cùng ăn bữa chia tay, sáng mai cả nhà đi xuất cảnh. Chị Thảo múc cho tôi một thố chè và nói với tôi, “Em đem về nhà cho mẹ với chị em đi. Chào mẹ em với chị em cho tử tế nha. Mai mình đi rồi! Em lén đi nhanh rồi về nhanh nha. Ba mẹ chị không cho em đi đâu…”

Tôi không còn nhỏ, nhưng vẫn không biết nói sao với chị Thảo! Tôi chỉ nghĩ được từ ngày mai, chị là mẹ tôi, chị Hai tôi, tôi có gì ngon sẽ để dành cho chị. Vì mai tôi đi rồi, không gặp mẹ với chị Hai tôi nữa…

Khi tôi bưng thố chè về tới nhà. Tôi lặng lẽ nhìn qua khe cửa xem có cha tôi trong nhà không đã. Mẹ tôi không biết đi đâu, sao không thấy! Cha tôi lại không say như thường ngày. Ông đi tới đi lui, ngắm nhìn chị Hai tôi, đã 13 tuổi.

Chị tôi mặc áo đầm mới, đẹp lắm! Sau đó, ông dắt chị Hai tôi đi. Tôi vào nhà mình như tên ăn trộm, đặt nhanh thố chè lên bàn, rồi chạy lung tung tìm mẹ. Không thấy mẹ tôi đâu! Tôi phải về nhà anh Hiếu, tìm chị Thảo để nói cho chị biết,…

Chị lắng nghe tôi xong, chị nói: “Ba mẹ chị biết, sẽ không cho em rời khỏi nhà giờ này vì sáng mai nhà mình đi sớm rồi. Em giả bộ đi ngủ đi. Rồi trốn đi tìm mẹ em. Nhưng phải về nhanh. Chị đợi em.”

Tôi lại trở về nhà mình. Nơi tôi sợ hãi nhất bỗng trở thành nơi tôi không muốn rời xa vì còn mẹ với chị Hai tôi ở đó. Tôi ngồi một mình dưới bóng điện câu, tiếng pháo chuột lẹt đẹt ngoài hẻm. Chín tuổi đâu đã hết thích đốt pháo chuột nên tôi tìm quanh trong nhà xem chị tôi có nhặt được pháo lép đâu đó và để dành cho tôi. Tôi mừng và thương chị tôi lắm! Chị mua cả phong pháo chuột bằng tiền bán ve chai những thứ chị nhặt được. Phong pháo được gói giấy báo cẩn thận cho đừng bị ẩm, rồi giấu ở chỗ chị em tôi thường giấu những thứ không muốn cho mẹ biết là cái rương đựng quần áo, nhưng toàn thứ vặt vãnh không dùng vì quần áo có đâu dư để cất vào rương.

Tôi muốn đem ra đốt cho đã đời một lần vì sáng mai tôi đi rồi, biết bao giờ mới được về nhà. Nhưng tôi chưa từng làm điều gì khi chưa hỏi xin chị tôi, nên tôi để lại phong pháo chuột vào rương. Tôi biết đó là quà tết mà chị tôi sẽ cho tôi vài hôm nữa. Tôi buồn lắm! Tôi biết tôi buồn vì chuyện sáng mai tôi đi. Cha mẹ anh Hiếu không cho ai biết vì sợ cha tôi sang làm phiền để làm tiền. Chỉ riêng chị Thảo nói cho tôi hay để tôi về chào mẹ với chị tôi lần cuối!

Dù thèm đốt pháo, nhưng tôi gói lại, cất vào rương. “Chị ơi!...” Tôi không biết nói gì hơn.

Bỗng tiếng cửa mở, mẹ tôi đã về.

Mẹ bắt quả tang chuyện tôi đang làm. Mẹ nói, “để mấy hôm nữa, tới tết, chị cho rồi hãy đốt. Đừng lấy vậy, con…”

Tôi muốn nói thật cho mẹ biết là mai tôi đi. Nhưng còn lời hứa với chị Thảo là không được nói với bất cứ ai... nên tôi chỉ nói: “Chị Thảo cho mẹ với chị Hai chè đậu xanh nè.”

Lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi đi uốn tóc về. Nhìn mẹ không phải mẹ tôi đầu bù tóc rối nên tôi không thấy đẹp, cũng không nói mẹ xấu để mẹ buồn. Tôi chỉ kể mẹ tôi nghe chuyện cha cho chị Hai mặc áo đầm mới, rồi dẫn chị Hai tôi đi… Tôi lo!

Mẹ tôi chết điếng như hôm cha tôi về lần đầu. Mẹ nói như người lên đồng,

“… Mẹ chết rồi Diệu ơi! Mẹ chết rồi…”

“Chuyện gì vậy mẹ…”

“Ổng lừa mẹ, cho mẹ tiền đi uốn tóc. Để dắt chị Hai con đi bán. Ổng bán nó đó!”

“Ba bán chị Hai cho ai?”

“…”

Mẹ tôi không trả lời, bỗng mẹ lao ra khỏi nhà như người điên. Mẹ chạy như ma đuổi trên hẻm tối, ra tới đường lộ. Bà chạy như người mất hồn, giống người bị ma nhập mà tôi thường nghe kể… Mẹ đứng thất thần nhìn người qua đường tấp nập vì cận tết. Hai dòng nước mắt chảy lần đầu trên gương mặt mẹ tôi vì tôi chưa từng thấy mẹ tôi khóc bao giờ. Nhưng mắt mẹ ráo hoảnh khi mẹ nắm hai tay tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi: “Con nói cho mẹ biết! Mẹ đã đoán được việc nhà anh Hiếu sắp đi. Nhưng là chừng nào?”

Tôi không dám nhìn mặt mẹ mình nữa, vì không nói dối được, mà nói thật!

Giây lát như cơn gió mát rượi về đêm vừa qua đây, làm mẹ tôi tỉnh táo hơn. Mẹ tôi lại nói, “Con hãy nhớ là con với chị Hai con cùng do mẹ sinh ra. Hai con là chị em ruột. Con hãy nhớ những gì mẹ nói…”

Chiếc xích lô đạp táp vô lề đường. Mẹ tôi ngưng nói câu chuyện quan trọng - chưa bao giờ nói với tôi như thế! Trong khi cha tôi bước xuống xe, ông đỡ chị Hai tôi xuống xe. Hình như chị tôi sắp chết. Khác hẳn lúc chị tươi mới theo cha ra khỏi nhà vào chập tối. Cha thấy mẹ và tôi đứng đó như điều bất ngờ. Ông trả tiền xe cho người đạp xích lô, xong. Quay lại nói mẹ tôi: “…đưa con Hiền về nhà đi. Nó bị bệnh rồi. Tôi phải đi công chuyện chút…”

Ông nói rồi băng qua đường, không ngoái lại. Mẹ tôi đỡ chị Hai tôi như người sắp chết. Mẹ hỏi đến hai, ba lần chị mới nói thều thào; gương mặt thất thần của chị nói ra, “…cha bán con cho ông người Tàu ở khách sạn…”

Mẹ tôi không nói gì thêm, gương mặt mẹ đanh lại, mắt chòng chọc nhìn qua đường, cha tôi đang mua thuốc lá ở xe bán thuốc lề đường nên ông quay lưng về phía chúng tôi.

Mẹ nói tôi, “Con cõng chị Hai con về nhà. Chờ mẹ về…”

Tôi đỡ chị tôi. Người chị mềm nhũn và run sợ. Không tưởng tượng được mẹ tôi có thể nhanh nhẹn đến lạ kỳ, mẹ chộp nhanh con dao xắt thịt của xe bán bánh mì thịt ở đầu hẻm, rồi băng qua đường như một mũi tên. Mẹ lao vào cha với nhát dao từ sau lưng ông, miệng thét lớn kinh hoàng lời gì đó…

Nhờ người bán thuốc lá la lên nên cha tôi quay lại và tránh được lưỡi dao. Ông không đánh trả, chỉ bỏ chạy. Mẹ tôi rượt đuổi ông một đoạn đường, làm náo động nhiều người trông thấy…

Tôi quyết định bỏ chị Hai ngồi xuống gốc cột đèn một mình để đi giúp mẹ tôi. Nhưng khi tôi thấy lưỡi dao từ tay mẹ tôi phóng theo lưng cha tôi cũng là lúc mẹ tôi lao vào chiếc xe buýt đang cố gắng gấp…

Mẹ tôi nằm trên vũng máu trước đầu xe buýt. Mẹ trút hơi thở cuối cùng sau khi cố gắng nói với tôi, “Mai con đi phải không?”

“Tôi gật đầu.”

Mẹ tôi cười nhẹ, nụ cười rất tươi. Người khép mắt lại lần cuối…

4.

Chiếc máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Tân sơn nhất. Tôi không tin là có ngày mình trở về cái thành phố mà nhiều năm sống trên nước Mỹ, tôi nghĩ mình có thể đi bất cứ đâu nhưng không bao giờ sẽ trở về đó. Cái đêm kinh hoàng đó tôi bị em trai của mẹ anh Hiếu là trưởng công an phường đã cho người bắt tôi lập tức. Họ đưa tôi vô công an phường qua đêm. Đến tờ mờ sáng thì đưa tôi ra phi trường với lời an ủi là cháu cứ đi bình yên. Mẹ cháu đã được đưa vô bệnh viện, khâu vài mũi vì rách da đầu thôi…

Tôi biết ông ấy nói dối. Mẹ tôi đã chết trước mắt tôi. Và chị tôi sẽ chết ngồi ở gốc cột đèn vì chờ mãi cũng không thấy mẹ và tôi quay lại. Như vậy, tôi còn về thành phố này làm gì?

Sài gòn là địa ngục của riêng tôi, nhưng rồi tôi đã về chỉ bởi tôi còn người chị sắp chết, về để gặp chị tôi một lần…

Nếu ai nói thì chắc chắn là tôi không tin, nhưng chính chị Thảo bảo với tới tôi, Em hãy về một lần để gặp chị tôi nên tôi bước những bước chân buồn bã ra gặp thân nhân.

Chị tôi. Chị tôi đó! Mẹ tôi kìa! Hai người thân của tôi đã hoà thành một sau thời gian xa cách. Cả cháu gái tôi nữa. Không cần giới thiệu vì nó rất giống chị tôi khi xưa. Còn người đàn ông đứng làm trụ cột cho chị tôi dựa vào ông thì phải là anh rể tôi! Ông cao ráo, đẹp trai. Gương mặt trí thức và hiền, không đầy sát khí như cha tôi khi xưa!

Tôi yêu gia đình chị tôi quá, và lòng tôi tràn trề hối hận…

Tôi muốn được về nhà. Anh rể tôi lái xe, cháu gái tôi ngồi sau lưng cậu, thỉnh thoảnh nó chồm lên ôm cổ tôi. Hôn cậu hết hơi hít của nó vào mang tai tôi. “Cậu đúng như mẹ con nói, cậu dễ thương hơn con. Con ghét cậu… để trả thù! - Hì hì…” Nước mắt tôi đầm đìa khi nghe tiếng “cậu” từ miệng con bé có máu mủ của mình trong người nó. Tay tôi thì chéo ra băng sau xe để nắm tay chị tôi từ bao giờ. Bàn tay ngón nhỏ, bóc từng lớp bột của bánh lột da cho em ăn. Chị tôi và tôi không cần cuộc giải phẫu ghép tay nào mà máu chảy thông thương năm tháng đọa đầy, thời gian xa cách, nỗi nhớ khôn nguôi…

Nhà chị tôi là căn biệt thự ở xa trung tâm Sài gòn. Tôi không định hướng được vì 9 tuồi tôi đi - chỉ biết mấy con hẻm loanh quanh ngã tư Phú Nhuận. Nhưng căn biệt thự đơn giản này nói lên sự êm đềm của đời sống gia đình chị tôi - làm tôi càng hối hận về mình. Dù sao, tôi cũng đến được thiên đàng thì lại chìm ngập trong tội lỗi; Trong khi chị tôi ở địa ngục thì lại mò lên tới thiên đàng của hạnh phúc đích thực là một đời sống vợ-chồng-con gái ôm nhau nhiều lần trong ngày để thay lời cảm ơn nhau. Những cú đá chết người của cha tôi khi xưa đã đẩy mẹ tôi vào đầu xe buýt, đẩy chị tôi vào khủng hoảng tinh thần, đẩy tôi vào kiếp sống của trẻ em đường phố khi hết giá trị lợi dụng. Một chị Thảo không đủ sức cưu mang tôi trên quê nội của chính tôi. Rồi chị Thảo lấy chồng cho tôi mất luôn người thân duy nhất trên nước Mỹ bao la. Thế nhưng chị không quên tôi, dù chị đã có gia đình, chị lại cứu tôi một lần nữa khỏi nhà tù. Từ đó, tôi vô tù lần khác phải giấu chị. Nhưng trời cho chị người chồng mà tôi cũng được hưởng phước người anh. Anh chị vô tù thăm tôi. Anh rể nói, “Em băng đảng chưa bằng anh đâu! Nhưng anh lìa bỏ hết vì chị Thảo của em. Trong khi em có chị Thảo còn trước anh. Em đừng làm chị em buồn nữa! Lần này là lần cuối cùng anh chị vô tù thăm em. Anh chị sẽ giúp em làm ăn sau khi ra tù, chứ không vô tù thăm em nữa đâu…”

Tôi làm lại cuộc đời từ những vết sẹo giành giựt miếng ăn, chỗ ngủ, với tâm hồn rách nát và lòng thù hận lớn hơn tuổi đời nên tôi còn độc thân. Và độc ác vì đó là câu trả lời của tôi với chị Hai tôi sau nhiều năm xa cách…

Đêm về sau mặt trời lặn ở căn nhà khi xưa của tôi là sự hãi hùng thì nhà chị tôi văng vẳng tiếng mõ tụng kinh của anh rể trên lầu. Tôi ngồi nghe chị tôi kể chuyện,

“… anh rể của em may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả nên được ăn học. Khi ra đời lại thành công sớm về sự nghiệp. Tiếng mõ lời kinh là thói quen từ nhỏ trong gia đình anh thôi.”

Anh rể tôi kể, “anh đi thăm một trại phục hồi nhân phẩm của phái nữ mà anh đã giúp họ nhiều tiền để duy trì hoạt động. Không ngờ gặp chị của em. Cô ấy là thiện nguyện viên cũng đến trại để giúp đỡ những người xa chân lỡ bước… Chị em là người mang đôi mắt rất đẹp nhưng quá buồn, thê lương như tận thế trong đôi mắt của chị. Chị em đã làm anh thay đổi!”

Anh rể không phải người thuộc thế giới của tôi. Những u uẩn trong tâm tư anh về đạo đức xã hội, nhân phẩm con người, sự trụy lạc của giới trẻ… là sản phẩm của dư thừa. Chỉ khi bị thiếu hụt như tôi thì người ta mới biết chính xác điều mình cần là no bụng và một chỗ ngủ đủ ấm. Và không ai toại nguyện nên người giàu cũng khóc, làm cho nước mắt người nghèo khô đi. Nói chuyện với anh rể như không may ngồi kế một ông cha hay ông sư trên xe buýt, mà cả hai ông cùng không bị câm hay mình bị điếc cho xong chuyện.

Rồi tôi thức dậy một buổi sáng trong căn biệt thự không định vị được vì từ hôm về đến nay tôi nhất quyết không ra khỏi nhà. Tôi về để gặp chị tôi, trong thành phố tôi đã thề là không về nữa! Chị tôi ngồi xe lăn ở một góc vườn, con nhỏ cháu mang tạp dề nấu ăn như bên xứ tây. Nó dọn bữa ăn sáng ngoài vườn do chính tay nó nấu. Con bé đã bị ghiền hôn gò má cậu làm mẹ nó ghen tức là chính mẹ chưa từng hôn cậu của con…

Nó tràn trề sức sống, làm tương phản nỗi biệt ly của chị tôi. Nó như miếng tròng đỏ trứng trong cái bánh lột da mà xưa chị tôi thường nhường cho tôi. Sao giờ tôi lại thèm nghe lại lời anh rể như đậu xanh nghiền bao quanh miếng trứng đã đủ ngon ngọt một đời,

“… may mắn bao giờ cũng thuộc về anh vì anh đi tìm xui xẻo. Anh cưới chị em trong chống đối của gia đình thì được chị em đồng ý lời cầu hôn của anh. Tiếp theo nan giải là chị của em bị chứng bệnh mà anh nghĩ là khoa học Mỹ hôm nay cũng chưa có câu trả lời về căn bệnh không thể thụ thai tự nhiên vì người nữ khiếp sợ sự giao hợp. Anh nghe ông bác sĩ phụ sản bên Singapore cho biết xong. Anh nghĩ ngay tới thụ tinh nhân tạo. Và trời lại cho anh, coi như cái trứng cuối cùng của chị em còn khả năng thụ tinh ra con bé Ni đã được lấy ra kịp thời để có nó…

Một người luôn được may mắn đứng về phía mình như anh thường khổ tâm trước bất hạnh của người khác vì may mắn và kém may mắn như cái đồng hồ cát. May mắn đổ về mình bao nhiêu là bấy nhiêu mất mát của người khác… anh nghĩ vậy nên rộng tay cứu tế, cứu bần…”

Thì ra cháu tôi là con nhỏ ống nghiệm nên nó không có sự trong sáng vô hồn thường thấy trong mắt của tiểu thơ nhà giàu. Mắt nó long lanh con gái nhưng lắng đọng muộn phiền từ người cha và khổ tâm của mẹ, làm cho chúng trở thành bí hiểm từ khi còn quá trẻ. Tình máu mủ thức giấc trong tôi sau nhiều năm cơm đường ngủ bụi…

Chính nó dẫn tôi đi xem “gia tài của mẹ” sau bữa ăn sáng nó trổ tài. Trong hộc tủ bên giường ngủ của chị tôi chỉ một cuốn sổ tay đã ố màu thời gian, giở ra đau lòng với nhạt nhòa ngày chết của mẹ tôi - trước hôm tôi đi một ngày, mấy số điện thoại mà nhìn qua tôi đã biết là số điện thoại của chị Thảo theo thời gian. Thì ra chị Hai tôi vẫn liên lạc với chị Thảo, để biết tôi vào tù ra khám. Nhưng tôi có con đường nào đi khi bị vất ra đường với tâm can rách nát của trẻ mồ côi trên nước Mỹ. Hoàn cảnh không phải là cứu cánh vì tôi vẫn có bạn bè như tôi đã thành công; chỉ là tôi trong số đông còn lại thiếu may mắn; cái đồng hồ cát của anh rể cứ càn khôn tôi về phía rỗng nên còn mãi bơ vơ…

Và ngày tháng sau cùng trong cuốn sổ tay, nét mực còn mới nguyên là ngày người cha bất hạnh của chúng tôi đã chết! Cháu tôi dùng từ “bất hạnh” khi nói về ông ngoại cũng là chuyện lạ. Nó cho tôi biết, “chuyện về bà ngoại và cậu là kho báu của mẹ. Con bảo đảm cậu cũng không biết nhiều bằng con vì mẹ chỉ kể cho một mình con nghe. Nhưng từ khi ông ngoại mất, mẹ con chôn theo kho báu của mẹ luôn rồi. Cậu đừng hỏi gì cho mẹ con làm mệt đó! Mẹ con đang mang bệnh không có toa thuốc vì người cứ cạn dần năng lượng để sống. Dù không ung thư hay bệnh di truyền bất trị gì. Mẹ con sống với năng lượng hao mòn - không gì bù đắp nổi. Đó là lý do ba con tụng kinh mỗi ngày để cầu an cho mẹ con…”

Vậy, tôi là ai? Câu hỏi từ hôm ngồi chờ chị tôi thức dậy để hỏi, “Em là ai” có lẽ đó là bí mật đến khi tôi chết phải mang theo để hỏi sao trời hay biển rộng khởi thủy ra mình.

Mai tôi đi. Hy vọng không như lần trước là không hy vọng ngày trở về vì còn con nhỏ cháu như báu vật của gia đình còn xót lại mà tôi phải quan tâm. Có lẽ chị tôi đã hài lòng với tiếng cười trẻ lại của tôi như ngày xưa còn bé bên chị, nhưng là đang chơi đùa với cháu gái của tôi. Chị ngồi xe lăn khi mệt mỏi trong mình, nhưng mắt cười cậu cháu con Ni đang chơi những trò ngổ nghịch như xưa chị với tôi. Chị tôi thật hạnh phúc trong tiếng gọi yếu ớt, “Cậu nó ơi! Vào đây chị cho cái này nè…”

Cậu cháu tôi chạy lại hàng hiên chị tôi đang ngồi. Chị lần trong mép nệm chiếc xe lăn, lấy ra cho tôi gói giấy báo đã sờn năm tháng. “Của em nè. Trả công chị giữ cho em là phải thương cháu Ni như mẹ thương chị em mình. Biết không?”

Tôi mở ra là phong pháo chuột mà tôi đã thấy trong rương quần áo năm xưa. Chị vẫn giữ cho tôi tuổi nhỏ cay đắng ngọt ngào. Tôi bật khóc lần đầu trong đời phiêu bạt.

Ghi chú của tác giả.

Ghi theo lời kể của nhân vật “Diệu” trong truyện. Những chi tiết lược bỏ theo yêu cầu người kể không muốn viết ra, nhưng đồng ý cho ghi chú như sau:

* Cha mẹ anh là hai sinh viên đại học trước 1975. Họ yêu nhau, và có chị Hai của anh khi còn đi học nên hai gia đình không chấp nhận. Người bạn trai trong chuyện tình đó đã thôi học để lo mưu sinh cho hai người. Chính ông đã mua căn nhà mà hai chị em của anh Diệu đã sống thời thơ ấu.

* Chị Hai (tên Hiền) của anh sanh năm 1970. Nhưng năm 1972, người cha của cô Hiền đã tự lập bàn thờ cho mình; dặn vợ trả lời khi Cảnh sát quốc gia đến nhà hỏi thì cứ nói là ông chết rồi. Ông vô bưng theo Việt cộng.

* Vì kế sinh nhai của hai mẹ con sau khi người chồng thoát ly nhưng không chu cấp được đời sống cho vợ con như ông hứa, mẹ của anh Diệu đi làm Sở Mỹ. Rồi bà có anh là con của một quân nhân Hoa Kỳ. Anh Diệu sanh năm 1974.

* Sau 30 tháng 04 năm 1975. Người chồng của mẹ anh trở về. Nhưng ông không về nhà để nhìn nhận vợ con vì những bất lợi cho ông. Cả hai gia đình đó, trong lý lịch của ông, đều dính líu đến chính quyền cũ - tức chính phủ VNCH.

Vì thế, ông không về nhìn nhận vợ con để tránh né lý lịch - nhằm dễ tiến thân trong sự nghiệp cách mạng.

* Nhưng thành sự tại thiên. Do ông tranh dành quyền lợi, chức vụ sau khi “cách mạng thành công” nên các đồng chí (là bạn học với ông bà ngày trước) đã không ngần ngại tố giác việc ông có vợ là con nhà Ngụy, có con riêng nhưng không khai báo vợ con trong lý lịch cá nhân. Thậm tệ nhất là người vợ sinh viên của ông (trước 1975) lại có đứa con lai Mỹ trong thời gian ông đi kháng chiến…

Cuối cùng, ông bị khai trừ ra khỏi đảng vì tội khai man lý lịch. Dĩ nhiên là mất hết chức vụ, quyền lợi. Ông trở về mái xưa với lòng hận thù (đặc biệt là cậu bé Mỹ lai) đã phá đổ hết sự nghiệp dù man trá của ông.

Phan

Ý kiến bạn đọc
10/03/201421:54:20
Khách
Doc. xong bai` nay` , toi^ thay^' dang' mieng^. Co^? nghen` nghen. Mat' mo` ao. Sao lai. co' kiep^' nguoi` kho^? the^' .
Neu^' la` chuyen^. that^. , biet^' phai? noi' gi` de^? an ui? em day^ ? Mong em chap^' nhan^. moi. su. nhu la` va` de^? no' qua di. Mong Tam^ em rong^. mo? , don' nhan^. anh' hao` quang xan' lan. xua di moi. an'g may^ mu` den xam'. Cau^` xin On Tren^ ban phuoc' lanh` den^' em.
Cam? on Tac' gia ve^` bai` viet^' tuyet^ voi`.
21/02/201408:00:00
Khách
Bài viết văn thật xuất sắc, câu chuyện cũng hay và cảm động.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,692,029
Chắc hẳn chúng ta khi nghe ai nói: "Có muốn đi chơi không? " là lòng chúng ta rộn ràng vui thích vì sắp được thoát cái nhà tù túng và bay nhảy tự do với khung cảnh bên ngoài.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Là con một gia đình H.O., đến Mỹ năm 1995, khi đã 27 tuổi, Nguyễn Khánh Vũ hiện là kỹ sư điện toán cho một công ty tại Arizona và đã góp nhiều bài viết xúc động.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả cho biết Dương Thiện Tâm là tên thật, đang sống bên Canada; Nghề nghiệp: Cán sự điện. Ông viết, “Tôi rất thích đọc những bài Viết Về Nước Mỹ.”
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả sinh năm 1945 tại Quảng Bình, di cư năm 1954; Trước 1975: Sĩ quan Quân Nhu, xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Nhạc sĩ Cung Tiến