Hôm nay,  

Tản Mạn Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn

22/11/201300:00:00(Xem: 38482)
Người viết: Phùng Annie Kim
Bài số 4066-14-29466vb5112113


Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí và là cư dân vùng Little Saigon, Westminster, California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà năm 2013 là "Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi." Sau đây là bài viết thứ bẩy của Bà.

* * *

Mùa lễ Tạ Ơn đang đến. Hồi còn học trung học, tôi học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ. Tôi nhớ hoài quyển sách “Lets learn English” trong đó có một bài viết về ngày lễ Tạ Ơn. Bài có bức hình minh họa một gia đình Mỹ gồm hai vợ chồng và hai đứa con, một trai, một gái đang ngồi quay quần quanh chiếc bàn ăn.Cả gia đình ai cũng tươi cười, có khuôn mặt đẹp, thanh tú như đôi mắt to, sóng mũi cao, nét mặt đúng là…Mỹ. Họ ăn mặc chỉnh tề. Cậu con trai còn nhỏ mà đã được thắt cái cà-vạt. Đẹp nhất là cô con gái có cái áo đầm hoa, tay phồng, kết ren, mái tóc cột lên như cái đuôi gà sau ót. Trên bàn có nhiều món ăn nhưng đặc biệt có con gà tây thật to, nằm ngửa đặt trên dĩa ở giữa bàn, hai cái đùi chổng lên, không có chân.

Đó là những hình ảnh đầu tiên tôi biết về về ngày Lễ Tạ Ơn qua sách Mỹ. Trong trí tưởng tượng của một cô học trò lớp mười, đó là hình ảnh về những người Mỹ lịch sự, sang trọng (quần áo đẹp, thắt ca-vát), về một đất nước giàu (nhà bốn người mà ăn một con gà tây và một bàn đầy các dĩa thức ăn), về gia đình người Mỹ ít con (chỉ có hai trong khi gia đình tôi chín anh chị em) về tục lệ “cám ơn” mà ba má tôi thỉnh thoảng nhắc nhở. Tôi đã ước mơ về một phương trời xa lạ, một đất nước xa xôi có con gà tây. Phải chi có một ngày nào mình được đặt chân đến xứ Mỹ!

Tiếng Mỹ có từ ngữ “enjoy” thật hay. Tiếng Việt phải dùng nhiều từ mới diễn đạt hết ý nghĩa của từ này. Từ ước mơ đến xứ Mỹ lúc còn trẻ cho đến khi ước mơ thành sự thật, từ hình ảnh con gà tây trong ảnh cho đến khi nhìn thấy con gà tây thật trong ngày lễ Thanksgiving, phải mất… ba mươi năm. Ba mươi năm tôi mới được đặt chân đến nước Mỹ, được vui chơi, hưởng thụ, thưởng thức, cảm nhận, trải nghiệm và… “enjoy” Thanksgiving đầu tiên ở Mỹ là năm 1991, lúc đó tôi đã ngoài bốn mươi.

Tôi tự an ủi: “Mới hơn… nửa đời người. Còn trẻ chán!”

Tháng đầu tiên, tôi ở nhà người bảo trợ là cô Lương và chú Nam. Chú là em ruột của chồng tôi. Đi theo diện HO, nếu không có thân nhân ở Cali thì gia đình tôi sẽ được một gia đình người Mỹ ở tiểu bang xa xôi nào đó bảo trợ rồi. Làm gì mà được hưởng thời tiết đẹp và tình người của “Cali nắng ấm tình nồng”?

Nhà có một phòng trống, một giường dành cho hai đứa con, bố mẹ ngủ dưới thảm. Một tháng đủ để vợ chồng cô chú hết lòng giúp đỡ bước đầu như lo giấy tờ làm thẻ xanh thường trú, chở đi khám sức khỏe, đi thăm bà con, đi chợ Mỹ, đi shopping, học lái xe, học cách sử dụng đồ dùng trong nhà bếp, học cách đi bộ qua đường, học cách xài tiền Mỹ, sử dụng thẻ tín dụng, rút tiền mặt, account ngân hàng, học tiếng Mỹ…

Một tháng tuy ngắn ngủi nhưng gia đình tôi làm quen dần với các tục lệ và hội nhập với đời sống Mỹ như phải xếp hàng, phải biết nói “thank you”, không gắp thức ăn chung bằng đũa của mình khi đi ăn tiệc, không nói ồn ào trong đám đông, không khạc nhổ hay xả rác bừa bãi, lỡ đụng chạm ai phải biết nói lời xin lỗi, tôn trọng phụ nữ vì “lady first”, quý trọng trẻ con nhưng trẻ con ở đây phải cẩn thận, không được nựng nịu tự nhiên như trẻ con bên nhà, không đánh chó, đập mèo và còn biết bao điều mới mẻ về nước Mỹ phải từ từ làm quen và học tập theo thời gian v…v.

Tôi nhớ căn phòng ở khu Irvine, gia đình bốn người chúng tôi quây quần trong không gian nhỏ hẹp này. Buổi chiều nhìn ra hồ bơi màu xanh biếc mà nhớ chuyến đi chơi ở bãi biển Vũng Tàu trước khi đi Mỹ. Trước giờ đi ngủ là lúc vợ chồng con cái kể cho nhau nghe những điều mới lạ học ở xứ Mỹ trong ngày và nhắc lại những kỷ niệm thời xa xưa ở Việt nam.

Cô chú Nam Lương là nhịp cầu nối đầu tiên giữa gia đình chúng tôi với xứ Mỹ. Tục ngữ có câu “Chị em dâu đánh nhau vỡ đầu”. Quan hệ giữa tôi và cô em dâu từ hồi ở Việt nam không “đánh nhau vỡ đầu” mà trái lại có mối giao tình tốt đẹp. Cô là người hiền lương như cái tên. Chú vui tánh hay nói chuyện tiếu lâm. Cô chú là những người tốt. Cái ơn đầu tiên ở xứ Mỹ là cái ơn tình sâu nghĩa nặng trong gia đình huyết thống của chồng tôi. Tôi không bao giờ quên.

Tháng sau, vì sự học của hai đứa con, gia đình tôi dọn lên Laguna Hills, “share” hai phòng trong ngôi nhà lớn của cô em chú bác là cô Niên và chú Trung. Ở đây có trường học tốt cho đứa con trai lên mười vô lớp năm và đứa con gái mười tám học lại lớp mười hai. Tục ngữ bình dân có câu “Nghèo mà ham!”. Đôi khi tôi ngẫm nghĩ câu này…đúng chớ đâu có gì sai! Vì nghèo nên người ta mới ham muốn, thèm khát. Trường hợp của tôi thì khác. “Nghèo mà…sang!”. Chân ướt chân ráo mới qua Mỹ mà leo tuốt lên… đồi tận Laguna Hills. Con cái cho học trường toàn là học sinh Mỹ trắng, con nhà giàu. Học sinh đầu đen đếm trên đầu ngón tay. (Tôi có đếm thật, mỗi lúc đưa đón mấy đứa nhỏ ở trường về). Vợ chồng cô chú chân thành mời gia đình tôi về ở hai phòng mà chỉ góp có ba trăm đô tiền nhà. Cô chú muốn giúp chúng tôi dành dụm tiền và có trường tốt cho con cái học hành. Ăn uống thì mỗi gia đình thay phiên nhau đi chợ. Tôi dùng foodstamps đi chợ Việt nam và là đầu bếp nấu các món ăn Việt nam cho cả nhà. Cô đi chợ Mỹ nấu thức ăn theo kiểu Mỹ cho mấy đứa nhỏ trong đó có thằng con trai của tôi bắt đầu quen với thức ăn Mỹ. Cô bao tiền điện, nước, gaz. Cô chú hiền hòa, cư xử tế nhị, quý trọng anh chị và các cháu. Sau một năm, cô chú bán nhà, chuẩn bị theo hãng dọn qua Oklahoma, gia đình tôi dọn về Santa Ana thuê một “apartment” hai phòng chín trăm đồng. Nhờ dành dụm chút tiền, tôi mở một tiệm bán vé máy bay khu Westminster. Chúng tôi chia tay nhau mà cả hai gia đình đều bùi ngùi, lưu luyến.

Tôi còn nhớ ba đứa cháu: Uyên mười tuổi, Thomas tám và Helen sáu, đứa nào cũng ngoan và lễ phép, suốt ngày quấn quít bên bác Phong. Sau này, cô có bầu thêm đứa thứ tư. Chú đi làm hãng Rockwell, sáng đi sớm, chiều về. Giờ chú sắp về là giờ cô đi làm hãng điện ca chiều cho đến gần sáng. Khoảng thời gian từ hai đến năm giờ, từ ngày có gia đình tôi về ở chung, chúng tôi giúp cô chú đưa đón thêm thằng con, tổng cộng bốn đứa trẻ, trông chừng chúng ăn uống và làm “homework”. Một năm ở Laguna Hills, hai đứa con tôi tiếp xúc, học hành với người Mỹ, bạn bè Mỹ, tiếng Mỹ tỏ ra tiến bộ rõ rệt. Hai vợ chồng tôi học Anh văn và ghi danh vài “unit” môn “booking” vé máy bay ở Saddleback College. Chiều tối, cả nhà bận rộn với “homework”.

Tôi hay đùa cặp này là “Ngưu Lang Chức Nữ” vì ban ngày chú đi làm, cô ngủ. Chú ngủ thì cô còn ở hãng. Họ chỉ gặp nhau trọn vẹn vào cuối tuần. Chúng tôi may mắn sống những ngày tháng đầu tiên với những người thân tốt bụng. Ngày lễ tạ ơn đầu tiên, tôi đứng ở sân sau của ngôi nhà đẹp và sang trọng của cô chú trên sườn đồi, nhìn xuống thung lũng, nhớ đến ngôi nhà nhỏ của tôi ở đường Nguyễn Thiện Thuật bây giờ sao mịt mù, xa xăm quá!

Vào ngày lễ Tạ Ơn, cô chú đứng ra làm chủ xị, tổ chức một buổi tiệc linh đình, khoản đãi bà con họ hàng hơn ba mươi người đến họp mặt, có đủ các món ăn Mỹ, Việt như gà tây, bánh bí, rau trộn, gỏi sen, chả giò, tôm chiên, súp cua …để mừng gia đình anh chị Phong đến Mỹ. Năm sau, cũng mùa Thanksgiving, chúng tôi dọn về Santa Ana. Một lần nữa, tôi mang thêm một cái ơn tình sâu nghĩa nặng với cặp vợ chồng cô Niên, chú Trung. Hai cặp cô chú là những “quý nhân” đã “phò trợ” gia đình tôi trong bước đầu lập nghiệp.

Thế là từ bức ảnh con gà tây “hai đùi chổng lên, không có chân” trong ký ức thời niên thiếu, trong bữa tiệc Thanksgiving tại xứ Mỹ, tôi được nhìn thấy nó bằng mắt, được vinh hạnh cắt những lát gà tây đầu tiên đặt trên dĩa của mọi người. Con gà được đặt mua và nướng tại chợ Mỹ, nặng hai mươi lăm pounds, giá hơn bốn chục đồng, đặt trên cái khay lớn, vẫn là “ hai đùi chổng lên, không có chân”, da nướng vàng, bóng lưỡng và mùi bơ thơm phức.

Ở Mỹ, công ty “Butterball” là công ty sản xuất gà tây lớn nhất, trụ sở đặt tại Garner, North Carolina sản xuất một tỉ pound gà tây mỗi năm bằng 20% tổng số sản lượng toàn quốc. Công ty này có nhãn hiệu như cái dĩa hình bầu dục nền vàng, nổi bật hàng chữ xanh “ Butter ball” là sản phẩm tiêu biểu và quen thuộc của các gia đình Mỹ trong dịp lễ Thanksgiving hằng năm.

Theo thống kê của hội bảo vệ súc vật PETA, mỗi năm vào ngày lễ Tạ Ơn, người Mỹ tiêu thụ một trăm bảy chục triệu con gà tây trong đó có một con, theo tục lệ, sẽ được vị Tổng Thống ở tòa Bạch Ốc tha chết vào ngày lễ này.

Ăn gà tây theo truyền thống Mỹ phải có “stuffing”.Tôi học món “stuffing” và “gravy” từ bà giáo dạy ESL. Đây là một món nướng gồm có bánh mì “sandwich” cắt vuông, cần, hành tây, nấm xào với bơ, trộn với nước sốt gà, thêm tiêu,muối thành một hỗn hợp hơi đặc rồi đem nướng. Sauce “gravy” ăn chung với gà làm bằng nước gà nướng gọi là “drippings”,trộn với nước súp gà, bơ, kem, sữa, bột bắp hay bột mì quậy lên, đun sôi thành một chất sền sệt màu nâu rưới lên miếng thịt. Có người thích loại “cranberry sauce” làm bằng dâu đỏ.Có người thích khoai tây nghiền có mùi tỏi. Salad, khoai lang, bắp, bánh táo…là những món không thiếu được trong bữa ăn Thanksgiving.

Con gà tây trông hấp dẫn thật nhưng khi ăn những lát thịt trắng, nhạt và khô, dù có kèm theo nước sốt vẫn không đậm đà, ướt át, mềm mại như gà đi bộ ướp và nướng theo kiểu Việt nam. Thế mới biết khẩu vị mỗi người, mỗi nơi mỗi khác. Vì vậy có nhiều gia đìnhViệt nam làm món gà mái nhỏ còn gọi là con “hen” nướng hoặc quay. Có gia đình chỉ chơi mỗi món… cánh. Cánh gà chiên bơ hay cánh gà chiên… nước mắm có mùi vị quê hương thay cho gà tây trong ngày lễ Tạ Ơn cũng là sự thay đổi cho hợp khẩu vị trong ẩm thực của người Việt vào ngày lễ này.

Thôi thì dù con hay cánh, gà tây hay gà ta, cũng là…gà. Khẩu vị cũng chỉ là thói quen lâu ngày “Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Tôi còn nhớ sau khi ăn uống xong, trong lúc “trà dư tửu hậu” đến màn chị em tâm sự, các cô em “phỏng vấn” những người di dân chân ướt chân ráo “newcomers” như chúng tôi về ngày lễ Thanksgiving đầu tiên ở Mỹ. Cảm hứng về con gà tây, tôi xuất khẩu thành bốn câu thơ con cóc:

Ta về ta “xực”gà ta
Gà ta tuy nhỏ nhưng mà thịt ngon
Gà tây tuy có lớn con
Thịt khô, nhạt phếch lại còn nặng “đô”


Từ Việt nam mới qua, mỗi lần xài tiền Mỹ, tôi có thói quen tính ra tiền Việt nam hoặc quy ra vàng. Lúc bấy giờ, ăn con gà tây hơn bốn chục đô gần bằng một… chỉ vàng. Số tiền đó quá lớn đối với người tị nạn như tôi chưa biết làm gì ra tiền. Chắc vì tiếc tiền nên nguồn thơ của tôi “tuôn trào lai láng”… chỉ có thế.

*

“Thanks” là những lời cám ơn. “Giving” là cho. Năm 1620, chiếc tàu “Mayflower” chở những người “Pilgrims” là những người Anh định cư đầu tiên. Vì sự bạc đãi về tôn giáo, họ đã di cư đến vùng đất mới còn gọi là Tân Thế giới. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, họ đến được đất liền và được những người thổ dân da đỏ cung cấp thức ăn. Khi cuộc sống ổn định, mùa màng thu hoạch tốt, họ làm lễ Tạ Ơn đến Thiên Chúa đã “cho” họ nhiều “ơn” phước như có cuộc sống no đủ, an lành, đến những người thổ dân cưu mang họ lúc đầu khó khăn. Truyền thống lễ tạ ơn “ Thanksgiving” ở Mỹ bắt nguồn từ đó.

Trải qua nhiều thế kỷ, ngày Lễ Tạ Ơn ở Mỹ còn là ngày cầu nguyện, họp mặt gia đình, ăn uống, vui chơi, bắt đầu mùa mua sắm cho lễ Giáng sinh sắp tới.

Lịch sử Việt nam, tổ tiên ta có tục lệ tế lễ Trời Đất cũng là một hình thức lễ tạ ơn. Truyện người con của vua Hùng Vương thứ sáu là Tiết Liêu hiền lành, đạo đức nằm mộng thấy Thần hiện ra chỉ cho cách làm lễ vật dâng vua. Gạo là thực phẩm nuôi sống con người.Thần dạy cho Tiết Liêu lấy nếp làm vỏ ngoài, giữa bánh có nhân, dùng lá gói, nén thành hình vuông tượng trưng cho Đất gọi là bánh chưng.Thần chỉ cách giã xôi thành bánh,vo thành hình tròn tượng trưng cho Trời gọi là bánh dầy. Nhờ hai thứ bánh giản dị và có ý nghĩa, Tiết Liêu được vua truyền ngôi báu.Từ đó, Vua cho dùng hai thứ bánh chưng, bánh dầy trong ngày Tết Nguyên Đán là ngày Tết truyền thống để nhớ ơn Trời Đất, ông bà tổ tiên.

Vua Quang Trung cũng có làm lễ tạ ơn. Ngày mùng năm tháng giêng năm Kỷ Dậu 1789, sau khi chiếm được Hà hồi, Ngọc Hồi, Vua ra lệnh tiến vào thành Thăng Long đánh tan hai mươi vạn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà chạy về Tàu. Sầm Nghi Đống tử trận. Nhà vua làm lễ kính cáo, tạ ơn Trời Đất, cho quân lính và nhân dân ăn mừng mùa xuân chiến thắng trong lịch sử chống ngoại xâm.

Triều đình nhà Nguyễn cũng có tục lệ làm lễ tạ ơn. Dưới chế độ phong kiến, vua là thiên tử thay Trời trị dân nên vua thay dân đăng đàn chủ tế tại đàn Nam Giao ở Huế để tạ ơn Trời Đất và các vị tiên đế, cầu xin mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Người Việt có tục lệ rất có ý nghĩa là cúng giao thừa nửa đêm vào dịp Tết Nguyên Đán. Chiếc bàn thờ nhỏ với khói hương nghi ngút, hoa, đèn, bánh trái, vào thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, trong tiếng pháo nổ rền vang, người chủ nhà chắp tay đứng giữa trời, gửi lời tạ ơn đếnTrời Đất, cửu huyền thất tổ, ông bà nội ngoại hai bên xin phù hộ cho con cháu được một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc.

Đạo Phật coi trọng bốn ơn sâu nặng đó là ơn Cha, Mẹ và ơn Thầy, Tổ. Người đi tu trong chùa còn mang thêm một ơn rất nặng khác đó là ơn của đàn na thí chủ đã bố thí cúng dường cho mình có phương tiện tu. Một hạt gạo cũng là vật thực giúp mình ăn để sống, để tu làm lợi cho chúng sinh.Người tu, mỗi khi nghĩ đến ơn này, phải dốc lòng tu học đạo giải thoát, đừng dễ duôi, phóng dật mà mang tội. Kiếp này không trả thì kiếp sau làm trâu ngựa để đền đáp. Nghĩ như thế thì lo tu, biết tiết kiệm của cải của thí chủ nhất là biết ơn.

Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo rất gần với người dân miền Nam còn có tên là Phật Giáo Tứ Ân. Phật giáo Hòa Hảo dạy các tín đồ “Tứ Ân hiếu nghĩa” là bốn ơn: tổ tiên và cha mẹ, ơn đất nước, ơn Tam Bảo, ơn đồng bào và nhân loại. Sống ở đời, người nào mang được bốn ơn này là người đạo đức, có hiếu, có nghĩa.

Natalie, con gái tôi theo đạo Công giáo. Mỗi bữa ăn, gia đình Natalie đều làm dấu thánh giá. Có khi gia đình đọc kinh tôi chỉ nghe lõm bõm. Tôi bảo đứa cháu ngoại là Dustin đang học tiếng Việt đọc cho bà ngoại nghe bài kinh. Dustin học thuộc lòng và đọc lưu loát. Đó là bài kinh tạ ơn Thiên Chúa đã cho lương thực hàng ngày. Người Công giáo tạ ơn Chúa mỗi ngày qua những bữa ăn. Đây là một truyền thống đẹp.

Trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” kể câu chuyện về Carnot. Ông là kỹ sư, nhà vật lý người Pháp nổi tiếng với nhiều phát minh trong ngành cơ khí. Một hôm, ông trở về trường cũ thăm thầy.Cả nước Pháp đều biết tên của con người tài ba này nhưng thầy không biết ông là ai. Ông đến gặp vị Thầy già và thưa với Thầy rằng: “Thưa Thầy, con là Carnot, học trò cũ ngày xưa của Thầy đây”.

Những câu chuyện nhỏ dạy về sự biết ơn vẫn là những bài học về luân lý, giáo dục có giá trị đạo đức làm cho chúng ta cảm động.

Thời phong kiến, các nước Đông phương như Trung Hoa, Việt nam rất quý trọng Thầy và biết ơn Thầy. Quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thầy đứng hàng thứ hai chỉ sau vua và trên cả cha: “quân,sư,phụ”.Theo chiều hướng của lịch sử, quan niệm này bây giờ đã lỗi thời. Nước Mỹ là đất nước kiểu mẫu cho nền dân chủ trên thế giới cho nên “dân” là “chủ”.Thầy ở xứ Mỹ cũng là bạn của trò, chia sẻ với trò về kiến thức trong học tập.Quan hệ của thầy trò dựa trên sự tương kính và chu toàn nhiệm vụ của hai bên nhiều hơn là sự mang ơn theo truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngày xưa.

Ngày lễ Mẹ (Mothers Day) cũng là ngày lễ truyền thống của Mỹ để nhớ ơn các đấng sinh thành đã cho ta hình hài này. Đạo Phật có tục lệ bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan. Tục ngữ ta có câu “nước mắt chảy xuôi” cho nên các bậc làm cha mẹ Việt nam ở xứ Mỹ đừng mong cầu gì nhiều ở con cái. Được một ngày các con dành cho cha mẹ là quý lắm rồi mặc dù tình thương cha mẹ dành cho con “bao la như biển Thái Bình” và công ơn “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển. Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.”Chừng nào mình nhắm mắt buông tay thì nước mắt mới ngừng chảy.

Người Việt còn có truyền thống mang ơn Thầy, Tổ là người sáng lập và có công truyền bá ngành nghề cho đệ tử. Lịch sử các vị Thầy, Tổ này nhiều lắm không sao kể hết. Phái võ Thiếu Lâm thờ Tổ Bồ đề Đạt Ma vì Ngài là người khai sáng môn võ Thiếu Lâm dạy cho các chư tăng trong chùa. Môn võ sau này lan rộng trong quần chúng. Ngày nay môn võ này vẫn được truyền thừa và đệ tử vẫn nhớ ơn Tổ. Tổ còn là một Thiền sư nên các Thiền viện đều có thờ Ngài sau chánh điện.

Ngành cải lương cũng làm lễ tạ ơn Thầy Tổ vào ngày mười hai tháng tám âm lịch. Theo ông Trần Quang Hải, tổ ngành cải lương là Tống Hữu Định, dòng dõi công thần nhà Nguyễn. Ông là một danh sĩ hào hoa phong nhã, nổi tiếng ăn chơi,yêu thích văn nghệ.Tuồng cải lương đầu tiên diễn ở nhà ông với biệt danh là ông Phó Mười Hai vì ông từng là Phó Tổng và thứ bậc mười hai trong gia đình.

Tổ ngành hát bội hay còn gọi là hát bộ (vì khi diễn phải ra điệu bộ) là ông Đào Tấn ở Bình định người có công sáng tác nhiều vở tuồng cổ.

Tổ ngành hát chèo là bà Phạm thị Trân. Bà là phụ nữ xinh đẹp, tài sắc, hát hay được tiến vào cung. Vua Đinh Tiên Hoàng yêu mến, giao cho việc dạy lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích gọi là hát trò, sau gọi là hát chèo.

Công chúa Thiều Hoa, con thứ sáu của vua Hùng Vương xinh đẹp, hiền thục nhưng không lấy chồng. Bà dạy dân trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải. Dân chúng làm nghề dệt vải nhớ ơn và thờ bà là Tổ ngành dệt.

Ngày giỗ Tổ ngành thêu là ngày hai mươi hai tháng giêng âm lịch. Tổ ngành thêu là ông Lê Công Hành đỗ tiến sĩ, đi sứ, bị vua quan Tàu giữ lại, bắt nhốt. Ông tìm cách học nghề thêu. Khi được tha về, ông truyền nghề này cho dân chúng. Nghề thêu ở Việt nam ra đời và phổ biến từ đó.

Tổ ngành kim hoàn được ghi lại là ông Cao đình Độ và con là Cao đình Hương. Hai ông học nghề kim hoàn của một gia đình người Hoa.Tài nghề của hai cha con rất giỏi được triều đình nhà Nguyễn trọng dụng. Khi chết, hai cha con đều được vua sắc phong. Ngày nay mộ còn thờ ở Phú Cát Huế. Những người làm nghề kim hoàn lấy ngày giỗ là ngày hai mươi bảy tháng hai âm lịch để ghi nhớ công ơn Tổ.

Khu Phước Lộc Thọ ở phố Bolsa nổi tiếng là khu bán nữ trang. Ngày giỗ Tổ, các chủ tiệm kim hoàn cúng lớn có heo quay, múa lân, văn nghệ…Giữ được truyền thống nhớ ơn các bậc tiền bối là nét đẹp về văn hóa. Các ngành nghề gìn giữ truyền thống giỗ Tổ của nghề mình như thế là làm đẹp cho nét văn hóa của nước Việt.

Trong văn học, Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng phản ánh truyền thống nhớ ơn này qua nhân vật Thúy Kiều. Sau khi về sống với Từ Hải,Thúy Kiều thỏ thẻ với Từ Hải: “Nàng rằng nhờ cậy uy linh.Hãy xin báo đáp ân tình cho phu”. Nhớ lại người ơn đã cưu mang, che chở cho nàng ở chốn lầu xanh, Kiều đã tặng cho chàng Thúc Sinh: “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân.Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là”. Đối với bà quản gia nhà Hoạn Thư và bà vãi Giác Duyên đã giúp đỡ, bao bọc, Kiều đã hậu tạ: “Nghìn vàng gọi chút lễ thường. Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân”. Kiều nhắc đến điển tích Hàn Tín lúc còn nghèo được bà Phiếu mẫu làm nghề dệt vải cho cơm ăn. Khi giúp Hán Cao Tổ xây dựng được nhà Hán và được phong là Sở Vương, Hàn Tín nhớ ơn bà Phiếu mẫu nên tặng bà ngàn lượng vàng.

Nhắc đến Thúy Kiều chốn lầu xanh mới biết giới “chị em ta” cũng có Tổ và nhớ ơn Tổ bằng cách mua hoa cúng Tổ. Tổ của nghề này là vị thần có đôi lông mày trắng còn gọi là thần Bạch Mi. “Giữa thì hương án hẳn hoi.Trên treo một tượng trắng đôi lông mày”.Nguyễn Du kể “chị em ta” “hương hoa khuya sớm phụng thờ. Cô nào xấu vía có thưa mối hàng”.Sau khi cúng hoa mới, họ lấy hoa cũ đem lót xuống chiếu sẽ “bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”. Khách làng chơi chắc phải… “get in line”!

Tổ ngành điện chắc chắn không phải…người Việt nam. Edison, công ty điện lực nổi tiếng được lấy tên ông ở quận Cam. Ông là người phát minh ra những ứng dụng về điện trong sinh hoạt hàng ngày như bóng đèn, động cơ điện, máy phát điện… Dù không có ngày giỗ Tổ như Việt nam, nhắc đến Edison, người Mỹ và người Việt nam đều nghĩ đến công ơn của nhà khoa học tài ba lỗi lạc này. Những phát minh của ông đã làm thay đổi bộ mặt của nước Mỹ và cả thế giới.

Vừa rồi tôi lan man kể chuyện về ngày lễ Tạ Ơn ở Mỹ. Ngày lễ này có những điểm tương đồng với văn hóa Việt về mặt lịch sử, văn học, xã hội, tôn giáo...“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Uống nước nhớ người đào giếng”. Ca dao, tục ngữ phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm chân thành và mộc mạc của người Việt nam, đó là truyền thống “biết ơn” và “nhớ ơn”. Không những thế, truyền thống này còn nhắc nhở người khác phải biết nhớ ơn “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” nhưng cũng biết quên cái ơn mình đã làm vì “thi ân bất cầu báo”. Làm ơn rồi không cần đáp đền, chỉ biết đó là việc tốt mình phải làm mà thôi.Truyền thống biết ơn này lên án những kẻ “ăn cháo đá bát”, “qua sông rút cầu”, “được chim quên ná, được cá quên nơm” là những kẻ vong ân bội nghĩa. Xã hội nào cũng có loại người này.

Tôi biết có những người chỉ cám ơn xã giao, xem hai tiếng “cám ơn” như hai tiếng ở đầu môi chót lưỡi.Tôi thực tập một thói quen, khi cám ơn ai, tôi để tâm thành của mình trong hai tiếng “cám ơn” gửi đến người nhận.Tuy nhiên, có khi “quên”, miệng nói “cám ơn” mà đầu óc để đâu đâu hoặc miệng nói “cám ơn” mà không “biết” mình đang nói cám ơn với người ơn của mình.

Ngày lễ Tạ Ơn, tôi chân thành nghĩ đến những người thân gần nhất của tôi. Tôi cám ơn Cha, Mẹ đã cho tôi hình hài, nuôi dạy tôi khôn lớn, các vị Thầy, Cô giáo đã cho tôi chữ nghĩa, kiến thức, các anh chị em đã cho tôi tình thương trong gia đình ruột thịt, các bà con họ hàng hai bên nội ngoại đã cưu mang, giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn, trở ngại trên bước đường đời.

Tôi cám ơn ông chồng tốt, người bạn đời cùng song hành với tôi suốt bốn mươi năm, người cha gương mẫu của các con tôi. Tôi cám ơn các con tôi đã cho tôi biết thế nào là “Lòng Mẹ”để tôi thương mẹ tôi và thương các con tôi nhiều hơn.

Tôi cám ơn những người bạn dù thân hay sơ, các bạn là một phần của đời tôi. Các bạn cho tôi, dù ít hay nhiều một món quà vô giá đó là kỷ niệm. Tôi trân quý và sống nhiều với kỷ niệm.

Tôi cám ơn những vị bác sĩ đã có lòng chữa bệnh cho tôi như một “lương y như từ mẫu”. Bác sĩ Webstern người đã chữa bệnh lao, bác sĩ Miliken, người đã hai lần mổ phổi, họ đã cùng với hệ thống y tế hiện đại ở xứ Mỹ như y tá, bệnh viện, thuốc men, trang thiết bị y khoa nhất là tấm lòng, dành lại sự sống cho tôi từ bàn tay tử thần. Không có quý vị, tôi không được ngồi đây gõ những dòng chữ này.

Nếu phải cám ơn cho đầy đủ và quán chiếu từng sự việc trong sinh hoạt mỗi ngày của bản thân, tôi mang ơn nhiều điều, nhiều người không quen, không biết tên và… không sao kể xiết. Tôi mang ơn không khí của bầu khí quyển, tia nắng sớm của ánh mặt trời, sự bình an của người lính, hạt cơm của người nông dân, manh áo của người dệt vải, giọt nước của người đào giếng, sách vở của người thợ trồng cây nuôi rừng, cầu, đường của người công nhân, con gà tây của người chăn nuôi, viên thuốc của nhà nghiên cứu, bào chế …và biết bao nhiêu món nợ cứ thế mà “cái này có thì cái kia có”, “trùng trùng duyên khởi”. Những cái “nợ đồng lần” ấy, tôi chưa trả hết và tôi vẫn nhận mỗi ngày. Vì vậy, những cái ơn cứ thế chồng chất mãi và kéo dài cho đến khi tôi nhắm mắt lìa đời, tôi vẫn còn nợ, vẫn mang ơn.

Tôi không chỉ cám ơn nước Mỹ vào ngày lễ Tạ Ơn. Tôi đã cám ơn nước Mỹ cách đây ba mươi năm, từ khi nhận được giấy bảo lãnh của chú em gửi về, tờ giấy “Loi” (Letter of Introduction) của Sở Di trú Mỹ. Nó là chiếc phao cứu hộ đầu tiên mang đến cho gia đình tôi niềm tin và hy vọng đi Mỹ diện bảo lãnh trước khi có chương trình HO.

Hai mươi hai mùa Thanksgiving trôi qua. Thật là một chặng đường dài cho những người di dân như chúng tôi đến Mỹ bằng hai bàn tay trắng với những ước mơ. Cám ơn nước Mỹ, cám ơn cuộc đời, cám ơn những người đã giúp tôi biến ước mơ đến… xứ sở của con gà tây thành sự thật.

Kahlil Gibran, nhà thơ, nhà văn và là một nghệ sĩ người Lebanon, ông viết:

“Wake at dawn with winged heart
And give thanks for another day of loving”


Lời dịch của ai đó thật hay:

“Cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Để có thêm ngày nữa để yêu thương”


Chúng ta nợ ơn đời và ơn người. Mùa Thanksgiving, chúng ta đem lòng biết ơn và tình thương đến cho những người ơn và những người thân quanh ta. Cầu chúc cho tất cả vui hưởng ngày lễ Tạ Ơn nhiều an lành và tràn đầy ơn phước.

Phùng Annie Kim

Ý kiến bạn đọc
04/01/201408:00:00
Khách
Bài viết này rất hay . Tất cả chúng ta đều phải biết ơn những gì chúng ta đã và đang có.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,984
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.