Tác giả: Trương Tấn Thành
Bài số 4044-14-29444vb6102513Tác giả đã nhận giải danh dự Viết
Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành
giáo dục, làm việc trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ
và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.* * *
Công việc hàng ngày của tôi là chăm sóc các restrooms cho một công viên
ở trung tâm thành phố nơi mình ở. Sau nhiều năm “lão luyện” trong công
việc, mình đã tìm ra được chân lý của cuộc sống từ những nơi tuy
không cao sang này nhưng không một ai …dám coi thường này.
Mỗi sáng khi bắt đầu làm công việc dọn dẹp sạch sẽ nơi “bất khả
từ” này, mình đã trở thành, phải nói là, một lãnh chúa đầy uy
quyền! Khi tấm bảng “Not Ready”, chưa sẵn sang, đặt trước cửa dãy
restrooms thì dù có ông chánh văn phòng hay bà giám đốc cũng đành ôm
bụng bước đi. Từ đó mà mình mới thấy được mình có một thứ uy
quyền …tối thượng!
Số là chung quanh dãy restrooms ở công viên này đa số là cơ quan chánh
phủ tiểu bang và giờ bắt đầu làm việc thường là chín giờ sáng. Các
ông, bà, cô nhân viên thường đến sớm, đi bộ ách xơ xai chung quanh bờ
hồ để tán gẫu với nhau trong khi chờ công sở mở cửa. Riêng mình thì
bắt đầu công việc từ lúc bảy giờ.
Công viện mỗi sáng của mình là dọn dẹp sạch sẽ, tẩy uế và thay
những cuộn giấy vệ sinh mới. Khi mình đang làm việc thì “ngoại bất
khả nhập”, phải chờ cho đến khi làm xong mới được vào. Tuy nhiên vì
mình rất thông cảm với cái nguy cấp của những khi “dừng không đặng”
của đồng loại cho nên…
… Khi nhìn một khuôn mặt hoa đang tươi bị …héo lại thì mình cầm lòng
không đặng liền ra dấu cho “khách” vào để xả bầu tâm sự liền! Chỉ
trong vài phút sau thôi, trước khi rời đi thì có một ánh mắt biết ơn
chiếu vào mình. Thường mình bị người làm chung phòng ban có ý cười
ngạo vì công việc hạ đẳng của mình. Lúc đầu mình cũng buồn lắm
nhưng càng về sau mình mới càng “giác ngộ” để thấy rằng công việc
này coi vậy mà cũng đem lại cho mình một niềm vui mỗi ngày.
Ngoài việc không bao giờ từ chối sự …khẩn khoản cấp bách, lúc nào
mình cũng dành cho “khách” một vẻ mặt vui tươi và những câu nói đầy
sự thông cảm. Nhờ vậy mà mình cũng thường được nhận hai tiếng cảm
ơn dễ thương. Chỉ bao nhiêu đó làm cho mình thấy vui hẵn lên với công
việc hằng ngày bị thiên hạ cười chê này.
Có hôm cả bà boss của mình trong một lần chạy bộ ách- xơ -xai cũng
phải đến nhờ mình giúp đỡ để được “nhẹ người” mà chạy tiếp. Có
những sáng sớm mình giựt mình khi thấy có người bạn homeless đang
nằm co ro trong góc dãy nhà. Thay vì gọi mấy nhân viên giữ an ninh tới
thì mình nhỏ nhẹ mời họ rời đi để mình làm phận sự trong sự cảm
thông lúc mạt vận của một con người. Rồi có lần mình bắt gặp một
cặp nam nữ nằm ôm nhau để ngủ qua đêm có lẽ vì phải rời bỏ tổ ấm
gia đình của cha mẹ không nơi nuơng tựa, mình cũng nhẹ lời mời họ ra
đi.
Trước dãy restrooms có mấy trụ dựng tàn thuốc lá và phần còn lại
của điếu thuốc thiên hạ vứt bỏ đi, theo như công việc trong ngày của
mình thì trút bỏ hết vào bao rác. Từ khi mình thấy mấy ngưòi
homeless thu lượm mấy mẫu tàn thuốc đó để vấn lại hút thì mình bỏ
vào một thùng nhựa con để vào một góc dành cho họ. Mình nhớ lại
cái cảnh ghiền thuốc khi còn trong tù cộng sản phải đi tìm những
“con dế nhũi”, mẩu tàn thuốc dư, để mà vấn với giấy bao xi măng để
hút cho qua cơn không ngờ giờ đây lại thấy tái diễn lại cảnh này ở
tại nơi đây. Mỗi lần nhận được tiếng “thank you” nồng nhiệt từ một
anh bạn ghiền homeless mình thất vui lây với cái vui của ngưòi bất
hạnh.
Từ dãy restrooms này mình có được một quan niệm mới về công việc
mình đang làm. Nó nhỏ nhoi và có lẽ “thấp hèn” thật, nhưng có biết
bao người đang mong muốn có được công việc như mình trong thời kỳ kinh
tế khó khăn này. Thay vì chán ghét nó, dần dà mình cảm thấy yêu nó
hơn vì đã đem lại niềm vui cho người khác.
Cũng từ cái dãy restrooms này, mỗi ngày mình được ngắm phong cảnh
chung quanh bờ hồ nơi trung tâm thành phố. Đây là nơi mình sống từ hồi
mới qua Mỹ đến giờ. Mình tìm ra được chân lý là công việc nếu không
tạo được niềm vui cho mình thì mình có “toàn quyền chủ động” biến
nó thành một niềm vui. Khi được như vậy, bỗng thấy giờ làm việc trở
nên ngắn đi và làm nở được nhiều nụ cười hơn là bực dọc cay đắng
với việc mình phải làm mỗi ngày.
Hình như bất cứ cảnh ngộ nào cũng đều có hai mặt để ta nhìn. Ta có
quyền chọn chỉ thấy cái khôi hài của nó để vui sống mà xoay mặt
lại với cái nhàm chán khổ cực làm ta trở nên u uất. Mình thì chọn
cái mặt vui vẻ trong công việc để tinh thần được thoải mái vì như ai
đó đã nhận định một cách hữu lý là: “ Đời sống là một món quà
qúy báu của Thượng Đế và được hình thành bởi từng ngày.”
Mình xin đón nhận món quà thật vô cùng qúy đó bằng thái độ trân
trọng đối với từng ngày và ở mỗi bước trong cuộc sống của mình./.
Trương Tấn Thành
Một bài viết rất hay của một người có từ tâm .