Hôm nay,  

Chuyện Hẹn Hò

25/08/201300:00:00(Xem: 105138)
Mai Hồng Thu tức Donna Nguyễn là tác giả vừa nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1985, tác giả là cư dân Bắc California và dự giải Việt Báo từ 2008. Các bài viết của cô luôn cho thấy sự thẳng thắn, đôi khi ngang tàng nhưng tử tế vui vẻ.
phuong_dung-donna
Mai Hồng Thu nhận giải do Nguyễn Trần Phương Dung, “tác gia hoa hậu VVNM 2011” trao tặng. Người phía sau là tác giả Vũ Công Ynh.

Họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ 2012 tôi không dự. Năm nay, lỡ hẹn trên “giấy trắng mực đen” trong bài viết từ năm ngoái rồi, tôi biết mình phải đi.

Từ đầu tháng Sáu, tôi bắt đầu vào trang mạng của hãng máy bay Southwest canh giá vé. Sang đầu tháng Bẩy, cùng lúc thấy tên mình có trong danh sách tác giả vào chung kết, thì vé bắt đầu hạ còn $69 một chiều, giờ giấc ngày giờ chọn thoải mái. Thế là tôi liền bắn điện thư mời bà con Việt Bút Bắc Cali đặt vé máy bay đi chung cho vui. Khổ nỗi các anh các chị đều quyết định tự lái xe xuôi Nam dự lễ. Và ai cũng đã lên kế hoạch riêng với gia đình.

Trong lúc tôi đang còn lo nghĩ chuyện đi Nam Cali bằng gì và sẽ qua đêm tại đâu. May quá, chị Iris lên tiếng rủ tôi tới nhà bác Ngố Vườn chung phòng với chị, vợ chồng Khôi An thì thông báo có ghế trống trên xe đi xuôi Nam chiều thứ Bảy. Thế là kỳ này tôi bị bể kế hoạch, hết dịp “bay” để được thêm một lần nhờ ai đó “tiễn em ra phi trường chưa bao giờ ….mừng đến thế”.

Chiều thứ Bảy, vợ chồng Khôi An đến ngay sân nhà đón tôi. Tôi bèn gọi chị Iris báo tin chắc sẽ đến nơi trễ lắm, chị nhớ để cửa cho em vào nhà nhé. Khi xe vừa ra khỏi sân nhà thì điện thoại reo, anh Thái gọi:

- Donna đi tới đâu rồi?

Tôi bèn cười ngặt nghẽo:

- Vậy anh Thái tới đâu rồi? Tụi em mới lăn bánh xe xuống đường lớn thôi.

- Có giỡn không đây? Anh Thái vô tới thành phố rồi. Thôi thì hẹn gặp sáng ngày mai vậy.

- Dạ, hẹn gặp ngày mai.

Ra tới đường lớn, Khôi An hỏi tôi địa chỉ nhà bác Ngố Vườn để bỏ vào máy GPS. Tôi hỏi vợ chồng Khôi An có muốn ghé chào hỏi vợ chồng anh Chương không vì anh ấy mời tới nhà ăn cháo khuya. Thế là tôi bắt phone gọi anh Chương, anh bảo chúng tôi dù có tới khuya cũng đừng ngại, vì gia đình anh còn thức tới 1, 2 giờ sáng đi bắt cá Grunion với bạn nữa. Theo lời anh kể thì:

“Cá Grunion theo một làn sóng táp vô bờ, chôn mình một nửa trong cát để đẻ trứng. Sau đó, trứng sẽ trôi lại ra biển trong một vài tuần khi có thủy triều cao. Bắt cá Grunion bạn cần một giấy phép và chỉ được bắt bằng tay. Những đêm tốt nhất là ngày gần trăng tròn và trong thời gian thủy triều cao, mặt trăng tròn dài khoảng bốn ngày và đêm tốt nhất thường là đêm thứ hai và thứ ba.”

Ngồi trên xe chúng tôi tán gẫu đủ mọi chuyện về kinh nghiệm tham gia sinh hoạt cộng đồng, chuyện Việt Báo, Việt Bút và cả chuyện chú Sáu Steve Brown hành trình Việt ngữ vô chung kết luônnữa. Tôi gởi tin nhắn qua điện thoại hỏi chú Sáu đã luyện giọng chuẩn bị hát bài Giàn Thiên Lý chưa. Chú Sáu bèn bắn tin nhắn trả lời:

- Sáng nay khi chú dừng ngang khu sa mạc của tiểu bang Nevada, chú có thực tập hát bài hát đó, nhưng chỉ có mấy chú chim con nghe thôi cháu ạ.

Tôi bèn nhắn tin lại hỏi:

- Chú Sáu có rảnh không? Chú có thể hát cho chúng cháu nghe qua điện thoại bây giờ được không?

Chú Sáu chịu chơi của chúng ta bèn đáp:

- Okay!

Thế là chúng tôi được nghe chú Sáu hát bài Giàn Thiên Lý qua cái loa tí hon của điện thoại. Khôi An còn khen chú Sáu hát nhiều nốt nhạc đúng hơn là ca sĩ nghiệp dư Khôi An trình bày.

Gần 10 giờ đêm chúng tôi mới tới Bolsa, ghé qua nhà anh chị bạn thăm hỏi một tí lại được đãi ăn cháo lòng “bản sao” Tam Biên. Sau đó vợ chồng Khôi An đưa tôi vòng sang nhà bác Tân Ngố ở gần đấy, để tôi được thả xuống.

Thế là hết tiền taxi, tôi đành say good night chờ ngày mai…tham gia “Hoa sơn luận kiếm” của Việt Bút, Việt Báo.

Theo chương trình hẹn trước, tôi có hẹn phụ với anh Chương sửa soạn cho buổi gặp vui với nhóm bạn Bắc Cali. Vậy là tại nhà Ngố, đúng 5:15 giờ sáng tôi đã phải bật dậy, rón rén lò dò xuống bếp xem nồi niêu ở chổ mô chuẩn bị ra tay làm thạch rau câu cho buổi hẹn. Khoảng tám giờ sáng thì O Điểm - sau khi giúp tôi có nồi, có đường và mọi thứ- bèn “dựng đầu” các cháu nhỏ dậy đi nhà thờ.

Sau thạch rau câu, còn phải lo tiếp mục mua bánh cuốn. Mọi người đang bận rộn thưởng thức món bún bò Huế thương hiệu O Điểm. Hỏi thăm bánh cuốn đâu ngon thì thấy mọi người cứ ấm ớ ậm ờ nên tôi bắt điện thoại gọi anh Chương dặn anh chờ và chở hộ tôi đi mua đồ ăn cho buổi họp mặt Việt Bút. Cô khỉ nhỏ lí lắc Thụy Nhã bèn cười toe toét như thường lệ “để em chở chị lại nhà anh Chương”. Vừa dứt điện thoại xong nhìn đồng hồ đã 10 giờ mất rồi. Bổng nhiên có ai đó gọi điện nhờ Thụy Nhã chạy lại Việt Báo đón khách đi nhóm họp Việt Bút dùm. Thế là tôi đành phải điều đình: “ Thụy Nhã chở chị lại văn phòng hay nhà anh Chương cũng được, vì đã trể giờ, rồi hãy đi đón khách sau”. Trên xe, tôi điện thoại gọi cho bác Tân thì bị la ngay:

- Ối giời, tôi đứng ngay ở văn phòng của anh Chương mà có thấy ma nào mở cửa đâu.

Tôi đành giã lã cười trừ:

- Xin lổi sư phò, đáng lẽ anh Chương đã chạy ra đó rồi, nhưng Donut (biệt danh của Donna do bác Ngố tặng) bảo chờ ở nhà để dẫn đi mua bánh cuốn trước đã. Còn vài phút là tới nhà anh Chương rồi. Từ đấy chạy ra văn phòng cũng cở năm, mười phút thôi hà. Anh Tân chờ nhé.

Nào ngờ, cứ năm, mười phút này, mười phút nọ, Thụy Nhã xưa nay hay vào lộn exit hoặc quẹo nhằm đường nên tôi ngồi trên xe có tài xế lái mà thời gian hình như đang ngừng trôi. Chúng tôi gọi điện thọa đặt bánh cuốn chả lụa sẵn, nhưng khi tới nơi mới thấy họ bắt đầu gói đồ ăn. Còn phải chờ xếp hàng một hồi lâu mới được trả tiền.

Về được văn phòng anh Chương, địa điểm họp mặt của nhóm Việt Bút năm nay, mới vào khu đậu xe trên đường Bolsa, tôi đã nghe anh Chương la:

-Chết rồi, bà con Việt Bút, bá quan văn võ tới đông đủ hết rồi mà tụi mình còn ở trên xe.

Sau một màn “cấp cứu”, mỗi người góp một tay, bánh ướt bánh cuốn Thanh Trì, nem nướng cuộn, nước rau má, nước chanh dây và đủ món linh tinh khác đã được dọn ra. Bà con Việt Bút tay bắt mặt mừng, như những đóa hoa xuân đua nhau khoe sắc.

Thầy (Trần Quốc) Sỹ với cây đàn ghi ta, cùng ban hợp ca “ba con kanguroo” chị Thanh Mai, Chị Iris, Khôi An hát một bài tự sáng tác mừng nhóm bạn Viết Về Nước Mỹ, vài dòng đầu như sau:

Hôm nay ngày vui
Một ngày nắng ấm tuyệt vời

Cơ duyên gặp nhau
Mình cụng ly nhé người ơi

Dô đi người ơi!
Mừng người phải nói tuyệt vời…
Cao to bảnh bao
Chỉ tội hơi… Ngố … Mà thôi!

Chú Sáu cầm micro gởi đến cả nhóm bài ca Giàn Thiên Lý. Chú hát hay e không thua mấy danh ca Việt. Thầy Sĩ tha hồ đàn, Khôi An - Donna được dịp chống lưng nhau hát hò, mọi người đang say mê chit chat và thưởng thức những ly rau má ngọt lịm, những ly chanh dây thanh thanh, là thành phẩm tại gia của bác Ngố Vườn, thì nhóm “ba cô đội gạo” Thịnh Hương, Thị Mão và Tường Vân đòi về sớm đi nhà thờ. Thế là bà con Việt Bút bắt đầu vãn tuồng kéo nhau về sửa soạn dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ.

Tác giả Phan theo chúng tôi quay về nhà bác Tân Ngố. Khi chúng tôi chuẩn bị chạy ra sau vườn bắt thang leo cao “tàn sát” cây nhà lá vườn hái những chùm mận, trái lý, thì điện thoại cầm tay của tôi reo, anh Thái hỏi:

- Ủa, sao anh Thái mới chạy xuống xe có tí chuyện, trở lên lại thì bà con chạy đâu hết rồi. Giờ bà con nỡ để anh Thái “mồ côi” đến chiều hay sao đây?

- Tụi em đang ở sân sau nhà bác Ngố Vườn. Anh Thái lấy địa chỉ rồi ghé tới nha.

- Ok, tới liền.

Anh Thái tới nơi, chỉ sau vài câu xã giao với O Điểm về những địa danh của Huế, là nhận diện “đồng hương”.

Sau màn điểm trang, taxi của chị Iris, tôi và tác giả Phan kỳ này lại là cô nhỏ Thụy Nhã. Xe thì có GPS xịn nhưng mà cô vẫn luôn giơ cao khẩu hiệu “sugar you, you cứ show, còn sugar me thì me cứ đi”. Rồi đang cười toe, bỗng thành giọng khẩn cấp nhắc anh chị trong xe phải để mắt coi nhà hàng Moonlight nằm ở khúc nào. Mà cần gì để mắt, ngay khi vào bãi đậu xe là đã thấy các người đẹp Thịnh Hương, Tường Vân, Thị Mão và em gái lộng lẫy trong những bộ vía sang trọng, đang dung dăng dung dẻ như các bà đại gia đi dạo phố mùa hè.

“A, Donna bận áo dài ngộ nhỉ, ủa mà sao giày đâu không mang mà lê đôi dép lẹp xẹp này”. Các chị xém chút nhận không ra “thành viên thừa nghiêm nghị” của nhóm bạn Bắc Cali là tôi đây. Bởi vì tôi đã kỹ lưỡng vẽ mặt vẽ mày, sắm tuồng không thua đào hát bội, lại còn biết tính toán lo thân. Tới trước cổng nhà hàng, tôi mới lôi giày cao gót ra, chị Tường Vân đành phải cười cười đứng che một góc cho tôi đổi giày, gói “đôi dép Lào” dấu đi.

Nhờ có đôi dép Lào thay đổi mà tới cuối tiệc tôi không bị đuối. Trong khi người đẹp Phương Dung thì than thở ỉ ôi: “Ôi, đôi chân của Phương Dung sắp rụng ra rồi đây này!” Không biết năm sau tôi có nên order một thùng dép Lào đem theo chờ tới gần cuối tiệc mang ra đấu giá gây quỹ cho Viết Về Nước Mỹ không, ý kiến lạ à nha.

Cựu Hoa Hậu Phương Dung tình nguyện lo tiếp tân, dẫn đường cho tôi tới ngồi ngay hàng ghế đầu. Tôi sợ nhất là phải ngồi im một chổ nên bèn hỏi:

- Ủa mấy chị kia ngồi đâu, bộ mình không được ngồi chung hả?

Phương Dung trấn an:

- Chị cứ ngồi đây, xong việc, lúc ăn tối, muốn ngồi với ai thì ngồi.

“Ôi chắc là hẻo rồi!” Tôi nghĩ. Tôi ngồi không yên được, bèn dáo dáo nhìn quanh nhìn quẩn, may thay, có vợ chồng tác giả Vũ Công Ynh ngồi bên trái, ba mẹ của tác giả Kevin Huy Phạm ngồi bên phải, tất cả đều thân thiện hòa đồng. Thế là tôi an tâm “chôn chân” với những người quen mới. Chúng tôi vui vẻ hỏi thăm nhau, còn nhốn nháo kéo tay chụp hình chung lia chia.

Nhờ ngồi hàng đầu phía bên phải sân khấu nên tôi nghe rõ mồn một từng lời các MC, các nhà bảo trợ, các thành viên của ban giám khảo phát biểu. Tôi còn nghe rõ cả lời các em thiếu nhi thì thầm trả lời câu hỏi trước khi nhận giải Bé Viết Văn Việt. Tôi thích nhất là những phần trình diễn âm nhạc của các em thiếu nhi. Màn trình diễn thời trang của Calvin Trần, “Hoa Hậu Viết Về Nước Mỹ 2012 với bút danh Lê Thị, màn đấu giá lô áo đầm thời trang sang trọng đã diễn ra vô cùng hào hứng và thành công mỹ mãn. Chuyện dễ thương nhất là trong buổi đấu giá là giây phút khán giả nghe Elizabeth -cô tiểu thư đẹp như người mẫu của chị Bảo Xuân- nói nhỏ với mẹ, để xin đấu giá chiếc áo đỏ thật đẹp:

- Mẹ, con thương cái áo này.

Hầu như mọi người chung quanh ai cũng bật cười vì nét hồn nhiên trong câu nói ấy. Lúc đó tôi cũng chợt nhớ tới những câu nói ngây ngô bằng Việt Ngữ mà các cháu trong nhà thường vấp phải khi cố gắng nói tròn câu tiếng Việt: “Mẹ, cơm té kìa.” (cơm rớt dưới đất) “Bạn con chọi tiệc sinh nhật, con muốn tham gia!” (throw a BirthDay party) Những câu nói ráp nghĩa hơi lạ nhưng với tôi nghe sao vui tai và nhẹ nhàng hơn những câu nói “Việt ngữ thời đỉnh cao” mà một số người trong nước đang phăng: “Em đi sự kiện”. (event) “Tôi bức xúc” (tức giận)... Mà khoan khoan tôi ơi, đâu phải lúc bàn chuyện tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Em hay... tiếng lòng tôi.

Màn đấu giá áo đỏ có cả Khôi An tham dự vui. Kết quả tám lạng nửa cân nhưng cô cháu Elizabeth lãnh trước phần áo đỏ. Liz ta lập tức thành người mẫu áo đỏ mới, được trầm trồ quá cỡ.

Phần tường thuật chương trình chi tiết đã có nhiều bài kể rõ rồi, tôi chỉ xin góp thêm chuyện mình thấy bên lề.

Trong chương trình phát giải, có hai thân hữu mà tôi yêu mến nhất là Khôi An và Chú Sáu, một người lãnh giải Hoa Hậu, một người lãnh giải thưởng bà Trùng Quang năm đầu tiên. Năm nay nhóm Bắc Cali cũng thắng đậm, thêm một giải Hoa Hậu và hai giải danh dự. Nguyên nhóm đều có mặt đầy đủ tham gia họp mặt Việt Bút và lễ phát giải thưởng của Việt Báo. Niềm vui năm nay thật trọn vẹn.

Chúng tôi còn mời được phó nhòm Chương Vũ, bút hiệu trước ống kính, thực hiện và cung cấp những tấm hình kỷ niệm rất ư là sắc nét và ý nghĩa.

Hình ảnh buổi họp mặt Việt Báo năm nay, mới đó mà đã đầy trên mạng và các trang Facebook. Ngồi coi hình, tôi nhớ thời còn là sinh viên. Những ngày ấy, khi làm việc cộng đồng, mỗi lần có dịp lên sân khấu chúng tôi vẫn thường làm dáng đủ kiểu trước ống kính nhưng rồi chẳng thấy hình mình đâu. Lâu lâu, vô tình đọc được một trang báo nào đó có hình của nhóm mình thì ôi thôi, thấy người thì mắt nhắm, kẻ thì nhe răng, rồi cũng chỉ biết cười trừ, chả biết đi khiếu nại ai bây giờ. Gần đây, bà con hay đưa hình lên Facebook lắm, nên chúng tôi đã nhắc nhau đứng trước ống kính phó nhòm, phải luôn cẩn thận cười mím chi cọp nhiều hơn.

Hên, kỳ họp mặt năm nay, coi hình, thấy ai nấy đều rõ ràng, tươi tắn. Cám ơn Việt Báo, cám ơn tất cả các phó nhòm, đặc biệt là Saigonmylove.

Các bạn tác giả mới quen ơi, tôi nhớ mặt các bạn rồi nhé. Còn dịp gặp lại năm tới năm tới nữa thì “xin đừng quên tôi”.

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
31/07/201823:39:29
Khách
Chào chị, tôi chỉ mới đọc những bài chị viết gần đây thôi. Cảm giác, hơi... nặng nề.
Hôm nay tình cờ đọc được bài này của chị. Thật ngạc nhiên. Linh hoạt, sống động quá!
Giữ mãi phong cách này chị nha! Thật gần, thật vui, thật ấm áp...
26/08/201309:26:49
Khách
Chào cháu Donna,
Bài viết cháu rất hay và vui. Cháu cứ viết đi nhé. Chú mong chờ thấy cháu nhận thêm một giải thưởng năm tới.

Như hoa đẹp nở bên nhà
Khả năng tài giỏi hiện ra rõ ràng

Chúc cháu vui vẻ.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,304,207
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.