Hôm nay,  

Sàigòn Lớn, Sàigòn Nhỏ

31/08/201300:00:00(Xem: 70484)
Tác giả đã nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2010. Ông cũng là tác giả "Tấm Lòng Biển", cuốn sách ra mắt năm 2007, kể lại câu chuyện về lòng nhân đạo và anh hùng của Thuyền trưởng Đại Hàn Jeon, vị ân nhân thời vượt biển, đã cứu sống 96 thuyền nhân Việt Nam. Do nỗ lực của tác giả, Thuyền trưởng Jeon sau đó đã trở thành vị khách danh dự của cộng đồng Việt tại Little Saigon. Sau đây là bài viết mới nhất của ông, nhân dịp 2013 là thời điểm kỷ niệm 25 năm thành lập Little Saigon, thủ phủ tị nạn của người Việt tại Mỹ.

* * * * *

Gần đây, mỗi ngày đôi ba lần, bà con đồng hương Việt Nam ở quận Cam, Nam Cali, đều nghe được những lời nhắc nhở đầy tình tự văn hoá Việt, và dĩ nhiên là bằng tiếng Việt một trăm phần trăm, trên tần số 14.80 AM của đài phát thanh Little Saigòn.

"Khu phố Little Saigon lúc nào cũng đông đảo xe cộ. Để giữ an toàn cho mình và cho người khác, chúng ta hãy lái xe cẩn thận, chú ý đến người đi bộ và đi xe đạp, lái xe trong tình thân thiện, nhường đường đi cho nhau, mỗi khi dừng xe chờ đèn xanh ta hãy để rộng chỗ nhường cho xe quẹo ra quẹo vào các khu thương mại. Dùng bluetooth hay earpiece để nói chuyện điện thoại khi lái xe, và nếu đã uống bia rượu thì xin đừng lái xe. Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy rằng dân Việt Nam chúng ta lái xe rất lịch sự."

Là một đồng hương Việt Nam, tôi xin gửi một bông hồng biết ơn đến ban Giám đốc đài Little Saigòn đã có sáng kiến thực hiện phần nhắc nhở đầy ý nghĩa trên đây. Tôi hiểu và đánh giá những lời nhắc nhở này là một điểm sáng trong văn hoá Việt Nam cần duy trì mà đài Little Sàigòn phát sóng 24/24 muốn gửi đến cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Nói cách khác, bài học rút ra từ những lời nhắn nhủ này thật rõ ràng, có tác dụng khuyên bà con mình tập sống theo lối sống văn minh và lịch sự cho phù hợp với dân trí và văn hoá của đất nước đang cưu mang chúng ta.

Gọi khu phố Bolsa là "Sàigòn Nhỏ" thì hàm ý đã có một "Sàigòn Lớn" ở đâu đó. Và tôi xác quyết rằng thủ đô Sàigòn vô vàn thân yêu trước năm 1975 chính là "Sàigòn Lớn", đang ở ngay trong tim và huyết quản của bất cứ người Việt Nam nào, dù hải ngoại hay trong nước. Như thế, đồng hương Việt Nam mỗi ngày sống và sinh hoạt với "Sàigòn Nhỏ" nơi hải ngoại thì cũng đang sống với "Sàigòn Lớn" trong tim.

Để đánh dấu biến cố về sự ra đời của khu Sàigòn Nhỏ tại quận Cam, một tuần lễ hội đầy mầu sắc đã diễn ra với những cuộc trưng bày hình ảnh, khởi đi từ ngày 8 tháng 6 năm 2013 và ngày chính lễ là 15 tháng 6 năm 2013 tại bên trong thương xá Phước-Lộc-Thọ, trung tâm của Sàgòn Nhỏ, Nam Cali. Hơn một ngàn người, gồm đồng hương Việt Nam xa gần và chính quyền Tiểu bang cũng như địa phương đã đến tham dự sinh hoạt đặc biệt này. Đây là một sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa về khía cạnh kinh tế, thương mại, văn hoá, xã hội, và chính trị của cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Giữa một cử tọa đông đảo như thế, người ta cũng ghi nhận sự hiện diện của thật nhiều người trẻ Việt Nam. Có cả những em thiếu nhi Việt Nam mặc y phục cổ truyền Việt Nam, nói tiếng Việt bằng giọng Mỹ rất dễ thương. Hình ảnh này là một an ủi cho thế hệ đồng hương đứng tuổi, khi biết rằng sẽ có những thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sàng thay thế cha ông để duy trì và phát triển văn hoá Việt nơi hải ngoại. Ngoài ra, sự tham dự của các em trong biến cố này cũng đã làm nổi bật một ý nghĩa quan trọng, đó là những sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng là môi trường tốt giúp cho các em biết tầm nguyên về với cội nguồn dân tộc và hội nhập với cộng đồng. Trong đặc san "Little Saigon - Kỷ niệm 25 năm thành lập" phát hành vào dịp này, rất nhiều chi tiết liên quan đến khu phố "Little Saigon – Sàigòn Nhỏ" đã được gửi đến cho toàn thể bà con đồng hương Việt Nam xa gần.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin nhắc lại một vài mốc điểm thời gian và không gian quan trọng và khá thú vị của khu Sàigòn Nhỏ Nam Cali để làm quà cho những đồng hương Việt Nam ở xa.

Đơn vị hành chánh và thương mại mang tên Sàigòn Nhỏ hôm nay được thành lập nên bởi Nghị Quyết số 58 của chính quyền địa phương sở tại là thành phố Westminster, ban hành ngày 22 tháng 6 năm 1987. Và trong quá trình thành lập cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi, vận động, và phản ứng qua việc đặt tên cho khu phố thương mại này.

Khởi đầu, "Trong thập niên 1980, khi khu vực thương mại trên đường Bolsa đã phát triển mạnh mẽ, đưa đến một thế lực muốn biến khu vực thương mại này thành một "China Town" hoặc "Asian Town" của Quận Cam. Cộng đồng Việt Nam đã phản ứng thích ứng vì đa số giới tiểu thương trong khu vực là người Việt. Họ đã vận động thành phố Westminster công nhận khu vực thương mại trên đường Bolsa là Little Saigon… Ngày 17 tháng 6 năm 1988, Thống đốc George Deukmejian đã xuống Little Saigon cắt băng khánh thành với 13 bảng hướng dẫn vào khu vực thương mại của người Việt trên hai xa lộ 405 và 22 và chính thức công nhận "Little Saigon" là một đặc khu kinh tế của Cộng Đồng Người Việt đầu tiên trên đất Mỹ…. Tiếp theo, hàng loạt khu thương mại Little Saigon nhiều tầm cỡ nhỏ hơn được thành lập tại San Diego, San Jose, Oakland, Sacramento thuộc California và nhiều tiểu bang khác như Oregon, Colorado, Florida, Georgia, Alabama, Louisiana, Illinois, Massachusetts, Missouri, Michigan, New Mexico, New York, Oklahoma, Pennsylvania, North Carolina, Texas (Houston, Dallas-Fort Worth) và Virginia (Thủ đô Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận." (Tập san Little Saigon - Mừng 25 năm thành lập, tr. 14-15, 37).

Trong những năm đầu khi Sàigòn Nhỏ tại Nam Cali mới được hình thành, nếu muốn đi một vòng cho biết khu thương mại này rộng hẹp bao nhiêu, bà con không phải tốn nhiều thời gian lắm, vì diện tích còn thật khiêm tốn. Vào khoảng thời gian đó, Sàigòn Nhỏ này chỉ được bao quanh bởi một vài con đường ngang dọc mang những tên gọi mà nay đã trở nên thân thiết với cộng đồng Việt Nam, như đại lộ Westminster, đại lộ Bolsa, đường Magnolia, và đường Euclid. Phố xá vì thế cũng chỉ có trên dưới một trăm cửa hiệu. Nhưng hôm nay, sau 25 nam phát triển, Sàigòn Nhỏ tại Nam Cali đã vươn vai lớn lên giữa một cộng đồng thế giới đa văn hoá, được đồng hương Việt Nam thương mến và cưng chiều như một Cô dâu lộng lẫy với một chiếc áo mới hơn, đẹp hơn. Một chiếc áo có sức trải rộng trên một diện tích khoảng 42 dặm vuông, với một cơ ngơi thật sầm uất của hàng chục ngàn thương hiệu cho mọi dịch vụ trong đời sống.

Hôm nay, nếu đi cho hết khu thương mại Sàigòn Nhỏ, và nếu theo hướng Đông-Tây, mời bà con khởi đầu từ đường Fairview, Harbor, Euclid, Brookhurst, Magnolia, Newland, và Golden West là ranh giới tạm thời. Còn nếu đếm bước từ Bắc xuống Nam, bà con sẽ bắt đầu từ đường Trask, Westminster, Hazard, Bolsa, Mc Fadden, Edinger, Heil, Warner, và Slater sát với con dốc thoai thoải dẫn vào xa lộ 405. Sàigòn Nhỏ tại quận Cam -- và những Sàigòn Nhỏ tại nhiều lục địa khác -- là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt tỵ nạn trên khắp thế giới.

Sau những tháng ngày ở tù Cộng sản về, tôi vượt biên và đến Mỹ năm 1987. Từ ngày đến định cư trên đất nước này và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, tôi quyết định lưu trú tại vùng đất quận Cam thuộc Nam Cali. Có quá nhiều lý do, nếu kể ra hết thì bài viết có thể khó mà chấm dứt được, nhưng cũng phải san sẻ với bà con đồng hương khắp nơi một vài nét đặc thù và tiêu biểu của Sàigòn Nhỏ tại Nam Cali.

Trước hết, không thể không nói đến thời tiết tuyệt vời mà Ông Trời ưu đãi cho Cali nói chung và miền Nam Cali nói riêng. Một thời tiết tuyệt vời trên tất cả mọi tuyệt vời liên quan đến sức khỏe con người. Thời tiết quận Cam có bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, nhưng không có những thái cực nóng lạnh quá độ như ở Texas và các vùng Trung-Tây, cũng không phải chịu trận với những cơn bão Đại Tây Dương như ở Florida và các tiểu bang phía Đông.

Ở Nam Cali, khi dạo phố vui Xuân, bạn chỉ cần quấn hờ chiếc khăn quàng cổ, cốt để tăng thêm duyên dáng hơn là giữ ấm. Hè đến, nếu không phải là nhân viên văn phòng, ra đường người ta chỉ cần mặc chiếc áo ba lỗ, quần soọc, còn trong nhà thì cứ đánh trần ra cho thoải mái. Mùa Thu ư, trời đẹp lắm, chỉ cần mặc mỗi chiếc áo tay dài khi rời nhà là đủ, khiến ai có tâm hồn thi sĩ cũng có thể làm một vần thơ. Riêng trong mấy tháng mùa Đông, khi chỏm núi Irvine ở cuối hướng Đông bắt đầu có những sợi tuyết trắng hiếm quý thì cũng là lúc khí trời se lạnh, bà con mình chỉ cần khoác thêm chiếc áo len mỏng là đủ ấm áp cuộc đời. Bạn tôi ở Florida, nơi khí hậu cũng khá lý tưởng, cứ hè đến lại dẫn cả gia đình về Nam Cali vui hưởng một tháng hè, tiện thể thăm bà con hai bên nội ngoại. Cũng có người so sánh thời tiết Cali với Hawaii, xem ra cũng ngang ngửa, nhưng thật tình tiểu bang đảo Hawaii chỉ để du lịch hơn là sinh sống. Riêng Texas, tuy giá nhà rẻ, nhưng thời tiết thì không mấy thuận lợi cho sức khoẻ của hầu hết bà con đồng hương Việt Nam. Tôi nhớ mãi lần đi Texas dự đám cưới đứa cháu vào một dịp cuối tuần lễ Độc Lập, mới 3 giờ sáng mà trên xe đã phải mở máy lạnh hết cỡ. Dĩ nhiên trên nước Mỹ nhà cửa ở đâu cũng có đầy đủ tiện nghi để bảo vệ sức khoẻ cho người dân, thế nhưng mới đây, đầu tháng 8/2013, đài Việt Nam California Radio (VNCR) ở quận Cam đưa tin chính quyền Texas đã phải khuyến cáo cư dân cao niên về nguy cơ của những đợt nóng chết người. Bởi thế, chẳng lạ gì nhiều người thân trong gia đình tôi mấy năm nay đã tuần tự rời Texas dọn về Nam Cali để tránh tiền điện tiền gaz quá cao.

Thứ đến, tại khu Sàigòn Nhỏ, đi đâu cũng gặp được người Việt, đến nỗi có người ví von chẳng cần phải học tiếng Anh trước khi đi Mỹ. Theo thống kê nhân số người Việt sống ngoài Việt Nam (The Overseas Vietnamese) của Wikipedia thì năm 2012 đã có hơn 4 triệu người Việt sống rải rác khắp nơi trên thế giới, trong đó gần 2 triệu đến định cư tại Mỹ. Cũng tính đến năm 2012, Hoa Kỳ có dân số 313,914.000 là quốc gia đã tiếp nhận nhiều người Việt Nam nhất trên thế giới. Năm 2012, đã có 1,799.623 người Việt sinh sống tại Mỹ, gồm đủ mọi thành phần từ ODP, HO, thuyền nhân, bộ nhân, ngoại trừ du học sinh (www.chacha.com và The US Census Bureau, 2012). Và theo mạng Améredia, California có dân số là 38,041.430, được coi là tiểu bang đông dân nhất trong 50 tiểu bang của Mỹ. California cũng được công nhận là tiểu bang dẫn đầu trong một danh sách 5 tiểu bang của Mỹ có số lượng người Việt cư trú đông nhất. Con số người Việt tại 5 tiểu bang theo thứ tự như sau: Cali - 447.082, Texas - 134,961, Washington - 46,149, Virginia - 37,309, Massachussets - 33,962. Trong khi đó, so sánh ở cấp địa phương, thì Nam Cali lại được mệnh danh là nơi "đất lành chim đậu", đứng đầu trong số các địa phương có người Việt đông đảo nhất: Nam Cali - 233,573, bao gồm vùng Los Angeles, Riverside, và Orange, trong khi Bắc Cali - 146,613, bao gồm vùng San Francisco, Okland, và San Jose. Sự phồn thịnh về mọi mặt của Sàigòn Nhỏ đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển tiềm năng kinh tế chung của Nam Cali. Trong khi tâm điểm của khu thương mại Sàigòn Nhỏ mà biểu tượng là thương xá Phước-Lộc-Thọ nằm trên đại lộ Bolsa thuộc diện tích của thành phố Westminster, Nam Cali, thì cư dân người Việt tại Nam Cali lại rải đều trên 12 thành phố lớn, tạo thành vành đai vững chãi cho mọi sinh hoạt và sự phát triển của khu Sàigòn Nhỏ. Chỉ xin kể ra tên ba thành phố chính, vừa là tiêu biểu vừa là đứng đầu trong danh sách của 12 thành phố có số cư dân người Việt đông nhất: Garden Grove - 54,029, Westminster - 33,819, và Santa Ana - 23,215 (Little Saigon – 25th Anniversary, tr. 37). Đây là 3 thành phố tiên khởi mà tên gọi đã được ghi khắc vào tâm khảm của cộng đồng Việt Nam tại Nam Cali trong lịch sử hình thành Sàigòn Nhỏ đầu tiên trên thế giới.

Như vậy không lạ gì, hôm nay khi nói đến Sàigòn Nhỏ thì ai cũng nghĩ ngay đến khu phố Bolsa và, một cách bất thành văn, con đường huyết mạch Bolsa cũng đã trở nên điểm hẹn chuẩn trong mọi nhu cầu liên quan đến khu Sàigòn Nhỏ. Đối với những đồng hương tỵ nạn Cộng sản thì Sàigòn Nhỏ là "thủ đô tỵ nạn" cả về ý niệm địa lý lẫn trong tình cảm. Còn trong lĩnh vực thương mại, Sàgòn Nhỏ là một chợ "Bến Thành" thứ hai.

Riêng với hoàn cảnh cá nhân tôi, việc chọn Nam Cali làm nơi cư ngụ cho gia đình bao gồm cả lý do chính trị và xã hội. Sự quyết định này của tôi khởi đi nhờ lá thư của bà mợ phía bên vợ tôi gửi vào trại tỵ nạn cho tôi trong khi tôi chuẩn bị rời trại đi Canada vì rớt phỏng vấn đi Mỹ. Tôi bị phái đoàn Mỹ từ chối vì không xuất trình được giấy chứng minh ở tù Cộng sản; lý do là khi vượt biển vì sợ mất nên tôi đã không mang theo bửu bối đó. Trong thư, mợ tôi nói như đinh đóng cột, "Bằng mọi cách, cháu là cựu quân nhân thì phải tìm cách đi Mỹ chứ không được đi nước khác." Thực sự, lúc đó tôi không hình dung được nước Mỹ như thế nào, tuy tôi cũng đã được tiếp xúc khá nhiều và làm việc khá lâu với lính Mỹ trước năm 1975. Và sau một thời gian ngắn khi đến Mỹ, tôi đã phải cám ơn bà mợ và hiểu được tại sao bà đã mạnh dạn ra lệnh tôi phải… đi Mỹ cho bằng được. Ngoài quyền lợi chính trị của một người cựu tù trên một đất nước tự do và dân chủ, những lý do còn lại cho phép tôi cũng yêu thích đất nước này như bao nhiêu đồng hương Việt Nam khác. Xin tạ ơn Trời và cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã tạo cho tôi nhiều cơ hội thuận tiện hầu tôi có thể tái lập lại cuộc sống mới. Tóm lại, có quá nhiều lý do để nói tại sao tôi chọn vùng đất Nam Cali. Chỉ xin lấy câu đồng giao, "Cali đi dễ khó về, trai đi có vợ, gái về có con", để nói lên sự quyến rũ níu chân khách thập phương ở lại với Cali mỗi khi đã đến đây.

Bà con đồng hương Việt Nam ai ở gần khu Sàigòn Nhỏ đều dễ dàng chấp nhận ý nghĩ cho rằng "dễ gì tìm ra một anh Mỹ giữa phố Bolsa". Thật vậy, cứ vào cuối tuần, nhất là những dịp lễ hội, con phố Bolsa đầy ắp người. Người Việt tại địa phương và cả bạn bè từ các nơi xa về thăm Sàigòn Nhỏ đã tạo thành những hình ảnh tắc nghẽn đáng yêu trên các vỉa hè giữa các khu mua sắm.

Gọi việc tắc nghẽn tại các lối đi của Sàigòn Nhỏ hôm nay là đáng yêu hoặc dễ thương, vì nó gợi nhớ trong tôi cảnh nhộn nhịp đáng yêu và dễ thương của bao tài tử giai nhân cuối tuần dập dìu trên phố Lê Lợi - Tự Do của Sàigòn năm xưa. Tới thăm Sàigòn Nhỏ hôm nay, hầu hết khách phương xa thích chọn thương xá Phước-Lộc-Thọ làm điểm hẹn cho nhau mà không cần đến bản đồ. "Trang ơi, anh chờ em ngay trước tượng Phước-Lộc-Thọ nha!", "Anh Kiều ơi, em đứng cạnh tượng Phước-Lộc-Thọ lâu rồi mà không thấy anh. Đông quá, em sợ tìm anh không ra."

Cuối tuần, Sàigòn Nhỏ đông là thế, nhưng nhờ phúc hậu của ba ông Phước-Lộc-Thọ nên cặp nào rồi cũng gặp được nhau. Nhất là những ngày lễ hội, từ sáng đến tối người ta chỉ thấy đầu đen tiếp nối đầu đen, khó mà tìm ra một mái tóc khác mầu, nhưng nếu có, thì mái tóc khác mầu đó cũng di chuyển chung với một mái tóc đen. Đặc biệt, mỗi năm một lần "dân số" trong khu vực Sàigòn Nhỏ bỗng tăng lên một cách đột ngột trong 3 ngày Tết Nguyên Đán. Từ mười năm trở lại đây, hội chợ Tết kéo dài trong 3 ngày do tổng hội sinh viên Việt Nam Nam Cali tổ chức tại công viên Garden Grove, song song với cuộc diễn hành đầu Xuân do các thương vụ tư nhân bảo trợ trên đại lộ Bolsa, có năm đã thu hút hằng trăm ngàn người đổ xô về thưởng ngoạn và tham dự. Ngoài ra, Sàigòn Nhỏ trong mấy năm gần đây, thường là vào dịp những tháng hè, lại có thêm chợ đêm và khi nào cũng được tổ chức ngay trước cửa thương xá Phước-Lộc-Thọ. Đây cũng là nét độc đáo trong sinh hoạt của Sàigòn Nhỏ.

Tại khu phố Sàigòn Nhỏ, mọi nhu cầu trong cuộc sống của đồng hương Việt Nam, từ tinh thần đến vật chất, nhất là ẩm thực, đều được đáp ứng đến nơi đến chốn. Các cửa hàng dịch vụ, từ thượng vàng cho đến hạ cám, theo nhau mọc lên san sát nhằm mang đến cho đồng hương cuộc sống đầy đủ và thoải mái. Chỉ xin nêu ra hai dịch vụ tiêu biểu nhất, cần thiết nhất, và thông dụng nhất trong cuộc sống của đồng hương người Việt tại vùng Sàigòn Nhỏ này, và có lẽ cũng như tại mỗi nơi nào có đồng hương Việt Nam sinh sống. Đó là tiệm phở và siêu thị loại tầm cỡ.

Gọi là siêu thị tầm cỡ để chỉ những chợ đã vào chung một hệ thống quản lý, khiến những ngôi chợ bé hơn trở thành loại bỏ túi. Nhà tôi ở trên đại lộ Bolsa góc Brookhurst, chỉ trong vòng diện tích chưa đến 2 dặm vuông mà đã được vây quanh bởi 7 siêu thị. Các em gái tôi từ Nhật, Canada, và Massachusetts mỗi lần đến Nam Cali thăm tôi, thế nào cùng ì ạch mang về cho gia đình và bạn bè những kiện thức ăn đủ loại mà không thể tìm thấy tại địa phương nơi mình ở. Về ẩm thực, phải nói món ăn Việt Nam một mặt vẫn giữ được vị trí cá biệt của mình nơi đất khách quê người, mặt khác còn có những sáng tạo tuyệt vời để giới thiệu "văn hoá ẩm thực" của người Việt chúng ta đến với thực khách bản xứ. Chữ "Phở" cách đây vài năm đã chính thức có mặt trong từ điển của Mỹ, còn danh từ "egg rolls - chả giò" và "spring rolls - gỏi cuốn" bây giờ cũng đã quen thuộc với người Mỹ.

Tại Sàigòn Nhỏ có một nơi chốn để tiêu biểu cho thú ẩm thực với cung cách như ở quê nhà là Thương xá Vườn Á Đông (Asian Garden Mall), còn gọi là khu Phước-Lộc-Thọ hoặc thương xá Phước-Lộc-Thọ, vì có tượng ba vị thần ung dung tự tại và vui vẻ chào đón mọi người ngay cửa ra vào. Với 2 tầng lầu là nơi tập trung của hơn 90 cửa hiệu đủ loại, mà tầng trên đã trở thành trung tâm mua bán vàng, nữ trang và đá quí, thương xá Vườn Á Đông mở cửa đón khách từ sáng đến chiều tối. Du khách bước vào bên trong khu Phước-Lộc-Thọ, nhất là dịp cuối tuần và lễ hội, sẽ ngửi được mùi thơm quyến rũ từ một hệ thống các quầy bán thức ăn nối tiếp nhau. Và đối diện với khu Phước-Lộc-Thọ, bên kia đại lộ Bolsa, là khu Làng Á Châu (Asian Village), có chợ Á Đông làm mốc điểm rất quen thuộc với một sinh hoạt mua bán nhộn nhịp nhất khu Sàigòn Nhỏ, nhờ địa thế nằm ngay trên đại lộ Bolsa. Hôm nay, trên diện tích của Sàigòn Nhỏ, nhiều thương vụ khác nhau vẫn tiếp tục ra đời nhằm cung cấp thêm tiện nghi cho đời sống của cộng đồng Việt Nam. Các cửa hiệu mang đầy mầu sắc và ngôn ngữ Việt Nam, đủ cách đủ cỡ tha hồ đập vào mắt bà con, nhất là thương hiệu ẩm thực. Tiệm phở thì cứ mọc lên như nấm gặp mưa, có khi hai bảng hiệu cùng trình làng trong một tháng. Đến nay đã có trên dưới một trăm tiệm phở quanh khu Sàigòn Nhỏ và khu vực phụ cận để phục vụ đồng hương, và thời gian gần đây các chủ tiệm phở lại có sáng kiến lấn đất chiêu khách khi mở tiệm ngay trong các khu cư dân Mỹ và Đại Hàn nữa. Thực khách Việt cũng thường dẫn theo bạn Mỹ vào ăn để giới thiệu. Vào tiệm phở, các ông tây bà đầm cứ thoải mái chỉ vào những con số thứ tự ghi sẵn trên thực đơn mà kêu. Từ nhà tôi, muốn ăn phở thì cứ đi bộ đến một trong 16 địa điểm là có tô phở nóng. Vào tiệm phở hoặc đi chợ Việt Nam, cứ thoải mái bỏ tiếng Anh ở nhà, khỏi phải dùng tay chỉ trỏ như khi vào chợ Mỹ trong những thập niên 1980-1990 khi mới đến nhập cư. Chung chung, kiểu chiêu khách của phe ta thì khỏi nói, hấp dẫn thực khách lắm lắm. Đến báo giới Mỹ cũng phải khen ngợi cách chào hàng của các tiệm ăn Việt Nam. Nào là "Giảm giá 50% trong thời gian khai trương", "Free nước mát quanh năm", "Happy hours" bớt 50%-60%, "Chúng tôi không bao giờ đóng cửa"..v..v..

Đồng hương ở quận Cam ai cũng đã quen với câu mời khách của một tiệm bún bò Huế nghe được trên đài phát thanh, "Ăn một tô trả nửa giá, ăn hai tô chỉ trả tiền một tô, hai người ăn chỉ trả tiền một người". Tuy nhiên, vì các thương vụ ra đời theo thời cơ và có khuynh hướng làm ăn cá biệt không theo hệ thống, nên bị bạn hàng cạnh tranh ráo tiết không nhân nhượng. Đã có không ít các dịch vụ rơi vào tình huống mỉa mai như câu nói, "Tưng bừng khai trương, âm thầm dẹp tiệm." Thiết nghĩ, đây cũng là một chiêu đặc thù của các thương vụ do đồng hương Việt Nam làm chủ, khác với cách làm ăn hệ thống hoá của người địa phương. Một nhà báo Mỹ đã khám phá được ẩn ý của chiêu thức này của đồng hương mình, nên đã nhận xét theo lối chơi chữ rằng, "The Vietnamese business is competitive, not cooperative", tạm dịch cho nhẹ nhàng hơn một chút là, "Cách làm ăn của người Việt có cạnh tranh, nhưng thiếu hợp tác."


Song song với việc phát triển "văn hoá ẩm thực", sự quan tâm và thao thức của các bậc phụ huynh nhằm duy trì và giới thiệu văn hoá Việt tại hải ngoại rất đáng hoan nghênh. Đó là làm sao cho các thế hệ thứ ba thứ tư của cộng đồng Việt Nam nói và viết được tiếng Việt, vì "Tiếng Việt còn, người Việt còn, nước Việt còn." Bởi thế nhiều năm trước đã có câu vè để các phụ huynh nhắc nhở nhau, "Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt, đừng lo con trẻ dốt Anh văn". Rất mừng khi thấy nhiều phụ huynh đã hy sinh giờ nghỉ ngơi cuối tuần để lái xe chở con đi học các lớp Việt ngữ do các thầy cô người Việt phụ trách.

Qua làn sóng 14.80AM của đài phát thanh Little Saigòn Radio, hằng ngày đồng hương mình tại Nam Cali cũng rất quen thuộc với lời quảng cáo thương mại thật dễ thương và "rất Việt Nam" của một em bé sinh ra và lớn lên tại Mỹ: "Đau chân, xin hãy đến với bác sĩ Henny Bàn chân Hiền Nguyễn…" và liền sau đó có tiếng ông nội, ông ngoại giúp sửa lại, "Cháu phải nói là bác sĩ Bàn chân Henny Hiền Nguyễn mới đúng chứ!"

Một trong những thú tiêu khiển của tôi nay trong tuổi hưu là đạp xe đạp để thư giãn và bồi bổ sức khoẻ. Còn gì thú bằng một mình với chiếc xe gọn nhẹ lêu lổng giữa phố phường để xem thiên hạ sống. Tôi thích nhất là mỗi sáng chạy xe đạp vài tiếng đồng hồ quanh phố Sàigòn Nhỏ. Sau ba-ga xe đạp, khi nào tôi cũng thủ một chai nước lọc, một quả chuối lót lòng, và không quên trang bị thêm chiếc máy ảnh loại mini phòng hờ phải làm phóng sự bất đắc dĩ. Gặp gì hay hay, là lạ, thì bấm ngay vài "pô" làm kỷ niệm, biết đâu sau này có khi lại làm ra tiền nhờ những tấm hình đó.

Với khí trời mát mẻ và ấm áp quanh năm, đạp xe đạp đã trở thành cái mốt thời thượng cho nhiều người ở quanh khu vực Sàigòn Nhỏ này. Chiếc xe đạp quả thật tiện dụng, không cần xăng, chẳng cần có bảo hiểm, tha hồ len lỏi vào mọi ngõ ngách trong các khu phố mà xe hơi không đến sát cửa được. Nhất là những lần có sinh hoạt gì đó liên quan đến chính trị, từ thiện, ra mắt sách, quảng cáo sản phẩm…v…v… của cộng đồng hoặc tư nhân tổ chức tại các hội trường hay nơi các góc phố, tôi thường đạp xe đến tham dự.

Rong chơi bằng xe đạp, được cái là mình muốn thay đổi lộ trình cách nào, ở đâu, lúc nào cũng được, không bị ràng buộc như khi lái xe bốn bánh. Đi xe đạp, nếu thích thì người ta có thể "ghé-và-đi" tuỳ hứng, không cần đến máy định vị. Thích đọc sách, nên tôi thường dừng xe đạp trước hiệu sách Tú Quỳnh hoặc Văn Bút trên đường Bolsa. Dựng xe ngoài cửa không cần khóa, cứ vào bên trong tha hồ tìm sách. Khi quay về trên đường Brookhurst, tôi lại đến nhà sách Tự Lực lấy một hai tờ nhật báo xem tin hoặc tìm sách tiếp. Khát nước ư, ghé tiệm Viễn Tây làm một ly nước mía nguyên chất. Gần trưa bụng cồn cào, cứ vào Lees Sandwiches kêu một ổ mì baguette với ly cà-phê sữa đá trước khi đạp xe tiếp tục đến một nơi khác không định hướng. Tuy sở thích của tôi đi xe đạp là để giết thì giờ, nhưng cũng để lấy hình làm phóng sự, nếu cần, trong những dịp đặc biệt.

Trong cái thú đạp xe đạp quanh khu phố Bolsa đã nhiều năm, tôi có một kỷ niệm với ca sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Nhật Trường, trong khoảng thời gian năm 2000, được bà con đồng hương Việt Nam tại quận Cam, Nam Cali, tặng cho biệt danh đầy thương mến là "Người ca sĩ hát rong trên phố Bolsa". Số là Nhật Trường có tổ chức một ngày hát rong để quyên tiền giúp quỹ xây dựng tượng đài Việt-Mỹ tại thành phố Westminster thuộc khu Sàigòn Nhỏ, và tôi đã đến hiện diện trong dịp đó. Nhật báo Việt Báo, Nam Cali, ngày 29/2/2000 đã đưa tin này như sau: "Nhật Trường Hát Rong Gây Quỹ Xây Tượng Đài - Quận Cam: Trưa Chúa Nhật 27/2/2000 vừa qua, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tức ca sĩ Nhật Trường đã tự thực hiện một chương trình văn nghệ "hát rong" trên đường phố Bolsa để gây quỹ xây dựng Tượng Đài Kỷ Niệm Chiến Sĩ. Cùng tham dự chương trình văn nghệ thiện nguyện này có nhạc sĩ Xuân Điềm và ca sĩ Mỹ Lan. Đội chiếc nón rừng có in cờ Việt Nam Cộng Hoà và với quân phục tác chiến, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, cựu quân nhân Quân Lực VNCH, ôm tây ban cầm đi giữa đám đông và hát một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông. Có khoảng một ngàn đồng hương đã cùng tham gia với nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi này. Buổi hát xuống đường gây quỹ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh kéo dài đến 5g30 chiều, tổng số tiền thu được là 15,418.000 mỹ kim." (Tài liệu của Lê Hữu, trên mạng www.hocxa.com).

Tuy nhiên, khi rong chơi bằng xe đạp thì điểm nghỉ chân hấp dẫn tôi nhất là trước siêu thị ABC, ngay góc Bolsa và Magnolia. Đây cũng là bến đỗ của hãng Xe Đò Hoàng. Đằng trước và dọc theo cửa chợ ABC là một vỉa hè khá dài và rất ư là "Việt Nam" với những sạp trưng bày đủ thứ trái cây từ vùng nhiệt đới Hawaii hoặc từ đất nước Mễ Tây Cơ mang đến. Vỉa hè này sẽ còn "Việt Nam" hơn nữa vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Tết đến, tại các khu phố, các khu chợ, mỗi góc đường đều trưng bày những rừng hoa Tết. Phải nói là hằng trăm loại hoa khác nhau từ khắp nơi được tập trung về đây khoe sắc. Các loại hoa quả và bánh trái truyền thống đều thấy xuất hiện khắp phố Bolsa, tỏa hương thơm trong tiết Xuân, đua nhau chào mời khách đi sắm Tết. Đây là dịp để cánh nhà báo Mỹ, Mễ, Đại Hàn đến Sàigòn Nhỏ làm phóng sự về nét văn hoá Tết đặc thù của người Việt.

Đi xe đạp sâu vào các khu dân cư cũng là dịp để nhìn cho biết nếp sống riêng biệt của mỗi sắc dân. Người Việt mình sùng đạo, có thói quen thường biểu lộ tín ngưỡng qua việc trưng bày những hình tượng tôn giáo, khác với văn hoá của người địa phương. Có lần tôi dừng xe đạp xem hai ông phóng viên Mỹ quây phim một hòn non bộ theo mô hình của hang đá Lộ Đức, có tượng Đức Mẹ Maria đứng chắp tay trong hang đá, bên dưới tượng Đức Mẹ đàn cá "koi" lội tung tăng trong hồ nước. Trong khi đó, ngay bên kia đường một nhà khác trưng bày tượng Đức Phật uy nghi ngồi thiền dưới cây bồ đề. Chạy qua trước nhà nào, nhìn vào sân trước sân sau thấy có cây trái vùng nhiệt đới, có thể biết được gia chủ đến từ các xứ sở Á Châu. Có nhà trồng cả mía để mùa nắng bỏ mối cho các tiệm sinh tố, hoặc chư luôn một vườn sả để bán sỉ cho chợ. Vài năm trước, ở Nam Cali có dịch trồng cây thanh long, còn gọi là cây quả rồng (dragon fruit tree), có lẽ vì thân cây mập mạnh, cứng và có khía như cây xương rồng. Vợ tôi cũng bắt chước trồng một dãy quanh nhà cho vui, mùa đầu hái được vài chục trái, qua năm thứ hai không ngờ kiếm được hơn 200 trái để mua vui cho con cháu và biếu hàng xóm lấy thảo. Thấy dễ trồng, vợ chồng người Mỹ nhà kế bên cũng xin giống của vườn nhà tôi để trồng và hứa sẽ phổ biến cho bạn bè. Nghĩ cũng vui, cây trái của nước mình bỗng dưng được sang giao du trong vườn nhà của sắc dân khác. Quả thanh long khi chín đủ sẽ có hình dạng no tròn, mầu đỏ hồng rất bắt mắt, và bán rất chạy vào dịp Tết để chưng bàn thờ, nhưng nay không còn được giá nữa vì cái dịch thanh long đã lan tràn khắp nơi.

Lại tiếp tục với những vòng quay của chiếc xe đạp loanh quanh trong khu dân cư, tôi bỗng nhận ra thêm một đặc tính khá thú vị của đồng hương mình trong việc làm chủ chiếc xe của gia đình. Nhìn nhãn hiệu của những chiếc xe đậu trên các sân nhà của cư dân cũng giúp biết được chủ nhân thuộc sắc dân nào. Đại để, nếu thấy có xe Toyota, Lexus, Honda, Acura, Nissan, Audi, BMW, Mercedes trên sân -- và thường là đời khá mới -- thì cứ cầm chắc gia đình này là Việt Nam, không khá giả thì cũng trung lưu. Người Việt mình, trong đó có người viết, có sở thích lái xe Nhật và Đức vì máy xe bền lại ít mất giá. Còn nếu thấy các hiệu xe khác, có thể đoán chủ nhân là Mỹ hoặc Mễ, hy vọng không sai mấy. Người địa phương, nói chung, có khuynh hướng thực tế hơn đồng hương mình, muốn tiết kiệm tiền khi xài xe, ngoại trừ những người dư tiền dư bạc thì đi xe mới cáu cạnh.

Tại khu Sàigòn Nhỏ, việc bệnh nhân Việt Nam đi khám bệnh tại văn phòng của các bác sĩ Việt Nam là một nhu cầu lớn đã được đáp ứng. Đây là một phần thưởng lớn, một tiện ích thiết thực, mang lại niềm vui và thoải mái cho bà con người Việt mình khi đi khám bệnh. Đây là kết quả của một nỗ lực lớn của rất nhiều bác sĩ Việt Nam tại vùng Nam Cali, mà khoảng 15-20 năm trước chỉ là một mơ ước chung của cả cộng đồng Việt Nam. Cám ơn các thế hệ bác sĩ Việt Nam tại đây, già có trẻ có, đã quan tâm đến sức khoẻ của đồng hương Việt bằng cách phối hợp với các hãng bảo hiểm y tế của Mỹ để lập ra những tổ hợp y khoa lớn nhằm phục vụ riêng cho bà con. Đến nay, giữa khu Sàigòn Nhỏ đã có ít nhất 4 tổ hợp lớn do các bác sĩ Việt Nam điều hành được ghi nhận, với những cơ ngơi khang trang và tiện lợi cho bệnh nhân người Việt sử dụng. Kèm theo đó một số nhà thuốc Tây do các dược sĩ Việt Nam đảm nhiệm cũng đã lên đến con số hằng chục để phục vụ cho bệnh nhân đồng hương. Mới năm ngoái đây, ông anh họ của tôi từ Boston qua Nam Cali ăn cưới, chẳng may phải đi cấp cứu và nhập viện vì áp suất máu lên cao ngay trong buổi tiệc. Mấy ngày điều trị tại bệnh viện Fountain Valley đã để lại nơi ông nhiều cảm nghĩ tốt về khu Sàigòn Nhỏ này. Về lại Boston, ông điện thoại qua cám ơn vợ chồng tôi và nói đùa như thể ghen với chúng tôi, "Cô chú ở bên đó tha hồ mà sống dai như bành tổ. Bác sĩ Việt Nam thì đầy quanh nhà. Anh ở bên này đã một thân một mình, không có lấy một ông bác sĩ Việt, lại phải đến phạc-ma-xi Mỹ lấy thuốc, họ nói họ nghe, mình nói gì họ cũng chẳng hiểu. Anh "đai" trước cô chú là cái chắc." Nghe xong, tôi ngẫm lại, thì ra quanh nhà tôi chỉ vài trăm mét đã có đến 16 phòng khám bệnh của bác sĩ Việt Nam, chưa kể nha sĩ, dược sĩ. Đi khám bệnh, bệnh nhân Việt được nói tiếng Việt với bác sĩ, nha sĩ, và dược sĩ Việt thì còn gì bằng.

Cá nhân tôi hôm nay vẫn còn may mắn được ở giữa lòng khu phố Sàigòn Nhỏ - Nam Cali. Với tôi, thiết nghĩ thời gian 26 năm làm cư dân ở đây cũng đủ dài để tôi ghi nhận cả ngàn lẻ một biến cố vui buồn đã xảy ra. Tôi đã có dịp tham dự hầu hết mọi sự kiện từ văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, y tế, xã hội, và cả chính trị. Tôi tham dự với một tinh thần trách nhiệm để xây dựng cộng đồng như bao đồng hương khác. Tôi nghiền ngẫm về những sự kiện đó, nhưng không thủ đắc cho mình một lối nhận xét hoặc định kiến khi chưa kiểm chứng đầy đủ. Khác với giới truyền thông vốn dĩ nhạy bén hơn, họ chạy tin lẹ như chớp, thậm chí họ có thể viết xong một bản tin ngay cả trước khi sự việc ngã ngũ. Thỉnh thoảng cũng có một vài nhà báo đồng hương còn thêm thêm bớt bớt làm sao cho bài viết của mình được hấp dẫn tối đa.

Sống giữa một cộng đồng đồng hương đa dạng như thế, nên khi tham dự những dữ kiện hoặc biến cố do một nhóm người tổ chức, tôi thường căn dặn mình phải suy nghĩ, xem coi sinh hoạt đó mang ý nghĩa gì, để hoặc đóng góp tinh thần và vật chất, hoặc cần tìm hiểu thêm cho tỏ tường. Đặc biệt với những biến cố hoặc sinh hoạt của cộng đồng tổ chức có liên quan đến chính trị, tôi thường không cho phép mình quên đi căn cước của mình là một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hoà. Tôi biết mình phải xử sự sao cho đúng với căn tính của một người Việt tỵ nạn vì không sống được với Cộng sản nên đã bỏ nước ra đi.

Sống giữa Sàigòn Nhỏ này, hằng ngày bao nhiêu chuyện vui buồn dù muốn dù không đã xảy ra, và đồng hương cũng phải chấp nhận đó là một phần của đời sống tại một nơi chốn mang danh là "thủ phủ" của người Việt tỵ nạn. Nhưng đồng hương vẫn vui, vì mỗi năm lại có khoảng 2% dân số từ nơi khác dọn về Nam Cali (The US Census Bureau – 2012), và tin rằng một số cũng sẽ tìm đến cư ngụ tại Sàigòn Nhỏ.

Tôi có người bạn thân cùng khoá Thủ Đức, anh không đi Mỹ theo diện HO được vì thiếu vài tháng ở tù Cộng sản để đủ 3 năm. Có lần từ Việt Nam, anh email qua hỏi để biết tôi ở đâu trên đất Cali này. Điều này dễ hiểu, vì bạn tôi chỉ biết tôi ở Cali chứ không rõ vùng nào. Tôi phải tương đối khá dài dòng văn tự viết email cho bạn theo kiểu có đầu có đuôi để bạn dễ hình dung và biết nhà tôi ở đâu tại Cali, vì diện tích Cali còn lớn hơn Việt Nam. Đại để, tôi hệ thống hoá với bạn rằng, (1) Nước Mỹ hiện có gần một triệu rưởi người Việt rải rác trên 50 tiểu bang – (2) Tôi ở Cali có 380,186 người Việt, gồm Bắc và Nam Cali – (3) Tôi lại ở Nam Cali với số người Việt là 233,573 sống tại 12 thành phố chính – (4) Nhà tôi ở thành phố Westminster là thành phố thứ 2 có đông người Việt, địa chỉ nằm ngay trên đường Bolsa góc Brookhurst, là trung tâm điểm của Sàgòn Nhỏ. Muốn cho bạn yên tâm hơn, tôi không quên chua thêm ở dưới email với dụng ý nhắc lại lần thứ hai rằng, từ nhà tôi thường đi bộ ra khu Phước-Lộc-Thọ chơi, như ngày xưa ở Sàigòn tôi đã đi bộ từ nhà ra chợ Bến Thành.

Đọc xong email tôi hướng dẫn, bạn tôi hồi âm: "Cứ như mày vừa hoàn tất một "tư liệu phần mềm" để cho lên mạng vậy. Nếu chó ngáp phải ruồi tao được đi du lịch Mỹ thì chắc chắn tao sẽ tìm đến nhà mày không khó lắm." Tôi cũng đùa giai với bạn: "Đúng vậy, nếu đi Mỹ mày cứ dùng cái GPS này của tao, bảo đảm mày không bị lạc đâu." Ngẫm lại điều bạn nói, tôi thấy mình hơi lẩm cẩm làm chuyện ruồi bu không cần thiết đã hướng dẫn bạn một cách quá chi tiết như thế, có thể làm phật lòng bạn. Thật hư thế nào không rõ, nhưng cuối năm 2009 bạn tôi đã được người thân bảo lãnh qua du lịch Florida một chuyến và từ Florida anh cùng với người thân đã tìm đến nhà tôi không mấy khó. Dịp đó, anh cũng đã được tham dự buổi họp mặt hi hữu trước lễ Giáng Sinh với bạn bè cùng khoá Thủ Đức.

Trước 1975, gia đình tôi không nhận căn nhà do quân đội cấp trong khu gia binh gần Tân Sơn Nhất, thay vào đó tôi đã thuê một chỗ ở trong một con hẻm khá chật chội, nhưng được cái là ở gần chợ Bến Thành. Cần việc gì, tôi chỉ đi bộ vài phút đến chợ Bến Thành. Hôm nay, ở nơi hải ngoại xa xôi, tôi lại được sống ngay giữa trung tâm của "Thủ đô tỵ nạn" và giữa cộng đồng đồng hương của mình. Dù phải sống xa quê hương nhưng thủ đô Sàigòn năm xưa vẫn ở trong lòng tôi. Đó là "Sàigòn Lớn" với chợ Bến Thành có mái vòm cong cong, có bùng binh Quách Thị Trang làm điểm hẹn cho những chiều cuối tuần được rời quân trường Thủ Đức. Trong ký ức thanh xuân, tôi nhớ lại những buổi sáng Chúa nhật từ đồi Tăng Nhơn Phú mặc bộ quân phục đại lễ đi phép về Sàigòn ngồi uống cà-phê chờ người yêu tại nhà hàng La Pagode. Tiệm bánh Givral, hay nhà hàng Brodard, rạp Ciné Rex, Vương cung thánh đường Sàigòn đầy ắp kỷ niệm Noel, và còn rất nhiều tên gọi khác nữa, đã ôm giữ bao kỷ niệm thời trai trẻ của tôi. Hôm nay phiêu bạt nơi xứ người, mỗi lần nhớ về Sàigòn, nỗi đau 30/4 bỗng như vết dao sắc chém xuống trái tim người Việt tha hương.

Năm 2010, tôi về Việt Nam cải táng mẹ, và cũng là lần đầu tiên sau 23 năm xa cách tôi được thấy lại "Sàigòn Lớn". Thấy ngôi mộ của mẹ hư hại nhiều quá, tôi không ngờ thời gian 23 năm kể từ ngày tôi ra đi vượt biển qua nhanh đến vậy. Giá mà tôi đã có thể về sớm hơn, chắc ngôi mộ của mẹ đã đẹp hơn, dù bây giờ phải dời mẹ đi nơi khác. Trước khi cử hành nghi thức cải táng, tôi xin phép mẹ để đưa mẹ về sum họp chung với bố trong một nghĩa trang ở Long Khánh.

Sau những ngày dành cho gia đình, tôi lên Sàigòn vài hôm để thăm người thân trước khi về lại Mỹ. Chỉ sau một ngày dạo phố, tôi đã bị chóng mặt bởi sự phồn hoa không cân xứng của phố thị một thời mang danh là "Hòn ngọc Viễn Đông." Dáng vẻ bên ngoài của Sàigòn hôm nay thay đổi quá, đến độ tôi không còn nhìn ra con hẻm ngày xưa mình đã từng ở gần chợ Bến Thành. Sàigòn hôm nay đang được người ta tô son trét phấn một cách vội vã quá trơ trẽn, nhưng tôi tin Sàigòn vẫn còn mãi mãi và Sàigòn vẫn nhận ra tôi là người con từ xa về thăm quê mẹ.

Nhớ lại khi máy bay hạ cánh ở độ thấp khoảng 100 mét trên khu vực Tân Sơn Nhất, lòng tôi bồi hồi đến ngột ngạt khi nhìn thấy những mái nhà vòm xi-măng loang lổ để lại từ thời chiến tranh vẫn còn đó. Những dãy nhà tôn rỉ sét dọc theo phi đạo tố cáo một vẻ nghèo nàn không được nhà cầm quyền quan tâm đến. Ra khỏi phòng đợi, tôi chạm mặt ngay với một rừng người đi đón thân nhân mà như đi biểu tình.

Từ phi trường về đến bến xe miền Đông, xe tắc-xi của tôi khi nào cũng bị bao quanh bởi một rừng xe hai bánh, cộng với hằng ngàn tiếng còi xe đủ loại inh ỏi chát chúa của một xã hội đang tranh nhau sống. Trong xe muốn nói gì với nhau, phải hét lên mới nghe được. Xe cộ thì chạy đủ chiều đủ hướng, như thể một tổ kiến khổng lồ bị chọc phá đang tìm đường chạy thoát không bao giờ dứt. Thành phố Sàigòn của tôi hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, đâu đâu cũng thấy bảng hiệu thương mại, cho thấy một bộ mặt phồn hoa giả tạo. Nhưng ở những vùng ngoại ô nghèo nàn, -- nơi mà Nhà Nước và Đảng nghĩ không cần tô son trét phấn làm gì -- cuộc sống người dân vô vàn khốn khổ vẫn còn đó, vẫn bị bỏ quên, trong khi "trương mục" của các ông lớn ngày càng lớn dần.

Đứng giữa Sàigòn hôm nay, niềm đau của tôi bỗng nhân lên gấp bội bởi thấy mình quá xa lạ ngay chính trên quê hương của mình. Trong khi những bộ sắc phục mầu rêu của đội ngũ công an khiến tôi phải hồi tưởng lại những tháng năm tôi bị đọa đày trong ngục tù Cộng sản, thì những bộ áo mầu cam của cảnh sát đứng đường là hình ảnh của những con đỉa hút máu bám vào 85 triệu con dân Việt mà sống. Cuộc sống của người thân tôi cũng quá đọa đày. Miếng đất chỉ rộng bằng 4 chiếc chiếu làm nơi trú ngụ của một gia đình 5 miệng ăn hơn 20 năm qua, nay bỗng nhiên bị khoanh vùng để Phường xây cái gì đó mà không ai rõ. Người thân tôi chỉ nhận được chút tiền bồi thường quá sức bèo, nên buộc phải ra kiếm sống tại vùng ngoại ô Sàigòn, sống không ra sống, chen chúc nhau dưới một mái nhà tôn thiếu vách trên một ao nước tù hãm đen sì. Đến thăm, lòng tôi đau lắm, không phải vì chứng kiến cảnh sống quá phũ phàng của người thân cho bằng nhìn thấy cuộc sống quá ư lầm than của hơn một chục em bé mồ côi hằng ngày lang thang nơi khu đổ rác bên kia ao nước tù. Trong khi cuộc sống trong thành phố quá sung túc, thì ở đây bên bãi rác khổng lồ này các em mồ côi không còn một lựa chọn nào khác ngoài việc bươi cào từng mét rác để kiếm sống qua ngày. Tôi tự hỏi trong nghẹn ngào, "Tuổi thơ và tuổi trẻ Việt Nam hôm nay như thế này sao? Tương lai của các em sẽ đi về đâu?"

Tôi đứng giữa "Sàigòn Lớn", nghe lòng buồn tủi cho sự lạc lõng của chính mình ngay trên quê hương sinh ra mình. Tôi đứng giữa khu chợ Bến Thành, tiêu biểu cho "Sàigòn Lớn", nghe được những tiếng rên la của 9 triệu đồng hương trong thành phố Sàigòn và tiếng kêu gào bất công của bao dân oan khiếu kiện. Và tôi cũng nghe được cả những tiếng nói cương trực của những người trẻ Việt Nam đứng lên đối kháng với nhà cầm quyền độc tài Cộng sản đang vang lên giữa một xã hội mà tuổi trẻ bị ru ngủ bởi một lối sống giàu sang đầy sa đọa, vô nhân bản, và đui chột.

Về với "Sàigòn Lớn" trên quê nhà, tôi không tìm ra một ngôn từ nào để diễn tả hết nỗi nhục nhằn và thê thảm của đồng hương tôi đang bị kềm kẹp. Trong dịp về thăm lại quê hương yêu quí lần này, tôi biết mình không dễ gì cất bước rời xa người thân được, nhưng cũng sẽ không thể lưu lại lâu hơn. Bỗng nghĩ đến cuộc sống của 4 triệu đồng hương Việt Nam, và của riêng tôi, đang may mắn sống tại các khu "Sàigòn Nhỏ" bên kia nửa vòng trái đất, tôi nghe lòng xót xa vô hạn.

Xin Thượng đế cứu giúp con dân Việt trên quê hương con thoát khỏi vòng tay quỷ đỏ Cộng nô, như câu hát, "Thượng đế hỡi, có thấu cho Việt Nam này!"

Nguyễn Hùng Cường, e.j.

Ý kiến bạn đọc
28/09/202104:51:49
Khách
QGWJESWW5FYX7TXWXF www.google.com
I have a small question for you
26/07/202100:19:05
Khách
You will be pleasantly surprised to learn about our generous offer.
The link to our offer is valid for only one day https://tinysrc.me/go/hg0PJIWng
05/09/201809:34:42
Khách
Hello, My name is James, I work as a Business Consultant, and was doing research for another client when I came across your site vietbao.com. and thought I would message you on your contact form.

After doing a quick analysis of your website, I noticed a couple of issues that are most likely causing people to leave without making contact.
I really liked your website but noticed you weren't getting a lot of traffic to your site and your googla ranking wasn't as strong as it could be.

https://SEOGradeCheck.com

I can run a SEO audit of your site and give you a call to over the results for only $9.95.

Before you waste hundreds or even thousands of dollars on advertising give me the opportunity to show you the issues that are keeping you from getting more visitors to your site.
If you'd like to talk personally please give me a call at 480-457-0165 9 to 5 MST USA.


Best Regards,
James
https://SEOGradeCheck.com
[email protected]
16/09/201314:57:55
Khách
Xin phép được góp ý với cụ NT. Khi chọn Bolsa lảm Saigon Nhỏ, người ta không ngờ cộng đồng VN lại có thể phát triển mạnh và nhanh đến thế, hay nói cho đúng hơn thì lúc ấy người ta chỉ mong được tới vậy là mãn nguyện lắm rồi và hy vọng đây sẽ là bàn đạp phát triển ra nhiều chân rết. Do vậy, nhìn về mặt ĐL và PT trong vòng 20 năm nữa CĐVN tai Saigon Nhỏ khó có thể phát triển lớn hơn vì "long mạch" đã bị chặn. Để có thể khai thông CĐVN khó có thể làm gì hơn nếu không đủ mạnh để di dời âm khí đã tụ hội ngày một lớn lúc nguyên thuỷ là ở trên đầu và nay đã là giữa trái tim cộng đồng. Việc phát triển Saigon Nhỏ lại là do thế hệ thứ nhất, nếu thế hệ này không kiến tạo thêm được gì hơn, vì nay đã già nua, thì mai hậu chúng ta chỉ là một con rết có những những chân to kềnh bởi những thế hệ sau mà thôi. Mấy ai là người quan tâm.
13/09/201323:37:33
Khách
Giá không có 2 nghĩa địa chặn phía trên đầu (Bolsa/Beach) thì Saigòn Nhỏ mới thật là vùa hoàn chỉnh vừa phong phú về địa lý và phong thuỷ.
03/09/201320:03:09
Khách
hay
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến