Hôm nay,  

Nhớ Ơn Cái Đáng Ghét

21/07/201300:00:00(Xem: 268460)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, cư dân Glendale, CA. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận các giải bán kêt 2001 và giải Việt Bút 2008, hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết" Giải Thưởng Việt Báo. Sau đây là một truyện tình của một chàng chuẩn uý VNCH sau đổi đời rồi đời đổi. Bài dành cho tuyển tập Viết Về Nước Mỹ 2013, lần đầu được phổ biến.

Kha vào trại “cải tạo” năm anh 20 tuổi và ra khỏi trại năm 25 tuổi. Người yêu anh, Tuyết Hồng, bỏ anh sau khi anh “học” được 2 tháng.

Nếu Kha không “thành thật khai báo”, chắc chắn anh chỉ “học” một vài năm. Kha chỉ là chuẩn úy mới ra trường và phục vụ trong một đơn vị An ninh Thiết lộ chưa đầy một tháng. Nếu anh khai anh hộ tống xe lửa chắc “Cách mạng” cũng không biết. Hai chữ “an ninh” đã khiến anh gỡ 5 quyển lịch. Ra khỏi trại, Kha ở nhờ nhà bà cô ruột vì anh mồ côi từ nhỏ và không có anh em.

Đã nhiều lần bà cô khuyên anh nên lập gia đình vì anh là đứa cháu trai duy nhất của ông bà nội. Thời đó, khoảng năm 1980, ở vùng anh, một vùng khỉ ho cò gáy cách Thành phố Đà Nẵng 20 km, dân làng hầu hết là “Cách mạng”, rất ít ai theo “Ngụy” như Kha. “Ngụy quân, ngụy quyền” là một tai họa, không ai muốn dây dưa vào, trừ “dây dưa” trong việc kết hôn. Sau những cuộc chiến tranh dằng dai, thanh niên chết khá nhiều, lứa phụ nữ có thể cưới làm vợ không hiếm hoi gì.

- Con nhỏ ni mới 22, tuổi Mậu Tuất, thợ may, đẹp, con nhà có công với cách mạng…

Nghe bà cô nói đến đây, Kha giật mình:

- Nó không chịu lấy con đâu, mà con cũng sợ lắm.

Anh nghĩ đến mấy chị công an mang AK dẫn giải anh đi lao động.

- Ai ở đây, mà không là Ngụy hay không bị trù dập thì hầu hết có công với cách mạng. Cách mạng vào nhà, ăn, ngủ, trốn… Ai dám tố cáo, ai dám đuổi đi. Vậy là họ có công với Cách mạng.

Ngừng một lát, cô anh tiếp:

- Có điều nó ít chữ nghĩa, mới học hết lớp 1.

- Sao lại chỉ học hết lớp 1?

- Cả cái làng này, trừ mầy, người hay chữ nhất cũng mới có bằng tiểu học. Mà chữ nghĩa như mầy thì được cái chi chớ, chỉ hại thêm.

Sau đó cô anh đưa anh đến tiệm may của Cúc, tên cô gái, để xem mặt. Cô trông “dễ chịu” hơn anh tưởng tượng. Cô không quá “cách mạng” như anh nghĩ, nghĩa là ăn mặc trang điểm không “ngược thời gian trở về quá khứ” như mang dép râu, tóc bện con tít… Kha lén nhìn Cúc. Nước da cô hơi ngăm ngăm, mũi hơi tẹt, môi hơi dày nhưng rất có duyên, có thể nói là đẹp trên trung bình. Khi cô đứng dậy với lấy xấp vải để trên nóc tủ, Kha mới nhận ra thêm cô có thân hình rất hấp dẫn. Có lẽ Cúc đã biết anh đến xem mặt cô. Cô chỉ thoáng nhìn anh, khẻ chào rồi cắm cúi may, có vẻ mắc cỡ.

Cô anh đi ra cái chợ nhỏ kế bên, để anh tự do “đặt vấn đề” với Cúc. Có đến 5 phút sau Kha mới lên tiếng:

- Cái máy may trông cũ mà còn chạy tốt quá.

Cúc nói:

- Nó có khả năng hư rồi.

Kha nhìn đi nơi khác, nhăn mặt. Cô này “nói chữ” y hệt mấy chị công an.

Vừa lúc đó có mấy người khách vào tiệm. Kha chào Cúc rồi đi ra chợ tìm bà cô.

- Sao nhanh vậy?-Cô anh hỏi.

- Con thấy không hợp. Nó nói chuyện giống như công an.

- Hợp là sao? Nó giỏi, đẹp người đẹp nết nhất làng ni đó.

Lúc đầu Kha không nghe lời bà cô nhưng lần lần anh xiêu lòng.

Đám cưới của họ chỉ có chừng 20 người tham dự. Ngoài ông Tổ trưởng Dân phố và anh Công an Khu vực, còn lại đều là người trong gia đình. Tại vùng này vào thời điểm đó không ai tiện mời người ngoài đi dự đám cưới “Ngụy”, mà người ngoài cũng không ai hăm hở đi dự đám cưới “Ngụy”. Riêng anh công an không ngại việc này. Anh công an vừa tham dự đám cưới vừa có công tác mật (?), theo dõi đám đông. Người ta nghĩ vậy và anh công an cũng muốn người ta nghĩ vậy. Anh ta rủ thêm hai người nữa, để “trả lại” bữa nhậu của hai người này cuối tuần vừa rồi. Không ai biết họ là ai, chỉ thấy vẻ mặt ba “thượng khách” này rất nghiêm trọng như đi xử án. Họ nốc bia hơi và rít thuốc 3 số 5 lia lịa. Dĩ nhiên họ không có phong bì mừng đám cưới, mà cũng chẳng đem quà gì đến. Quà cáp của những người khác thường là rượu, bánh trái, áo quần… Có một cô đem hoa tới. Ai cũng thấy cô này “lạc hậu” quá. Đem đến một bó rau muốn thì hay hơn. Người duy nhất cho tiền là ông Tổ trưởng. Ông trịnh trọng đưa cho cô dâu chú rể một tờ giấy bạc 100 đồng và một tờ giấy bạc 5 đồng:

- Chúc hai cháu 100 năm (5) hạnh phúc.

Cái mốt tặng tiền theo kiểu này là do các vị “Lão thành Cách mạng” đã phục viên nghĩ ra. Ông Tổ trưởng bắt chước họ, chứng tỏ ông cũng “cách mạng” và cũng để tiết kiệm được 395 đồng. Ở vùng này vào thời này người ta đi đám cưới trung bình 500 đồng, giá bằng 2 tô bún bò Huế. Cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 cả nước đều đói. Có người còn nói từ Đồng chí Lê Duẫn trở xuống đều ăn cơm ghế (?).

Đêm tân hôn Kha không biết mở lời thế nào với vợ. Trước đây, hồi còn ở trong quân đội, anh là người rất bạo mồm với phụ nữ, nhưng ngày nay đối với người vợ mới anh rất rụt rè. Cô vợ mới toanh thì ngồi đó, sửa cái này soạn cái kia, còn anh thì đi ra đi vào, giống như đang tìm gì. Bấy giờ Kha đâm ra nhát gan vơi tất cả mọi người, nhát cả với người vợ mới. Anh thấy anh …thua chị nhiều quá. Thua ở chỗ chị… ít học hơn anh, nhà quê hơn anh, “cách mạng” hơn anh. Anh cảm thấy anh chẳng “môn đăng hộ đối” với Cúc.

- Anh tìm cái chi rứa?

Cúc đứng dậy, muốn cùng Kha tìm cái không-hề bị-thất-lạc. Hai người đi ra đi vào một lúc. Cuối cùng Kha thấy không có cái gì cần phải tìm, mà phải làm một cái gì đó, và cái cần làm trước hết là cây đèn dầu lửa. Anh nói:

- Anh… đề nghị tắt đèn.

