Hôm nay,  

Quà Cho Con Gái Mùa Giáng Sinh

24/12/201300:00:00(Xem: 30909)
Người viết: Phùng Annie Kim
Bài số 4094-14-29494vb2122313


Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Và liên tiếp cho thấy sức viết nhanh, viết mạnh. Mừng Lễ Giáng Sinh cùng tác giả, xin mời đọc bài viết thứ chín.

* * *

Cali trời trở gió. Gió là không khí chuyển động. Chẳng ai thấy không khí bao giờ mặc dù nó là nguồn sống. Có khi lại “quên” hoặc không “biết” mình đang hít vô, thở ra với nó từng giây phút. Gió đang chuyển mình hướng về phía nam Cali, báo hiệu mùa bão rớt từ vùng đông bắc đang tràn xuống. Ngày mai trời sẽ u ám, gió sẽ mạnh, thời tiết sẽ lạnh hơn. Cali đang thiếu nước. Vài trận mưa cuối năm kéo dài suốt đêm là nguồn tưới thiên nhiên cho mùa màng cây cối Cali thêm xanh tươi. Mùa Giáng sinh lại về.

Tôi đã sống hai mươi hai mùa giáng sinh ở xứ Mỹ với nhiều ý nghĩa vì ngày Chúa ra đời cũng là ngày sinh đứa con gái đầu lòng của tôi có cái tên đẹp: Đào Ngọc Phương Uyên.

Đêm Chúa ra đời bên máng cỏ nghèo hèn, lạnh lẽo cũng là đêm ở bệnh viện Từ Dũ, bốn mươi năm về trước, trong phòng chờ đợi để lên bàn sanh, tôi mệt lả người trong cơn đau đẻ kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Có khi bò lê bò càng đến nhà vệ sinh trong chiếc “váy” dài phủ chân, cũ kỹ, màu vàng khè, bê bết những vết máu. Có khi một tay ôm bụng, một tay đỡ lưng, miệng suýt soa, đi tới đi lui, thèm một bờ vai nương tựa. Chung quanh tôi chỉ có những cô y tá nét mặt lạnh lùng, đi lại lăng xăng, lúc nào cũng bận rộn và những khuôn mặt nhăn nhó, đau đớn, mệt nhọc, bơ phờ của những sản phụ cùng “vượt cạn” như tôi. Họ đang lê lết, bấu víu vào các thanh sắt, thành giường, vật vã với những cơn đau quặn người vì hình hài trong bụng đang chuyển mình chun ra. Chúng đang đi tìm sự sống bên ngoài bằng hơi thở của chính mình chứ không bằng dây rốn nối liền với nhau thai của mẹ nữa.Tôi sợ nhất là những âm thanh. Có khi là tiếng suýt soa, rên rỉ. Có khi là tiếng mếu máo, kêu khóc. Có khi là tiếng la hét, tiếng… chửi thề (Biết đâu có tên các ông chồng trong đó? )

Những ông chồng? “Giờ này anh ở đâu?” Cánh cửa sắt tầng dưới đã đóng lại, cách ly người sản phụ với người thân. Phòng sanh ở trên lầu. Cái tầng lầu có hình vòng cung. Đi từ chợ Thái Bình ngược lên phía nhà thương là con đường Cống Quỳnh, nhìn lên từ xa, căn phòng này ngày đêm lúc nào cũng sáng đèn. Các bà, các cô đang quằn quại trong không gian biệt lập này.

Từ Dũ là bệnh viện công. Thời đó, “đàn bà đi biển mồ côi một mình”.

Đêm Chúa ra đời cũng là đêm tôi nằm bên cạnh một hình hài tí hon còn đỏ hỏn, da dẻ nhăn nhúm, xấu xí, bé tí xíu như một con thỏ con nặng hai ký lô rưỡi. Cái thời chưa có siêu âm, chưa có điện thoại cầm tay. Trời còn tối đen. Tôi nằm nghiêng ngắm con, mong cho mau sáng để chồng vào thăm, chia sẻ hạnh phúc “mẹ tròn con vuông” vì bé… sinh ngược. Những ngày cuối trước khi sanh, đứa bé vẫn không chịu quay đầu xuống. Bác sĩ ở bệnh viện Đức Chính tìm đủ cách dỗ dành, hết xoay rồi vặn cái bụng nhưng đành chịu thua. Ông gửi tôi vào bệnh viện Từ Dũ vì là “ca” khó.

Tôi sinh được con gái đầu lòng. “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Tính theo mười hai con giáp, tuổi sửu là tuổi trâu nhưng sinh vào ban đêm, trâu chỉ nằm nhai lại chứ không phải cày sâu cuốc bẫm như ban ngày. Tuổi này năm nay có chữ “quý”. Cái số con gái tuổi “quý sửu” theo tử vi sau này được an nhàn. Hồi khuya, tiếng chuông nhà thờ vang lên từng hồi rộn rã làm tôi nhớ đến hôm nay là ngày lễ Giáng sinh. Chúa ra đời vào lúc nửa đêm. Bé gái ra đời đâu cũng vào khoảng thời gian nửa đêm đó.

Bốn mươi mùa Giáng sinh trôi qua với bao nhiêu thăng trầm, dâu biển của cuộc đời. Đứa bé ra đời đêm Giáng sinh năm 1973 bây giờ đã làm mẹ và có một mái gia đình êm ấm. Tôi đã là bà ngoại. Tôi đang ngồi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa và gõ những dòng chữ này làm quà sinh nhật cho cô con gái nhân mùa Giáng sinh 2013 ở xứ Mỹ.

*

Mẹ tôi và bà mẹ chồng là hai Phật tử thuần thành. Ở Việt nam, hai cụ là vừa là thông gia vừa là bạn đạo cùng đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, ăn chay trường, bố thí, làm từ thiện…Tôi và ông chồng thừa hưởng “chủng tử” Phật pháp của hai cụ nên càng lớn tuổi càng đi gần đến con đường tu của hai bà mẹ.

Phương Uyên lớn lên ở Việt nam, qua Mỹ lúc 18 tuổi, học hành và đi làm ở xứ Mỹ. Phương Uyên là đứa con xinh, ngoan và có hiếu.

Hồi ở Việt nam, Uyên có mối tình học trò đầu tiên với cậu hàng xóm tên An. Căn nhà dài hai mươi lăm mét, là một cái ngõ lớn, xe hơi từ đường Phan Thanh Giản có thể quẹo ngõ này vào chung cư Nguyễn Thiện Thuật. Căn nhà chia đôi, phần trước mặt tiền là nhà của anh chị Long, ba má An bán vật liệu kiến trúc. Phần sau là nhà của vợ chồng tôi, mặt tiền trổ ra phía ngõ. Hai nhà trước và sau cách nhau hai bức tường khoảng nửa thước. Cửa sổ trên lầu của nhà anh chị Long mở ra đối diện với cửa sổ phòng tắm nhà tôi. Vì thế, thỉnh thoảng tôi thấy An và Uyên “Cao cao khung cửa sổ. Thấy hai người yêu nhau” Chúng tâm sự chuyện học hành, chuyện bạn bè, chuyện “bà Tám” …ồn ào, rổn rảng qua “bức tường Bá linh” này. Còn chuyện tình cảm riêng tư, chắc hai đứa hẹn hò ở nơi khác lãng mạn hơn?

Ông bà nội An sùng đạo Phật. Hai gia đình thân nhau nhiều hơn ngoài tình hàng xóm láng giềng. Sau 30 tháng 4, hai ông bố cùng trình diện một ngày, cùng bị đi học tập cải tạo. Hai gia đình cùng qua Mỹ diện HO cách nhau vài tháng. Tới Mỹ, chúng vẫn liên lạc, cặp bồ với nhau. Mối tình của hai đứa đẹp và lãng mạn như truyện tình Romeo và Juliette. Cặp này hẹn hò nhau ở chiếc ban-công. An và Uyên hẹn hò nhau ở khung cửa sổ. Chỉ khác ở chỗ chuyện tình của Romeo và Juliette, vì sự thù hận của gia đình hai bên nên giết chết tình yêu của đôi trẻ đưa đến kết thúc là một bi kịch não lòng. Trái lại. anh chị Long và vợ chồng tôi, tuy không nói ra nhưng đều thỏa thuận ngầm. Khi nào hai đứa về thủ thỉ chuyện hôn nhân là chúng tôi ô-kê, con đặt đâu, cha mẹ…ngồi đó liền. Còn mừng nữa là khác!

Hội đủ những điều kiện thuận lợi như thế, vậy mà kết thúc chuyện tình này không thuận “duyên” chút nào. Hai đứa chia tay. An vừa đi học vừa đi làm rồi lấy vợ. Học xong đại học, Uyên đi làm và lấy chồng trước An.

Chồng Uyên là người công giáo.

Tôi còn nhớ rõ hôm Uyên mời bố mẹ ngồi trong phòng khách và xin thưa với bố mẹ về Mike, tên Việt nam là Minh, người bạn học và cũng là người bạn trai mà Uyên yêu thương. Uyên kể về mối tình giữa Uyên và Mike kéo dài hơn năm nay. Uyên kể về gia đình Mike, về tôn giáo của Mike. Mike là người “có đạo”. Cuối cùng, hai đứa tính chuyện hôn nhân vào cuối năm và xin phép bố mẹ cho Mike và gia đình đến chơi để kết tình thông gia.

Tôi nhìn lên bàn thờ Phật trong phòng khách. Tượng Phật thờ ở tầng trên cùng, màu xám nhạt hợp với cái kệ cũng màu xám. Ngài có khuôn mặt đẹp, hiền, an nhiên và có chút mỉm cười. Chiếc lư đồng nhỏ thoảng mùi hương trầm vào ngày rằm và mùng một. Thỉnh bức tượng này là một điều hết sức kỳ diệu. Đi du lịch sang Mễ, chúng tôi dạo chơi trong thành phố gần biên giới, tình cờ ghé vào một tiệm ngắm nghía những bức tranh và tượng Chúa trong tủ kính. Bức tượng Phật trầm tư giá 22 đồng nằm trong góc như… ngồi đó từ lâu lắm, đang chờ hai khách du lịch đến để…thỉnh về. Ông bảo “Cái duyên”. Trong tâm, hai vợ chồng ao ước có một bức tượng để thờ mà bấy lâu vẫn chưa tìm được bức nào ưng ý. Ôm bức tượng trong tay suốt con đường về và đặt bức tượng trên bàn thờ, hai vợ chồng vui đến nổi cứ ra vào ngắm bức tượng hoài không chán vì nét mặt Ngài thật thanh thoát, từ bi và hiền hòa. Bạn bè đến chơi ai cũng khen bức tượng đẹp. Bức tượng đẹp thật!. Ông bảo: “Mình có phước! Ông Phật chờ mình đến thỉnh Ngài về. Có tượng rồi, ráng mà tu nghen bà!”

Tầng thứ hai dưới bàn thờ là bốn ảnh các cụ, hai bà mẹ ở giữa, hai ông bố hai bên. Cả bốn cụ đều cười thật tươi. Tầng thứ ba của bàn thờ là bộ chuông, mõ, lúc nào cũng có một bình hoa tươi hái ngoài vườn, một dĩa trái cây mùa nào thức đó, bốn ly nước lạnh và lư hương thờ các cụ. Tầng cuối là những quyển kinh nhật tụng và các bộ kinh lớn như Kim Cang, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Bát Nhã…Thế giới tâm linh và những thời công phu sớm tối của vợ chồng tôi là không gian này.

Nghe Uyên kể xong mọi điều, tôi và ông bố ngồi thật lâu, chưa biết phải nói câu gì với con. Ngạc nhiên? Bất ngờ? Thất vọng? Buồn phiền…?

Đã từng thực hành chút ít Thiền trong các khóa tu học, trước hoàn cảnh …éo le này, ông bố bà mẹ chỉ ngồi im lặng, để tâm dõi theo hơi thở và nhận “biết” các tình cảm tiêu cực đó đang hiện ra trong tâm. Chúng đến rồi qua đi. Không theo đuổi mà cũng không xua đuổi chúng. Chỉ nhận biết. Thiền giống như người đứng trên bờ, nhìn thấy các tình cảm, suy nghĩ như những chiếc thuyền đang trôi trên sông. Tâm của thiền giả an trú theo hơi thở, không trôi theo thuyền.

Sự yên lặng làm cho con bé rơm rớm nước mắt.

Ông bố là người cất tiếng nói đầu tiên phá vỡ bầu không khí ngột ngạt sau khi ông thở thật sâu. Bà ngồi cạnh ông, nghe được tiếng thở của ông và hiểu được tại sao ông cần thở sâu trong lúc này. Bà nhận ra những giọt nước mắt âu lo trong đôi mắt của Uyên. Tình thương con dâng trào trong lòng bà mẹ

Giọng ông trầm hẳn xuống:

- Con đã tìm hiểu kỹ về Mike chưa? Con suy nghĩ kỹ về việc con lấy chồng có đạo chưa? Nếu lấy chồng có đạo, con phải theo đạo chồng hay là đạo ai người nấy giữ?

- Thưa bố mẹ, con suy nghĩ kỹ rồi. Mike là người tốt. Chúng con thương nhau. Bố mẹ thương con, thương Mike, xin bố mẹ chấp nhận cho chúng con lấy nhau. Chúng con sẽ làm lễ ở nhà thờ. Con phải học giáo lý trước khi làm đám cưới. Con biết gia đình mình theo đạo Phật. Con lấy chồng có đạo làm bố mẹ không vui nhưng con yêu Mike, con chấp nhận lấy Mike. Sau này, dù khổ hay vui, con không bao giờ dám làm buồn lòng bố mẹ thêm một lần nữa..

Chưa sống với Mike làm sao biết tương lai thế nào, biết lấy chồng có hạnh phúc hay không? Chưa gì đã lo xa “không dám làm buồn lòng bố mẹ thêm một lần nữa” vì đã… lỡ yêu người “có đạo”và lỡ… “làm buồn lòng bố mẹ”. Tội nghiệp con tôi!

Chuyện Uyên sắp lấy chồng theo đạo Thiên Chúa làm họ hàng bên bà, trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tha hồ mà “tán”. Bà con tán gẫu một cách “vô tư” thành nhiều… tập, xoay quanh chuyện đứa cháu gái lấy chồng không đúng “tiêu chuẩn” truyền thống gia đình theo đạo Phật. Tất cả các chuyện “gossip” “ngồi lê đôi mách” này đến tai bà. Ông hỗ trợ tinh thần cho bà:

- Đây là lúc bà đem giáo lý nhà Phật để lý giải chuyện con mình. Tất cả các sự việc trên thế gian này gọi là các “pháp” đều do các “duyên” hợp lại. Thuận duyên thì thành, nghịch duyên thì hết. Con Uyên lấy Mike là do nhiều “duyên” mà thành. Con Uyên với An không thành vì hết “duyên”. Ngoài đời gọi là duyên số cũng là ý nghĩa này. Chuyện lấy chồng có đạo, bà con họ hàng cho là nghịch thì mặc kệ họ. Mình cho là thuận thì nó thuận. Con tuy là con mình nhưng nó có đời sống của nó. Bà con họ hàng có sống dùm nó không? Họ nói riết rồi cũng im.Vấn đề là mình phải lo lễ đám hỏi theo lễ nghi truyền thống gia đình mình. Mình phải ủng hộ con, chỉ dẫn cho bên nhà trai làm cái lễ hỏi cho thật tươm tất, chu đáo. Đó là cách trả lời tốt nhất đó bà. Rồi bà xem, nghịch sẽ thành thuận.Thuận hay nghịch là do cách hành xử của tôi và bà trong lễ hỏi và lễ cưới sắp tới đây. Bà phải tỏ ra bình thản và cứng cỏi. Nếu có miệng nào bép xép chuyện con Uyên lấy chồng có đạo trước mặt bà, bà phải biết trả lời cho khôn khéo.

Bà xuống giọng yếu xìu:

- Thì…ông bày cho tôi nói thế nào để… bịt mấy cái miệng lại đi?

Ông lên giọng như người sắp ra trận đấu…khẩu:

- Bà phải học cách giải thích như tôi nói lúc nãy. Bà đem chữ “duyên” áp dụng vào trường hợp con mình. Vì có “duyên” nên mới có gặp gỡ, yêu thương để rồi thành vợ chồng ở kiếp này. Mình theo đạo Phật phải tin vào thuyết luân hồi và chữ “duyên”. Chuyện vợ chồng là do duyên nợ nhau từ bao kiếp trước. Biết đâu con mình hứa hẹn hay nợ nần gì thằng Mike từ kiếp nảo nao nên kiếp này, Uyên đầu thai làm con mình rồi lấy chồng có đạo để trả một món nợ gì đó từ tiền kiếp với thằng Mike? Thằng An ở bên cạnh, hai nhà như một, không lấy lại lấy thằng Mike ở đâu xa lắc xa lơ lại là người khác đạo.

Chuyện quan trọng nữa là bà phải nhấn mạnh đến hạnh phúc của con. Nó lấy chồng là lấy cho nó. Hạnh phúc là của nó. Mình không sống đời sống của nó được. Bà phải nói thêm về đạo Phật dạy mình cái hạnh “hỉ” và “xả”. “Hỉ” là vui. Mình phải biết vui với niềm vui của người khác huống gì đó là niềm vui của con. Mình phải học cái hạnh “xả” nghĩa là phải biết bỏ đi các thành kiến, sự cố chấp, óc phân biệt về tôn giáo làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cái.

Còn điều cuối cùng, bà nhớ nhắc câu “Xuất giá tòng phu”. Lấy chồng phải theo chồng. Tôi chịu ông Khổng Tử ở câu này. Thằng Mike có đạo thì Uyên theo đạo chồng nếu nó muốn. Con cái dù ở Mỹ hay Việt nam không nên cưỡng ép hay ngăn cản tình duyên của tụi nhỏ. Ca dao có câu “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”. Thằng Mike cũng tuổi sửu, biết đâu “Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn”.

Từ khi chấp nhận là sẽ có chàng rể công giáo, hình như ông bà trò truyện về lẽ đạo nhiều hơnm.

Có lần ông ra hiệu bảo bà ngồi gần ông và ông rỉ rả chuyện tu hành của bà:

- Xưa nay bà chỉ lo tu phước. Các việc bà làm như công quả cho chùa, bố thí, cúng dường hay làm từ thiện… là bà đang bòn phước cho đời sau của bà. Tu phước cũng tốt nhưng chưa đủ. Bà phải tu huệ. Bà nhớ có lần bà hỏi tôi bốn chữ “duy tuệ thị nghiệp” là gì không? Đạo Phật là đạo trí tuệ. Huệ là trí tuệ. Bà tu huệ là học tập có cái nhìn, cách đánh giá các sự việc như chữ “duyên” trong giáo lý duyên khởi của nhà Phật là bà tu huệ rồi đó. Tu huệ là bà thấm các nguồn giáo lý căn bản khác trong đạo Phật như thuyết luân hồi, nhân quả, nghiệp báo, tánh không, khổ, vô ngã… Tu huệ giúp cho bà lý giải được tất cả các sự việc xem ra nghịch lý trên đời đồng thời giải tỏa những tình cảm tiêu cực xảy ra trong tâm bà . Còn điều này nữa, bà phải đem tâm từ bi của đạo Phật để “Hiểu và Thương”. Có “hiểu” mới “thương”cho nên sắp tới làm lễ đám hỏi cho Uyên, bà phải đem cái tâm “hiểu và thương”của bà ra mà “hành”, mà thông cảm cho bà con bên phía bà, giúp họ thay đổi cách suy nghĩ. Nếu bà “chuyển hóa” được những cái tâm hẹp hòi, cố chấp, phân biệt, thành kiến của họ xoay quanh chuyện con Uyên lấy chồng có đạo để họ vui trong đám hỏi và đám cưới tụi nhỏ sắp tới là bà đạt rồi đó.

Ông nhắp một chiêu nước trà:

-Con rể tương lai của bà là người Công giáo. Bà biết gì về đạo Công giáo. Bà biết đạo Phật và đạo Công giáo có điểm gì giống nhau và khác nhau không? Thỉnh thoảng tôi thấy bà đọc kinh, sách Phật. Hôm nào bà tìm quyển Thánh Kinh, đọc cho biết đạo của con rể mình.

Bà gật gù:

- Biết chút chút. Ờ… thì… đạo nào cũng dạy người ta làm lành tránh dữ, phải yêu thương, phải biết tha thứ chẳng hạn như đạo Phật dạy “từ bi”. “Từ” là sáng mang vui cho người, “Bi” là chiều giúp người bớt khổ. Bên Công giáo, Chúa cũng dạy con chiên lòng bác ái “Ai tát ta má bên phải, ta đưa má trái” ra. Tôi quy y Phật giữ năm giới như không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì bên đạo Thiên Chúa, họ cũng có những giới cấm như chớ giết người, chớ phạm tội tà dâm, chớ trộm cướp, chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận, chớ tham nhà, tham vợ, tôi tớ, súc vật, của cải người khác…. Hình như tới mười điều răn nhưng tôi nhớ có…bi nhiêu.

Ông mở to mắt nhìn bà:

- Chu choa. Bà giỏi quá. Bà học ở đâu vậy? Thi “đố vui để học”, câu này bà đáng được mười điểm. Bà làm tôi ngạc nhiên đó nha!

Bà cười ỏn ẻn:

- Ông biết không, từ khi sắp có thằng rể đạo Công giáo, tôi cũng tò mò tìm hiểu về đạo của nó ông ạ. Tôi hỏi cô Christine hàng xóm mình về các giới cấm bên đạo nên tôi mới biết. Tôi còn biết đạo Công giáo có một điều rất giống với đạo Phật như Chúa dạy phải kính hiếu cha mẹ như kính Chúa còn bên đạo Phật mình có câu “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Cha mẹ còn sống, mình kính hiếu cha mẹ như thờ Phật. Mình còn có sự tích Ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ.

Ông gật gù tỏ vẻ khâm phục bà vợ hiếu học mặc dù trí nhớ bà đôi khi lãng đãng, học trước quên sau. Ông lại tiếp tục rỉ rả bên tai bà:

-Bà thấy không, bên Công giáo cũng dạy phải diệt lòng tham. Bên đạo Phật mình cũng dạy phải trừ tam độc “tham sân si”. Bên Công giáo dạy sống làm lành, lánh dữ khi chết được lên Thiên đàng. Đọc trong cáo phó người ta dùng chữ “Về nước Chúa”. Bên Phật thì nếu biết giữ năm giới hay tu thập thiện giữ mười giới thì về cõi Tịnh Độ hoặc Tây Phương Cực Lạc. Hai cõi này dành cho những người sống lành thiện. Trái lại, những kẻ xấu, ác, phạm các giới luật khi chết đều bị đọa xuống địa ngục.Về căn bản đạo đức dạy cho các tín đồ, tôi thấy đạo nào cũng tốt cả. Chỉ có tín đồ làm ngược lại những lời dạy của Chúa và Phật thôi.

*

Đám hỏi của Uyên được tổ chức theo lễ nghi truyền thống của các đám cưới Việt nam. Ông lên đèn, khấn vái, kính cáo tổ tiên ngày con gái đi lấy chồng. Ông bà quỳ lạy trước bàn thờ. Sau đó Mike và Uyên thắp hương xá hai lạy. Họ hàng đứng hai bên chứng kiến buổi lễ. Ông bỏ nhiều thì giờ để trang trí cái bàn thờ ba tầng trải khăn màu đỏ thật là lộng lẫy với bộ lư, chân đèn, hương hoa, trái cây. Bộ lư, chân đèn phải thuê, ông mày mò chùi bóng lưỡng suốt một ngày trời.

Nhà cửa ông cho sơn phết lại như mới. Vườn tược ông mua cây cảnh mới thay vào các chậu cũ khô héo. Ông dậy sớm, quét con đường và lối đi phía trước nhà để nhà trai rước dâu, lên hình video cho đẹp. Ông chuẩn bị hai dãy ghế và bàn dài trải khăn trắng trên thảm cỏ xanh trong khu “townhouse” trước nhà được “Board” cho phép làm nơi đãi khách. Tiệc trưa ngoài trời dưới bóng cây, vừa thoáng mát vừa yên tĩnh, nghe được cả tiếng chim hót líu lo. Bà phụ trách phần ẩm thực. Bà nấu một nồi súp măng cua khiến nhà trai ăn ai cũng khen ngon. Bà đặt các món ăn cho năm mươi thực khách nào là gỏi cuốn, gỏi sen, tôm chiên, xôi vò, chả lụa, bánh bột lọc, bánh hỏi, chè, trái cây… Nhà trai mang lễ hậu hỉ: nữ trang, rượu, trà, bánh cốm, cau trầu, heo quay, trái cây đựng trong mười cái quả tròn phủ khăn đỏ. Ông vừa là “em-xi”, vừa là đại diện nhà gái.

Ông sắp đặt chương trình buổi lễ có lớp lang, bài bản từ lúc nhà trai đến cho đến lúcra về. Ông đưa cho nhà trai đọc và góp ý tờ chương trình để hai họ khi làm lễ có sự ăn khớp với nhau. Quay phim, chụp hình, máy lớn, máy nhỏ suốt ba tiếng đồng hồ. Hai đứa trông thật vui, lúc nào cũng cười toe toét.

Nhà trai và họ hàng về hết, Mike ở lại phụ với Uyên và ông bà dọn dẹp sau một màn lễ nghi trang trọng và ăn uống hậu hỉ. Buổi lễ chu đáo, hoàn hảo. Ông hỏi bà về mấy bà cô, mấy bà em dâu và họ hàng bên bà có ý kiến gì . Bà kể họ “quê” với bà con vì tưởng ông bà tổ chức sơ sài nên ăn mặc bình thường, đơn giản. Khi tới nơi, thấy mọi người ai cũng nước hoa thơm phức, tóc tai đủ kiểu, ăn mặc không những chỉnh tề, sang trọng mà còn đẹp nữa. Họ cảm thấy kỳ kỳ và…tiếc!

Một điều làm bà và bà con ngạc nhiên là ông ăn nói giản dị mà trôi chảy, điều khiển buổi lễ như một người “em-xi” chuyên nghiệp. Mọi người không ngờ bên nhà trai đi lễ quá đầy đủ từ viên hột xoàn quá…bự cho đến các lễ vật. Mọi người không ngờ ông bà đãi một buổi tiệc ăn quá ngon, còn cho “to go” xôi và thịt quay đem về. Mọi người khen Mike hiền, đẹp trai có đôi mắt một mí trông giống tài tử Đại Hàn, khen Uyên trang điểm đẹp, tự nhiên với chiếc áo dài lụa màu hồng rực rỡ, không đụng hàng vì bà mua từ Việt nam. Cuối cùng là khen hai ông bà trẻ đẹp hẳn ra cứ như cặp vợ chồng… mới cưới.

Dư âm của buổi lễ hỏi làm ông bà cảm thấy vui suốt mấy ngày trời. Ông gật gù, mỉm cười tỏ vẻ đắc ý:

- Bà thấy không, cái gì cũng phải có thời gian. Thời gian sẽ trả lời tất cả. Những gì mình làm cho con là câu trả lời tốt nhất. “Chúa tha thứ cho những người không biết”. (Câu này bà nghi quá, không biết xuất xứ từ đâu, chắc gì lời của Chúa?)

Sáu tháng sau, Mike và Uyên làm đám cưới ở nhà thờ và đãi tiệc ở nhà hàng Sea Food World. Trước ngày cưới, ông và bà đến nhà thờ cùng với cô dâu chú rể, phù dâu và phù rể và ông bà thông gia tập dượt, còn gọi là “rehearsal” các nghi thức trong buổi lễ hôn phối để tránh vấp váp trong buổi lễ chính thức. Về phía nhà gái, có kinh nghiệm từ lễ hỏi trước đây, ông vẫn đem “bổn cũ soạn lại” nhưng lần này, để tiết kiệm thời gian, lễ rước dâu ở nhà ông bà ngắn gọn hơn mặc dù vẫn đầy đủ các tiết mục và lễ vật trừ con heo quay. Trong đám cưới, nhà trai bận rộn vì sau lễ chính thức ở nhà thờ còn có màn ăn trưa. Trong buổi lễ, có cảnh hai bà mẹ lên thắp nến thật là cảm động. Không hẹn mà hai bà đều mặc hai chiếc áo màu đỏ rực rỡ. Nhân dịp này, bà con, họ hàng đưa dâu ghé nhà ông bà thông gia dùng bữa tiệc trưa để kết tình thân giữa hai gia đình. Tiệc xong lúc 3 giờ, mọi người ra về để chuẩn bị cho buổi tiệc ở nhà hàng lúc 7 giờ tối.

Bữa tiệc này có khoảng 300 khách mời của hai họ. Uyên bỏ chiếc khăn voan, mặc chiếc áo đầm cưới ở nhà thờ màu trắng trang nhã khi đón chào khách. Khi cắt bánh và nhảy đầm, Uyên thay chiếc đầm dài “gown” màu đỏ lộng lẫy. Đi chào bàn, hai đứa mặc quốc phục truyền thống khăn đóng, áo dài Việt nam. Ngoài thức ăn ngon, phần chính là phần văn nghệ “cây nhà lá vườn” đặc sắc của ban nhạc “The Love Connection”, trưởng ban nhạc là Tú em họ của ông và bà xã duyên dáng là cô “em-xi” Y Vân.

Thấm thoát đã 10 năm, sau khi lấy chồng ở Cali được 3 năm, Mike và Uyên quyết định theo hãng dọn qua Dallas. Mike đi làm, Uyên làm việc bán thời gian trong trường học. Uyên có thì giờ đưa đón con mỗi ngày, lo việc nội trợ, chăm sóc và dạy dỗ con cái. Nhà Uyên lớn và đẹp như cái lâu đài. Hai đứa con của Uyên ngoan, học giỏi. Công việc làm của Mike ổn định. Thôi thì “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Tục ngữ Việt nam có câu “Cùng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Câu này không đúng chút nào trong xã hội nhất là ở xã hội Mỹ. Đâu phải cùng tuổi Sửu mà hai đứa ngồi đó chờ…sung rụng. Ở xứ Mỹ này, mọi người đều phải cày như trâu. Ai cũng tuổi…”sửu”. Ai cũng phải “survive”. Ai cũng phải sống còn để thực hiện ước mơ “American dream”, để nuôi con và để có một đời sống tương đối ổn định. Mike và Uyên, là hai con trâu thứ… thiệt đang cùng nhau… “tát biển Đông”.

*

Uyên thương yêu của bố me,

Chỉ còn vài tuần nữa là ngày sinh nhật của con 24 tháng 12 năm 1973. Con và Mike đã cùng nắm tay, vượt qua được một chặng đường mười năm, chăm bón cho khu vườn là gia đình nhỏ của các con được đơm bông kết trái. Đó là hai cháu Dustin và Jasmine. Chúng như những thiên thần nhỏ, ngoan ngoãn và đáng yêu biết là chừng nào.

Hồi tưởng lại mười năm về trước, vào ngày đám cưới của con, trước giờ rước dâu, mẹ đã nghẹn ngào dặn dò con khi về nhà chồng. Món quà mẹ tặng cho con là chữ “nhẫn”. Nhẫn là chiếc vòng đeo vào ngón tay áp út của con và Mike, một dấu tích nhắc nhở con rằng từ nay cuộc đời con gắn liền với người đàn ông này như câu nói của vị linh mục trong thánh lễ hôn phối: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân chia”. Chữ “ nhẫn” được viết bằng chữ “tâm” là trái tim và bộ “đao” là con dao. Con dao cứa vào tim, đau đớn, xót xa mà mình vẫn “nhẫn”, vẫn khắc phục, vượt qua được. Hai con học được chữ “nhẫn” này và đem ra áp dụng trong đời sống hôn nhân, gia đình con sẽ êm ấm và hạnh phúc.

Mặc dù bây giờ con đã là con của Chúa nhưng con tin vào luật nhân quả trong cách cư xử ở đời. Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Bốn chữ “Ở hiền gặp lành” là cách sống lành thiện giúp cho con gieo “nghiệp” tốt cho đời sau. Đạo Phật là một triết lý sống bàng bạc trong tâm con. Con đã từng chia sẻ đạo Phật với Bố và Mẹ. Mẹ và Bố cũng chỉ mong có thế. Với triết lý sống này, con sẽ là người vợ tốt, người mẹ hiền, người công dân Mỹ lương thiện.

Với nghi lễ rửa tội và tên thánh là Maria, con đến với Chúa bằng niềm tin và sự cầu nguyện. Chúa đã nghe lời xin của con, đã cho con toại nguyện nhiều điều. Lời cầu nguyện của con được Chúa trả lời. Niềm tin của con càng vững mạnh. Mẹ rất mừng vì con có một đức tin. Cuộc sống có khi con gặp những thăng trầm, những khó khăn. Đức tin và những lời cầu nguyện sẽ giúp con vượt qua và mang đến cho con sự bình an trong tâm hồn.

Lời cuối cùng cho con là bố mẹ rất an vui khi hồi tưởng lại mười năm trước đây, bố mẹ đã sáng suốt, vượt qua những dư luận, những thị phi, làm một quyết định rất đúng đó là tôn trọng sự lựa chọn của con trong hôn nhân và tôn trọng đức tin của con. Bố mẹ đã được đền đáp xứng đáng bằng ngày hôm nay, bố mẹ có một cậu con rể tuyệt vời. Mike là đứa con rể hiền, ngoan và hiếu hạnh. Mẹ biết con đang có hạnh phúc.

Ngày lễ Giáng Sinh sắp đến cũng là ngày sinh nhật của con. Bài viết này là món quà sinh nhật cuả Mẹ tặng con . Mẹ cầu chúc cho hai con được hạnh phúc lâu bền trong hồng ân của Thiên Chúa.

PHÙNG ANNIE KIM

Ý kiến bạn đọc
24/12/202419:46:50
Khách
Mến chúc hai em được hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc trọn đời.
HAPPY BỈTHDAY PN
24/12/2024
06/01/201408:00:00
Khách
Bài viết hay,không nên cực đoan trong tín ngưỡng.Và tôn trọng tất cả đạo chính giáo.
06/01/201408:00:00
Khách
Đọc bài này có thể tưởng tượng ra cảnh lễ đính hôn và thành hôn thật sinh đông. Rất là thú vị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,598,696
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2019. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Đây là bài viết cho năm mới của ông.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài mới là truyện kể cuối năm dễ làm mềm lòng người.
Tác giả lần đầu đến với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, bài và hình ảnh do thân hữu chuyển đến bằng eMail. Mong Huyen Lam sẽ bổ túc địa chỉ liên lạc và tiếp tục viết thêm.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài đăng 2 kỳ
Đêm Giáng Sinh, mời đọc bài kể về thùng quà đặc biệt nhận từ bưu điện Mỹ. Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Giáng Sinh.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Bài và hình ảnh mới nhất là chuyện tác giả đi làm tình nguyện viên tại Trung Tâm Cứu Trợ nạn nhân của đám cháy Thomas vừa được thành lập tại Los Angeles.
Tác giả là một cựu du học sinh Nhựt Bổn, từng nhập Nhựt tịch, và có tên Nhựt là Yasushi Takasaki. Trước 30 Tháng Tư 1975, ông là chuyên viên Văn phòng Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VNCH, hiện cùng gia đình tái định cư tại Vancouver, Canada, từng làm Telemarketer của 2 hãng điện thoại Mỹ. Năm 2012, ông góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên, Thiên Đàng Còn Xa. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Nhạc sĩ Cung Tiến