Hôm nay,  

Cha và Con

05/02/201300:00:00(Xem: 336490)
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, hiện là cư dân Berry Hill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. "Cha và Con" là chuyện về một "tổ ấm thời chiến" ở Hồng Hoa Thôn, Đà Lạt, nơi một cô bé lai Mỹ bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi, đang sống trong một buôn Thượng, trong khi người cha là một kỹ sư thành đạt, giầu có tại nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ 2013.
nhabenkiasong
Tranh Đinh Cường.
Đời sống vẫn có những gặp gỡ thật bất ngờ và lạ lùng mà không ai có thể giải thích được. Nếu quả thật có một sự an bài nào đó để những gặp gỡ kia xảy đến cho tôi thì câu hỏi của tôi sẽ là: Để làm gì và tại sao? Tại sao là tôi mà không phải là một kẻ nào khác. Hay là cũng có những điều tương tự đến với những người khác nhưng mà họ đã quên đi, cũng có thể họ không thèm để ý tới. Đời sống này vốn vô cùng bận rộn, tất bật dại gì mà "ôm rơm cho nặng bụng". Họ để cho tất cả đi vào hư không, quên lãng và chỉ còn tôi ở đó với những boăn khoăn, dằn vặt. Tôi tự xô đẩy mình vào những suy tư không lối thoát và cuối cùng tôi tìm cho mình một góc bé nhỏ, khiêm nhượng nào đó trong cái thế giới bao la này. Nơi tôi có thể trang trải những tư tưởng tầm thường của mình, tôi cảm nhận những hạnh phúc nhỏ nhoi và hình như tôi đã tìm được ở đâu đó những mối giao cảm với tha nhân.

Một buổi lang thang trong cửa hàng mỹ phẩm tôi nghe ai kêu tên mình (không phải tên mà là họ):

- Cô Nguyên, cô Nguyên!

Tôi quay lại và vô cùng ngạc nhiên khi trông thấy một thiếu phụ trẻ đang nhìn mình nhoẻn miệng cười, một người đàn bà Mỹ tóc vàng mãnh mai, xinh xắn. Trong khi tôi chưa kịp phản ứng thì cô ta đã đến gần đon đả chào hỏi:

- Cô Nguyên khỏe không, thật hân hạnh gặp lại cô.

Cô ta phát âm họ tôi khá chính xác, thường thì người Mỹ hay phát âm tiếng "Nguyễn" nghe như là "Nu trình". Tôi không nhớ cô ta là ai nhưng vì lịch sự tôi cũng trả lời một cách thân thiện:

- Chào cô, tôi cũng khỏe. Còn cô ra sao?

- Tôi cũng thường luôn, hôm nay cô Nguyên không đi làm sao, cô vẫn còn làm ở J.K.D. chứ?

- Tôi vẫn làm ở đó nhưng dạo này bết lắm cho nên tôi mới có thì giờ mà lang thang ở đây!

Cô ta mỉm cười:

- Vậy sao, mà cô Nguyên này tôi vẫn nhớ cô và rất thích những cái khay cô vẽ cho tôi hai năm trước nhân dịp Giáng Sinh. Tôi mới lau chùi lại hồi sáng để đón Giáng Sinh năm nay.

À! Thì ra một khách hàng của J.K.D. Tôi nhớ một chút xíu về cô ta, một người khách dễ thương, thân thiện lui tới công ty vài lần để đặt hàng. Tôi đã bày cho cô cách phát âm họ của mình và cho cô ta biết tôi là người Việt Nam. Còn tên cô ta thì tôi quên mất rồi nhưng không tiện hỏi. Trong khi trò chuyện tôi biết cô ở gần đây, một khu giàu có trong thành phố này, cô biết về Việt Nam chút ít qua ông chú (từng là Cựu Chiến Binh phục vụ ở Việt Nam).

Người phụ nữ này tính tình xuề xoà, ưa nói chuyện. Tôi có cảm tưởng cô ta thích tôi hay có thể cô ta là một mẫu người cởi mở nên đối với ai cũng thế (chứ nào phải riêng tôi). Cô bỗng đề nghị:

- Cô Nguyên này, nếu cô rảnh rang có thể đến giúp tôi một ngày được không? Tôi đang trang hoàng nhà cửa cho mùa Christmas, tôi mới mua một bức tranh đẹp lắm, khổ nổi tôi không thích cái khung. Tôi muốn làm cho nó cũ đi, hơn nữa cô có thể trang điểm cho bức tranh có vẻ thật một chút! Tôi nghĩ cô làm được mà!

Trong khi tôi chưa có quyết định thì cô nói thêm:

- Tôi sẽ trả công cho cô rất rộng rãi, cô nghĩ sao?

Công việc chẳng có gì là khó khăn khi làm cho một đồ vật trở nên cũ đi, còn tô điểm thêm cho một bức tranh (chắc là bản copy) thì còn phải xét lại, nhưng chẳng có gì mà sợ. Từ ngày lưu lạc xứ người đến nay tôi có thể làm đủ mọi công việc để sống, ngay cái nghề cầm cọ sơn sơn, phết phết này cũng đã gần hai mươi năm rồi dù tôi đã và sẽ không bao giờ là một người họa sĩ cả.

Tôi nhận lời, cô ta cho tôi địa chỉ và bây giờ mới biết tên cô là Jessica. Tuần này tôi không bận rộn nhiều ở sở và sự thay đổi lộ trình làm tôi thấy thích thú. Hằng ngày lên xa lộ chạy thục mạng để tiếc kiệm thời giờ tôi vẫn thấy thèm lái xe chầm chậm trong những con đường nhỏ để thưởng thức giây phút an nhàn tạm bợ trong đời sống bận rộn này

Tôi đến nhà Jessica như đã hứa. Ngôi nhà khang trang của một người Mỹ giàu có, chồng cô ta có cơ sở làm ăn lớn nên cô chẳng làm gì cả chỉ ở nhà đưa đón con đi học, shopping và săn sóc chó mèo. Jessica dẫn tôi vào căn phòng gia đình rộng lớn nhưng chưng bày rất ấm cúng. Cô cho tôi xem bức tranh to, khá đẹp mà cô vừa mới mua. Jessica nói đúng: cái khung có vẻ mới quá, bức tranh vẽ một khu phố về đêm. Nhìn cách trang trí trong nhà tôi rất khâm phục con mắt tinh xảo và lối bày biện rất có nghệ thuật của Jessica.

Tôi bắt tay vào việc độ hai tiếng thì nghĩ giải lao, trong khi đang ngồi uống nước thì Jessica có khách. Có tiếng lao xao cười nói ngoài phòng khách rồi sau đó cô ta dẫn môt người đàn ông vào giới thiệu với tôi:

- Cô Nguyên ơi, đây là chú Brumer của tôi ngày xưa đi lính ở Việt Nam. Người mà tôi đã từng nói với cô đó.

Người đàn ông Mỹ cúi đầu chào tôi, thoạt nghe cái tên và nhìn hai con mắt sâu, xanh thẫm cuả ông ta tôi rùng mình, cảm thấy một luồng khí lạnh chạy dài trong xương sống. Một cái tên, một đôi mắt rất quen thuộc. Dù gần bốn mươi mấy năm đã trôi qua với bao vật đổi, sao dời.Thời gian đã gọt dũa, tàn phá những nét đẹp tuyệt vời của tuổi trẻ nhưng vẫn không thể bôi xóa được hết cái màu xanh lạ lùng của hai con mắt kia. Tôi đang chờ để xác nhận những điều mình nghĩ là đúng.

Người đàn ông nhìn tôi vài giây rồi nói:

- Tôi có nghe Jessica nói về cô là một người Việt Nam, rất thú vị được gặp cô vì tôi đã có thời gian phục vụ ở nước cô.

- Tôi cũng rất hân hạnh được gặp ông, ông Brumer ạ!

Đáng lẽ tôi phải nói "Tôi rất kinh ngạc khi được gặp lại ông, quả đất thật sự tròn ông Brumer ạ!"

Đúng là ông ta không nhớ, không biết tôi là ai, nhưng chắc chắn tôi biết và nhớ ông.

Thấy tôi đang tô điểm thêm vài chấm đỏ trên mấy ngọn đèn trong bức tranh, Brumer hỏi:

- Cô có học qua trường Mỹ Thuật à, ở Việt Nam hay ở nước Mỹ?

Tôi cười:

- Tôi chẳng qua một trường lớp mỹ thuật nào cả. Tôi làm nhiều nghề để nuôi sống chính mình và gia đình, cuộc sống đưa đẩy tôi vào một phòng vẽ nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một họa sĩ.

Brumer ngỏ lời khen ngợi về những công việc tôi làm cho Jessica, ông ta lịch sự như thói quen cố hữu của người Mỹ. Ông hỏi thời gian, hoàn cảnh đưa tôi đến xứ sở này và nói rằng ông vẫn giữ nhiều kỷ niệm đẹp về Việt Nam. Khi ông nói điều này tôi liên tưởng đến ngôi biệt thự trồng nhiều hoa hồng trên một ngọn đồi nhỏ ngày xưa. Ông đã đến nước tôi, ông có may mắn đã từng sống ở một thành phố tuyệt vời, thơ mộng ở Việt Nam thì những kỷ niệm đẹp còn lưu lại trong ông cũng đâu phải là một điều lạ lùng.

Tôi bất chợt quay lại hỏi Brumer:

- Ông ở đâu trong những ngày tháng đó?

Tôi hỏi và chờ đợi câu trả lời tôi đã biết một cách chính xác. Tuy nhiên ông đã trả lời theo một cách khác thật bất ngờ:

- Tôi ở Lang Biang.

Trong một thoáng không kiểm tra được ý nghĩ của mình, tôi nói to:

- Tôi cũng nghĩ vậy! Lang Biang thuộc về Dalat.

Brumer trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên, tôi biết mình lỡ lời nên tìm cách lấp liếm bằng một tiếng cười:

- Dalat là thành phố quê hương của tôi. Nghe ông nói đến Lang Biang là tôi liên tưởng đến Dalat.

- Cô biết Roses Village không?

Tôi trả lời ông bằng một câu hỏi khác:

- Ông cũng biết Hồng hoa Thôn sao?

- Tôi đã từng mướn nhà ở đó.

Tôi cười:

- Với bạn gái của ông?

Brumer cũng cười sảng khoái:

- Đó là một điều tất nhiên đối với một người trai trẻ như tôi thuở ấy.

- Nào để tôi đoán xem, tên cô ta là gì? Chắc chắn là tên một loài hoa phải không?

- Sao cô biết?

- Con gái Việt Nam hay mang tên một loài hoa nào đó!

Brumer bổng trở nên đăm chiêu:

- Cô ở gần Hồng Hoa Thôn không?

- Tôi từng ở đó, tôi thích những ngôi nhà trồng hoa hồng phía đằng trước, hình như nhà nào cũng có vườn hồng cả! Chắc bạn gái ông tên Hồng phải không?

Brumer lắc đầu:

- Cô ta mang tên một loài hoa khác. Orchid, tên cô ta là Lan.

A, ông ta đang nói thật.

- Cô ta đẹp lắm phải không?

Brumer lại lắc đầu:

- Không hẳn thế đâu! Lâu lắm rồi, tôi cũng không còn nhớ cô ta nhiều. Hồi năm 67, 68 tôi mới 25 tuổi chớ mấy.

Tôi chờ Brumer nói tiếp một điều gì nữa nhưng ông ta im lặng. Mà im lặng cũng phải. Có những điều người ta phải giữ kín dù cho đối với người thân thuộc, huống chi tôi chỉ là một kẻ xa lạ mới gặp lần đầu. Qua câu chuyện tôi biết ông có hai người con gái, một người con trai, hai người đã lập gia đình nên ông có cháu nội, cháu ngoại. Con cái Brumer đều thành đạt, giàu có, ông đã từng là một kỹ sư khi thi hành nhiệm vụ ở Việt Nam khi về nước ông làm cho chính phủ và kết hôn với một nữ kỹ sư cùng cơ quan.

Trong khi Brumer nói về những người con gái của mình, Jessica kéo tay tôi đến bên một cái tủ nhỏ, chỉ cho tôi tấm hình đặt trên mặt tủ và nói:

- Đây là Sarah và Melody con của chú Brumer. Họ đẹp quá phải không?

Tôi gật đầu xác nhận điều Jessica vừa nói. Những người con gái của ông ta đều đẹp với những nét đặc biệt: chiếc mũi hơi hếch như loa kèn, cái miệng với đôi môi hơi trề ra một cách nũng nịu dễ thương, họ không mập như phần đông những cô gái Mỹ khác.

Brumer tỏ ra rất thích thú và hãnh diện vì những lời khen ngợi mà chúng tôi dành cho con gái ông, ông không quên nói thêm về sự thành đạt của họ trong xã hội. Thế đấy, chẳng có gì là sai trái khi một người cha tự hào về những người con của mình, vậy mà bổng dưng tôi cảm thấy mìnhm muốn nổi cơn thịnh nộ.

- Ông chỉ có hai người con gái thôi à? Tôi nhận ra mình đang hỏi bằng một giọng mỉa mai.

Brumer nhún vai rồi cười:

- Chừng đó đủ rồi, người Việt Nam hay nói "Có con gái như có bom trong nhà" cô Nguyên không nhớ sao?

Ông cười ngất, tỏ vẻ thú vị vì những điều mình vừa phát biểu, tôi cũng cười:

- A, có phải bạn gái ông, cô Lan đã nói với ông điều đó chăng?

Brumer trả lời bằng một nụ cười dường như là đồng ý.

Rồi tôi nói một mình:

- Tôi hy vọng cô ta chả có quả bom nào trong nhà cả!

Nụ cười chợt tắt lịm trên môi Brumer, ông nhìn tôi chăm chú, khó hiểu bằng hai con mắt sâu, xanh thẫm. Tôi nhìn lại ông ta với một chút thách thức, tôi muốn nói lên một điều gì đó nhưng rồi cố im lặng trở lại với công việc của mình.

Hình như Brumer linh cảm một điều gì đó, ông ra phòng khách ngồi im lặng, thỉnh thoảng ông ta quay lại nhìn tôi bằng cái nhìn thẫn thờ chứ không vui tươi như lúc đầu mới đến. Còn tôi, đầu óc cũng rối bùng với bao ý nghĩ ngổn ngang. Cuộc đời thật trớ trêu với bao gặp gỡ tình cờ, lạ lùng. Tại sao lại là tôi mà không là một người nào khác. Im lặng có thật sự là vàng hay không?

Trong một thoáng tôi nhớ lại một buổi sáng ở Hồng Hoa Thôn sau cuộc đổi đời năm 75. Thuở ấy vùng này đã trở nên xơ xác. Người ta đào xới hoa hồng trước mỗi ngôi nhà để trồng khoai lang, khoai mì cho hợp với đà phát triễn kinh tế trong nước! Một sáng tôi tiếp đón một người khách lạ lùng theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. Một cô gái Việt lai Mỹ thật đẹp, thật quyến rũ với chiếc mũi nhìn nghiêng hình loa kèn, đôi môi đỏ thắm chúm chím, nũng nịu, hai con mắt xanh thăm thẳm và lối nhìn hơi dữ dội như cuốn xoáy người đối diện. Cô nói tiếng Việt bằng những âm điệu lơ lớ, ngây ngô, buồn cười và cử chỉ ngang ngang đến lạ lùng.

Cô gõ cửa bước vào nhà tôi, ngồi xuống ghế với thái độ tự nhiên, tự tin của một người thân quen tự hồi nào dù thật sự tôi không biết hay không nhớ cô là ai. Cô bồng một đứa bé độ một, hai tuổi trông khá giống cô với màu mắt xanh thẫm nhưng màu da hơi sậm hơn me. Tôi không nghĩ cô là người đến từ một đất nước giàu có nào khác vì cách cô ăn mặc. Một chiếc váy hoa sặc sỡ dài bó chặt thân hình tròn trĩnh, gợi cảm của người đàn bà Tây Phương. Cái áo thung màu đỏ khá chật chội với bộ ngực tràn đầy sức sống, tất cả đều đẹp đẽ, nhưng lại toát ra một vẻ bụi bụi, hoang dã nào đó. Bàn chân hơi thô tháp trong đôi dép da nhỏ cỡ.

Thoảng đâu đó mùi của cây cỏ, núi rừng và mặt trời nồng ấm cô mang vào nhà tôi.

Cô nhìn tôi bằng con mắt bi ve thẳng thắn:

- Dì nhớ tôi không?

Tôi lắc đầu:

- Em là ai?

- Cà Na con của cái Lan đây!

Tôi thảng thốt nhìn cô. Cà Na con của Lan, trời ơi nó đây sao? Không những tôi biết Cà Na mà hình như ai ở Hồng Hoa Thôn này cũng biết câu chuyện của Cà Na. Một câu chuyện thương tâm, bất nhẫn mà bất cứ một người bình thường nào cũng không thể chấp nhận được, vậy nó đã xảy ra. Mười mấy năm trôi qua trong cuộc đời nhớ nhớ, quên quên và rồi Cà Na đang ngồi trước mặt tôi: thản nhiên, vô tội vạ với một chút cao ngạo nào đó.

Tôi nhìn đứa bé rồi hỏi:


- Con của Cà Na phải không?

- Đúng vậy, dì thấy nó có đẹp như tôi không?

Tôi trả lời thành thật:

- Nó đẹp lắm, đẹp như em vậy đó! Nó là con gái à?

Cà Na có vẻ rất bằng lòng:

- Nó là con gái, trong buôn ai cũng thích con gái cả. Nhất là con gái lai Mỹ như tôi.

- Cà Na có chồng hồi nào?

- Mấy năm rồi, hồi tôi 17 tuổi, chồng tôi nhà giàu có nhiều trâu bò lắm. Nó thương tôi nhiều vì tôi đẹp, nhiều người thương tôi lắm nhưng ba má tôi nói phải lấy chồng giàu.

Tôi gật gù ra chìu đồng ý vớ Cà Na. Cô ta nói tiếp:

- Sao cái Lan lại bán tôi hả dì, sao lại bán đứa con gái đẹp như tôi. Tôi nghe ba má kể lại, hồi đó tôi nhỏ nhưng còn nhớ chút xíu.Tôi nhớ nhà dì, có lần cái Lan dẫn tôi đến đây chơi, còn mẹ dì đâu rồi đâu rồi?

Tôi chống chế:

- Tại mẹ Cà Na phải về quê không đem em theo được nên phải cho người nhà giàu trong Buôn. Thôi em đừng buồn chuyện lâu rồi, mẹ tôi đã chết rồi, bà khuyên Lan đừng cho em, nhưng Lan không nghe vì hoàn cảnh sao đó.

- Hoàn cảnh là gì tôi không biết đâu, tôi không bao giờ bán con tôi dù là giá trăm con trâu hay trăm con bò, tôi giận cái Lan lắm! Dì có nghe tin tức của cái Lan không, còn sống hay chết?

Lối nói chuyện ngây ngô của Cà Na làm tôi tức cười mà muốn khóc, vừa chân thật, bộc trực nhưng không kém phần thô thiển nhưng biết sao hơn khi em đã được nuôi dưỡng, lớn lên giữa một nơi chốn thiếu văn minh. Dù gì em cũng nói được tiếng Kinh và diễn đạt được những gì em muốn cho người khác hiểu.

- Em học được tiếng Kinh ở đâu vậy?

- Có cô giáo người Kinh vào trong buôn để dạy, tôi học đến lớp năm thì nghỉ. Cô giáo Thu Trang muốn tôi ra Dalat học lên nữa để sau này thành cô giáo nhưng ba má không chịu. Ba má nói: tôi đẹp không cần đi học vẫn có chồng giàu, tôi lấy chồng giàu rồi.

- Chồng em tốt không?

- Tốt lắm, nó cũng có đi học, biết làm toán và biết nói tiếng Kinh như tôi nên buôn bán được với người ở phố. Người Kinh ưa ăn gian nếu mình không biết làm toán.

Cà Na lôi trong túi áo trước ngực một điếu thuốc châm lữa hút, thở khói mịt mù rồi nhìn tôi tủm tỉm cười:

- Cô Thu Trang nói tôi có thể được đi Mỹ để gặp ba tôi, nhiều người cũng nói vậy nhưng ba má tôi không chịu.

- Còn em có thích đi Mỹ không?

Cà Na lắc đầu quầy quậy và trề môi:

- Chồng tôi có trâu bò nhiều nên tôi chẳng đi Mỹ đâu, với lại tôi sợ xe lắm mà họ nói bên Mỹ có nhiều xe hơi lắm. Dì biết ba tôi không, hồi trước ba tôi ở làng này mà, tên ông là gì và làm gì?

Câu hỏi của Cà Na đưa tôi về thời gian xa xưa nào đó.

Ngày trước Lan và Brumer thuê một căn phòng trong ngôi nhà của ông thầu khoán sát nhà tôi. Tôi không biết nhiều về Lan, cô gái quê ở miền Nam lưu lạc đến Dalat rồi cặp bồ với Brumer là một kỹ sư Mỹ làm việc ở vùng Lang Biang - Dalat. Như nhiều cô gái Việt khác thời đó, Lan có thể nói tiếng Mỹ nhưng không biết đọc, biết viết. Cô hay nhờ chị em chúng tôi dịch cho cách xử dụng thuốc, mỹ phẩm hay những lá thư ngắn Brumer nhờ bạn gởi về trong những lúc anh ta bận công vụ. Với số vốn Anh Ngữ hạn chế thời trung học cùng sự vật lộn với quyển tự điển dày cộm chúng tôi cũng giúp Lan được một chút xíu. Chúng tôi cũng tiếng được, tiếng mất chào hỏi Brumer khi anh ta từ Lang Biang trở về Hồng Hoa Thôn. Lan có một đứa con gái với Brumer đặt tên là Cà Na (Cana)

Sau khi Brumer về nước, lúc Cà Na lên năm tuổi, Lan có ý định về quê nhưng sợ sệt làng nước nên muốn cho Cà Na, mẹ tôi hết lời cản ngăn nhưng không được. Sau này cả Hồng HoaThôn đều biết Lan đem con bán cho một gia đình người Thượng giàu có và đi mất biệt. Người Thượng theo chế độ mẫu hệ nên rất quý con gái, đặc biệt họ rất thích con gái lai Pháp hay Mỹ.

Trong khi tôi đang miên man thả hồn theo dĩ vãng thì Cà Na nói:

- Khi nào dì đi Mỹ, gặp ba tôi thì nói tôi nhớ ông, dì hãy kể chuyện cái Lan đã bán tôi. Nếu ổng có về đây thì vào Lạc Dương mà tìm tôi, trong làng ai cũng biết Cà Na đẹp lấy chồng giàu cả. Chỉ mình tôi là Mỹ lai thôi còn tụi nó đều đen và xấu.

Khi nói ra những điều này Cà Na lộ vẻ bằng lòng và hãnh diện, một niềm tự hào rất ngây thơ.

Rồi Cà Na từ giã tôi:

- Thôi tôi đi ra chợ đây, chồng tôi đem than ra bán cho bà dưới xóm kia, tôi nhớ nhà dì nên đến thăm. Cảm ơn dì nghe. Nhớ khi nào đi Mỹ thì cho tôi thăm ba tôi.

Tôi nói:

- Cà Na khoan đi đã, tôi có cái này cho em, chờ tôi một chút.

Số là ngày Cà Na còn bé rất là xinh đẹp, dễ thương chị em chúng tôi thỉnh thoảng bồng ẳm em và có giữ hai tấm hình của Cà Na lúc chập chững. Tôi đem tặng Cà Na một tấm và giữ một tấm làm kỷ niệm. Cà Na đi rồi, tôi thẫn thờ ra vào như người mất hồn, sự đơn sơ, chân thật đến ngây ngô của một cô gái lai Mỹ sống trong buôn Thượng làm tôi thấy đau nhói con tim. Tôi trách Lan quá tàn nhẫn, nhưng còn cái xã hội với muôn vàn ước lệ, muôn ngàn khuôn khổ mà con người đôi lúc chỉ có thể là một nạn nhân của luân lý, đạo đức và búa rìu dư luận.

Bây giờ thì Brumer ngồi đó, mái tóc đã bạc màu trong ngôi nhà sang trọng của người cháu gái Jessica. Ngôi nhà của ông chắc cũng chẳng thua kém. Tôi hình dung một gia đình khá giả và danh vọng với sự thành đạt của con cái. Đôi mắt xanh với cái nhìn dữ dội, mũi loa kèn, đôi môi kiêu hãnh. Ôi những đứa con gái của ông đều tuyệt đẹp kể cả đứa con gái mang mùi hoang dạì rừng rú trong buôn Thượng nghèo nàn của một xứ sở xa xôi. Có nên cho ông ta biết không, tôi tự hỏi.

Khi tôi từ giã Jessica, Brumer đã đi ra trước nhà. Có lẽ ông chờ tôi để nói một điều gì đó, ông hỏi bâng quơ:

- Nhà cô ở gần đây không?

- Không xa mấy, tôi ở Cordova, còn ông?

- Tôi cũng vậy, chúng ta cùng ở một xóm rồi.

- Chúng ta luôn luôn là hàng xóm như từ thời còn ở Việt Nam, tuy nhiên Cordova thì quá rộng lớn mà Hồng Hoa Thôn thì quá bé nhỏ.

Tôi đợi Brumer hỏi thêm nhưng ông im lặng, tôi cầm chiếc chìa khóa xe quay quay trên ngón tay và cảm thấy một sự xung đột dữ dội trong ý nghĩ mình. Nói hay im lặng. Câu chuyện "Người thợ cạo và Hoàng Đế Tai Lừa" thoáng trong ý nghĩ tôi. Người thợ cạo mách lẻo đào một cái hố nấp dưới đó rồi la lên: "Hoàng Đế tai lừa, Hoàng Đế tai lừa" cho tâm hồn đỡ xốn xang, khó chịu. Gió đưa tiếng nói của anh ta đi xa, sự bí mật của ông Vua Tai Lừa bị phanh phui và anh thợ hớt tóc bị giết chết. Ai cũng cho anh ta là một người xấu xa, nhiều chuyện mà thật sự ra anh ta chỉ nói lên sự thật. Nói lên sự thật cũng là một cái tội, nếu sự thật đó quá phủ phàng và tàn nhẫn. Mà trời ạ, tôi chỉ là một người đàn bà với đầy đủ tính tốt và xấu. Sự dằng co trong tư tưởng làm tôi cảm thấy lùng bùng trong tai. Chưa bao giờ tôi thấy sự khó khăn để giữ một sự bí mật như lúc này. Tôi mở cửa lên xe, rồ máy định chạy thẳng nhưng không hiểu sao tôi tắt máy rối rít gọi Brumer. Ông ta vội vàng chạy đến, tôi mở cửa xe bước xuống và nói nhanh không kịp thở:

- Ông Brumer, tôi biết cô Lan và tôi biết Cà Na con gái ông!

Mặt Brumer biến sắc, ông nhìn tôi trừng trừng không nói nên lời. Tôi nói tiếp thật nhanh vì sợ mình không còn cơ hội để nói nữa:

- Ông không nhớ tôi nhưng tôi nhớ ông, chúng ta từng là hàng xóm ở Hồng Hoa Thôn. Tôi có gặp lại Cà Na con gái của ông và Lan.

Brumer run run giọng:

- Cà Na, con gái tôi! Nó ra sao rồi?

- Nó có gia đình, có con rồi!

Mồ hôi vã ra trên khuôn mặt Brumer, ông xúc động mạnh:

- Chồng nó ra sao, nó có hạnh phúc không? Còn Lan thì sao?

- Chồng nó giàu nhất làng kia và có học. Cà Na hạnh phúc và bằng lòng với đời sống của nó. Còn Lan thì tôi không biết, có lẽ cô ta có chồng khác rồi cũng nên. Cà Na vẫn nhớ ông là cha nó, luôn luôn nói cha nó là một người Mỹ.

thiếu nữ được nuôi sống và lớn lên ở một vùng rừng núi hoang dã, nghèo nàn. Em bằng lòng và tận hưởng, hãnh diện vì những điều em có như một con ếch ngồi dưới đáy giếng chỉ thấy một mảnh trời trong xanh. Khi tôi nói lên sự thật đó, tôi bắt gặp niềm rạng rỡ toả ra từ khuôn mặt của Brumer, khuôn mặt của một người cha khi biết con mình đang hạnh phúc. Ông nói:

- Cảm ơn trời, tôi thật sung sướng khi nghe cô nói về Cà Na. Nhưng rồi ông bỗng trở nên đăm chiêu:

- Biết đâu Cà Na cũng đi Mỹ rồi! Bao nhiêu trẻ em lai Mỹ đã trở về quê hương của cha và có nhiều người đã có một cuộc sống rất tốt đẹp, cô có nghĩ như vậy không?

- Tôi cũng nghĩ vậy!

Thật ra tôi không nghĩ vậy, bởi vì Cà Na đã lớn lên ở một môi trường quá xa lạ với đời sống văn minh nên những ý nghĩ của em cũng đơn sơ, ngô nghê đến độ tội nghiệp. Em sợ xe cán chết nên không bao giờ đi Mỹ, không bao giờ có ý định tìm về quê hương của cha em.

Tôi thở ra thật mạnh:

- Ông Brumer, đó là tất cả những gì tôi cần nói với ông. Xin ông tha thứ cho tôi đáng lẽ ra tôi nên im lặng thì tốt hơn vì dầu sao thì tất cả đã nằm im trong quá khứ, chúng ta đâu làm được điều gì đâu!

Brumer khoát tay:

- Không! Không! Cô chẳng có lỗi gì cả! Có chăng là tôi, tuy nhiên tôi cũng chẳng làm được gì cho con gái mình. Nay tôi đã về hưu, tôi sống với vợ đã gần 40 năm, bà ta là một người vợ tốt.Tôi chưa bao giờ nói với bà ta về đứa con gái ở Việt Nam cả!

- Tôi hiểu ông Brumer ạ, Cà Na có gởi lời thăm ông và tôi đã gặp ông.

Brumer bổng quay vào nhà Jessica rồi hạ giọng:

- Tôi không muốn cho cháu gái tôi Jessica biết về điều này, tính nó hay nói và không bao giờ giữ được một điều gì trong bụng.

Tôi cười:

- Tôi hiểu, tôi hứa với ông là sẽ không nói gì với cô ấy. Vả lại tôi cũng không biết bao giờ mới gặp lại Jessica, tôi đã hoàn tất những việc cho cô ấy. Và tôi đã giữ đúng lời hứa với Cà Na con gái ông.

Brumer xiết chặt tay tôi:

- Cảm ơn cô Nguyên nhiều lắm, người bạn láng giềng của tôi.

Tôi từ giã Brumer và tự hỏi: có bao giờ ông muốn gặp lại tôi không bởi vì tôi đã biết con gái của ông ta. Tôi không nghĩ vậy. Tôi không có một có lý do gì hay tư cách gì để phê bình hay chỉ trích cô Lan, Brumer hay ai ai khác, bởi ngày tôi lớn lên tôi đã thấy những người Mỹ ở Việt Nam và những mối tình tạm bợ cuả họ với những cô gái bản xứ và có nhiều trẻ em lai Mỹ đã ra đời. Đời sống với những ước lệ, búa rìu dư luận khắc khe chắc chắn đã đè nặng lên đời sống của những bà mẹ và những đứa con lai Mỹ. Điều đó chắc hẳn đã tồi tệ hơn sau năm 75 khi người cộng sản đã tràn vào miền Nam. Vậy mà họ vẫn phải sống, phải tranh đấu, vẫn cưu mang những đứa con hai giòng máu cho đến ngày các em được đi về quê cha, đất tổ. Sự cam chịu nghiệt ngã, câm lặng đó ít có người biết đến và thật sự đã có những trẻ em lai Mỹ đã thành công trên quê hương của ông cha họ.

Còn Cà Na, cô con gái lai Mỹ trong một buôn Thượng. Phải chi Lan cũng có những sự hy sinh và chịu đựng như những người mẹ kia thì có lẽ giờ này đời sống Cà Na đã đi vào một hướng khác. Cô cũng được sống và tận hưởng sự văn minh trên nước Mỹ như Melody, Sarah hay Jessica và biết đâu cô cũng thành công như những người em cùng cha khác mẹ của cô. Cô có một người mẹ đã từ chối cô và giờ đây một người cha cũng khước từ cô vì những khuôn khổ, luân lý và đạo đức của đời sống. Họ vô tình đẩy Cà Na vào một xã hội dung dị, bán khai, kém văn minh, ở đó em được nuôi dưỡng và lớn lên như một loài hoa đẹp hoang dại. Em chấp nhận và hãnh diện một cách đáng thương những gì mình có và em hạnh phúc. Mặc dầu hạnh phúc không phải là sự so sánh hay phân tích nhưng tôi vẫn cảm thấy có một điều thương xót nào đó đối với người con gái Mỹ lai xinh đẹp kia.

Liệu có bao giờ Brumer sẽ tìm gặp lại tôi, rồi ông sẽ trở lại Việt Nam tìm lại Cà Na, rồi sẽ đưa em cùng chồng và con cái về quê hương của cha em… Không, điều đó chỉ có trong tiểu thuyết. Tôi không nghĩ sẽ gặp lại Brumer một lần nào nữa.

Trên con đường trở về nhà qua những khu rừng thông nhắc nhở tôi đến vùng núi đồi Lang Biang. Lang Biang và Cordova cách xa nhau trùng trùng sông núi như tình nghĩa cha con giữa Brumer và Cà Na. Cùng màu mắt xanh biếc với tia nhìn cao ngạo thoáng chút dữ dội, đôi môi kiêu hãnh, nhưng họ không còn một cơ hội nào để trùng phùng, thôi thì cứ để dĩ vãng êm trôi theo dòng sông định mệnh của nó.

Tôi chợt nhớ bức tranh treo trong nhà Jessica, bức tranh "Home is where the heart is" của Thomas Kinkade, hình như Brumer chỉ nó và nói ngôi nhà này giống những ngôi nhà ở Hồng Hoa Thôn ngày trước. Lòng tôi bỗng quặn đau khi nhớ đôi chân đen đủi của Cà Na dưới gấu chiếc váy hoa sặc sỡ. Đôi chân đó là của núi đồi hoang vu, của đất đai, bụi bặm. Ngôi nhà chắc hẳn vẫn còn đó nhưng những trái tim thì đã bị vất bỏ, khô héo ở một nơi nào đó trong cuộc đời dẫy đầy tàn nhẫn và bi thương này.

Tôi mở album tìm tấm hình của Cà Na ngày cũ, tấm hình trắng đen nay đã vàng ố. Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội để trao nó lại cho người cha./.

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
07/02/201302:22:35
Khách
Cho dù bài này là một truyện hay một câu chuyện thật, xin thành thật khen là rất hay!
06/02/201322:52:04
Khách
Một chuyện rất hay về tình cha con. Cám ơn tác giả và đang chờ đón những bài viết mới trong năm mới Quý tỵ 2013.
07/02/201320:06:43
Khách
Cám ơn tác giả, chuyện hay lắm. Tôi nghĩ hạnh phúc là khi mình hài lòng với cuộc sống mình. Cô gái lai kia cảm thấy hạnh phúc là tốt rồi, có chồng giàu có yêu thương mình là OK rồi cho dù không đúng tiêu chuẩn văn minh, giàu có nhưng cô ta khỏi cần cày cực khổ như bên đây hihi.
07/02/201319:17:54
Khách
Đọc bài viết của cô Phương Vinh làm tôi nhớ tới câu chuyện có thật của bạn tôi. Năm 2001 chúng tôi trở lại VN làm việc, ở đây tôi quen và làm bạn với cô ấy, vì nhỏ hơn tôi nên lúc nào cô cũng kêu chị và xưng em ngọt xớt. Vì vậy cô không ngần ngại tâm sự chuyện tình của cô và ông chồng "mắt mèo" của mình.

Trước 75 cô gặp và sống chung với chồng cô, hai vợ chồng có được hai đứa con, một trai và một gái. Đầu tháng 4-75 chồng cô phải trở về Mỹ training, dĩ nhiên với địa vị của ông lúc đó (ông làm việc cho CIA) ông biết trước số phận của VNCH sẽ ra sao. Trước khi đi ông gởi gấm vợ con và đưa hết các giấy tờ quan trọng liên quan đến vợ và hai đứa con cho người bạn thân của ông và nhờ ông ta giúp đở. Nhưng đúng là: mưu sự tại nhơn thành sự tại Thiên. Những ngày Saigon hấp hối ông không liên lạc được với vợ của bạn mình. Khi cô ấy tìm đến ĐSQ thì chuyến trực thăng cuối cùng đã cất cánh. Cô không vào bên trong ĐSQ hoặc vào được Phi Trường Tân Sơn Nhứt được vì không có giấy tờ gì chứng minh chồng cô là ai mặc dù hai đứa bé tóc hoe.

Khỏi nói thì cũng biết cuộc sống của cô như thế nào sau cuộc đổi đời, từ một building sang trọng cô phải về sống chung với người cô với mái tranh vách lá. Nhưng điều nầy không làm cô đau lòng, cái đau lòng nhứt là các con của cô không được đi học, lúc nào chúng cũng bị trêu chọc đến tàn nhẫn vì bộ tóc hoe của chúng. Cô phải lảm đủ thứ nghề để nuôi con, nào gánh nước mướn, nào bán bún riêu v.v. Cuộc sống ở Saigon càng ngày gặp khó khăn, nhưng cô ráng chờ đợi tin tức của chồng cô. Đến lúc không còn có thể chịu được nửa cô đành phài dắt hai con về quê sinh sống. Cô cho biết cuộc sống ở quê tuy thoải mái hơn vì dân làng như bà con quen thuộc và các con của cô it bị chọc phá hơn. Nhưng vấn đề tài chánh thật khó khăn, gia đình cô không ai dư dã để có thể giúp đở cô dù khi trước cô đã từng giúp đở họ rất nhiều.
Đầu thập niên 80 (tôi không nhớ năm mấy) khi chính phủ VC lập represent office to United Nations. Lúc đó bà Nguyễn Thị Bình và Đại Sứ Liên Hiệp Quốc và một số "tai to mặt bự" đang họp ở New York, chồng cô ấy xin được gặp hai nhân vật nầy và van xin họ giúp đở ông tìm vợ và hai con của ông. Cuối cùng thì gia đình cô ấy reunited.

Sau khi gặp lại chồng cô sinh thêm hai cháu trai (xin kiên nhẫn sẽ thấy cuộc đời cô ấy khổ như thế nào). Năm 2001 vợ chồng cô trở lại VN làm việc, cô chỉ dẫn theo được hai cháu dưới tuỗi vị thành niên. Năm 2002 đứa con trai lớn của cô quen được cô VN trên internet, cậu ta nằng nặc đòi cưới cho được cô nầy. Tết năm đó chúng tôi xuống quê cô ấy chơi, bạn tôi nhờ mang quà giùm cho gia đình bà sui gia. Chúng tôi có dịp gặp gia đình cô ấy. Gia đình tuy không giàu nhưng cũng khá hơn rất nhiều gia đình khác. Vài năm sau khi cô đén Mỹ thì tình cảm vợ chồng đã không còn như khi chat qua internet. Cuối cùng thi hai người ly dị. Cậu con thứ ba khi đến Saigon cậu vừa tròn 18, vô nghề nghiệp, không vào đại học dù c/t trà tiền học phí. Một năm sau, cậu làm quen với cô gái VN, cậu nhứt quyết đòi cưới cho bằng được cô nầy dù gia đình ngăn cản và cuối cùng thì cậu cũng được theo ý muốn dù tuổi đời vừa tròn 20 (still no job).

Khi gia đình mản nhiệm kỳ ở VN, ba má cậu đổi đi Đức và đem cậu con út theo, cậu thứ ba đem vợ về Mỹ và ghi danh học đại học. Cô vợ nằn nặc đòi đi CA để sống vì ở đó vui hơn. Cậu không chịu đi vì dù sao thì ở đây cũng không phải trả tiền thuê nhà vì là nhà của gia đình. Cô tự ý bỏ đi vì ở CA cô đã có người bồ đang chờ đợi. Tội nghiệp cậu đâu biết rằng sở dĩ cô nầy ưng cậu vì biết rằng cậu đem cô đi Mỹ dễ dàng hơn khi phải chờ người tình của cô về cưới. Sống chung một thời gian cô biết tính tình cậu nầy nóng nảy và bốc đồng nên cô set up để cậu gọi cô rồi cô để người tình trả lời điện thoại. Tội nghiệp cậu vô tình hăm doạ cô ấy mà không biết là police đang nghe cuộc điện đàm của hai người. Tội nghiệp bạn tôi tốn không biết bao nhiêu tiền cho luật sư của cậu con mù quáng, thậm chí cô phải mortgage căn nhà để trả nợ cho con. Mặc dùtốn t
05/02/201316:54:29
Khách
Ca'm o*n co^ Mimosa. Co^ viet truye^.n hay qua' nhu*ng buo^`n qua'... Cha'u khong hieu sao la.i co' nhu*~ng nguoi me. nhu* nha^n va^.t Lan, co' the^? cho/ba'n con cua? mi`nh cho nguoi kha'c. Do' la` 1 de^`u cha'u khong bao gio hieu duoc. Co' le~ vi`Lan vo^ tra'ch nhie^.m ne^n muon du`ng mo.i ly' do de^? tu*` bo? gio.t ma'u cu?a co^ a^'y. Ne^'u nguoi me. tha^.t su*. thuong con, nguoi me. do' se~ khong bao gio roi con cho du`bi. xa~ ho^.i ruo^`n ra~ hay ba` con ruo^.t thi.t bo? roi. No^`i na`o u'p dung na^'y, moi nguoi me. nhu* Lan moi cap bo^` voi mot thang da`n o^ng nhu* Brumer. Nhieu khi minh nghi~ ra(`ng co^ ga'i lai my~ do' ne^n so^'ng o*? my~, di xe hoi, ma(c quan a'o ma('c tien vi` co^ co' doi ma(t xanh.......nhung cha'u nghi~ ra(`ng cha me. nuoi cua? co^, cap vo chong nguoi thuong, cho co^ cuo^.c so^'ng to^'t ho*n va` nha`n ro^~i ho*n, ho. da.y co^ de^`u pha?i va` khong la`m chuyen sai tra'i. Vi' du. nhu* la` khi cana no'i la` "Hoàn cảnh là gì tôi không biết đâu, tôi không bao giờ bán con tôi dù là giá trăm con trâu hay trăm con bò" Minh nghi~ nguoi thuong la.c ha^.u nhung ho. ra^'t trung tha`nh va` co' nhieu de^`u hay ho*n nguoi kinh mi`nh do' co^. Do' la` su*. suy nghi~ cua? rieng cha'u. Ca'm o*n co^!
06/02/201304:34:30
Khách
Thưa Quý vị Độc Giả Việt Báo,
Vì lý do kỹ thuật mẫu đối thoại giữa nhân vật Tôi và Brumer đã thiếu đi vài giòng làm đoạn văn trở nên tối nghĩa. Mimosa Phương Vinh xin được thêm vào như sau đây:

"Mồ hôi vã ra trên khuôn mặt Brumer, ông xúc động mạnh:

- Chồng nó ra sao, nó có hạnh phúc không? Còn Lan thì sao?

- Chồng nó giàu nhất làng kia và có học. Cà Na hạnh phúc và bằng lòng với đời sống của nó. Còn Lan thì tôi không biết, có lẽ cô ta có chồng khác rồi cũng nên. Cà Na vẫn nhớ ông là cha nó, luôn luôn nói cha nó là một người Mỹ.
Tôi xin thề đã nói lên sự thật, một sự thật qua nhận thức của một thiếu nữ ..."thiếu nữ được nuôi sống và lớn lên ở một vùng rừng núi hoang dã, nghèo nàn. Em bằng lòng và tận hưởng, hãnh diện vì những điều em có như một con ếch ngồi dưới đáy giếng chỉ thấy một mảnh trời trong xanh. Khi tôi nói lên sự thật đó, tôi bắt gặp niềm rạng rỡ toả ra từ khuôn mặt của Brumer, khuôn mặt của một người cha khi biết con mình đang hạnh phúc. Ông nói:

Xin thành thật cảm ơn Quý Độc Giả đã theo dõi câu chuyện của Cha và Con!
Kính.
Mimosa Phương vinh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến