Hôm nay,  

Tạ Ơn Nhau

07/12/201300:00:00(Xem: 23032)
Tác giả: Khôi An
Bài số 4079-14-29479vb7120713


Tác giả, một kỹ sư điện tử tại công ty Intel, Bắc California, dự Viết Về Nước Mỹ từ 2008 và đã lần lượt nhận Giải Danh Dư 2009, với bài "Tình Nghĩa, Nghĩa Tình", Giải Vinh Danh Tác Phẩm 2010, với bài “Việc Làm Ơi, Mi Đi Đâu”. Bằng sức viết được thể hiện mạnh mẽ suốt 5 năm, với bài “Những Đoạn Đường Cho Nhau”, kể về một người bạn và tình bạn trong “đám con nít của Sài gòn thất thủ năm xưa, Khôi An đã trở thành tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013.

resized-khoi-an-2013
Tác giả phát biểu khi nhận giải..

* * *

Thứ Tư trước ngày Lễ Tạ Ơn hầu hết mọi người lấy ngày nghỉ hay đi về sớm. Sau khi ăn trưa, mọi văn phòng vắng vẻ, thư từ cũng thưa thớt. Vì thế, lúc 5 giờ chiều, mở hộp thư thấy có một lá thư mới, tôi thoáng ngạc nhiên.

Lá thư từ người đại diện của Intel Filipino Employees Network (IFEN - Hội Nhân Viên Gốc Phi ở Intel):

Cám ơn bạn đã giúp chúng tôi trong việc quyên góp để giúp đỡ nạn nhân cơn bão lốc Haiyan ở Philippines.

‘Một người được sinh ra không phải để làm mọi việc nhưng để hoàn thành một số việc’ , và bạn đã làm!

Chúng tôi rất quý sự giúp đỡ của bạn. Không có bạn, chúng tôi đã không làm được cuộc quyên góp này!

Lời lẽ trang trọng trong thư làm tôi cảm động. Tôi đáp lại:

Thật là một điều ngạc nhiên và vinh dự cho tôi khi nhận được lá thư của IFEN.

Tôi rất vui đã giúp được các bạn. Và tôi tin rằng tình bạn của chúng ta, bắt đầu từ lần cộng tác này, sẽ tồn tại lâu dài.

Tình bạn của tôi với đa số những người lãnh đạo của hội IFEN là mới bắt đầu, nhưng những nhân duyên đưa đẩy đến việc tôi giúp họ trong lần này đã có từ rất lâu.

Chiều thứ Năm, ngày 7 tháng 12, tôi gởi thư tổng kết xong cuộc quyên góp dành cho nạn nhân bão Nari ở miền Trung Việt nam. Hội Intel Vietnamese Group (IVG – Hội Nhân Viên Gốc Việt ở Intel) quyên được gần mười một ngàn đô la sau hai tuần làm việc tất bật. Số tiền này được Intel Foundation “match”, nghĩa là cho thêm để nhân đôi lên.

Ba lá thư kêu gọi, hàng chục giấy tờ xin phép, một trăm tám mươi phần ăn trưa “home-made” để bán gây quỹ, hai bàn thu góp trong năm ngày liên tiếp, rồi tổng kết nộp cho Intel Foundation từng tấm chi phiếu, từng đồng xin được... Tất cả chỉ trong hai tuần, song song với công việc hàng ngày. Máu chảy ruột mềm nên rất nhiều người trong IVG cùng nhau chạy nước rút cho đồng bào bất hạnh. Làm xong ai cũng thở phào.

Lá thư vừa gởi đi, khuôn Instant Messaging nhấp nháy. Người bạn ở tòa nhà số 9 nhắn qua:

  • Hi Khôi, nghe nói có một cơn bão lớn lắm đang tiến vào Philippines. Lớn hơn bão Nari nhiều.

  • Vậy sao? Lạy Trời cho bão giảm sức trước khi vào đất liền.

  • Coi bộ không hy vọng lắm!

  • Thôi thì chỉ biết chờ coi.

Ngay lúc đó Carlos thò đầu vào.

  • Chúc mừng IVG làm được cuộc quyên góp thành công. Giờ bão sắp vô nước tôi, tôi lo quá…

Carlos là người thư ký gốc Phi trong nhóm tôi. Anh ta là nhân viên “bảng tên xanh lá cây”, nghĩa là còn đang trong thời kỳ làm việc tạm thời, nhưng rất giỏi, chăm chỉ, và vui vẻ. Hôm Trung Thu vừa rồi, IVG có tổ chức mời nhân viên Intel ăn bánh Trung Thu Việt Nam thuần túy - bánh dẻo. Tôi nhờ Carlos in một tấm bích chương thật to để trang trí, nhưng máy in hết mực. Carlos chạy đôn chạy đáo, nhờ vả hết người này tới người kia để in cho tôi. Cuộc quyên góp vừa qua, anh ta đưa tiền cho tôi kèm nụ cười hiền: của ít lòng nhiều nha, Khôi.

Tôi đã cám ơn Carlos và thầm nghĩ hầu hết người Phi đầu hiền lành, xởi lởi. Đất nước Phi là một quần đảo gồm hơn bảy ngàn đảo, nhưng đa số dân tập trung vào mười một đảo chính. Họ có nhiều bờ biển đẹp nhưng đất màu mỡ thì rất ít. Các đảo phần lớn là núi non khô cằn, kể cả hơn hai mươi ngọn núi lửa còn đang hoạt động. Đất nước này còn phải chịu đựng bão lụt và lốc xoáy thường xuyên. Dù không được thiên nhiên ưu đãi nhưng người Phi đặc biệt không khắc khổ. Họ thích sống thoải mái, làm vừa đủ để còn thì giờ vui chơi, vì thế tại chỗ làm họ ít khi cạnh tranh, chụp giựt. Lối sống đó được ảnh hưởng của văn hóa thích nhàn nhã của Tây Ban Nha vì đất nước Phi là thuộc địa của Tây Ban Nha trong suốt ba trăm năm. Ngay cả “Philippines” cũng là tên của một vị vua Tây Ban Nha trong thế kỷ thứ mười sáu. Vào đầu thế kỷ hai mươi, dân chúng Phlippines nổi dậy tách khỏi Tây Ban Nha, nhưng sau đó họ lại trở thành thuộc địa của Hoa Kỳ. Sau khi dẹp yên cuộc nổi dậy dành quyền tự trị của dân Phi, Hoa Kỳ thiết lập những căn cứ quân sự lớn và quan trọng nhất ở Á châu như căn cứ hải quân ở vịnh Subic và phi trường quân sự Clark. Tuy vậy, sự có mặt của lực lượng thống trị Hoa Kỳ vẫn làm người Phi bất mãn. Cho đến Thế Chiến Thứ Hai, Nhật tiến chiếm quần đảo Philiipines ngay sau khi tấn công Trân Châu Cảng. Quân đội Phi đã sát vai chiến đấu anh dũng cùng với Hoa Kỳ chống lại Nhật nhưng trận đầu họ đã thua. Khi rút lui, Tướng Douglas McArthur thề “I shall return” (Tôi sẽ trở lại). Và ông đã trở lại năm 1944, đổ bộ lên đảo Leyte với bốn sư đoàn bộ binh Mỹ, cùng quân đội Phi lấy lại Philippines. Từ đó thế giới và Hoa Kỳ đã nhìn đất nước và dân tộc Phi bằng sự kính trọng khác hẳn, như lời tuyên bố của tướng McArthur “Cho tôi mười ngàn chiến sĩ người Phi, tôi sẽ chinh phục thế giới”. Khi thế chiến chấm dứt, Philippines trở nên thực sự độc lập năm 1946. Và mối liên hệ mật thiết Phi-Mỹ đã tốt đẹp cho tới ngày nay.

Tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Phi với 3.4 triệu người là cộng đồng gốc Á lớn thứ hai, chỉ sau người Hoa. Họ có tinh thần dân chủ cao, sống vui vẻ, hòa đồng. Người Phi thường làm việc trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe, trong các bệnh viện ở California, hầu hết y tá là người gốc Phi. Vì thế, có người từng nói đùa rằng người Phi “bao thầu” ngành chăm sóc sức khỏe cũng như người Việt “bao thầu” lãnh vực chăm sóc sắc đẹp.

Lần này đất nước Phi đang nằm trên đường tiến của một cơn bão hung hãn nhất thế kỷ, tôi nghe nói họ đã chuẩn bị nhưng bão tố vô tình, biết thế nào là đủ…

***

Sáng ngày thứ Sáu, 8 tháng 12, trên đường đi làm tôi nghe tin bão Haiyan đã đổ vào tàn phá Phillipine đêm qua. Sức gió kinh hoàng lên tới 315km một giờ và cơn bão biển hung dữ như sóng thần đã quét đi toàn bộ thành phố Tacloban. Hơn bốn mươi quận lân cận cũng chịu cảnh đổ nát, tám trăm ngàn người phải di tản, và số tử vong có thể lên đến hàng chục ngàn người.


Vào tới nơi, tôi gởi thư cho anh đồng nghiệp người Hoa, hội trưởng nhóm Asian Culture Integration (ACI - Hội Liên Hợp Văn Hóa Á Châu):


Intel Foundation vừa ra thông cáo “match” tiền cứu giúp nạn nhân bão Haiyan. Tôi nghĩ cộng đồng người Phi ở Intel hơi nhỏ, chắc họ chưa có kinh nghiệm. Vậy ACI có định tổ chức quyên tiền cho nạn nhân bão không? Nếu có, nhớ cho IVG biết để tôi giúp một tay nhé.

Anh ta trả lời liền:


Việc này cần nhiều nhân lực. Tôi có thể chỉ cách làm, nhưng cần một người đi đầu để lo mọi việc.


Chán thật! Tôi vừa làm xong cuộc quyên góp cho nạn nhân Việt Nam cho nên cách làm thì tôi “rành sáu câu”, đâu cần anh ta chỉ. Tôi đang hy vọng anh ta đứng ra làm, bởi vì vừa xong cuộc quyên góp cho Việt Nam sức lực tôi chỉ còn “thoi thóp”. ACI là hội nhân danh các nước châu Á và kỳ cựu vào bậc nhất ở Intel, tôi thấy anh ta thích hợp nhất để lãnh đạo lần này, vậy mà anh ta từ chối cái rẹt! Chẳng bù với những lúc triển lãm hội hè, anh ta luôn kêu gọi các nước khác làm chung với ACI để có dịp chưng bày văn hóa Trung Hoa nhiều nhất, ra cái vẻ “đàn anh”. (Chúng tôi không thích cái kiểu nhập nhằng có ý gây hiểu lầm là đa số văn hóa Á châu có nguồn gốc từ Trung Hoa nên thường từ chối.)


Chốc lát sau lại có thư của hội trưởng Hội Nhân Viên Gốc Ấn Độ gởi cho người đại diện của các hội khác trong Intel. Trong thư cũng nói “tôi sẵn sàng chỉ cách làm nhưng không có thì giờ làm”.


Tới lúc đó thì tôi phải suy nghĩ. Ai cũng chỉ muốn gởi ra vài dòng chỉ dẫn thì làm sao bắt đầu được? ACI không muốn đứng ra làm, hội nhân viên gốc Ấn là hội rất mạnh cũng không. Bây giờ tôi tính sao đây? Tôi vừa nhận một công việc mới, sẽ rất bận rộn, biết còn thì giờ, sức lực để “đèo bòng” công tác thiện nguyện nữa không? Nếu tôi cũng mặc kệ thì chắc-có-lẽ những nhân viên gốc Phi cũng sẽ xoay sở được. Nếu tôi làm ngơ thì chắc-có-lẽ một người nào đó sẽ sốt ruột đứng ra chỉ dẫn. Nhưng tôi có thể làm như vậy được không?


***


Từ trước tới nay, ở Intel tôi chỉ quen một vài người gốc Phi ở mức gặp nhau mỉm cười chào. Carlos làm trong nhóm được gần một năm và gần đây mới trở thành bạn với những chia sẻ, quan tâm tới nhau. Nhưng đất nước Phi thì có một vị trí đặc biệt trong lòng tôi từ lâu lắm…


Từ năm 1978, vấn đề “người tị nạn Việt Nam” đã làm chấn động thế giới. Liên tiếp trong mười bảy năm trời, một triệu sáu trăm ngàn người Việt đã liều mạng ra biển để chạy trốn chế độ tham tàn. Những con thuyền mong manh lao ra khơi, bị dập vùi trong bão tố và làm mồi cho hải tặc. Những đoàn người không trang bị lao vào rừng già, vượt bãi mìn, liều mạng với cướp bóc và thú dữ để tìm đường qua Thái Lan. Hơi hai trăm ngàn người đã chết, nỗi đau đớn, uất ức tưởng như dậy đến trời.


Và thế giới tự do đã đưa tay cứu vớt.

Hàng chục trại tiếp nhận người tị nạn đã được lập ra ở Thái Lan, Mã Lai, Hong Kong, Philippines, và Indonesia.


Trại tị nạn Palwan ở Philippines mở cửa năm 1979 và đã cứu vớt không biết bao nhiêu chiếc thuyền tơi tả.

Nơi đây được tiếng là một trong những trại an toàn, thoải mái nhất. Cổng trại Palawan chỉ đóng từ mười giờ đêm tới sáng sớm. Trại còn có đặc điểm là hoàn toàn tự trị, lính Phi chỉ gác cổng và chỉ được quyền vào trại khi nào ban trật tự trại - toàn là người Việt - mời vào. Do đó không hề có cảnh lính gác kiếm cớ đánh đập thuyền nhân, hiếp đáp phụ nữ như các trại ở vùng rừng núi Thái Lan. Palawan cũng là trại cuối cùng trong lịch sử tị nạn của thuyền nhân Việt Nam. Giai đoạn 1989 – 1997, sau thỏa thuận giữa Cao ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và các chính quyền tại khu vực Đông Nam Á nhằm giải quyết nguyện vọng của những người tị nạn còn sót lại, tất người tị nạn ở các quốc gia tại châu Á đều được đưa về Palawan. Sau khi trại Palawan đóng cửa năm 1997, chính phủ Philippines thương tình những người tị nạn bơ vơ, không có nơi đến mà cũng chẳng có nơi về, đã cho một khu đất lập ra làng Việt Nam ngay trên đất nước Phi. Nhiều gia đình Việt đã ở làng này hơn mười lăm năm, nhiều em bé Việt đã sinh ra ở đây và đã trưởng thành trong sự đùm bọc của người dân bản xứ.


Thời chương trình tị nạn chưa chấm dứt, những người may mắn được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho định cư từ các trại ở khắp nơi được đưa về trại chuyển tiếp. Tại đây các nhân viên thiện nguyện giúp họ làm những thủ tục giấy tờ cuối cùng, khám sức khỏe, chích ngừa lao, và học tiếng Anh cùng chút ít về phong tục, tập quán của đời sống tại Mỹ.


Hai trại chuyển tiếp , ngưỡng cửa cuối cùng trước khi đến miền đất hứa Hoa Kỳ, là trại Galang II ở Indonesia và The Philippines Refugee Processing Center (PRPC). PPRC được mở năm 1980 ở quận Battaan, cách thủ đô Manila khoảng ba tiếng xe hơi. Người Việt tị nạn thuờng gọi nơi đây là “trại Battaan”. Vào thời đông nhất, trại Battaan giống như một thành phố nhỏ, nơi ở của mười tám ngàn người tị nạn.


Ngày đó, đã có những phong thư của bạn bè từ trại Battaan theo hành lý tị nạn qua Mỹ rồi vòng theo ngả Canada - nơi có bang giao với Việt Nam – để đến tay tôi. Đã có một thời hai chữ “trại Battaan” đồng nghĩa với ước mơ tự do trong lòng tôi.


Tới khi tôi vượt biển, tôi nghe nói ở trại Battaan sướng hơn, thức ăn ngon hơn, nơi ở khang trang hơn, và mọi dịch vụ tốt hơn. Nhưng tôi không lọt vào danh sách đi Battaan, tôi qua Galang II.

Sau này biết nhiều hơn qua tài liệu và hình ảnh, tôi biết hai trại này chẳng khác nhau nhiều. Cũng ở một nơi hoang vu, cũng có suối, có những căn nhà đơn sơ, có người tị nạn Việt, Miên, Lào. Cũng có những âm thanh khó quên như tiếng người ta gọi nhau đi xách nước buổi sáng sớm, tiếng học sinh lập lại các câu Anh Văn vang ra từ các lớp học buổi trưa, tiếng cầu kinh từ những ngôi chùa, ngôi nhà thờ trong những buổi hoàng hôn. Và những bài hát phát qua loa phóng thanh của Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn để tiễn người rời trại, nghe đầy quyến luyến, buồn não ruột.


Tôi không đến Hoa Kỳ qua ngả Battaan, nhưng tôi nghĩ mọi người Việt Nam tị nạn và thân nhân, bạn bè của họ nợ chính phủ Phi và người dân Phi món nợ cưu mang. Và tôi không thể làm ngơ khi có dịp đền đáp ít nhiều.


Nghĩ vậy tôi viết thư trả lời:


Tôi vừa mới kết thúc cuộc quyên góp cho nạn nhân bão lụt ở Việt Nam nên kiến thức còn “nóng hổi”.

Tôi có thể giúp bắt đầu cuộc quyên góp cho nạn nhân bão Haiyan.

Xin mọi người chuyển thư này cho những đồng nghiệp gốc Phi muốn tình nguyện.

Khi chúng ta có được một nhóm người, tôi sẽ gọi một buổi họp và hướng dẫn cách làm.


Thư vừa gởi đi, Carlos chạy sang tỏ vẻ rất cảm động khi thấy tôi sẵn sàng đứng ra “xin tiền” lần nữa cho quê hương anh. Không tiện giải thích dài dòng về những chuyện từ gần ba mươi năm trước, tôi chỉ mỉm cười và nhái một câu hát để đùa “Có gì đâu, Carlos. ‘Sóng lòng anh cũng sóng lòng tôi’ mà!”


Ngay sau đó, thư của những nhân viên gốc Phi bay về tới tấp. Họ nóng lòng, đau xót trước những tàn phá khốc liệt của cơn bão. Họ hừng hực nhiệt tình nhưng không biết bắt đầu ra sao. Thấy có người đứng ra lãnh đạo và chỉ vẽ, họ mừng lắm. Tôi chưa làm được gì hết mà đã có nhiều người cám ơn!


***


Buổi họp được gọi lúc ba giờ chiều ngày thứ Ba, 12 tháng 11. Tôi không ngờ có tới sáu mươi tám người tham gia! Nhiều người còn gọi điện thoại từ xa đến dự họp.


Sau buổi họp chúng tôi quyết định tiến hành quyên tiền ở sáu chỗ: ba chỗ ở Santa Clara, hai chỗ ở Folsom, một ở Oregon. Mỗi nơi có hai người “đầu đàn” và rất nhiều người giúp. Chúng tôi chọn ba cơ quan tốt nhất để chuyển giao tiền quyên góp. Sau khi nghe tôi giải thích cặn kẽ từng bước phải làm và nhận những tài liệu mà tôi soạn sẵn, mọi người không còn “ngại ngùng vì không biết làm sao” nữa. Lòng cảm thông với cảnh khổ của nạn nhân đã đem lại sức mạnh cho những nhân viên gốc Phi và tạo một dây nối kết chúng tôi ngay trong lần đầu gặp gỡ.


Những nhân viên gốc Phi ít làm việc về kỹ thuật, phần lớn họ làm thư ký. Vì thế họ rất giỏi về việc làm sổ sách, trang Web, và bích chương, biểu ngữ. Sau khi tôi giúp họ bắt đầu, mọi chuyến tiến triển răm rắp. Bão Haiyan là một trong những trận bão lớn nhất trong lịch sử, vì thế số người quan tâm đóng góp cũng rất đông. Chúng tôi ước tính sẽ thu được hơn ba chục ngàn đô la và số tiền này sẽ được nhân đôi với Intel Foundation “matching”.

Khi mùa lễ cuối năm đến tại Hoa Kỳ thì bão Haiyan đã tan nhưng những tàn phá sẽ để lại ảnh hưởng hết sức sâu xa trên xứ đảo này. Hàng triệu người mất gia đình, tài sản. Hoa màu chết, thuyền bè vỡ nát, họ không có phương tiện để bắt đầu trở lại. Như một phóng viên đã viết “Nhìn những cảnh hoang tàn, nhìn những xác người, và ngửi mùi tử khí không phải là điều khó khăn nhất. Khó khăn nhất là khi nghe nói ‘Tôi đã mất hết!’ Khi nghe câu đó trên TiVi, bạn thấy đó chỉ là một câu chuyện trong phần tin tức. Nhưng khi bạn nhìn vào mắt của một người và nghe họ nói đã mất TẤT CẢ, bạn sẽ thấy được thế nào là nỗi đau không đáy.”


Điều an ủi cho tôi là tôi đã góp được một phần vô cùng nhỏ nhoi để làm dịu đi những nỗi-đau-không-đáy đó.


Cuộc quyên góp vừa chấm dứt, sổ sách chưa kịp tổng kết, Hội Nhân Viên Gốc Phi đã chu đáo gởi lời cám ơn tôi. Họ không biết là việc làm của tôi chỉ là lời cám ơn đất nước Philippines nhân từ của họ.

Lễ Tạ Ơn năm nay, nhờ vậy, trở thành có ý nghĩa hơn.

Và, tôi nghĩ, cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu những việc chúng ta làm đều nằm trong một chuỗi tạ ơn nhau, tiếp nối.


Khôi An

Viết Vào Ngày Lễ Tạ Ơn 2013

Khôi An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,683,754
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết như ng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Tác Giả viết bài nầy thay cho những ai lần đầu tiên được làm mẹ, hoặc sắp làm mẹ, muốn gởi gắm đến cho đứa con yêu quí. Tuy hoàn cảnh hoặc hành sử có thể khác nhau nhưng tình mẫu tử thiêng liêng không khác biệt. Tác giả quê quán ở Bến Tre, sang Mỹ năm 1973. Ông gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015, nhận được giải danh dự năm 2016, và giải Á Khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Hiện Tác Giả đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả đã qua tuổi bát tuần, hiện là cư dân Bắc California, Trước 30 tháng Tư 1975, ông là công chức chính ngạch của VNCH. Saigon đổi đời, cuối tháng Mười 1977, vượt biên tới Thái Lan. Định cư tại Vùng Vịnh San Francisco, Calif, từ ngày 9 tháng Một 1978. Ông đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2010, với bài viết kể chuyện tổ chức vượt biển và nuôi dạy các con thành người hữu dụng trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới để tạ ơn tự do, thương phế binh Việt Mỹ, và đặc biệt, Tạ ơn Đức Thánh Trần.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Năm 2017, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà là chuyện mùa Giáng Sinh.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Bài mới nhất là chuyện mùa giáng sinh
Trước Tháng Tư 1975, tác giả là một Hải Quân Trung Uý VNCH, rồi thành cựu tù cải tạo, tự lái tầu vượt biển, định cư tại Úc. Với nhiều bài viết sống động, trong đó có “Làm Thế Nào Để Chôn Hai Chế Độ,” kể chuyện được cô bí thư 12 tuổi đảng bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo Vườn Đào, ông là tác giả vào danh sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài viết mới nhất..
Tác giả sinh năm 1944, định cư ở Mỹ năm 1979, sống ở California 25 năm với nghề điêu khắc gỗ. Một số tượng điêu khắc gỗ cỡ lớn hiện đang toạ lạc trên đường phố và nơi công cộng của các thành phố Seaside, Monterey, và Los Gatos tại California là công trình của ông Tú.
Nhạc sĩ Cung Tiến