Hôm nay,  

Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân

16/03/201300:00:00(Xem: 293936)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là một tự sự. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

Ánh nắng rực rỡ chiếu lên qua màn cửa sổ làm tôi tỉnh giấc và thoáng nghe chút reo vui trong lòng. "À, hôm nay có nắng". Ở miền Đông Bắc này vào mùa Đông kiếm một này nắng ấm thật khó. Thế nào, lát nữa đây khi vào chổ làm, mấy đứa Mỹ cũng hí hửng nói với nhau "beautiful today" mặc dù TiVi cho biết chỉ là 390F. Như vậy là good news rồi vì suốt tháng nay, mọi người đi, về với cái lạnh trên dưới 300, có khi về đêm chỉ còn 8, 90F.

Lạnh, lạnh dữ dội, gió mạnh và tuyết ơi là tuyết. Mới tháng 10 năm ngoái, cơn bão Sandy điên cuồng quét qua New York, New Jersey tàn phá không biết bao nhiêu nhà cửa, cây cối, kho hàng... giết hại nhiều mạng người... đến nổi Quốc Hội Hoa Kỳ phải đồng thuận viện trợ đến 52 tỷ rưỡi Mỹ kim. Chưa hết, Tết Âm lịch vừa qua, trong khi bao gia đình Việt Nam ở California đón Tết vô cùng "hoành tráng" thì cơn bão tuyết ập đến nơi này, nhất là vùng New England, tuyết dày hơn 3 feet. Nơi chúng tôi ở, chỉ "sương sương" 3, 4 inches. Ba bốn inches tuyết chỉ là chuyện nhỏ, chuyện lớn là gia đình tôi được thêm người: con gái lớn sinh con đầu lòng trong ngày mùng 2 Tết. Mẹ thì "thanh lịch" không đầy 100 pounds, mà con thì "bự sự" 8 pounds 5 ounches. Vậy là tôi "nghiễm nhiên" thành Bà Ngoại ngon ơ (dù hơi trễ tràng) để cho ông xã tôi khỏi "nạt nộ" mỗi lần tôi gọi ổng là "Ông Ngoại": "Có đâu mà gọi"...

Tôi đến bệnh viện phụ sản vùng Vorhees, New Jersey thăm con và cháu khi trời mưa lâm râm. Mùa Đông ở đây, ông trời "mặt ủ mày chau" là chuyện thường. Màu trời thật buồn mà lòng tôi rộn rã. Tôi mừng là con tôi được sinh nở trong hoàn cảnh đầy đủ, cơ sở vật chất sạch đẹp, khang trang, với sự chăm sóc chu đáo của các bác sĩ, y tá. Hai mươi mốt năm ở xứ người, lần đầu tiên tôi đến đây với sự thán phục, ngạc nhiên và tôi chạnh nghĩ đến mình ngày trước.

Làm sao nói hết nỗi cơ cực của tôi khi sanh con đầu lòng, bé Quỳnh của tôi năm 1975, năm lịch sử đen tối của nhân dân miền Nam Việt Nam. Tôi nhớ rất rõ ngày 18/9/1975 ngày đổi tiền đầu tiên, khi mọi sự đi lại đều bị cấm ngặt. Số tiền chúng tôi ở Saigon ngân hàng dĩ nhiên mất trắng mà số tiền tôi dành dụm để sanh nở cũng không còn. Nhà tôi là Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, dĩ nhiên, bị tóm cổ tập trung cải tạo từ tháng 6/75 sau nửa năm "hương lửa đương nồng". Nguyễn Du dùng chữ "động lòng" cho Từ Hải, riêng tôi, tôi phải dùng "động lòng trời" mới đúng cho hoàn cảnh những người vợ lính như chúng tôi. Cháu Quỳnh mới sinh, sửa mẹ chưa có, gia đình không vào được, bác sĩ y tá không vào được ca trực; gây ra tình trạng bệnh nhân không cơm cháo, thuốc men; quần áo dơ, huyết sản phụ ngập ngụa khắp sàn nhà. Mẹ không có thức ăn, con không sửa bú, cả mẹ lẫn con đều khóc. Mẹ phải quấn con bằng giấy báo, dỗ dành con dọc hành lang bệnh viện Từ Dũ mà khóc ngất từng cơn.

Dòng chảy của trang viết bỗng dưng nghẽn mạch vì những giọt nước mắt. Trời, mình mà cũng khóc được sao? Tôi tự hỏi! Chuyện qua lâu rồi mà! Phải, chuyện lâu rồi, gần 40 năm rồi còn gì? Thế mà, tôi tưởng chừng vừa mới hôm qua.

Tôi sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, Ba tôi chỉ là người bần nông. Nhưng bằng tất cả sức lực, sự hy sinh vượt khó, sự quyết tâm, Ba tôi giúp các con có được trong tay bằng Đại học để bước vào đời. Tháng 4/75 tôi chỉ mới 26 tuổi, vừa bắt đầu tình yêu và sự nghiệp thì "nước chảy, bèo trôi". Tôi biết có những người chung quanh còn khổ hơn tôi nhiều và làm sao diễn đạt hết những đớn đau, những phân ly đôi đoạn mà bọn người "nón cối dép râu" đã đem lại. Họ có phải là "đồng bào" của chúng ta không? Khó nói. Đã 38 năm sau Tháng Tư 1975, tưởng chừng nỗi uất ức hận thù kia nguôi ngoai theo năm tháng và tuổi tác chồng chất, nhưng sao nó vẫn chảy ngược vào trái tim lúc nào cũng hừng hực lửa nóng?

Ba tôi mất đi năm 80 sau cơn bạo bệnh, có lẽ vì sự thất vọng tủi hờn khi nghĩ đến con, đến rể trong lao tù Cộng sản "biệt mù san dã" không biết ngày về; và anh trai tôi, người thầy của tôi, cũng vĩnh biệt chúng tôi 5 năm sau đó, khi vừa mới ra tù. Chị dâu và hai cháu tôi phải lang thang đói khát, phải đớn đau tủi hờn ở lại Việt Nan hơn 20 năm.

Bây giờ là tháng Ba năm 2013. Quốc Hội lưỡng viện đang phân vân về việc cắt giảm 85 tỷ Mỹ kim ngân sách quốc gia, trong đó Quốc phòng và Giáo dục bị ảnh hưởng thật lớn. Có thể 40.000 giáo viên sẽ không còn giữ được job của mình. Tôi quan tâm đến chuyện này vì tôi cùng nghề với họ khi còn ở Việt Nam. Tôi có 22 năm dạy học ở quê mình và cũng có chừng ấy năm làm "culi job" ở quê người. Nhiều lúc, tôi không hiểu sao mình còn sống, còn làm việc tới bây giờ khi bắt đầu bước vào cái tuổi "thất thập cổ lai hi"

Bây giờ là tháng Ba. Đời tôi luôn có những tháng Ba kỳ diệu. Tháng Ba 92 tôi rời Sài Gòn đến Mỹ. Khi chiếc Air Việt Nam cũ kỹ rời không phận Sài Gòn sang trại Sam Plu Thái Lan tôi bật khóc. Tôi nghĩ mình sẽ không còn bao giờ trở lại Việt Nam với mẹ và các em, và tôi muốn quên những đau buồn ngày cũ; cũng như tôi muốn quên những hăm hở đam mê của thời mới lớn khi vừa rời khỏi đại học với tình yêu, sự nghiệp rực rỡ bắt đầu. Tôi muốn quên "những tháng ngày êm ả" với bè bạn ở sân trường Đại Học Văn Khoa, Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, chìm đắm trong văn chương chữ nghĩa lãng mạn của thơ ca Đinh Hùng, Nguyên Sa, Vũ Hoàng Chương, những nôn nã yêu đương táo bạo của Nguyễn Thị Hoàng, những uất nghẹn tê tái của Nhã Ca, những sống sượng trần tục của Nguyễn Thị Thụy Vũ... Bạn bè tôi bây giờ ở đâu, có lẽ "đứa chìm sâu đáy nước, đứa lưu lạc phương trời" như câu viết của nhà báo Bùi Bích Hà chăng?

Bây giờ là tháng Ba. Trên đường đến chổ làm, qua những hàng cây trơ xương, tôi bổng thấy thật gần chi chít những nụ ơi là nụ, những chồi xanh lộc biếc này đã báo hiệu mùa xuân. Mùa xuân ở đây thật đẹp và luôn rõ rệt 4 mùa. Tháng tới, chắc sẽ có nhiều flowers show. Tôi ít có dịp gặp đồng hương vì ở quanh đây, người Việt Nam không nhiều.

Trong năm đầu đến Mỹ, lần đầu trong tiệm thực phẩm Á Đông, tôi nghe tiếng Việt từ một cô gái trẻ "Má ơi, ở đây có bún tàu nè". Giọng nói reo vui làm tôi muốn khóc. New York City là thành phố lớn tập trung hàng trăm sắc dân khác nhau, nên gặp được người Việt Nam thật khó. Chúng tôi đã "lưu diễn" nhiều tiểu bang thuộc miền Đông Bắc này và trong công việc, đều làm chung với người bản xứ, nên gần như không có bạn đồng hương.

Những người bạn Mỹ của tôi già có, trẻ có, đa số là đàn ông, vài người là cựu chiến binh đã từng tham chiến ở Việt Nam. Tôi có Frank là sĩ quan Navy ở Đà Nẵng, Khe Sanh những năm 69, 70, 71 lúc nào gặp tôi cũng lơ lớ "lại đay, lại đay, khòe không, khòe không" và đòi tôi cho nó Egg rolls. Tôi có Thomas cao, gầy, gặp tôi là nói chuyện "nước mắm". Tôi có bà Thelma hàng xóm lớn hơn má tôi 1 tuổi (93) luôn miệng nói "You're my angel" vì tôi hay giúp bà clean up nhà cửa, nhận shopping list của bà, đi chợ giúp bà. Người ta nói người Mỹ lạnh lùng, không tình cảm, phớt tỉnh ăng-lê, nhưng theo tôi, không hẳn như vậy. Họ có cách biểu lộ tình cảm đằm thắm, chân tình. Tôi nhớ rất rõ, một lần nơi chỗ làm cũ của tôi, tôi cả gan ngoắc luôn xe police xin quá giang. Hôm ấy, sau một đêm tuyết nặng, nhiệt độ xuống thấp, tuyết thành icy thật là trơn trợt. Từ bến xe bus vào chỗ làm, tôi phải lội bộ một đoạn đường. Đoạn đường này cong theo thung lũng, mùa hè rất đẹp với hai hàng hoa anh đào rực rỡ, mùa thu với trùng điệp tàn lá thay đổi đủ thứ sắc màu, thật lãng mạn nên thơ. Tôi lúng túng vì không bước nổi. Lúc đó, tôi thấy xe police chạy gần đến chổ mình đang đứng, tôi ngoắc ra hiệu xe ngừng và nói lý do. Người cảnh sát trẻ, đẹp trai chở tôi đến sở làm và hỏi tôi mọi thứ chuyện trên đời. Anh ta nói anh take care vùng này về an ninh, và drop tôi ngay cửa tiệm super market. Tụi Mỹ tưởng tôi bị police bắt và bật cười khi tôi nói rằng chỉ "give me a ride". Về nhà, tôi kể chuyện, con gái tôi nói "Má thiệt là... cùi không sợ lở"

Tháng Ba năm ngoái, tôi quyết định bỏ job cũ, nơi tôi làm việc gần 10 năm để apply job mới gần nhà. Con gái nhỏ nói: Trời ơi, má nghĩ sao vậy, ai lại mướn bà già 63, 64 tuổi, tiếng Anh tiếng U "ù ù cạc cạc" như má? Vả lại, đây là công ty lớn nổi tiếng, họ chỉ mướn Mỹ trẻ, năng động, biết computer, còn má thì...".

Dĩ nhiên là hai đứa nhỏ không giúp tôi điền đơn online. Tôi cầu cứu cô em dâu. Cô ấy vừa lên net vừa gọi hỏi tôi về "quá trình hoạt động", lý lịch để điền đơn. Đơn xin việc chưa kịp submit thì hôm sau, công ty gọi tôi đến interview lần đầu. Tôi thật sự vui mừng, khăn áo chỉnh tề, bất chấp lời xì xầm của hai đứa con gái: "Mỹ nó gặp Má, việc trước tiên là Thank you và đuổi về"

Sau hai ba lần interview, thằng Chad gọi tôi: "Congratulations, you're hired". Tôi mừng húm, cười toe toe cả ngày, nhưng cũng keep secret hàng ngày đi làm, chưa nói gì cho công ty cũ biết. Đến ngày orientation mới là "lịch sử". Hôm đó ngày 15/3 có mặt đông đủ "cốm kẹo" của công ty: store manager, chef cook, restaurant manager, employee representative. Một người trong số họ nói rằng suốt mấy tháng trời họ đã interview gần 7.000 người để chọn ra 600 hoặc 650 employees. Trời đất, bà già nhà quê già khằn khú đế như tôi mà cũng lọt vào danh sách 10% lựa chọn của họ nữa sao?

Sau đó, chúng tôi được chia thành nhiều nhóm nhỏ, để tự giới thiệu tên tuổi và department mình làm việc. Nhóm tôi chừng 25 người, đa số là giới trẻ Mỹ, lác đác vài người già như tôi (chắc tôi già nhất), Nhìn quanh, chỉ có tôi là người Việt Nam và một cô gái trẻ người Campuchia vừa tốt nghiệp Đại học ở Mỹ. Sau khi 5, 7 đứa Mỹ đứng lên lí nhí nói vắn tắt về mình là tới phiên tôi. Trời đất thiên địa ôi, không biết ma trêu quỉ ám gì mà tôi nói một hơi dài. Tôi nói mê man như chưa bao giờ được nói. Đại khái tôi nói với họ rằng: Tôi có vốn liếng tiếng Anh không nhiều, không đủ để diển tả tình cảm của tôi lúc bấy giờ, nhưng tôi rất vui khi được làm việc với nhiệm sở mới. Đó là Target, là "điểm nhắm" của tôi. Tôi nói sơ lược về tôi, gia đình tôi đến Mỹ đã hơn 20 năm. Tôi vô cùng cám ơn nước Mỹ, người Mỹ đã có "cánh tay nối dài" vượt nghìn trùng đại dương để save hàng trăm ngàn sinh mạng người Việt Nam vượt biển, hoặc bằng cách này, cách khác mang chúng tôi đến nơi này để chúng tôi quên hận thù và thêm thắt nổi yêu thương. Tôi không biết rõ mình nói trong bao lâu, chắc khoảng vài ba phút, mà tràng pháo tay nổ không ngừng, như pháo Tết. Tôi quá đổi xúc động, ngồi xuống sau lời cảm tạ họ. Bà Mỹ ngồi bên tôi ôm vai tôi vỗ về: "You are so beautiful"

Tôi thấy người Mỹ thiệt ngộ. Họ tưởng ai cũng như họ. Họ mướn công nhân làm việc tay chân lại đòi hỏi computer update. Điều này thật khó cho đám nhà quê ngớ ngẩn như tôi. Tôi biết trước nên cũng rán học "bấm bóp" ngày đêm trên computer để vượt qua cái test dài hơn 6 tiếng đồng hồ về chuyên môn. Đây là loại super market nổi tiếng ở vài tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, có cả international food và restaurant. Tiệm open 24/24, công nhân trên 600 nên cái policy của nó cao lắm. Tôi toát mồ hôi hột với computer từ 8 giờ sáng tới 2 giờ chiều chỉ với 15 phút take a break. Có nhiều chữ tôi đâu hiểu nghĩa là gì, phải xây qua hỏi con nhỏ Mỹ bên cạnh, kêu gọi sự trợ giúp của Patti, Mary (sau này tôi mới biết tụi nó là xếp lớn của tôi). Cuối cùng, tôi cũng nhận được cái "bằng cấp" tại chỗ "hoàn thành xuất sắc" bài test khó nuốt nhất của đời mình.

Bây giờ là tháng Ba. Mùa xuân sẽ trở về theo qui luật tự nhiên của đất trời như mọi lạch, mọi sông đều đổ về biển cả. Điều làm tôi xúc động là cái equal, sự bình đẳng ai cũng được cư xử như nhau, và sau buổi orientation đình đám kia, tôi được nhiều người biết tới. Có thể, tôi là người Việt Nam duy nhất trong số chục người Tàu, một hai người Campuchia, người Nga, người Nepal, Turkey... Mấy người Mỹ không tin vào số tuổi của tôi, tụi nó nói tôi chừng 50, vì so với họ, tôi nhỏ chéo, lùn xủn. Đám trẻ co-workers của tôi hay gọi tôi: "My friend" hay "My little friend". Tôi làu bàu nói trong bụng "Tao là bà nội, bà ngoại của chúng mày, chứ pheng phung gì với mày". Mấy đứa Mỹ thật dể thương. Với cộng đồng Mỹ. Tôi nhận ra rằng, với chúng ta, họ có văn hóa khác biệt, ngôn ngữ bất đồng, Đông-Tây khó gặp, nhưng họ cũng có trái tim biết yêu thương, căm giận như mình. Trái tim của họ tràn đầy sự bình đẳng, vị tha, yêu chuộng tự do và nhất là quí trọng con người.

Tôi có thói quen đọc sách về đêm để dỗ dành cơn mất ngủ thường trực. Nhiều đêm, đèn hiu hắc bóng một mình, tôi cúi xuống thật gần trên trang sách mà tủi thân, mà trách mình thật nhiều. Hơn 20 năm ở xứ người, ngoài việc cùng chồng mang hai đứa con sang Mỹ, chắt chiu từng đồng bạc nuôi dạy chúng ăn học nên người, chúng tôi không đủ tự tin trở lại sân trường Đại học, chưa đóng góp được gì cho xã hội Mỹ, cho cộng đồng Việt Nam, chỉ quẩn quẩn quanh quanh với áo cơm "biu bọng" đời thường.

Tháng 3. Tôi bắt đầu bước vào tuổi 65. Tôi đã già, nhưng, những "chồi non lộc biếc" thế hệ thứ hai, thứ ba ngày nào cùng ông bà mẹ cha vượt biển, hay được sinh trưởng ở Mỹ này, sẽ làm nên "Mùa Xuân Việt Nam". Tôi nức lòng khi biết về họ. Họ đã, đang xây dựng thành công cộng đồng Việt Nam lớn mạnh ở Cali, Texas, North Carolina... Họ đã có sự nghiệp vững chắc về khoa học, về y dược, văn hóa xã hội, về truyền thông báo chí và thực sự bước vào dòng chính. Tên tuổi của họ nhan nhãn trên báo chí, truyền thanh, truyền hình Mỹ. We pround of you! Xin mượn dòng văn của thi sĩ Đinh Hùng để nói với họ: "Thôi, tôi bước qua nhường chổ cho các em, chúc các em muôn nghìn tươi đẹp"

Ngày xưa, khi còn dạy học ở Sài Gòn, tôi rất khổ sở về ngày 26/3: ngày thành lập Đoàn. Trái lại, cũng chính ngày 26/3/1992 ngày đầu tiên đến Mỹ, là ngày thành lập Đời của tôi với bao nhiêu là hạnh phúc.

Nói về mình thật khó nghe và viết về mình cũng thật là khó... đọc. Nhưng trang viết về nước Mỹ là nơi cả người đọc người viết đều rộng lòng chia xẻ. Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã cùng theo tôi qua trang viết, một sở thích mà tôi đã từ bỏ nhiều năm.

Chiều nay, sau giờ làm việc, tôi sẽ phone cho Frank, cho Thomas để khoe về đứa cháu ngoại của mình.

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
01/02/201621:55:21
Khách
Co Linh oi!
Tui em luc nao cung nho*' ve nhung bai tho co day cho tui em 30 nam ve truoc. Ca'm on nhung dong chia se cua co, Rat mong co' co hoi gap lai co.
Hoc tro cua co
A1 Nguyen Trai
20/03/201305:05:24
Khách
Bài viết thật hay, cảm động. Một bài tự sự, tự tình đúng hơn. Chúc chị luôn được mạnh khoẻ để có những bài viết hay, sâu lắng khác. Cảm ơn rất nhiều.GN.
16/03/201310:25:13
Khách
Cai toi that dang ghet ! Nhung trong bai viet nay, cai toi that la hay va cam dong lam. Xin cam on va chuc chi gap nhieu may man & va hanh phuc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,211,196
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến