Hôm nay,  

Đại Học Yale & Thành Phố New Haven

30/05/201300:00:00(Xem: 207149)
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, 25 năm ở Mỹ, hiện cư ngụ tại Irvine cùng gia đình. Viết Về Nước Mỹ năm thứ 13, ông đã góp 5 bài, gần nhất là “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm”. Sau đây là bài viết thứ sáu.

***

Gia đình chúng tôi chuẩn bị chuyến du hành về miền Đông Bắc từ mấy tháng trước để tham dự ngày lễ tốt nghiệp của cô con gái lớn tại đại học Yale ở New Haven, một tỉnh nhỏ miền duyên hải thuộc tiểu bang Connecticut.

Buổi lễ năm nay 2013 được tổ chức vào mùa xuân, gần cuối tháng 5. Để có vé máy bay rẻ cho vợ chồng và đứa con út, chúng tôi phải đặt chỗ trước và chấp nhận đổi tầu ở hai, ba phi cảng. Khởi hành buổi tối từ John Wayne Airport đến San Francisco và Cleveland Hopkins, cuối cùng chiếc Boeing 717 đáp xuống phi trường Bradley vào sáng sớm hôm sau. Mệt mỏi nhưng gặp nhau mừng tủi... Nhìn nét mặt cô con gái tươi sáng đón chờ ngày trọng đại sau bao năm đèn sách làm tôi hớn hở vui lây! Ôm con bằng hai tay và cả tấm lòng, ngước nhìn bầu trời xanh của thành phố Hartford vừa qua cơn mưa, tôi thầm biết ơn có những may mắn đến trong đời như hôm nay mà khả năng con người khó đoán biết trước...

Chúng tôi theo xa lộ 91 xuôi Nam, băng ngang Hartford, thủ đô của Connecticut và đến New Haven sau 40 phút lái xe. Mấy năm trước, lần đầu tiên viếng nơi này vào một chiều mùa thu lá vàng và đây là lần thứ hai chúng tôi ghé tiểu bang. Xe cộ di chuyển thưa thớt hơn miền Tây Cali nên ít thấy đình trệ, vừa lái vừa nhìn cảnh vật chung quanh mướt một mầu xanh, có lẽ vì mưa nhiều nên cây cối hai bên đường tươi tốt. Khí hậu mát và buổi sáng ở đây, dù ngày đầu tuần tấp nập mọi sinh hoạt mà thành phố vẫn thấy vắng vẻ, không khí ảm đạm lạ thường!

New Haven nằm giữa hai tỉnh lớn, Boston về hướng Bắc và New York ở phương Nam. Xa lộ 95 đi đến New York hay Boston đều được cả. Viếng thăm Connecticut, du khách biết đến New Haven là do đại học Yale, có thể nói 1/2 trung tâm của tỉnh trực thuộc ngôi trường này và còn đang tiếp tục xây cất bành trướng về phía Bắc và Tây Nam. Thành phố nhỏ, ví như Pleiku của đất nước mình “đi dăm phút đã về chốn cũ” và cũng có nhiều điều “để nhớ để quên” kể lại...

Đặc biệt vào mùa hè năm nay, hàng chục tỉ con ve sầu mắt đỏ Magicicadas trưởng thành sau 17 năm ngủ yên dưới lòng đất, đào hầm chui lên mỗi đêm để “ca hát” kiếm bạn tình. Những con ve đực sử dụng âm thanh nhằm quyến rũ “người yêu” trong lúc ve cái rung cánh đáp lời mời tạo nên cảnh huyên náo toàn khu vực miền Đông nước Mỹ. Tiếng ve râm ran ở những nơi mật độ đông đúc có thể át cả tiếng phi cơ đang bay trên đầu. Kiếp sống của ve sầu trên khắp thế giới kể cả ở Việt Nam chỉ kéo dài một năm nhưng ve Magicicadas sinh trưởng từ Bắc Carolina tới Connecticut là trường hợp cá biệt theo chu kỳ dài tới 13 hay 17 năm. Đến nay, con người vẫn chưa hiểu rõ căn nguyên vì đâu ve sầu biết đếm đúng 17 năm để tất cả cùng đào lỗ bò lên cây giao phối vào mùa hò hẹn? Dịp may này hiếm có, tôi ước mong được nghe lại tiếng ve sầu để nhớ mùa thi năm nào... những buổi trưa hè ngồi ôn bài dưới bóng cây trong vườn Tao Đàn. Kỷ niệm ấy nay đã xa rồi nhưng tiếng ve kêu than hẳn vẫn còn đó trên quê hương! Ngày hè nỉ non thay cho nỗi sầu khổ của người dân nước tôi hiện nay.

Khung trời đại học Yale là linh hồn của New Haven vì tất cả hoạt động của thành phố như siêu thị, nhà hàng, khách sạn, tiệm sách hay quán nước... thường chỉ nhằm phục vụ cho cư dân liên hệ đến trường ốc: cơ quan hành chánh, nhân viên quản trị, giáo sư, sinh viên trường Yale và dĩ nhiên du khách viếng thăm.

Sơ lược lịch sử đại học này là vào năm 1718, Elihu Yale một thương gia ở Boston, chủ tịch công ty xuất nhập cảng British East India và cũng là Thống Đốc một vùng thuộc địa của người Anh bên Ấn Độ đã tặng ngôi trường cũ Collegiate School 9 kiện hàng quý giá tương đương với một gia tài kếch xù, hơn 417 quyển sách và một bức chân dung Hoàng Đế nước Anh George 1. Để cảm ơn lòng hảo tâm và hy vọng được hưởng thêm phúc lợi nên trường đổi tên thành Yale University nhưng tiếc thay, ông Elihu đi về Ấn chuyến cuối cùng sau đó và không bao giờ thấy trở lại Boston nữa.

Yale và Harvard là hai đại học luôn ganh đua nhau trong suốt thời gian thành lập về mọi phương diện văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thể thao... Yale có ngân sách hàng năm là 19 tỉ USD đứng thứ nhì trong tất cả các cơ sở giáo dục trên quả địa cầu. Trường có 24 thư viện chứa 12.5 triệu quyển sách là một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Cho đến nay, Đại học Yale đã dành được 49 giải Nobel, đào tạo 5 Tổng Thống Mỹ, 19 Thẩm Phán Tòa Án tối cao và một số lãnh đạo các nước khác. Năm vị Tổng Thống đó là William Taft, Gerald Ford, George H. W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush. Cựu ngoại trưởng Hillary R. Clinton cũng là sinh viên luật khoa ở Yale vào đầu thập niên 70.

Chúng tôi đi khắp New Haven, khi thì xe, lúc tản bộ. Lịch sử thành phố này có một quá trình khá gian nan... Khởi đầu từ tháng 4 năm 1638, một nhóm 500 người Puritains theo đạo “nguyên thủy” chống chính quyền Anh đến đây định cư mua đất của dân da đỏ, họ đổi tên cũ Quinnipiac thành New Haven, có nghĩa là “Tân Cảng”. Tuyên bố ly khai với Connecticut Colony lúc đó còn là thuộc địa của Hoàng gia Anh, họ truyền bá đạo “nguyên thủy” và tự đặt tên “New Haven Colony” cho miền đất mới. Khi chiến tranh đòi độc lập ở miền Đông Bắc bùng nổ thì người Anh chiếm giữ New Haven, rất may thành phố không bị thiệt hại nhiều nên những nhà thờ cổ kính bây giờ được dùng làm giảng đường của đại học Yale.

Người Puritains xây thành phố này theo kiến trúc riêng biệt: Một mảnh đất vuông ở giữa rồi 8 con đường bao quanh, mỗi phía 2 đường song song. Công trình ấy ngày nay vẫn tồn tại, tâm điểm New Haven là miếng đất rộng trồng cỏ xanh có tên gọi “New Haven Green”, phía Tây gồm nhiều giảng đường Đại Học Yale, phía Nam là nơi buôn bán, phía Đông có City Hall, Federal Court, phía Bắc tọa lạc tòa nhà Supreme Court, Public Library và Yale Music School. Thiết kế đô thị này được xem như một khai phá mới lạ thực hiện lần đầu tiên trên đất Mỹ mà nhiều thành phố sau này rập theo khuôn mẫu chẳng hạn ở ngay Little Saigon của chúng ta có “Mile Square Park” thuộc Fountain Valley City.

Vì là miền đất cổ hàng thế kỷ nên New Haven có nhiều di tích và viện bảo tàng giá trị như Yale University Art Gallery, Connecticut Art Trail, New Haven Museum... nhất là Peabody Museum of Natural History trên đại lộ Whitney. Viện trưng bầy những bộ xương khủng long vĩ đại rất ngoạn mục cho học sinh và du khách thưởng lãm học hỏi. Tôi nhận thấy có cả chiếc bình Đông Sơn của nước mình ở đây ghi chú nguyên văn như sau: “Vessel with Two Handles” Dong Son Viet Nam, 300 – 100 B.C.E.

Ngoài nhà thờ, trường học, bảo tàng, thư viện, công viên với những cây cổ thụ già hơn trăm năm, chúng tôi bàng hoàng khi chợt thấy nhiều nghĩa trang nằm sát phố xá buôn bán và nhà ở. Cư dân sống bên cạnh người chết không sợ hãi mà ngược lại muốn gần gũi mồ mả để dễ dàng chăm sóc, tu bổ hàng tháng như những khu bảo tàng nghệ thuật. Dân chúng hay du khách tự do vào thăm viếng theo giờ giấc qui định.

Nếu nói New Haven là thành phố của văn hóa và nghĩa địa thì cũng không ngoa bởi vì ngoài đại học Yale danh tiếng, khắp các nẻo đường từ trung tâm ra đến ngoại ô, chỗ nào cũng có bãi tha ma... Nửa khuya thức giấc, nhìn qua cửa sổ thấy không gian âm u, kinh sợ nhất là những đêm mưa, gió rít từng cơn qua khe lá như gọi hồn về trong các truyện ma của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Tự hỏi tháng 11 mùa Halloween nơi đây hẳn là miền đất lý tưởng cho bóng ma xuất nhập cõi trần? Nhiều nghĩa địa kể không sao hết tỉ dụ vài nơi như: Grove St Cemetery, Evergreen, St Bernard, St Lawrence, Beaverdale Memorial Park... Thực tế, chúng tôi thấy du khách đến thăm trường chẳng thể nào quên viếng vài nghĩa trang, nơi chôn cất những tên tuổi đã gắn bó cuộc đời với thành phố New Haven và đại học Yale.
0_2_
Ngôi mộ và bia mộ của Cố giáo sư Huỳnh Sanh Thông ở Grove St Cemetery New Haven.
Như hoạch định sẵn trong chương trình, giữa trưa có nắng hanh vàng, chúng tôi được con gái dắt đi bộ từ nhà đến thăm Grove St Cemetery tọa lạc ngay trung tâm. Chưa quen nên lòng tôi bồi hồi khi bước vào xem những nấm mồ được chôn cất đã 2, 3 thế kỷ trước. Nơi đây, vẻ u buồn nặng chĩu... man mác câu thơ Hàn Mạc Tử “sương khói mờ nhân ảnh”, cảnh thôn Vĩ Dạ “bóng ai thấp thoáng nhìn không ra” lại diễn tả đúng nhất không gian hoang liêu cô tịch này! Từng ngôi mộ bạc trắng mầu thời gian, cao thấp im lìm dưới những hàng cây vừa ươm lá non nói lên tính vô thường cố hữu của đời người. Tiếc thương lắng đọng khi lạc vào cõi âm, chúng tôi đi từng bước nhẹ để nghe tâm hồn tan loãng giữa vùng đất hoang vu, âm dương thật khó diễn tả!

Ngay cạnh cổng vào là nơi an nghỉ của Dr Cortlandt Creed MD 1857, vị bác sĩ da đen đầu tiên tốt nghiệp Ivy League Yale Medical School. Tò mò tôi tự hỏi cuộc đời của ông gian nan cỡ nào ở giữa thế kỷ thứ 18? Thời đại kỳ thị chủng tộc gay go nhất lịch sử nhân loại. Chắc hẳn tiểu sử của ông phải là một “Superman” khó định nghĩa...

Tiếp tục thơ thẩn trên con đường đá sỏi, bỗng nhiên giữa không gian thanh vắng, con gái tôi bàng hoàng cất tiếng:

- Bố ơi! Có người Việt Nam...

Quả nhiên, khi quay lại nhìn, tôi thấy tấm bia khắc tên họ “HUỲNH” thật to. Ngỡ ngàng không tin vào mắt nhìn... Vô tình tôi đứng trước ngôi mộ chôn cất nhà ngôn ngữ học tài ba của nước Việt mà không hay!

Giáo sư Huỳnh Sanh Thông dậy Việt ngữ ở trường Yale từ năm 1957, từng làm giám đốc “Yale Southeast Asian Refugee Project”. Ông là dịch giả danh tiếng, tiền phong trong việc phổ biến văn chương Việt Nam đến với văn học thế giới như đại tác phẩm “The Tale Of Kiều” và bản dịch tiếng Anh tập thơ “Hoa Địa Ngục” của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện: “Flowers From Hell” đã đoạt giải quốc tế ở Rotterdam 1985. Ngoài ra, ông là người sáng lập bộ sách Lạc Việt nội dung có nhiều bài biên khảo lẫn dịch thuật giá trị như hai tác phẩm lớn cận đại của Việt Nam là Chinh Phụ Ngâm và Lục Súc Tranh Công. Bên cạnh đó, ông còn làm chủ bút của Councils Viet Nam Forum, tạp chí chuyên nghiên cứu văn hóa và văn học Việt Nam in ra 3 thứ tiếng: Việt Anh Pháp do Yale Council xuất bản.


Giới nghiên cứu văn chương đánh giá cao sự đóng góp của giáo sư Huỳnh Sanh Thông qua hai giải thưởng: Harry J. Brenda Prize 1981 và MacArthur “Genius” Award 1987. Ông qua đời ngày 17 tháng 11 năm 2008 vì bệnh tim, nằm yên nghỉ nơi đây giữa những hàng chữ tiếc thương của bà Vân Yến, vợ ông và ba người con đã trưởng thành.

Trong một cuộc phỏng vấn, có câu hỏi về thân thế gia đình, giáo sư Thông đã tâm tình với tất cả yêu thương và nể trọng đối với bà Vân Yến. Theo lời ông kể, người vợ bên ông là một người đàn bà mẫu mực, cần kiệm, biết lo toan chu đáo cuộc sống của chồng con... Bà Vân Yến từng là quản thủ thư viện Yale Sterling gần 40 năm. Bà cũng là một nghệ sĩ, yêu thích nghệ thuật. Bà học nhạc ở Minnesota lúc mới gặp ông... Chính tiếng dương cầm đã là nguyên cớ sơ khởi để ông mạnh dạn tán tỉnh và chiếm được cảm tình của “người trong mộng”. Lần nói chuyện ấy, ông cũng thản nhiên đề cao hạnh phúc vợ chồng bằng một câu nói tuyệt vời: “Hôn nhân của chúng tôi tuyệt vời hết mức có thể...”

Đứng trước ngôi mộ của một thiên tài với những thành quả văn chương mà thế giới ngưỡng mộ, dù ông đã mồ yên mả đẹp nhưng tôi vẫn chạnh lòng tự hỏi vào mùa đông lạnh giá khi tuyết trắng phủ lấp nơi này, ông có nhớ Hóc Môn và ước muốn quay về nơi “chôn nhau cắt rốn”, miền đất xưa nắng ráo? Có lẽ bây giờ rảnh rang, ông sẽ thanh thản chu du cả hai nơi vì ở New Haven, vẫn còn hình bóng người vợ thương yêu và gia đình các con ông.

Tôi để ý trong nghĩa trang rộng bao la có giàn hoa giấy duy nhất, đỏ rực nơi ông nằm... Lẽ nào nó được trồng để ông thấy cảnh đẹp và chút hương thơm giản dị quê nhà như một đời ông đã sống? Đó cũng là dấu tích cho ai có dịp vào thăm, tìm ra mộ giáo sư Huỳnh Sanh Thông dễ dàng bên cạnh chùm hoa “bougainvillier” mầu máu đỏ, một người Việt Nam ưu tú đáng kính đã yên nghỉ nơi này. Ngậm ngùi với phút mặc niệm trước mộ, tôi để hồn nhớ về ông rồi miên man lại nghĩ đến thân phận của mình mai sau...

Bóng ma quá khứ ở nghĩa địa dập dìu với bóng ma ngày nay khi ngồi ở quán cà phê Starbuck góc đường Church và Chapel đối diện với bãi cỏ New Haven Green! Tôi thấy nhiều người Mỹ da đen già khập khễnh bước đi bên cạnh những người trẻ thất nghiệp hay lười biếng, uể oải nằm dài trên ghế đá công viên nhìn trời suy tư như đang hồi tưởng về quá khứ không mấy vàng son của cha ông họ. Hình ảnh một dĩ vãng đen tối năm xưa còn lưu lại nơi đây? Cảnh tượng buồn bã này gợi lại trong tôi câu chuyện di dân của người Phi châu với chế độ nô lệ bạo tàn ở những thế kỷ trước.
cimg2362_resized
Bình Đông Sơn (Viet Nam 300 - 100 B.C.E) ở Peabody Museum.
Đến thăm New Haven, du khách gặp rất đông cư dân da đen bởi vì công việc ở đây từ chợ búa, nhà hàng, nhà băng đến các cơ quan hành chánh... đa số đều đảm trách bởi người Mỹ da đen. Nhiều dẫy phố, họ đứng ngồi cười đùa từng nhóm trước cửa nhà, không quen sẽ thấy bất an khi lạc vào vài khu Downtown. Nhà cửa cũ kỹ và nếu khu vực có người da đen cư ngụ thì phần nhiều không được bảo trì hoàn hảo. Dân chúng thường nghe còi hụ của xe cứu thương hay cảnh sát, chi tiết đó cũng nói lên phần nào vấn đề an ninh ở New Haven.

Thành phố cổ nên đường xá nhỏ, khi xưa cho ngựa chạy vì thế ở trung tâm có nhiều đường một chiều. Nhà thờ với tháp chuông rải rác khắp nơi và đó là di tích của người Puritains để lại từ thế kỷ thứ 16. Ngày nay, đại học Yale sửa lại khang trang bên trong dùng làm giảng đường hay thư viện nhưng bề ngoài vẫn giữ hình dạng tu viện nguyên thủy. Kiến trúc cổ xây cất bằng đá đẽo, mài dũa được duy trì làm nổi bật lên mầu vàng nâu thiên nhiên quý phái. Tất cả vẫn hiện hữu, giữ mãi vẻ hoàn mỹ như thách đố với thời gian... Đến thăm New Haven mới thấy sức mạnh của tôn giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến lịch sử loài người từ cổ chí kim nhưng tôn giáo có mang lại hòa bình hạnh phúc cho thế giới không? Ấy vẫn còn là câu hỏi cần phân tích để trả lời hơn thiệt!

Khuôn viên đại học Yale rất đẹp, cái đẹp cổ kính trăm năm xưa, chưa kể những khuôn mặt tươi sáng của các nam nữ sinh viên đến từ khắp tiểu bang. Nếu tin vào câu “God Bless America” cũng chẳng sai khi thấy những người trẻ vui tươi học hành trong nhiều điều kiện tối ưu ở đây.

Bài hát “Trả lại Em yêu” năm nào, tôi nhớ có câu: “Khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát...” cũng rất thích hợp với không gian nơi này. Những con đường nhỏ có tàng cây xanh che ánh mặt trời ngày nắng đẹp chẳng khác gì con đường Duy Tân trường luật thuở xưa! Thỉnh thoảng gặp đôi sinh viên tình nhân, tay trong tay ôm nhau lả lướt ngược con đường tôi đi, không hiểu sao tôi hay quay đầu nhìn theo họ? Có lẽ để nhớ lại một thời vang bóng đã xa lâu rồi...

Ngày lễ ra trường diễn ra ở “Shubert Theater” trên đường College trong không khí tưng bừng của các nam nữ sinh viên cùng gia đình và bạn bè thân thuộc. Văng vẳng còn nghe đâu đây tiếng cười hò hét ròn tan mỗi khi ban giáo huấn đọc tên một sinh viên lên nhận bằng tốt nghiệp. Chúng tôi cũng cảm thấy hân hoan như chính mình vừa đỗ đạt, thành công với bổn phận... Chẳng có niềm vui nào lớn hơn sự phấn khởi và hãnh diện của cha mẹ khi chứng kiến ngày thành đạt ấy như bước đầu để con mình trở nên người hữu dụng mai sau.

Sau ngày “lịch sử” là tiệc ăn mừng! Con gái đãi ngộ gia đình nhiệt tình vì mọi người đã bỏ nhà cửa, việc làm và thời giờ đến đây tham dự trong suốt một tuần lễ. Buổi trưa, chúng tôi được dắt đến “Louis Lunch” trên đường Crown mệnh danh “The Birthplace of the Hamburger Sandwich” để thưởng thức món thịt bầm nguyên thủy từ năm 1895. Quán ăn này có gốc gác khá ngộ nghĩnh mà chúng ta có thể tìm đọc trên Wikipedia. Hiện nay dân chúng tò mò, ưa thích vẫn đông và đặc biệt chỉ mở mỗi ngày đúng 2, 3 tiếng giờ trưa rồi chủ tiệm đóng cửa đi chơi...

Chiều tối, chúng tôi đến ăn tại “Frank Pepe Pizzeria Napoletana” đường Wooster. Nhà hàng này cũng có lịch sử rất dài, mở cửa phục vụ từ năm 1925, Frank Pepe chủ nhân gốc Ý qua đời đã 44 năm nay thế mà thực khách lúc nào cũng phải xếp hàng chờ đợi một hai tiếng mới đến lượt mình. Restaurant chỉ bán Pizza chuyên loại “Neapolitan style thin crust”. Món ăn chín tới từ lò đốt, đậm đà hương vị rất ngon nhất là có thêm ly Sam Adams Boston “draft” bia lạnh đi chung với “white clam pizza” nóng thì tuyệt! Nghe nói ông Bill và bà Hillary Clinton khi còn là sinh viên ở Yale vẫn thường đến đây ngồi bên nhau du dương ăn uống. Con gái tôi nếu mai này rời New Haven chắc sẽ nhớ tiệm “Frank Pepe Pizza” hơn tất cả mọi nơi.
cimg2057_1__resized
Tác giả cạnh sọ Tyrannosaurus ở Peabody Museum New Haven.
Hôm sau, trời nắng đẹp, chúng tôi lái xe đi thăm “Old Mystic Village” rồi ăn cá biển tại nhà hàng sang trọng “S&P Oyster Co.” nằm ngay bên bờ sông Mystic. Sau cùng, đi bộ qua “Mystic River Drawbridge” để chụp hình ở tiệm “Mystic Pizza” nơi mà Julia Roberts đã đóng cuốn phim “Mystic Pizza” cùng tên vào năm 1988. Một ngày vui thân ái đầy đủ ý nghĩa gia đình sẽ khó quên trong lòng mọi người thân yêu của tôi.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn! Chúng tôi ôm con gái từ giã, lên đường trở về Cali. Giây phút ấy, tôi chợt nghĩ đến loài ve sầu Magicicadas, 17 năm ngủ yên dưới lòng đất, ngoi lên tìm bạn đời qua tiếng hát để ân ái rồi chết... Con người sống khoảng thời gian 17 năm cũng trưởng thành! Chỉ khác là sau thời gian học hành cam go, tốt nghiệp ngành chuyên môn, tìm bạn xong là thực sự bắt đầu lao vào cuộc sống mới như trường hợp con gái tôi bây giờ...

Liên quan đến loài ve nên ngồi ôn lại câu chuyện ngụ ngôn “Con ve và cái kiến” của La Fontaine năm xưa đã kết án “ve sầu” không biết lo xa như “cái kiến”, đêm ngày chỉ ca hát vẩn vơ nên mùa đông đói rét trở thành kẻ ăn xin. Thực tế, mỗi tác động của ve đều mang sẵn mục đích tỉ dụ âm thanh chói tai nhức óc ấy nhằm thu hút bạn tình đến giao phối hoan lạc chứ có phải để vu vơ “ca hát” giải sầu đâu? Do đó kết luận chuyện đời thường “đúng & sai” vô cùng tương đối... Quy vào một mối vô minh, vô thường!

Thành phố New Haven có nhiều nhân tài được đào tạo từ Đại Học Yale và cũng có cả những nghĩa địa bát ngát để chôn cất họ... Hóa ra đời người cũng ngắn ngủi chẳng khác gì kiếp ve! Trau dồi trí tuệ hơn nửa thời gian cuộc đời rồi cuối cùng nhân tài cũng nằm xuống và để gió cuốn đi... Cuộc sống quả tình kỳ bí và mọi vật tuy có khác biệt về hình thức hay nội dung cũng cùng chung một vòng chuyển hóa! Đó là cách con Tạo... tạo dựng nên sự sống muôn loài.

Ngồi trong máy bay, trời mưa tầm tã bên ngoài, bỗng nhiên sực nhớ lời bình luận của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: “Thế hệ Y, lớp người ra đời từ năm 1982 đến 2004 là thế hệ thanh thiếu niên có thể đang bị hy sinh... mà không biết!”. Bàng hoàng nghĩ đến tất cả các con tôi sinh ra cùng thế hệ “Y” mà chớm thấy nỗi buồn theo cơn mưa nhập vào tâm mình lúc nào không hay... mặc dù đã biết bổn phận của chúng tôi nhẹ bớt gánh lo âu kể từ chuyến đi này.

New Haven là một thành phố văn hóa, mọi người mơ ước đến đây trau dồi kiến thức nhưng rất ít người chọn ở lại nếu không trở thành giáo sư. Họ đến học, xong rồi đi, không vương vấn... Mưa vẫn rả rích trên phi trường Bradley! Trong lúc chờ đợi bay trên các tầng mây, chẳng biết làm gì tôi hay thả hồn về những giây phút đáng nhớ vừa qua... Kỷ niệm làm tôi mỉm cười là cuộc đối thoại khi con gái tôi hỏi trước giờ chia tay:

- Bố có nghĩ sẽ trở lại New Haven một lần khác nữa không?

- Con ơi! Làm sao biết được? Không chừng khi cháu ngoại mà được nhập học ở đây và lúc đó liệu Bố Mẹ tuổi cao có còn sống?

- Hừ! “Que sera... sera”. Khó nói quá Bố nhỉ?

- Bởi vì thành đạt nào cũng phải có phần may mắn mà điều ấy thì khả năng con người không thể đoán trước được... Nhiều khi phải hẹn kiếp sau mà chờ kiếp sau thì chẳng biết có còn gặp lại nhau?

- Thôi thì vui lấy niềm vui kiếp này vì không vui cũng sẽ mất một đời!

Cao Đắc Vinh

Ý kiến bạn đọc
11/06/201303:55:45
Khách
Kính anh Cao Đắc Vinh
Cám ơn anh đã hồi âm.Tôi cũng vội vàng phúc đáp nhưng bấm nút gửi bài mà thư tôi biến mất.Tôi không rành vi tính lắm.Nếu anh nhận hai thư của tôi với cùng nội dung thì mong anh thông cảm nhé.Rất cám ơn anh đã cho biết thế hệ Y đang bị hy sinh...và cũng xin lỗi anh tôi đã ghi sai thơ Hàn Mặc Tử: "Áo em " mà tôi ghi "áo ai" .Anh đoán đúng tôi thích văn chương nhưng không có khả năng viết gì được và nay đã gần 70 tuổi ...bộ nhớ yếu hẳn đi...Mong được đọc những bài đậm tình quê hương của anh. Chúc anh vui khoẻ.
08/06/201315:15:52
Khách
Kính thưa Quý Báo,
Trong lúc viếng thăm nghĩa trang Grove St ở New Heaven, thực tế tâm hồn tôi đã giao động mạnh bởi không gian và cảng tượng nên vô tình cảm hứng đã bị ảnh hưởng mà viết nên câu thơ Hàn Mặc Tử sai lạc: "bóng ai thấp thoáng nhìn không ra" như nhìn thấy trước mắt chập chờn hình ảnh của cõi âm! Nếu bài viết này sẽ được đăng trong tập sách VVNM 2013, kính xin Quý báo lưu ý sửa lại thành: "Áo em trắng quá nhìn không ra" để mọi điều được thông qua minh bạch. Cũng kính xin Quý độc giả tha thứ cho đôi điều sai trái này... Cao Đắc Vinh
07/06/201305:04:32
Khách
Kính anh Vo Van Boi,
Vô cùng biết ơn anh đã cho tôi thấy lỗi lầm! Bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử" Đây Thôn Vĩ Dạ" (1938) có những vần thơ như anh nhận xét:"Áo em trắng quá nhìn không ra, ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà?" Không hiểu sao tôi lại thản nhiên viết ra những vần thơ lệch lạc như thế? Dù có nêu bất cứ lý do nào, tôi cũng đáng trách vì đã trích thơ của một thi sĩ dân tộc mà viết sai cả vần lẫn ý! Anh Boi phải là người yêu quý văn chương thi phú lắm mới để tâm nhận xét kỹ càng... Tôi xin ghi nhận lời góp ý đúng của anh. Về câu hỏi "Thế Hệ Y đang bị hy sinh... mà không biết" xin anh vào Vietbao online rồi tìm bài "Xấc Bấc Xang Bang Trong Tiếng Cười" của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa đăng ngày 12/22/2012.
Kính chúc anh mọi điều may mắn và một lần nữa thành thật biết ơn sự giúp đỡ của anh.
07/06/201304:26:21
Khách
Kính thưa Bà Duong Tran,
Cảm ơn Bà đã đọc bài viết "Đ.h.Yale & T.p.N.Haven" và chắc đã cảm nhận được nỗi băn khoăn của tôi về cuộc đời khi đang bước vào tuổi già nên Bà giới thiệu "The Book of Ecclesiastes" của King Salomon.
Quả tình, tôi chưa bao giờ nghe nói đến cuốn sách này. Hôm nay, do sự chỉ dẫn của Bà, tôi đã lần mò vào internet tìm đọc "Ecclesíastes introduction" của Pastor David Reagan và "Is Life really worth Living?" của Chuck Missler. Mọi điều tuy cũ nhưng hoàn toàn mới lạ đối với tôi và dĩ nhiên cần nhiều thời gian để học hỏi và tìm hiểu. Thành thật cảm ơn Bà đã chia sẻ... Kính chúc Bà những ngày đẹp và vui vẻ ở thành phố New York.
04/06/201305:36:55
Khách
Xin chào tác giả"Đại học Yale & Thành Phố New Haven".Tôi rất thích bài viết này của anh...nhưng xin góp ý khi anh trích thơ Hàn Mặc Tử"bóng ai thấp thoáng nhìn không ra" thì theo tôi nguyên văn là"áo ai trắng quá nhìn không ra"...Tôi cũng không hiểu "Thế hệ Y...đang bị hy sinh...mà không biết" tại sao như vậy.Mong những lời này không phiền anh.Chúc anh vẫn viết đều tay.
31/05/201317:45:02
Khách
Cam khai khi doc bai viet ve DH Yale va thanh pho New Heaven ben canh cho o cua toi la New York,nhat la duoc biet ong va gia dinh da lan loi den New Heaven qua mot doan duong rat dai tu Mien Tay la San Francisco Mong duoc gioi thieu ong cuon sach cua vua Salomon ten la Ecclesiastes rat y nghia ve cuoc doi. Than men va mong duoc hoi am cua ong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,955
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.