Hôm nay,  

Viết Mùa Vu Lan: Hai Bà Mẹ

12/08/201300:00:00(Xem: 117789)

Bài số 3980-14-29380vb2081213

Tác giả sinh năm1949, định cư tại Mỹ theo diện HO năm 1991, hiện là cư dân Westminster, California. Nghề nghiệp trước 75: dạy học. Công việc làm ở Mỹ: du lịch. Hiện đã hưu trí. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của tác giả góp cho giải thưởng năm 2013 là “Kock and Me / Vi trùng lao và Tôi.” Sau đây là bài viết thứ tư của Bà, bài viết cho mùa Vu Lan đang tới.

oOo

Tôi có hai bà mẹ, mẹ ruột và mẹ chồng. Gọi là mẹ ruột vì tôi sinh ra từ núm ruột của bà. Cái nhau đã nối liền sự sống của hai mẹ con. Tôi nằm ngoan trong cái bụng nặng nề của mẹ. Mẹ cưu mang tôi chín tháng mười ngày, đau đớn vật vã khi sinh tôi ra. Tôi lớn lên được mẹ nuôi dưỡng bằng tình thương. Tình thương của mẹ tự nhiên, sẵn có như khí trời bao trùm suốt cuộc đời tôi.
Tôi gọi mẹ chồng tôi bằng “mợ”, bố chồng tôi bằng “cậu” như đa số những người miền Bắc sống ở thành thị có thói quen gọi “cậu” “mợ” thay vì gọi là “thầy”
“u” như những người sống ở miền quê. Sau đám hỏi, để chuẩn bị làm đám cưới, tôi phải học làm dâu, qua lại bên gia đình nhà chồng, học cách ăn ý ở, làm quen với gia đình chồng. Tiếng “mợ” xa lạ trong ngôn ngữ xưng hô và trong tình cảm của tôi đối với bà mẹ chồng. Gọi là “mợ”, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và dễ dàng hơn gọi là “mẹ”.
Tôi sống gần với mẹ chồng tôi thật ngắn ngủi. Cuộc đời làm dâu của tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ ban ngày, vài buổi tối ngủ qua đêm tại nhà chồng mỗi khi có giỗ các cụ. Thời gian làm dâu lâu nhất của tôi là tháng đầu sau khi tôi sinh cháu gái đầu lòng. Mẹ tôi thương con, cưng cháu, muốn đem cháu ngoại về nuôi và chăm sóc tôi theo tâm lý chung của người đời “cháu bà nội tội bà ngoại” nhưng bà là người phụ nữ tế nhị và sâu sắc, trong khi tôi cho rằng quan niệm này đã xưa và có sự phân biệt đối xử với con cái “Con gái là con người ta. Con dâu mới thật mẹ cha mua về”, mẹ an ủi. giải thích và khuyên tôi là dâu con nên đem cháu về bên gia đình chồng cho “các cụ vui” với cháu nội, từ từ hãy tính chuyện ra riêng. 
Thời gian đầu của vợ chồng son, ban ngày chúng tôi đi làm, trưa và chiều ghé về ăn cơm thay vì ăn cơm tháng hay phải tự nấu, ông chồng gửi tiền nhờ mợ đi chợ
và nấu ăn dùm. Ăn xong, rửa qua loa vài cái chén, hỏi thăm vài câu chuyện nhà, chúng tôi về căn nhà khang trang của ông chú chồng bỏ trống gần đó. Làm dâu cái kiểu “ăn chung ở riêng” đỡ tốn kém tiền bạc, tiết kiệm thời gian đi chợ nấu nướng, không phải trả tiền nhà nhất là “Ở xa mỏi chân ,ở gần mỏi miệng” thật là thoải mái, dễ chịu. Lúc này, vợ chồng tôi ra sức dạy tư kiếm tiền, dành dụm, thêm vào sự giúp đỡ của mẹ tôi, chúng tôi mua được một căn nhà nhỏ. Đó là lúc tôi hưởng được giá trị của các chữ tự do, tự lập và hạnh phúc của một mái gia đình, một tổ ấm do mình tạo dựng.
Nhiều lúc gần gũi bên mẹ chồng lúc mới về làm dâu, tôi tự hỏi mình có thương mẹ chồng như thương mẹ đẻ mình không? Ca dao có hai câu nói lên mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu nghe sao “cạn tàu ráo máng”và… phũ phàng quá nhưng cũng phản ánh phần nào tâm lý của các nàng dâu nói chung và các nàng dâu Huế nói riêng:

Thương chồng phải nể mụ gia
Kể ra tui chẳng có bà con chi!

Đối với tôi, chỉ cần “nể mụ gia” là tốt lắm rồi. Từ “nể” đến “quý”phải vượt qua bao nhiêu chặng đường gần gũi và thân thiết. Từ “quý” đến “thương” là biết bao tình nghĩa sâu nặng.
Tình thương của tôi đối với bà mẹ chồng là tình thương có điều kiện, trải qua nhiều giai đoạn và có nhiều cung bậc khác nhau. Đó là tình cảm phát xuất từ lòng thương và kính trọng người già lớn tuổi, xa hơn nữa là tình người trong xã hội và gần nhất nhờ một chiếc cầu bắc qua sông là ông chồng. Ông chồng là nhịp cầu nối “đôi bờ” của hai bên kia sông, là trung gian giữa hai thế lực tình cảm luôn luôn co giãn và lôi kéo về hai hướng khác nhau. Ông chồng khéo xử là biết dung hòa để giữ thế quân bình, tạo hòa khí giữa hai người đàn bà mình thương nhất trong đời. 
Trong ngôn ngữ, âm “m” là âm môi dễ nhất của đứa trẻ bắt đầu tập nói. Bé sẽ bập bẹ phát ra những âm thanh đầu tiên là âm “m”. Ngôn ngữ quốc tế trong đó có tiếng Việt đều gặp nhau trong phụ âm “m” này. Người Bắc, Nam hay Trung đều gọi người sinh ra mình bằng âm “m”: Mẹ, Má, Mợ, Mạ, Me . Người Trung Hoa gọi mẹ là “A Ma”, tiếng Hán Việt gọi mẹ là “mẫu”, tiếng Latin, “mẹ” là “Mater”, người Pháp gọi mẹ là “Maman” “mere”, người Anh, Mỹ gọi mẹ là “Mom”, “Mummy”, “Mother”, người Đức gọi mẹ là “Mueter”, người Nga gọi mẹ là “Mat”, người Ý gọi mẹ là “Madre”, người Ấn độ gọi mẹ là “Maji’, “Ma”, người Hòa Lan gọi mẹ là “ Moeder”, người Đan mạch gọi mẹ là “Moz”, người Hy lạp gọi mẹ là “Mana”, người Thụy Điển gọi mẹ là “Mor”, “Morsa”…và còn bao nhiêu âm “m” trong ngôn ngữ trên thế giới này để gọi “Mẹ”.
“Mẹ” khác nhau trong tiếng gọi nhưng đều chung một mẫu số là tình thương và sự hy sinh. Nhạc sĩ Y Vân cảm hứng về người mẹ nghèo, nửa đêm giặt quần áo của ông ở một máy nước công cộng trong giờ giới nghiêm để kịp phơi khô cho con sáng có quần áo sạch đi làm. Nhờ vậy chúng ta có bản nhạc bất hủ “Lòng Mẹ”. Nhà văn Nhất Hạnh viết “Bông hồng cài áo”có những câu “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu…”
Viết về mẹ tôi là tôi nhớ đến người phụ nữ vóc dáng cao, khỏe mạnh, đầy sức sống, đi đứng nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, tham công tiếc việc, chịu thương chịu khó, mang một chí hướng và ước mơ làm giàu của người bỏ xứ ra đi lập nghiệp từ Bắc vô Nam năm 1942. Đây là cuộc đời của người đàn bà “hay lam hay làm”, suốt đời hy sinh, tận tụy để giúp chồng thành công trong công việc kinh doanh, giúp con cái học hành đỗ đạt nên người.
Mẹ tôi còn là một bà đầu bếp nấu ăn ngon, một nội tướng giỏi, một nhà quản lý kinh tế tài ba không tốt nghiệp từ một trường lớp nào ngoại trừ trường đời. Bà có khả năng xã giao, ăn nói hoạt bát, giúp ba tôi quán xuyến cửa hàng bán lẻ đàn và các đại lý bán sỉ, trông coi thợ thuyền, chăm sóc con cái, quan hệ với bà con trong họ ngoài làng từ Nam ra Bắc, làm tròn bổn phận của người dâu họ Phùng như gìn giữ truyền thống giỗ chạp các cụ mặc dù bà không phải là dâu trưởng và ăn chay trường.
Từ khi biết đạo Phật, mẹ cùng với ba trải rộng tâm từ, giúp đỡ họ hàng nghèo trong Nam và ngoài Bắc bằng những việc làm từ thiện như cho vay tiền không hẹn ngày trả, xây nhà trẻ, xây con đường làng, sửa đình, chùa, xây hệ thống điện… cho ngôi làng Đào Xá nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà.
Tính tình mẹ cứng cỏi, thẳng thắn, ghét nịnh, thương người. Mẹ là cánh tay mặt của ba, là cái lưng vững chắc làm chỗ dựa cho ba trong những lúc thăng trầm, là ngọn đèn sáng cùng với Ba tiến về một hướng phía trước xây dựng và quản lý một cơ ngơi sản xuất nhạc cụ, cung cấp đủ các loại đàn tân cổ nhạc cho các tỉnh miền Trung và miền Nam hơn 30 năm.
Là bà chủ dưới tay vài chục công nhân, tài xế, người giúp việc, mẹ kiếm nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, phương tiện vật chất đầy đủ, tiêu xài thoải mái nhưng mẹ sống chan hòa, không có óc phân biệt giai cấp, rộng rãi cho người và “thiểu dục” cho mình. Nhờ mẹ tu, giữ giới không sát sanh nên những bữa ăn của mẹ không có sơn hào hải vị, trái lại, thật là giản dị và thanh đạm với đậu hủ và tương, rau là chính.
Mẹ sinh cho ba mười một người con, mất hai còn chín. Cuôc đời mẹ trải qua nhiều hoạn nạn. Lần thứ nhất, căn nhà ba tầng bị cháy, sự nghiệp kinh doanh tan tành, mẹ và ba cùng nhau xây dựng lại từ trong đám gạch vụn hoang tàn một cơ ngơi khác bề thế ,vững vàng hơn. Lần thứ hai, mẹ bị phỏng khi xông vào dập tắt một trận cháy nhẹ, hai căn nhà bốn tầng không bị thiệt hại nhưng mẹ phải qua Nhật chữa trị vết nám trên mặt. Sau biến cố 30 tháng tư 1975, mẹ mất thêm một đứa con trai trong chuyến vượt biên và bị “hiến” một trong hai căn nhà trong đợt cải tạo tư sản của Việt cộng. Nhờ biết đạo, mẹ quan niệm của cải “cho người thì còn, cho con thì mất” nên mẹ phát tâm giúp người . Khi của cải tiêu tan, mẹ bình thản cho qua và bình tâm xây dựng. Tuổi già mẹ sống an nhiên trước những thịnh suy, còn mất, được thua… của cuộc đời. Mẹ qua đời sau một cơn bệnh bên cạnh chồng và các con từ Đức ,Mỹ, Canada trở về thăm mẹ. Các anh chị em tôi có được sự thành đạt ngày nay là nhờ tình thương và sự hy sinh của Mẹ. Cuộc đời mẹ là những bài học về “cho” hơn là “nhận”, là nghị lực và sự mạnh mẽ giúp chúng tôi vượt qua những dâu bể, thăng trầm và đứng vững trên đôi chân của mình. 


Khác hẳn cuộc đời hoạt động nhiều xã hội tính của mẹ tôi, cuộc đời của mẹ chồng tôi êm đềm, nhàn nhã và khép kín. Là con gái của một gia đình địa chủ giàu có ở làng Đa ngưu tỉnh Bắc ninh, sau chiến dịch cải cách ruộng đất, cả gia đình lên Hà nội và di cư năm 1954. Bố chồng tôi là một công chức của bộ Y tế. Làm vợ của một ông công chức cao cấp thanh liêm nhưng có “sĩ khí”, bà an phận với đồng lương rủng rỉnh của ông chồng, với công việc hàng ngày xách giỏ đi chợ trên con đường quen thuộc ở chợ Bàn cờ, về nhà nấu nướng những bữa ăn nóng sốt, chăm sóc năm đứa con ai cũng học hành thành tài. Cuối tuần, có một sòng bài nho nhỏ ở nhà, hai ông bà giải trí đánh chắn với các ông bà bạn già, có khi bà cùng với các bạn đạo đi hộ niệm hoặc tụng kinh tại các chùa. Sống gần bà lâu mới thấy cuộc đời “trướng rũ màn che” của bà chẳng bao giờ dư dã tiền bạc để làm vốn liếng riêng. Bà ít giao du, tránh những quan hệ xã hội vì thế bà không có sự mạnh mẽ của bản thân để thoát khỏi vòng kinh tế của ông chồng hoặc xông ra ngoài đời buôn bán làm một cái gì đó tự lập về kinh tế cho riêng mình. Bà sống tùy thuộc vào ông, âm thầm, lặng lẽ như một cái bóng. Những tính toán của bà đơn giản không ngoài ba bữa cơm, các bữa giỗ…Con cái có lòng biếu tiền, Bà tiêu pha chừng mực, co kéo sao cho các bữa ăn lúc nào cũng thay đổi ngon miệng, ngân quỹ gia đình không bị thiếu hụt và không bị mắc nợ. Một điều rất tội nghiệp là bà sợ ông bố chồng tôi một phép. Ông lớn tiếng, bà im lặng. Ông càm ràm bà ngồi nghe. Tôi đã chứng kiến cảnh khi nổi nóng, ông quát tháo, đập nát một món gì cho hả cơn giận, bà chỉ biết khóc và van xin ông bằng lời lẽ nhẹ nhàng, ngọt ngào. Tính cách hiền hòa, nhỏ nhẹ và nhẫn nhịn của bà đối trị với ông chồng nóng tính, có cung cách của người gia trưởng trong gia đình, trên bảo dưới nghe, không được cãi hay có ý kiến dù là ý kiến đúng làm cho con cái trong đó có tôi, khi về làm dâu cảm thấy bất mãn. Điều đó có thể giải thích là do thói quen biểu lộ uy quyền của ông với thuộc cấp ở sở và một phần do ông quản lý kinh tế, tiền đong gạo phát cho nên ông lấn át bà thấy rõ.Trong gia đình, người nào nắm phần quyết định kinh tế, người đó ở thế mạnh. Có lẽ bà biết bà có phước sống nhờ vào sự thương yêu và bảo bọc của ông, xét về tuổi tác, bà lớn hơn ông một tuổi, bà không đẹp lại có ông chồng vừa đẹp trai vừa trí thức, nên cả đời bà an phận, học chữ “nhẫn” cho yên cửa yên nhà và chữ “hỉ” để tự tạo niềm vui cho mình và giữ hạnh phúc gia đình. Cái tuổi dần của bà không ai bảo bà cao số. Ai cũng bảo cái tướng bà đi đứng ung dung, chậm chạp nên cái số bà an nhàn. Tôi về làm dâu thương bà vì bà quý con dâu, tính tình hiền hòa nhất là vì sự chịu đựng, nhẫn nhịn của bà . Trái lại bà tỏ ra hài lòng và vui với cuộc sống bình lặng, hạnh phúc bên ông chồng rất đạo đức, chung thủy với bà cuối đời.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm thời làm dâu và quan hệ tương kính giữa hai bà mẹ. Cuối tuần về thăm mẹ, mùa nào thức ấy, mẹ tôi thường hay chọn của ngon vật lạ biếu bà thông gia khi thì hồng, cốm, khi thì cam sành trái nào trái nấy to như cái tô tuy nhiên không thể thiếu vài chục cau tươi bà điểm đắt tiền, quả nào quả nấy xanh mướt, bóng láng và to như quả chanh. Mẹ chồng tôi nghiện trầu thường ăn cau khô. Được vài chục cau tươi của bà thông gia biếu, bà đi chùa, chia xẻ với các bà bạn chùa mỗi người vài quả, cụ nào cụ nấy vừa ăn vừa tấm tắc khen lấy khen để và khen luôn bà thông gia vừa tế nhị vừa khéo mua. Những món quà nho nhỏ đó ít nhiều khiến cho mẹ chồng tôi vui, thương con dâu thêm một chút, tuy nàng dâu như tôi có vô tình, hời hợt hay vụng về đến mấy nhưng có bà mẹ đẻ cư xử khéo léo và chu đáo cũng làm cho quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu càng ngày càng trở nên khắng khít và quan hệ thông gia giữa hai gia đình thêm phần tốt đẹp.
Sau biến cố 1975, gia đình chồng tôi vì một quyết định lưng chừng nên kẹt lại miền Nam khiến ba ông con trai phải đi học tập cải tạo trong đó có chồng tôi. Bố chồng tôi sinh bệnh rồi mất trong giấc ngủ. Trái tim già cỗi của ông không còn co bóp nữa vì những đau buồn, uất hận, bất đắc chí, bất mãn vì vận nước nổi trôi, gia đình ly tán, về cuộc sống đời thường như cơm áo gạo tiền vào cuối đời còn đè nặng trên vai ông. Một ông công chức cao cấp giờ đây phải chở một xô gạo bằng xe đạp đi xay bột cho cô con gái mở một cái bàn bán bánh cuốn trước nhà góp phần cải thiện kinh tế gia đình. Bà mẹ chồng vẫn ngày ngày xách chiếc giỏ củ kỹ đi chợ với những bước chân càng ngày càng chậm chạp và chiếc lưng còng hẳn xuống. Bà ít nói, ít cười, nét mặt u sầu, lặng lẽ từ khi ông mất và ba ông con trai vẫn mịt mù trong trại cải tạo. Một hôm bà vấp ngã, chở bà vào bệnh viện, bà hôn mê không còn biết gì ngay cả sự đau đớn của vết lở sau lưng vì nằm trong bệnh viện khá lâu. Mẹ tôi hay tin bà mất bèn tìm đến ông cậu là đại tá ở ngoài Bắc vào Nam công tác sau 75, cậu này chịu ơn mẹ nhiều lắm nên sẵn sàng cùng đi với hai mẹ con tôi lên Hàm Tân Z30 C bảo lãnh tạm thời cho chồng tôi được về chịu tang mẹ. Nhìn mẹ tôi lăng xăng đi chợ nấu nướng thức ăn, sắp xếp vật dụng linh tinh cho chuyến đi, vong linh mẹ chồng tôi nếu linh thiêng chắc bà sẽ cảm động vì “nghĩa tử là nghĩa tận” của mẹ tôi cư xử hết tình hết nghĩa với bà thông gia và tình thương mẹ tôi dành cho con rể không kém gì con ruột của mình.
Ở Mỹ có ngày lễ Mẹ “ The Mother’s Day” và lễ Cha “ The Father’s Day” giống như ngày lễ Vu Lan theo truyền thống Phật giáo. Ngày lễ này rơi vào ngày 15 tháng 7 âm lịch gọi là lễ báo hiếu, nhớ công ơn cha mẹ hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân lấy tích từ ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục thăm mẹ. Các chùa có truyền thống làm lễ Vu Lan và gắn hoa hồng trên áo cho những ai còn mẹ và hoa trắng cho những ai mất mẹ. Nhà văn Nhất Hạnh viết tác phẩm ngắn “Bông Hồng cài áo”có lẽ từ câu chuyện khi Thầy là tu sĩ sang Nhật, một hôm đi phố với Thầy Thiên Ân, một cô gái Nhật gắn trên áo Thầy một hoa hồng trắng. Thầy ngạc nhiên không hiểu lý do tại sao. Thầy Thiên Ân giải thích đây là ngày lễ mẹ, cô gái đã đến hỏi Thầy Thiên Ân về mẹ thầy và thầy được gắn hoa hồng trắng là để nhớ đến mẹ Thầy đã khuất. Nước Nhật là nước có nhiều truyền thống văn hóa đẹp. Người Nhật còn có tục lệ ngày lễ Vu Lan, họ viết những lời ước nguyện trên giấy rồi treo trên cây trúc mong rằng những điều ước sẽ thành sự thật.
Mùa Vu Lan và cũng là ngày giỗ mẹ chồng tôi sắp đến, tôi thắp nhang trước bàn thờ các cụ. Tôi có thói quen thỉnh thoảng nhìn lên bàn thờ ngắm ảnh bốn cụ thật lâu, ảnh hai cụ ông đặt hai bên, hai cụ bà đặt chính giữa, cả bốn cụ nét mặt đều tươi vui, cụ nào cũng nở nụ cười hạnh phúc. Mẹ chồng tôi có cái miệng nhỏ, môi mỏng, bà cười chúm chím, đôi mắt lim dim trông thật dễ thương. Mẹ tôi có cái miệng rộng, nụ cười rạng rỡ, cặp mắt long lanh như muốn nói điều gì. Hai bà mẹ, hai cảnh đời, hai cá tính, hai cách sống khác nhau nhưng có chung một đời sống tâm linh và những đức tính tuyệt vời của người phụ nữ Việt nam qua nhiều thế hệ đó là tình thương và sự hy sinh. Hai bà mẹ cùng với hai ông bố tạo dựng cho đàn con chúng tôi một mái gia đình êm ấm, nuôi dạy chúng tôi khôn lớn nên người,
Mùa Vu Lan, xin hướng về những bà mẹ, dù còn bên cạnh chúng ta hay đã khuất, gửi đến mẹ những đóa hoa, dù trắng hay hồng, Mẹ, luôn luôn là những đóa hoa thơm ngát sắc hương như nhạc sĩ Võ Tá Hân viết về mẹ “Mẹ là hoa ,hoa đẹp tuyệt trần. Mẹ là suối, suối nguồn vô tận. Cuộc đời mẹ chỉ biết hiến dâng” 
Xin dâng những dòng chữ này đến hai bà mẹ của tôi. 

Phùng Annie Kim 

Ý kiến bạn đọc
30/08/201315:59:34
Khách
Bài viết giản dị, nhẹ nhàng nhưng diễn đạt được nét tiêu biểu của những bà mẹ VN: Can đảm đối phó với đời sống để giúp chồng con, hay an phận khép kín, tìm cái vui trong gia đình ... Cách nào thì người mẹ cũng là nền tảng giữ vững gia đình.
Tác giả may mắn có 2 bà mẹ "tốt" để hãnh diện khi nhớ đến. Tôi nghĩ đến những người không có mẹ để tuyên dương trong những lễ Mẹ hay kém may mắn hơn nữa, những người không bao giờ muốn nghĩ đến mẹ mình vì chỉ là sự tủi hổ.
Cái hay của bài viết là kể chuyện riêng tư đời mình nhưng tạo niềm suy nghĩ về đời sống.
Cám ơn chị Annie Phung.
16/08/201311:45:14
Khách
Bài sâu sắc quá! Chỉ có một lỗi nho nhỏ là trong tiếng Đức, Mẹ viết đúng phải là chữ Mutter.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,284,024
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến