Hôm nay,  

Trả Lại Boston Êm Đẹp Thuở Nào

28/09/201300:00:00(Xem: 70159)
Người viết: Nhất Chi Mai
Bài số 4023-14-29423vb7092813


Tác giả định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston và làm việc trong một bệnh viện của tập đoàn Partners. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của cô kể về sức mạnh của Boston sau vụ khủng bố nổ bom ngày Marathon 15 tháng Tư 2013.

* * *

resized-vvnm7-28-9-13
Hình ảnh do tác giả chụp tại Copley Square, Khu Tưởng Niệm.

Tôi đi dọc phố Boston một chiều nắng hạ. Con đường với rất nhiều cửa hiệu vẫn đẹp, đông đúc người. Những quán cà phê phong cách Paris, những quán ăn bàn đặt ngay trên vỉa hè bên trong những hàng rào song sắt có treo những giỏ hoa đỏ rực, tím thẫm thật lãng mạn với bàn phủ khăn trắng, ly tách trong suốt. Người ta ngồi ăn uống dưới nắng, tha hồ ngắm nghía thiên hạ qua lại nhộn nhịp.

Tại khu phố này, bạn có thể đi mua sắm với đủ loại thương hiệu tên tuổi nổi tiếng hay lạ lẫm. Thật nhiều cửa hàng thời trang trẻ trung hay sang trọng, đồ gia dụng, trang trí nội thất, thảm, tranh ảnh, đồ cổ... Có cửa hiệu 3 tầng trưng bày đàn dương cầm đủ kiểu mà càng lên tầng cao giá càng mắc, đến vài chục nghìn đô một cây đàn. Du khách ngắm phố xá sầm uất, nhà cao tầng kính lấp lánh, các Gallery thanh lịch. Mỏi chân thì ghé vào vườn hoa Boston Common có từ thế kỷ 17 với những ngọn đồi người ta nằm dài đọc sách, bầy chim bồ câu lượn quanh hồ phun nước để đợi người tung vãi bánh vụn cho. Hay bước vào không gian thật xanh tươi của Vườn Boston Public Garden có từ thế kỷ 19, ngồi bên ghế ngắm hồ xanh trong. Mấy hàng liễu rủ cành lá mềm lả lướt thơ mộng đung đưa theo gió, bãi cỏ xanh mượt mà mát mắt trải rộng. Những thuyền thiên nga trắng sẵn sàng chở du khách dạo chơi. Bầy vịt tung tăng bơi lội dưới bóng cây ven hồ, tiếng kêu gây chút rộn rã khuấy động mặt nước và không gian yên tĩnh nơi vườn hoa.

Con đường Boyston có 2 trường College Emerson, Berkeley. Dọc phố Boyston có nhiều trạm tàu điện Greenline cùng với Redline, Orangeline and Blueline của hệ thống subway thật tiện lợi cho sinh viên và du khách đi khắp Boston, ghé qua phố Tàu... Đi tiếp nữa ta sẽ thấy cửa hiệu Apple thật lớn, bên kia là khu Mall Prudential mà mỗi cuối tuần nườm nượp người đổ về mua sắm, ăn uống, dạo chơi.

Tôi dừng chân ghé lại thư viện Copley mà bồi hồi nhớ về mười mấy năm trước khi lần đầu tiên bước chân vào đây tôi đã ngây ngất trước vẻ đẹp kiến trúc và nội thất của thư viện công cộng Boston nầy. Ngay trước lối cửa chính là 2 tượng người nữ lớn - một người tay nâng quả địa cầu và tượng kia là tay cầm bảng palette, cọ vẽ- tượng trưng cho khoa học và nghệ thuật. Ba bộ cửa bằng đồng nặng chắc chắn cùng với mấy chùm đèn lồng sắt phía trên lối vào chính sẽ cho ta một ấn tượng mạnh mẽ khi đã nhìn ngắm phía ngoài tòa nhà vuông vức lợp ngói đồng xanh lá cây có những hàng chữ khắc trên đá thật đậm nét: THE PUBLIC LIBRARY OF THE CITY OF BOSTON BUILT BY PEOPLE AND DEDICATED TO THE ADVANCEMENT OF LEARNING, THE COMMONWEALTH REQUIRES THE EDUCATION OF THE PEOPLE AS THE SAFEGUARD OF ORDER AND LIBERTY.

Tiếp tục bước vào tiền sảnh, bạn sẽ thừa nhận đây đúng là nơi được xếp hạng là một trong 10 thư viện đẹp nhất của nước Mỹ. Nền nhà đá cẩm thạch trắng có khắc các biểu tượng của Hoàng đạo. Những bậc thang cẩm thạch xám và tường được lát bằng đá cẩm thạch màu vàng nhạt, vân uốn lượn như mây khói.

Trần nhà mái vòm ở tầng hai, điêu khắc cuốn dạng chuỗi hoa văn bằng thạch cao thật tinh tế giống như mái vòm trần của các cung điện, lâu đài. Để đi lên tầng trên của thư viện, các bậc thang rộng rãi dẫn ta đi qua hai bệ trụ lớn có 2 con sư tử uy nghi nằm chầu. Những tranh tường của tiền sảnh với sắc màu thanh nhã trắng, xanh dương, lục nhạt, tím lơ... hiện ra trước mắt ta 9 nàng thơ theo thần thoại Hy lạp trong xiêm áo trắng muốt rạng rỡ dưới những chùm đèn trần và ánh sáng từ các cửa sổ tràn ngập. Tranh trần nhà cùng các bích họa lộng lẫy hoành tráng ở tầng trên cùng và trong phòng Abbey vẽ các nhân vật tôn giáo như ở các thánh đường do các danh họa vẽ. Những bức tượng điêu khắc chân dung sống động nhiều danh nhân được đặt ở các phòng, tượng một em bé đang chỉ tay với con ngỗng cổ thanh mảnh dài vươn cao. Ôi đẹp thật! Quá ư phong phú hào nhoáng nên thư viện này ra đời đã tuyên bố gọi là Cung điện cho mọi người - Palace for the people.

Tòa nhà này mang tên của vị kiến trúc sư thiết kế McKim bao gồm những trang trí sang trọng. Một phòng cho trẻ em đầu tiên của quốc gia. Thư viện thường xuyên triển lãm các tác phẩm hiếm bao gồm cả sách quí, tác phẩm mỹ thuật. Nhiều phòng trưng bày ở tầng thứ ba giữ để triển lãm.

Mở cửa vào 1895, thư viện Copley Square này có tới 8.9 triệu cuốn sách trong đó 1 triệu 7 là sách quí, bản thảo hiếm có. Thư viện sở hữu nhiều lưu trữ quan trọng như là các bản thảo thời trung cổ, những cuốn sách đầu tiên trước 1500, các lần xuất bản đầu tiên của William Shakespere….

Nổi tiếng đẹp trong thư viện là đại sảnh Bates mang tên vị ân nhân đầu tiên của Boston Public library-Joshua Bates. Theo báo Boston Glober đại sảnh Bates được mô tả là phòng đọc mênh mông, im ắng được chiếu sáng bằng những chiếc chao đèn màu xanh lá cây giống như những còn đom đóm, là một trong những "điểm thế tục mà thiêng liêng" của Boston. Hình thể của đại sảnh Bates, thẳng nhưng kết thúc bằng một hình bán nguyệt lõm vào trên mỗi đầu, gợi nhớ lại một nhà thờ La Mã. Phía đông có một loạt đều đặn các cửa sổ vòm. Người đến tham quan phòng đọc Bates cũng hạ thấp giọng, bước nhẹ chân như cũng tôn trọng sự yên tĩnh nơi đây.

Bên trong là vẻ đẹp của trang trí và chất quí hiếm tri thức thì bên ngoài là tòa nhà được thiết kế ấn tượng ở mặt tiền với cửa sổ có vòm cong. Dưới cửa sổ vòm ở tầng hai trên đá có khắc các hàng chư bất hủ tương tự như trên các nhà thờ và đài kỷ niệm ở Rome cổ đại khắc tên của các nhà văn, nghệ sĩ, khoa học gia, triết gia và chính khách vĩ đại trong lịch sử.

Từ trên cao tầng nhìn xuống ta có thể thấy sân courtyard với hồ xanh và đài phun nước rất gợi cảm bởi bức tượng Tửu thần và em bé sơ sinh, của khung cảnh bình yên để có thể đọc sách, dạo chơi ngoài trời trong khoảng sân mở của thư viện công cộng. Tất cả những công trình ấy hợp lại đã khiến kiến trúc của thư viện này được bình phẩm là "ví dụ ngoại hạng của phong cách chủ nghĩa cổ điển về mỹ thuật Phục Hưng ở Mỹ".

Đối diện với thư viện Boston, bên kia là quảng trường Copley cũng là tên của họa sỹ John Singleton Copley người Mỹ sinh ở Boston, nổi tiếng với những tranh chân dung của các nhân vật quan trọng thuộc địa New England, vẽ chuyên về các đề tài tầng lớp trung lưu.

Con đường Boyston trải dài trong lòng Boston không chỉ cho thấy tầm vóc kinh tế, thương mại, văn hóa nghệ thuật, mà cả tôn giáo, lịch sử nữa. Mấy ngôi nhà thờ cổ uy nghi thường được du khách thăm viếng là kiến trúc hoa mỹ cầu kỳ cùng các cửa kính nhiều màu hình Chúa Jesus và đức Mẹ, tiếng dương cầm đệm thánh ca du dương. Sau vụ nổ, hiện nay, nhà thờ Arlington nơi hàng rào đang còn treo đầy những mảnh khăn vải giống khăn tang tưởng niệm, cầu nguyện cho hương hồn các nạn nhân Boston Marathon 2013. Rất nhiều lời chia buồn, động viên dành cho Boston, cầu mong “Boston Strong”. Boston đã nằm trong trái tim nước Mỹ, cũng như đường Boyston ở trong trái tim Boston.

Tôi tìm đến số 671, nơi trái bom đầu tiên nổ vào lúc 2.49’ chiều 15/4 khi cuộc đua Marathon đang diễn ra, để lại một vết thương trong lịch sử Marathon Boston mà con đường, góc phố Boyston đã chứng kiến. Tôi nhắm mắt lại nhưng vẫn thấy cột đèn đường gần số 671-673, nơi ấy trên cái cột đèn đường có hình các trái tim và các dòng chữ từ khắp các tiểu bang ghi tưởng niệm dành cho nạn nhân Boston Marathon bị bom tác hại.

Vào ngày 15 tháng 4 /2013 mọi người chờ đợi sự kiện Boston Marathon vì đó là cuộc thi chạy việt dã nổi tiếng nhất, lâu đời nhất của thế giới được tổ chức hàng năm bắt đầu từ 4/1897; hơn 23 ngàn người không phân biệt màu da, dân tộc từ 92 quốc gia cùng tham gia.

Chiều 15 tháng 4, chúng tôi đang làm việc trong bệnh viện thì được tin bom nổ ở Marathon trên đường Boyston. Cả văn phòng xôn xao với Breaking news. Sau đó có email từ bệnh viện thông báo về vụ nổ bom xảy ra ở điểm đích đến của cuộc đua Marathon Boston. Vào thời điểm nầy bệnh viện đang chữa chạy nạn nhân và chắc rằng sẽ thấy nhiều thêm trong những giờ tới. Bệnh viện đã khởi động hệ thống chỉ huy khi có biến động bất ngờ, yêu cầu đội ngũ sẵn sàng cho đến khi xác định nhu cầu cần thiết nhân viên. Còn nhớ lúc ấy tôi chạy vô nhóm đang coi hình ảnh của vụ nổ bom, ôi trời! xe cứu thương đậu cả dãy dài đang cấp tốc chuyển tải các nạn nhân bị thương. Dòng chữ đỏ: 2 dead, 34 injured đập vô mắt tôi. Sau đó tin đưa tiếp, số bị thương đã hơn 200 và 3 người chết.Cạnh điểm đích -Finish line lẽ ra là nơi đến hồ hởi chúc mừng của những người chiến thắng trong cuộc đua, thì nay nhìn vắng như chùa Bà Đanh với nhiều đốm đỏ loang của máu trên nền đường. Những mảnh kính vỡ, hàng rào chắn có treo cờ bị đổ, những khuôn cửa kính bể của cửa hiệu bên đường nham nhở khói đen.

Cảnh tiếp tục trên Internet là đoạn phố 755 Boyston nơi phát nổ quả bom thứ hai, người đi xem Marathon la ó tuôn chạy nháo nhào nhiều hướng. Trong cảnh hỗn độn ấy, vẫn còn thấy hình ảnh một số người đang chạy gần đến đích, cờ đủ màu sắc của các quốc gia bay phấp phới trong màn khói chưa tan.

Lúc 5.21pm bệnh viện thông báo đã xác định được nhu cầu đội ngũ và quyết định nhân viên ca ngày có thể về, trừ những ai đuợc sếp thông báo cần ở lại làm.Tàu subway vẫn chạy, tuy nhiên các chuyến tàu đường xanh lục Greenline sẽ ngưng gần đoạn Kenmore and Park street (gần quảng trường Copley). Bệnh viện khuyến khích nhân viên gọi về nhà thông báo là mình an toàn nhưng lưu ý rằng tháp điện thoại di động quá tải vì quá nhiều cuộc gọi nên nhiều điện thoại không hoạt động lúc này. Trên đường đi làm về, xe cảnh sát vẫn phóng trên các xa lộ hướng về nơi đã bị bom.

- Ngày 16/4, mới 7:46 sáng đã thấy thư của bệnh viện tôi làm gởi lời cảm xúc cho những thành viên gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ nổ bi thảm hôm qua. Suốt mấy năm qua, đội ngũ Marathon của bệnh viện đã không ngừng được hỗ trợ rèn luyện để dự cuộc đua. Nhiều hoạt động thiện nguyện gây quỹ, đã được tổ chức. Ngay sau vụ nổ, Trung tâm Hiến Máu đã nhận 140 người. Cảnh sát và An ninh bảo đảm khu vực bịnh viện là an toàn, nhân viên xã hội và các nhà thờ lắng nghe và cho hướng dẫn tới với người cần tư vấn.

10:23am, thư bịnh viện cảm ơn nỗ lực của mọi người trong sự kiện tàn phá hôm qua. Ở bịnh viện chúng tôi, chữa chạy cho hơn 30 bịnh nhân bom thì nay 10 đã được rời khỏi. Hôm qua là một ngày cực kỳ khó khăn cho Boston, cho bịnh viên và nhiều người bị tác động bởi bi kịch. Theo kinh nghiệm 9/11/2001 là sẽ có nhiều người hiến máu quá sớm, điều này không cần bằng dành lại cho những cuộc hẹn vào cuối tháng hay tháng 5.

Ngày 18/4, Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle đã đến thăm những bệnh viện của Boston và 2 bịnh viện của Partners: Mass General Hospital and Brigham Women 's Hospital để thăm hỏi riêng bệnh nhân và gia đình người bị bom. Chuyện trò với ho, Tổng thống đã bầy tỏ sự biết ơn sâu sắc tới đội ngũ nhân viên bệnh viện đã kịp thời chăm sóc những nạn nhân vụ nổ. Ông đã dừng lại ở các đơn vị để bắt tay, chụp ảnh và cho lời khen ngợi cảm ơn thành tâm đối với thành viên bệnh viện về cống hiến của họ cho bịnh nhân và nghề nghiệp. Hai bệnh viện của Partners vừa qua đã được xếp trong số top10 hospitals of the Nation, đặc biệt chuyên về chữa trị chấn thương (trauma).

Chuyến viếng thăm của Tổng thống đến các bịnh viện Boston, Partners đã chuyển đi một thông điệp mạnh mẽ, biểu dương ý nghĩa sự hỗ trợ toàn quốc trong suốt thời gian khó khăn này. Sau đó Tổng thống Obama đã cùng Phu nhân dự lễ tưởng niệm nạn nhân Marathon ở nhà thờ Holy Cross Boston.

Sau khi xem xét tất cả các băng ghi hình qua hàng chục giờ liền, FBI đã tuyên bố phát hiện hai nghi phạm là Tamerlan Tsarnaev 26 tuổi và Dzhokhar Tsarnaev 19 tuổi, người Nga theo Hồi giáo. Một đoạn video hai anh em nhà này đi cách nhau một quãng ngắn trong đám đông khán giả Marathon và một trong hai tên đã để lại chiếc túi chính nơi vài phút sau nổ quả bom thứ 2 ở Boyston.

Ngày 19/4 từ sáng sớm theo chỉ dẫn của của thống đốc, thị trưởng, nhân viên công lực đã có thông báo tất cả tàu điện, xe buýt, taxi đều ngừng hoạt động. Tất cả chợ, siêu thị, quán ăn đóng cửa chờ lệnh. Toàn bộ thành phố Boston và các vùng Cambrigde, Watertown, Newton, Waltham, Belmont, Brookline, Allston và Brighton đều ở trong tình trạng khẩn nấp để săn lùng kẻ nghi phạm thứ hai, sau khi nghi phẩm thứ nhất bị bắn chết. Một nhân viên cảnh sát trường MIT bị hi sinh.

Văn phòng chỗ tôi làm ông Sếp cũng khóa cửa ngoài chỉ nhân viên có thẻ mới vào được. Nhân viên có thể lái xe về nhà sớm nếu đang làm. Các nơi ở văn phòng hay bịnh viện này đều đã tổ chức phút mặc niệm - moment of silence - tưởng nhớ người chết, chúc lành những người bị thương.

Chiều đi làm về sớm hơn, lái xe ra khu shopping gần nhà tôi dừng lại nhìn bãi đậu xe rộng lớn vắng tanh, cửa hiệu đóng im ỉm mà buồn. Gió không hiểu sao cũng rít thổi nghe lạnh tê tái. Mãi đến 6 giờ chiều lệnh khẩn cấp mới được bỏ. Mọi người có thể ra ngoài và các phương tiện công cộng hoạt động trở lại. Lúc 10g 40pm, tin tên nghi phạm nổ bom đã bị bắt được loan ra mọi nơi. Người ta vô cùng vui mừng chúc tụng cảnh sát Boston giải thoát sự kiện đau lòng cho cả thành phố trong 5 ngày nặng trĩu bi thương.

Ngày 22/4, là đám tang tiếc thương cô Krystle Marie Campbell 29 tuổi, Restaurant Manager, một trong số 3 khán giả đáng yêu của Marathon bị bom giết chết. Tang lễ được tổ chức tại nhà thờ St Joseph Catholic ở Medford. Ngày 23 /4 cảnh sát Boston long trọng tổ chức tang lễ của Sean A Collier người cảnh sát MIT bị bắn chết trong cuộc trốn chạy của tên nghi phạm bom Marathon.

Thứ hai đi làm, những dòng chữ trên bảng điện tử ở các xa lộ như gởi đến tất cả niềm vui chung: “Thank you to all. We are one Boston.” Giữa những dòng xe lưu chuyển liên tục như dòng sông của Boston và nước Mỹ, lòng vẫn không quên một tuần biến động trong lịch sử của Boston.

Một người bạn của tôi có con gái trạc tuổi với chú bé Martin Richard 8 tuổi, nạn nhân của vụ nổ. Mỗi sáng cuối tuần cô bé cũng tập chạy với chú, nhưng thương thay hôm trận Marathon bị bom, chú bé Martin Richard đã bị sát hại bởi anh em nhà Tamerlan và Dzhokhar Tsarnaev kia.

Tôi đã xúc động viết những dòng này:

Hoa hồng thì quá đẹp mà đời không phải thế!
...
Bom nổ!
Bom nổ ở Marathon
Máu người đỏ thắm
như những cánh hồng màu huyết dụ
rải trên đường phố Boston.
Người vô tội đứt cụt tay chân
Ngã sóng soài nét mặt đầy thảng thốt
Trời không cho con người hưởng trọn ngày vui
hay con người tệ ác với nhau?
Cuộc sống ta nằm trong tay số phận
Hay trong tay người khác?
...
Những người trẻ, những người già dừng lại
bên cột đèn đường Boyston
gắn lên cột hình trái tim,
viết lên đó dòng chữ từ trái tim
Cột đèn từ đó có linh hồn
nhớ thương Boston
...
Những bông hồng vẫn thoảng thơm cho đời
Những đóa hoa tuyệt vời
dâng tặng cho người
Trái tim nhân ái và thanh khiết
Xin vun trồng cho hoa hồng nở cánh màu bất diệt
qua đau khổ, trên lụi tàn của cái ác
Mùa hoa hồng miên viễn
Trong trái tim loài người
...


Quảng trường Copley nơi có tượng phù điêu Boston Marathon, ngay sau hôm bom nổ, đã đặt một Khu Tưởng Niệm Nạn Nhân Boston Marathon. Tôi đã đến đó ghi lại những hình ảnh lưu niệm, tưởng nhớ của mọi người dành cho Boston, mong Boston mạnh mẽ. Hàng trăm, hàng trăm đôi giày đã chạy, được để lại kính tặng, áo thể thao, hàng trăm chiếc nón, những gấu bông, cờ Mỹ, vòng hoa, đồ lưu niệm, hoa tươi hàng ngày du khách và người dân gởi lại nơi đây để tỏ lòng thương tiếc mến yêu dành cho nạn nhân Marathon, biểu hiện vì Boston Marathon. Hàng trăm chữ ký, dấu bàn tay muốn sẵn sàng đưa ra chia xẻ cảm xúc, an ủi Boston. Một quỹ cứu trợ đóng góp đã hình thành từ sau ngày bom nổ. Partners đã gây dựng quỹ One million fund và đặc biệt cho cô y tá của Partners bị thương nặng -tàn tật chân.

Khu tưởng niệm đã dời từ quảng trường Copley đến nơi khác vào ngày 25 /6.

Tại số 671 Boyston bây giờ cửa hiệu Marathon Sport đã mở cửa trở lại vào 25/4.

Bên ngoài là tấm bảng ghi lòng cảm ơn thành phố đã giúp sửa chữa, dọn dẹp mảnh vỡ sau sự kiện bom. Các cửa hiệu trên phố Boyston đã mở lại sau 2 tuần đóng cửa. Số 755 Boyston nhà hàng- bar đã mở lại reopend vào tháng 8.

Ngày 8 tháng 9 cuộc đi bộ Jimmy fund Marathon walk do viện Ung thư Dana -Farber tổ chức lần thứ 25 đã diễn ra tốt đẹp, được kết thúc ở điểm đích -Finish line- cũng tại Copley square ở phố Boyston. "Chúng ta sẽ đứng dậy, sẽ thịnh vượng, sẽ chạy - We will rise,we will thrive, we will run

"Vâng, đúng vậy! Bởi vì Boston vẫn luôn ở trong trái tim của nước Mỹ và thế giới.

Nhất Chi Mai

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Nhạc sĩ Cung Tiến