Hôm nay,  

Thảo Ơi

09/12/201300:00:00(Xem: 16776)
Tác giả: Lê Như Đức
Bài số 4080-14-29480vb8120613


Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Learjet, Wichita. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con- hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức đã nhận giải bán kết 2001 và là một trong những tác giả được đặc biệt quí trọng. Sau hơn 8 năm ngưng viết và bặt tin, Thảo Ơi là bài viết mới nhất của ông.

* * *

Thảo với tôi có duyên số làm chung hãng tuy rằng chúng tôi học khác ngành. Tôi biết Thảo qua anh của Thảo là Thuật, bạn cùng khóa với tôi hồi còn trong đại học. Thuật học ngành kỹ sư hóa học. Tôi học kỹ sư cơ khí nên hai chúng tôi luôn làm khác hãng, do đó mà từ khi ra trường đến giờ, gần ba mươi năm qua, cũng chưa có dịp gặp lại nhau.

Khi Thảo lên trường chọn ngành kỹ sư điện thì tôi đã ra trường cả năm hơn và lên Fort Worth làm cho hãng làm máy bay General Dynamics, gọi tắt là GD. Tuy không gặp Thảo trong trường, nhưng sau năm năm làm cho GD tôi chuyển về Houston làm cho hãng Lockheed, gặp Thảo mới lò mò vào làm thì lập tức nhận ra ngay vì Thảo chỉ khác Thuật ở chỗ nhỏ con hơn mà thôi. Mặt mũi của hai anh em y như đúc, nhưng Thuật trông có tướng tá hơn Thảo nhiều. Thảo lại cận nặng, đeo cặp kính dầy như đít ve chai nên không ăn ảnh mấy, khó làm mấy em... ngây thơ vô số tội mê mệt được. Em không ngây thơ không tính.

Làm cùng hãng nhưng Thảo và tôi lại khác nhóm nên chỗ làm cũng khác building, cách xa nhau cả cây số hơn. Chúng tôi ít khi gặp nhau, thường chỉ nói chuyện qua phone, ưa tán dóc chuyện Việt Nam và việt cộng. Lâu lâu hứng chí Thảo xưng đồng chí với tôi cứ như là đảng viên cộng sản thứ thiệt.

- Đồng chí có biết đồng chí Hồ chủ tịt mới có mười bẩy đã leo lên tầu Tây xin làm bồi cho Tây rồi đấy. Chưa hết đâu. Khi tới Ba Lê, đồng chí Hồ còn điền đơn lạy lục xin cho vào học trường bảo hộ để về lại Việt Nam làm quan cho Tây nữa. Mấy đồng chí Tây thấy đồng chí chủ tịt dốt đặc cán mai làu táu nên xù đẹp. Đồng chí chủ tịt hết đường binh, xin làm học trò Tây cũng không được nhận, nên liều mình nhẩy đại vô trường huấn luyện đảng viên cộng sản nằm vùng của đồng chí Xì-ta-lin ở Nga Sô. Chuyện này đồng chí nào trong bộ chính trị cũng biết nhưng không ai dám phê và tự phê đồng chí chủ tịt.

Thảo người miền Trung nhưng có kiểu nói chuyện têu tếu vui vui giống tôi nên rất hợp rơ. Tính Thảo cũng hay giỡn, ít để ý nhiều qua câu nói nên chúng tôi rất thoải mái phát biểu linh tinh không sợ phiền hà lẫn nhau. Gia đình Thảo có học thức cao. Ngoài Thuật ra, Thảo còn có người em gái làm nha sĩ mở phòng mạch ở nam Houston.

Làm được hơn hai năm, Thảo gọi khoe mới quen được Quyên. Tôi cũng quen Quyên trước đó vài tuần. Quyên làm cùng building với tôi nhưng khác nhóm. Quyên làm trong nhóm computer của hãng theo diện sinh viên làm hè.

Một buổi trưa nắng gắt, tôi bước ra cổng hãng về nhà ăn trưa thì gặp Quyên. Quyên hỏi. Tôi nói phải vội về nhà ăn cơm với mợ tôi đang đợi. Quyên chủ động rủ tôi đi ăn chiều tối đó. Tự nhiên trời đất rung chuyển nhiều. Tôi cảm thấy người... đẹp trai thêm ra, nhìn oai đếch chịu được. Quyên trông xinh xắn, lại biết cách ăn diện nên trông rất bắt mắt. Tôi bỗng nhiên yêu đời sảng liền gọi ngay cho anh bạn thân khoe um xùm. Bạn tôi chỉ mánh:

- Con nhỏ này tỵ nạn tại Pháp, rồi bỏ qua đây du học một mình sợ buồn nên vác theo thằng bồ cũng gốc Việt to như lực sĩ Tây. Bọn chúng đang tìm cách xin ở lại đây. Chúng đang thi nhau coi hai đứa, đứa nào lấy được người có quốc tịch Mỹ trước để hai năm sau ly dị khi đã có thường trú dân rồi đứa này sẽ bảo kê cho đứa kia theo diện... hôn thê. Nó đang làm cho hãng qua diện du sinh đó. Vợ tao "se" phòng với nó trong trường nên biết được chuyện tình từ mẫu quốc. Mày có máu phiêu lưu, thích ly dị thì nhào vô. Đi ăn chiều với nó nhớ mang mũ bảo hiểm luôn không thôi loạng quạng có kẻ xấu rình mò xô đẩy, vấp té vỡ đầu như chơi.

Tôi gọi cho Quyên từ chối ngay với lý do đang bị đau bụng cấp tính.

Sau khi nghe chuyện tình Pháp quốc tả tơi hoa lá của tôi, Thảo im lặng. Tôi biết Thảo sẽ gặp nhiều bão táp trong tình trường vì Thảo sẽ không chịu bỏ cuộc ngay như tôi. Thảo cũng biết cái tướng nhỏ con của mình khó mà kiếm được em... thơm. Thảo cao chưa được năm feet. Quyên không mang guốc cao gót cũng cao hơn Thảo ba đốt tay thì có lẽ phải luyện Xúc Cốt Thần Công, thu mình cho ngắn đi mỗi khi cặp kè với Thảo để giăng cái bẫy thường trú nhân.

Bốn năm sau, tôi xin qua làm cho hãng Boeing. Được hơn một năm thì lại thấy Thảo lò mò vào làm nhóm bên cạnh. Sếp của Thảo là Anthony Lê Bá, con của giáo sư Lê Bá Kông giám đốc trường sinh ngữ Ziên Hồng rất nổi tiếng ở Saìgòn năm xưa. Qua Anthony tôi mới biết được sở dĩ giáo sư có tên Kông là vì năm xưa gia đình làm ở tòa đại sứ Việt Nam tại Hồng Kông. Giáo sư Lê Bá Kông và giáo sư Lê Bá Khanh là hai vị thầy dậy sinh ngữ khả kính của tôi thời trung học.

Tôi không hỏi chuyện Quyên nhưng cũng cảm nhận được nhiều cay đắng trong tình trường qua ánh mắt lu mờ của Thảo khi Thảo khẳng định vẫn còn độc thân yêu đời tại chỗ. Thảo phác họa cho tôi một con đường tình mới ta đi:

- Em sẽ về Việt Nam lấy vợ. Bên này mấy cô cao giò hay làm eo, đã không chịu co giò mà còn lên giá quá trớn. Khó mà cua được. Thôi, lơ chúng đi. Cho ế chổng ế chơ chơi. Hết làm eo.

Tôi cảnh cáo Thảo ngay:

- Coi chừng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Có anh nào mà không thích lấy vợ đẹp. Ai nói không là đạo đức giả, có thể thiếu thần kinh mắt. Tuy nhiên, em về bên đó vài ngày, tán tới tán lui vớ vẩn mấy câu thì làm sao mà em thơm yêu cái rầm được. Tình yêu cần thời gian và phải có nhiều kỷ niệm. Mình có thể mua không gian bằng vé máy bay bay về nhưng không thể mua thời gian bằng cái mác Việt kiều được đâu. Đừng nghĩ bên đó mấy cô khờ không biết mánh. Nhiều khi em vớ nhầm vỏ sầu riêng, còn tệ hơn vỏ dừa.

Thảo vẫn khăng khăng không chịu chấp nhận:

- Cô này là do bạn của mạ em giới thiệu. Bảo đảm với anh, ẻm không phải dân thành thị. Dân tỉnh nhỏ hiền lành, lại có quen biết nên không sợ hàng giả, nhập lậu từ Trung quốc đưa qua đâu anh. Bên này cũng đầy vỏ dừa đấy. Anh Thuật em hai con rồi cũng phải vác xác ra hầu tòa, xin ly dị. Mạ em nói bên đó nhiều người còn đầy tính truyền thống gia đình Việt Nam. Luôn lo cho chồng con. Tốt hơn bên đây nhiều.

Tôi tính khuyên Thảo nữa nhưng thấy Thảo đang yêu đời đành tự an ủi biết đâu mình quá đa nghi. Tôi cười chọc quê Thảo:

- Em là con nhà miền quê gia giáo, hiền thục, đoan trang. Em đi đứng đàng hoàng, nói năng nhỏ nhẹ, không ba hoa chích chòe. Em chỉ có mỗi một vấn đề nho nhỏ là em ăn nói hay... chửi thề.

Rồi Thảo bay về quê hương làm giấy tờ đón giai nhân qua. Thỉnh thoảng cứ một vài tháng, Thảo lại gọi tôi than thở. Đôi lúc tôi mù mờ, không biết Thảo than thở khổ hay than thở sướng:

- Mệt phờ râu anh ạ. Ẻm mất căn bản hạng nặng, không biết đến một chữ Ăng lê. Em phải dậy từ i tờ từ đầu...

- Ẻm siêng học quá nên quên cả nấu ăn, rửa chén. Thương ơi là "xương". Em đi làm về mệt cũng phải lăn ra làm ráo trọi. Mệt quá. Cầu sao ẻm học nhanh ra trường tụi em sẽ khoẻ re như bò kéo xe be...

- Anh có biết không. Ngày nào đi làm về, em cũng vừa phải làm đầu bếp vừa làm thầy giáo kèm tại gia. Hết dậy English rồi lại đến toán, vật lý, hoá học... chỉ thiếu có chính trị là ẻm chê, chưa chịu đụng tới thôi...

- Báo cáo đồng chí. Ẻm cũng đòi học kỹ sư điện như em. Em có nói con gái nên học cái gì nhẹ nhẹ như computer hay accounting thôi. Bầy chi kỹ sư "điên nặng" làm gì cho nhức đầu, mọc mụm lung tung, phải nặn hoài không hết...

- Cũng may là ẻm chưa chịu có con. Ẻm nói đợi học xong kiếm được job mới có thì giờ lo đến con cái. Giờ chỉ có giờ lo cho chồng thôi. Nghe sướng mê tơi. Nghĩ cũng phải anh nhỉ. Giờ mà tụi em có con, không biết xoay sở ra sao.

- Được cái là em không mê đi shopping. Chỉ đòi tháng tháng chi cho hai trăm đô gửi cho gia đình ở Việt Nam. Mạ em nói thế là con có phước đó. Nó thương cha, thương me, thương em nó thì sau này nó sẽ lo cho gia đình con nhiều như vậy thôi....

Tôi mừng cho Thảo có được hạnh phúc, quên đi những nghi ngờ mà tôi có từ "cái thuở ban đầu lưu luyến đó".

Thảo hy sinh bao nhiêu năm ròng, đóng cửa dậy vợ từ A tới Z không màng gian khổ xây dựng tình yêu từ những đêm khuya qua các bài toán vật lý, phương trình toán học đến cả nấu ăn, rửa chén, lau nhà, chà cầu tiêu. Nếu trên đời này có người con gái nào không cảm động được tấm lòng thành của Thảo, tôi nghĩ cô ta bị khuyết tật bẩm sinh, không có thần kinh yêu.

*

Sáu năm qua tôi rời Houston mang vợ con đi phiêu lưu lên thành phố nhỏ miền trung Mỹ, Tulsa thuộc tiểu bang Oklahoma mong muốn thành... đại gia. Ngành tôi làm có hai loại lãnh lương. Nếu làm direct như những kỹ sư ngành khác thì sẽ được công ty trả cho bảo hiểm, cho thêm tiền để dành hưu trí sau này, cho nghỉ hè, nghỉ lễ ăn lương... nhưng lương không cao. Nếu làm contract cho hãng thì không được hưởng mọi thứ quyền lợi như làm direct nhưng lương lại cao gấp hai hơn. Theo luật contract thì làm overtime lại được trả một rưỡi chứ không một như làm direct. Làm contract chỉ có mỗi một nguy hiểm là nếu làm không được việc thì sếp chỉ cần nói "xéo đi" là xong. Sếp không cần phải báo cáo qua ai cả. Làm direct, sếp muốn đuổi ai thì phải trình cho human resource với lý do chính đáng chứ không thể nói khơi khơi đuổi vì không ưa cách nó làm. Nhiều hãng còn bắt sếp phải chứng minh nhân viên có lỗi ba lần và đã nhận cảnh báo rồi mới chịu cho đuổi.

Tôi có gọi cho Thảo cho số phone mới của tôi. Thời đó cell phone chưa thịnh hành như bây giờ. Đi đâu cũng lo lo sợ quên cái sổ điện thoại. Vài tuần sau Thảo lại gọi tôi than thở:

- Ẻm ra trường rồi. Giờ lại phải dậy cách đi đứng, nói năng để phỏng vấn. Phải chỉ từng chút một anh à. Nhắc luôn luôn mà vẫn cứ quên trước quên sau hoài.

Tôi hỏi thăm:

- Thế bao giờ tụi em mới chịu có con?

- Ẻm tính có job trước. Rồi vài năm sau để dành ít tiền, thong thả ra rồi có con cũng được.

Tôi thắc mắc:

- Làm sao mà mấy em kế hoạch hóa gia đình giữ mãi mà chưa có con hay vậy?

- Thì dùng thuốc ngừa thai.

Tôi lại thắc mắc tiếp:

- Sao nói ẻm dân tỉnh lẻ không biết gì mấy mà lại rành chơi thuốc ngừa thai dzậy em? Cái này qua hơi ngạc nhiên đó em.

- Chán đồng chí quá. Thời buổi này là thời buổi internet với lại email. Đồng chí chỉ cần nhấn con chuột mấy cái là biết hết mọi chuyện trên đời. Kể cả chuyện Hồ chủ tịt có bao nhiêu vợ, bao nhiêu con rơi cũng biết nữa.

Tôi đề nghị :

- Có bằng rồi. Giờ có con là đẹp nhất. Em cũng lớn rồi. Không có lẹ, mai mốt về hưu non, con vẫn chưa học xong trung học. Đợi lâu lâu nó tịt luôn là hết đường binh.

Thảo ngần ngừ hỏi tôi:

- Ẻm cứ chơi thuốc vào đều chi thì làm sao có bầu được anh?

- Dễ ợt à. Em cứ lấy trộm một viên mang ra ngoài tiệm Walmart. Tới hàng thuốc bổ vitamin A,B,C,D, ngắm coi có loại nào mà nó hao hao giống vậy, mua về đổi chục viên vào lọ thuốc thì thể nào vài tháng sau cũng có tháng trúng mánh.

Thảo phá lên cười :

- Anh thật đủ mánh. Hèn chi mà thằng Jim nó nói với mọi người trong nhóm em là trong nhà có chuyện gì khó khăn không giải quyết được thì đừng có tốn tiền đi bác sĩ tâm lý, chỉ cần tới anh là xong.

Jim là dân Mỹ trắng gốc vùng bang Oklahoma. Jim xuống Houston làm chung với tôi từ khi mới ra trường. Chúng tôi biết nhau dễ cũng hơn hai mươi lăm năm hơn. Jim có vấn đề từ ngày còn niên thiếu. Jim tâm sự với tôi chỉ ưa ngắm đàn bà lớn tuổi hơn mình chứ không ưa mấy em nhúng nha nhúng nhẩy trong tuổi thần tiên. Giữ đúng lời nói, Jim lấy Suzie, già hơn mình mười tuổi.

Mười lăm năm đầu, cuộc tình Jim chưa có vấn đề. Qua năm thứ mười sáu, Suzie thấy mình đã ôm năm mươi bó, tới tuổi vang bóng một thời. Nhìn lại anh chàng tình lang của mình vẫn còn phây phây, chưa qua bốn mươi, có thể cặp được mấy em trong tuổi ước mơ mơ gì như thường. Suzie đâm hận trời, hận đất, hận người và hận luôn cả cái nhà bếp rộng lớn của mình.

Jim phân trần:

- Suzie hết trách sao bà già nó đẻ nó sớm mười năm rồi lại trách sao bà già tao đẻ tao trễ mười năm. Lúc nào nó cũng càu nhàu, khó chịu. Sợ già đâm xấu xí tao sẽ bỏ nó. Cuối tuần nào tao cũng rủ nó ra ngoài ăn rồi nói với nó cho dù nó có già nhưng tình yêu của tao cũng không thay đổi.

Tôi chỉ đường cho Jim:

- Sao mày lại nói nó già? Mày càng nói nó già nó càng nổi khùng thêm ra. Mày phải nói nó càng ngày càng trẻ, đẹp, và hấp dẫn ra. Tình yêu của mày thì ngày càng tăng nhiều đến nỗi tim mày hết còn có chỗ trống nào chứa nữa. Lúc nào mày cũng muốn nhòm nó hoài mà không thấy chán. Gái hai mươi cũng không đẹp bằng nửa nó. Hiểu chưa? Mà cái gì chỉ nói mỗi cuối tuần. Mày phải nói nó mỗi ngày.

Jim cự nự:

- Cái gì mà mỗi ngày. Tao còn phải làm việc chứ. Mỗi cuối tuần là đủ rồi. Nói nhiều quá nó sẽ nghĩ tao là thằng dóc tổ.

- Chắc chắn rồi. Nó đã biết mày là thằng dóc tổ từ phút ban đầu mày theo nó tán dóc. Nhưng nó sẽ nghĩ mày là thằng dóc tổ đáng yêu nhất của thế giới. Tình chỉ đẹp khi còn dang dở. Mày lấy nó rồi là hết dang dở, là hết đẹp nên phải biết nói dóc để làm đẹp lại cuộc tình. Đi về bàn mày gọi khen nó vẫn là người đẹp nhất thế giới đi. Nhớ đừng có chê nó già nữa.


Jim lắc đầu lia lịa:

- Nó không tin tao nói đâu.

- Thì mày phải chế chuyện ra. More creativity. Lúc nào mày cũng em đẹp nhất đêm nay rồi lại em đẹp nhất đêm xưa thì tao đây nghe cũng phát khiếp nữa là nó. Chế với nó là thằng hàng xóm mình mới gọi cho anh hỏi em có bí quyết gì mà càng ngày càng trẻ đẹp ra. Nó sẽ cười ngay.

Jim lại lắc đầu:

- Không được đâu. Vườn nhà tao đất rộng một mẫu. Không cách chi thằng hàng xóm thấy được Suzie mà khen đẹp.

- Thì phải chế chuyện ra thêm. Nói với Suzie là nó mới thắng đấu giá cái ống nhòm cực mạnh của tình báo trung ương cục KGB của liên bang Số Viết năm xưa. Tối ngày nó cứ chỉa sang nhà mày nhắm thử. Giờ nào con Suzie đi tắm nó cũng biết.

Jim đỏ mặt, gãi đầu trả lời "yes, sir" rồi đứng dậy, bước nhanh về bàn mình.

Tôi nói với theo:

- Chế chuyện nhiều thêm, nó sẽ ít làm mày nhức đầu. Không thôi sẽ bị đau đầu, rồi chuyển sang đau tim.

Sau này mỗi khi gặp tôi, Jim chỉ cười cười không nói gì dù chỉ một lời không đáng chi.

Đôi khi chúng ta phải biết thi vị hóa chút chút trong cuộc sống vợ chồng để giảm bớt... nhức đầu. Vợ chồng là duyên nợ. Có duyên gặp nhau mà không có nợ cũng không thành. Sau ngày đám cưới là duyên đã trọn thì đến lúc nợ phải trả. Tán dóc để vợ vui. Âu cũng là một hình thức trả nợ cho duyên kiếp.

Một buổi sáng thứ hai vừa đi làm vừa ngái ngủ. Chưa rót được ly cà phê đã thấy một tên lừng khừng trong nhóm, mắt đỏ hoe bước vào. Không mời y cũng ngồi phịch xuống. Không hỏi y cũng kể chuyện tình buồn chiều thứ bẩy:

- Tôi đang coi football trường tôi chơi. Nó cầm hai cái áo chắn trước mặt tôi hỏi nên mặc cái nào dự đám cưới bạn tôi ngày hôm sau. Tôi trả lời cái bên phải. Nó lại lấy hai cái áo khác ra đứng che cái TV rồi hỏi nên chọn cái nào. Tôi trả lời cái bên phải. Nó lại lấy hai cái tôi vừa chọn bên phải hỏi tôi nên mặc cái nào. Nó cố tình chọc tức tôi. Tôi nói cho dù nó mặc cái áo giá một triệu đô la, tuần sau bạn tôi cũng không nhớ cái áo mầu gì. Chỉ có một cái áo duy nhất mà nó mặc sẽ làm các bạn tôi suốt đời không quên. Đó là... không mặc gì hết. Nó ném hai cái áo vào mặt tôi rồi biến mất tới giờ. Chiều nay nếu nó chưa về, tôi phải lấy mấy ngày nghỉ đi tìm nó.

Tôi phì cười lẩm bẩm:

- Lại thêm một con lừa đang lạc đường trong tình trường.

Tôi chỉ đường cho y đi:

- Lần sau nó hỏi, anh chỉ cần kéo nó vô trong closet rồi giả bộ ngắm tất cả những cái áo của nó ba phút. Sau đó anh chọn đại một cái. Anh nói với nó rằng em mặc cái nào cũng đều tuyệt đẹp. Tuy nhiên, em không nên mặc cái này vì bạn anh sẽ ganh, đánh anh vì vợ anh đẹp nhất trong đám cưới. Nó sẽ cho anh coi football tới sáng ngày hôm sau. Anh còn tiết kiệm được khá nhiều tiền vì nó sẽ không mua thêm cái áo nào nữa. Nó sẽ mặc cái áo đó đi dự mọi đám cưới với anh. Đi về nhà đi. Nó đang ở nhà đó. Nó canh anh đi làm để về thu vén đồ đạc ra đi. Nhớ ghé vô tiệm hoa mua chục cái hoa hồng. Đừng có lông nhông chạy về tay không.

Tên lừng khừng tỉnh ngủ, nhanh nhẹ đứng lên chào và chạy vội về bàn y thu vén đồ rồi thăng.

Một nữ phóng viên Mỹ bay qua Thái Lan, xin vào nhà tù để phỏng vấn một anh chàng đang bị bắt vì tội... dê tùm lum. Nhiều anh chồng bị mất vợ hay bị cắm sừng hè nhau thưa anh ra tòa về tội có gần hai chục cô bồ. Khi được hỏi bí quyết gì mà các bà vẫn thương anh, còn rủ nhau vào tù thăm thường xuyên. Anh tỉnh bơ trả lời:

- Có bí quyết gì đâu. Tôi cứ khen họ đẹp.

Ở trong tù, anh được các tù nhân khác biếu anh đủ mọi thứ. Cũng chả có bí quyết gì khác. Gặp ai anh cũng khen giỏi và đẹp trai. Việt Nam ta có câu "mồm miệng đỡ chân tay" là vậy. Nhớ nhé. Khi thấy vợ khó chịu thì: "Tôi cứ khen họ đẹp".

Khi vợ có được job, Thảo gọi cho tôi báo tin mừng. Tôi cũng mừng cho Thảo. Thảo tỏ vẻ lo lắng:

- Mới được job, chưa đi làm ngày nào mà đã thấy khác rồi anh. Chưa chi đã lên mặt dậy đời, nói em phải tập làm người văn minh, sống phải vệ sinh, ăn uống phải sạch sẽ. Mấy năm trước em vác nó ra khỏi Chắc Cà Đao, rửa mãi mới sạch nước phèn. Giờ nó chê em dơ, không văn minh. Em mới cãi nhau với nó tối hôm qua. Phải chi em có bồ nhí hay xì ke, ăn nhậu, nó gây lộn em không tức. Đằng này mới rửa ba cái tô, mấy cái ly, nó chê rửa không sạch. Không sạch thì sao nó không rửa đi? Ngồi đó mà càu nhàu, chê bai. Tức muốn chết, anh à.

Tôi vội giải thích cho Thảo hay:

- Đàn bà bên này không sợ chồng ngoại tình đâu em. Họ biết một ngày mình đi làm tám tiếng, thêm một tiếng ăn trưa, một tiếng lái xe đi đi về về, tổng cộng mất hết mười tiếng đồng hồ trong sở. Hôm nào đi làm về gặp đụng xe, còn có thể tốn thêm một tiếng nằm trên xa lộ như chơi. Trừ thêm tám tiếng ngủ tối và hai tiếng cho ăn chiều, tắm rửa, coi tin tức ngắn trong ngày, bọn mình chỉ còn lại có hai, ba tiếng đồng hồ để tập thể thao và gửi email hỏi thăm thằng hàng xóm. Giờ đâu mà em có để đi cua được bồ nhí. Lúc nào người mình cũng nhừ, chỉ nghĩ đến cái giường êm để nhẩy lên trùm chăn ngủ thì sức đâu mà có để ngoại tình hay đi đánh bạc, nhậu nhẹt. Trong sở thì nói hơi nặng với con thư ký một chút là nó đi thưa sexual harassment ngay. Bố bảo cũng không dám ngọ nguậy để mất việc. Chỉ khi nào em làm tài tử thì con vợ em nó mới sợ em có bồ nhí thôi. Làm tài tử một tuần chỉ tốn hai ba ngày vào phim trường nên có giờ, có sức mà đi cua gái. Mà em khỏi phải cua chi cho mệt. Thằng đạo diễn nó cua thay cho em. Nó cứ bắt mấy em thơm ôm hôn em thật tình tứ để nó quay phim. Ôm không chặt nó bắt ôm lại, ôm hoài, ôm cho tới lúc nó thấy mùi mới thôi. Không mùi nó đuổi, thay con đào khác thì con nào cũng sợ, không mùi cũng ráng phải làm cho ra... mùi. Cho dù em không tắm, không đánh răng cả tuần lễ hơn, nó cũng phải ôm hôn em nồng nàn. Nếu chồng không là tài tử thì đàn bà bên này không sợ chồng nó ngoại tình đâu. Nó chỉ sợ chồng nó ở... dơ thôi. Em có nhớ mỗi lần tụi mình đi ăn trưa, thằng Nhuận nó cứ nói tụi mình phải tìm đường đứng lên làm cách mạng, lật đổ mấy bà không? Nó không nói chơi đâu. Nó nói thật đó. Nhưng mà mình không thể làm cách mạng được đâu. Lật đổ mấy bà rồi tụi mình sống với ai? Sống với nhau hả? Em cứ chơi cái tình lờ khi nó chê em ở dơ, thiếu vệ sinh. Em phải hiểu để khỏi tức muốn chết.

Thảo cười, thích thú:

- Hì hì. Nghe anh nói em mới biết cách trị... vợ. Hết muốn chết rồi.

Tôi lại nhớ đến câu hỏi ngày xưa:

- Thế ẻm chịu có con chưa?

- Vẫn chưa chịu. Nói muốn giữ eo thon thêm một vài năm.

*

Trong máy bay thì cái cánh là quan trọng nhất vì nó bị bẻ cong lên, rất dễ gẫy khi cất cánh. Cánh càng dẻo, càng uốn cong nhiều thì thân càng ít bị lúc lắc, hành khách sẽ cảm thấy dễ chịu khi bay. Thông thường khi cất cánh, cái cánh máy bay hạng nhẹ uốn cong chưa tới hai feet tính từ đầu mũi cánh tới giữa thân cánh. Hãng tôi làm contract, Spirit Aerosystems, muốn chế một cánh máy bay có thể uốn cong lên đến bốn feet mà lại không nặng quá ba ngàn một trăm cân Anh. Muốn cánh uốn cong cỡ nào cũng được, nhưng càng muốn uốn cong càng nhiều thì phải làm càng dầy. Mà càng dầy thì cánh càng nặng. Nặng hơn ba ngàn năm trăm cân Anh là chuyện dĩ nhiên.

Hãng tôi làm không muốn cái cánh nặng thêm dù chỉ một cân Anh vì theo lời quảng cáo của hãng thì cái máy bay mới này có thể mang một vị tổng giám đốc cùng với hai ông phụ tá và một em thư ký nhẹ cân bay thẳng từ Nữu Ước tới Los Angeles mà không phải ngừng lại đổ xăng. Nếu cái cánh nặng thêm bốn trăm cân Anh thì em thư ký phải... đá hai ngài phụ tá ra khỏi máy bay khi cất cánh để giảm cân. Nếu cái cánh không uốn cong được hơn bốn feet thì khi bay, máy bay không êm, lúc lắc nhiều. Ngồi giữa em thư ký và cô chiêu đãi viên hàng không mà lúc lắc nhiều thì làm phiền cụ tổng bị nhồi cơ tim.

Hãng chi đẹp để bắt chúng tôi tính toán đủ mọi góc cạnh, bào đủ mọi nơi của cái cánh để đạt được hai mục đích: uốn cong lên bốn feet mà lại không nặng quá ba ngàn một trăm cân Anh. Ba năm trời đi làm, tôi nhiều hôm không thấy mặt trời. Tới sở lúc mặt trời chưa mọc. Về nhà khi trăng đã lên cao. Cái building lại không cửa sổ, sợ lộ bí mật. Làm sáu ngày một tuần. Chủ nhật ngủ bù tới trưa.

Ngày thử nghiệm cái cánh mới trong buổi cuối tuần ở tận bên Do Thái. Cái cánh mà hãng tôi tự hào dẻo dai và nhẹ như cánh của con đại bàng. Mới có kéo cong được ba feet chín inch thì nó gẫy cái cụp. Thiếu mất ba inch. Tôi muốn té xỉu tại chỗ. Thân tôi tưởng như gẫy đôi với cánh.

Họp hành liên tục. Báo cáo tới tấp. Tuầu sau ông CEO ký chi thêm 20 triệu đô la và một năm tính toán làm cái cánh khác thử lại. Hợp đồng làm giao hai trăm cái cánh cho hãng Gulfstream, mỗi cái năm triệu đô la. Tổng cộng giá trị của hợp đồng lên tới một tỷ đô la khiến ông CEO không thể không ký chi thêm tiền. Tôi lại tới sở lúc mặt trời chưa mọc, về nhà khi trăng đã lên cao thêm một năm.

Một năm qua nhanh không tưởng. Mới thoáng là đã đến ngày thử nghiệm lại cái cánh. Lúc kéo gần tới ba feet sáu inch, tôi liếc nhanh qua tám cái sơ đồ chỉ mức độ của áp lực và độ cong trên màn ảnh rồi quay qua nhìn ba người làm trong nhóm. Họ cũng quay qua nhìn tôi khẽ gật đầu. Tôi chỉ có được đúng mười giây đồng hồ để quyết định ngưng kéo hay tiếp tục. Tám giây sau, tôi nắm chặt bàn tay phải lại đưa cao lên ra dấu cho chuyên viên điều khiển máy kéo chuyển từ manual qua tự động để computer tự làm lấy. Tay kia tôi nhấn cái nút enter. Lúc này có muốn ngừng thử cũng không được vì computer đã hoàn toàn kiểm soát tất cả mọi thứ. Hơn một trăm nhân viên lẫn quan khách nhìn nắm tay tôi. Họ đều được thông báo trước mười giây quyết định này. Loa phóng thanh đều đều vang rền hai bên tai tôi:

- Quyết định thử kéo đến khi cánh gẫy cuối cùng đã được chấp nhận. Bắt đầu từ lúc này, computer sẽ take over tất cả mọi chuyển động. Good luck.

Máy computer báo đã kéo lên ba feet tám inch. Tôi vẫn tự tin. Rồi báo kéo thêm hai inch nữa. Cánh vẫn chưa gẫy. Chỉ cần thêm hai in nữa là đúng bốn feet thôi. Tim tôi bóp chặt lại, đập liên hồi như muốn nhẩy bung ra khỏi lồng ngực. Môi tôi khô, mũi nóng như thiêu, giọng lạc đi, những muốn nhẩy lên cao hét to khi thấy tám cái sơ đồ trên màn ảnh đồng loạt chuyển qua bốn feet.

Dù đã được dặn trước không ai được di chuyển, phải đợi sau khi cánh gẫy mới được rời ghế, mọi người, kể cả quan khách đều đứng lên, chạy vụt ra những khung cửa kính nhìn xuống cái cánh.

Một tiếng ầm vang lên. Tôi nhìn vào máy computer. Tám cái sơ đồ đều tuột dốc, mọi áp lực đều xuống số không. Số cuối cùng hiện ra: bốn feet một phần ba inch. Sai số tính toán khoảng 5%. Cái cánh nặng ba ngàn một trăm bẩy mươi bẩy cân Anh.

Mọi người bước tới bắt tay chúc mừng chúng tôi. Ai ai cũng không đỏ mũi thì đỏ mắt. Mũi tôi có lẽ đỏ nhất.

Mười phút sau tôi lén trốn ra phòng vệ sinh gọi cho vợ tôi:

- Điểu tận cung tàng (chim hết thì dẹp cung nỏ). Em và con sửa soạn đi giang hồ với anh tiếp.

Năm tháng sau, sếp tôi thông báo hãng muốn tôi đổi qua làm direct để giảm bớt chi tiêu. Tôi nhẩy hãng khác. Trong một năm tôi nhẩy hãng hai lần. Chạy về Dallas làm cho D3 tám tháng rồi lại bay ngược lên Wichita, Kansas làm contract cho Learjet. Vợ tôi dậy trong trường nên lúc nào cũng có thể đi giang hồ với tôi tới tận cùng của nước Mỹ mà không sợ thiếu job. Nước Mỹ có ba nghề mà đi đâu cũng kiếm được công việc: bác sĩ, y tá và gõ đầu trẻ.

Vì công việc quá bận và vì đổi hãng liên tục, tôi mất liên lạc với Thảo một thời gian khá dài.

Một buổi tối cuối đông năm ngoái, tôi ngủ mơ thấy Thảo. Thảo nhìn tôi cười thật tươi. Tôi choàng giấc, thức dậy, không biết đó là thật hay mơ. Lâu lâu tôi cũng hay nằm mơ. Nhưng tối đó tôi biết chắc nó không giống như những giấc mơ khác. Người lúc đó mơ mơ màng màng, nửa thức nửa ngủ. Ngày mợ tôi mất, hằng đêm tôi vẫn khấn cầu được thấy người lại một lần. Hai năm sau, tôi ngủ mơ thấy được người. Cũng nhìn tôi cười thật tươi. Người tôi cũng mơ mơ màng màng, nửa thức nửa ngủ như vậy.

Sáng vào sở làm, tôi cứ bàng hoàng về giấc mơ đêm qua. Tôi lục sổ điện thoại cũ gọi Thảo. Số điện thoại đã bị cắt. Tôi gọi cho Anthony Lê Bá. Cũng không được luôn. Tôi gọi cho người bạn Mỹ hỏi tìm. Tên Thảo không còn trong Boeing email. Tên Anthony vẫn còn nhưng đã chuyển qua Seattle làm. Tôi gọi cho Anthony hỏi thăm. Anthony trả lời:

- Thảo chết lâu rồi. Bốn năm hơn thì phải? Con vợ nó bỏ nó. Nó lên cơn tim chết mấy ngày trong phòng ngủ, người ta mới hay. Có người nói nó tự tử.

Tôi thấy cổ mình nghẹn, không nói được gì.

Giọng Anthony vẫn đều đều trên phone:

- Thảo nó tốt lắm đó ông. Nó làm dưới tôi bao nhiêu năm sao tôi không biết được. Nó tặng không con vợ nó cái nhà rồi ra mướn appartment ở một mình. Tôi không có biết khi nó chết thì thủ tục ly dị đã được tòa ký chưa. Nếu chưa thì con vợ nó hưởng hết tiền trong băng, saving, tiền 401K cộng thêm tiền bảo hiểm nhân thọ của nó. Con vợ nó sẽ hit jackpot ông à. Alô. Alô. Ông còn đó không? Sao tôi không nghe ông nói gì cả?

Tôi chỉ thầm kêu được hai tiếng: "Thảo ơi".

Lập Đông năm 2013

Lê Như Đức

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,197,600
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây là bài mới của bà trong mùa Lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Nhạc sĩ Cung Tiến