Cúc bẽn lẽn:

- Anh…đặt vấn đề… đúng. Em… nhất trí.

Lấy nhau xong hầu như vợ anh nuôi anh suốt 10 năm. Anh chẳng biết làm gì cho ra tiền. Những công việc hợp với khả năng anh như dạy học thì bị cấm; những việc khác như đi xe ôm, đi xích lô thì ở vùng này không ai cần đến, ai cũng đi xe đạp hay cuốc bộ. Kha chỉ còn có cách làm thợ rờ, lương ba đồng ba cọc, chưa bằng một phần ba số tiền khiêm nhường do vợ anh làm ra.

Năm 1988 người ta nói nhiều về chương trình ra đi có trật tự của tù cải tạo nhưng hầu hết ai cũng nghi ngờ. Làm thế nào có cái hạnh phúc to lớn như vậy đối với những người cùng khổ như tù cải tạo, ngay cả khi ra trại rồi.

Ở trong tù anh em đã chuyền miệng nhau quá nhiều tin tức phấn khởi rồi: Mỹ trở lại, gần cả sư đoàn dù cùng với thủy quân lục chiến đang ẩn náu ở biên giới Lào. Có những tin nghe rất kỳ cục: Trung Cộng giúp Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại Miền Nam. Vậy mà có người cũng tin. Cũng có người cố tin để mà sống, giống như ăn củ mì để mà sống dù thấy ớn tận cổ.

Nhưng rồi qua năm 1989 đài VOA, BBC và ngay cả báo chí ở Việt Nam cũng nói đến tin tức tù cải tạo ra đi. Có báo còn đăng cả danh sách người được ra đi. Đầu năm 1990 Kha được Phòng Xuất cảnh thuộc Sở Công an gởi giấy mời. Anh đem tờ giấy đi hỏi những người quen thân, kẻ nói này, người nói nọ, có người khuyên anh nên đi trốn. Có anh Việt Kiều nguyên trước là một dân chài bên kia sông vừa về thăm quê hương, nói như đinh đóng cột:

- Coi chừng bị lừa. Các anh như trái banh để Mỹ và Việt Nam đá qua đá lại. Các anh không được bảo lãnh hay không vượt biên thì Tết Ma-Rốc mới qua Mỹ được.

Kha không mấy tin lời nói này. Không lẽ đài VOA và BBC lại thiếu hiểu biết hơn một anh dân chài? Kha uống thuốc liều trình diện Phòng Xuất cảnh. Kha và Cúc được làm hồ sơ xuất cảnh ngay. Số là Mỹ yêu cầu những người ở tù nhiều ra đi trước; còn Việt Nam thì muốn ai “cải tạo tốt” tức tù ít ra đi trước. Cuối cùng hai bên dung hòa sao đó có liên quan đến thân nhân ở Mỹ, đến thời gian cải tạo…, nên Kha và Cúc rời Việt Nam khá sớm. Khi sửa soạn lên đường Kha hỏi Cúc:

- Em…thấy sao?

- Thấy cái chi, anh?

- Đi Mỹ.

- Thì đi chứ sao.

- Em không ghét Đế quốc sao?

- Anh nói chi lạ rứa.

- Em định qua đó làm gì?

- Làm gì cũng được. À, em định tiếp tục nghề thợ may.

- Anh chưa biết anh sẽ làm được nghề gì, giúp gì được cho em. Có thể em sẽ chán anh.

- Nhờ anh em được qua Mỹ là quý rồi.

Kha và Cúc đến Mỹ đầu tháng 7 năm 1990.

Đến Mỹ làm nghề may ít tiền, Cúc đi làm nail (móng tay). Lúc đầu tiệm nail quen, vẫn cho Cúc làm chui, không cần bằng; nhưng sau bị “Bo” (Board of Barbering and Cosmetology) xét bằng kỹ quá, chủ tiệm bảo Cúc phải đi học để lấy bằng. Cúc thi lý thuyết 5 lần không đậu vì chữ nghĩa “lôi thôi”. Bấy giờ Kha mới thấy cái trở ngại lớn do nơi sự thiếu học của vợ mình. Rất may mắn, lần thi thứ sáu Cúc đậu. Kết quả này phần lớn do nơi… người thông dịch. Hồi đó thí sinh không giỏi tiếng Anh để thi lý thuyết có thể nhờ thông dịch viên.


Sau khi có bằng, Cúc làm 7 ngày một tuần, mỗi ngày 12 tiếng, tám giờ sáng đi, tám giờ tối về. Sáng nào Cúc cũng dậy thật sớm để nấu ăn, phần để lại cho chồng, phần mang theo cho bữa trưa. Lúc đầu Cúc đi làm bằng xe buýt. Hồi ấy từ nhà, ở vùng Echo Park thuộc Thành phố Los Angeles đến chỗ làm, ranh giới Los Angeles và Hollywood, có đến 2 chuyến xe buýt. Mặc dù việc đi lại rất thuận tiện như vậy nhưng để Cúc được thoải mái hơn, khỏi phải chờ đợi ở trạm xe buýt, Kha đưa đón Cúc bằng xe hơi. Anh làm trong một siêu thị người Việt ở Echo Park từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều nên không trở ngại công việc khi đưa đón Cúc.

Được hai năm như vậy số tiền hai vợ chồng dành dụm dư sức mua một chiếc xe hơi mới, thuộc loại đắt tiền và trả bằng tiền mặt. Nghe chồng nói mua xe hơi, Cúc giẫy nẩy lên:

- Thôi, anh! Chiếc xe của mình như rứa là quá tốt rồi.

- Tốt gì mà tốt.

- Nó đâu có hư hỏng chi.

- Nó có.. khả năng hư-Kha nói đùa.

Kha thuyết phục mãi, còn “phỉnh” vợ nữa, nào là xe bán kỳ này giảm giá, nào là đi xe “ngon” mới có uy tín, dễ làm ra tiền.v.v…, Cúc mới chịu mua. Vậy là chiếc Acura đời 1993 mới toanh được bán rẻ cho Kha và Cúc vì chủ xe sạch túi ở Las Vegas. Đối với lợi tức của một gia đình mới qua Mỹ 2 năm, một chiếc Acura mới không phải không sang. Vậy là trước khi đi làm, Cúc lại có thêm một công việc nữa: lau chùi xe.

- Cúc ơi, vài ba ngày lau chùi một lần được rồi - Kha nói.

- Chiếc xe mới quá, không lau chùi để bụi bám hết lớp này đến lớp nọ, mau cũ, khó bán...

- Trời đất! Mới mua về đã nói đến bán.

Kha làm một ngày 8 tiếng, một tuần 5 ngày. Anh có thừa thì giờ hơn Cúc. Cuối tuần anh không biết làm gì hơn là lái xe chạy vòng vòng, có khi xuống tận Little Saigon. Anh vào các tiệm cà phê của người Việt để tán dốc với mấy người bạn mới quen. Họ thường nói chuyện chính trị, đời sống ở nước Mỹ, chuyện đàn bà con gái, chuyện các gia đình quen biết ở Đà Nẵng trước năm 1975…

- Anh có biết bốn chị em Bảo Xuân, Ngọc Hạ, Lệ Thu, Bích Đông không?

- Có phải cô chị là vợ của một sĩ quan hải quân không?

- Đúng.

- Anh có biết con Tuyết, nhà ở đường Hoàng Diệu, đối diện Kiệt 8 không?

- Anh có biết…

Cứ vậy trong vòng 3 tháng, dù không cố ý, Kha đã “lần” ra được Hồng, người yêu cũ của anh.

- Chu choa! Cái con Tuyết Hồng, ở đường Phan Châu Trinh, gần Ngã Năm…

- Sao?

- Con đó ai mà không biết, từ “Nón Cối”, tài xế cho đến Việt Kiều…

Kha thấy tim mình đau nhói, dù anh đã quên Hồng từ lâu, nhất là sau khi có vợ.

Cuối năm 1994 Kha biết Hồng đang ở Orange County, biết cả địa chỉ và số điện thoại. Đã nhiều lần anh định gọi Hồng nhưng nghĩ đến Cúc anh lại thôi. Nhưng rồi một lần cùng Cúc đi dự đám cưới anh đã gặp Hồng. Hồng nhận ra anh trước. Cô đến bàn anh, nói với anh như chưa hề có cuộc chia lìa 20 năm:

- Anh Kha! Em nhìn ra anh ngay.

- Hồng hả?

Kha chỉ nói được 2 tiếng rồi im lặng. Cúc ngồi bên cạnh, đưa mắt khẻ chào Hồng, rồi tiếp đồ ăn cho Kha. Kha nói tiếp:

- Anh không nhận ra em ngay được.

Thật vậy, Hồng trang điểm hơi cầu kỳ, có vẻ độc đáo, nên vẻ mặt Hồng khác đi rất nhiều. Trông Hồng đẹp hơn 20 năm trước đây tuy có già hơn.

Hồng định nói gì đó nhưng rồi thôi. Cô nhìn Cúc:

- Chắc đây là chị…

- Cúc, vợ anh.

Cúc và Hồng khẽ chào nhau. Hồng đưa cho Cúc một tấm danh thiếp:

- Đây là số điện thoại và địa chỉ của Hồng.

Một hôm Cúc đưa tấm danh thiệp của Hồng cho Kha:

- Em quên đưa cái này cho anh. Ai vậy anh?

Kha định giấu chuyện anh và Hồng, nhưng khi nghĩ Cúc là người vợ tuyệt vời, quá tốt với anh mà anh chưa đền đáp được, nay lại còn muốn dối vợ, nên anh nói thật tất cả cho Cúc nghe. Kha nghĩ đây cũng là một cách đền đáp. Nghe xong Cúc chỉ nói:

- Chuyện qua rồi mà.

Kha cầm tấm danh thiếp Cúc vừa đưa xé nhỏ, vất vào thùng rác. Lúc đó thật tình Kha quên hẳn anh đã có số điện thoại và địa chỉ của Hồng trong sổ tay.

Anh quên hẳn Hồng cho đến một hôm nhìn Cúc sửa soạn trang điểm. Đây là một trong những lần hiếm hoi Cúc dùng phấn son, kẻ lông mày… Anh thấy Cúc kẻ cặp lông mày, vẽ môi, làm lông mi y hệt Hồng. Anh vừa tội nghiệp cho vợ, vừa thấy vợ mình nhà quê quá, nhưng anh không nói gì. Tối hôm đó Kha không “âu yếm” vợ như mọi khi. Anh thấy chán, và anh nghĩ đến Hồng. Ở trong trại tù, Kha vẫn ấm ức chưa ăn nằm với Hồng dù trước đó đã có nhiều dịp thuận tiện để hai người tự do với nhau. Nay qua đến Mỹ, tội gì… Anh nghĩ vậy và sáng hôm sau gọi điện thoại cho Hồng.

Hai người nói chuyện với nhau khá lâu. Đại khái Hồng cho biết Hồng đã có chồng nhưng không hạnh phúc, con cái đang đi học ở xa. Hai người hẹn nhau ngay trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Hồng vì chồng Hồng đang ở Việt Nam. “Chồng em đang ở Việt Nam. Anh ấy có cả chục con bồ bên đó. Không hề chi cho em lấy một đồng. Có khi em phải gởi tiền cho ảnh”. Nghe Hồng nói Kha càng “mạnh dạn” thêm. Anh chẳng thấy một mặc cảm nào cả.

Được hai tháng như vậy Hai người bắt đầu gây gổ nhau, khi nhẹ khi nặng.

- Em thấy anh sống sao mà… chi li, cực khổ quá. Đời người có là bao.

- Em muốn nói gì vậy?

Hồng im lặng không trả lời. Hồng không trả lời nhưng anh hiểu Hồng muốn nói gì. Anh thấy khó chịu. Từ ngày gặp Hồng trên đất Mỹ đến nay, trừ việc chi tiêu với nhau anh chưa hề biếu Hồng một món gì đáng giá. Anh không làm ra tiền. Chứng chỉ Dự bị Văn khoa với Chứng chỉ Văn chương và Văn minh Anh, hai cái cộng lại thua xa cái bằng nail.

- Tình yêu là…-Kha nói tiếp.

- Là gì?

- Tình là tình. Tiền là tiền. Không nên trộn lẫn hai cái với nhau.

- A, anh nói tôi đến với anh vì tiền. Nếu vì tiền, tôi không chọn anh đâu. Chỉ vì cái nghĩa xưa.

- Nghĩa xưa? Em bỏ anh sau khi anh ở tù chỉ 2 tháng.

Hai người lớn tiếng, Kha giận dữ, Hồng khóc. Rồi hai người lại làm lành với nhau. Hồng nói:

- Dù thế nào em cũng thấy em có lỗi với chồng em. Đàn ông mà, về bên đó thấy gái, ai không ham. Còn em, như thế này là tội lỗi. Em thấy… do anh mà em có lỗi. Tại sao em không được đền bù.

- Anh hiểu em muốn nói gì. Anh không ngờ em lại có ý nghĩ đó. Nhưng mà anh đâu có giàu có gì. Anh không cần dợt le với em làm gì.

- Em không nghĩ là anh nghèo như anh nói.

Kha cau mày: “Dựa vào đâu để cô ta nói vậy. Không lẽ Hồng dựa vào chiếc xe hơi. Chiếc xe cũng do Cúc mua. Dù có mê mệt Hồng đến đâu, mình cũng không thể vô lương tâm đến nỗi lấy tiền của vợ mình để cho Hồng. Nếu mình làm ra tiền mình cũng không hẹp hòi gì. Đằng này…Đúng là nghèo mà ham”.

Anh nói:

- Không lẽ anh lấy tiền của vợ anh nuôi chồng em đi… chơi gái.

Kha đùng đùng lái xe về Los Angeles. Anh thấy ghét Hồng. Anh nghĩ một người tình như Hồng mà không đáng ghét thì thật là mù quáng.

Kha không về nhà mà lên thẳng tiệm nail đón Cúc.

Tiệm vắng khách. Cúc đang cầm điện thoại nói với ai đó. Kha ngạc nhiên nghe Cúc xổ ra một tràng tiếng Anh, loại tiếng Anh bồi. Hình như đầu giây bên kia người tiếp điện thoại cũng hiểu cặn kẽ Cúc nói gì. Anh thấy Cúc gật đầu, nhún vai lia lịa.

Một người có học thức như anh, có Chứng chỉ Văn chương và Văn minh Anh mà nói tiếng Anh không ai hiểu cả, trong khi một người mới học lớp 1 như Cúc nói tiếng Anh thì người nghe hiểu. Anh thấy mình lại thua Cúc một lần nữa trên đất Mỹ này.

Về đến nhà anh nói với Cúc:

-Em này! Đừng trang điểm gì cả. Em để mặt tự nhiên đẹp và trẻ hơn. Anh không muốn thấy mặt em như thế này.

- Anh dựa trên… cơ sở chi mà nói rứa?

Kha cười:

- Lại “cơ sở”, “nhất trí”, “đặt vấn đề”… Nhưng không sao, cứ như vậy đi. Anh chỉ thích em là em, không muốn em giống ai cả.

- Vậy hả? Em tưởng anh thích.

- Không. À, quên. Nhưng em phải biết lái xe.

- Không, em đi xe buýt hay anh chở em đi. Em sợ lái xe quá. Em không biết đọc mấy tấm bảng chỉ đường. Cấm quẹo trái, cấm đậu xe… mà còn ghi thêm chữ.

- Em nên học thêm tiếng Anh.

- Em thấy khó quá.

Rất nhiều lần Kha khuyên Cúc học tiếng Anh, tập lái xe… nghĩa là khuyên Cúc nên “nhập gia tùy tục” trên xứ Mỹ này nhưng Cúc vẫn không nghe lời. “Thôi, kệ bà ấy. Thà như vậy còn hơn Tuyết Hồng”.

Cho đến nay, đã 4 năm qua Kha không liên lạc với Hồng mặc dù vẫn thường nghĩ đến. Mỗi lần nghĩ đến anh lại… nhớ ơn Hồng về cái đáng ghét của cô.

Nếu cô dễ thương, biết đâu anh đã bỏ Cúc để theo cô. Thậm chí, nếu không có cuộc đổi đời kỳ cục kia, biết đâu cô đã là vợ anh.

Bồ Tùng Ma

Ý kiến bạn đọc
07/08/201315:20:12
Khách
Yen chi di .nguoi nhu chi Cuc thi Ong Kha khong phai ca cam cai ban Lam dau ( Xin loi toi khong biet bo dau va cam on da dang y kien cua toi .)
06/08/201314:13:54
Khách
Mong tác giả tiếp tục câu chuyện này. Chị Cúc sẽ ra sao sau này? Có như những bà "Tôi đã lầm khi đưa em sang đây" không. Ướt gì tôi có một người vợ như Cúc. Ngậm thuốc Cẩm Lệ cũng được.
31/07/201314:27:09
Khách
Doc mot hoi sao thay chi Cuc giong may Ba Chi Ho o Da Nang qua ,chi thieu dieu thuoc Cam le
30/07/201318:42:08
Khách
Lời văn ngắn gọn, không dùng sáo ngữ với những câu văn dí dỏm, hoạt kê (?). Có vài người bạn tôi nói ông tác giả này thích nói chính trị, nhưng tôi nghĩ trong nước tôi bây giờ người ta còn 'nói chính trị' tợn hơn nữa. Về '100 năm hạnh phúc' là chuyện có thiệt nhưng hình như không phải cuối những năm 70 đầu 80, mà hình như khoảng năm 1985 sau khi đổi tiền.
29/07/201314:51:23
Khách
thich lam
26/07/201316:20:45
Khách
Truyện hay. Nói về nhân vật Kha, mới đọc thấy anh chàng này như mâu thuẩn, nhưng thiệt ra không phải. Trong đêm tân hôn anh ta "nói chữ" (đề nghị) dù ghét "nói chữ", có lẽ vì muốn nịnh vợ. Kha cũng không muón ăn bám vợ, chính Kha rất muốn Cúc hội nhập đời sống Mỹ, muốn vợ "bay nhảy", muón mình làm ra tiền nhưng chưa kiếm ra viẹc thích hợp. Mong tác giả viết "Nhớ Ơn Cái Đáng Yêu 2".
25/07/201320:45:40
Khách
Cám ơn cô TNBX rất nhiều. Hình như từ khi cô khen số người đọc có tăng lên. Nếu truyện hay là vì nó dựa vào sự thật, chỉ khác tên, tuổi, hoàn cảnh...
BTM
25/07/201320:37:49
Khách
Truyện hay thật! Hơi văn giống Vũ Trọng Phụng, Nam Cao...Mong được đọc thêm sáng tác của tác giả.
23/07/201314:37:43
Khách
Chuyện của anh lúc nào cũng hấp dẫn từ chữ đầu cho tới... tên tác giả. Giọng châm biếm nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc nầy của anh, ai mà theo nổi đây?
Hay quá anh Ma à.
21/07/201305:26:19
Khách
Cái tự đề rất hay, nói lên được ý nghĩa của truyện. Văn của tác giả có giọng điệu châm biếm hài hước của Vũ Trọng Phụng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến