Hôm nay,  

Cưng Chồng

10/04/201300:00:00(Xem: 316228)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008, với loạt bài viết về người con khiếm thị có tài ba âm nhạc. Thanh Mai cho biết cô qua Mỹ từ năm 1993, hiện là Electronic Technician của Honeywell Minnesota. Sau đây là bài mới nhất của cô.

Không hiểu sao, đám bạn học ngày xưa của vợ chồng tôi tự nhiên dần dần bị thành…đơn chiếc hay thành góa phụ. Mấy ông chồng khi khổng khi không lần lượt rủ nhau đi chăn vịt trời hoặc đi bán muối ở cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh để lại mấy bà vợ sồn sồn phòng không đơn chiếc thấy tội và thương quá.

Bạn tôi vừa về Việt Nam chơi mấy tháng cho đỡ buồn vì chồng cũng thuộc giới đi chăn vịt trời kể:

- Ở bên này buồn quá, thấy đàn ông toàn “sượng sượng” ra sao đó. Về bển cho đỡ buồn, bạn bè giới thiệu cho mấy tay toàn là giới giám đốc này nọ. Gặp nhau lần đầu ở quán cà phê đều để mình trả tiền. Người được được thì chắc đã có vợ con giữ riệt, còn giới chẳng đâu ra đâu thì mới ra đường tìm bồ bịch cho đỡ tháng ngày mồ côi cô quạnh. Con bạn của mình bảo là mình già rồi mà còn chảnh. Cứ vớ đại một tên cặp cho qua ngày, miễn sao họ đừng mượn hay xin tiền là được rồi. Nghe thảm quá sức! Cỡ tuổi tụi mình thấy đâu đến nổi mà sao đốt đuốc tìm không ra một người xứng đôi vừa lứa.

Rồi nó còn phán dạy cho tôi:

- Bà ở đó mà lo cưng ông chồng của bà chứ mất đi như tui là phải đêm đêm khóc thầm đó.

Nghe nó nói mà tôi giật mình. Thì ra lứa tuổi của tôi đàn bà đang có nguy cơ ế độ vậy sao! Nhớ năm ngoái một tên bạn của tôi tuyên bố:

- Nói chị đừng buồn chứ theo em đàn bà trên 40 xấp coi như bỏ đi.

Hoặc khuyên:

- Chị lớn tuổi rồi, đi đứng phải cẩn thận chứ không mà té thì gãy xương khổ lắm.

Hóa ra mình thuộc loại già bỏ đi rồi? Trong mắt bọn trẻ chắc mình già lắm? Thật là oan ức! Sao đến giờ tôi thấy mình vẫn còn phong độ, còn vui vẻ, trẻ trung mặc dù tuổi thì chẳng còn nhỏ nữa. Ấm ức quá tôi về méc với ông xã thằng khỉ bạn trong hãng nó nói như vậy đó. Chàng cười khà khà binh tôi:

- Anh thấy vợ anh vẫn còn ngon lành hết xảy. Bạn em không biết gì cả mà tuyên bố bậy bạ. Mai em nói với nó khi nào vợ nó trên 40 không xài nữa thì đem cho anh.

Ông xã nói vậy nhưng tôi nhớ lời khuyên của bạn phải cẩn thận, đừng ỷ y mà lo cưng và giữ chồng kẻo mất đi khó kiếm ra một người “hết xảy con cào cào” như thể để thay thế. Ông xã tôi ra đường ít nói, mặt mày nghiêm trang thiên hạ tưởng ông này khó tính hoặc bị bịnh...táo bón rặn không ra nụ cười. Nhưng ở chung mới lòi ra chàng ta chính là một tay quậy ngầm, tếu lâm, và chọc tôi cười hoài. Anh chàng không biết tán, không ga lăng, không biết mua quà vào những dịp lễ lộc, không dịu dàng chiều chuộng hoặc nâng niu vợ gì cả nhưng mặt khác biết lo cho gia đình, biết...dọn dẹp lau chùi nhà cửa, biết download phim Hồng Kông cho vợ coi, biết làm vài món ăn đặc biệt, thỉnh thoảng biết phụ vợ nấu ăn, biết làm vườn, biết đưa hết tiền lương cho vợ giữ và đặc biệt là không rượu chè trai gái. Thế thì tôi may phước quá còn gì!

Nghĩ đi nghĩ lại thấy lâu nay mình sống vô tư quá, coi sự hiện hữu của chồng như lẽ đương nhiên. Tôi chẳng bao giờ lo âu chàng sẽ chán mình hoặc sẽ bỏ đi. Tôi đang có của quí mà không biết...quí. May mà có lời cảnh báo của cô bạn nên mới cảnh tỉnh. Bây giờ lo sửa đổi tu dưỡng bản thân hy vọng chưa muộn.

Tính tôi lâu nay cà trớt ham vui, làm việc tùy hứng. Ông xã hay chọc:

- Đầu năm em dự tính đi Pháp, tháng sau đòi đi Hawai rồi kết quả lại đi …Campuchia.

- Vậy mà có người cứ nhắm mắt đi theo. Ai kỳ vậy ta!

Tôi tùy hứng vậy đó nhưng ông xã vẫn chiều theo đưa tôi đi đây đi đó. Không những đưa tôi đi chàng còn đưa cả bạn vợ và em vợ cùng đi mới tội. Bị cả ba bà hành mà vẫn chưa chết người trai chiến sĩ cũng may. Kỳ tới nếu có đi chơi nữa tôi phải biết quí chồng hơn, cho con em mình ở nhà và chỉ rủ nhỏ bạn này theo thôi vì tôi biết là chàng rất ao ước được nằm giữa hai bà. Cưng chồng như vậy chắc chàng cảm động lắm.

Đầu óc tôi thường ở trên mây. Tôi rất dở việc bếp núc, biếng dọn dẹp nhà cửa…, tùm lum thứ dở mà vẫn chưa bị chồng cho …de không biết là số tôi may hay chưa đến lúc mà thôi. Ngày xưa còn ở Việt Nam có cô em họ ở chung lo việc nấu nướng dùm nhưng qua đến Mỹ tôi phải đảm nhận công việc này mà lòng buồn vô hạn. Tôi vừa nấu ăn, vừa làm thơ, vừa để đầu óc bay bổng nên cháy nồi cháy chảo hoài. Một lần suýt đốt nhà và đốt cả ông chồng yêu dấu nữa chứ. Số là sáng đó tôi bắt chảo dầu lên bếp tính chiên bánh phồng tôm. Nhưng thằng con út đòi dẫn ra sân chơi xích đu cầu tuột. Thế là tôi quên mất chảo dầu trên bếp lửa vô tư cùng thằng con ra sân chơi. Cũng may thằng lớn đang ngồi xem tivi nghe alarm kêu inh ỏi và khói bốc đen ngòm từ nhà bếp, nó bèn chạy lên lầu kêu ba nó đang ngủ say sưa chẳng nghe còi hú biết trời trăng gì cả. Anh chạy vội xuống bếp sẵn cái mền trùm luôn lên cái chảo rực lửa. Hú hồn!

Qua Mỹ đến nay được 20 năm tức là với 20 năm kinh nghiệm giang hồ trong xó bếp, tôi nấu ăn giỏi hơn xưa...gấp đôi. Cũng có nghĩa là tôi vẫn còn nấu ăn dở ẹc! Mỗi lần có tiệc tùng tôi sợ lắm, phải chuẩn bị trước đó cả mấy ngày. Bởi vì tôi phải lên danh sách thực đơn rồi gọi đặt trước vài món. Tôi chỉ phải nấu một hoặc hai món nữa mà thôi.

Ông xã tôi rất dễ ăn. Tôi nấu món gì chàng cũng khen ngon và ăn nhiệt tình. Chẳng phải chàng nịnh bà xã đâu mà vì có lẽ chàng ở với tôi ăn món dở cũng quen. Có lần tôi học được món Ragu từ cô bạn trong hãng. Về nhà nấu thử chàng khen không ngừng miệng. Hứng chí tôi làm một nồi Ragu to và mời mấy người bạn thân tới ăn. Mọi người nhìn nồi Ragu của tôi một cách ngạc nhiên và chẳng ai chịu thử tới dù chỉ một muỗng. Quê độ quá sức nhưng tôi không buồn đâu nhé vì nhân vật chính của tôi là chàng ăn một lần 2 tô và ăn mỗi ngày cho tới sạch nồi không bỏ uổng phí. Chàng còn nói:

- Kỳ há, anh ăn thấy ngon quá trời mà sao thiên hạ không chịu thử.

Tôi có bày cho chàng đổ bánh xèo, đúc bánh căn là một món ăn đặc biệt của người miền Trung, đổ bánh bèo, gói và nấu bánh tét. Thầy thì nấu dở mà chẳng hiểu sao trò lại nấu ngon hết sức. Bạn bè bà con được ăn mấy món này do chàng làm đều khen ngon nức nở và đều ngạc nhiên khi nghe nói tôi là sư phụ. Chàng cười:

- Sư phụ in ra từ internet rồi chỉ tôi làm đó. Ha ha!

Dám chọc quê sư phụ. Tại lâu nay không muốn thôi chứ từ nay tôi sẽ ra tay nấu cho ông xã sáng mắt sáng lòng. Chỉ sợ là không dám ăn nhiều vì chứng béo phì và cao mỡ thôi.

Khi bạn bè khen vườn hoa đẹp và sân cỏ nhà tôi được tỉa tót chăm sóc công phu. Họ cứ nghĩ là công trình này do tôi, một con người có máu nghệ sĩ thích hoa lá cành làm. Nhưng họ cũng lại ngạc nhiên và cười quá trời khi nghe chàng tố:


- Bà xã tôi trồng bằng computer đó. Thanh ngồi vẽ ra một cái hình có mấy vòng tròn màu này màu nọ và chỉ ra hoa nào trồng ở vòng tròn nào. Rồi chạy ra tiệm mua một đống hoa bỏ đó cho tôi trồng. Đến khi trổ hoa cô nàng mới ra ngắm thôi.

Tôi đính chánh:

- Em cũng muốn ra giúp anh chứ bộ. Nhưng mỗi khi ra sân tưới cây là mấy con muỗi cứ bu lại em mà đốt nên đành bỏ việc chạy vào trong nhà thôi.

Nói vậy nhưng để cùng chồng chăm sóc vườn hoa, mùa hè này tôi sẽ mặc đồ mùa đông dày cui ra tưới cây cho muỗi khỏi đốt để chàng thấy tôi vì chàng mà hy sinh bất chấp tất cả.

Hai đứa tôi ít khi cãi nhau. Thường khi ông xã nổi nóng thì tôi ráng nín thinh để sau này ổng nguội tôi mới “thỏ thẻ đôi lời”. Nhiều lần anh chàng lái xe ẩu, tôi nhắc nhở là bị quạt ngay tức hết sức. Sang lane mà chỉ liếc nhìn kính chiếu hậu và 2 kính nhỏ hai bên, không chịu ngoái đầu ra sau nhìn làm mấy lần bị xe sau bấm còi suýt gây ra tai nạn thì chỉ có người câm mới không lên tiếng. Đàn ông có tật vừa lái xe vừa nói và một tay thì quơ quơ diễn tả kỳ ghê. Lái một tay đâu có an toàn. Phụ nữ lên tiếng nhắc nhở thì chạm tự ái nói xỏ xiên “lái tài xế”, hoặc giận dỗi đòi đổi tài. Sau mấy lần tranh luận cãi nhau mà thấy chẳng ăn thua gì và thôi để chiều lòng ông xã, tôi quyết định khi lên xe chàng lái cứ việc nhắm mắt lại phó mặc sinh mạng mình cho trời và cho chàng. Mở mắt nhìn mất công thót tim và gây áp lực căng thẳng cùng sự bực mình cho tài xế mà thôi. Đàng nào cũng tới...La Mã mà!

Ông xã còn than phiền tôi cái tật thích control tức làm xếp lãnh đạo và sai chồng. Đa số mấy ông chồng đều than van bất mãn chuyện này. Thật ra đàn ông ít khi hỏi han và ít khi để tâm đến chuyện linh tinh trong gia đình nên đàn bà chúng tôi mới đề ra và nhờ mấy ông làm. Mấy ông làm một chuyện nhưng chúng tôi làm gấp đôi chứ phải ngồi không nhưng họ lại tự ái than van khó chịu và có cảm tưởng là họ bị chỉ đạo và nai lưng làm mọi việc. Không thích thì thôi, mình cứ để mặc kệ đừng nghĩ ngợi lo toan chi cho mệt. Họ không làm thì mình cũng không làm. Không làm cũng đâu chết ai. Để thì giờ hưởng thụ cuộc sống tràn đầy màu sắc này cho khỏe và khỏi mắc công làm người ta bất mãn.

Tôi có đọc bài báo đàn ông còn hay than phiền vợ ít khi chủ động trong chuyện phòng the mà hay để chồng năn nỉ, cầu cạnh mới hưởng ứng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến mấy ông đi tìm bồ nhí vì mấy em thường chiều chuộng và nồng nhiệt hợp tác. Tôi thấy cũng có lý bồi bổ ông xã xung quá thì chịu sao cho thấu. Thế nào cũng chết người em gái hậu phương và người chiến sĩ sẽ đi săn vịt trời, mất chồng chứ chẳng chơi. Ngoài ra cứ lo hì hục làm hết việc nhà, mệt đứ đừ và lôi thôi lếch thếch bảo đảm mấy ông sẽ chán gà mái dầu mà ra ngoài tìm gà móng đỏ. Hơn nữa ở xứ Mỹ này, mấy ông đi làm về không tụm ba tụm bảy đi nhậu như ở Việt Nam vì mai còn phải đi làm. Buồn hoặc rảnh quá mấy ông thường lên mạng xem tin tức, email hoặc “chit chat” với thiên hạ để giảm stress. Nhiều khi gặp nhằm mấy em lang thang tìm bạn bốn phương vướng vào tình ảo cũng nguy.

Cô bạn thân của tôi là một phụ nữ đảm đang cả việc công lẫn việc tư. Cô nàng nấu ăn rất ngon và là một trong số sư phụ nấu ăn của tôi. Anh chồng thì thuộc loại đàng hoàng và rất khéo tay làm mộc cùng sửa chữa nhà cửa. Phải nói đây là một cặp rất đẹp đôi và hạnh phúc. Chúng tôi ở cách xa nhau nhưng vẫn thường gặp nhau mỗi năm vài lần để tán dóc, nói chuyện về việc làm, đời sống, con cái và chia xẻ những kinh nghiệm hiểu biết trên xứ người. Mấy năm về sau cuộc họp mặt thưa dần vì cặp này rủ nhau tu thiền chỉ ăn chay. Anh bạn của chúng tôi càng ngày trông càng đắc đạo với gương mặt trông rất thanh thản và cặp mắt sáng ngời. Trong khi đó thì cô vợ vẫn đầy vẻ lo toan, tất bật. Rồi mới đầu năm nay mới bước vào tuổi 56 nghe nói anh về hưu sớm, bỏ việc, bỏ vợ con xuất gia vào thiền viện tu mất tiêu. Tôi hú hồn, may mà có mấy lần anh rủ chồng tôi thiền chung mà chàng của tôi không rảnh đó chứ. Nghĩ tới đó tôi giật mình lạnh gáy, gọi phone hỏi chuyện với cô bạn:

- Chồng mi đi tu rồi mi có nhớ và buồn không hở?

- Buồn gì mà buồn. Ảnh đã đắc đạo thì còn mừng cho ảnh nữa chứ.

Tôi hỏi lại:

- Nhưng mấy chục năm nay ở chung với nhau bỗng dưng ảnh bỏ đi mất phải thấy thiếu vắng chứ?

- Thật ra đã mấy năm nay tụi ta coi nhau như đạo hữu, ở chung nhà nhưng không ở chung phòng. Ảnh đi thấy vắng vẻ một chút thôi nhưng cũng quen.

- Tại sao hai vợ chồng cùng tu chung nhưng ảnh thì đắc đạo mà mi trông còn “trần tục đầy hỉ nộ ái ố” vậy?

- Mọi việc trong nhà chỉ mình ta lo. Đến nỗi cái check ảnh không biết viết nữa kìa. Ảnh đi làm về không cần làm gì cả, sống vô tư lắm nên mới đắc đạo. Còn ta mà vô tư như ảnh thì cái nhà này sụp luôn rồi có nước cả lũ thành homeless đi ăn mày. Ảnh nghỉ việc mà tất cả giấy tờ cũng mình ta lo cho, ảnh chỉ biết ký tên thôi.

- Ảnh đi bữa giờ có hay gọi về liên lạc với mi không?

- Trời ơi, ảnh giờ bận lắm chứ đâu rảnh mà thường gọi về. Chỉ khi nào cần giấy tờ gì đó mới gọi về nhắn ta làm và gởi cho ảnh thôi.

- Vậy chứ ảnh phải làm gì mà bận?

- Ảnh phải làm việc trong thiền viện và học đạo, học kỷ luật mới bận rộn lắm. Bộ mi tưởng tu dễ lắm hở?

Tôi kêu trời:

- Trời ơi, đang ở với vợ sướng bắt chết mà tự dưng đi tu chi cho khổ vậy?

- Nhưng ảnh đâu thấy khổ! Chỉ có ta khổ thôi vì còn mãi lo toan.

- Khi nào mi đi tu? Chờ con gái lấy chồng hở?

- 2 năm nữa nó ra trường thạc sĩ thì ta đi luôn. Lo cho ông chồng xong coi như trả được nợ cho ổng, giờ phải lo trả nợ cho con gái mới xong bổn phận.

- Sao mi nghĩ là mi nợ ông chồng mà không nghĩ là ông ấy nợ mi. Kỳ dzậy?

Cô nàng cười:

- Ta trả cho ảnh nợ đời để ảnh nợ ta thứ khác. Nợ về đạo thì trả khó lắm mi ơi.

- Con ni! Mi đi tu làm việc thiện thì đừng đòi hồi báo. Hèn chi tu hoài không xong. À, sau này mi đi tu có đem theo cell phone không để thỉnh thoảng ta gọi thăm tán dóc cho vui?

- Con khỉ! Đi tu là cắt đứt chuyện đời mà mi còn đòi ta đem theo điện thoại tán dóc.

- Vậy là hai đứa mi xem như chia tay nhau hở? Theo như mi nói thì vợ chồng mi sẽ cùng đi tu nhưng sẽ không gặp mặt, không liên lạc nói chuyện, không quan tâm tới nhau nữa. Coi chừng có người kiện đó nghe!

Cô nàng ngạc nhiên hỏi:

- Ai kiện?

Tôi cười phá:

- Thì luật sư kiện chứ ai. Ly dị mà không phải mất tiền!

Tôi tính lên kế hoạch cưng chồng mà nói chuyện với bạn xong, nghĩ đi nghĩ lại, thấy không cưng cũng mất mà cưng quá cũng mất vì đời này sao lắm cách mất chồng.

Thôi thì cứ để tự nhiên, con người cũng như giày dép đều có số cả mà. Biết đâu kiếp trước ảnh nợ tôi nên kiếp này tôi đòi nợ. Duyên trời đã định thì chạy sao cho thoát!

Thanh Mai

Ý kiến bạn đọc
27/04/201316:45:20
Khách
Bài viết dí dỏm sinh động,nhưng có giá trị trong cuộc sống hằng ngày.Vợ chồng nên quan tâm chăm sóc lẫn nhau.Cám ơn tác giả./.
10/04/201315:35:25
Khách
Con người có số, đó là sự thật. Từ khi qua Mỹ đến giờ, đụng chạm, kinh nghiệm sống làm tui tu luôn.
Sao mà dân ở Mỹ sợ nhau thế , có phải vì tính tình quá xấu xa. VN mình đâu có vậy.
Có phải vì cuộc sống quá khó khăn.
Có ( chồng hay người yêu) cũng cày, có thời giờ đâu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,186,430
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài viết mới của Đoàn Thị cho tháng Tư năm nay là một chuyện tình. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ khi tuổi ngoài bát tuần. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết đầu tiên là thư kể về mùa đông băng giá khác thường tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ. Bài viết thứ tư của bà kể về nỗ đau của “những ngày tháng Tư xưa ào ạt dày vò.”
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County.
Cuối tuần này, 20 và 21/04/2019, chương trình thăm viếng và an táng “Ó Đen” Lý Tống được tổ chức tại nghĩa trang Westminster Memorial Park, Orange County. Xin mời đọc bài viết đặc biệt của Sapy Nguyễn Văn Hưởng.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westmister. Tham dự Viết về nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã lần lượt nhận giải Đặc Biệt 2016, giải Danh Dự VVNM 2017 và giải Vinh Danh Tác Phẩm 2018.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô cho mùa Phục Sinh và Tháng Tư 2019.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả sinh năm 1957, cư dân Santa Ana, đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ với những bài viết cho thấy tình thương yêu và ý chí của một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến