Hôm nay,  

Hãy Nghĩ Về Tuổi Già

05/03/201300:00:00(Xem: 284372)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân San Diego, đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Lần thứ nhất là bài “Hoa Ve Chai”, giải bán kết năm 2001. Năm 2004, ông nhận thêm giải chung kết với bài “Giọt Nước Mắt”, chuyện kể về việc một kiến trúc sư gốc Việt là tác giả bản vẽ Đài Tưởng Niệm trong Trung Tâm Học Viện Thời Chiến Việt Nam Bang New Jersey.

Tuy rời Việt Nam lúc mới 13 tháng tuổi, nhưng ngay từ hồi còn bé, Vinh vẫn thường hay hỏi han người lớn nhiều câu có dính líu tới quê cha đất tổ, nhất là về cuộc chiến huynh đệ tương tan vừa kết thúc vào đầu mùa Xuân 1975. Đến khi bước vào ngưỡng cửa đại học, Vinh chọn ngành Phê Bình Văn Học. Kể từ đó Vinh có dịp học hỏi thêm nhiều về các môn liên quan đến văn hóa, văn học, lịch sử Việt Nam. Rất có thể nhờ vậy mà sự gần gũi, thân thiết giữa Vinh với ông nội ngày càng sâu đậm thêm.

Trò chuyện với cháu, lần hồi ông Tám nhận ra: Sự hiểu biết về quê hương đất nước trong ông tương đối hạn hẹp, chủ quan, bởi hầu hết được kết hợp toàn bằng kinh nghiệm sống, những gì mắt thấy tai nghe qua gần nửa thế kỷ sinh ra và lớn lên ở nơi đó. Riêng Vinh, ngoài những điều gom góp từ lời kể của ông bà, cùng các bậc cha chú, Vinh còn quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu trong sách vở, nơi học đường và biết bao ngày miệt mài ở các thư viện hay trên internet. Cho nên tuy hai ông cháu nói với nhau toàn những chuyện cũ, nhưng đề tài lại luôn mới mẻ, hấp dẫn vì nhiều bí mật trong quá khứ theo dòng thời gian lần lượt được bật mí ra thêm.

Cái nhìn của ông Tám và Vinh về cùng một vấn đề đôi khi mỗi người mỗi hướng, mỗi quan điểm, khiến hai ông cháu càng hăng say luận bàn. Có lẽ nhờ sự khác biệt đó mà ông Tám thấy rõ cái bản chất “kính lão đắc thọ” luôn đầy ắp trong lòng đứa cháu. Bởi không muốn ông buồn, nên hiếm khi Vinh làm ông phật ý. Rất có thể nhờ cái tình yêu thương và tôn trọng người già cả đó mà ông Tám cảm thấy mình học hỏi được từ đứa cháu còn nhiều hơn những gì ông truyền đạt cho nó. Tính tình ông ngày cũng một cởi mở ra thêm, nên hễ có dịp giáp mặt, một già một trẻ thường say sưa nói với nhau đủ mọi thứ chuyện, từ nhân tình thế thái, cho đến văn học, nghệ thuật, đôi lúc lan cả sang lãnh vực điện ảnh, thể thao, chính “chị”, chính “em”,…

Ông Tám thích nơi Vinh cái bản tính, cũng có thể xem như cái tật: nghe hỏi một đường lại đáp một nẻo, nhưng ráp lại thì câu hỏi, lời đáp thường ăn khớp với nhau. Ông vẫn còn ghi nhớ trong đầu câu chuyện xảy ra từ hồi chân ướt chân ráo đến Mỹ. Vào một buổi chiều cuối tuần, cô con gái thứ Năm của ông học được cách làm món chuối chưng. Nấu nướng xong, cô gọi mời hết cả nhà tới để khoe tài. Mấy đứa cháu nhỏ khác lo ăn cho thật nhanh rồi rủ nhau ra sân trửng giởn. Chỉ còn mỗi mình Vinh cứ ngồi nhơi mãi trước đĩa bánh, nên mới bị cô Năm đến đứng bên cạnh nhỏ nhẹ trêu chọc:

- Con có muốn ăn thêm nữa không?

Vinh cũng không vừa đáp lại:

- Dạ, thưa cô Năm, con chưa ói!

Ông Tám thích luôn cái cách Vinh đặt câu hỏi theo lối “giăng bẫy”. “Giăng bẫy” để câu chuyện thêm vui, thêm ý nhị, chớ hoàn toàn không chủ ý hãm hại hay lừa gạt một ai. Tuy đã biết rõ tính tình cháu, vậy mà lâu lâu ông vẫn bị sập bẫy như thường:

Mới hồi tháng trước đây thôi, Vinh khiến ông chưng hửng bằng một câu hỏi tưởng như bông đùa trong điện thoại:

- Bố mẹ con và các cô chú đã sửa soạn mừng thượng thọ ông nội chưa?

Bởi chưa kịp nhận ra ý Vinh, ông Tám hoãn binh bằng cách phiền trách cháu:

- Bộ con không nhớ tuổi ông nội sao? Đầu tháng tới ông mới 79, còn hơn cả năm nữa ông mới được thượng thọ!

Ông Tám nói dứt câu, Vinh kéo dài giọng ra trách đùa:

- Sao ông nội theo Tây sớm vậy?

Ông Tám đùa theo:

- Con có biết hồi còn ở ngoài Bắc, ông từng bỏ làng trốn lên mạn ngược theo Việt Minh kháng chiến chống Pháp hơn 3 năm không? Con đã không biết lịch sử anh hùng chống Tây của ông nội rồi, mà lại còn dám cả gan chụp mũ bảo ông theo Tây nữa! Con thật đáng tội đó!

Vinh cười cả lời ông buộc tội lẫn việc ông chưa nhận ra lối dùng chữ của mình:

- Ông nội trách lầm con rồi, ý con muốn nói mừng thọ là mừng theo lề lối của người Việt Nam, không thể tính theo tuổi Tây như ông nội được!

Tới nước này, ông Tám không trả lời trả vốn gì được nữa. Phần Vinh vẫn tiếp tục hỏi han như cố tình kéo dài thêm cuộc trò chuyện giữa hai ông cháu:

- Con đố ông nội từ 1 tháng Tư đến 1 tháng Năm cách nhau bao nhiêu ngày?

Giờ thì ông Tám nhận ngay ra cái bẫy Vinh giăng, nhưng vẫn làm bộ đáp:

- Vớ vẩn! Thì 30 ngày chứ mấy!

- Ông trả lời gấp gáp quá! Nên đâu có biết con hỏi ông nội ngày Ta hay ngày Tây!

Ông Tám liền tươi cười cải chính:

- Nếu con hỏi ngày Ta, thì ông nội trả lời lại. Tháng đủ có 30 ngày, còn tháng thiếu chỉ 29 ngày thôi.

Vinh cố tình nói thật chậm:

- Một lát nữa ông nội dở quyển lịch năm nay ra đếm cho thật kỹ. Ông nội nhớ là con hỏi ngày Ta chứ không phải ngày Tây đâu nghe.

Lần này quả thật ông Tám không nhận ra ý Vinh muốn gì, nên khỏa lấp bằng cách tiếp tục bông đùa:

- Không có thằng cháu đích tôn cưng này chỉ bảo, chắc ông nội không biết mình mấy tuổi nữa!

Vinh vui vẻ kể tiếp:

- Con đã nói chuyện mừng thượng thọ ông nội với bố mẹ con rồi. Con cũng vừa xin nghỉ một tuần phép và mua xong vé máy bay để về San Diego mừng ngày ông nội được thượng thọ.

Rồi Vinh hạ giọng:

- Con nói riêng cho ông nội biết, bữa hôm đó con sẽ “tuyên bố” để cả nhà mừng thọ luôn cho con nữa. Vì nếu tính theo âm lịch, ngày tháng sinh của con trùng với của ông nội, đều là mùng hai tháng Hai.

Ông Tám lại cười.

- Chỉ mừng sinh nhật của con thôi! Chứ mới ngoài 30 thì đâu có ai gọi là mừng thọ!

- Ông nội có biết: nếu ông nội sống thọ, sẽ di truyền sự sống dai đó sang cho con cháu không? Con may mắn được làm cháu ông nội, và con tin, con sẽ sống thọ giống như ông nội vậy. Con muốn mừng thọ sớm ít chục năm, để trong ngày đó có cả ông nội dự nữa. Bữa đó hai ông cháu mình mặc áo dài khăn đóng hết nghe ông nội.

Trước cái lập luận ngược đời, ngộ nghĩnh, tréo cẳng ngỗng, ông Tám chẳng biết nói gì hơn, mà còn khiến ông phải nghĩ ngay đến việc tìm mua một món quà nào thật ý nghĩa, để mừng thượng thọ cho thằng cháu của mình.

Rồi đến lúc dở quyển lịch ra xem, ông Tám mới tỏ tường cái điều bí ẩn trong câu hỏi về ngày tháng năm mà Vinh cố tình “gài bẫy” ông. Chỉ với vài câu hỏi đơn sơ, lắc qua, léo lại, ông đã bị thằng cháu đích tôn sút thủng lưới những ba lần. Năm con Rồng 2012 là năm nhuần, có tới 2 tháng Tư. Vì vậy tuy nói cách nhau chỉ có 1 tháng, nhưng khi dở từng tờ lịch của tháng Tư lên, ông Tám đếm được những 59 tờ.

Nhìn ra cái điều lý thú đó, ông Tám ngả lưng xuống chiếc sô pha, lim dim đôi mắt hưởng thụ cái hạnh phúc nho nhỏ vừa được đứa cháu ban tặng riêng cho ông. Và nếu Vinh không kịp nhận ra sự việc ông “theo Tây” thì chắc chắn ông sẽ mừng thượng thọ của mình trễ đi mất hơn một năm trời.

Những giờ phút ấm cúng, ngập tràn niềm hạnh phúc trong lễ mừng ông Tám thượng thọ, mà con cháu đặc biệt tổ chức riêng cho ông đã êm đềm trôi qua, và đứa cháu ông thương ông quý cũng vừa rời xa ông, để trở lại với công việc thường ngày. Nhưng dư âm những điều hai ông cháu trao đổi với nhau vẫn còn xoáy trong đầu, khiến ông luôn phải bận tâm suy nghĩ.

Thả mình xuống chiếc võng, đong đưa nhìn ra khu vườn sau nhà vắng vẻ, ông Tám lim dim đôi mắt, hình dung lại cái buổi chiều trước hôm cháu ông rời San Diego. Vinh đã ghé tạt qua nhà hỏi mời ông:

- Ông nội có muốn qua bên bán đảo Coronado dạo chơi và ngắm cảnh trời chiều với con không?

Ông Tám đoán, chắc Vinh muốn hỏi han hay cần trao đổi riêng với ông một điều gì đó, nên gật đầu ngay. Thế là hơn nửa giờ sau, hai ông cháu cởi hết giày vớ bỏ lại trên xe, để chân không dẫm đi trên cát. Rong rêu buổi chiều hôm đó chẳng biết rủ nhau tắp vô phương nào, nên bãi biển thật sạch, đẹp mượt mà, đẹp sang cả. Màu mái đỏ sậm của khu lâu đài khách sạn Del Coronado càng nổi bật thêm dưới bầu trời xanh trong cuồn cuộn những chùm mây trắng. Bên dưới, biển cũng xanh thẳm, uốn lượn dọc theo các bãi cát mịn màng. Người phơi mình dưới ánh nắng, kẻ nhấp nhô trên từng đợt sóng liên tục vỗ vào bờ. Mỗi người ra đến đây tận hưởng khung cảnh trời biển, núi non hữu tình bằng một cách riêng. Phần hai ông cháu, cứ dọc theo mé nước chậm rãi bước đi. Chốc chốc Vinh lại sải bước, rồi mừng thầm, khi thấy ông Tám vẫn ở sát bên mình. Đi thêm một lúc nữa, Vinh mở lòng mình ra:

- Xa San Diego có rất nhiều điều để con nhớ. Ngoài những người thân trong gia đình ra, con nhớ nhất là các bãi biển trong lành, toàn cát trắng mịn màng, dẫm lên giống như đôi bàn chân được xoa bóp. Tuổi già mà được sống nơi thành phố đẹp nổi tiếng này, là niềm mơ ước của rất nhiều người dân Mỹ và cũng là của riêng con nữa.

Nói đến đây, Vinh xoay qua trìu mến nhìn ông Tám rồi mới nói tiếp:

- Mỗi khi nhớ tới ông bà nội, con lại nghĩ về tuổi già, thì ngay lập tức câu “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” tự dưng lại hiện lên trong đầu con. Cho nên bữa nay con muốn hỏi riêng ông nội về 4 chữ này.

Ông Tám vốn biết, mỗi khi nêu vấn đề gì ra, Vinh thường tìm hiểu khá kỹ càng và luôn có sẵn cái nhìn riêng cho mình. Cái nhìn đó đôi khi có vẻ hơi ngược đời, khiến ông chau mày, rồi còn phải mất khá nhiều thời gian nghiền ngẫm. Khác với mấy lần trước, lần này bước đi dưới cái nắng ấm áp của một buổi chiều cuối đông, ông Tám lại muốn nghe Vinh nói nhiều hơn. Nên ông chỉ nhắc tới vài điểm chính yếu vừa thoáng hiện lên trong đầu:

- Theo chỗ ông biết, có khá nhiều người nghĩ rằng: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là một định luật của tạo hóa dựng nên cho con người. Không ai có thể thoát ra khỏi và thay đổi được cái định luật đó.

Đợi mãi vẫn không nghe ông Tám nói gì thêm, Vinh hiểu ông nội muốn biết những gì mình đang nghĩ, nên chậm rãi tỏ bày:

- Riêng con thì không có thể xem đó là một định luật được.

Vinh ngừng nói, len lén nhìn xem ông nội có phản ứng gì không trước cái kết luận đột ngột của mình. Thấy ông vẫn đều bước, Vinh nói tiếp:

- Sở dĩ con không xem “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là một định luật, vì nếu là định luật thì cả 4 điều đó đều phải tuần tự xảy đến cho mỗi một con người, không khước từ bất cứ một ai. Trước khi bàn về chữ “sinh”, chữ đầu tiên của câu nói này, con xin kể một câu chuyện vui vui, để ông nội dễ đồng cảm với những gì con nghĩ. Chuyện là như vầy: Có một người đàn bà lái xe trên xa lộ. Tuy chỉ một mình ngồi trên xe, nhưng bà ta lại lái vào “lane car pool”. Ông nội có biết “lane car pool” là gì không?

- Là cái “lane” dành riêng cho mấy chiếc xe có từ 2 người ngồi trên đó trở lên. Nha lộ vận lập ra “lane car pool” này để khuyến khích người dân đi chung xe, hầu giảm bớt nạn kẹt xe trên xa lộ.

Vinh gật đầu kể tiếp:

- Vì vậy bà ta bị cảnh sát chận lại và cho giấy phạt. Bà này không chịu nộp phạt. Ngày ra hầu tòa, bà nêu lý do là mình đang mang thai, nên có quyền xử dụng “lane car pool”. Khi vị quan tòa không chịu xem cái thai là một con người, bà liền trưng ra phán quyết của một tòa án tuyên phạt tử hình một người đàn ông về tội giết chết 2 mạng người, bởi ông này đã sát hại một người đàn bà đang mang thai. Nghe biện hộ xong, quan tòa tha cho bà cái tội một mình lái xe vào “lane car pool”. Nhưng lại kết án bà về tội trong xe có một người không thắt dây an toàn.

Vinh nói tới đó, ông Tám nhún vai cười hỏi:

- Rốt cuộc rồi bà ta cũng bị phạt?

- Vâng, thưa nội, bà ta vẫn bị phạt. Nhưng nếu vụ này xảy ra cho con, con sẽ hỏi quan tòa, chỉ cho con biết: làm cách nào để thắt dây an toàn cho đứa bé còn trong bụng?

Ông Tám liền châm chọc:

- Nhưng trước tiên con phải nói cho quan tòa biết, làm thế nào để một người đàn ông như con có thể mang bầu được?

Nói xong, ông nhìn cháu, cháu nhìn ông cả hai cùng cười. Vinh nói tiếp:

- Sở dĩ con nêu câu chuyện về cái bụng bầu này ra để giãi bày cùng ông nội: Tuy vẫn còn nằm trong bụng mẹ, nhưng cái bào thai đã được cái án lệnh đó xem là một con người. Qua sự việc đó con suy ra: kiếp con người không phải chỉ bắt đầu từ khi cất tiếng khóc chào đời, mà nó đã được bắt đầu ngay từ lúc mới tượng hình trong lòng mẹ.


Vinh vẫn chỉ nghe tiếng chân hai ông cháu dẫm lên trên nền cát mát lạnh. Sự lặng thịnh trong lúc này cho phép Vinh ngầm hiểu rằng: lời mình đã lọt được vào tai ông, nên nói tiếp:

- Như vậy chữ “sinh” không xảy đến với tất cả mọi người. Vì có biết bao đứa trẻ bị giết trước khi mở mắt chào đời qua việc phá thai, mà Việt Nam là một trong những nơi có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Con đọc được không biết bao nhiêu tâm sự hối hận của khá nhiều người mẹ trẻ đã đồng ý cho bác sĩ, y tá giết chết con mình. Con cũng chẳng hiểu vì sao luật pháp nhiều nước tự cho là tiên tiến trên thế giới, không cho phép các bác sĩ trợ giúp người muốn chết được chết. Trong khi lại cho phép người mẹ cái quyền giết “người” đang nằm trong bụng mình.

Đợi một lúc vẫn không nghe ông nội bàn bạc gì thêm, Vinh lên tiếng hỏi:

- Bây giờ ông nội có thể cho con biết ý riêng của nội về chữ thứ hai trong câu “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” được không?

Ông Tám chậm rãi góp lời:

- Theo ông, chữ “lão” với chữ “thọ” tuy hai mà một, giống như một người có hai tên. Ông thấy tiếng “lão” trong câu “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” thốt ra nghe buồn buồn, chẳng khác gì lời than vãn. Còn chữ “thọ” thì vui hơn, bởi nó là một niềm mơ ước lớn của kiếp con người, lớn ngang hàng với “Phước” và “Lộc”. Ông còn thấy thêm điều này nữa: Hồi sống trong làng quê ngoài Bắc, những ai đến tuổi 50 đều được xếp vào hàng bô lão. Từ đó họ đổi lối xưng hô, gọi nhau bằng tiếng “cụ” thay vì “ông bà” như hồi trước. Còn hiện giờ, nghe đâu nhiều làng đã tăng tuổi “lão” lên thành 55 hay 60 gì đó. Nội có một người bạn, đã ngoài 70, ông ấy vẫn thường bông đùa với bè bạn, con cháu: “đứa nào kêu tao bằng cụ tao đánh cho gãy răng luôn”. Riêng đối với người chết, những ai mất sau tuổi 60, trên mộ bia thường khắc hai chữ “hưởng thọ”. Chẳng may mất trước khi tới tuổi lục tuần, thì đề là “hưởng dương”.

Vinh tiếp lời:

- Con nghĩ, chữ “lão” cũng chỉ xảy đến với một số người, chứ không phải bất cứ ai cũng được sống tới tuổi “lão” hết. Vì vậy chữ “hưởng dương” vẫn còn thấy khá nhiều bên trong các nghĩa trang.

Nhìn ông nội gật gật cái đầu, Vinh nói tiếp:

- Giống như chữ “lão”, chữ “bệnh” cũng không xảy ra với bất kỳ một ai. Bao nhiêu chiến sĩ hy sinh đền nợ nước ngoài mặt trận, các anh hùng tử sĩ này không vướng mắc bất cứ căn bệnh nào. Riêng ở Mỹ, các tai nạn xảy ra trên xa lộ, đường phố đã giết rất nhiều người. Những người đó đa phần đều không bị bệnh hoạn gì cả!

Nói qua về 3 chữ: sinh, lão, bệnh xong, Vinh mới bàn tới chữ “tử”:

- Thưa nội, sở dĩ nãy giờ con hơi dông dài, chỉ để minh chứng một điều: Sinh – Lão – Bệnh, không là điều luôn phải xảy đến với tất cả mọi người. Chỉ mỗi chữ “tử” mới đúng là quy luật bất di bất dịch, chắc chắn phải xảy đến với bất kỳ một con người nào. Đó là đều tất yếu, không ai thay đổi được. Là một con người có thể: không được “sinh” ra, không được sống lên tới “lão”, không mang bất cứ chứng “bệnh” nào, nhưng chắc chắn đều phải “chết”. Đúng như cái tam đoạn luận của Socrates: “Mọi người đều phải chết. Socrates là người. Socrates phải chết”.

Ông Tám nhắc nhở cháu:

- Con có từng nghe một số người cho rằng: câu “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” có liên quan tới Đức Phật không?

Vinh đáp:

- Dạ, thưa nội có! Họ nói là: trên bước đường đi tìm chân lý, khi Đức Phật nhìn thấy cảnh người mẹ đau đớn, quằn quại lúc sinh con. Cảnh người già khổ đau vì không nơi nương tựa, thiếu người chăm sóc. Cảnh người bệnh hoạn không thuốc thang chạy chữa, phải cắn răng chịu đựng những cơn đau. Cảnh người giở sống, giở chết,… Cho nên Ngài mới thốt lên: “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” và xem đó là bể khổ của kiếp con người.

Ông Tám gật gù:

- Ông thấy nhìn “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” như vậy chí lý hơn!

Rồi ông nói tiếp:

- Ông có một người bạn già, từng bị đày đi cải tạo trên 10 năm. Qua kinh nghiệm của chính bản thân, ông ta lý giải như vầy: “Thiệt ra tứ đại khổ trên cõi đời là “Sinh – Lão – Bệnh – Tù”, chớ không phải là “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Chữ “Tù” mà bạn ông dùng ở đây để chỉ những người từng chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản trước năm 1975, và những người đấu tranh cho quê hương sớm được tự do dân chủ thực sự, sau ngày cộng sản chiếm trọn Miền Nam. Những người này bị bắt vào các nhà “Tù”, được đổi tên thành trại “Học Tập Cải Tạo”. Để ông đọc cho con nghe bài thơ “Tôi Có Thể” của ông Nguyễn Chí Thiện, một ngục sĩ, từng bị cộng sản giam cầm gần 30 năm trong các trại tù cải tạo. Nghe bài thơ này con sẽ hiểu được phần nào sự khổ nhục ở những nơi đó.

Nói đến đây ông Tám dừng bước, mắt hướng ra khơi, như đang cố nhìn về quê cha đất tổ, còn miệng chậm rãi đọc:

Tôi có thể ăn vài cân sắn sống
Ngon lành như nhai kẹo xô cô la!
Bạn phục tôi tài hơn cả lợn là?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng!

Mùa đông rét, ào ào gió lộng
Đứng ngâm mình vớt nứa giữa giòng sông
Bạn tưởng tôi xương sắt, da đồng?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng!

Chỗ tôi nằm sáu mươi phân chiếu rộng
Hai người bên, một hủi, một ho lao.
Bạn bảo tôi còn biết làm sao?
Tôi đương sống trong nhà giam Việt Cộng!

Đọc xong bài thơ, ông Tám nói tiếp:

- Bạn ông lập luận: “Tử rồi thì khỏe ru bà rù, đâu còn cảm thấy gì nữa mà than với thở. Một khi bị cộng sản bắt đi “Tù” cải tạo, nhất là bị đưa vào các trại tù ở miền Bắc, tức khắc sẽ nhận biết ngay, vì sao cảnh “Tù” ở các nơi đó, được xếp hạng đầu trong mọi thứ khổ đau có trên cõi đời này.

Vinh gật gù:

- Cách lý giải của ông bạn ông nội thật quá chí lý.

Khen xong Vinh nói tiếp:

- Độ rày con thường nghĩ nhiều về tuổi già của ông bà nội, của bố mẹ con,… nói chung là của thế hệ người Việt đầu tiên có mặt trên đất Mỹ. Vì thế hôm nay con mới khơi ra một câu nói, mà người mình thường hay thốt lên mỗi khi nhắc đến tuổi về chiều, cái tuổi chuẩn bị về với ông bà tổ tiên.

Rào trước đón sau xong, Vinh tỏ rõ hơn:

- Lời Thái Tử Tất Đạt Đa ta thán về “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” con thấy chỉ đúng vào thời đại Đức Phật từ bỏ cung vàng điện ngọc, chu du tìm đường cứu chúng sinh thôi. Chớ ở trong thời buổi khoa học tiến bộ và mức sống con người ngày một nâng cao này, và nhất là đối với riêng người dân Mỹ, thì cái bể khổ đó giờ chỉ còn là hồ ao thôi. Bởi ngày nay người mẹ lúc sinh nở không còn bị đau đớn hành hạ, hoặc bị tử vong nhiều như xưa. Bước vào tuổi già các cụ cũng không phải lo nghĩ nhiều đến miếng cơm manh áo, “thất thập cổ lai hy” sắp trở thành câu sáo ngữ. Nếu bệnh hoạn đã có chương trình medicare chăm sóc. Trước khi chết nếu bị những cơn đau hành hạ, đã có thuốc giảm đau.

Nói đến đây, Vinh nhận thấy từ nãy đến giờ đã bắt ông nội nghe quá nhiều điều khô khan, Vinh vội chuyển câu chuyện sang một hướng khác:

- Con nghe bố con nói, ông nội dự tính sẽ ghi danh gia nhập hội người già ở San Diego phải không ông nội?

Ông Tám liền khen cháu:

- Con học được chữ “ghi danh” này từ hồi nào vậy?

Vinh hóm hỉnh:

- Chắc ông nội thích “đăng ký” hơn phải không?

- Tổ cha mày! Thiệt ra danh xưng của hội là “Hội Cao Niên San Diego”

- Cái tên gì nghe già chát vậy ông nội?

- Hội viên toàn những “cổ thụ” thì làm sao trẻ cho được!

- Con thấy, nếu các cụ chịu đổi tên thành “Hội Mầm Non”, thì sẽ trẻ trung ngay.

- Non làm sao được con ơi! Hội viên trẻ nhất cũng ngoài 6 bó rồi!

Vinh cười:

- Mầm non con nói đây là “mầm non nghĩa địa” đó ông nội!

- Tổ cha mày!

- Không biết ông bạn của ông nội, người sửa chữ “tử” thành ra chữ “tù” có biết mấy chữ “mầm non nghĩa địa” cũng được sản sinh ra từ trong các trại tù cải tạo Miền Bắc không? Đó là tiếng của mấy người tù trẻ tuổi gọi các vị bị tù lâu năm. Đọc cái tên này lên ai cũng phì cười. Mà một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Như vậy ai ghi danh trở thành hội viên hội “Mầm Non Nghĩa Địa” cũng đều được uống 10 thang thuốc bổ miễn phí hết.

Nói đùa một lúc cho ông nội vui xong, Vinh trở lại với vấn đề đang muốn thưa:

- Nói chuyện nãy giờ với ông nội đã cho con thấy 4 chữ “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” đúng là định luật tạo hóa dựng lên cho riêng các thành viên của hội người cao tuổi. Vì tất cả các cụ đều được “sinh” ra, được lên “lão”, hàng ngày đều uống đủ mọi thứ thuốc trị “bệnh” cao máu, cao mỡ, tiểu đường,… và đều được xếp vào loại gần trời xa đất.

Ông Tám liền hỏi lại:

- Có phải con muốn nói: gần đất xa trời không?

Vinh lắc đầu, cố tình nói thật chậm:

- Dạ, con nói là gần trời xa đất, chớ không phải gần đất xa trời!

Ông Tám trợn mắt ngạc nhiên nhìn cháu, Vinh từ tốn đáp:

- Thưa nội, “gần đất xa trời” chỉ dành cho kẻ vô thần, chết đối với họ là hết, là về với giun với dế. Còn đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam đều tin vào điều “sống ở thác về”. Riêng với người có niềm tin vào tôn giáo, tin có đấng tối cao, biết hướng thiện, biết làm lành lánh dữ, thì một khi lìa cõi tạm này, chỉ có thân xác mới đi vào lòng đất hay trở thành tro bụi. Còn linh hồn sẽ lên chốn thiên đàng, hay vào cõi niết bàn. Hai nơi tốt lành đó đều ở trên trời cao chớ làm sao nằm sâu trong lòng đất cho được!

Ông Tám khen:

- Chí lý! Chí lý!

Vinh lại hỏi:

- Theo ông nội, người già sống ở Mỹ thường quan tâm tới điều gì nhất?

Ngẫm nghĩ một lúc ông Tám đáp:

- Ai nghĩ sao thì ông không biết, chớ riêng ông nội thường nghĩ nhiều tới việc bệnh hoạn.

- Có phải việc bệnh hoạn ông nội nói ở đây là ám chỉ tới vấn đề sức khỏe không?

Ông Tám gật đầu, Vinh hóm hỉnh nói tiếp:

- Cho đến giờ phút này cả thế giới đều biết: Ông Obama sẽ tiếp tục lo lắng vấn đề sức khỏe cho từng cụ già người Mỹ từ nay cho đến hết năm 2016. Sau đó cứ mỗi 4 năm lại có người khác lên thay thế. Phụ lo với tổng thống Mỹ còn có các y tá, bác sỹ, nhân viên nhà thương, viện dưỡng lão, xe cấp cứu,… Vì vậy các cụ đâu cần quan tâm, lo nghĩ gì tới chữ “bệnh” nữa!

Lập luận bằng giọng điệu vui vui xong, Vinh nghiêm chỉnh trở lại:

- Con rất cám ơn ông nội đã không bao giờ nhắc đến câu châm ngôn: “con cãi ông nội trăm đường con hư” ra với riêng con. Nhờ vậy con mới dám nói hết mọi điều con nghĩ trong lòng. Hiện con ươm trong đầu dự tính sẽ viết một số vấn đề liên quan tới tuổi già của người Mỹ gốc Việt. Con cũng đang thắc mắc và rất muốn tìm hiểu xem: Tại sao người Việt nào cũng đều cầu mong, chúc tụng nhau được sống “thọ”. Khi đạt đến tuổi thọ rồi lại hay buồn phiền, ta thán, bi quan về những hệ lụy do chữ “thọ” gây ra. Tuy ai cũng hiểu: già rồi mọi thứ đều phải cằn cỗi. Nhất là đủ các loại “bệnh”, dù không rủ, không muốn chúng vẫn cứ ùn ùn kéo tới viếng thăm. Các cụ phải làm gì trước tình cảnh này? Con không đủ khả năng để đưa ra một lời khuyên nào! Con chỉ biết: nếu vui vẻ chấp nhận những gì tạm gọi là bất hạnh đó, vẫn tốt hơn ngồi than vãn hoặc cố tình tìm cách chối bỏ nó. Riêng phần chữ “tử”, chính là cái định luật chung duy nhất của con người, bởi không một ai có thể thoát khỏi sự chết. Nếu đã biết chắc chắn: ai cũng phải chết, thì tại sao có người lại sợ không dám nhắc đến sự chết? Cái sợ có làm cho một ai thoát chết hoặc sống lâu thêm được không? Hay chính cái sợ đó có thể khiến mình chết sớm hơn. Theo con, cứ đặt cái chết ra trước mặt để sửa soạn cho ngày phải đón nhận nó. Hiểu và làm được vậy, giống như mình tống xuất sự sợ hãi cái về chết ra khỏi con người. Nếu đã chấp nhận cái quan niệm chết là bước qua một cuộc sống khác, thì tại sao không sửa soạn ngay từ cuộc sống này? Mình cần chuẩn bị một cách kỹ càng để lúc nào cũng sẵn sàng chuyển sang một cuộc sống mới.

Buổi trò chuyện bên kia bán đảo Coronado chiều hôm đó, giúp ông Tám có dịp nghe được ít nhiều cái nhìn hơi khác thường, lạ tai, nhưng khiến ông còn phải suy tư, nghĩ ngợi nhiều thêm. Trước là giúp cho cuộc sống về chiều của chính ông thêm phần ý nghĩa, sau là giúp cho Vinh hiểu biết về nỗi lòng cùng tâm tình của những người già phải sống xa quê hương, nguồn cội.

Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
14/11/201706:45:38
Khách
BÀI VIẾT SÂU SẮC HAY
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,979,569
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến