Hôm nay,  

Chuyện Ông Mỹ Hát Nhạc Việt

07/08/201300:00:00(Xem: 178971)
Tác giả người Mỹ đầu tiên trực tiếp viết bằng Việt ngữ và có tên trong Danh Sách Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013. Ông xưng danh “Steve Brown tức là Sáu,” Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ thời chiến tại Việt Nam, và góp ba bài viết đặc biệt: Bài đầu kể chuyện tình 1973 giữa chàng lính Mỹ và một cô gái Việt. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Bài thứ hai là tự truyện “Hành Trình Tiếng Việt Của Một Người Mỹ.” Và thứ ba phân tích chuyện làm dâu xứ Mỹ, làm rể xứ Việt, với nhiều chi tiết sống về khác biệt văn hoá. 1973-2013, hôn phối Việt - Mỹ Tuyết-Steve Brown vừa tròn 40 năm. Giải thưởng Việt Báo trân trọng chúc mừng. Sau đây là nguyên văn -không biên tập sửa chữa-bài viết thứ tư của ông Sáu kể chuyện ca hát và làm thơ về nhạc Việt. Trong thơ Việt ngữ của “ông Mỹ” có một câu “rất thơ”, chưa từng thấy ở thi sĩ Việt nào: “Mở nhạc mà nghe nắng với mưa.”
europe_2010__tuyet__922
Ông Sáu Steve Brown ở Âu châu.
Năm 1972 tôi đóng quân ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi nghe âm nhạc Việt Nam là ở trong trại lính. Âm điệu khác với âm nhạc Mỹ rất nhiều, tôi nghe rất lạ và thấy không thích những bài hát đó. Bây giờ tôi biết loại âm nhạc đó gọi là hát bội.

Sau đó tôi trở lại Việt Nam trong mùa xuân năm 1973 để lập gia đình. Trong thời gian “ở rể” tôi cũng hay nghe hát bội với gia đình vợ tôi. Mỗi tối chủ nhật có chương trình cải lương trên đài truyền hình, tất cả hai mươi bốn người trong đại gia đình và cả bà con hàng xóm đều đến nghe.

Âm điệu cải lương tôi thấy cũng lạ tai, tuy không đặc biệt bằng hát bội. Thế mà khi nhìn xung quanh phòng đông người tôi thấy ai cũng say mê thưởng thức. Vì vậy tôi kết luận rằng những âm điệu đó rất hay đối với người Việt, dù lúc đó tôi chưa đánh giá được. Một phần cũng vì tôi không hiểu các nghệ sĩ hát gì hết mà cũng không có ai có thể giải thích cho tôi vì lúc đó tôi chưa biết chút tiếng Việt nào cả.

Sau khi vợ chồng tôi về Mỹ tôi được nghe Tuyết (vợ tôi) hát thường xuyên. Tuyết hay hát khi nấu ăn, dọn dẹp nhà, hay là khi chúng tôi ngồi trong xe hơi. Từ đó tôi bắt đầu thích nghe âm nhạc Việt Nam, nhưng lúc đó chúng tôi không mua được nhạc Việt Nam tại Mỹ. Mãi đến đầu thập niên 80 Tuyết mới có được một băng nhạc Việt Nam. Trong một thời gian dài Tuyết chỉ có băng nhạc duy nhất đó, vì thế chúng tôi nghe đi nghe lại rất nhiều lần.

Vì nghe hoài, bài hát đầu tiên mà tôi hát theo là Ngày Buồn. Đến năm 1994 tôi thuộc lòng và hay hát bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi thích những câu, “Tôi có người vợ ngoan, đẹp như trắng mười sáu...” vì như là nhắc đến chính vợ tôi. Còn câu, “Ai ra đi mà không từng bịn rịn. Xa người yêu mà dễ mấy ai vui” thì làm tôi nhớ đến lúc đơn vị tôi phải ra khỏi Việt Nam mà trong lòng tôi không biết là tôi và Tuyết có gặp lại hay không. Khi hát “Em nhìn theo bằng nước mắt chia phôi” tôi nhớ đến lần cuối cùng chúng tôi nhìn nhau ngày tôi phải ra đi.

Những kỷ niệm đó làm bài hát gần gũi và có nhiều ý nghĩa đối với tôi.

Âm nhạc Việt Nam nhắc chuyện xưa
Lời ca thấm đáy lòng cho vừa
Biết bao ý nghĩa, tình phong phú
Mở nhạc mà nghe nắng với mưa

Đầu năm 1995 chúng tôi về thăm Việt Nam. Chúng tôi ở tại nhà chị vợ trong tỉnh Biên Hòa suốt năm tuần. Lúc đó chị vợ tôi bán kem. Bên kia đường có một trường trung học nên các cháu học sinh hay đến mua kem. Trong nhà có máy karaoke nên thỉnh thoảng tôi cũng hát cho vui.

Có lần tôi đang hát thì một số học trò đến mua kem. Tôi thấy họ có để ý nhưng không nói gì trực tiếp với tôi. Chỗ đó không phải là khu du lịch nên người Mỹ ít khi đến đó. Nhưng sau đó có mấy cháu khác đến yêu cầu tôi hát bài Chuyện Giàn Thiên Lý. Tôi ngạc nghiên nhưng không ngại ngần, tôi hát bài đó cho các cháu nghe. Sau đó, gần như mỗi ngày đều có một số cháu cùng bà con hàng xóm đến yêu cầu tôi hát cho họ nghe.

Sau khi nghe tôi hát các cháu nói chuyện, hỏi han về gia đình tôi, về cách sống ở Mỹ, và đủ mọi thứ khác. Ngày cuối cùng trước khi tôi rời Việt Nam, khoảng hai mươi cháu học trò đến chia tay với tôi. Có một người chép bài thơ Màu Tím Hoa Sim tặng cho tôi và đọc cho tôi nghe. Đặc biệt lắm! Khi nghĩ đến ý nghĩa của bài thơ đó tôi xúc động nhiều vì thật ra chiến tranh là như thế. Cũng có vài cháu viết thư đưa cho tôi lúc đó. Cho tới giờ, thỉnh thoảng vẫn còn có người yêu cầu tôi hát bài hát Chuyện Giàn Thiên Lý.

Sau khi tôi trở về Mỹ tôi quyết định thuộc lòng bài hát Những Đồi Hoa Sim. Đó là một bài nhạc mới nên lúc đầu tôi thấy rất khó khăn. Trong một thời gian dài khi lái xe đi làm tôi mở nhạc nghe bài hát đó, khá lâu sau mới có thể hát theo. Bài hát này cũng về tình yêu của một người lính chiến nên tôi thích vì cũng có sự liên hệ với kinh nghiệm của tôi.

Tôi thích khá nhiều bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh như Hàn Mặc Tử, Hoa Trinh Nữ, Anh Không Chết Đâu Anh, v.v... Trong một lần đến Việt Nam tôi đã tìm được một cuốn sách về thơ và cuộc đời của ông Hàn Mặc Tử. Hay mà buồn.

Trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì tôi thích hai bài Diễm Xưa và Cát Bụi. Tôi cũng rất thích bài hát Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương. Những bài hát này được trình bày thật tuyệt vời qua các giọng ca của Thanh Tuyền, Khánh Ly, Chế Linh, Thanh Thúy, Vân Trường, Cam Ly, Như Quỳnh.

Tôi nhận thấy phần lớn những bài tôi thích có chút âm hưởng của nhạc cải lương. Có lẽ những bài cải lương mà tôi nghe bốn mươi năm trước đã ảnh hưởng đến sở thích của tôi trong âm nhạc Việt Nam.

Hiện nay chúng tôi nghe âm nhạc Việt Nam ở nhà thường xuyên. Chẳng hạn trên mạng có diễn đàn NhipCauOnline mà tôi chọn những bài hát tôi thích rồi bỏ vô một danh sách riêng, khi muốn nghe chỉ cần bấm vô thôi. Trong xe tôi cũng nghe nhạc Việt Nam, rất nhiều khi điều đó làm cho bạn Việt lẫn bạn Mỹ ngạc nhiên.

Suốt bao nhiêu năm biết tiếng Việt tôi chỉ gặp vài người Mỹ khác có thể nói tiếng Việt một cách lưu loát. Thế nhưng tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ khác thích và hay nghe âm nhạc Việt Nam. Quan điểm của tôi là khi mình biết thưởng thức âm nhạc chút ít thì điều đó giúp mình cảm nhận được phong tục tập quán sâu hơn. Như thế âm nhạc có gia trị nhiều hơn là giải trí mà thôi.

Tôi tin rằng ai học ngôn ngữ ngoại quốc cũng nên cố gắng làm quen và thưởng thức âm nhạc của nước đó nữa.

Sáu Steve Brown

Ý kiến bạn đọc
23/07/201821:46:20
Khách
Thật thú vị và bất ngờ về những điều mà Tác Giả STEVE BROWN đã viết . Cám ơn nhiều lắm , một người Mỹ tốt bụng và nhân văn
07/02/201612:41:32
Khách
Chào anh Sao Nam Trần Ngọc Bình,
Cảm ơn anh đọc bài viết tôi và góp ý bằng bài thơ.
Trước kia tôi đóng quân ở tiểu bang South Carolina tại hai căn cứ TQLC nhưng chỉ đi ngang qua Greenville một lần thôi.
Chúc anh và gia đình nhiều hạnh phúc.

Sáu
04/01/201600:46:54
Khách
Anh Sáu
Nắng mưa anh còn hiểu
Nói chi chuyện tình người
Anh đã gặp người tri kỷ
Là vợ hiền của anh
Chúc anh thêm hạnh phúc
Mấy người được như anh!
07/09/201308:41:57
Khách
Chào wowang, Cảm ơn wowang đọc bài viết tôi và có lời khen (quá khen). Chúc bạn vui vẻ.
19/08/201318:45:28
Khách
Xin được cúi đầu khâm phục anh Steve Brown. Chẳng những đã giỏi về Việt văn mà còn làm thơ cùng hát nhạc Việt. Chắc ngoài anh ra không có người Mỹ thứ hai nào có tài như anh ở trên đất Mỹ nầy.
18/08/201318:32:08
Khách
Cảm ơn Trần Đình Đức góp ý và giới thiệu hai bài hát của anh Richard Fuller. Hay lắm.

Chào Peter Tran, Tôi tìm Michael Colsby trên mạng nhưng không thấy. Cảm ơn nhé.

Chào Mary, Cảm ơn Mary có lời khen. Còn việc học tiếng Việt thì tôi vẫn lên dốc mà núi này rất cao.

Chào chị Phương Hoa, Cảm ơn chị có lời khen và cũng họa thơ rất hay và vui.

Chào Chúc Chân. Cảm ơn bạn có lời khen. Còn cách viết tôi thì, Thức lâu mới biết đêm dài, đọc lâu mới biết bài viết tôi có phó-mát hay không. :) Chắc sẽ có.

Chúc các bạn mọi sự thật tốt đẹp.
15/08/201316:54:50
Khách
Xin ngã nón tôn "Thầy". Vô cùng bái phục. Tui sống ở Mỹ mấy chục năm có viết bài bằng Anh văn, nhưng còn rất nhiều mùi nước mấm, thua xa bài chử Việt của Thầy Sáu, vỉết chử Việt mà không có mùi cheese.
08/08/201305:22:47
Khách
Chào tác giả Sáu Steve Brown,
Xin bái phục lòng yêu tiếng Việt của anh. Chị Tuyết quả là có phước gặp được người chồng "yêu em yêu cả đường đi," anh Sáu còn yêu cả ngôn ngữ và văn chương của quê hương "người ấy" nữa. Tinh thần học hỏi của anh rất đáng được ca ngợi.

Đọc bài thơ ngắn rất dễ thương của anh làm tôi cũng nôn nao, máu "thơ" cồn cào :) , nên tôi xin phép hoạ lại tặng anh để gọi là "tuyên dương" tinh thần học hỏi của anh.

Bài Hoạ:
Ông Mỹ "trổ tài" kể chuyện xưa
Văn chương ngần ấy, quả không vừa!
Làm thơ, hát nhạc, rành văn Việt
Lại hiểu tận tường chuyện nắng mưa

Chúc anh mãi sáng tác

Phương Hoa
08/08/201302:57:34
Khách
Hoan ho ong Sau biet hat nhac Viet va con biet viet tieng viet nua. Toi phuc sat dat.
08/08/201300:39:36
Khách
Hi Steven Brown,
Try to locate Michael Colsby. He can play guitar and sing any Vietnamese song including folksong of North, Center and South...
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,946,790
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2019, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài gần đây nhất của tác giả là “Chuyện về Những Bà Mẹ”. Sau đây là bài viết thứ 8.
Tác giả qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, là một kỹ sư từng làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài viết về Mẹ trong mùa Mother’s Day 2019, ông cho biết có người cha sĩ quan tù cải tạo chết ở trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa. Bài viết mới kể về chuyện người mẹ và tác giả thăm nuôi đúng vào những giờ phút sau cùng của người cha trong trại tù cải tạo. Tựa đề đầy đủ của bài viết: “Ba Tôi, Những Giờ Phút Sau Cùng và người bạn tù trên đất My” được rút gọn theo nội dung.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Thời tiết Cali đầu tuần bất ngờ có mưa bụi mát mẻ, hệt như tiết xuân dù đang mùa kiết hạ. Đúng là lúc có thể mơ xuân với một truyện tình vui của Orchid Thanh Lê, tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là Phó Giáo Sư tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif. Đây là bài tác giả gửi sớm, tính dành cho báo xuân Canh Tý 2020 sắp tới. Sắp họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, mời đọc trước chuyện xuân.
Họp mặt phát giải thưởng và ra mắt sách Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ XX - gồm những bài viết được phổ biến từ 1 tháng Bẩy 2018 tới 30 tháng Sáu 2019 - được quyết định tổ chức vào Chủ Nhật 11 Tháng Tám 2019, và 16 tác giả sẽ nhận các giải thưởng.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Father's Day 2019, mời đọc bài viết mới của Hoàng Chi Uyên. Tác giả là một chuyên viên xã hội từng nhận giải thưởng lớn khi được bình chọn là nhân viên xuất sắc trọn năm 2003 và phụ trách Phòng Xã Hội, thuộc Trung Tâm Cao Niên thành phố Milpitas, Bắc California, và đã về hưu. Tháng Ba 2019, bà góp bài viết về nước Mỹ đầu tiên: "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc" kể về hoạt động xã hội; Bài thứ hai: "Ban Cướp Biển," hồi ký về nhóm điều tra chống cướp biển trại tị nạn Pulau Bidong.
Mùa Father's Day, mời đọc chuyện “Ba Thế Hệ Cha và Con" của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM 2013. Bài viết mới của Vĩnh Chánh là hồi ký về một gia tộc hoàng phái quyền chức, với những mảnh vỡ trôi dạt từ trong ra ngoài nước.
Chủ Nhật 16/6 là Father’s Day 2019. Mời đọc bài viết đặc biệt của tác giả từng nhận giải Danh Dự VVNM năm thứ mười chín, 2018. Bà.cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy 2001 theo diện đoàn tụ. Bà hiện là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Về người cha được tưởng nhớ, mời coi lại hình ảnh và bài viết “Công Chúa Triều Nguyễn” do tác giả Tôn nữ Trấn Định Minh Nguyệt thời đổi đời, trong đồng phục tài xế taxi tại Huế, lái xe đưa thân phụ Vĩnh Bạch từ Mỹ về, cúng đền Trấn Định Quận Công tại Truồi
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Năm 2019. Ông là anh cả trong 9 anh chị em, có người cha chết trong trại cải tạo Vĩnh Phú từ 1979, bà mẹ một mình lo cho các con. Ông qua Mỹ năm 1998 diện đoàn tụ ODP, hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết mới được “Viết trong ngày sinh nhật 88 của Mẹ,” Tựa đề được trích từ lời kết của bài viết xúc động: “Căn bệnh Alzeithmer với mẹ cũng là một may mắn trong muôn vàn bất hạnh. Cái quên, cái lẫn sẽ làm mẹ có thể sống được với tôi, với con cháu thêm một thời gian.”