Hôm nay,  

Chuyện Ngặt Có Thật

26/05/201300:00:00(Xem: 182875)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012 với bài "Cô Em Cùng Dòng Khác Họ," kể về người con gái vị thuyền trưởng Đại Hàn từng cứu mạng các thuyền nhân Việt trên Biển Đông và là khách danh dự tại Little Saigon. Cô sinh tại Việt Nam năm 1975, định cư tại Hoa Kỳ từ 1994 khi đã 19 tuổi. Tốt nghiệp cao học hai ngành Lịch Sử Truyền Khẩu & Cộng Đồng tại CSUF. và Nhân Chủng Học tại Đại học Stanford, hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ và tham gia nhiều sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Trangđài Glassey-Trầnguyễn cũng là một nhà thơ, có ba tập thơ song ngữ Anh-Việt đã xuất bản. Sau đây là bài viết mới nhất.

Thời còn sinh viên, tôi khá bụi đời. Đó là Trangđài của thập niên 1990s. Bụi đời ở đây không theo nghĩa đi lung tung lang tang, mà theo nghĩa 'sống bình dân' vì hoàn cảnh bắt buộc. Tùy cơ ứng biến, tính năng thích nghi cao. Thập niên 1990s. là cái khoảng 'vạn sự khởi đầu nan' của tôi ở Hoa Kỳ. Nhiều cái 'nan' ngẫu nhiên, nhưng cũng có những cái 'nan' khá trớ trêu, nhất là những 'sự cố' như ở cuối bài.

Lúc mới chuyển đến Cal State Fullerton, tôi đi làm 3 việc: phụ giáo tại học khu Westminster mỗi buổi sáng, dạy kèm tại Golden West College một số ngày trong tuần, và giúp việc cho một văn phòng tại Cal State Fullerton. Ba công việc nằm ở ba thành phố cách nhau khá xa. Ngoài ra, vì thích học, tôi lấy một lúc bốn ngành, nên có rất ít giờ để ngủ. Tôi là cư dân chính hiệu của thành phố không bao giờ ngủ, Manhattan, tuy tôi sống ở Stanton, California.

Bạn bè cùng học Cal State Fullerton thời đó, gặp lại vẫn 'nhắc' tôi về quá khứ huy hoàng của tôi. Nhất là cái vụ tôi 'mộng du' giữa ban ngày, ngay trên sân trường. Đây là kiểu một người bạn nói khéo về cái chứng thiếu ngủ kinh niên của tôi, nhìn tôi lúc nào cũng thấy như đang buồn ngủ (như gì, là vậy mà!). Thời đó, tôi không bao giờ mất ngủ. Về tới nhà lúc 10 giờ đêm, ăn cơm trong vòng 15 phút, đánh răng rửa mặt xong, là lăn khèo ra ngủ. Ngủ ngon ơi là ngon!

Cho nên thời đó, tôi thật sự không hiểu ở Mỹ, người ta bán thuốc ngủ cho ai. Tới khi bắt đầu 'mất ngủ' vì những lý do khác nhau: xa nhà, viết lách, tham gia sinh hoạt lãnh đạo sinh viên, tổ chức sinh hoạt cộng đồng, yêu... tôi mới biết đá biết vàng. Nhưng tôi cũng cao tay ấn hơn cái chứng mất ngủ. Tôi chỉ cần leo lên giường, kéo mền tới cổ, mở đèn bàn, ôm sách đọc là trong vòng dưới 30 phút, tôi đã dễ dàng chìm vào những cuốn phim đứt đoạn và không có cốt truyện của tiềm thức.

Vậy còn thời thiếu ngủ kinh niên thì sao? Tôi làm gì để trị nó? Có lẽ tôi không phải là sinh viên duy nhất ngủ gà ngủ gật trên ghế thư viện, hay bật ghế trước trong xe ra hết cỡ để làm cái giường tạm thời cho một cơn ngủ trộm trong bãi đậu xe của trường. Nhưng tôi là một người yêu nhạc (e hèm), nên tôi thường vào Thư viện của trường, đường hoàng mượn một CD nhạc cổ điển (giao hưởng không lời, chứ opera thì hỏng!), và vào những thính phòng nhỏ dành riêng cho cá nhân. Tôi mở nhạc lên, vặn đồng hồ báo thức, vừa nghe nhạc vừa... ngủ. Não bộ của chúng ta vẫn làm việc trong lúc chúng ta nghỉ ngơi hay đang ngủ. Coi như tôi 'multi-task,' một công đôi việc. Bí quyết này sớm muộn cũng bị bạn bè phát hiện. Anh chàng 'lắm sự' hay gọi tôi là 'mộng du' giữa ban ngày trên sân trường, nay có thêm chuyện để đàm tiếu về tôi. Anh ta bảo bây giờ, tôi ngủ 'có sì tai' hơn! Kiểu cách gì chứ! Multi-task đấy! Phụ nữ đúng nghĩa mà! Đúng là sinh viên Việt Nam, ở đâu thì cũng 'nhất quỷ, nhì ma,' suốt ngày thích trêu chọc nhau.

Thật ra thì tuy 'cao tay ấn' với chuyện ngủ nghê, nhưng không phải lúc nào tôi cũng 'chế ngự' được chuyện thiếu ngủ và thèm ngủ của mình. Có những lớp đêm, tôi ngồi giương mắt lên, căng óc ra, mà vẫn suýt gục trên bàn. Vậy mà vừa ra khỏi lớp, có lẽ là vì gió đêm mát lạnh, hương hoa thơm ngát sân trường, lại được thở không khí trong lành ngoài trời, nên tôi tỉnh táo hẳn ra, tưởng đâu học thêm cả đêm nữa cũng được tuốt! Chỉ nghặt một nỗi, tôi luôn luôn ngồi bàn đầu để nghe cho rõ, nên lỡ gục một cái thì cả lớp phía sau và giáo sư phía trước đều thấy rõ mồn một. Thôi thì lúc nào lỡ ngủ gục một cái, cũng tốt! Giật mình dậy rồi, sẽ tỉnh táo hơn.

Tôi không thích kiến trúc các lớp học ở Mỹ, chỉ trừ một số trường đại học tư có kiến trúc cổ, vì đa số lớp học không bao giờ có cửa số. Nó làm tôi cảm thấy ngột ngạt và tù túng, bị cắt đứt với thiên nhiên, bó rọ giữa bốn bức tường. Nhưng tôi đang ở Mỹ, nên không thể đòi "ở nhà Tây," tuy chắc chắn có thể "ăn cơm Tàu," và nếu muốn, "lấy chồng Nhật." À, có thể "ở nhà Tây," nếu tôi có khả năng tài chánh. Tài chánh của tôi lúc đó thì xin miễn bàn!

Hiện nay, giới chuyên viên về sức khỏe tại Hoa Kỳ cũng quan tâm đến yếu tố sức khỏe trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, nhất là việc lạm xây tại các đô thị, khiến cho môi trường thiên nhiên bị biến mất trong đời sống thường nhật, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Tại chương trình huấn luyện cho California Endowment Health Journalism Fellowship mà tôi được tham dự vào tháng Hai 2012 tại Đại học USC, rất nhiều diễn giả và nhà hoạt động xã hội cũng như chính trị gia đã nhấn mạnh nhu cầu có 'green zone' (công viên, hay những yếu tố môi trường thiên nhiên khác) trong môi trường sống hằng ngày để giúp phục hồi sức khỏe của người dân Mỹ.

Bây giờ, cho tôi trở lại thời 'mộng du,' ăn mì ly bằng hai ống hút, 'ngủ nhạc' (từ do tôi tự trào). Thời đó tôi chỉ đi bơi một tuần một lần mà vẫn gầy tong teo, eo thon, chân chắc, có lẽ là nhờ chạy marathon liên tục giữa các lớp và ba việc bán thời gian. Đùa cho vui thôi, chứ khi còn sinh viên, ít có ai có thừa năng lượng để mà gọi là tròn trịa, nhất là sinh viên di dân như tôi. Thậm chí, giờ ăn cũng phải tranh thủ. Nếu tôi có lớp từ 1-3:45 chiều và lớp kế từ 4-6:45 tối, thì tôi sẽ phải tranh thủ ăn một chút gì trong giờ chuyển lớp. Đôi khi, tôi phải nhanh chân chạy đi nấu một ly mì, rồi chạy đến lớp sớm, ngồi ăn cho xong trước khi giáo sư và các sinh viên khác đến.

Bây giờ, vì 'khôn ngoan' hơn và không còn long đong làm sinh viên chạy việt dã nữa, tôi không bao giờ dám rờ tới mì gói vì sợ sodium của nó, dù có lúc rất thèm (hương vị ngày xưa chăng?). Ngày trước, mì gói cũng có sodium, nhưng đối với tôi lúc đó, nó là 'xô-đi-ùm,' nó xô tôi đi ùm nó. Chỉ có một lần duy nhất tôi ăn mì sau này, là khi mang thai, với sự đồng lõa của mẹ. Chỉ được một gói. Tôi cũng ý thức về sức khỏe, nhưng... thèm quá, làm sao bây giờ? Ăn một gói thôi nghe! Đừng hòng đòi thêm! Chồng tôi là Bộ Kiểm Duyệt Tối Hậu trong việc ăn uống trong gia đình. Lần có thai, thèm mì gói, tôi thỏ thẻ:

- Anh ơi, mua một gói thôi, em thèm lắm!

Anh đáp gọn hơ:

- Thôi em. Độc lắm! Hại cả mẹ lẫn con! Anh nướng gà cho em ăn.

Thế là tan tành giấc mơ ôm tô mì gói nghi ngút hơi của tôi. Chồng tôi nổi tiếng với món gà này khi anh ở nội trú và tham gia "Eating Club" dành cho sinh viên hậu đại học của trường. Trường có hẳn một căn bếp, với tủ lạnh và phòng lạnh để chứa thực phẩm, và phòng ăn thênh thang. Sinh viên thay nhau nấu ăn, rửa chén, dọn dẹp, nên mỗi bữa đều thịnh sọan, một cỗ năm bảy món, có cả tráng miệng. Bởi vậy, chồng tôi mới ung dung và tự tin đề nghị nướng gà cho tôi. Có thai, thèm mì gói, mà cho ăn gà nướng, thì tréo cẵng ngỗng. Chịu thôi! Nhưng hồi sinh viên, tôi chưa có chồng, nên không có ai cản mỗi lần tôi đến những bồn nước lọc để hứng nước nấu mì ly trong cái microwave ở trường. Khổ nỗi, có bữa quên đem theo muỗng đũa. Mì đã nấu rồi, bụng thì đói, còn 10 phút nữa đến giờ học. Tính sao? May quá, trong balô còn hai cái ống hút. Tôi lẹ làng lôi ra, xé bỏ bao giấy, biến chúng thành đôi đũa dã chiến. Đang ăn thì cũng có một sinh viên cùng lớp đến sớm. Chắc là hôm nay cô ấy đi đường đỡ kẹt xe đây. Tôi chào xã giao rồi tiếp tục tấn công ly mì gói. Thấy cô bạn cứ ngồi nhìn mình hoài, tôi quay sang, nhoẻn miệng cười, hỏi có cần gì không. Cô bạn cùng lớp người Mỹ trợn mắt nhìn tôi:

- Sao bạn ngầu vậy! Tui cầm hai chiếc đũa tre ngon lành, mà còn gắp không được. Bạn dùng hai cái ống hút như vậy mà... ăn tỉnh queo! How the heck do you do it?

Với thời lượng ngắn ngủi trước khi sinh viên tràn vào lớp, và mục tiêu tối hậu là phải ăn cho xong, nếu không sẽ đói, tôi mượn băng reo của Nike xài đỡ:

- Just do it!

Bữa nào không ăn mì ly, thì tôi cũng ăn một thứ khác, 'độc' không kém. Cũng vì tiện lợi. Trường có một khu food court, nhưng ở tuốt đầu bên kia của trường, mà tiệm Carl's Jr. lại nằm gần khu tôi có lớp, nên trong khoảng 15 phút chuyển lớp ngắn ngủi, tôi không thể chạy băng qua khu food court được, vì sẽ trễ lớp. Chọn lựa duy nhất của tôi là nhào vô tiệm Carls Jr., đứng xếp hàng, mua cái hamburger vừa có giá thân thiện với túi tiền của tôi, vừa có serving size thân thiện với bao tử của tôi. Cái hamburger 99 xu của Carl's Jr. là 'cơm bữa' của tôi. Không hiểu sao lúc đó, tôi ăn hoài mà không thấy ngán! Bây giờ, một năm ăn một hai lần là nhiều. Mà ăn chưa hết một cái thì đã thấy dợn rồi! Chắc tại bây giờ có cơ hội ăn cơm Mẹ nấu thường hơn.

Nhưng cái 'bữa cơm' bình dân bụi đời của tôi, vậy mà cũng có người thèm! Một lần, tôi đang vừa nhâm nhi hamburger, vừa ôn lại bài của lớp trước, thì cô bạn Mỹ hay ngồi gần tôi thốt lên:

- Trời ơi, mùi hành tây nướng, thơm quá! Sao mà đói bụng vầy nè!

Nghặt quá! Bạn nói vậy mà không mời, thì cũng thấy áy này. Chắc cô ấy cũng đói bụng, hoặc là cái hamburger tôi đang ăn đã 'kéo cò' làm cho bao tử của bạn tôi... sôi lên. Tôi lúng túng, không biết làm sao, vì mình chỉ mua mỗi một cái. Tôi hay nói chuyện với cô bạn này. Cuối mùa, cô ấy còn viết số điện thoại và địa chỉ trong sổ của tôi để tôi giữ liên lạc. Đó là một kỷ niệm tức cười của chúng tôi. Tôi cũng có nhắc đến chuyện hành tây nướng trong bài phát biểu khi ra trường cử nhân năm 2001.

Tôi tiết kiệm từng chút một cho chi phí bản thân, nhưng không ngần ngại dành student loans của mình để thực hiện dự án Việt Mỹ (Vietnamese American Project). Khi đó, tôi chưa biết gì về việc xin grant hay học bổng để làm nghiên cứu. Khi làm những bài nghiên cứu, tôi không tìm được nhiều sách vở về người Việt tại Mỹ, nhất là tại Quận Cam. Sau mười chín năm sống ở Việt Nam với một lịch sử á khẩu và một quá khứ bị cấm cung, tôi biết là tôi cần phải ghi lại lịch sử cá nhân và kinh nghiệm sống của thế hệ đi trước. Đó là một trách nhiệm tôi tự trao cho mình, nhưng nhiều người đã giúp tôi đã 'mở miệng' cho cái lịch sử á khẩu đó, khi họ nhận lời thực hiện những cuộc phỏng vấn theo phương pháp Lịch sử truyền khẩu với tôi. Sau gần hai mươi năm ở Mỹ, tôi đã phỏng vấn trên 200 người, đa số ở Quận Cam, một số lớn ở Châu Âu, và một số nhỏ hơn ở Úc Châu và Việt Nam.

Sau này, khi đã vào học Cao học, tài chánh của tôi có phần đỡ hơn, vì Dự án đã được Viện trưởng của Đại học Nhân văn & Xã hội học, Tiến sĩ Thomas Klammer, 'phát hiện' và trân trọng. Ông giúp cho tôi một ngân sách khiêm tốn nhưng đều đặn, thông qua cái gọi là 'graduate assistantship,' nghĩa là lương bán thời gian cho sinh viên hậu đại học, một tuần 10 tiếng. Trung Tâm Lịch Sử Truyền Khẩu và Cộng Đồng tại Cal State Fullerton (Center for Oral and Public History, gọi tắt là COPH), dưới sự điều hành của Giám đốc/Tiến sĩ Arthur Hansen, cũng tạo điều kiện cho tôi tham dự những chương trình huấn luyện trong lãnh vực này. Sau vài năm liên tục thực hiện phỏng vấn trong khi vừa hoàn tất bốn chương trình cử nhân và một chương trình cao học, tôi vừa xử lý (đánh máy, hiệu đính, chuyển ngữ, vv) các cuộc phỏng vấn, tổ chức những chương trình kết hợp giữa đại học và cộng đồng, vừa viết bài xuất bản và tham gia những chương trình tranh tài nghiên cứu của trường cũng như của hệ thống CSU trên toàn tiểu bang.

Và đây là một chuyện nghặt nghèo mà tôi chưa bao giờ nói với ai. Cái nghặt không nằm ở việc nghiên cứu. Nó là một việc nhỏ xíu, không ngờ, nhưng xảy đến ở một thời điểm không thuận tiện. Nếu Đạo diễn Hàm Trần 'dám' thú nhận rằng anh đái dầm tới năm tám tuổi khi tôi phỏng vấn anh năm 2011, thì... tôi cũng không nên giấu diếm phút giây tế nhị của mình.

Số là đầu tháng Năm, 2004, tôi đi dự thi cuộc tranh tài nghiên cứu do hệ thống CSU tổ chức cho sinh viên trên toàn tiểu bang. Tôi mời Ba Mẹ và em gái cùng dự buổi tiệc tiếp tân tối hôm trước. Sáng hôm sau, tôi một mình lái xe từ Stanton lên Northridge. Trời ửng sáng, xa lộ còn vắng vẻ, khung cảnh thật thanh bình (tới khi tôi lái xe về nhà thì bị kẹt xe mút mùa). Tôi đi tìm phòng đã được ấn định cho phần trình bày của tôi. Vì còn khoảng gần hai tiếng đồng hồ mới tới phiên mình ứng thí, tôi ra sân trường, ngồi ở một góc vắng để tập lại lần cuối. Sau khi đã an tâm với sự chuẩn bị của mình, tôi vào phòng và nghe các sinh viên khác trình bày nghiên cứu của họ. Thấy ai cũng nói những chuyện 'mainstream,' tôi cũng nghĩ, mình có gì nói nấy, tuy biết là đề tài của mình quá thiểu số, chỉ có mỗi mình mình nói thôi.

Rồi cũng đến lượt tôi. Tôi bình tĩnh mở powerpoint, trình bày từng slide một. Sau đó, các giáo sư trong Ban Giám Khảo từng người một đặt câu hỏi. Một vị hỏi tôi về ý nghĩa của Dự án. Tôi bảo, "Hôm qua là ngày kỷ niệm 19 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc, nhưng đối với tôi, cuộc chiến ấy vẫn chưa kết thúc. Qua công việc nghiên cứu này, tôi muốn ghi lại kinh nghiệm của người dân Việt Nam trong thời chiến, để thế hệ của tôi và những thế hệ sau này có thể thông cảm, biết ơn, và hãnh diện về cha mẹ và những người đi trước."

Được hỏi về những dự án trong tương lai, tôi đã khôi hài, nói rằng, rất may là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ biết tôi túng tiền, nên cho tôi học bổng toàn phần để tháng Chín năm đó, tôi có thể qua Thụy Điển nghiên cứu về đời sống của người Việt tại đây. Nếu không, tôi không thể nào mượn thêm student loans để làm việc này, mà nếu có mượn được, thì sẽ phải trả vốn và lời không biết đến bao giờ mới xong!

Trình bày xong phần mình, tôi ra phòng vệ sinh để lo việc cá nhân. Nhưng lúc đó, cái dây kéo tự nhiên đình công. Tôi có kéo lên hay kéo xuống, nó cũng tỉnh bơ chia đôi vỹ tuyến. Vả lại, cái quần này thuộc loại 'điệu,' nên có zipper giấu, không có nút hay khuy cài ở lưng quần. Tôi đâm hoảng. Biết làm sao bây giờ! Thử đi thử lại cũng vô hiệu. Vốn đã có kinh nghiệm đi may công nghệ trong mấy năm đầu ở Mỹ, tôi thừa biết là cái zipper đã bị hư. Khó xử! Hì hục kéo lên kéo xuống mà cũng không được, tôi bèn mở bảng tên xuống, lấy cây kim tây cài ngang chỗ rốn để giữ cho 'đôi bờ thương nhớ' nằm cùng một chỗ, và kéo bảng tên che phía trước. Dù vậy, tôi vẫn có tật giật mình, nên cầm folder của mình chắn ngay trước bụng, đi đứng một cách dị hợm và lủng củng.

Ngay sau đó là giờ ăn trưa và trao giải, nên tôi không thể bỏ về ngang. Khi đi lại thì phải ôm khư khư cái folder trước bụng. Được ngồi xuống thì may quá, khăn bàn sẽ che cho tôi. Tôi cũng không nghĩ đến việc mình đọat giải, vì chỉ có một giải thôi, làm gì đến tôi, sinh viên thiểu số nói về mảng lịch sử (ở thời điểm ấy) vẫn còn bị bỏ quên! Những thí sinh trong category của tôi (sinh viên cao học, ngành Nhân Văn và Xã Hội Học) đều có những dự án cao vời. Tôi vui vẻ hàn huyên với Ts Sylvia Alva, Giáo sư hướng dẫn cho những sinh viên của Cal State Fullerton tham dự cuộc thi. Cô Sylvia cũng là người tuyển sinh viên thắng giải vòng trường, để chọn đưa đi thi vòng tiểu bang. Đến khi người điều khiển chương trình xướng tên trường tôi, dành cho sinh viên cao học, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì. Cô Sylvia nhìn tôi, cười tươi rói, hồ hởi vỗ tay. Lúc đó, thì tôi đứng tim!

Ôi thôi! Đây là đỉnh cao của cái ngặt. Tôi làm sao che giấu cái zipper đang đình công đây? Không ai vác theo folder khi lên nhận giải quán quân bao giờ! Tôi nhanh tay 'kiểm tra' lại cái kim tây cài ở ngay giữa lưng quần trước bụng và cái bảng tên đỡ đạn, rồi nín thở đứng dậy, tiến về phía trước, chưa kịp hoàn hồn để vui, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để... ngại.

Lom khom lòm khòm mãi rồi tôi cũng lên tới khan đài. Thường thì khi nhận một văn bằng hay giấy khen, tôi cầm bên hông, kiểu ca viên trong các ban hợp xướng cầm sách nhạc khi đi trình diễn. Nhưng trong bao nhiêu tấm hình chụp ngày hôm đó, tôi đều giữ chặt giải quán quân của mình ngay trước bụng. Chưa ai hỏi, mà cũng không ai biết tại sao tôi lại có kiểu cầm đặc biệt như vậy – chỉ trong ngày hôm đó. Sau khi nhận bằng, tôi yên yên tại vị, chờ những quán quân khác được gọi lên. Tôi không cần nhúc nhích, và cũng không dám cử động. Nếu có ai quay video hôm đó, chắc người xem sẽ nhận ra sự 'bất thường' trong cung cách của tôi. Đó là cung cách 'bụi đời' của kẻ được làm quán quân mà ở trong thế ngặt.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Ý kiến bạn đọc
07/06/201311:14:33
Khách
Bài viết quá hay về cuộc sống cuả những người thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết và bản lỉnh.Cũng không kém phần dí dỏm và chất...bụi đời của thời sinh viên.Cám ơn người trẻ tuổi của thế hệ 75.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,208,361
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến