Hôm nay,  

Người Này Là Ai

05/11/201300:00:00(Xem: 46115)
Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 4053-14-29453vb3110513


Tác giả định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Giải thưởng VVNM 2013, cô có 5 bài tham dư và đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả (hình bên) với hai bài viết tiêu biểu: “Thiên Thần Đen” và “Cũng Một Đời Người”, kể về những di dân tị nạn tại Mỹ làm việc tới mức quên mình để gửi tiền tiếp viện cho người thân còn ở quê nhà. Bài viết trên Việt Báo Online từ cuối tháng Tư 2013, hiện đã gần 180,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất của tác giả.

* * *

Dĩ nhiên bạn và tôi không thể biết người này là ai khi lần đầu gặp nhau. Trong đời sống này, biết bao ngộ nhận đã đến với chính tôi, vậy mà thật sự tôi vẫn chưa học hỏi được thông suốt sự bí mật của một con người. Mỗi con người là một hành tinh lạ lùng, cô độc. Câu nói đó không thật sự là một thứ sáo ngữ như chúng ta vẫn mỉm cười khi nghĩ đến.

Khi còn trẻ tôi làm việc ở ngân hàng, một ngày kia có một người đàn bà tuyệt đẹp, son phấn hẳn hoi bước ra khỏi chiếc xe bóng láng đậu trước ngân hàng. Bà ta xách chiếc ví da uyển chuyển đẩy cửa bước vào cơ quan một cách tự tin với nụ cười đẹp. Mùi nước hoa đắt tiền làm bọn nữ nhân viên chúng tôi nhìn bà một cách vô cùng ngưỡng mộ. Không ai bảo ai, chúng tôi cũng biết đó là một người giàu có đến giao dịch với ngân hàng. Bà được ông giám đốc ra tận nơi mời vào văn phòng một cách trang trọng và lịch sự. Một lát sau ông giám đốc cho kêu cô Thu Lan vào, cô phụ trách về quỹ vay tiền của ngân hàng. Sau này chúng tôi biết người khách sang trọng đó muốn cầm nhà để trả một số nợ đã quá ngày hẹn mà bà có thể bị đưa ra tòa.

Cũng có một ngày nọ, người đàn bà miệng nhai trầu bỏm bẻm, khăn mỏ quạ, quần vải đen bạc thếch, áo nâu cũ kỹ rụt rè xách chiếc giỏ tre bước đến ngân hàng, đảo mắt nhìn xung quanh như một người đi lạc chỗ. Sau một phút do dự bà đến nơi tôi ngồi, đặt cái giỏ được bao phủ bằng một cái khăn sờn rách màu cháo lòng lên quầy rồi đỉnh đạc nói bằng giọng Bắc rặc:

- Tôi muốn ký thác một số tiền vào ngân hàng.

- Thưa bao nhiêu ạ!

Bà cười cười:

- Vài trăm ngàn thôi!

Và bà mở chiếc khăn ra để lộ những cọc tiền được sắp đặt đầy nhóc trong chiếc giỏ làm tôi giật mình nhìn bà ta trân trối. Sau này tôi biết bà ở khu xóm những người Bắc di cư vào Nam năm 54, chuyên sống bằng nghề trồng ngũ cốc và café. Họ là những người làm việc rất chăm chỉ và là những người có vàng đưa con cháu đi vượt biên nhiều nhất sau năm 75.

Những điều đó không phải là một định luật bất biến vì thật ra vẫn có những ngươi lam lũ đi mượn tiền, những người sang trọng đi gởi tiền. Vì thế chúng ta vẫn không thể biết những người chung quanh mình là ai cả.

Năm 1975, sau cuộc tang thương của đất nước thì sự thay đổi cuộc đời đâu còn là điều mới lạ. Ông hóa thành thằng, thằng lại hóa ông. Bà Trung Tá có thể thành người quét chợ, người Nữ Thi Sĩ nổi tiếng một thời trở thành bà bán khoai mì nơi góc phố. Góc phố vào thời cấm chợ ngăn sông người ta đã viết lên hai câu thơ lục bát:

Con bò có cái cục u,

Những người buôn bán còn ngu hơn bò!

Và đã mấy chục năm qua rồi tôi vẫn tự hỏi ai đã sáng tác hai câu thơ lục bát đó và liệu tác giả hay những người phổ biến những câu thơ đó có cảm thấy xấu hổ khi thưởng thức lại loại văn chương này không ?

Còn người tài xế xưa, nay là chồng của bà Đại Tá khi ông Đại Tá đi tù mút mùa Lệ Thủy ngoài Bắc (mút mùa Lệ Thủy có phải chăng là đi tù dài hạn như giọng ngân dài bất tận của cô đào cải lương vang bóng một thời). Làm sao chúng ta còn có thể biết người đó là ai, khi một ông giáo sư đã trở thành một người đi buôn hàng chuyến.

Tôi ngồi bên cạnh ông giáo sư trong một tuyến đường dài nghe ông càm ràm mà thấy vui vui trong dạ.

Đây là mẫu đối thoại của hai người đàn bà ăn mặc khá chải chuốt trên xe:

- A, chị Hai đi thành phố vui không?

- Vui là cái chắc rồi, tôi đi thăm đứa con gái đang học dưới thành phố. Còn chị định chừng nào bán nhà về thành phố đây!

- Chưa biết được, ở thành phố bây giờ nhà đắt quá! Thuê cũng khó nói chi đến mua.

- Biết vậy, nhưng ở thành phố vẫn hơn chị à.

Ông giáo sư mở miệng chì chiết:

- Thành phố là thành phố nào mới được chứ, thành phố Saigon, thành phố Dalat hay Nha Trang. Nói như vậy lâu ngày trở thành thói quen xấu.

Anh lơ xe xía miệng:

- Thôi ông già đừng khó chịu, nói thành phố là biết là thành phố Sàigòn rồi. Ông thật kém văn minh, không hiểu biết chi cả.

Ông cười gằn, chẳng thèm nói gì nữa.

Rồi anh lơ xe như ngứa miệng, xoay qua chọc phá hai người thanh niên người Thượng bằng thứ ngôn từ bình dân, pha chút tục tằn mà anh học được đâu đó từ những người thuộc dân tộc thiểu số. Khi anh chọc già quá thì một thanh niên lên tiếng:

- Anh ăn nói không được lịch sự thì nên im lặng là hơn.

Người lơ xe cười hô hố:

- Chà ngon dữ ta, mày ở buôn ra phố hồi nào vậy cà?

- Anh là người bất lịch sự, sao tôi gọi anh là anh mà anh lại kêu tôi là thằng. Tôi không muốn nói với anh nữa đâu!

Anh thanh niên thứ hai bỗng nói bằng tiếng Pháp:

- Im lặng là vàng, chúng ta không cần phải cãi vã với một người như anh ấy.

Vậy là từ đó hai thanh niên Thượng nói tiếng Pháp với nhau và ông Giáo Sư ngồi cạnh tôi cũng góp chuyện với họ một cách rất tương đắc.

Anh lơ xe cười ngặt nghẽo:

- Bây giờ lại nói tiếng Thượng với nhau rồi, chữ nghĩa bao nhiêu mà đòi nói tiếng Kinh chứ. Còn ông già này vô buôn sống hồi nào mà nói tiếng Mọi (!) giỏi vậy cà?

Rồi anh ta cười lên hô hố làm mấy người hành khách cũng cười theo. Tôi thấy khó chịu quá nhưng cũng ráng im lặng, một lát sau có một người đàn bà khá lớn tuổi, ăn mặc xuềnh xoàng lên tiếng:

- Thôi chú đừng đùa lếu láo nữa để họ khinh. Hai thanh niên đó là hai sinh viên đã từng tốt nghiệp Đại Học Pháp Văn về thăm nhà, còn ông bác đây từng là Giáo Sư đó. Họ trò chuyện với nhau bằng tiếng Tây chứ có phải tiếng Thượng đâu. Chú làm sao biết được người ta là ai mà ăn nói hồ đồ như vậy.

Anh lơ sượng sùng không nói nên lời. Thật sự tôi cũng không biết người đàn bà lam lũ ấy là ai.

Khi qua đến bên Mỹ thêm rất nhiều lần nữa, sống cuộc đời tị nạn chúng ta cũng không biết những đồng bào ta là ai. Một nhà văn nào đã nói đại khái là hãy nhìn con ốc nhỏ bé là thế mà nó đã mang cả sóng gió đại dương trong lòng. Chúng ta làm sao có thể để biết về một người khi họ chưa bao giờ nói về họ.

Khi vừa đến nuớc Mỹ, theo học Anh Văn tại USCC( United states Catholic church) tôi đã từng gặp nhiều Bác Sĩ, Kỹ Sư, Luật Sư từ nhiều nước trên thế giới đến tị nạn ở Hoa Kỳ. Họ cũng như chúng tôi bập bẹ những câu tiếng Mỹ nặng nề âm sắc, lãnh trợ cấp, food stamps và áo quần cũ từ những cơ quan từ thiện. Mọi người dường như đều phải bắt đầu bằng con số không và chắc chắn rằng không ai biết họ là ai!

Chị Trân có đứa con gái tuổi đôi tám khi đến nước Mỹ. Nơi làm việc chị quen với chị Hồng qua đã lâu, thỉnh thoảng con trai chị Hồng đã tốt nghiệp kỹ sư đang chờ việc làm cũng hay đến nhà chơi.

Chị Trân là single mom sống trong khu cư xá nghèo, có gia đình anh Mừng là hàng xóm đến Mỹ trước Trân độ một năm hay qua lại trò chuyện giúp đỡ. Một hôm Sinh đến nhà chị Trân thì gặp anh Mừng, chị đang bận dưới bếp thì đã nghe anh đã xách mé hỏi Sinh:

- Con cái nhà ai ở đâu vậy, qua lâu chưa?

Người Việt mình hay có thói quen hỏi qua lâu chưa để so sánh và đánh giá nhau.

Sinh nói:

- Dạ nhà con ở trên kia, con qua chưa lâu là mấy.

- Mầy có làm ăn, học hành gì không?

- Dạ con hết đi học rồi, còn việc làm thì chưa có ạ.

Anh Mừng lớn tiếng:

- Học không học, làm không làm thì không phải là người tốt. Mầy xuống đây làm gì, con gái người ta sắp vào Đại Học đâu có thì giờ mà làm bạn với mầy đâu, nghe chưa?

- Dạ nghe.

Nghe anh Mừng nói chướng tai quá Trân chạy ra phân trần:

- Cháu Sinh là con của bạn tôi, cháu là kỹ sư đã ra trường đang chờ việc làm đó. Cháu Sinh đang hướng dẫn con gái tôi ghi tên vào trường Đại Học vì gia đình cháu qua đây mười mấy năm rồi.

Anh Mừng hơi quê nên vớt vát:

- Vậy sao nó không nói cho tôi hay mà cứ trả lời lừng khừng là sao?

Trân nói:

- Anh có để cho cậu ta kịp nói đâu, chưa chi anh đã tấn công rầm rầm.

Anh Mừng không biết người ta là ai mà đã dạy dỗ người khác một bài học không lấy chi làm thú vị lắm.

Cũng có đôi lúc bạn có lỗi vì bạn không hề nói cho người khác biết bạn là ai. Sở dĩ bạn không nói gì vì bạn không thích khoe khoang, không thích nói về cái tôi của mình nhiều. Bạn nghĩ sao về câu chuyện của một Bác sĩ trẻ ưa đùa dai và hay tự trào.

Trong một buổi tiệc cưới vị Bác Sĩ trẻ được xếp ngoài gần một ông khách khá đứng tuổi. Sau vài phút chào hỏi xã giao ông khách hỏi:

- Cậu làm việc gì vậy?

- Dạ việc của cháu ít người làm lắm!

- Bộ Bác Sĩ hay sao mà ít người làm.

Người thanh niên có hơi phục ông khách trong bụng, ông này có con mắt thật tinh đời mới nhìn mình mà đã đoán trúng phóc nghề nghiệp của mình. Nhưng trong khi người thanh niên đang định khen ông một câu thì ông khách vội nói:

- Úi chà, nói đùa vậy thôi chứ nhìn ông Bác Sĩ là tôi biết liền hà. Cậu không có tướng Bác Sĩ đâu.

- Thế theo bác cháu làm nghề gì nào?

Cậu có bàn tay hơi thô, nước da ngâm ngâm chắc là làm việc bằng tay chân nhiều trong Warehouse. Cũng có thể cậu lái xe Forklift phải không?

- Dạ bác đoán hơi đúng thôi, cháu làm nghề bơm bánh xe lữa!

Ông khách la lên:

- Làm gì có nghề bơm bánh xe lữa, cậu tưởng tôi ngu sao? Cậu mà không làm việc bằng tay chân thì đem đầu tôi ra mà chặt! Rồi ông khách gật gù đắc ý:

- Các cụ ta vẫn nói: nhìn mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon. Mà thôi, các cậu còn trẻ, ở bên Mỹ này lâu rồi làm gì mà biết đến ca dao, tục ngữ của người Việt Nam.

- Thưa bác, nhưng con lợn đâu phải là con người mà bác so sánh như vậy. Có đôi khi chùa đất phật vàng bác ạ! Mà có khi cái áo cũng không làm nên ông thầy tu đó bác.

- Ừ, ừ …cái đó thì còn tùy.

Trông một đám đông nào đó ta sẽ bắt gặp vố số người với nhiều khuôn mặt, nhiều hoàn cảnh, nhiều địa vị khác nhau. Làm sao ta có thể biết về một người nào một cách chính xác, đôi khi kinh nghiệm cũng trở thành vô ích và đôi khi chúng ta bị hố to vì những kinh nghiệm của mình. Và chính những người gần ta nhất, hay những người ta gặp mặt hàng ngày cũng không giúp ta hiểu họ một rõ ràng như ta vẫn tưởng.

Tôi làm việc với Misty nhiều năm nhưng không thân. Cô là một họa sĩ có lối vẽ rất tỉ mỉ, sắc nét, đặc biệt cô vẽ hoa và những sinh vật nhỏ như ong bướm, cái kiến, chuồn chuồn, lady bug, grasshopper… rất đẹp. Misty là một người phụ nữ khá đẹp, cao gầy và khô khan với màu da nâu đỏ. Mọi người cho cô là một người lanh chanh, đi đứng lau chau, hay làm đánh đổ đồ vật và là người hay gặp tai nạn vì sự bất cẩn của mình nhất. Cứ vài tuần thì chúng tôi lại hay tin cô té u đầu, trật chân, trật tay hay đau lưng vì ngã xích đu. Những điều đó chẳng làm ai ngạc nhiên vì Misty lúc nào cũng vụng về, luống cuống trong mọi động tác. Cô lại có cách ăn mặc khác mọi người, lúc nào cũng những chiếc áo đầm bằng vải thô có màu sắc tối tăm, cũ kỹ và mang dép lẹp xẹp quanh năm suốt tháng. Họa hoằn lắm trong những ngày đông lạnh buốt giá, tuyết phủ đầy đường mới thấy Misty mang đôi giày thể thao màu cháo lòng cũ mèm. Thật tình mà nói, Misty thay áo mỗi ngày, đứng gần cô không có mùi hôi hám gì cả nhưng nhìn chung thì cô có vẻ dơ dơ, nghèo nghèo sao đó. Cũng có thể do màu da hay chân tay khô khan, xương xẩu như giò một con gà trống của cô chăng?

Còn góc phòng Misty ngồi thì khỏi phải nói, chai lọ, màu sắc vứt lung tung. Cô không bao giờ dọn dẹp, thu xếp bàn vẽ hay chỗ ngồi của mình. Giẻ lau sơn, giấy má vứt tứ tung từ ngày này qua ngày nọ. Có một ngày tôi nghe Misty la lên:

- Ồ! Con ếch xinh quá, ra đây mà xem!

Tôi hỏi:

- Con ếch ở đâu?

- Con ếch màu xanh có chấm vàng, trông xinh lắm! Nó vừa nhảy vào đống áo quần kia kià!

Cô vừa nói vừa chỉ vào đống giẻ lau sơn ở góc phòng. Tôi nghĩ ngay đến con ếch mà tôi thấy hàng ngày khi ra tưới mấy bụi hoa trước nhà trong những ngày hè nóng bức. Con ếch cũng mang màu xanh tươi, non mấn với những chấm vàng trên lưng, hai con mắt tròn xoe nhảy ra để hứng nước từ chiếc vòi xịt trông thật dễ thương, có lẽ nó nóng quá nên cũng chẳng còn sợ người. Tuy nhiên, đó là con ếch trong bụi cây trong vườn, còn đây là con ếch trong đám giẻ rách trong phòng vẽ. Hai con ếch ở hai môi trường khác biệt nhau đã gây cho tôi những cảm giác hoàn toàn trái ngược! Cũng có thể có vài con nhện, con rết ở đó không chừng. Ghê quá! Thôi mỗi người có sự tự do riêng, dù là tự do bừa bãi, chủ không có ý kiến thì thôi việc chi đến tôi mà nói! Tôi chỉ đề cao cảnh giác tránh xa đám rác rưới ấy là thượng sách.

Misty là vậy đó, trông chẳng sạch sẽ, gọn gàng gì!

Một lần kia chúng tôi đi xem một cuộc triển lãm tranh ở vùng nhà giàu gần bờ sông của thành phố, vô tình chúng tôi gặp Misty cùng người bạn trai nhỏ hơn cô ta gần hai mươi tuổi. Misty từng ly dị chồng vì không có con và thay đổi bạn trai như thay áo. Cô hay phàn nàn là những người bạn trai không tốt với cô nên cô phải tìm người khác. Gặp nhau, Misty có nhã ý mời chúng tôi về nhà chơi vì cô ở trong vùng này. Trước hết tôi xin lỗi vì đã tự nhủ mình:

- A! Tôi chuẩn bị để đi xem cái ổ của cô đây, Misty!

Với lối sống bừa bãi từ tinh thần đến vật chất của Misty, tôi không hy vọng gì nhìn thấy một căn nhà sạch sẽ, đẹp đẽ của cô. Ngày xưa mẹ tôi vốn là một người đàn bà gọn gàng, ngăn nắp bà thường hay la chúng tôi:

- Dọn dẹp đi, đừng để nhà dơ như cái ổ mà người ta cười chê. Đói cho sạch rách cho thơm nghe chưa!

Khi có con, tôi cũng thường hay la đùa các con tôi, nhất là đối với cậu quý tử:

- Dọn cái ổ xong chưa?

- Xong rồi, lên xem cái ổ có vừa ý mẹ không!

Khi đứng trước một ngôi biệt thự khá lớn có vườn hoa vô cùng xinh đẹp, tôi nghĩ có lẽ Misty thuê một căn phòng trong ngôi nhà này và cảm thấy ái ngại cho người chủ kém may mắn nào đó. Nhưng tôi đã lầm. Đó là nhà riêng của Misty mà khi bước vào thì tôi hoàn toàn choáng ngợp bởi sự ngăn nắp, sạch sẽ và lối chưng bày có nghệ thuật của cô. Tôi sững sờ không tin vào con mắt của mình. Một người làm chung với tôi nhiều năm, mặc dù tôi không thân nhưng cũng tiếp xúc nhau hàng ngày. Một người mà trong ý nghĩ tôi là có lối sống luông tuồng trong tình yêu và lộn xộn, thiếu sự tươm tất trong những sinh hoạt hàng ngày lại là chủ nhân một nơi chốn thanh lịch, sang trọng, thơm ngát hương hoa hồng này. Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao một con người lại có hai nơi chốn đối nghịch nhau như vậy. Một Misty bê bối, luộm thuộm, với một góc phòng vẽ quá bừa bải, mất vệ sinh và một Misty trong ngôi nhà được trau chuốt sạch sẽ, bóng loáng từ trước ra sau, từ sân vào nhà.

Còn đây là câu chuyện một người con trai học hành không đến nỗi tồi tệ, địa vị trong xã hội cũng không bết bát lắm nhưng phải cái tội là lè phè quá đáng. Mẹ cậu thường hay phàn nàn con về điều này. Dĩ nhiên người mẹ cũng không muốn có người con trai chải chuốt hay chưng diện quá mức, bà thường nói:

- Mẹ không cần con phải quá chăm sóc nhiều về bề ngoài, nhưng đôi lúc mình phải làm cho cách ăn mặc mình tương xứng với nghề nghiệp con ạ!

- Để làm gì?

- Để tránh những sự hiểm lầm của những người chung quanh.

Người trai cười to:

- Thì đã sao! Mẹ không thấy Dr.Wilson à, ông ta như vậy thì có làm phiền ai đâu. Áo ngắn, áo dài, đồ lớn, quần short thì ông ta cũng là Doctor Wilson thôi mẹ ạ!

Cái ông Doctor mỗi buổi sáng mặc cái quần short cũ rích chạy vòng vòng ngoài đường. Quanh năm suốt tháng không thèm mặc áo chemise hay đóng bộ. Đi dạy thì diện quần jeans bạc thếch với mấy cái áo thung xộc xệch, tóc râu như người homeless, họa hoằn lắm mới thấy ông khoát chiếc blouson màu nâu không biết mua từ thập niên nào. Với cái bề ngoài nghèo nàn như thế mà ông là một vị giảng sư nổi tiếng trong một trường Đại Học lớn trong thành phố và đã tận tình giúp đỡ từ tinh thần đến vật chất cho bao nhiêu sinh viên nghèo.

Không biết Doctor Whilson đã ở trong ngồi trường Đại Học đó từ bao giờ, chỉ biết Doctor Henson là một đồng nghiệp trẻ hơn ông kể lại rằng:

- Hồi xưa khi tôi còn học Trung Học, thấy Doctor Wilson chạy tập thể dục ngoài đường, tôi đã nghĩ đó là một người điên. Không ngờ rằng ông là một bậc thầy khả kính trong trường đại học này.

Bà mẹ đã gặp Doctor Wilson trong ngày dự lễ ra trường của con trai và bà hoàn toàn đồng ý những nhận xét của Doctor Henson.

Không thuyết phục được con trai mình bà mẹ cũng đành chịu thôi, nhưng đôi lúc bà cũng thực sự bực mình vì sự lè phè của con.

Một lần vào ăn ở một tiệm Việt Nam, người mẹ và con gái gọi món ăn trước và trong lúc mẹ con đang trò chuyện thì người bồi bàn là một người đàn ông khoảng bốn mươi tiến đến bàn nhìn người con trai rồi hất hàm:

- Ê, ăn gì thì gọi lẹ đi!

Trong khi người con trai đang đọc menu thì ông ta hối:

- Ăn cái gì nói lẹ lên đi cha nội, còn ngoài đó mà đánh vần.

Người mẹ nóng máu vội la lên:

- Ông biết con trai tôi là ai không mà nói cái giọng xách mé đó. Vừa phải thôi nghe!

La lối xong bà cảm thấy ân hận ngay, bà nghĩ đến một cô giáo ngày nào lấm lét nhìn anh công an mặc bộ đồ vàng ở một góc phố. Cô cố giấu mấy trái bắp luộc trong cái rổ nhưng vẫn không qua mắt được người công an. Anh ta chỉ vào tờ giấy dán trên tường rồi lên giọng:

- Cấm buôn bán linh tinh ở đây! Chị không biết đọc à?

- Dạ không!

Anh công an cười gằn:

- À ra thế, nếu mù chữ thì phải tham dự những buổi học đêm nghe chưa? Đã dốt mà còn lười!

- Dạ nghe!

Người công an ngày nào cũng hành xử giống như người bồi bàn trong tiệm phở này bởi họ không biết và cũng chẳng cần biết người họ đang đối diện là ai.

Và cũng người con trai đó, cũng lối ăn mặc đó một lần đưa mẹ vào một cơ quan nhà nước để làm một số giấy tờ quan trọng thì sự tiếp đón lại khác xa dù họ cũng chẳng biết anh ta là ai. Người tiếp xúc với hai mẹ con là một người Mỹ đứng tuổi với lối nói thật lịch sự:

- Xin ông cho biết ông liên hệ ra sao với bà đây?

- Tôi là con trai của bà ta. Tôi đi theo để giúp mẹ tôi chút ít.

- Dạ, tốt lắm! Xin ông cảm phiền cho tôi biết có phải ông đang đi làm không và làm ở đâu ạ!

Khi biết được nghề nghiệp của anh ta thì ông không dấu được vẻ ngạc nhiên và thích thú:

- Ồ, hân hạnh được biết ông, ông quá trẻ đối với nghề nghiệp này. Tôi cũng có một người con trai đang theo học ở trường Đại Học đó!

Người thanh niên này là một giảng viên Đại Học. Dĩ nhiên người đàn ông kia cũng chẳng biết anh thanh niên là ai. Ông làm nhiệm vụ của ông nhưng bằng lối nói chuyện lịch sự và tôn trọng người ngồi trước mặt mình thì ông chẳng có gì phải ân hận hay giảm giá trị của chính ông nếu anh ta là ai đi nữa.

Người xưa hay nói: biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Dù mình không biết người đi nữa thì thái độ lịch sự, trân trọng cũng giúp ta đỡ vướng vào những trường hợp dở khóc, dở cười! Và còn đời sống này với bao sự thay đổi nào ai đoán được. Những điều ta thấy hôm nay có thể sẽ không tồn tại trong những năm tháng sau và sự bí mật của mỗi đời người luôn luôn vẫn là những bí mật mà không ai tìm hiểu nổi.

Người này là ai?

Chúng ta vẫn không thể biết người đang đối diện mình là ai và có phải chăng những bí mật lạ lùng đó là một trong những nét tuyệt diệu của đời sống và gây những ngạc nhiên thích thú cho mỗi chúng ta. Đời sống sẽ thi vị hơn bởi còn mang những điều chưa ai biết được/.

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
26/11/201308:00:00
Khách
Có Câu: Hoạ Hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri Tâm...
16/11/201308:00:00
Khách
Bài rất hay, mong tác giả tiếp tục viết thêm nữa !
Kính,
Yvonne Tran
16/11/201308:00:00
Khách
Tôi rất tâm đắc với bài viết này! Xin cảm ơn tác giả.
16/11/201308:00:00
Khách
Bai ra hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến