Hôm nay,  

Cuối Cùng Cho Một Tình Bạn

01/07/201300:00:00(Xem: 275468)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Với 6 bài Viết Về Nước Mỹ trong năm 2013, Cao Đắc Vinh là một trong những tác giả có tên trong danh sách chung kết giải thưởng năm nay. Sau đây là bài viết mới của ông, về người bạn thân từ thiếu thời, một thuyền trưởng tầu vượt biển.

Toản là một trong những người bạn thân nhất của tôi thời thơ ấu.

Thuở đó, gia đình tôi mới di cư vào Nam, mua được căn nhà nhỏ trong khu Nguyễn Tri Phương, khu đất nghèo trung lưu ở về phía nam thành phố Sài Gòn, nơi có đa số di dân miền Bắc tạm cư. Trước cửa nhà là bùng binh xanh cỏ mà chúng tôi xử dụng như một sân chơi chạy nhẩy hàng ngày. Con đường dẫn ra cửa chợ mỗi buổi sáng ăn quà có tiếng dế kêu và có cả những mối tình thầm lặng.

Thời gian đi không trở lại, mỗi năm mỗi đổi thay, mất tuổi thơ nhưng may mắn hôm nay vẫn còn tất cả bạn bè lối xóm cũ. Quang, Nham, Ninh, Tâm, Vũ, Nghệ, Xương, Thịnh... và những người yêu trong mộng thuở xưa bây giờ đã lên chức nội ngoại Minh Hà, Bích Hợp, Tú Khanh, Đan Hà, Cẩm Chương... Trong số bạn thời nhỏ, Toản là người bạn thân từ thủa còn học lớp nhì trường tiểu học Nguyễn Tri Phương.

Sau hơn nửa thế kỷ xa cách, chỉ vì đọc văn chương nên Toản nhận ra tên tôi sau một bài viết. Tháng Bẩy năm 2009, chúng tôi vui mừng gặp nhau qua điện thoại và hội ngộ lần đầu vào dịp xuân tất niên nam Cali 2010 do hội ái hữu trường trung học Nguyễn Trãi tổ chức. Sau đó, nhân ngày lễ 4th July 2011, Toản đến Irvine thăm vợ chồng tôi cũng vào một ngày thứ Bẩy cuối tuần.

Hôm ấy, trời trong xanh và nắng vàng ấm áp. Bốn tiếng đồng hồ, tôi say sưa ngồi nghe bạn kể chuyện đời. Hơn nửa thế kỷ với bao nhiêu khắc khoải dồn lại trong chuyện kể nhưng lạ thay dòng đời dù có nhiều trầm luân mà giọng nói của Toản vẫn một điệu hiền hòa không chút than thân trách phận.

Toản có thân hình nhỏ bé nhưng đó chỉ là bề ngoài của một tâm hồn quật cường, dám nói, dám làm, dám chịu. Tính tình lại ưa thích châm biếm tinh nghịch đôi khi đi xa giới hạn để biến thành tai ương.

Thời còn độc thân, có lần Toản rủ cô bạn gái đi ăn tối ở một nhà hàng, cô bạn lại rủ theo cô chị và chị cô lại rủ thêm cô bạn của mình... cả hai đều có bề ngoài phốp pháp to lớn. Quả là một hoàn cảnh éo le cho chàng! Khi nhân viên nhà hàng hỏi bao nhiêu người để xếp bàn thì chàng trả lời: “Hai người và hai con voi”.

Một lần khác, đi xa về, muốn lấy điểm với người đẹp vừa quen, Toản mua tặng chai nước hoa xinh xắn làm quà. Cảm động nên bồi hồi nàng thốt một lời hạnh phúc bâng quơ: “Chai nước hoa nhỏ quá anh nhỉ!” Chàng thẳng thừng bông đùa: “To hơn chắc chỉ có chai nước mắm!” Câu trả lời làm chạnh lòng người đẹp. Kết quả là chàng lại cô đơn với cuộc đời đêm dài tỉnh lẻ...

Vốn thông minh, học giỏi, vừa xong trung học là Toản thi đậu ngay vào trường Công Chánh. Với học trò thời ấy, đây là thành tích sáng chói Toản đạt được trên con đường học vấn, hứa hẹn một tương lai rạng rỡ. Nhưng rồi tính bốc đồng nghịch ngợm ở Toản vẫn còn. Một buổi chiều mưa, nhóm sinh viên bạn của Toản đứng trên bao lơn sân thượng làm ướt áo một vị giáo sư phía dưới. Vị giáo sư nổi giận và mình Toản lãnh đủ đòn cay nghiệt, phải rời khỏi trường. Đó chính là cái mốc thời gian làm đời Toản đổi hướng.

Ra khỏi trường Công Chánh, người bạn bé nhỏ của tôi chật vật kiếm sống nuôi mẹ già. Chàng dậy học ngày hai buổi đến khi bất mãn thì vào ngành hàng hải qua sự giới thiệu của một người thủy thủ quen biết. Ngày đầu phỏng vấn để nhận chức “gõ rỉ sét” trên tầu Nhật Lệ, ông thuyền trưởng Thì ngắm nghía Toản từ đầu đến chân buông thõng câu kết: “Nhìn anh giống một du đãng trí thức”. Chàng chỉ biết cười và trình bầy sự thật pha chút khôi hài: “Không đủ to lớn để làm du đảng và trí thức nào lại nhận làm nghề gõ sét?”.

Những ngày biển yên gió lặng, con tầu 1200 tấn bình thản rẽ sóng một mình, anh thợ tập sự học nghề “gõ rỉ sét” đã làm kinh ngạc đoàn thủy thủ tầu Nhật Lệ sau những bàn cờ giao hữu liên tục chiếu bí tướng ông thuyền trưởng hảo hớn. Trung tá Thì cựu hạm trưởng 505 bắt đầu để mắt nhìn, nhận thức được trí thông minh và bản lãnh của người thanh niên bé nhỏ ấy. Ông dậy Toản astronomy cách nhìn sao trên trời, chấm point đánh tọa độ trên biển rồi đưa sách cho chàng đọc luật hàng hải và phương pháp hải hành. Nhanh chóng Toản trở thành phụ tá và khi ông Thì nghỉ thì Toản thay thế lái con tầu cồng kềnh giữa đại dương. Trình độ học hỏi hấp thụ cao nên chỉ một thời gian ngắn, chàng chính thức được tuyên dương chức vụ phó thuyền trưởng của con tầu chở hàng nặng ký bao gồm 24 thủy thủ này. Những năm sau đó, Toản đầy đủ kinh nghiệm để bổ nhiệm sang lái 1 trong 6 chiếc tầu chở hàng của bà Ngô Đình Nhu chẳng hạn như tầu Tiền Phong hoặc Thống Nhất...

Khi biến cố Tháng Tư năm 1975, tuy là dân lái tầu thuỷ nhưng Toản lại không có cơ hội ra khơi di tản. Nhờ nghiệp vụ chuyên môn cao, Toản được những người cộng sản lưu dụng, bắt lái tầu chở máy móc và vật dụng ăn cướp từ Nam ra Bắc cho những cán bộ chóp bu.

Những tháng đầu nước mất nhà tan, chàng bỏ mẹ già ở nhà, theo tầu chở hàng đi Bắc về Nam kiếm sống. Tuy đã tự dặn lòng nên giữ thái độ khôn ngoan “mũ ni che tai” giả ngu giả điếc trong mọi hoàn cảnh, nhưng rồi chàng vẫn không chịu nổi khi phải nghe luận điệu ngu si, tuyên truyền ấu trĩ của “cán ngố” cộng sản trên chiếc tầu của thuyền trưởng Trương Văn Xê, chẳng hạn câu chuyện tướng việt cộng Trần Đại Nghĩa điều động phi cơ phản lực tắt máy chờ không quân địch trên các tầng mây để phục kích bắn hạ. Cực chẳng đã, ngứa tai thì phải gãi nên Toản phát biểu ít câu về sự thật hiển nhiên nhưng khó nuốt đối với đám cán ngố. Kết quả là ngay khi tầu đi từ Bắc vừa cặp bến Sài Gòn, công an nghinh đón chàng ngay tại cửa tầu để còng chéo tay bỏ tù vì tội phản động mặc dù lời đối đáp của chàng phản ảnh kiến thức khoa học. Mẹ già ở nhà mỏi mòn ngóng đợi, tưởng thằng Toản con mình đã chết mất xác, không còn tin tức.

Sau cả năm trời bị đầy đoạ, khi Toản ra tù, quần áo tả tơi, ngồi ở phiên chợ làng như thằng ăn mày bệnh hoạn. Mấy bà bán hàng nhìn Toản biết ngay tù nhân vừa được thả nên tìm cách giúp đỡ, cho ăn lót dạ và tặng chàng lộ phí để tìm đường về nhà. Khi gõ cửa, mẹ ôm chàng, nước mắt chan hòa mới rõ đứa con mình còn sống!

Hiểu là không thể còn chỗ dung thân tại quê hương, Toản quyết định vượt biên. Thời điểm 1978-1979 cũng là lúc phong trào vượt biển lên cao, với thành tích lái tầu thuỷ nổi tiếng, Toản được giới chủ tầu săn đón, cầu cạnh.

Có người bạn cùng xóm cũ Nguyễn Tri Phương tên là Quyền học chung trường Nguyễn Trãi nhưng sau Toản 2 lớp. Ai đã gặp Quyền thì khó quên vì anh có tật ở chân do căn bệnh polio lúc còn bé. Quyền có ông chú tên là Tú, chủ tầu nên đề nghị Toản cùng vượt biển. Tầu được đóng bè ở Lam Sơn, một bến nước sâu gần thị xã Long Thành. Chuyến vượt biển đầu tiên dự trù dấu 45 người ở đất Lam Sơn quê nhà ông Tú trước ngày khởi hành.


Tháng 6 năm 1979, ông Tú và Quyền quyết định ra khơi mặc dù Toản chưa kiếm ra thợ máy tháp tùng. Ra khỏi hải phận 2 ngày 2 đêm thì sự thiếu sót ấy trở thành oan nghiệt khi... tầu chết máy!

Tháng 6 là mùa bão trên biển Đông, con tầu chật chội người nhấp nhô theo chiều sóng vỗ, Toản đành phải lấy vải dù căng thành cánh buồm để điều khiển hướng đi nhưng gió thổi mạnh làm gẫy cột buồm chỉ sau một buổi chiều căng gió. Tầu không động cơ trôi lênh đênh vô định 13 ngày giữa sóng nước Thái Bình. Mọi người hầu như hết hy vọng, ngồi chờ thần chết đến gần...

Suốt hai tuần, tầu mắc nạn trên đại dương, mấy chục lần giáp cận với những thương thuyền quốc tế nhưng tất cả đều lạnh lùng lánh xa để khỏi phải cứu vớt. Tiếng khóc của thuyền nhân như đau thương vang vọng từ địa ngục nổi lên mặt biển át đi tiếng sóng gầm mỗi lúc mỗi tăng cường độ. Hai người bạn vượt biển đã chết và được thủy táng! Nhìn chung quanh, mắt ai cũng đỏ hoe nhưng tay chân vẫn cố ôm chặt túi lương khô không rời thân thể bầm dập.

Giữa ranh giới tuyệt vọng của sự sống và chết, tâm địa con người thường lộ trần, hiện nguyên hình bản chất ích kỷ nhỏ nhen từng miếng ăn ngụm nước. Trên con tầu bất hạnh này, chỉ còn Toản và bác sĩ Châu là còn sức tự chủ, nỗ lực tìm cách giúp đỡ những kẻ yếu sức và chế ngự con tầu ví như chiếc lá an phận nổi trôi trên đầu ngọn sóng.

Sáng ngày thứ 16, thuyền nhân nằm ngả nghiêng chờ chết vì say sóng và đuối sức bỗng giật mình vì tiếng nổ lớn, đáy thuyền bị vỡ tung khi đụng phải san hô nằm dưới lòng biển. Bất ngờ, xuất hiện trên đảo vắng một nhóm người đen đủi ở trần, mặt mũi dữ tợn tay vung mã tấu rồi hét từ bờ bên kia: “Đ.m. Chúng mày chưa thoát khỏi Việt Nam đâu!” Tất cả đinh ninh là họ đã sa vào tay hải tặc. Khi đám thuyền nhân được lệnh lội trên san hô bước lên đảo. Lúc đó, Toản mới biết con tầu đã trôi vào quần đảo Trường Sa mà không ai hay! Hòn đảo này đang có 70 cán bộ cộng sản trú đóng thường trực. Ông thượng úy quản đảo chạc 40 tuổi, 13 năm như Robinson âm thầm canh giữ nơi đây chưa một dịp được gặp lại gia đình và cô con gái duy nhất của ông đang sống trên giải đất hình chữ S.

Chiều hôm ấy, quản đảo Tiến thu hết thuyền nhân vào miếng đất phẳng bên cạnh bờ biển, đối diện với khu vực đóng quân nơi ông cư ngụ. Trời về đêm, gió thổi từ ngoài khơi buốt lạnh. Ông ra lệnh nấu cháo cho 43 người sống sót rồi căng lều cho họ ngủ. Từ lúc lên đảo, ông ôm mãi con bé Su 3 tuổi kiệt sức vì mẹ nó đã mệt lả không còn lực để ẵm bồng bé. Toản ngạc nhiên thấy ông Tiến có những hành vi vị tha lạ kỳ mà không bao giờ chàng gặp ở người cộng sản trong quá khứ. Ông ta ôm bé Su xuốt đêm như tình cha đối với đứa con gái nhỏ của mình và ra lệnh cho bác sĩ Châu cứu con bé với bất cứ gía nào kể cả dùng trụ sinh trong phòng thuốc của ông nếu cần.

Quản đảo Tiến đưa Toản hai cây đèn bão cẩn thận dặn dò chỉ dùng để báo hiệu khẩn cấp. Ông cũng không quên chỉ thị luật lệ mới đối với cán bộ dưới quyền: “Nếu hai cây đèn bão không dơ lên dơ xuống ra hiệu tình trạng khẩn cấp của họ thì cấm không ai được lai vãng sang bên phía thuyền nhân...” và lấy mốc hàng rào cây ở giữa hai khu vực làm ranh giới. Ai coi thường luật này, vô cớ tự ý bén mảng sang phía “giới nghiêm” sẽ bị xử bắn!

Đêm đầu tiên nằm trên đảo, Toản không sao ngủ được mặc dù thân thể èo uột đã thấm mệt vì hơn nửa tháng nay chàng phải đối phó với những bất trắc liên tục. Thâu đêm, ôm đầu nghĩ mãi về lòng trắc ẩn hy hữu của ông Tiến rồi chàng suy luận tự hiểu hoàn cảnh nơi đây đặc biệt không có bóng đàn bà suốt thời gian dài, cán bộ bị dồn ép tình dục dưới ánh nắng như thiêu đốt của Trường Sa, có thể trở thành điên loạn mà hãm hiếp những cô gái vừa lội lên đảo như cử chỉ hung bạo bắt gặp lúc sáng nay. Cũng may, quản đảo có quyền lực gần như tuyệt đối trên mảnh đất cách ly này và chỉ thị của ông đủ để bảo đảm an ninh cho những người vừa đến mặc dù bây giờ dưới mắt ông, họ là những tù nhân vượt biên sẽ phải trao trả cho cơ quan nội vụ những ngày sắp tới.

Trên thực tế, chuyến đi của thuyền trưởng Toản đã hoàn toàn thất bại, con tầu gỗ đã bể nát chìm dưới lòng biển, tất cả thuyền nhân đã trở thành tù nhân. Ngay sáng hôm sau, quản đảo Tiến ban hành lệnh thu tóm tất cả vàng bạc đô la để cất giữ, nói mục đích là để bảo toàn an ninh. Tất cả đều nghi ngại, không biết số phận ra sao, nhưng quản đảo Tiến vẫn tiếp tục cư xử tử tế, cung cấp lương thực, chia xẻ từng điếu thuốc với đám thuyền nhân.

Hòn đảo san hô biệt lập xa đất liền nên chỉ được tiếp tế thức ăn và nước uống trung bình 3 hay 4 tháng một lần. Ngày chiếc tầu V684 từ Cam Ranh đến phân phối lương thực cũng là ngày quản đảo giao tù nhân cho công an nội vụ. Thời gian thuyền nhân ở đảo san hô là 39 ngày nhưng điều sửng sốt làm mọi người không tin vào mắt mình là lúc ông Tiến mang trả từng người số vàng lẫn tiền bạc đã ghi sổ cất giữ khi xưa trước giờ họ lên tầu đi tù ở đất liền. Ông ta chỉ trừ đi chi phí lương thực cho một đầu người mỗi ngày. Toản là người cuối cùng lên chiếc tầu V684, chàng bắt tay ông Tiến và nói lời cảm ơn thật lòng. Ông Tiến ân cần nắm tay Toản và đặt câu hỏi ẩn nhiều thắc mắc lúc chia tay: “Tại sao đất nước thanh bình mà các anh còn ra đi?” Chàng chỉ biết yên lặng vì làm sao cắt nghĩa nổi ý nghĩa hai chữ tự do của chàng cho một người suốt đời sống “tự do” trên đảo với chim trời?

Nghe Toản kể đến đây, tôi sực nhớ câu chuyện “Ở cuối hai con đường” của Phạm Tín An Ninh có kể về quản giáo Thà một thời đã là đề tài bàn cãi sôi nổi trong sinh hoạt của những người Việt tỵ nạn cộng sản... Phải chăng quản giáo Thà và quản đảo Tiến chỉ là hai đảng viên cộng sản hy hữu còn chút lương tri? Câu chuyện ngẫu nhiên của hai cá nhân lẻ loi này, không thể suy ra đất nước ngày mai sẽ khá hơn với xã hội độc đảng.

Sau khi mãn tù lần thứ hai, Toản lại tìm đường vượt biên và đã đưa 65 thuyền nhân cùng chuyến tầu của mình đến đảo Indonesia. Đó là điều đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của Toản. Cuối cùng thì chàng tỵ nạn ở Mỹ vào một ngày đầu xuân, lập gia đình và có cô con gái 16 tuổi rất xinh xắn, thông minh, nhanh nhẹn, chơi vĩ cầm professional. Cô bé đã đờn một bản nhạc bên cạnh giường bệnh của bố như để ghi lại kỷ niệm lần chót trước khi vĩnh viễn xa nhau.

Trước giờ chia tay, Toản vẫn còn sáng suốt nắm chặt tay một người bạn thân đứng sát chàng và thổ lộ lời cuối cùng: “Chắc tao không qua khỏi lần này, xin vĩnh biệt chúng mày...”.

Sau cùng, Toản ra đi thanh thản trong vòng tay của những người thân yêu, mang theo tiếng đàn của cô con nghệ sĩ và niềm tiếc thương của bạn hữu.

Tôi ghi lại sơ lược câu chuyện về Toản như chút kỷ niệm cuối cùng cho một tình bạn. Vĩnh biệt bạn hiền, người bạn một đời gian truân như chiếc lá lìa cành nổi trôi trong cơn bão lịch sử.

Cao Đắc Vinh

Ý kiến bạn đọc
07/07/201303:34:46
Khách
Kính gởi anh Nam Lê,
Hóa ra quả đất tròn, anh cũng quen biết anh Toản! Không biết anh có phải Nam Lê viết cuốn truyện "The Boat" được gải thưởng văn chương bên Úc châu? Nếu đúng, có người muốn liên lạc với anh và tôi sẽ chuyển về anh info. để liên lạc sau. Cảm ơn anh.
06/07/201316:26:32
Khách
Rêu rao là đồng bào một nước, nhưng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ coi người Nam Việt Nam là người một nước .

Sau khi chiếm Nam Việt Nam, cộng sản Việt Nam xây các trại tù che đậy trong các mỹ danh trại cải tạo hòng trấn áp giết chóc người không cùng suy nghĩ . Cộng sản Việt Nam cũng dùng các chiến dịch mỹ miều “Kinh Tế Mới”, “Cải Tạo Tư Sản”, hay chương trình đổi tiền để ăn cướp trắng trợn . Đặc biệt là hệ thống tù đày, thật không nơi nào mà đồng loại và đồng bào lại hành hạ giết chóc nhau kinh tỡm như tại Việt Nam dưới sự thống trị của cộng sản Việt Nam. Và bây giờ trong thực tế người Việt sống tha hương dưói cái nhản hiệu Việt Kiều, lại hoán thành một sắc dân khác tại chính quê cha đất tổ của mình để bị chính nhà nước cộng sản Việt Nam và ngưòi Việt bản xứ móc túi, lường gạt, hay xin xỏ .

Ngay cả bia mộ tưởng niệm thuyền nhân được thiết lập tại các trại tị nạn cộng sản vùng Đông Nam Á cũng bị đục bỏ như nhà nước cộng sản Việt Nam yêu cầu . Thật "may mắn" chính phủ các nước, nơi có bia mộ được thiết lập, cũng thâm lắm. Họ đục bỏ, nhưng chỉ đục bỏ những chữ tưởng niệm, lưu giữ lại bia mộ, và cho chụp hình lưu truyền cái ác vô cùng của cộng sản Việt Nam - cộng sản Việt Nam không tha cả người chết đã nghịch ý nó, dù người chết là người Việt Nam.

Cuối cùng chính là nhà nước cộng sản Việt Nam coi người Việt Nam là dân nước khác hay đúng hơn cộng sản Việt Nam coi người Việt Nam là cỏ rác .

01/07/201316:11:20
Khách
Đồng bào một nước mà mấy ông làm như dân nước này nước kia.
01/07/201314:02:39
Khách
Tôi có gặp và làm quen với ông Toản được một năm thì ông mất. Tôi có đi dự đám tang ở Westminster, CA. Một lần nữa xin chia buồn cùng tang quyến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến