Hôm nay,  

Chuyện 30 Tháng Tư: Chị Tư

28/04/201300:00:00(Xem: 133467)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả, tự giới thiệu là “người viết mới toanh” vì chưa từng viết bài gởi cho báo nào, cả ở VN lẫn Mỹ. Sơ lược tiểu sử: Từ 1971, từng học Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Qua Mỹ năm 2009. Hiện ngụ tại Milpitas, San Jose, California. Sau nhiều năm nuôi con, hiện ở nhà coi cháu. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Đồng Tâm là “Anh Ba”, viết về người anh trai không quân. Bài viết mới kể về người chị kế, kết hôn hai tuần trước 30 Tháng Tư 1975, và từ đó đã 38 năm bằn bặt, trong khi “một nửa xa xưa” của chị,

“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm” … “Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên!”. Ca khúc Sầu Lẻ Bóng của nhạc sĩ Anh Bằng … không biết có vận vào số mạng của Chị Tư không, mà tự dưng từ những ngày mới biết mộng mơ, mới biết tập tành nghêu ngao hát nhạc tình ca là Chị đã mê mãi bài hát buồn đến nao lòng đó.

Chị sinh ra và lớn lên trên quê hương Việt Nam. Cái làng quê nghèo khó bao nhiêu năm bị dày xéo bởi bom đạn chiến tranh không có lấy một ngày bình yên. Cho đến cái ngày mà người ta hay gọi là Ngày Hòa Bình vẫn không thấy hòa bình đâu cả, mà chỉ thấy đau đáu nhiều nỗi lo toan cho những cảnh đời chưa tìm được lối đi về.
Chị chưa đến Mỹ lần nào. Cái đất nước Hoa Kỳ xa xôi mà ngày xưa chị cũng đã từng nghe qua lời kể của những người lính Mỹ. Rằng họ rời xa quê hương phồn hoa đô hội và gia đình êm ấm của họ để đến Việt Nam xa lạ chỉ biết là để đấu tranh sống chết cùng với dân tộc Việt, nhưng phần đông đều không biết mình đi theo lý tưởng gì?

Tuy vậy tâm hồn chị luôn hướng về xứ Mỹ, nơi có “một nửa xa xưa” của chị đang sống ở đó mấy mươi năm rồi và không biết có còn nhớ một chút gì về chị không? - một người vợ… của những ngày xa xưa.

Sáng 29/4/75, Anh nói: “Em ở nhà lo thu xếp đồ đạc, anh vào phi đoàn xem tình hình thế nào, rồi sẽ trở về đón em vô phi trường mình cùng đi”. Nhưng chị sốt ruột, lo lắng và chờ đến tối... rồi đến rạng sáng hôm sau...

Sáng 30/4/75, cả Sài Gòn lộn xộn, bấn loạn hết mọi thứ, bao nhiên là chuyện xảy ra cho cái ngày tan thương đó – chắc đến ngàn năm nữa cũng không giấy mực nào kể xiết để chuyển tải hết những chuyện đã xảy ra cho người dân Miền Nam Việt Nam mình trong cái ngày uất hận đó.

Những ngày sau đó Chị hoang mang vì không có tin tức gì của anh... Anh có bay được theo phi đoàn không hay đã chết mất xác trong đạn pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất rồi? Còn lại một mình bơ vơ bên nhà chồng với thân phận cô dâu mới cưới vừa tròn... nửa tháng. chị khóc, chị buồn, chị tủi...

Gần một năm sau, Ba mình thấy thương con gái quá mà không biết phải làm sao, đành bấm bụng bấm gan lên Sài Gòn đến nhà xui gia xin phép cho Chị được về sống với gia đình, may sao mà cha mẹ chồng Chị cũng đồng ý, vì con trai họ kể như biệt tâm không tin tức gì, giữ Chị ở lại đó cũng thấy khổ cho Chị.

Trở về nhà mình ở Mỹ Tho, Chị như sống lại với bao đầm ấm yêu thương trong căn nhà đầy kỷ niệm gia đình, rồi nhờ có mấy chị em gái an ủi cho Chị bớt sầu đau và lấy lại được tinh thần để lo tìm công ăn việc làm.

Những ngày tháng khó khăn sau 30/4/75 công việc làm không phải dễ kiếm. Chị bương chải theo xe đò buôn bán hàng chuyến - đủ mọi thứ mặt hàng, nhưng không có lời lóm gì mà lại quá cơ cực ngược xuôi theo xe. Chị quay sang may gia công bằng mấy mụn vải vụn mà xí nghiệp may nhà nước thải ra. Rồi Chị xin làm bảo mẫu ở Trường Mẫu Giáo Phường, sau đó nhờ có chút chữ nghĩa Chị được cho đứng lớp, dần dần cũng ổn định... Các em ngày một lớn, đứa lấy chồng về Cần Thơ, đứa đi bộ đội tận Đồng Tháp Mười, đứa đi làm ở Sài Gòn, mấy đứa nhỏ thì còn đi học... đứa nào cũng một tay Chị thương yêu chăm sóc lo lắng đầy đủ dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn vất vả. Chị vẫn gánh vác gia đình như thế thay cho Má từ những ngày mới lớn.

Ngày mới lớn của Chị Tư... Năm 1967, chị 17 tuổi, má bị bệnh và mất đột ngột để lại cho chị một nách 6 đứa em thơ dại, mà thằng Út chưa đầy 3 tuổi. Đau thương ập đến, trách nhiệm chất chồng, không ai bảo nhưng chị tự biết mình có bổn phận phải phụ Ba nuôi các em, vì đâu còn ai - chị Hai thì đã có chồng ở xa, anh Ba còn phải học thi tú tài; thôi thì đành hy sinh vậy.

Chị quyết định nghỉ học, nhờ giỏi Anh Văn nên chị xin được chân Supervisor Cashier, rồi lên Supervisor Sale Clerk - làm việc ở P.X. Đồng Tâm, thành phố Mỹ Tho. Thời đó “đi làm sở Mỹ” nhiều khi cũng bị bĩu môi dèm pha dữ lắm chứ đâu dễ gì được xóm làng thông cảm mà hiểu cho, nhưng mà chị cam chịu hết để có đồng lương kha khá một chút mà lo cho gia đình.

Đó cũng là cái thời thiếu nữ đẹp nhất của Chị, làm việc mà cứ bị đeo đuổi chọc ghẹo suốt, bởi mấy ông sếp Mỹ hoặc mấy quân nhân Mỹ vào P.X. mua hàng đều mê mệt… cái tà áo dài Việt Nam Chị mặc mỗi ngày, rồi mê luôn cái duyên con gái của Chị. Theo đuổi riết rồi thương thiệt. Một ông sếp Mỹ tên L. yêu chị thật tình, xin Ba cưới chị và hứa khi hết nhiệm kỳ sẽ đem chị theo về Mỹ, nhưng chị không chịu vì thương Ba và đám em nheo nhóc nên không muốn xa rời. Mà hồi đó Nước Mỹ là cả một cái gì đó xa xôi dịu vợi, đâu có nghĩ là đi rồi sẽ về được dễ dàng như bây giờ. Thế là ông L. buồn thiu về nước.

Lại đến một quân nhân Mỹ khác vì yêu chị mà muốn mọi người gọi ông ấy bằng cái tên Việt Nam là Đ. thôi (chắc ổng tự đặt), rồi học và nói tiếng Việt giỏi lắm. Nhưng rồi Chị cũng lắc đầu, và ông Đ. cũng thui thủi về nước một mình không có chị. Thêm vài người về sau nầy nữa cũng không thuyết phục được trái tim của chị, đành ngậm ngùi rời Việt Nam ôm theo trong tim hình bóng thướt tha của người con gái Việt.

Ba thì nghĩ chắc con gái mình cao số khó lấy chồng… Sao mà cái số truân chuyên! Còn chị vẫn một lòng với cái gánh nặng gia đình, phụ Ba nuôi các em.

Khi P.X. Đồng Tâm ở Mỹ Tho đóng cửa, năm 1971 Chị chuyển về làm cho Long Bình Depot. Lên Sài Gòn thuê nhà ở, mỗi ngày phải đi xe lửa lên Biên Hòa, rồi mới theo xe buýt vào căn cứ Long Bình làm, cũng cơ cực lắm. Những đêm đi làm về lang thang trong cái đô thành rộng lớn làm chị nhớ tha thiết về Mỹ Tho, nơi có mấy đứa em còn đỏ mắt chờ chị về mỗi tháng.

Không biết có phải vì nỗi cô đơn làm chị thấy cần có một bờ vai để nương tựa. Rồi như một duyên phận, chị gặp chàng Co-Pilot điển trai là bạn cùng phi đoàn với anh Ba mình. Sau 3 năm đưa đón hẹn hò, đám cưới được tổ chức vào giữa tháng Tư 1975, với đầy đủ họ hàng hai bên và bè bạn, dẫu cũng có nhiều cập rập vì tình hình đất nước lúc đó đã có nhiều bất ổn. Nhưng vì đang yêu nhau nên cả hai anh chị đều thấy bình yên trong cái hạnh ghúc lớn lao vừa có được.

Mười lăm ngày ngắn ngủi, chưa đủ để cả hai vợ chồng thuộc hết tên anh chị em bên chồng cũng như bên vợ, và cũng chưa kịp tượng hình đứa con trong ngôi nhà mà anh chị đã vẽ cho tương lai.

Rồi 30/4/75...
Rồi anh đi biền biệt..

Bất ngờ giữa năm 1980, sau 5 năm ly biệt, người tưởng đã chết nay gởi thư về, những năm đó thư ở Mỹ gởi về Việt Nam còn phải lén lén đọc thôi vì sợ hàng xóm biết nhiều không tốt, đâu biết “ai là bạn - ai là thù”?. Chị âm thầm rơi nước mắt, Chị khóc vừa mừng vừa giận: “Sao anh đi chừng ấy năm mà im hơi lặng tiếng để ngày đêm em trông ngóng mõi mòn?”. Anh bảo anh đã chạy Cộng Sản hồi 1954 một lần rồi, giờ chạy lần nữa nên anh hoang mang không biết có nên liên lạc về không! Hay anh tưởng những người còn sống trong lòng Cộng Sản thành việt cộng hết rồi?. Không, anh sợ Chị bị vu là còn liên hệ với “kẻ thù Mỹ Ngụy” thôi!.

Nhưng thư qua thư lại đúng 5 lần thì … anh bặt tin lần nữa.

Chờ mãi, chờ mãi …tức quá, Chị về Sài Gòn ghé nhà chồng hỏi thăm tin tức thì mới biết là anh … đã có vợ khác ở Mỹ. Họ khuyên Chị: “Nên quên anh ấy đi, chắc tại hoàn cảnh thôi và có lẽ xa mặt cách lòng chăng?”. Chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Ai xa mặt cách lòng chứ Chị thì không!!!... Không bao giờ!!!...

Dù thế nào cũng phải cho Chị gặp lại một lần chứ... Một lần để hỏi cặn kẽ: “Tại sao, tại sao vậy??? …”.

Và Chị không bao giờ trở lại đó để hỏi thăm gì về anh lần nào nữa. Bây giờ đã là nhà chồng của người khác rồi mà!

Thời gian như đám lục bình mang những cánh hoa màu tím buồn mong manh trôi vô định mãi theo con nước ròng nước lớn. Đời Chị cũng thế, cũng dập dềnh nổi trôi theo hoàn cảnh sống như tất cả người dân Miền Nam còn kẹt lại trên quê hương, hai tiếng quê hương mà giờ đây sao mỗi lần gọi tên là nước mắt lại tuông trào. Chị cũng như những người còn ở lại vẫn phải làm để sống, vẫn phải hòa đồng với xã hội để tồn tại. Đêm đêm nằm thao thức mà ngẫm nghĩ: “Nên ôm quê hương vào lòng hay chối bỏ nó như bao nhiêu người đã đứt ruột rời xa?”.

Theo bà con bạn bè Chị cũng bon chen vài lần đi vượt biên, nhưng mấy chiếc ghe cà tàng ọp ẹp không đi xa qua khỏi được … cái đám lục bình đã bị sóng đánh dạt vào bờ đất khô với chùm hoa tim tím héo tàn dần.

Tuổi nào thì có cái duyên của tuổi đó. Nhiều lần cũng có vài người đến với Chị mong ước được làm cây sào cho con thuyền đời Chị ghé bến đổ an vui. Không hiểu sao Chị vẫn hát mãi câu ca buồn: “Nhưng ai bạc bẽo mình vẫn không đành lòng quên” Không đành lòng quên mà mỗi lần nhớ anh còn nghe nghẹn lòng!.

Dòng sông đời sau những chảy xiết mỏi mòn, những tưởng thôi cứ ôm quê hương vào lòng cho yên phận. Bỗng một hôm nhóm bạn ngày trước cùng làm ở P.X. cho biết có thông báo rước mấy người làm sở Mỹ đi chính thức. Chị lại nhớ đến anh nhiều hơn cái tư tưởng đi Mỹ để được sống sung sướng trong một đất nước an bình. Một niềm hy vọng bám víu cuối cùng … Chị chợt thầm nghĩ mà nghẹn ngào: “Nếu qua Mỹ tìm lại được anh rồi, câu đầu tiên sẽ nói gì với nhau???.

Năm 2006, Chị nộp đơn xin đi Mỹ theo Chương trình: “Tái định cư cho những cựu nhân viên làm việc cho chính phủ Hoa Kỳ trước 1975”, với điều kiện phải có thâm niên từ 8 năm trở lên; đây là Chương trình nhân đạo đợt cuối cùng dành cho những nhân viên của Mỹ đã 30 năm qua còn sót lại chưa đến Mỹ được.

Chạy xuôi chạy ngược lo giấy tờ để nộp hồ sơ, sau mấy mươi năm với bao nhiêu lần dời đổi chỗ ở, giấy tờ chứng minh 8 năm đi làm ngày xưa lục lọi lại cho đủ là cả một kỳ công. Rồi cũng xong. Rồi chờ đến gần 2 năm sau thư mời phỏng vấn mới đến, Chị mừng không thể tả!!!. Nhưng … không đậu, mà rớt vì một lý do thật là mơ hồ đến choáng váng: “Nếu bạn không bị áp bức gì trong 30 năm qua dưới chế độ Cộng Sản, thì bạn sang Mỹ làm gì?”.

Nước mắt rơi ấm ức khi nhận lời nói: “Sorry!”, Hai tay ôm mặt Chị sụp xuống khóc òa ngay trước mặt nhân viên phỏng vấn của Tổng Lãnh Sự Quán Mỹ tại Sài Gòn.

Chị đau khổ hơn những tháng năm đã khổ đau …

Nếu Ba còn sống chắc Ba lại nói con gái Ba không có số đi Mỹ!. Bao nhiêu lần định lấy chồng Mỹ không xong; rồi lấy được chồng phi công Việt Nam thì chồng bay qua Mỹ lấy vợ khác, bỏ lại một thân một mình hiu quạnh; vượt biên cũng không thành; đến khi phỏng vấn đi Mỹ chính thức cũng không được … Sao mà cái số truân chuyên!.

Không chỉ là truân chuyên thôi, mà Chị còn “không có duyên nợ với Nước Mỹ”!.

Tháng 4/2013, 38 năm đất nước chia lìa, là 38 năm Chị chồng chất tuổi xuân vì chờ đợi, … chờ một lần được gặp lại anh! … Mà cũng không biết gặp lại để làm gì?.

Anh rể P.V.T. quý mến (không biết hiện tại mình có còn được gọi anh là anh rể nữa hay không?), em là đứa em vợ mà anh thương nhất của ngày xưa nè, ngày xưa sao mà vui quá, anh chị và em – chúng mình có nhiều kỷ niệm quá phải không anh? Em nhớ chiếc Vespa anh hay chở Chị Tư đi sang Khánh Hội thăm Ba, có lần vì anh hẹn gấp quá làm Chị Tư đang kho cá quên tắt bếp, đi được một đoạn sực nhớ chạy như bay về tới thì cả cái xóm ở Cư Xá Tự Do gần Ngã Tư Bảy Hiền đã một phen hú vía khi thấy khói mịt mù trên căn gác nhỏ.

Còn có những dịp hai chị em được anh Ba và anh chở đi chơi tum lum bằng … C7 Caribou; ghé phi trường Côn Sơn ngắm biển và rừng thiên nhiên tuyệt đẹp (lúc đó ham vui quá đâu còn nhớ đó là nhà tù Côn Đảo nổi tiếng); hoặc ghé phi trường Phù Cát chở theo mấy cô ca sĩ ra phục vụ văn nghệ, mà em biết là mấy ông phi công thích nhất là nghe Phương Hồng Quế hát bài Phố Đêm; hay ghé phi trường Cam Ly để dạo chợ Đà Lạt mua cả cần xé cà rốt về cho bạn bè... Mà nghĩ lại lúc đó anh Ba mình ba gai thiệt, phi cơ quận sự mà cứ chở em út đi chơi hoài... Mà nhắc nhiều kỷ niệm xưa làm gì không biết, chỉ càng buồn thêm thôi...

Đôi khi em cũng có trách anh: “Có nhẫn tâm lắm không khi anh bỏ Chị trơ trọi bao nhiêu năm qua và còn bao nhiêu năm nữa???”.

Thương Chị Tư một đời khổ cực vì các em, mấy mươi năm nay vẫn đi về một mình trĩu nặng với nỗi sầu riêng mang!. Hiện tại thì Chị vẫn phải cố vui để đi cho hết cuộc đời còn lạ, vẫn phải cố cười để … khỏi khóc khỏi đau!!!. Chị không bao giờ nói ra cái điều mà Chị hằng mong mõi, nhưng chắc điều đó vẫn ngấm ngầm: Chị vẫn chờ...

Lâu lâu chị em xúm xích tề tụ đông đủ con cháu đùm đề, thấy Chị buồn buồn, mọi người kiếm chuyện nhắc đến anh để chọc ghẹo cho Chị vui: “Còn nghĩ đến anh ấy phải hông?”. Chị chỉ mỉm cười trong ánh mắt xa xăm.

Dù không mong một cuộc tương phùng, mà chỉ mong gặp để mà gặp … thế thôi!

Bất chợt nghe mấy câu hát trong bản nhạc Tình Bỗng Chốc Là Không của Diệu Hương mà cảm thấy xót xa: “Dù Hạnh phúc ấy nhỏ nhoi, Xin cho tôi một lần nữa thôi, Cho tôi thấy lại thoáng môi cười...”

Đó là cái Hạnh Phúc Nhỏ Nhoi mà Chị mơ ước cuối cùng sau khi cái Hạnh Phúc Lớn Lao vụt mất.

Không biết anh có còn ở San Diego như thư anh cho biết từ 1980 không? Em thì mới qua Mỹ được mấy năm và cũng đang ở Cali. Mới đây về Việt Nam chơi em thấy thương Chị Tư quá, cái tuổi già của Chị đến nhanh hơn những bạn bè cùng trang lứa. Nhiều lần đi ngang chợ Ông Tạ em định lén Chị ghé nhà Cô Y. hỏi thăm địa chỉ của anh ở Mỹ, nhưng lại thôi vì sợ bên nhà anh ngần ngại... Mọi chuyện đã an bài hết rồi - đừng nên khơi lại làm gì!, không thay đổi hay níu kéo được gì!.

Nhưng… sao em vẫn ước rằng “Nếu tình cờ anh đọc được bài viết nầy, có cơ hội hãy về gặp chị một lần, bây giờ không là chồng là vợ thì là bạn vậy, được không anh?”

Mong tin anh, Cựu Trung Úy P.V.T., Phi đoàn..., Không đoàn...

ĐỒNG TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,292,032
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến