Hôm nay,  

Bão Về

13/05/201300:00:00(Xem: 249896)
Tác giả sinh năm 1981, đến Mỹ năm 2000 theo diện HO. Sau 9 năm định cư tại Mỹ, công việc hiện nay của ông là Property Manager, tại Landover, tiểu bang MD. Ông tham dự viết về nước Mỹ từ 2009. Bài mới kể về đôi vợ chồng già trong cơn bão Sandy đang tàn phá các tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Thấp thoáng trong mưa bão là truyện hai bà mẹ, và tấm lòng của bà vợ với con riêng của chồng.
huu_tai_3
Tác giả Nguyễn Hữu Tài.
1.
Gió thổi mạnh, rít từng cơn giận dữ, đập mạnh vào cửa sổ. Cả building rung lên bần bật trước trận cuồng phong của trời đất. Mưa rớt xuống trần nhà nặng nhọc, cứ ngỡ trời sắp sập tới nơi. Nước lênh láng đầy sân, lóp ngóp lụt. Đèn chớp nhá, phụt tắt, rồi từ từ sáng lại. Cả đời đối diện với hổng biết bao nhiêu cơn bão nhưng nhìn ra ngoài lúc này, dì Ba thấy bủn rủn cả chân tay.

Mọi bữa năm giờ dì mới dậy nấu ăn cho tụi nhỏ dỡ đi làm nhưng bữa nay mới bốn giờ, dì đã dậy, khoác vội tấm áo, bật đèn, ra bếp lui cui nấu bình trà tí nữa dượng dậy uống. Ngủ sao nổi khi ngoài kia cứ như tận thế tới nơi. Ba năm ở Mỹ, dì vẫn giữ thói quen bên nhà, dậy thiệt sớm, dẫu đông hay hè, mưa hay nắng, mặt trời có hay không, cũng giờ đó là trở mình. Đọc báo, nghe đâu người ta bảo cái đồng hồ sinh học nó vậy rồi, ngủ nướng cũng không được nữa.

Nhà vắng tanh, chỉ có ông bà già lủi thủi với nhau, có chuyện gì chắc chết quá. Tối hôm kia trước khi bay qua Cali ăn đám giỗ ba thằng rể, Bé dặn kĩ, nếu có chuyện khẩn cấp phải gọi liền cho nó. Lỡ liên lạc không được thì bấm 911 rồi để yên đó. Không thì hét thiệt to “Viet-nam-mi, Viet-nam-mi” cho người ta biết đường tìm thông dịch hay chạy tới cấp cứu.

2.
Nghe tiếng gõ cửa dồn dập, dì Ba lật đật ra mở.

- Ủa Liễu. Có gì không mà bây lội mưa băng gió qua đây sớm dữ dzị?

- Má con mất rồi dì ơi.

Liễu khóc, nước mưa hòa nước mắt ướt đầm đìa mặt. Dì sửng cả người, không tin vào mắt mình. Phải một lúc sau dì mới ôm lấy Liễu vỗ về, an ủi.

- Vô, vô đi. Ướt như chuột lột rồi kìa Mà chỉ mất khi nào dzị bây?

- Dạ tối hôm qua. Bên nhà điện thoại qua, nói má nằm ngủ, lên cơn đau tim rồi đi luôn.

- Tội nghiệp chỉ quá. Thế bữa nào chôn? Bây có dzìa không?

- Dạ thầy nói ngày mốt tốt. Con thì chắc không về dì à? Tới nơi cũng chẳng nhìn được mặt. Con lấy tiền mua vé gửi về làm đám tang chứ biết sao giờ.

- Bây tính vậy thì tội chỉ. Mà thôi, chuyện nhà bây rành, tao không dám bàn. Ngồi đây, chờ tao chút xíu.

Dì lúp xúp chạy vô phòng, chưa tới một phút dì ra, cầm tờ một trăm đô, dúi vô tay Liễu.

- Cho tao với ổng gửi phúng điếu má bây. Khi nào có dịp về quê, tao ghé thắp chỉ cây nhang cho trọn tình trọn nghĩa.

Dì tiễn Liễu ra tới cửa. Gió thổi mạnh, thiếu điều đẩy dì bạt vô trong.

- Ai mà tới nhà mình sớm dữ vậy?

- Con Liễu. Nó qua báo tin chị Bảy mất tối qua.

- Tội chưa. Chỉ bệnh hoạn gì mà đi đột ngột thế?

- Nó nói chỉ lên cơn đau tim rồi đi luôn. Mới bảy mốt chớ nhiêu....

- Đời giờ sống nay chết mai hổng biết đâu lần. Tụi nó có về chịu tang không?

- Nó nói không về được.

- Con này cũng bậy, nghĩa tử là nghĩa tận mà.

- Chắc nó lo tốn kém. Vé gấp mà, mắc thí bà. Mà thôi, đèn nhà ai nấy rạng, biết tính sao giờ? Ông ăn gì không tui nấu cho ăn?

- Thôi, pha cho tui bình trà uống ấm bụng được rồi.

Dượng Ba ngồi bỏ chân lên sofa, mở tivi nghe tin bão. Dì ngó dượng, dượng ngó dì, thở dài thấy thảm. Những lúc nhà vắng người, hai ông bà cũng ngó nhau hoài nhưng hổng hiểu tại sao bữa nay thấy buồn dữ quá. Chắc tại trời đang bão bùng cộng với cái tin báo tử của chị hàng xóm thuở xưa làm lòng đau dạ xót. Mấy chục năm rồi, từ ngày bỏ xứ đi cũng chưa có dịp gặp lại chỉ. Lúc qua đây mới biết Liễu sống cùng khu chung cư với mình. Đúng là duyên nợ.

Hồi ở bển mỗi khi nghe tin ai mất, mấy đứa con bên Tây bên Mỹ không về, dì trách dữ lắm. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, dù gì chăng nữa cũng phải về chịu tang cho phải lẽ. Chứ sống bên đó giàu sang làm gì mà cái tình nó cạn, cái nghĩa nó mòn. Qua đây mới biết, ai cũng nhớ nhà, nhớ quê nhưng mua cái vé và thủ sẵn ít ngàn đô cầm về đâu phải dễ. Rồi quà cáp cho bà con nữa. Nói gì thì nói, dì cũng muốn chết bên nhà, gần họ hàng, quê hương, xứ sở. Chết ở đây trơ trọi, canh cô mồ quả, lạnh lẽo thí mồ.

3.
Dì vén rèm nhìn ra cửa sổ. Cuối thu, những chiếc lá khô cuối cùng cũng vội lìa cành bởi trận cuồng phong, lềnh bềnh trôi giữa dòng nước chảy tràn như thác đổ. Hồi nãy dì tưởng đâu gió thổi phăng cái trần nhà bay vèo vèo rồi rớt xuống rầm rầm trên chiếc xe tải thiệt to, như vẫn thường thấy mỗi khi có lốc xoáy. Tivi đang chiếu tin bão, đường phố vắng tanh, ngập nước. Ngay chỗ góc đèn giao thông, anh chàng phóng viên to con trùm áo mưa kín mít, nước ngập tới đầu gối, một tay cầm micro, tay kia ôm cột đèn, sợ gió thổi bay đi mất. Ngoài biển, sóng cao cả thước ập mạnh vào bờ, cuốn mấy căn nhà đi phăng phăng như đồ chơi con nít. Tiếng xe cứu thương hù hụ réo vang. Chắc có một trận đụng xe, cây bật gốc, thậm chí là sập nhà ở góc đường nào đó. Dì quay qua chồng, than thở.

- Coi bộ trận bão này y chang trận năm Mẹo ông heng. Nhớ cái lúc tui với ông bị kẹt ngoài Trung, nước lên tới nóc, sợ gần chết.

Tự nhiên dì thấy miệng mồm lạt nhách. Thèm có rổ trầu, têm một lá, quết tí vôi, xắt miếng cau, lấy thêm cọng dún, ngồi nhai cho đã. Ăn trầu mấy chục năm nay, quen miệng rồi, vậy mà đành đoạn bỏ. Bên này cau trầu tươi khó kiếm quá, toàn ba cái đồ đông lạnh chát ngắt, chả ngon lành gì. Với lại sợ bữa nào quen miệng, dì nhổ cái bẹt đầy nhà, tụi nhỏ gớm chết. Bé kể, có bà kia, con cái đi làm bỏ bà ở nhà một mình. Buồn quá, cầm lòng hổng đặng, bà ra trước sân ngó ngược ngó xuôi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Người đi đường thấy miệng bà đỏ lòm, tưởng bị ai đánh… ói máu nên lật đật kêu cảnh sát tới. Tiếng Anh tiếng u không rành, phải trái không biết phân trần, họ sợ bà chết nên hú còi chở thẳng vô bệnh viện cấp cứu. Khi cảnh sát liên lạc được với đứa con, mới biết đó là thói quen ăn trầu của người Việt. Họ cười một bữa muốn khùng. Riêng bà già sợ té đái trong quần. Từ đó về sau không dám ra trước sân ăn trầu nữa.

Thiệt hư chưa tỏ nhưng nghe xong dì cũng đổ mồ hôi hột.

4.
- Bữa nay ngày mấy rồi bà?

- Ông hỏi âm hay dương?

- Đang ở Mỹ thì hỏi dương chứ âm chi trời?

- Ai biết. Bữa nay 29 tháng 10 rồi. Sắp hết năm nữa rồi đó. Mà ông hỏi chi dzị?

- Tuần sau anh Bảy Năng rủ tới nhà ảnh họp đồng hương. Bà đi với tui hông?

- Ai chở mà đi?

- Ừ heng. Tui tính kêu vợ chồng con Bé mà sợ nó mắc chuyện. Nhờ anh Bảy thì xa quá. Chắc gọi lại báo ảnh, hổng đi.

- Thôi để tụi nó dzìa tui hỏi một tiếng coi sao. Lâu lâu cũng đi cho khỏi cúm cẳng cúm chân ông ạ.

Ba năm, dì với chồng ngồi trong căn hộ này, nhìn đời qua khoảng không gian bé tí teo của cửa sổ mà thương cho kiếp ly hương. Dì nhớ những chiều xách giỏ ngồi sau xe, kêu Ty chở đi thu tiền huê, tiền góp. Nhớ khu chung cư nhộn nhịp, sầm uất đất Sài Gòn, ngày nào cũng xuống ăn hàng, nói dóc với mấy bà hàng xóm. Giữa thành phố ồn ào, quay cuồng trong cơn lốc kiếm tiền, những người lớn tuổi như dì vẫn tìm được chút niềm vui nhỏ riêng mình với những người bạn già, gắn bó với khu phố cũ kĩ ấy.

Sau giải phóng dì dượng ẵm bầy con chạy vô Sài Gòn sinh sống, gom tiền mua được căn hộ chung cư trên đường Hai Bà Trưng. Cái phòng nhỏ xíu chưa tới mười lăm mét vuông chứa bảy con người. Nhờ nó nằm cuối hành lang nên dì lén chánh quyền cơi bên trái, nới bên phải, cơi bên trên, nới bên dưới, diện tích tăng lên gần chục lần. Chả nghe ai nói gì nên cứ thế mà rộng thêm.

Những năm tám mươi, dì nhảy tàu buôn than, buôn gạo, kiếm được bao nhiêu sắm vàng bỏ hũ giấu kín trong nhà. Thấy bà con cô bác kéo nhau đi vượt biên, dượng cũng thỏ thẻ với dì, có bao nhiêu vàng cắt ca cắt củm đưa ổng dẫn thằng Quân xuống miệt miền Tây, chung vàng, lênh đênh trên những con tàu mục nát mong đổi đời. Số dượng xui, nhiều khi nửa đêm rón rén ra ghe thì bị bộ đội biên phòng phát hiện. Có lúc lênh đênh trên biển được nửa ngày cũng bị bắt lại. Ở tù vài tháng, được tha, lại tìm đường chung vàng đi tiếp. Có hơn những chục lần, tán gia bại sản, Quân trễ nải việc học hành, khù khờ lớn không nổi. Thương con, xót của, dì lôi ổng về rau cháo có nhau.

Rồi phong trào con lai, H.O., ra đi có trật tự bắt đầu. Nhà dì trở thành nơi trú chân của bà con ngoài quê vô ở nhờ chờ phỏng vấn. Cứ hết người này tới người khác ở vài bữa rồi đi. Mà kì lạ, nhiều người qua đó gọi vài cú điện thoại, gửi ít lá thư rồi chẳng thấy tăm hơi đâu hết. Nằm đêm, dì trách họ bạc tình, hết nghĩa, chẳng nhớ hồi chung chạ chen chúc trong căn nhà chật chội, dì lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ về đêm. Dì đâu cần tiền cần bạc, quà cáp, chỉ cần họ gọi hỏi thăm tin tức, về thì ghé lại ăn bữa cơm, uống miếng nước, nhắc chuyện xưa. Chứ có thiếu thốn gì đâu mà xin xỏ.

Rồi Bé lấy chồng Việt kiều, có quốc tịch bảo lãnh dì dượng cho thỏa ước mơ đi Mỹ. Qua đây mới thấy mình sai, trách lầm người khác, rảnh rỗi đâu mà tin với tức. Ngay cả nhà dì, vợ chồng Bé đi làm đầu tắt mặt tối cả ngày, chiều về ăn vài hột cơm rồi chui đầu vô phòng ngủ để mai còn đi cày kiếm tiền trả bill trả bọng, tiền nhà, tiền xe, tiền ăn, tiền uống. Chật vật trăm bề, ngay cả mình là mẹ ở chung nhà, nó cũng ậm ừ vài câu cho qua chuyện chứ chả nói tình nói cảm được bao nhiêu.

Gần bảy chục tuổi, nuôi con bạc tóc, giờ qua Mỹ tưởng hưởng những ngày an nhàn cho thỏa mùi Mỹ thì phải lóc cóc lo thêm bầy cháu. Lương Bé không cao, gửi hai đứa cháu đi nhà trẻ cũng bộn mà còn lo người ta nuôi con mình không tốt. Thương con, xót cháu, dì bảo thôi để ở nhà cho tao với ổng coi, tụi mày yên tâm đi làm kiếm sống. Sáng dì dậy sớm nấu ăn, chiều chờ xe bus thả cháu trước cổng thì đón vô, tắm rửa, cho ăn, bắt học bài. Ru rú trong nhà như tù nhân. Thỉnh thoảng cuối tuần, Bé chở ra ngoài hóng gió. Mà cái thành phố quỷ gì buồn thỉu buồn thiu, toàn đồi với núi, Mỹ đen với Mỹ trắng. Năm thuở mười thì mới thấy được một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Mà cũng gật đầu chào, chứ họ có hiểu gì đâu mà trò chuyện. Nhiều khi điện thoại về nhà, cũng đâu dám than bên này buồn, bên này nhớ. Tụi nó cứ hỏi khi nào ba má về, cứ ậm ừ bảo vài bữa nữa. Cứ vài bữa hoài, vài bữa mãi, ba năm trôi qua cái vèo lúc nào không hay.

Bão tố gầm rú ngoài kia, nhưng chưa chắc dữ dội hơn trận bão trong lòng hai ông bà già ly hương, biệt xứ.

- Má hả? Nhà có bị gì hông?

- Không sao, ổn hết. Tụi nhỏ sao rồi?

- Dạ cũng bình thường. Tụi nó ráp với mấy đứa bên này, thức cả đêm chơi game, đùa giỡn suốt.

- Khi nào tụi bây về?

- Dạ tối mai. Má ăn bánh ít lá gai không? Bên chồng con mang từ Việt Nam qua đo.

- Ngon vậy. Ờ, cầm về vài cái ăn chơi. Răng cỏ đâu còn, nhai không kĩ mắc cổ chết.

5.
Dượng Ba tằng hắng:

- Bà nè?

- Gì đó ông?

- Có chuyện này tui muốn nói mà sợ bà giận.

- Già từng tuổi này, trên đầu hai thứ tóc, cái gì cũng trải qua rồi, hơi đâu giận hờn chi cho mệt

- Hôm qua Lý có gọi cho tui.

- Lý nào?

- Thì…

- À, cô vợ bé của ông. Cổ nói gì? Nhớ ông hả?

- Nhớ thương cái nỗi gì. Cổ báo tháng sau thằng Lương lấy vợ. Kêu tui có tranh thủ được thì về cho vui.

Dì Ba ngước mặt nhìn chồng. Gặp phải ánh mắt soi mói của vợ, dượng lật đật quay đi chỗ khác. Dì hổng nói hổng rằng, quảy đít vô bếp, lục đục xoong nồi, lấy chỗ này, chất qua chỗ kia, càm ràm cảm rảm cho có chuyện để làm. Mấy chục năm nay, hễ không nghĩ thì thôi, chứ nhớ tới là khó chịu. Chồng mình mà, đầu ấp tay gối với mình mà, chia sẻ với người ta sao được.

Hồi dượng xuống Cà Mau vượt biên, lẹo tẹo với Lý gần một năm. Quân mới mười hai tuổi đầu nhưng biết hết, về kể cho dì nghe không sót mảy may. Dì làm trận làm thượng, đòi li dị cho xong chứ sống trong tình cảnh này chịu sao thấu. Dượng thề thốt đủ điều, bảo chỉ qua đường, không có dính dáng gì với nhau nữa hết. Đàn bà mà, nhẹ lòng nhẹ dạ, thương chồng thương con, không muốn xào xáo trong nhà nên dằn lòng bỏ qua mọi chuyện.

Nào ngờ dượng nói mà không giữ lời, vẫn qua lại với Lý. Dì nhớ như in buổi chiều cuối tuần, Hồng hớt hơ hớt hải chạy vô gõ cửa, quắn quít nói thấy dượng Ba đi vô quán ăn gần hồ Con Rùa với người đàn bà lạ hoắc và thằng con trai giống ổng lắm. Dì điếng cả người, máu Hoạn Thư lên tới não, lật đật kêu Bé chở đi bắt tại trận cho cạch mặt chồng. Dì lấy khẩu trang bịt mặt, thủ khúc cây, bưng hũ nước muối (sợ chồng bị thương nên hổng dám xài axit), thêm mớ dây nhợ để trói gô đôi gian phu dâm phụ lại.

Dì dặn Bé, mày đứng trước cổng chặn đường không cho con khốn đó trốn nhưng thấy ổng nhào tới đánh tao thì mày lấy hũ nước muối tạt vô mặt cho ổng quờ quạng, để tao trói đầu con đĩ chó kia lại rồi lấy cây bủa lên mặt nó. Hai mẹ con hùng hổ bước vô quán nằm khuất trong hẻm. Chưa kịp thở, dì thấy một người đàn bà khắc khổ mặc bộ bà ba cũ mèm ngồi trong góc lón lén ăn tô mì. Dượng ngồi thất thần, ra chiều yêu thương, đút từng muỗng cháo cho thằng nhỏ đen thui, đầu khét nắng. Dì sững cả người, lẳng lặng kéo tay Bé bỏ về, không nói thêm một câu nào nữa hết.

Kể từ sau lần đụng mặt, dì hận chồng dữ lắm nhưng không hó hé một lời. Dượng lờ mờ hiểu được chuyện gì đang xảy ra nên cũng lầm lì im lặng. Vậy mà cái ghen lồng ghen lộn nhường chỗ cho sự cảm thông với người đàn bà nghèo khổ và thằng nhỏ đáng thương, con rơi con rớt của chồng. Dù sao cũng là giọt máu của ổng, em của tụi nhỏ, ít nhiều cũng liên quan tới mình. Con của dì, ít ra nó cũng có đủ cha đủ mẹ, nhìn mặt mỗi ngày. Còn thằng nhỏ kia có tội tình gì mà chịu cảnh thiếu thốn. Dì không thể kêu dượng dắt nó về đây chung đụng, cũng không thể kêu ổng xuống miệt Cà Mau làm chồng làm cha cho phải đạo. Thỉnh thoảng dì dúi vô tay chồng một mớ tiền, kêu ông “tranh thủ” về quê thăm bà con cô bác ít ngày đi. Dượng mừng húm, xông áo xông quần đi ngay chiều hôm đó. Không cần nói, dượng cũng biết phải về quê nào rồi.

6.
Dì bỏ mớ xoong nồi xuống đất, dựa lưng vô tường, lấy tay dằn lên ngực, lén nhìn ra phòng khách.

Dượng Ba ngồi bên bình trà, cầm lên bỏ xuống tới cả chục lần. Nửa giận, nửa thương, muốn đay nghiến, chửi cho sướng miệng nhưng lại thôi. Hồi xưa đã im không nói giờ chửi rủa có ích gì. Dì lẳng lặng vô phòng, khép hờ cửa lại. Một đỗi sau đi ra, vén áo chùi nước mắt, dúi vô tay chồng xấp tiền đô mới cóng dì giữ mấy năm nay từ tiền bán vàng lúc chuẩn bị qua Mỹ.

- Bữa nào kêu con Bé chở ông đi mua vé mà dzìa. Mấy chục năm nay ông cũng hổng làm được chuyện gì ra hồn cho mẹ con nó. Thôi thì tranh thủ lần này dzìa đứng chủ hôn cho thằng Lương khỏi tủi.

- Mà thôi, bà đi với tui cho vui. Chứ dzìa một mình bỏ bà bên này tui không nỡ. Tui cũng còn một ít tiền tụi nhỏ cho, hai vợ chồng mua vé dzìa chung hen.

- Dzìa sao đặng? Bỏ tụi nhỏ cho ai?

- Bà khéo lo. Con Bé có tay có chân chứ đâu phải cùi què sứt mẻ gì mà không lo cho con nó khi bà đi vắng?

Dì thở dài, mặt rầu rầu, ờ để tui tính coi sao. Mà ông ăn gì không để tui nấu, chứ đói. Bà nuôi tui như nuôi heo không bằng. Cả ngày cứ bắt ăn hoài, ăn miết. Mà mưa gió kiểu này, có một nồi mắm ruốc kho ba chỉ với sả ăn đã đời bà heng. Ừa, đã lắm. Ăn xong lên máu nằm giãy đành đạch lại khổ cho tui.

Gió dịu lại. Trời vẫn mưa không ngớt. Có lẽ bão đã tan hay dạt về một vùng nào đó, xa xôi.

Dượng cười buồn, đưa tay khều khều vai vợ. Dì Ba quay qua, liếc chồng một cái, tính chửi, già rồi mà còn rượng, hổng sợ con nít nó cười. Nhưng nhìn cặp mắt buồn hiu của chồng, dì thấy nghẹn đắng trong cuống họng.

Dượng cầm bàn tay dì, mân mê những ngón nhăn nheo, rồi siết chặt…

Maryland, 29-10-2012.

Nguyễn Hữu Tài

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả tên thật Trần Thị Hậu. trước 1975 học ở Trưng Vương, Văn Khoa, từng tham gia viết bài cho các Đặc San của trường, các báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville,
Tác giả đã dạy Anh Văn ở Cao Đẳng Sư Phạm quê nhà. Từng giảng dạy Việt ngữ tại Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng. Hiện đang giảng dạy Việt ngữ tại Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside).
Đây là một chuyện ma có thật trong khu mộ dành cho người gốc Việt, người Nhật, người Tầu tại một nghĩa trang ở Honolulu, Hawaii, nơi có bản sao kiến trúc đền Byodo-In nổi tiếng của Nhật Bản.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California,
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tác giả là một chuyên gia từng làm việc tại nhiều vùng tại Hoa Kỳ. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là “Hoa Phượng Florida,” và “Hoa Xoan Bên Thềm Cu.”
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC, Phi Luật Tân, gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Nhạc sĩ Cung Tiến