Hôm nay,  

Khách Ở Xa Về

22/06/201300:00:00(Xem: 265891)
Tác Giả Nhận Giải Vinh Danh Tác Giả từ Tác Giả Khôi An, Tháng 8, 2012Với cách viết tinh tế, Nguyễn Văn đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Truyện mới của tác giả kể về Vũng Rô, nơi từng xuất phát những chuyến tầu vượt biển năm xưa.

***
Chiếc xe buýt chạy mệt nhọc lên đoạn đường đèo, rồi dừng hẳn lại bên lề, trên một khoảng đất trống đầy đá dăm. Tiếng máy nổ ngắt quãng từng chặp như người đang lên cơn hen suyễn sắp đứt hơi. Trước mặt là quán nước nằm ẩn mình đơn độc dưới tàng cây, cành lá rậm rạp. Đường đèo dài khoảng 12km, nhiều khúc cua hẹp, có đoạn chạy vắt vẻo qua sườn đá dựng đứng nằm sát biển. Dọc theo vách núi, đá granit nằm lởm chởm, chìm khuất trong đám dây leo và những bụi cây gai um tùm. Dưới chân đèo, dăm nóc nhà tranh nằm thấp thoáng bên những khóm chuối. Mấy vạt mía còi cọc, lá úa vàng, đứng chen chân trên các thửa đất bạc màu. Giữa lưng chừng núi, vài túp lều vải của những người thợ chẻ đá nằm co ro trong sương mai.

Quán nước trông tuềnh toàng, chật hẹp. Vách lá. Mái che bằng vải bố, bạc thếch màu mưa nắng. Trước mặt quán kê mấy chiếc bàn gỗ cũ kỹ, dăm chiếc ghế nhựa đứng xốc xếch, xiêu quẹo trên nền đất.

“Nghỉ chân đi vệ sinh, ăn sáng, bà con!” Tay tài xế nói.

Một người đàn ông trung niên dáng tầm thước, tóc muối tiêu, mang chiếc túi xách trên vai bước ra khỏi xe.

“Anh gì ơi, nhà vệ sinh ở đâu?”

“Ở đây làm gì có nhà vệ sinh. Chỉ có nhà thổ!”

Tay thanh niên dáng ông chủ, chép miệng cộc lốc. Gã ăn vận lôi thôi, mũi gãy, môi thâm, da mặt sạm như màu thâm u của đá núi. Gã nhướng đôi chân mày xếch ngược nhìn người khách, vẻ xoi mói. Thiên hạ trong mắt gã dường như chia ra làm hai loại người, kẻ có tiền và bọn khố rách áo ôm. Người đàn ông đứng trước mặt, có lẽ được gã liệt vào loại thứ nhất. Gã quơ chiếc khăn, lau vội lên mặt ghế.

“Dạ, mời ngồi! Ông dùng chi?”

“Một ly cà phê.”

“Ông lấy thêm gói thuốc, há? Ở đây có Ba Số Năm. Bảo đảm thuốc lá ngoại!”

Gã nói sốt sắng. Người khách gật đầu, xong ngồi xuống chiếc ghế, điệu bộ lóng ngóng. Đám hành khách tản ra xung quanh, thản nhiên đứng trật quần, phóng uế ngay bên lề đường.

Mới sáu giờ sáng. Không khí hãy còn ẩm ướt. Gió từ biển thổi vào mát lạnh. Những tia nắng sớm chiếu len lỏi qua các táng cây rừng, rải từng vệt sáng yếu ớt xuống mặt đường. Đâu đó, tiếng côn trùng vẫn âm vang như tiếc nuối bản hợp tấu của màn đêm. Sương giăng bảng lảng. Rừng núi còn ngầy ngật trong cơn ngái ngủ.

“Bánh mì đây! Bánh mì thịt nướng, nóng giòn đây!”

Tiếng rao khàn đặc. Một ông già thân hình gầy guộc trong bộ đồ bà ba đen, hai tay bưng chiếc mâm nhôm đựng đầy bánh mì, hiện ra từ cửa gian bếp. Mái tóc ông ta bạc trắng. Cặp kính lão che gần hết nửa khuôn mặt. Ông bước đi cà nhắc với một cái chân cứng đơ, kéo lê trên mặt đất. Nếu bỏ cặp kính xuống, rõ ràng ông với tay thanh niên kia là hai cha con.

“Khỏe chứ, lão Thọt?” Tay tài xế hỏi.

“Ngày nào anh cũng đem khách đến đây, ngày đó lão già này vẫn còn sống khỏe!” Lão cười, miệng căng ra như mõm sói. “Bữa sáng của anh, đằng kia!” Lão đưa tay chỉ vào cái lồng đậy thức ăn trên chiếc bàn nhỏ nằm gần gốc cây.

“Mấy ngàn một ổ bánh, ông già?” Một người hỏi.

“Mười ngàn.”

“Mắc quá! Mấy quán khác chỉ bán có năm ngàn…”

“Bánh này nhân bằng thịt rừng nướng, nên đắt hơn.”

“Thịt rừng à? Không đúng, phải trả tiền lại đấy!”

“Là thịt heo rừng thật. Ai thèm lừa mấy người!” Lão Thọt trả lời rít rắm.

Khách khứa bu quanh mâm bánh. Ông khách cảm thấy giọng nói lão Thọt khá quen, nhưng không nhớ đã nghe được từ bao giờ. Ông ngồi hút thuốc, mắt lơ đãng nhìn cà phê nhỏ giọt trong chiếc ly, khuôn mặt trầm ngâm. Thỉnh thoảng ông nghiêng tai lắng nghe tiếng sóng biển vỗ mơ hồ vào vách đá dưới chân núi. Những âm thanh đơn điệu đến buồn tẻ ấy cứ chốc chốc lại vẳng lên theo từng cơn gió sớm. Ông nghe chút bình yên hiếm hoi dâng lên trong lòng. Thứ bình yên của kẻ lãng du trong một sớm mai trở về cố quốc ngồi nhìn khói bếp bay thẩn thờ trên mái rạ. Gần ba mươi năm nay, ông ao ước được một lần trở lại chốn này.

“Có xe ôm chạy từ đây xuống cảng Vũng Rô không, chú?” Ông khách tìm cách gợi chuyện với lão Thọt.

“Dưới đó vắng hoe, cậu em xuống làm gì?”

“Sao nghe nói đang xây cảng biển, lớn lắm?”

“Ối dào! Chính quyền đang kêu gọi đầu tư để mở rộng khu cảng. Nhưng chẳng biết có ma nào chịu vãi tiền vào cái xó đèo heo hút gió này không? Ở đây chỉ có đá núi thôi. Đường vào đó toàn đèo dốc, khó đi lắm. Nhưng nếu cậu em chịu trả thêm tiền, chắc thế nào cũng có người chở.”

Chờ đến hơn tiếng đồng hồ, cuối cùng lão Thọt tình nguyện làm tài xế xe ôm cho ông khách. Giá cả hai lượt đi về là hai trăm ngàn đồng.

“Cái chân của chú?”

“Vẫn còn chạy xe được.”

Nói xong, lão cho nổ máy chiếc 67. Chiếc xe cũ từ đời nào. Bánh xe và cốt máy dính đầy bụi đường, có lẽ đến cả năm chưa được lau chùi. Tiếng máy nổ lụp bụp như chực tắt. Khói phun mù mịt.

Suốt đoạn đường, lão Thọt nói huyên thuyên. Lão bảo thế núi ở đây ẩn tàng long huyệt, là chỗ địa linh, vượng khí rất thịnh. Ngày xưa, tướng nhà Đường là Cao Biền, khi làm Tiết độ sứ đất Giao Châu, đã từng đến đây. Chỗ Cao Biền phóng kiếm trấn yểm long mạch, chính là Vũng Rô bây giờ. Hồi thời Pháp, có người lên đây dựng am tu thiền, dùng khí công chữa bệnh, tiếng đồn khắp cả một vùng, đệ tử theo học có đến hàng trăm người.

Chạy được một lúc, chiếc xe bỏ đường lớn rẽ vào con dốc hẹp ngoằn ngoèo nằm rợp bóng cây rừng. Sương ướt đẫm cả vạt cỏ mọc lòa xòa hai bên vệ đường. Muỗi bay vo ve trong lớp lá mục. Tiếng chim hót cô đơn, khắc khoải trong lùm cây. Rừng núi vẫn còn hoang sơ u tịch, chưa thấy bị tàn phá nhiều bởi bàn tay con người. Khoảng mười lăm phút sau, cả hai tới bến cảng. Lão Thọt đỗ xe lại dưới một bóng râm, bên con đường bụi bặm. Lão không ngớt phun nước bọt phì phèo xuống nền cát.

“Ngừng ở đây thôi. Người ta không cho vào cảng đâu,” lão bảo.

Khu cảng khá vắng vẻ. Bãi chứa xăng dầu tọa lạc trên một khoảnh đất cao ráo, bên trong là những chiếc bồn hình trụ màu trắng, đứng phản chiếu ánh mặt trời gay gắt. Mấy dãy nhà ngói đỏ nằm lạc lõng dọc theo bến tàu. Dăm chiếc xe tải đỗ ở bãi tráng nhựa. Vài ba chiếc tàu thả neo trên bến. Cầu tàu đổ bê tông, dài chừng trăm mét, đứng dầm chân trong làn nước xanh thẫm. Một tốp công nhân đội mũ bảo hộ lao động đang điều khiển chiếc cần trục, bốc dỡ hàng từ trên tàu xuống.

Cảng Vũng Rô nằm dưới chân dãy Đèo Cả. Phía bắc là núi Đá Bia đứng vươn mình sừng sững lên trời xanh. Chóp núi sáng chiều ẩn trong mây mù. Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quí Đôn viết “Ngọn Thạch Bi Sơn ở Phú Yên là chỗ tiền triều phân địa giới với Chiêm Thành”. Tương truyền, vua Lê Thánh Tông khi đánh thắng quân Chiêm, lúc qua đây đã cho khắc dòng chữ vào tảng đá trên chóp núi, “Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. An Nam quá thử, tướng chu binh chiết”. (Nghĩa là, Chiêm Thành qua đây, quân thua nước mất. An Nam qua đây, tướng chết binh tan.) Chữ viết đã tàn phai theo thời gian, không còn dấu vết. Năm 1890, người Pháp xây trên Mũi Điện, phía đông cảng, một ngọn hải đăng. Tháp đèn là một khối hình trụ thon đều, màu xám, có thể phát tín hiệu xa đến hăm bảy hải lý.


Lão Thọt ngồi bệt xuống tảng đá chỗ bóng cây, tay cứ xoa vào ống chân, mặt nhăn lại rúm ró. Ông khách đứng nhìn bất động vào bãi đá nằm chen chúc, xô lấn nhau dọc theo chân núi phía sau cảng. Màu đá đen bóng như than cháy dưới ánh mặt trời. Nhiều chỗ đá xếp chồng lên nhau như tổ ong, có khối lớn đến mấy người ôm. Giữa các tảng đá có vô số khoang trống, hang hốc kỳ dị. Sóng vỗ rì rào từng lớp, bọt tung trắng xóa.

Ông khách chợt thấy người bần thần. Ngày ông ra đi, Vũng Rô vẫn còn là một khu bãi hoang, không giống như bây giờ. Ông đã từng trốn trong một cái hang ở bãi đá kia suốt cả buổi chiều, ngồi đợi tàu. Có những chuyện tưởng đã chôn vùi theo thời gian, bỗng chốc hiện về.

Đứng lại!... Giơ tay lên!... Một giọng đàn ông trầm đục vang lên trong bóng đêm nhập nhoạng. Từng bóng người lao ra khỏi chỗ nấp, phóng mình vào mặt biển đen thẫm. Ai nấy đều cố bơi về phía chiếc tàu đang neo đón khách, nằm cách bờ khoảng vài trăm mét. A! Cái chân... Cái chân của tao!... Mẹ kiếp! Quân phản động. Đứng lại!... Đứng lại, không tao bắn!... Ánh chớp bật lên cùng lúc với tiếng súng AK nổ chát chúa. Âm thanh dội rền vang vào lòng núi. Không gian như xoắn lại, quằn quại. Những thân hình quẫy bì bõm, hoảng loạn trong làn nước. Vài tiếng kêu cứu vang lên thảng thốt, rồi tắt ngấm trong khoảng không gian đen đặc. Mấy cánh tay đưa lên, bám chới với vào thành tàu. Con tàu, sau một lúc chòng chành, bắt đầu rú ga lao mình vào mặt bể mờ mịt.…

“Em mày không sao chớ? Mặt trắng bệt ra thế kia, chắc bị say nắng rồi!”

Tiếng lão Thọt khàn đặc, xen lẫn trong tiếng sóng biển rì rầm, nghe lúc xa lúc gần như vọng về từ một không gian xa xôi nào. Khuôn mặt ông khách tái ngắt. Cái nhìn trống rỗng, đờ đẫn.

Mặt biển lấp lánh như dát bạc. Bãi cát trắng xóa, nằm trải dài, đong đưa trong hơi nắng. Bầu trời trong xanh, không một vẩn mây. Ông khách thẩn thờ đưa tay quệt những giọt mồ hôi đang tuôn ra giàn giụa trên mặt.

Khi lão Thọt đưa người khách trở lại, quán đang vắng khách. Một người đàn bà nhỏ nhắn mặc bộ quần áo hoa màu mỡ gà sờn cũ, ngồi chải tóc trên chiếc ghế trước hiên. Tóc bà dày và đen kịt. Khuôn mặt đen đúa. Tia nhìn hiền lành ủ dột, như chất chứa bao nỗi cam chịu của một người quen sống đời thua thiệt, nghèo khổ. Lão Thọt dựng chiếc xe 67 dưới tàng cây, bên hông quán.

“Bà nhà tui!” Lão nói.

Ông khách cúi mình chào. Thân hình bà già chợt sững lại, ngạc nhiên trước cử chỉ lễ phép của người khách. Tiếng nói líu ríu.

“Mời cậu ngồi.”

“Cảm ơn thiếm!”

“Thằng Hai đâu hả, bà?” Lão Thọt hỏi.

“Nó vừa lấy tiền, bỏ đi rồi,” bà già nói.

“Thằng trời đánh! Nó mà vác mặt về đây lần nữa là tui giết!” Giọng lão rền như chiếc trống bể. Nước bọt văng cả vào mặt bà vợ. Mắt long lên sòng sọc. Ông khách ngồi bối rối trên ghế.

“Cậu em uống ly nước cho đỡ mệt. Chốc nữa thế nào cũng có xe người quen ngừng lại đây, tiện thể em mày đón về thành phố.”

Nói xong, lão bỏ mặc ông khách, bước về phía chiếc võng mắc dưới tàng cây sát bên hông quán, nằm đong đưa nhìn trời. Công việc quán xá lão phó mặc cho bà vợ.

“Buôn bán khá không, thiếm?” Ông khách giả lả.

“Cũng sống qua ngày thôi,” bà già chép miệng. “Ra giêng, người ta không cho buôn bán ở đây nữa. Mấy ông chính quyền nói ảnh hưởng môi trường, bắt dọn đi.”

Bà đưa mắt nhìn ông khách, xong lại ngó bâng quơ vào những chiếc xe chở đầy người chạy qua trước mặt. Tay phe phẩy chiếc quạt giấy.

“Mấy bữa rày xe cộ cứ nườm nượp!” Bà nói. “Dân làm ăn xa đổ về quê ăn Tết. Thời buổi khó khăn. Ruộng đất không đủ làm. Người ta bỏ quê vào thành phố tìm việc hết. Chỉ có những dịp lễ, Tết như thế này mới trở về thăm nhà. Bây giờ ai cũng đi tha phương kiếm sống. Ở quê chỉ còn lại đám người già và lũ con nít thôi. Cậu là khách ở xa về, hả?”

“Dạ”

“Nhìn cách ăn mặc, nói chuyện là biết. Mấy ông Việt kiều, cứ hễ một chút là nói cảm ơn.”

Bà già ngồi hóng chuyện với ông khách, dễ dãi như đang tâm sự với người thân cách xa đã lâu. Bà kể, vợ chồng bà có nhà ở dưới phố. Sau khi chồng bà nghỉ làm công an, hai vợ chồng lên đây mở quán. Thời kỳ đổi mới, nhà nước cho kinh doanh làm ăn. Quán xá ở đây đua nhau mọc lên như nấm. Khách chủ yếu là dân buôn chuyến đường dài. Lúc đầu làm ăn cũng khá, sau người ta mở ra nhiều quá, buôn bán đâm ế ẩm. Hai vợ chồng hiếm muộn, chỉ sinh được mỗi mụn con trai. Nó cũng tốt nghiệp đại học hơn năm nay. Khổ nỗi, gửi đơn khắp nơi nhưng chẳng chỗ nào nhận làm. Bây giờ đi xin việc, nếu không thân thế, phải có tiền đút lót. Thất chí, nó sinh tật nhậu nhẹt, rồi đổ đốn ra…” Bà già thở dài. Giọng nói bỗng ngập ngừng. “Chỉ có mấy ông Việt Kiều như cậu đây là nhất. Áo gấm về làng. Đô La đầy túi. Tha hồ vui thú với rượu ngon gái đẹp. Có người về tới phi trường còn được tặng hoa, phỏng vấn, chụp hình đăng báo. Thời thế đổi thay. Bây giờ ai cũng gọi Kiều bào về thăm quê là yêu nước. Chả bù với ngày xưa, trốn chui trốn nhủi. Biết thế này, trước đây người ta kéo nhau đi hết… ”

“Bà nói tới đâu rồi?” Lão Thọt nằm trên võng, chép miệng uể oải.

“Tui nói sai à? Phải chi trước đây ông không làm công an, mình theo người ta đi vượt biên quách, giờ có phải sướng không... ”

“Bà tưởng đi dễ lắm! Biển bao nhiêu là sóng gió, rồi cướp bóc, hãm hiếp. Biết bao người vùi thây làm mồi cho cá.”

“Sao họ dìa nhiều quá trời kìa! Ông xem lại thân ông đi. Sau ngày gãy chân, có ai ngó ngàng tới không? Chỉ tổ thiệt thân...”

Lão Thọt trở mình bực bội trên võng, đầu nghiêng về một phía, mắt nhắm hờ. Cặp kính trắng trễ xuống sống mũi. Một lát sau, lão cất tiếng ngáy. Nước bọt tuôn ra, đọng trắng cả một bên mép. Khuôn mặt lão khi ngủ, trông hiền lành đến bình thản.

Ông khách ngồi như đóng đinh xuống ghế. Bà già cũng thôi không nói nữa. Bà ngồi, đưa mắt ngó hoang hoải vào vạt nắng trước cửa. Trời đang là buổi trưa. Hơi nóng hắt xuống tấm vải bạt, hầm hập.

Chiếc Tivi nhỏ đặt trên cái tủ gỗ ọp ẹp kê sát vách đang chiếu cảnh Hội phụ nữ thành phố tổ chức đón Kiều bào về quê ăn Tết ở phi trường. Người ta tặng hoa, ôm hôn nhau với ít nhiều nước mắt. Cảnh diễn giống như đang trích đoạn trong một vở bi hài kịch nhiều chương hồi. Đằng sau những nụ cười gượng ép, mấy cái bắt tay thân tình giả tạo, đôi lời chúc tụng hào nhoáng, không ai hiểu được bên trong chất chứa bao nhiêu nỗi xót xa, cay đắng bằng lão Thọt. Có điều, vai diễn của ông khách mới bắt đầu, trong khi phần tuồng của lão đã hết từ lâu.

Ông khách dường như không ngăn được nỗi cảm khái đang dâng lên trong lòng, chợt thở dài. Ngồi một lúc, ông bỗng móc ví lấy ra một xấp tiền, đặt vào tay bà già.

“Hôm nào rảnh, thiếm bảo chú đi bác sĩ khám cái chân.”

Nói xong, ông mang túi xách lên vai, bước đi như chạy về phía chiếc xe buýt vừa dừng lại trước mặt quán. Loáng mắt, chiếc xe cùng ông khách mất hút sau một khúc quanh giữa đoạn đường đèo.

Mặt trời ngã dần về tây. Nắng chiều trải vàng vọt lên táng lá rừng. Bóng núi đổ dài, in hình xuống đáy biển sâu. Phía xa kia, cảng Vũng Rô nằm ngửa mặt giữa ráng chiều, như ôm cả tháng năm thăng trầm vào lòng. Chỉ còn lại tiếng sóng lao xao, cứ từng lớp nối đuôi nhau vỗ mệt mỏi vào bờ cát.

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
28/06/201320:05:35
Khách
Thân phận của người di tản không chỉ mang nỗi buồn sống ở đất khách quê người, mà mỗi chúng ta còn phải chịu nỗi day dứt khi trở về làm người khách trên quê hương của chính mình. Ý tưởng, nhân vật, cách hành văn đều nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Cảm ơn tác giả đã cho đọc một câu chuyện thật hay.
27/06/201301:25:29
Khách
Ðời lên voi xuống chó. Khi thì nắm quyền sinh tử trong tay, lúc thì lê lết cái thân tật nguyền tội lỗi. Rồi thì cũng phải theo vận hành nhân quả. Có phải ý tác giả muốn nói đến cái chủ nghĩa cộng sản cà thọt rồi cũng sẽ đến ngày hạ tuồng.
25/06/201319:37:13
Khách
Câu chuyện nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Bên này hay bên kia chẳng qua cũng đều là nạn nhân của một chủ nghĩa, một chính quyền tồi tệ. Ngậm ngùi cho đất nước và con người. Cảm ơn tác giả vẽ bối cảnh thời vượt biên, tâm trạng người tha hương trước cảnh vật rừng núi quê hương đẹp đến ray rức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,399
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.