Hôm nay,  

Chuyện Tết Trong "Trại Tù Tàn Binh"

10/02/201400:00:00(Xem: 19655)
Tác giả: Bồ Tùng Ma
Bài số 4137-14-29547vb2021014


Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O. Ông từng nhận các giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2001, giải Việt Bút 2008, và từ 5 năm qua, là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Giáp Ngọ 2014, không viết về nước Mỹ, mà về một loại ký ức sâu đậm của nhiều cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà trong trại tù cộng sản.

* * *

Tôi muốn nói đến cái Tết đầu tiên của tôi trong trại tù cải tạo mà hồi đó, tháng 5 năm 1975, ở vùng Ba Tơ thuộc tỉnh Quảng Ngãi có tên là "Trại tù tàn binh". Sau này tôi bị chuyển qua nhiều trại tù, nhưng không có trại tù nào mang cái tên rất thực như vậy. Tôi hiểu ra rằng đây là trại tù kiểu du kích địa phương “tự biên tự diễn” nên tương đối còn lỏng lẻo, ít khắc nghiệt hơn những trại tù chính qui sau này. Chính vì vậy và nhất là vì Nga, vợ tôi, đã lên thăm tôi nhiều lần ở đây nên nó đã trở thành ấn tượng sâu đậm nhất trong đời tù của tôi.

Ngày 3 tháng 5 năm 1975, tôi và người em rể bị bắt tại Quảng Ngãi. Sau một đêm ngủ trong ngôi đình cùng với khoảng 10 người khác, chúng tôi bị giải lên Tịnh Giang. "Học tập lao động" đầu tiên của chúng tôi là vác gạo, mỗi người một bao gạo chừng 25 ký. Không nặng lắm đối với sức lực tôi lúc đó, nhưng lại nặng đối với với Sơn, em rể tôi. Nó vác gạo đi được chừng một cây số thì vất bao gạo xuống đất. Lính giải giao bảo nó tiếp tục vác đi, nhưng nó nói:

- Chân tôi đau quá, bộ đội ơi!

Lính giải giao nói:

- Bao gạo có tí ti mà vác không nổi. Làm en chi lạ! Anh mô vác giùm được không? Chỉ tiêu phải đem hết số gạo này đi. Không, lấy chi mà en. Có làm mới có en chớ!

Tôi đã giải quyết bằng cách vác luôn 2 bao.

Chúng tôi đi qua những vùng ven núi nhiều dấu vết chiến tranh, cây cối xác xơ, nhà cửa xiu vẹo, mặt đất đầy hố bom. Nhưng những người đi đường đều có vẻ mặt hân hoan. Tôi thử tìm trên nét mặt họ vẻ lo sợ tuyệt vọng như chúng tôi, hay ít ra cũng biểu hiện ít nhiều chia sẻ với chúng tôi về số phận không may này, nhưng không tìm thấy được. Tôi ngạc nhiên nhưng rồi chợt hiểu. Họ là dân vùng này và họ đang tin tưởng về tương lai huy hoàng chế độ mới sẽ đem đến.

Khi chúng tôi đến gần một chân núi, có vài ba thanh thiếu niên đứng bên bờ ruộng chỉ trỏ chúng tôi. Một đứa chừng 16 tuổi nói lớn:

-Anh ni là Thiếu úy, anh ni là Trung úy, anh nớ là Đại úy…

Chàng em rể tôi không nỡ để tôi vác luôn hai bao gạo, đến đỡ bao gạo trên vai tôi:

- Nó nói chi vậy, anh?

- Ý nó nói trước đây tụi mình là sĩ quan mà bây giờ phải vác gạo.

- Đ. mẹ nó! Tao mà…

- Thôi!

Đến cái xóm nhỏ, cả bọn ngồi nghỉ một lát rồi giúp dân đào mương. Một bé gái chừng 8, 9 tuổi, mặt mũi hiền hậu dễ thương đến bên chúng tôi. Tôi đang định hỏi em mấy tuổi, thì em đã đọc hai câu thơ:

Mỹ thua Mỹ cút về làng
Bọn ngụy ở lại sắp hàng đào mương.


Xong nó chạy nhanh về phía đám phụ nữ đang ngồi dưới mái hiên. Một chị kề miệng vào tai nó nói gì đó nhưng nó lắc đầu.

Hai lính giải giao bảo chúng tôi lên đường. Lại đến một xóm nhỏ. Một lính giải giao vào nhà dân rồi đi ra cùng với một người đàn ông. Người đàn ông liếc nhìn chúng tôi, nói lớn:

- Thứ đó đem bén hết cho rồi. Nước đâu mà cho uống.

Tuy nói vậy, nhưng anh ta cũng để chiếc gàu múc nước trước mặt chúng tôi.

Sau khi mượn chảo nấu vội một ít nước để uống và mang theo, chúng tôi lên đường. Sơn đi bên tôi, nói nhỏ:

- Có lẽ tụi hắn đem mình đi bắn.

- Không đâu.

Tôi trả lời với giọng chắc nịch. Tôi biết họ sẽ không bao giờ đối xử với chúng tôi một cách nhanh gọn như vậy, mà sẽ sử dụng chúng tôi bằng một cách nào đó có lợi cho họ nhất.

Tuy nghĩ vậy nhưng cho tới khi đến Tịnh Giang, tôi mới chắc mình vẫn còn sống, và sẽ sống dài dài trong ê chề, cực nhọc và đói khát của kiếp tù đày dưới chế độ này.

Ở trại Tịnh Giang một cán bộ tỉnh (?) nói cho chúng tôi nghe về chính sách khoan hồng. Tôi nhớ mãi câu nói sau đây của anh ta:

- Các anh cũng thấy nhân dân căm thù các anh như sao rồi. Nếu không tập trung các anh lại, tánh mệnh các anh rất nguy hiểm.

Nghe nói, tôi nghĩ ngay đến em bé đọc mấy câu thơ và anh nông dân đòi đem chúng tôi đi bắn. Sau này tôi hỏi vài anh em tù, họ cũng cho biết đã gặp hai người đó với những câu nói đó trên đường đi.

Tịnh Giang là trại chuyển tiếp, chưa có nội quy chặt chẽ, có nhiều anh em vẫn còn tin tưởng vào "Chích sách 12 điểm của Mặt trận" vì thấy được thân nhân thăm nuôi dễ dàng, nhất là thấy người trưởng trại có vẻ cởi mở dễ dãi, đi hết chỗ này đến chỗ khác, cắt nghĩa chuyện này chuyện kia. Có những anh lính trẻ còn gọi chúng tôi là anh và xưng em. Phải chăng họ cũng tin tưởng vào chính sách mười hai điểm? Tất cả đều bị lừa, không chừa một ai. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn phục cách lừa phỉnh của họ trong việc kêu gọi trình diện "học tập".

Ở trại Tịnh Giang tỉnh thoảng có nhiều anh em được ra về, thường là các công chức nhỏ hay sĩ quan cấp thấp. Chính việc này làm chúng tôi nuôi nhiều hy vọng. Chừng ba tháng sau kể từ ngày tập trung đến đây, trại chỉ còn lại một nữa số "trại viên", trong số này có tôi và em rể tôi. Chúng tôi bị chuyển đến Trại 2 Tổng trại 3. Tổng trại này thuộc hậu cần của một trung đoàn. Trước khi lên xe đi, chúng tôi được phát áo quần mới, quân phục "ngụy", có cả nón nhựa, ba-lô, võng... Nếu có thêm giày bốt-đờ-sô (Botte de saut) và khẩu súng, chúng tôi chẳng khác xưa bao nhiêu.

Đến nơi không thấy trại đâu cả mà chỉ thấy bên kia suối một gò đất lớn với cây cối lưa thưa, lớn có nhỏ có. Sau này tôi được biết những cây nhỏ là những cây hoa mai trắng mọc hoang chưa ra hoa. Chung quanh gò đất lớn này là ruộng nương. Lối vào gò đất, ngay cạnh dãy nhà bộ đội có tấm bảng đỏ với hàng chữ lớn màu vàng "TRẠI TÙ TÀN BINH".

Chúng tôi được phát cơm ăn với mắm. Sau khi ăn uống tất cả mắc võng vào những thân cây để nghỉ ngơi. Nửa đêm thức giấc, nghe chung quanh có tiếng dế, tiếng ểnh ương, tiếng ếch nhái… kêu não nuột. Nhưng rồi sau ba ngày những tiếng kêu não nuột này không còn nữa. Chúng đã bị tù tàn binh "càn quét" làm thực phẩm hoặc trốn chạy đi nơi khác. Chỉ còn lại tiếng rì rào của gió trong lá cây, tiếng thở dài của tù, tiếng mớ ngủ: "Đại bàng! Nghe rõ 5/5", "Đợi lệnh thẩm quyền"… Sau hai tuần năm cái lán lớn tranh tre được dựng lên, trong đó có bàn thờ "bác". Ngoài ra còn có nhà bếp, cầu tiêu, giếng, nhà chứa sách báo, trạm xá, hội trường với tấm ảnh lớn của "bác" đưa bàn tay lên vẫy chào… Thật trớ trêu, trước đây "bác" đòi "đánh cho ngụy nhào", mà nay "bác" nhìn chúng tôi cười thân thiện, lại còn đưa 5 ngón tay lên vẫy nữa. Anh Thành, tiểu đoàn trưởng bộ binh, nhìn ảnh Hồ Chí Minh nói đùa mà miệng như méo:

- Bác đưa năm ngón tay lên là có ý nói cải tạo 5 năm đó!

- Đừng nói dại. 5 tháng - Anh Tâm, một sĩ quan cảnh sát trả lời một cách… hồ hởi nhưng miệng còn méo hơn cả anh Thành

Hội trường là nơi để tù học tập chính trị, làm bản kiểm điểm, xem trình diễn văn nghệ: Ngâm thơ "bác", ngâm thơ Tố Hữu, nhạc cảnh "Tiếng chày trên sóc Bom Bo"...

Tất cả công trình xây dựng ở đây đều do bàn tay lao động của anh em tù, trong đó có nhiều người đã tốt nghiệp đại học, một bác sĩ, hai kỹ sư, những người mà mấy tháng trước đây chưa hề biết cái dùi, cái đục, cái rựa ra sao.

*

Lúc bấy giờ trời đã sang Xuân, hoa mai trắng nở đầy trên các ngọn đồi chung quanh. Trong trại chỉ còn lác đác nơi này nơi kia những gốc mai may mắn còn sót lại. Chúng cố vươn lên, đâm chồi ra hoa, làm cho trại tù trông tươi thắm, không buồn rầu u ám như mấy tháng trước đây.

Vào khoảng cuối tháng 1 năm 1976 tức chỉ còn chừng 1 tuần nữa là Tết Bính Thìn, đã có người đi thăm nuôi. Nga có nhắn tin trước sẽ thăm tôi đúng vào ngày đưa ông Táo về Trời. Tôi còn nhớ Âm Lịch và Dương Lịch ngày này đều là 23, chỉ khác tháng. Sáng sớm hôm đó đứng ở một gò đất cao nhất trong trại nhìn ra khu thăm nuôi cách trại mấy trăm thước, tôi nhận ngay ra Nga trong đám đông, phần nhiều là phụ nữ. Vợ tôi đang ngồi cạnh một cái giỏ lớn nói chuyện với bà Hiền, cũng đi thăm chồng. Lần này Nga mặc áo nâu, quần đen và hình như mang… dép râu. "Thời trang" mới! Một lát sau Nga đi ra nơi có mấy khóm mai trắng, nhìn vào trại.

Khi tôi chuẩn bị đi gặp Nga, Y Bret, một sĩ quan địa phương quân gốc Thượng Gia-Ray, theo đạo Tin Lành, dúi vào tay tôi một mảnh giấy. Tôi biết đây là thư anh ta gởi cho vợ và nội dung lần nào cũng như lần nào: Sắp về nay mai, tin tưởng vào chánh sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng, nên đi nhà thờ thường xuyên, không làm điều tội lỗi, sẽ có ngày phán xét. Nghe nói vợ Y Bret còn rất trẻ và đẹp, hắn ta rất mê vợ, sợ mất vợ nên đã nhờ… Chúa giữ vợ theo cách đó. Bản thân Y Bret không ngoan đạo, hầu như chỉ đi nhà thờ một lần vào ngày cưới.

Nga đưa cặp mắt tròn xoe nhìn tôi trong bộ quân phục "ngụy", đầu đội nón nhựa, vai mang ba-lô. Cái ba-lô này là để đựng đồ thăm nuôi. Bà Hiền đến gần bên tôi, nói nhỏ:

- Trông oai quá! Mới thấy mấy người đi ra, mừng hụt, cứ tưởng như… giải phóng trở lại.

Lần thăm nuôi này khá dễ dãi. Từng cặp tìm một góc khuất nào đó ngồi nói chuyện cả giờ. Nga cho biết đã đem xe đạp cùng với giỏ đồ ăn theo xe đò. Đến bến xe Nga chở giỏ đồ ăn bằng xe đạp đến trại. Xe đạp nội hóa, thắng bị đứt, tụt dốc "rơi tự do", Nga phải cho xe ủi vào một đống rơm bên đường, mới không bị thương nặng.

- Thôi, em đừng đi thăm nữa. Anh nghĩ anh cũng sắp về. Người ta về nhiều lắm.

Tôi nói vậy nhưng rất muốn Nga đi thăm. Bây giờ mỗi lần nghĩ đến việc này tôi rất xót xa. Tôi đã làm khổ Nga suốt 10 năm. Hơn hai năm ở trại này Nga đã thăm tôi mỗi tháng một lần. Đã 3 hay 4 lần chúng tôi cùng nhau ngồi dưới mấy cành hoa mai trắng. Đó là vào mùa Xuân. Qua mùa Hạ, Thu, Đông những cành mai trơ trụi trông thật tội nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn đến đây khi Nga lên thăm.

Mỗi lần được thăm, ngay cả khi chỉ nhận được một bức thư ngắn của Nga vỏn vẹn có mấy câu mà lúc nào cũng gần như giống nhau "Anh học tập tốt, để sớm về sum họp. Em và Ba Mẹ vẫn khỏe. Con heo mẹ nuôi đã to béo như con bê…" cũng đủ làm tôi hạnh phúc.

Trước Tết 4 ngày một số tù, trong đó có Y Bret, được chọn đi hái lá dang, một loại lá to và bền, để gói bánh chưng. Đây là loại lao động nhẹ nhàng và thích thú, có thể thong dong trong rừng nguyên cả buổi sáng. Y Bret thồ về một bó lớn lá dang, thêm một bó chè tươi trên vai. Quản giáo thấy vậy, bảo anh đi hái chè nấu nước cho khu thăm nuôi. Nấu nước ở đây có thể ngồi canh lửa nguyên cả ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Nếu nhằm ngày này có vợ lên thăm thì thật tuyệt.


Y Bret là người ít được thăm nuôi nhất, từ ngày bị tập trung đến nay, vợ anh chỉ thăm anh có một lần. Nhưng hình như lá thư anh ta nhờ vợ tôi gởi có hiệu lực, vợ Y Bret đã thăm anh đúng vào ngày anh nấu nước chè ở khu thăm nuôi. Hai vợ chồng ở bên nhau 10 tiếng đồng hồ. Buổi tối vợ Y Bret ngủ nhờ nhà một người dân tốt bụng, để sáng hôm sau gặp chồng lần nữa. Y Bret trở về trại với giỏ đồ tiếp tế, mặt mày hớn hở. Một anh hỏi:

- Ở lâu bên nhau như rứa, có chấm mút chút đỉnh nào không?

- Dĩ nhiên là có-Y Bret cười nói.

- "Khô" hay "ướt"?

- Sơ sơ.

Ngày hôm sau Y Bret cũng được quản giáo trại cho đi nấu nước chè. Buổi tối Y Bret về trại với vẻ mặt âu sầu, ai hỏi gì cũng không nói. Nhóm tù đẵn gỗ thì thầm với nhau nhưng cũng lọt ra ngoài, đến nhóm "anh nuôi":

- Buổi trưa Y Bret hẹn vợ vào một đám sắn. Hai anh chị đã "làm chuyện đó" và bị quản giáo bắt tại trận. Quản giáo ra một điều kiện gì đó và dắt vợ Y Bret đi đến một đám sắn khác. Nhóm tù đẵn gỗ, ai cũng thấy tận mắt… nhưng không dám và không nỡ nhìn lâu.

Ngày hôm sau Y Bret xin gia nhập nhóm đẵn gỗ dù loại lao động này khá nặng nhọc so với tuổi tác của anh ta. Loại lao động này bắt buộc phải đạt chỉ tiêu. Cái chỉ tiêu này bằng… cao su, nó có thể kéo dài ra theo lòng tham của quản giáo. Quản giáo dùng "chỗ cao su" bị kéo dài này bán lấy tiền đút túi riêng. Ở vùng này, gỗ và quế là vàng.

Tam Tạng thỉnh kinh
Tù binh thỉnh gỗ
Cùng khổ như nhau.


Khổ nhưng những anh tù trẻ, có sức lực vẫn thích đi đẵn gỗ. Như thế là vì tự do. Bộ đội giữ tù đẵn gỗ thường mắc võng ngủ đâu đó, để tù tự do đi vào rừng. Y Bret đã đi đẵn gỗ và không trở về. Đám tù đẵn gỗ nói Y Bret đã theo Fulro. Liền sau đó chúng tôi bị dồn vào lán, không được bước ra khỏi cửa. Lán tôi ở được cung cấp ba lò than để hâm đồ ăn. Sắp đến Tết đồ thăm nuôi khá nhiều. Mùi đồ ăn, nhất là lạp xường nướng lan tỏa khắp phòng. Anh Cần. "con bà Xơ" (tức không có ai thăm nuôi) chửi anh Bắc đang nướng lạp xường:

- Đ. mẹ! Đem lạp xường ăn sống đi, đừng có nướng nữa, chọc tức mũi người ta.

Anh Liên, người to lớn, cũng "con bà Xơ", ngược lại, rất thích ngửi mùi đồ ăn. Anh đi tới đi lui, xoay mặt vào cái lò đang hâm đồ ăn, hít hít. Có người hỏi tại sao anh Liên thích ngửi như vậy, anh nói:

- Cũng như người thích xem phim con heo. Xem, không làm gì cả, cũng sướng.

- Nói chi lạ rứa! Xem phim xong có cách giải quyết. Còn sau khi ngửi đồ ăn, giải quyết cách nào?

- Nằm ngủ, mơ thấy ăn cũng sướng.

- Tui mơ thấy ăn bánh mì, nhai đi nhai lại, nước miếng ứa ra, chua lè. Sướng chi mà sướng

- Tui hái một mớ rau răm, xin một ít muối tiêu, ăn với miếng sắn, giống y như ăn hột vịt lộn.

Anh Liên vừa nói vừa nuốt nước miếng.

Anh Liên nói vậy nhưng sau khi ngửi nhiều lần, cằm anh bạnh ra, hai hạch nước miếng hai bên cằm không được "thỏa mãn" sưng lên.

Trong hoàn cảnh này anh em tù cũng có cách giúp đỡ nhau phần nào. Thí dụ như người được thăm nuôi giúp "con bà Xơ" bằng cách "thuê" họ hái rau, quả, đun nấu. Kẻ có của người có công. Họ ăn chung với nhau.

Anh Liên phải "làm thuê" cho hai "ông chủ" mới đủ ăn. Anh ăn mạnh lắm. Anh có tài chế biến món ăn, thí dụ như làm mì Quảng. Anh mài sắn trên miếng thiết đục lỗ, trải bột sắn trên lá chuối rồi cuộn lại, bỏ vào lon guigoz nấu. Khi sắn chín, anh lấy sắn ra, thái như thái phở. Rau có sẵn, không rau muống thì rau tàu bay. Nước dùng thường là ruốc nấu với nhái, hay bất cứ con gì… đưa lưng lên trời, nghĩa là không phải con người.

*

Nói đến nấu nướng ăn uống trong tù, phải nói đến cái lon guigoz. Cái lon này không phải chỉ dùng để ăn uống, đựng đồ ăn, mà còn để nấu nướng. Kẹt lắm có thể dùng để tiểu tiện, đại tiện. Nó có cái nắp đậy rất kín, kiến hay các loại côn trùng khác không lọt vào trong lon được. Cái lon này là lon đựng sữa bột do Hòa Lan sản xuất. Cái lon guigoz thông dụng trong trại tù đến nỗi có nhiều bộ đội tưởng lon được sản xuất cho tù… đi ở tù. Ở Mỹ, các hội đoàn thường tổ chức vinh danh người này người nọ, mà không tổ chức vinh danh Công ty sửa bột Guigoz là một thiếu sót lớn.

Trước Tết 2 ngày tổ chăn nuôi dắt một con trâu già ốm yếu vào cột nơi cái cọc tre gần nhà bếp. Con trâu già đưa cặp mắt lờ đờ và hiền từ nhìn đám tù tàn binh. Đám tù cũng nhìn con trâu, vừa tội nghiệp, thông cảm số phận của nó, không khác gì mình; vừa buồn vì thấy nó già và ốm, không đủ sức làm thỏa mãn cái dạ dày lúc nào cũng xẹp của họ. Con trâu không biết nó sắp chết thảm. Cho đến khi bốn chân bị tròng vào bốn sợi giây mà nó cũng chỉ đưa chân bước một bước ngắn như đứng lâu bị mỏi. Đến khi một cú búa tạ đập mạnh vào đầu nó mới nhìn mọi người như ngạc nhiên, ứa nước mắt. Không biết nó ứa nước mắt vì quá đau hay vì quá buồn cho thân phận mình. Nhưng nó vẫn chưa gục. Một cú búa tạ nữa đập vào đầu, nó chỉ hơi khuỵu xuống. Cho đến khi bốn lát rìu bổ mạnh vào bốn gót chân, gân lòi ra trắng phếu, thêm mấy phát súng vào đầu, nó mới gục hẳn. Một anh tù, thợ hớt tóc trong trại, xách lon guigoz đến bên con trâu vừa bị thọc huyết, múc một lon huyết mang đi. Anh ta được trại tin tưởng cho làm thợ hớt tóc, một công việc nhàn hạ và được phép giữ dao kéo…, được ưu tiên ăn huyết, một "vị thuốc" có thể làm tiêu hay hút (?) những sợi tóc li ti của tù bay vào cuống phổi khi anh ta hành nghề. Đáng lẽ anh ta không phải đi tù. Anh ta là lao công đào binh trình diện "Cách mạng" nhưng khai mình là sĩ quan vì nghe nói tù binh sĩ quan có quy chế cao, một ngày 8, 9 lạng gạo, có cá, có thịt, chứ không phải 6, 7 lạng. Trại cũng biết anh ta khai ẩu nhưng lờ đi. Có thêm cho anh ta lạng gạo, lạng thịt nào đâu mà lo. Cũng chẳng ai truy ra việc bắt lầm, ngay cả bắn lầm. Miễn đừng bỏ sót là được.

Ngày cuối cùng của năm Ất Mẹo, không nhớ 29 hay 30, bữa ăn sáng, thay vì ăn với mắm, tù tàn binh được "bồi dưỡng" trứng vịt dằm nước mắm. Hai người một quả trứng! Ở Mỹ mỗi khi nghe nói ăn trứng nhiều không tốt, trứng là ổ chứa cholesterol xấu, tôi lại nhớ như in việc anh em tù bàn thảo cách chia quả trứng. Cắt quả trứng theo chiều ngang sẽ có đầu lớn đầu nhỏ, khó cắt hai phần bằng nhau được; cắt theo chiều dọc thì quả trứng không chịu nằm yên, nó lăn đi như hòn bi-da, cũng khó cắt cho đều được. Có người đề nghị hai người sở hữu quả trứng bốc thăm, ai thắng ăn nguyên quả trứng. Đề nghị này bị bãi bỏ vì sẽ không có ai nỡ lòng ăn nguyên quả trứng để bạn mình ăn cơm với muối. Cuối cùng "phương án" sau đây được biểu quyết: Dằm nát trứng trong nước mắm, rồi lấy muỗng múc chia đều.

Ngày Mồng Một, chúng tôi được phát mỗi người một cái bánh chưng không có nhân và một tô thịt trâu nấu với lá lốt. Có anh theo đạo ông bà, để cái bánh chưng trên chiếc bàn tre, vái mấy vái cúng tổ tiên trước khi trịnh trọng lột miếng lá giang gói bên ngoài. Chưa cắn mà nước miếng đã ứa ra. Có anh theo Công Giáo, đưa tay làm dấu Thánh Giá trước khi gắp miếng thịt trâu. Chắc con trâu ở suối vàng cũng tự hào thấy mình được "coi trọng" như vậy. Không phải chỉ vậy thôi đâu. Có một anh tù tên Đông, không biết vì ngớ ngẩn hay muốn mỉa mai, đã bưng tô thịt trâu và cái bánh chưng để trên bàn thờ "bác", rồi lâm râm khấn vái. Quản giáo biết được, bắt Đông làm kiểm điểm, sau đó Đông bị cùm 1 chân. Tôi không còn nhớ anh ta đã bị cùm bao lâu, chỉ nhớ sau khi anh ta được tháo cùm, Sơn em rể tôi, thế chỗ anh ta. Số là gặp anh ta ở đâu, Sơn cũng nói oang oang:

- Sao lại cho bác ăn thịt trâu. Bị cùm là đúng.

Sơn học tập không tốt, kể cả lao động và tư tưởng, nhưng anh ta chỉ ăn có một cái Tết ở đây. Về sau Sơn rất hận việc này. Nó chỉ ở tù có 1 năm 6 tháng nên cả gia đình không đi Mỹ theo diện HO được.

Ai cũng biết không phải học tập tốt thì về sớm. Về sớm hay muộn căn cứ theo bản kiểm điểm, cấp bậc, chức vụ, quân, binh, chủng, ngành, quá trình hoạt động "chống phá cách mạng". Sau đó còn tùy theo tình hình an ninh chính trị, quốc phòng…

Sau khi "trồng cây nhớ ơn Bác" trở về, chúng tôi được xem văn nghệ, xem múa lân, nghỉ ngơi. Tổ bếp được tăng phái thêm người nên tương đối chúng tôi cũng đỡ hơn. Lao động ở bếp ai cũng thích, vì "nhà bếp đánh chết cũng no". Không phải nhà bếp ăn chặn mà "ăn thừa". Cái chảo nấu thịt còn váng mỡ, có thể cho thêm chút nước vào đó, thêm ít rau quả, để dành hôm khác ăn; hay có thể chiên rau muống ăn liền. Chính việc "ăn thừa" này mà tổ bếp mang tiếng xấu. Anh Lợi xuống bếp xin cơm cháy không được, anh ta đứng trên một gò đất la lớn như Trương Phi ở trên cầu Trường Bản:

- Nhà bếp ăn rau muống chiên! Nhà bếp ăn rau muống chiên!

Chúng tôi không có quyền cho ai cơm cháy cả, cơm cháy cũng phải bẻ ra từng miếng chia đều. Nói vậy chứ làm sao mà tuyệt đối đồng đều được. Chia đều rồi, nếu còn thừa, mà thường là thừa, chúng tôi để dành ưu tiên cho "con bà Xơ". Một trong những "con bà Xơ" tội nghiệp nhất là anh Lục. Anh bị vợ bỏ, thân nhân lưu lạc. Những khi nhà bếp chia cơm anh xuống đứng tựa vào gốc cột nhìn đăm đăm cái chảo cơm. Đến khi nghe tiếng xẻng (chúng tôi dùng xẻng để chia cơm) cạ sột sột vào đáy chảo là anh bước vào thật nhanh, chìa cái lon guigoz ra. Chúng tôi đã cho anh Lục cơm cháy như vậy nguyên cả nửa năm. Nhưng khi được tin anh có thăm nuôi, chúng tôi ngưng. Vậy là anh Lục quên mất những miếng cơm cháy trước đây, chỉ nhớ đến miếng cơm cháy hiện tại mà anh không được ăn. Sau buổi ấy, gặp tôi ở đâu anh Lục cũng nhìn tôi với đôi mắt hình viên đạn.

*

Tôi trở về sum họp với gia đình sau 10 năm tù dài đăng đẳng. Tôi và Nga đã có với nhau 3 đứa con. Bây giờ chúng tôi sống với nhau vì tình nghĩa hơn tình yêu thắm thiết thuở ban đầu. Không biết bao lâu rồi chúng tôi không xưng hô "anh, em" với nhau. Mỗi lần nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, chuyện về Trại Tù Tàn Binh với những cành hoa mai trắng, Nga nói "Lâu quá không nhớ chi cả". Ngày 23 tháng Chạp vừa rồi tôi đi mua hai chậu hoa mai trắng đem về để trước hiên nhà. Nga nhìn chậu hoa, đôi mắt mơ màng xa xăm:

- Sao...em thấy cái này quen quen, …buồn buồn.

Đó là lần đầu tiên từ khi sinh đứa con út Nga xưng "em" với tôi. Nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng "lãng mạn" với nhau như vậy. Tôi và Nga vẫn gây nhau về những việc lặt vặt. Cứ mỗi lần như vậy tôi lại bước ra hiên, nhìn hai chậu hoa mai trắng, thấy như hiện lên hình ảnh Nga chở đồ thăm nuôi bằng chiếc xe đạp nội hóa cọc cạch trên con đường ven núi gập ghềnh, và tôi trở vào nhà nhìn Nga với đôi mắt dịu dàng mà Nga biết rằng tôi không còn muốn gây gổ nữa.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
07/01/201815:41:01
Khách
Chào anh Tân
Mỗi khi tôi nhắc tới chuyện tù cải tạo thì con gái tôi lại nhắc khéo tôi bố cứ hay nhắc tời câu chuyện cũ hoài.Bố quên đi nhé bố!Nó đâu có biết chuyện tù cải tạo là chuyện kinh khủng nhất của người tù.
15/03/201500:08:23
Khách
Xin vui lòng giúp liên lạc được với tác giả Bồ tùng Ma ( Nguyễn Tân ) để có thể xin hỏi thêm vài chi tiết cụ thể về trại tù tàn binh Tịnh Giang và tổng trại tù binh 3 Quảng Ngãi. Xin cám ơn. Hiệp Nguyễn.
16/02/201408:00:00
Khách
Hôm nay tôi mới có dịp đọc ý kiến của anh Sáu, anh Tam và Thuý. Xin cám ơn tất cả về lời khen.
BTM
11/02/201408:00:00
Khách
Bài viết chua chan tình nguòi và tình thương vợ. Nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cám ơn tác giả đã chia sẻ "tâm sự đời tôi".
10/02/201408:00:00
Khách
Truyen hay qua! Xin cam on anh Bo Tung Ma da viet bai nay ! Kinh.
10/02/201408:00:00
Khách
Chào anh Bồ Tùng Ma,
Bài viết anh rất hay và cảm động mà nói cho rõ tinh huống đau khổ và thê thảm của anh và các tù binh khác khi đi các trại cải tạo.

Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến