Hôm nay,  

Lời Con Trong Tang Lễ Bố

28/12/201200:00:00(Xem: 285849)
viet-ve-nuoc-my_190x135Thêm một cánh chim đầu đàn thuộc thế hệ đầu tiên của người Việt tại Hoa Kỳ vừa từ trần: Cụ Nguyễn Văn Thịnh, vị niên trưởng của một gia đình thuyền nhân gồm 58 người định cư tại San Diego, đã ra đi vào lúc 4 giờ 57 chiều ngày thứ Hai 17-12-2012, nhằm ngày 5-11 năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 83 tuổi.

Sau khi cùng gia đình chu toàn đại tang thân phụ, người con trưởng của cụ Nguyễn là Ông Nguyễn Văn Hưởng, tác giả giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2004, có chia xẻ với Việt Báo bản văn phát biểu trong tang lễ. Nhận thấy đây là văn bản thể hiện nhiều kinh nghiệm và suy ngẫm đặc biệt trong việc tiến hành một tang lễ theo lề lối Việt Nam, chúng tôi có yêu cầu và được tác giả cho phép phổ biến.

Xin thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cám ơn tác giả và trân trọng giới thiệu.

Ngày Thứ Bẩy, lễ phát tang

Kính thưa mẹ cùng toàn thể gia tộc.

Thưa mẹ, những gì con sắp nói ra đây là lời con nói chung với tất cả mọi người. Nhưng con xin phép mẹ cho con được dùng lối xưng hô của một người anh trò chuyện với các em. Và để tránh mất nhiều thì giờ, anh sẽ chỉ nói tiếng Việt, nhờ các em dịch lại cho những ai không hiểu tiếng Việt giúp anh. Hay là đọc bản viết bằng Anh ngữ do Duy, đứa cháu đích tôn của Bố lược dịch.

Các em thương mến.

Ngày hôm nay chúng ta tụ họp về đây để đưa tiễn Bố, con chim đầu đàn của gia tộc ta vừa rời khỏi cõi đời này. Tuy chúng ta sinh sống trên đất Mỹ đã ngoài 35 năm, nhưng lúc còn sống Bố ước muốn tang lễ của Bố được tổ chức theo lề lối Việt Nam. Cho nên những gì sắp diễn ra trong hôm nay và ngày mai là những điều anh Hai tự tìm hiểu, rồi hướng dẫn các em, các con và các cháu để làm vui lòng Bố.

Theo truyền thống phong tục lễ giáo Việt Nam, một khi cha mẹ qua đời, con trưởng sẽ là tang chủ, người chủ động mọi việc cho tang lễ của cha mẹ mình. Và giờ đây anh đang làm cái trách nhiệm và bổn phận theo cái truyền thống đó. Anh mong các em sẽ giúp đỡ, hổ trợ anh để tang lễ của Bố diễn ra một cách tốt lành. Đó cũng là một cách tỏ lòng hiếu thảo với Bố của chúng ta.

Các em thương mến,
Trước tiên anh sẽ nói để con cháu mình hiểu sơ qua quan niệm về sự chết đối với người Việt Nam.

Xưa cũng như nay đa số người Việt vẫn nghĩ: "sống ở, thác về". Câu này có nghĩa là người mình xem cuộc sống trên mặt đất chỉ là cõi tạm bợ, và chết không phải là hết, chết là trở về chốn vĩnh cữu. Thành ra chúng ta đến đây để đưa tiễn Bố về nơi chốn tốt lành đó.

Người Việt thường sống theo đạo lý: "nghĩa tử là nghĩa tận", tức là một khi đã chết thì mọi hờn oán, thù hận v.v… đối với người chết xem như chấm dứt. Không ai truy cứu người chết bao giờ.

Người Việt còn quan niệm lễ tang là một phần của đạo hiếu mà con cháu dành cho ông bà cha mẹ khi qua đời. Cổ nhân ta dạy:

Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn

Cái hiếu phải được tỏ bày bằng tấm lòng chân thành đối với Bố chớ không phải với mục đích phô trương ra ngoài mặt.

Xuất phát từ việc xem trọng người chết, nên người Việt kính trọng người lớn tuổi đúng như câu châm ngôn “kính lão đắc thọ”. Câu này có ý khuyên chúng ta nên kính trọng người lớn tuổi hơn mình, thì sau này chúng ta mới được sống lâu. Người già vì thế được con cháu chăm sóc; được xã hội nể trọng, lâu ngày trở thành truyền thống văn hóa của Việt Nam. Điều này anh thấy các em đã làm rất tốt với Bố mẹ.

Mấy ngày nay các em cũng nghe anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần mấy chữ “Không nhận Phúng Điếu”. Nhân đây anh cũng giải thích điều này để cho con cháu chúng ta hiểu.

- Phúng là gì? Phúng là đem lễ vật tới cúng người chết.

- Điếu là gì? Điếu là viếng thăm tang chủ để tỏ lòng thương xót người chết.

Ngày xưa lễ vật gồm có nhang, đèn, hoa, quả bánh trái và tiền bạc để giúp tang chủ phụ lo cho đám tang trong tinh thần tương thân tương ái. Càng về sau này hai chữ Phúng Điếu được hiểu chỉ là Tiền Bạc mà thôi.

Nhiều lần Bố nói với anh, Bố không muốn nhận tiền bạc cũng như vòng hoa của bất kỳ một ai đến dự tang lễ Bố. Điều này chúng ta đã tỏ rõ cho các thân hữu của gia đình chúng ta biết.

Cũng theo lễ giáo, người đi phúng điếu dầu lớn tuổi hơn hoặc là vai vế trên đối với người chết cũng đều vái, lạy trước linh cữu, vì người xưa quan niệm, chết rồi thì thành thần.

Vì vậy khi người đến phúng điếu Bố, mỗi khi họ lạy, xá bao nhiêu cái, và bằng cách nào chúng ta sẽ trả lại bấy nhiêu (không nhiều hơn và cũng không ít hơn). Điều này không phải là "trả hết lễ" mà chỉ mang ý nghĩa "đáp lễ một cách đầy đủ".

Anh nhờ chú Lộc sắp xếp em cháu mình làm tròn việc này giúp anh.

Theo nguyên lý âm dương, khi chưa mang Bố tới chỗ thiêu, Bố vẫn được coi như còn sống, nên mỗi lần lạy Bố, chúng ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng trưng cho âm dương hòa hợp trên dương thế, tức là sự sống. Sau khi Bố thiêu xong, từ đó về sau trong những ngày cúng giỗ hay tưởng nhớ Bố trước bàn thờ, chúng ta đều lạy 4 lạy.

Tiếp đến anh sẽ nói sơ qua về nghi lễ phát tang mà chúng ta sắp sửa cử hành. Anh đã chọn ra vài người phụ giúp anh trong công việc này:

Duy, con sẽ là người bưng mâm khăn tang. Con sẽ đứng cạnh bên quan tài của ông nội. Còn Mẹ, con và chú Lộc sẽ là người trao khăn tang.

Trước tiên anh sẽ tuần tự giải thích về nghi lễ này để mọi người hiểu và làm theo.

Người nhận khăn tang đầu tiên là mẹ và con sẽ là người đội khăn tang cho mẹ. Sau khi anh đội khăn tang cho mẹ xong, chú Lộc sẽ lấy bó khăn tang của gia đình anh trao cho mẹ, sau đó mời anh Hai lên nhận bó khăn tang, và mẹ sẽ quấn vành khăn tang lên đầu cho anh. Sau đó mẹ trao số khăn tang còn lại cho anh và anh đưa lại cho chị Hai để chị Hai phát cho con cháu của mình.

Kế đến anh sẽ mời Chú Ba Lộc, cô Tư Hòa rồi lần lượt theo thứ tự ngôi thứ trong gia đình mình. Anh mời cho tới người cuối cùng là cô Út Loan. Anh sẽ quấn khăn tang cho chú Lộc, chú Lộc quấn khăn tang cho các em, quấn cho tới người người cuối cùng là cô Út Loan. Rồi mỗi gia đình tự lo quấn khăn tang cho nhau. Sau đó sẽ đến phiên các gia đình thuộc vai vế cháu của Bố.

Theo đúng tập tục ngày xưa anh phải cư tang Bố 3 năm, còn người cư tang ngắn nhất là các cháu nội ngoại của anh, của chú Lộc và cô Hòa, mỗi cháu chỉ 3 tháng. Trong suốt thời gian cư tang, người có tang không được tham dự các cuộc vui chơi đình đám, không được uống rượu, mặc quần áo xa hoa… Nhưng Bố muốn, chúng ta chỉ phải cư tang Bố hôm nay và ngày mai mà thôi. Sau đó các vành khăn tang sẽ được đưa vào lò thiêu cùng với quan tài của Bố. Làm như vậy có nghĩa là Bố đã xả tang cho tất cả con, cháu, chắt của Bố. Bố không muốn buộc con cháu phải kiêng cử bất cứ điều gì vì sự ra đi của Bố.

Sau khi mọi người nhận đầy đủ khăn tang rồi sẽ tới nghi lễ lạy quan tài Bố.

Khi bắt đầu nghi thức này, anh Hai sẽ mời mẹ lên trước tiên. Sau khi mẹ đứng trước bàn thờ Bố, chú Lộc sẽ đốt 3 nén nhang trao cho mẹ, để mẹ khấn vái trước vong linh Bố.

Thưa mẹ,
Vành khăn tang con đội lên đầu mẹ ngày hôm nay thay cho lời nói lên hơn 66 năm mẹ thủy chung bên Bố, hơn 66 năm đồng hành cùng Bố. Khởi đi từ làng quê nghèo Tri Chỉ, mẹ mang theo cái bụng bầu cô Hòa, tay dắt con, vai quảy đôi quang gánh, gánh chú Ba Lộc cùng mớ hành trang tìm đường trốn vào Miền Nam. Rồi các em con: Nga, Thành, Thanh, Liêm, Loan lần lượt ra đời. Trước vong linh Bố. Thay mặt cho các em, các cháu, các chắt của Mẹ. Con xin cảm tạ ơn sinh thành, dưỡng dục của cả Bố lẫn Mẹ.

Giờ con xin mẹ quấn lên đầu con vành khăn tang để cho phép con thọ thang Bố.

Chúa Nhật, trước lễ hoả táng

Kính thưa mẹ. Kính thưa quý thân bằng quyến thộc, bạn hữu gần xa hiện diện nơi đây.

Các em thương mến, nguyên quán của gia tộc ta tại làng Tri Chỉ huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên, thuộc miền Trung Du Bắc Việt, nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng, cái nôi của người Việt cổ. Tính đến đầu năm 1955, thời điểm Bố mẹ rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm đường trốn vào Miền Nam tìm tự do, gia đình ta mới chỉ có 4 người gồm: Bố mẹ, anh và chú Ba Lộc, còn cô Hòa vẫn còn trong bụng mẹ. Đến ngày 31-7-1976, tức đúng 15 tháng sau ngày người cộng sản chiếm trọn Việt Nam, gia đình ta đã tăng lên con số 14. Tất cả cùng xuống chiếc ghe đánh cá nhỏ tại vàm Cái Đôi, một vùng biển hẻo lánh thuộc tỉnh Cà Mau, để cùng liều chết vượt biển tìm tự do. Sau 11 tháng sống nơi trại tỵ nạn Mã Lai, chúng ta được định cư tại Worthington, một thành phố nhỏ nằm về phía cực nam bang Minesota. Đến cuối năm 1977 lại dọn về San Diego và định cư tại đây cho đến hôm nay. Hiện giờ các con, các dâu rể, cháu chắt của Bố đã lên đến 58 người. Và tất cả hiện đang tề tựu nơi đây để đưa tiễn Bố.


Trong vài phút nữa, chúng ta cùng một số bà con thân hữu sẽ đưa thân xác Bố đến nơi hỏa táng. Là một người được diễm phúc làm con của Bố ngoài 65 năm, anh xin kể lại một vài điều có liên quan tới Bố đã khắc sâu trong lòng anh.

Bố tuổi con ngựa, sinh năm Canh Ngọ 1930. Người sống ở nông thôn miền Bắc nước ta vào thời buổi đó thường lập gia đình sớm. Mẹ sinh anh năm mẹ tròn 20 và Bố vừa đúng 18.

Nếu xem gia đình là nền tảng của xã hội thì Bố là người đã xây dựng cái nền tảng đó thật vững chắc. Bởi mỗi một viên gạch Bố xây đều được kết tụ bằng tình yêu thương của Bố. Tình yêu thương đối với cha mẹ, anh chị em cũng như đối với các con các cháu của mình. Và cũng nhờ chính cái tình thương luôn tiềm ẩn trong lòng Bố, đã bao phen cứu vớt gia đình ta qua bao cơn khó khăn.

Cho đến giờ phút này anh vẫn nhớ như in từ gương mặt cho đến lời nói, cử chỉ của Bố, lúc vào thăm anh nơi trại tù cải tạo Cái Đôi. Khi anh khơi chuyện anh muốn trốn tù, tìm đường vượt biên. Bố thẳng thừng từ chối, rồi gắt gỏng nói với anh:

- Tao không đi đâu hết! Tao phải về Bắc thăm bà và các chú mày.

Ngay lúc đó anh nghĩ Bố là người cản trở kế hoạch trốn tù rồi đưa cả gia đình vượt biên của anh. Rồi thời gian trôi qua, giúp anh dần dần nhận ra, những điều Bố nói chính là lời của một người con chí hiếu đối với mẹ mình, lời của một người anh cả luôn nghĩ đến các em. Nhưng điều quan trọng nhất chính là cái hậu quả của mấy lời nói đó. Nếu Bố chúng ta mà không có tấm lòng thương mẹ, thương các em của mình, anh cũng không biết toàn thể gia tộc ta hiện giờ sẽ ra sao.

Nếu ví anh là người tài xế, lái chiếc xe đưa gia đình ta trốn chạy cộng sản. Thì anh là một người tài xế nóng nảy, hấp tấp, lúc nào cũng muốn tới đích thật mau, thật sớm. Còn việc Bố không chịu đi ngay lúc đó, chính là Bố đã đạp chân vào cái thắng, buộc chiếc xe phải chạy chậm lại.

Anh cũng đã đoan chắc rằng: chính nhờ cái tình thương con của Bố mà toàn thể gia đình ta có được ngày hôm nay.

Chắc tất cả các em đều còn nhớ cái ngày chị Hai đưa chú Tài về Mỹ Tho bàn tính chuyện vượt biên. Tới giờ phút đó rồi mà Bố vẫn một mực không chịu bỏ nước ra đi. Cuối cùng mẹ đã kêu chị Hai khuyên can Bố. Và đây là lời chị Hai đã tỏ bày cùng Bố:

- Thưa Bố, Bố mà không chịu đi tức là chồng con không bao giờ đạt được ước nguyện. Chắc chồng con phải chết lần chết mòn trong tù đày đau khổ. Con xin Bố cứu chồng con. Bố đi thì chồng con sống, Bố ở lại thì chồng con chết.

Đem cái xác của anh Hai ra đặt trước mặt, để Bố quyết định, đã buộc Bố phải thốt nên lời:

- Không đi thì thằng Hưởng cũng chết, đi thì may ra còn cứu được nó. Thôi, vì các con Bố phải đi.

Thưa Bố, những điều con nhận ra đó lại đúng vào lúc đầu óc Bố khi nhớ, khi quên. Vì thế Bố không nhận ra con đã biết được mấy điều này. Nên hôm nay trước vong linh Bố con xin thay mặt các em, các con, các cháu, cảm tạ tất cả những tình thương của Bố dành cho từng người một trong đại gia đình mà Bố đã tạo dựng nên.

Đặc biệt cũng trong cái thời gian khi nhớ khi quên đó, Bố thường nhắc nhiều đến những ngày sống tại Bạc Liêu trong Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin, đơn vị cuối cùng của cuộc đời lính của Bố. Khi thì Bố thay đồ để đi vào trại tập họp, khi Bố phải vào đơn vị lãnh lương. Bố nhắc nhiều đến vị Tiểu Đoàn Trưởng đáng kính Thiếu Tá Lương Duy Thanh, đến Đại Úy Thân Văn Vui, Trần Duy Chinh…

Thưa Bố, trong buổi tiễn đưa Bố hôm nay có cả chú Thanh và anh Vui nữa. Con đã thay mặt Bố cảm tạ sự hiện diện quý báu của hai vị khách đặc biệt này.

Thưa Bố, tình thương của Bố đối với các con dường như là cái tình một chiều. Hơn 7 năm về trước cũng ngay tại chỗ này Bố đã gật đầu chọn làm trạm ghé cuối cùng của cuộc đời Bố. Ngay lúc đó con đã xin với Bố để anh em chúng con lo cho Bố việc này. Nhưng Bố chỉ nhận tấm lòng của các con thôi.

Bố bước vào đời từ những bậc thang thấp nhất. Bữa ăn thường ngày lúc còn bé của Bố toàn những bát cơm trộn khoai sùng, sắn mốc. Sống dưới mái nhà tranh vách đất. Vào lính với cấp bậc binh nhì… Vì vậy Bố hiểu rõ nhất sự cần thiết trong việc học hành.

Ngày còn bé, Bố thấy cả con lẫn chú Lộc đều học hành kém cỏi. Bố tìm thầy về dạy kèm cho hai con. Vì đồng lương lính chẳng được là bao, Bố trả công thầy bằng cách, mời hết gia đình thầy về nhà mình ở. Mãi tới khi đó chữ nghĩa trong đầu con và chú Lộc như mới vỡ ra. Nhờ vậy chú Lộc thi đỗ vô trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, một ngôi trường có tiếng của Nam Kỳ Lục Tỉnh, còn con được nhận vào trường Thánh Giuse Mỹ Tho, một tư thục Công Giáo do các “phe” dòng Lasan dạy dỗ.

Đến ngày con thi đỗ mảnh bằng Trung Học, Bố là người vui mừng nhất nhà. Bố vui còn hơn chính Bố thi đỗ. Rồi Bố sợ con nếu tiếp tục học hành ở Mỹ Tho có nhiều bạn bè sẽ chơi bời lêu lổng. Bố gởi con lên Ban Mê Thuột học nội trú. Lương tháng Bố lãnh về chỉ có 1700$. Tiền ăn học của con tuy đã được giảm bớt gần phân nửa, nhưng hàng tháng Bố vẫn tốn hao hơn 1200$. Con biết mỗi mảnh bằng anh em con nắm được trong tay chẳng những tốn hao tiền bạc mà còn cả sức lực của Bố.

Mấy em có biết vì sao Bố lo lắng cho anh quá nhiều như vậy không? Bởi Bố nghĩ: “Đầu xuôi, đuôi lọt”. Không biết bao nhiêu lần Bố nói với anh câu này. Anh cũng thấu hiểu những gì Bố muốn nhắc nhở anh qua câu nói đơn sơ đó. Và anh tin Bố đã thấy được, sau khi đã qua lọt rồi, các con của Bố cũng đã biết nghĩ đến những cái đuôi vẫn đang ở phía sau.

Thưa Bố hôm nay con tỏ mọi điều này ra để các con, các cháu, các chắt của Bố hiểu rằng sở dĩ chúng đang nắm được những gì tốt đẹp nhất trong tay cũng là nhờ ông cha của chúng đã san phẳng hết những chông gai trên đường thênh thang chúng đang đi. Tuy Bố không làm được những điều gì lớn lao cho cộng đồng, cho xã hội. Nhưng Bố thật lớn lao trong lòng mỗi đứa con đứa cháu. Bởi tất cả những gì mà các con các cháu của Bố đang có đều được đều xuất phát từ những nấc thang cuối cùng mà Bố đã nhọc nhằn, kiên nhẫn bước đi.

Các em thương mến.

Như anh đã chia sẻ trong ngày hôm qua. “Phước Lộc Thọ” ba điều mà mọi người sống trên cõi đời đều mong muốn đạt được. Và từ khi Bố nhắm mắt lìa đời anh luôn dâng lời cảm tạ ơn trên đã ban cho Bố của chúng ta tất cả những điều tốt lành đó. Chúng ta cũng đều biết, rồi ai cũng sẽ phải rời cõi tạm này. Trong cái buồn trước sự ra đi của Bố. Chiêm nghiệm lại mấy ngày cuối đời của Bố anh thấy trong lòng anh nỗi buồn vơi đi rất nhiều.

Buổi sáng trước khi xe cấp cứu đưa Bố vào nhà thương Bố vẫn đi bộ tập thể dục, về nhà ăn uống như bình thường. Khi vào phòng cấp cứu mắt Bố vẫn mở để nhìn mẹ cùng các con các cháu. Rồi cuộc sống của Bố được kéo dài thêm 6 ngày trong nhà thương, đủ để tất cả mọi người trong gia tộc về nhìn mặt Bố lần cuối. Rồi Bố ra đi thanh thản vào lúc 4 giờ 57 phút chiều ngày thứ Hai 17-12-2012, nhằm ngày 5-11 năm Nhâm Thìn, hưởng thọ 83 tuổi.

Các em thương mến

Bố là người đầu tiên trong gia tộc ra đi nơi đất Mỹ này. Anh Hai cũng như các em đều không có một kinh nghiệm nào trong việc tổ chức tang lễ. Nhưng anh phải lãnh trách nhiệm một người chủ tang. Anh biết nhiều việc anh làm trong tang lễ của Bố không thể vừa lòng tất cả mọi người. Trước linh cửu Bố anh xin lỗi tất cả các em, các con cùng các cháu nếu anh đã làm điều gì khiến mọi người phật lòng.

Thưa mẹ mấy điều con nói cùng các em đó con cũng muốn thưa với mẹ như vậy.

Kính thưa quý quan khách. Tôi cũng xin thay mặt tang gia cám ơn sự hiện diện của quý vị ngày hôm nay đã đến đây để đưa tiễn Bố tôi. Nếu có điều gì sai sót xin quý vị lượng thứ cho.

Anh xin tất cả các em đưa hết gia đình mình lên đây để cùng cúi đầu đồng cảm tạ quý vị quan khách hiện diện trong tang lễ của Chồng, Bố, Ông và Ông Cố của chúng tôi trong ngày hôm nay.

Trước khi đưa quan tài cụ Nguyễn Văn Thịnh ra lò thiêu, chúng tôi xin mời quý khách nếu muốn xin lên viếng quan tài một lần cuối.

Kính chào toàn thể gia tộc và quý quan khách.

Nguyễn Văn Hưởng

Ý kiến bạn đọc
04/03/201603:19:52
Khách
Gia đình thật là có phúc, mọi người sống hoà thuận gần gủi với nhau, rất hiếm có.
18/08/201523:56:23
Khách
Chân thành cám ơn tác giả đã chia xẻ sự hiểu biết của ông về phong tục và nghi thức tang chế của người Việt. Hy vọng bài viết sẽ đến tay các thế hệ con em dù sanh trưởng trong hay ngoài nước VN. Tôi xin được chia xẻ một điểm: lúc sanh tiền, Mẹ tôi (theo Đạo Phật) thường dạy con cháu là " lạy người quá cố hai lạy, lạy Phật ba lạy".
20/06/201406:14:17
Khách
That nguong mo mot gia dinh ne nep. Tat ca do su giao duc cua nguoi Bo nguoi me. Xin thanh that tri on bai viet. Toi doc ma lien tuong den Bo toi cung hy sinh tat ca de lo cho 7 anh em chung toi nen nguoi.
29/12/201215:48:56
Khách
Bài điếu văn chân thành và sống động quá, độc giả như có thể hình dung được quang cảnh buổi lễ trang nghiêm và cảm động cử hành theo đúng nghi thức và truyền thống của người Việt. Xin thành thật chia buồn và cảm ơn tác giả đã chia xẻ. Nếu có thể xin đăng bản tiếng Anh cho trẻ em Việt Nam tại hải ngoại hiểu biết thêm về đạo lý và truyền thống gia đình của người Việt Nam từ xa xưa trước khi cộng sản làm băng hoại các nền tảng đạo đức.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến