Hôm nay,  

Ánh Mắt

27/01/201300:00:00(Xem: 150250)
Tác giả sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu 2000, đã nhận giải Chung Kết 2008 với bài “Chuyện Của Cây Vông”. Thụy Nhã (hình bên) hiện làm việc trong một bệnh viện tại Nam Cali. Sau đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Quý Tỵ, hiện đã phát hành khắp nơi.

Tôi đã vượt bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu cái đèo để tìm được mật gấu cho bà ấy. Tay bà ấy bị thương, người ta bảo chỉ có mật gấu mới chữa lành thế là tôi lao đi tìm. Vượt bao ngọn núi, bao cái đèo rồi tôi tìm được bọn lái buôn. Qua bao nhiêu khó dễ chúng cũng để lại cho tôi thứ mật gấu mà chúng bảo là nguyên chất. Rồi tôi lại lần mò qua con đường cũ cầm về cho bà ấy. Bọn lái buôn ấy có lương tâm ông ạ. Tay bà ấy khỏi hẳn sau khi thoa mật.

Ánh mắt người đàn ông sáng lên khi nhắc lại câu chuyện hơn mấy chục năm trước. Nó sáng như mắt người đàn bà khi đón túi mật gấu từ tay ông và để ông xoa lên tay mình.

Tôi ngồi một bên nghe ông kể lại câu chuyện cho người anh họ và hình dung khung cảnh của một tỉnh nhỏ mười mấy năm trước.

"Con Vàng đâu, con Vàng đâu"

Mỗi sáng sớm khi nghe ông gọi tôi đều chạy quắn đít. Tôi chạy khắp nhà trên xóm dưới không phải để tìm ông mà để trốn ông. Ông tìm con Vàng ở cửa trước tôi chạy cửa sau. Ông tìm con Vàng ở gốc cây đu đủ, tôi chạy trốn sau cửa bếp. Tôi không dám thở mạnh sợ ộng tìm ra tôi sẽ tìm ra luôn những tội lỗi mà bà đã tìm cách che dấu cho tôi ngày hôm trước. Chỉ cần nhìn vào mắt ông thôi là con bé con dù có rắn mắt cỡ nào cũng sợ khiếp đảm rồi không đánh mà khai, tôi sẽ làm cho ông ngứa mắt và hậu quả là ngày nào tôi cũng bị la một trận tơi bời. Ông có một cây roi rất lớn, nhưng chưa bao giờ ông mang ra doạ vì chưa thấy cây roi tôi đã cà lăm nặng rồi.

Thế là buổi sáng nào con Vàng cũng lủi thủi chạy trốn ông. Mặc dù nó không biết ông kiếm nó để làm gì. Mặc dù có thể ngày đó nó chưa kịp làm điều gì có tội nhưng vì bị ông la nhiều quá nên nó cứ trốn trước cho chắc ăn. Ngày nào ông không kiếm ra nó, nó thở phào nhẹ nhõm và tự cho là mình rất may mắn. Ngày nào bị ông mắng xối xả nó cụp mắt để ráng không khóc sợ ông la thêm. Sau khi bị ông la nó sẽ quay qua lẫy bà vì chỉ có bà là xuýt xoa mỗi lần nó hờn. Có ngày nó lẫy, doạ bà nó sẽ không ăn cơm nhưng khi bà đi ngủ trưa nó lén bà ăn liền tù tì bảy quả chuối tiêu. Bà thức dậy thấy nó vẫn chưa ăn cơm thì cho nó một đồng, thế là nó hết lẫy.

Tôi đi từ bắc vào nam anh ạ, mang cả gia đình. Tôi gồng, tôi gánh. Bỏ lại tài sản ở miền Bắc, tôi vào Nam cũng giống người ta, vợ con đùm đề. Rồi tôi bỏ gia đình ở lại Sài Gòn, một mình vào Đơn Dương lập nghiệp. Lạ nước lạ cái, tôi không muốn gia đình tôi khổ lây. Tôi đã biết lái xe ở Hà Nội thế là tôi bắt đầu đi buôn chuyến. Bà ấy là một trong những con buôn đi nhờ xe tôi. Tôi đã từng thấy bà ấy nhiều lần trên xe nhưng không cảm thấy gì. Vậy mà bỗng nhiên, khi tay bà ấy bị thương tôi biết tôi phải đi tìm mật gấu cho bà ấy. Nó giống như một sứ mệnh, không làm không được.

La con Vàng xong là ông tất tả đi Cà Tọt. Có khi bà đi theo, có khi bà ở nhà băm chuối cho heo ăn. Bỏ hết nhà cửa và một đội cyclo cho thuê ở miền Bắc, ông vào Nam gầy dựng lại từ đầu. Ông bắt đầu từ buôn chuyến cho đến khi tậu được miếng đất, cất được căn nhà rồi ông mua rẫy, làm vườn, trồng lúa, nuôi heo. Vợ ông giỏi giang, ông cầy sâu cuốc bẫm, bà cũng cầy sâu cuốc bẫm, đi rẫy về bà còn chăm chuồng heo, thổi cơm, gói ghém cơm cho ngày hôm sau. Bà còn làm bao nhiêu thứ việc không tên khác nhưng chẳng bao giờ bà lên tiếng than mệt. Làm mẹ của hơn mười người con tạo cho bà một sức chịu đựng phi thường. Gia tài ông gầy dựng, bà ra tay thu vén. Ông làm gì bà làm theo nấy, không một thắc mắc, không một nghi ngờ, toan tính. Đối với bà ông là chồng, bà là vợ, không có gì thay đổi được. Bà đi theo sự sắp xếp của ông như một sự sắp xếp của định mệnh.

thuy_nha
Thế rồi tôi đến với bà ấy. Rồi vài năm sau khi cơ nghiệp vững vàng tôi về Sài Gòn đón gia đình còn ở lại. Cho tới bây giờ tôi cũng không biết bà nhà tôi nghĩ gì. Ông đưa tay nhón cốc nước rồi hớp một hớp. Tính kể thêm gì đó mà ông lại quên mất rồi. Chứng bịnh đãng trí vừa chớm bắt đầu đã làm ông quên trước quên sau thế nhưng ông không thể nào quên ánh mắt sáng ngời khi ông bôi mật gấu lên cánh tay của người đàn bà không phải là vợ mình. Trong cả cuộc đời ông chưa bao giờ thấy hình ảnh chính mình sáng ngời như vậy.

Thế rồi con Vàng lớn lên, thế rồi ông già đi. Một buổi sáng mùa hạ nó đưa tay đỡ ông lên một chiếc thuyển buồm trên vùng biển Mễ Tây Cơ. Nó sợ ông ông trượt chân nên đứng kề sát bên. Nó vừa đỡ ông vừa nói ông dựa vào con cho khỏi ngã.

Chiếc thuyền buồm lướt sóng chở ông, nó và gia đình của chú và gia đình người anh họ của ông đến một bãi biển cạn để mọi người có thể xem cá và bơi lội. Đến nơi chiếc thuyền buồm neo lại, người chủ tàu cho nó một cái áo phao để nó có thể xuống nước chơi mà không sợ bị chìm. Nó nhìn xa xa, thấy cách đó khoảng ba mét là môt dãy núi đá đen, trên đó có những con cua đang bò trông rất hấp dẫn. Thế là nó lao vào nước và bơi đi. Vừa xuống nước nó phải rất khó khăn mới trồi lên được. Rồi với sự hỗ trợ của chiếc áo phao nó trồi lên từ từ và nó ra sức đạp nước đi về phía trước. Vậy mà mặc nó ra sức đạp, thân hình nó vẫn đứng yên một chỗ. Mọi công sức của nó đều bị sức nước cản lại.

Bơi qua bơi lại một hồi, thấy không đi tới đâu, nó quyết định quay lại thuyền chơi với ông. Vừa trở lại thuyền nó liền đi kiếm ông và kể cho ông nghe việc bơi lội khó đến đâu. Ông nhìn nó và nói có gì khó. Nó cười và chọc ông con đi còn khoẻ hơn ông mà còn chưa bơi được vậy mà ông nói không khó. Thế này nhé, ông nhìn thẳng nào mắt nó rồi dang hai tay lao vào biển. Trước khi nó kịp định thần ông đã bơi qua tới bờ bên kia. Mấy con cua đang từ từ giãn ra chừa chỗ cho ông ngồi.

Cách con Vàng chỉ có ba mét thôi là một ông lão nhưng ông không còn là một ông già chân đi không vững như mấy phút trước. Trước mặt nó bây giờ là một người đã từng vào Nam ra Bắc, từng một mình một xe vượt bao nhiêu ngọn núi, cái đèo để gầy dựng cơ nghiệp. Và nó, khi ở tuổi đời còn phơi phới và khoẻ mạnh thấy mình cách thua xa ông cả một đại dương. Nó nhìn ông mình và mắt sáng ngời. Và nó nhận ra, trong cuộc đời tung hoành ngang dọc của ông, hẳn nhiên là đã có những người từng nhìn ông với ánh mắt như vậy. Chỉ cần môt giây phút thôi, đủ để một người tầm thường trở nên phi thường. Chỉ cần một giây phút thôi, để làm một ánh mắt ngời sáng suốt cả cuộc đời và gắn chặt người với người.

Năm nay ông già thêm một tuổi và quên đi nhiều hơn một chút. Những nhân vật trong câu chuyên đã thành người thiên cổ. Mỗi lần con gặp ông dù quên cách mấy ông cũng đều hỏi con có còn đi học không và câu khuyên của ông luôn luôn là học đi con, cái học không bao giờ thừa. Chắc ông biết con không có gì giỏi nên nếu không đi học thì không nuôi thân được.

Ông Nội thương,
Khi được ngồi bên cạnh ông, nghe ông dặn dò khuyên nhủ, con lại thấy mình nhỏ lại như con Vàng lon ton chạy sau vườn ngày nào. Cứ vậy nha ông, ông và cả gia đình mình bước vào năm mới thật khoẻ mạnh để con được nhìn ánh mắt rạng ngời của ông và được tựa vào ông như một cái cây được tựa vào núi thái sơn.

Thụy Nhã

Ý kiến bạn đọc
28/01/201307:27:07
Khách
Bài viết lung tung quá!
28/01/201304:33:13
Khách
Thuỵ Nhã, lâu quá mới đọc được bài của em. Anh Văn thích bài này lắm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,462,111
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến