Hôm nay,  

Xin Thượng Đế Ban Phúc Cho Nước Mỹ

26/10/201300:00:00(Xem: 28410)
Người viết: Nguyễn Thế Bài
Bài số 4045-14-29445vb7102613


Tác giả là cư dân North Carolina, chỉ vừa định cư tại Mỹ hai năm bẩy tháng. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60, thân mang bệnh tật, tự chọn cho mình cách sống theo kiểu một loài chim đầm lầy vùng sông Nile Ai Cập, là “làm vệ sinh răng miệng cho cá sấu”. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.

* * *

God Bless America là bài ca yêu nước do Irving Berlin viết năm 1919 và được chính ông chỉnh sửa lại vào năm 1938, dưới hình thức một lời cầu nguyện, xin Thượng Đế ban phúc lành và hoà bình cho nước Mỹ. Trong buổi trực tiếp truyền hình vào tối ngày 11 tháng 9 năm 2001, - ngày tấn công khủng bố – sau diễn từ của hai nhà lãnh đạo Thượng Viện và Hạ Viện, các thành viên Quốc Hội Mỹ đã đồng loạt biểu lộ cảm xúc bằng một đoạn bài God Bless America.

Tôi cũng muốn dùng tâm tình và ca từ của bài hát nầy, để phần nào bày tỏ lòng biết ơn của chúng tôi đối với nước Mỹ.

*

Trước năm 2011,nếu có ai hỏi tôi nghĩ thế nào về nước Mỹ, tôi sẽ trả lời ngay: tôi không yêu cũng không ghét nước Mỹ. Tôi tròn hai mươi, khi tổng thống Mỹ Richard Nixon và ngoại trưởng Henry Kissinger, bằng “ngoại giao bóng bàn”, đã bắt tay với Trung Cộng và sau đó là Việt-Nam-hoá chiến tranh. Thế cờ đã định: Người Mỹ có lý do của họ. Họ cần rút lui mà vẫn giữ thể diện, không muốn tiếp tục sa lầy trong một cuộc chiến, mà gần sáu mươi ngàn con em họ đã hy sinh tính mạng,cùng hàng trăm ngàn người mang thương tật cả về thể lý lẫn tâm lý, càng không thể tiếp tục rót những khoản viện trợ khổng lồ, mà theo họ, sẽ chẳng mang lại một kết quả tích cực nào. Dân chúng Mỹ bị tuyên truyền phản chiến, quá mệt mỏi sau Thế Chiến Thứ Hai (1939 – 1954) và sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), không muốn can dự vào các cuộc chiến, mà theo họ là “nội chiến”, dù là để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản đang bành trướng từ Liện Xô sang các quốc gia Đông Âu, lăm le nhuộm đỏ Á Châu, với Trung Cộng (1949), Bắc Triều Tiên (1950) và Việt Nam (1945).

Rồi Miền Nam bị thất thủ. Từng làn sóng người dân Miền Nam tìm đủ cách để thoát khỏi ách cai trị của chế độ cộng sản: sợ bị trả thù tàn khốc, sợ phải chịu cảnh nô lệ nghèo đói, sợ bị đối xử như súc vật. Không ai thống kê được con số những người đã bỏ mình trên biển cả đại dương,vì nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân nào cũng đau đớn, xót xa: đói khát, gió to sóng dữ đập vỡ, nhấn chìm những chiếc ghe tàu mong manh như những chiếc lá tre, như những món đồ chơi. Những cảnh bị sa vào tay hải tặc, chỉ nghe thôi đã khiến kinh hoàng, căm hận tận xương tuỷ.

Và nước Mỹ đã giang tay đón nhận họ, những “thuyền nhân”, giúp đỡ họ nơi ăn, chốn ở, cơ hội làm việc, học hành, sống xứng nhân phẩm và xây dựng tương lai. Hơn thế nữa, họ có quyền trở thành công dân Mỹ thực thụ, hưởng mọi quyền lợi và làm các nghĩa vụ xây dựng quê hương mới nầy của họ. Ông Trời không tuyệt đường sống của con người. Từ những cơ cực, cay đắng, hiểm nguy, khi đến được bến bờ tự do, họ lại đem được người thân sang sinh sống hợp pháp bên cạnh họ, hưởng đời sống tinh thần tự do và đời sống vật chất dồi dào. Anh em tôi cũng ở trong dòng người tỵ nạn, đi tìm tự do. Con cháu tôi được nước Mỹ quảng đại cưu mang. Và đến lượt vợ chồng tôi được hưởng chính sách đoàn tụ với anh em, con cháu và con gái tôi. God bless America. Xin Thượng Đế chúc phúc cho nước Mỹ.

“Chúa chúc lành cho Mỹ Quốc, đó là nhà của tôi, ngôi nhà ngọt ngào, êm ấm của tôi!”(God bless America, my home, sweet home!).

Nhưng tôi thích hơn những câu trong bài “America, The Beautiful”, do ai đó ngẫu hứng phóng tác (vì hiện vẫn chưa có lời Việt):

“Mỹ Quốc ơi, Mỹ Quốc ơi, Chúa ban ơn lành cho Bạn.
Và đội vương miện cho Bạn vì bạn đối xử tốt với anh em.
Từ biển này đến biển sáng ngời.
Mỹ Quốc ơi, Mỹ Quốc ơi,
Chúa sửa đổi những khuyết điểm của Bạn,
Ngài giúp cho linh hồn Bạn được tự chủ,
Giúp cho Bạn được giải phóng trong luật pháp.”


(America! America! God shed His grace on thee, And crown thy good with brotherhood. From sea to shining sea. America! America! God mend thine ev'ry flaw, Confirm thy soul in self-control, Thy liberty in law).

*

Tôi biết ơn nước Mỹ đã đón nhận và cưu mang con gái tôi.

Con gái tôi nay đã yên bề gia thất. Vợ chồng chúng tôi vui mừng và hạnh phúc vì có mặt trong ngày trọng đại nhất đời người của con gái, bù lại những năm tháng xa cha mẹ, một mình xoay xở để học hành và mưu sinh. Tốt nghiệp ngành kinh tế, nhưng con gái tôi muốn tìm một công việc không bị gò bó và có thu nhập. Và như hàng trăm ngàn phụ nữ người Việt khác, nó vừa làm thợ, vừa quản lý một tiệm “nail spa” khá quy mô và được chủ tín nhiệm giao phó toàn quyền.

Vợ chồng tôi sống cùng con gái và con rể, nhưng không phải do con gái tôi bảo lãnh (mà do người anh vợ). Biết ý tôi không muốn đi Mỹ, do tuổi tác, bệnh tật, không muốn làm gánh nặng cho bất cứ ai, vả lại đời sống vật chất của chúng tôi ở một thành phố biển khá đầy đủ, dù không cần đến “tiền viện trợ” từ Mỹ từ con gái hoặc anh em, con gái tôi làm áp lực bằng việc tuyên bố sẽ không lấy chồng, cho tới khi vợ chồng chúng tôi sang đoàn tụ.

Sợ chúng tôi mang mặc cảm sống nhờ nhà con rể, con gái tôi đã mua nhà riêng và sắm đủ tiện nghi, thiết bị điện tử trong nhà cũng như trong phòng dành cho chúng tôi. Thấy con gái làm việc vất vả, đi sớm về tối, chúng tôi muốn làm những việc trong khả năng, để chia sẻ, đỡ đần cho con gái: vợ tôi lo công việc nội trợ, chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, lau dọn nhà cửa, để con gái và con rể không phải bận tâm trước, trong và sau giờ đi làm.

Phần tôi, lấy cớ vận động chân tay để giữ sức khoẻ, tôi dọn khu đất nhỏ phía sau và bên hông nhà và trồng rau củ quả. Biết tính tôi thèm làm việc và không thể ngồi yên một chỗ, con gái tôi đành để tôi mua sắm nông cụ và lên kế hoạch trồng trọt, chăm nom vườn tược. Ở Việt Nam, tuy cha mẹ là nông dân, tôi chưa hề làm vườn, nhưng nhờ học hỏi từ các đồng hương sinh sống trong vùng (vốn cũng thích làm vườn) và mở Internet tra cứu, năm nào với mảnh vườn tí hon, chúng tôi cũng dư thừa các loại rau quả, như các loại cải, rau muống, mùng tơi, cà chua, cà dĩa, cà pháo, dưa leo, mướp hương, mướp đắng, su su và các đủ các loại rau thơm. Nhiều lần phải hái đem tặng hàng xóm người Mỹ, trao đổi chuyện trò rôm rả thật vui. Nhiều loại hoa được trồng, cho hoa thơm lừng trong mùa hè và mùa thu. Khi ngồi tính lại, thấy tiền phân tro, tiền nước có khi còn nhỉnh hơn tiền để mua ở chợ các thứ rau củ quả sản xuất ra, nhưng tôi thấy hạnh phúc, vì tạo được niềm vui cho bản thân và gia đình. Con gái có vẻ an tâm, khi thấy tôi khoẻ mạnh và vui vẻ hơn.

Lời đầu tiên con gái nhắc nhủ, khi chúng tôi từ gia đình người anh vợ về sống với nó, là: “Con sẽ thuê giáo viên tập lái xe cho Bố Mẹ. Ở Mỹ, xe là chân. Không có xe hoặc không lái xe được là cụt giò. Bố mở Internet và giúp Mẹ học lý thuyết. Muốn mua loại xe gì, cứ tìm kiếm, chọn lựa rồi báo cho con biết”. Sau những giờ làm công việc nhà cửa,vườn tược, ông thông gia tương lai lấy “truck” đưa chúng tôi đi hết bãi xe nầy, đến “dealers” khác. Suốt hơn một tháng vẫn không nhắm được một chiếc xe “vừa ý”: lúc đầu tìm những xe đã qua sử dụng có giá khoảng trên dưới năm ngàn đô-la. Loại xe đó không có ở vùng nầy hoặc quá cũ, nhìn vào con số “mileage” thôi, đã vội rút êm.

Sau khi bàn bạc với ông thông gia, chúng tôi quyết định tăng lên tám ngàn rưỡi. Cũng thất bại. Cuối cùng, đành làm liều đi tìm mua loại xe khoảng trên dưới mười nghìn rưỡi. Vẫn không có kết quả. Vợ chồng tôi đi thi lấy bằng tạm (lý thuyết) và bỏ ngang cuộc lùng tìm, để đi dự đám cưới con của cháu gái ở San Jose. Khi rời Bắc Cali để ghé Denver thăm gia đình em gái của vợ tôi, con gái tôi gọi điện, báo cho biết nó đã mua xe cho chúng tôi, một chiếc Honda Civic đời 2013 mới cáu cạnh. Nó nói:

“Bố Mẹ mua xe cũ, chẳng may nó dở chứng, con đâu có thể bỏ việc đi dắt về. Rồi “ba đấm bằng một đạp”, tiền sửa linh tinh còn tốn hơn cả tiền mua xe mới”. Gần hai chục ngàn. Con gái lại trả góp, chứ nhất quyết không đụng đến số tiền chúng tôi dành phần và đưa sang cho nó. Anh và em trai nó đã nhận phần là một căn nhà ở Sàigòn. Đã vậy, con gái tôi còn làm một thẻ “debit card” giao cho vợ chồng tôi và dặn dò “cứ chợ búa, mua sắm thoải mái”. Khi có người hướng dẫn chúng tôi xin trợ cấp tem phiếu hoặc các phúc lợi xã hội khác, con gái tôi gạt ngay: “Hãy dành cho những người khác cần hơn mình. Con còn đủ sức lo cho Bố Mẹ. Ở Mỹ, chỉ lo bệnh tật, nhưng Bố Mẹ – nhất là Bố – được hỗ trợ, mà!”.

Quả thật, sau mấy lần nằm viện, tôi đều được miễn giảm toàn bộ (discount 100%). Tất cả những người thân, bạn bè của tôi đều khen con gái tôi. Thân gái một mình, phải hết sức can đảm, mạnh mẽ và đầy nghị lực mới có thể tạo cho mình cuộc sống như vậy: mua được nhà, sắm xe hơi Lexus X350, trang bị đầy đủ tiện nghi trong nhà, mà một trong các mục đich chính là để đón Bố Mẹ sang đoàn tụ.

Tôi biết ơn nước Mỹ: xã hội Mỹ dành nhiều cơ hội và tạo những thuận lợi cho những ai muốn làm việc, muốn học hành trau dồi và muốn tiến thân. Cầu xin Thượng Đế chúc phúc cho quốc gia và dân tộc nầy.

*

Tôi biết ơn nước Mỹ vì đã đón nhận và cưu mang anh chị em, con cháu tôi.

Sau khi đến Mỹ, ổn định công ăn việc làm và nhập quốc tịch Mỹ, anh vợ tôi lo bảo lãnh cho mẹ vợ tôi (bấy giờ đang sống với chúng tôi) và cả gia đình chúng tôi. Vợ chồng tôi và hai đứa con đã có thể dễ dàng “vượt biên” cùng lúc với anh (vì chính tôi lo “đường dây”), nhưng tôi dửng dưng với việc đi Mỹ, một phần – như tôi đã nói - “tôi không ghét, nhưng cũng không thích nước Mỹ”, một phần vì thấy quá mạo hiểm (nhiều người bạn tôi đã không bao giờ tới nơi); cuối cùng là khi ấy mẹ tôi vừa qua đời, chỉ còn người cha già thui thủi một mình. Mẹ vợ tôi sang đoàn tụ với con cái, nhưng bị tai biến não và từ trần sau ba năm ngắn ngủi sống ở Mỹ.

Ngày xưa, anh vợ tôi khá “lè phè”, sống rất “công tử”. May mắn là không dính vào nghiện ngập, trai gái. Một chút cờ bạc, nhưng chỉ giải trí ba ngày xuân hoặc khi bạn bè thân thiết rủ chơi cho đủ tay, chứ không say mê. Sau 1975, khi nhà nước cho gửi hàng về, anh hướng dẫn tôi “chạy” hàng “imex”: mua lại các phiếu mua hàng “imex” và bán cho các tiểu thương. Anh mất hẳn dáng “công tử”, chí thú làm ăn và hết sức tiết kiệm. Sang bên nầy, anh làm hai “jobs”. Anh thường đùa với chúng tôi: “Cần cù bù thông minh. Ngày xưa mình không chịu học đến nơi đến chốn. Nay phải dùng chân tay mà cày”. Sau năm ngày làm việc, ngày thứ bảy và Chúa Nhật, anh đi cắt tóc cho lính. Vất vả, tê cứng chân tay sau mỗi ngày làm việc do giữ mãi tư thế đứng và động tác cắt. Anh nói: “Ở nhà cũng buồn. Làm thêm việc vừa vui, vừa có thêm thu nhập để có thể giúp bà con, anh em ở quê nhà gặp khó khăn”. Đứa con trai một ham thể thao hơn học hành, trong xe luôn đầy banh và giày, rồi cũng tốt nghiệp ngành kỹ thuật thiết kế (engineering) và đi làm. Nó hầu như không ăn ở nhà, vì không ăn được thức ăn Việt Nam, nhưng không bao giờ mở miệng chê bai. Dù không biết đọc và viết, nó nói tiếng Việt rất chuẩn giọng Bắc của Mẹ và văn vẻ hơn bất cứ ai cùng trang lứa. Chị dâu chúng tôi thuộc “týp” người khá đặc biệt: ở Mỹ gần ba chục năm, Chị vẫn ngày ngày lái xe đi làm và về nhà theo một lộ trình hầu như không thay đổi. Hôm nào có “sự cố” giao thông, là Chị bối rối và phải nhờ hướng dẫn. Thú vui của Chị là xem phim Hàn quốc (lấy đi của Chị không ít nước mắt mỗi tối) và shopping ngày thứ bảy.

Khi mới sang, đi thăm tầng hầm (basement), nhìn những dãy chất đầy mì tôm, giấy vệ sinh, quần áo và đồ đoàn linh tinh, tất cả đều còn mới, vợ tôi bèn hỏi: “Bộ Chị tính mở khách sạn hay sao?” Anh vợ cười: “Chị bây hễ thấy bán hạ giá là mua. Mua về cất đó, nguyên cả gói, rồi quên. Thỉnh thoảng lại phải dọn đem cho từ thiện. Đâu phải ở Việt Nam, mà đem cho con cháu hoặc người nghèo”.

Cuộc sống sung túc, ổn định của gia đình anh vợ tôi là một phép lành Thượng Đế ban cho, thông qua nước Mỹ. Xã hội Mỹ không bạc đãi những ai nghiêm túc sống và chăm chỉ làm việc. Tôi biết ơn nước Mỹ. Xin Thượng Đế chúc lành và ban hoà bình cho nước Mỹ.

*

Ở Denver, Colorado, chúng tôi còn có vợ chồng và con cái cô em vợ. Cũng là một cách sống khá đặc biệt: mua nhà to đùng tiền triệu trên một ngọn núi, mà khi đứng ngắm quang cảnh ngút ngàn thông xanh, thấp thoáng trên những đỉnh núi khác chung quanh cũng có những ngôi nhà to lớn không kém.

Tôi đặt cho “ngọn núi” của người anh em cột chèo là “Võ Đang”, còn những “ngọn núi” và toà nhà kia là “Thiếu Lâm”, “Nga Mi”, v..v... “Chưởng môn Nga Mi” ở đỉnh cao nhất, nghe nói là một phi công trực thăng. Rõ ràng phương tiện tốt nhất để lên cho được đỉnh núi cao ngất ấy, chỉ có trực thăng! Vậy mà ngày ngày mấy đứa cháu tôi phải dậy sớm, ăn uống qua loa rồi cha hoặc mẹ vội vàng cho “hạ sơn”, ngày nào cũng vội vội vàng vàng, để kịp xe bus. Hôm nào ngủ nướng và hụt xe bus, vợ chồng lại phải mất nhiều thời giờ chở tới trường. Âu đó cũng là một thứ kỷ luật rèn giũa cho con cái.

Cô em vợ là một thợ thẩm mỹ lành nghề, trong khi cột chèo của tôi, sau khi mở subway ế ẩm, làm việc cho bưu điện và rất có uy tín. Thú vui của “chàng”, giống như những người “tu tiên thoát tục” ở những núi cao, là làm thơ, những vần thơ giúp ích không ít, vì đã cưa đổ cô em vợ tôi. Lo làm ăn, vợ chồng người em gái ít quan tâm dạy con cái nói tiếng Việt, cho nên mấy đứa cháu gái của chúng tôi không biết viết, đọc, mà cũng chẳng nói được tiếng Việt. Khi cha mẹ chúng đi du lịch Châu Âu, gửi ba đứa nhỏ nhất xuống với chúng tôi, thì bất đồng ngôn ngữ xảy ra giữa những người gốc Việt: vợ tôi khi ấy chỉ lõm bõm vài từ tiếng Anh (và phát âm khủng khiếp: “iếc” thay vì “eat” hoặc “gâu gâu” thay vì “go go”), trong khi ba đứa cháu gái không biết một từ tiếng Việt nào. May mà chân tay bổ sung cho lời nói trong suốt hơn năm tuần lễ. Tuy vậy, những đứa con học rất giỏi, được học bổng và nhiều bằng khen. Nhiều lần vợ chồng tôi rủ rê bán nhà, về đây sinh sống cho có chị có em, vợ chồng cô em vợ đều trả lời: “Sống ở đây quen rồi, vả lại cũng có anh chị em ruột thịt, tuy hơn xa một chút, nhưng cũng thường xuyên liên lạc và đi thăm nhau”.

Cám ơn Thượng Đế. Cám ơn nước Mỹ. Ba mươi năm không phải là một quảng thời gian dài, thế mà anh chị em chúng tôi đều tạo được cho bản thân và gia đình cuộc sống sung túc, ổn định và một tương lai tuơi sáng và đầy hy vọng. Thế hệ thứ hai sẽ thành những công dân hữu ích. Xin Thượng Đế ban phúc lành vá hoà bình cho quốc gia và dân tộc Mỹ.

*

Trong tâm tình biết ơn, khi ngồi trong chuyến bay đưa vợ chồng tôi đến với một đất nước hãy còn xa lạ, nhưng được đoàn tụ với những người thân yêu nhất, tôi chợt có ý định làm một điều gì đó, để bày tỏ lòng tri ân. Và quyết định viết một cuốn sách về nước Mỹ hình thành, với những hiểu biết và tài liệu tôi có về nước Mỹ, sẽ được bổ sung qua kho tài liệu trên Internet. Một tựa đề chợt nảy ra trong đầu, cũng là nội dung chính của cuốn sách: “DIES IRAE” - Day of Wrath” (Ngày nổi giận), gợi lại thảm kịch kinh hoàng “11 tháng 9” do bọn khủng bố không còn tính người, gây ra cho nước Mỹ và những sự kiện, biến cố liên quan, như Nga, Trung Quốc, Hồi Giáo vá các cuộc chiến mà nước Mỹ can thiệp vào (chiến tranh Triều Tiên, Việt Nsm, Vùng Vịnh, Afghanistan) và cái nhìn về xã hội Mỹ.

Nghỉ ngơi vài hôm sau khi tới Mỹ, tôi cắm đầu vào lùng sục tài liệu và ghi chép. Với vốn liếng tiếng Anh hãy còn i tờ, cuốn tự điển và phần mềm “tự điển Lạc Việt” được sử dụng tối đa. Thế rồi công sức bỏ ra trong ba tháng cũng đã cho kết quả: cuốn sách 300 trang hoàn tất. Tôi gửi bản thảo đi và Nhà xuất bản Dorrance Publishing Co (Pittsburgh) đồng ý in ấn và phát hành. Bản thảo gửi đi, thì tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu và giải phẫu do viêm nhiễm túi mật.

Nhà xuất bản gửi hợp đồng: tôi phải ứng 13,500 đô la phí in ấn và phát hành. Hợp đồng ghi sẵn phần ăn chia sau khi sách được phát hành và quảng cáo trên 300 trang mạng (websites) trong hệ thống mạng liên kết với nhà xuất bản. Số tiền quá lớn. Tôi thành thật trình bày hoàn cảnh của mình, cám ơn họ và đành tiếc nuối gác lại, tự an ủi mình là đã cố gắng hết sức, song “lực bất tòng tâm”.

Chỉ hai tuần sau, khi tôi vừ xuất viện, Dorrance Publishing Co. gửi một hợp đồng khác, với những điều khoản xuất bản và ăn chia rất ưu đãi: họ sẽ làm e-book và cho lên mạng. Tiền tôi phải ứng chỉ có 980 đô la, chủ yếu để trả công sửa bản thảo, thiết kế bìa và cho lên mạng. Số tiền nầy không khó trả, nhưng lúc ấy “bill” bệnh viện Cone Health tới tấp bay về, tổng cộng gần môt trăm ngàn đô la. Tôi kinh hãi, nhưng vẫn an tâm vì trong khi nằm viện, một cô nhân viên xã hội (social worker) đã bảo đảm tôi sẽ xin được miễn giảm 100%, do hoàn cảnh mới di dân (new immigrant), không có việc làm, không có bảo hiểm y tế (health insurance). Nhưng nếu tôi cho in sách, có nghĩa là có thu nhập, dù khả năng “ăn chia” và số tiền nhận được (sau mỗi ba tháng) chắc chắn không bao nhiêu (và tôi cũng chỉ mong lấy lại được số vốn bỏ ra là thoả mãn lắm rồi!). Có thu nhập đồng nghĩa với viêc phải thanh toán viện phí, không chỉ lần nầy, mà về lâu về dài.

“Cái khó bó cái khôn”: giấc mơ không thành, nhưng tôi thấy lòng mình thanh thản hơn. Tôi gửi “file” cuốn sách tặng người thân, anh em bạn hữu làm quà mừng Xuân. Khi biết chuyện, con gái tôi trách cứ, cho rằng tôi đã bỏ lỡ một dịp may và nó hoàn toàn có thể hỗ trợ việc xuất bản nầy. Tôi chỉ cười mà không phân tích cho nó những hệ quả “tai hại”. Cũng là một kỷ niệm đẹp trên đất nước Mỹ và lời cám ơn thầm kín đối với quốc gia và dân tộc Mỹ, một dân tộc và một quốc gia “ unum e pluribus” (one out of many). Tôi có cảm tình với dân tộc và quốc gia nầy. Tôi biết ơn đất nước và nhân dân Mỹ. Xin Thượng Đế ban phép lành cho đất nước và dân tộc nầy. God bless America, America,The Beautiful, trên cả tuyệt vời.

Nhưng dù ai muốn nghĩ và đánh giá thế nào, dù bản thân nhận được nhiều ưu đãi to lớn không thể có ở bất kỳ quốc gia hoăc nơi chốn nào khác, - không chỉ cho riêng tôi, mà cho hết thảy những ai đến tìm nương tựa “home,sweet home là America” nầy, bất kể giàu có hoặc trắng tay, bất kể màu da, chủng tộc, bất kể trình độ nào – tôi vẫn chỉ đang biết ơn nước Mỹ và nhân dân Mỹ, muốn nói lời cảm tạ về tất cả.

Tôi mới đi được một nửa hành trình cần có để nước Mỹ chấp nhận tôi làm thành viên chính thức trong cộng đồng “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ” và cũng là thời gian còn lại để tôi xét mình có thật sự yêu quê hương mới nầy không, để quyết định xin ở lại, xin nước Mỹ và dân tộc Mỹ đón nhận người con chẳng còn đóng góp gì được về vật chất cho nước Mỹ và xin chọn nơi nầy làm quê hương, hoặc mang nặng món nợ tình với lòng biết ơn khi quyết định về lại Việt Nam.

Trong mọi tình huống, ngày ngày trong sinh hoạt, trong cầu nguyện, chúng tôi vẫn luôn chân thành:

XIN THƯỢNG ĐẾ CHÚC PHÚC CHO NƯỚC MỸ – GOD BLESS AMERICA.

Vào Thu 2013.

Nguyễn Thế Bài

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,663
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến