Hôm nay,  

Bà Bác Sĩ Mỹ Kỳ Lạ

12/12/201200:00:00(Xem: 354275)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật là Tô vĩnh Phúc. Trước 1975, tốt nghiệp cử nhân Luật Khoa và Văn Khoa tại Sài Gòn. Định cư tại Sacramento, California từ 1986, học và làm nhiều ngành khác nhau: Chủ nhiệm tuần báo Phù Sa, phát hành tại bắc Cali vào những năm 1990. Thơ văn đã đăng ở các ấn bản Phụ Nữ Cali, Làng Magazine và trên mạng các trang diễn đàn thơ văn khác. Hai tập thơ đã xuất bản: "Bên Bến Sông Buồn" (2011) và "Nắng Chiều Còn Vương" (2012). Tác giả hiện là cư dân ở Sacramento, Cali và tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 5, 2011. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Sau khi tôi qua Mỹ đoàn tụ với gia đình, tập quen với cuộc sống mới một thời gian ngắn, học vội hai năm căn bản ở trường college thì lật đật đi tìm việc làm. Thuở ấy là thời buổi kinh tế sung mãn tại Mỹ, nên ai cũng muốn kiếm tiền.

Thoạt đầu, tôi may mắn được tuyển vào County, làm việc văn phòng cho nhà nước với tiền lương cố định, đời sống cũng tạm được. Nhưng sau đó, một người bạn thân đã có một văn phòng bảo hiểm rất đông khách, rủ rê tôi bỏ sở, ra ngoài mở văn phòng, tự làm chủ - self employed - vừa được giờ giấc tự do, vừa có thể có lợi tức cao hơn theo khả năng làm ăn của mình.

Tôi nghe lời bạn, phần vì muốn có một đời sống tự do hơn, không bị ràng buộc bởi giờ giấc của sở làm, phần nữa do tuổi thanh niên tôi lúc đó còn bồng bột, muốn có cơ sở riêng để nở mặt với đời. Mọi việc rắc rối lại bắt đầu từ đây.

Sau một thời gian lặn lội tìm hiểu và khổ công học tập, tôi được tuyển vào Farmers Insurance là một công ty bảo hiểm rất quen thuộc và được ưa chuộng bởi cộng đồng Việt Nam lúc bấy giờ. Công ty cho phép người đại diện như tôi tự mở văn phòng riêng và tự điều hành độc lập công việc làm ăn của chính mình. Là một văn phòng Việt Nam bảo hiểm đầu tiên đại diện cho một hãng Mỹ lúc đó nên bao nhiêu khách hàng Việt Nam đều nườm nượp đến tôi, nhờ chỉ dẫn vì họ có khó khăn về ngôn ngữ và tất nhiên lợi tức tôi tăng lên vùn vụt và tôi phải mướn thêm nhiều phụ tá.

Tuy nhiên, việc làm ăn kinh doanh này cũng có thăng trầm. Hãng Farmers đã đến chu kỳ phải tăng giá bảo hiểm để bù lỗ trong việc bồi thường nên khách hàng tôi đã lần lượt ra đi tìm chỗ khác rẻ hơn. Giữa lúc suy sụp thì lại một vị cứu tinh khác, một người bạn ở thành phố khác bày vẽ như sau:

- Mày phải làm "tạp" chớ một nghề không đủ sống đâu?

Tôi chán nản hỏi:

- Làm "tạp" là làm sao?

Bạn tôi sốt sắng:

- Là làm "tả pín lù", làm nhiều thứ dịch vụ như tao, danh từ Mỹ là multi- services.

Tôi lo lắng:

- Làm sao cho nổi nhiều thứ, và ai cho mình làm?

Bạn tôi vẫn sốt sắng chỉ dẫn đầy đủ:

- Này nhé, mày ráng lấy thêm license địa ốc và thuế nữa, còn nhiều nghề khác như dịch vụ di trú, bán vé máy bay, hay đại diện luật sư làm mọi thứ tạp nhạp mà có cần một mảnh bằng nào đâu. Thêm nữa, mày có biết chiến thuật thương mại là "cross selling" không? Nói cho dễ hiểu, đó là nhờ có nhiều dịch vụ, mà khách hàng đến nhờ mình chuyện này, mình có thể giới thiệu họ qua chuyện khác mà mình cũng đang làm.

Tôi không thích làm lăng nhăng đủ thứ nhưng tới nước kiệt quệ này thì không còn lựa chọn gì khác, đành ráng học lấy thêm vài licenses, mướn lại một số phụ tá và đăng quảng cáo cho văn phòng đa dịch. Khách hàng quả nhiên có trở lại nhờ đa dịch vụ, nhưng chẳng may cho tôi nền kinh tế Mỹ lại tiếp tục suy thoái nên chẳng bao lâu mọi ngành đều bị ảnh hưởng dây chuyền, văn phòng đa dịch tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Tôi phải theo cách làm ăn lúc suy thoái là cắt bớt chi phí như cho nghỉ việc một số nhân viên và nhất là chia phòng cho thuê lại. Xem đi ngoảnh lại chỉ có một phòng trong cùng chưa có ai dùng có thể cho "share". Đó là phòng kho để lưu trữ đầy nhóc nào là máy computer cũ, bàn ghế, sách vở hồ sơ đã quá hạn. Tôi phải vất vả thu dọn, bỏ đồ bớt để có trống chỗ cho thuê.

Người tới xem phòng xin thuê rất nhiều vì chỗ của tôi là mặt tiền của một trung tâm thương mại của người Việt và Hoa rất trù phú. Tuy nhiên, thật là trớ trêu vì chính tôi phải từ chối hầu hết các ông bà này không phải vì không thỏa thuận được giá cả, mà có sự trùng hợp về nghề nghiệp. Ông, bà nào tới xem phòng đều cho biết họ dự định hoặc làm bảo hiểm, hoặc địa ốc, thuế vụ đều trùng với các dịch vụ của văn phòng đa dịch của tôi. Thử hỏi tại cùng một địa điểm mà có hai chủ cùng hoạt động một ngành, khách hàng lẫn lộn nhau dễ đưa tới hiểu lầm và sớm muộn gì cũng xảy ra cảnh gây gổ lôi thôi.

Thấm thoát nhiều tháng mong đợi mà tôi vẫn chưa tìm được ai thích hợp để chia sẻ gánh nặng tiền rent, thì trong một ngày, ngồi thơ thẩn lo âu ở văn phòng vắng tanh vì ế khách, một chuyện bất ngờ và lạ thường xảy ra.

Một bà Mỹ, tuổi khoảng tứ tuần, dáng người trắng trẻo, cao lớn, đẩy cửa hăm hở bước vào, chào tôi và tự giới thiệu ngay:

- Hi Mike (tên Mỹ của tôi để giao dịch với người ngoại quốc). Tôi là bác sĩ Linda Sch.., được anh Nam người Việt như Mike giới thiệu đến để xem phòng cho share.

Tôi ngần ngừ hỏi bà:

- Nam nào, tôi có nhiều bạn cùng tên.

Bà nhắc:

- Nam là bạn học xưa của Mike ở trường college, giờ đã move đi thành phố khác rồi, Mike nhớ không?

Tôi chợt nhớ ra và bồi hồi cảm động vì một người bạn xa xưa, gần như quên lãng theo thời gian mà vẫn còn nhớ và nghĩ đến mình. Tôi lật đật mời bà Linda ngồi. Bà đưa cho tôi xem business card của bà và giải thích:

- Họ tôi, last name, Sco…quá dài và khó đọc nên tôi chỉ muốn mọi người gọi tôi bằng tên first name, Linda.

Tôi thoáng nhìn last name dài và kỳ lạ của bà, nhất là khi có ba phụ âm liên tiếp nhau thì đúng là thật khó đọc. Bà Linda biết ý, giải thích thêm:

- Đó là last name của Đức, ba tôi là Đức, mẹ Mỹ.

Tôi liếc nhìn bà Linhda hơi soi mói và ngạc nhiên. Tôi qua định cư ở Mỹ đã gần 30 năm, đã từng làm sở Mỹ, giao tiếp với bao người Mỹ. Thành phố tôi ở thuộc về vùng Bắc Cali, nghĩa là cũng thuộc về một tiểu bang rất nhiều chủng tộc giao tiếp nhau nên không ai thấy có dị biệt chủng tộc gì. Điều ngạc nhiên của tôi là bà Mỹ Linda này lại tìm một khu buôn bán thương mại với cả trăm thương hiệu toàn là người Việt và Hoa, chui vào đây để làm ăn với ai? Các vùng chung quanh đây cũng là khu vực của người Việt tập trung ở, thì khách hàng bà lấy đâu ra?

Phá tan dòng tư tưởng của tôi, bà Linda lên tiếng:

- Tôi là bác sĩ, nhưng không phải MD mà là DC, tức Chiropractor.

Tôi giật mình vì thêm một mối lo nữa. Các văn phòng Chiropractor mà người Việt thường gọi là văn phòng bác sĩ đấm bóp, chuyên trị đau nhức do nhiều nguyên nhân, thường có những trang bị, dụng cụ rất cồng kềnh, nào là giường đấm bóp, Xray.Thế mà phòng tôi cho share lại chỉ có vài trăm thước vuông mà sao chứa nỗi những thứ này?

Nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn đưa bà Linda đi xem phòng cầu may. Nào ngờ, xem xong, bà Linda tỏ vẻ rất hài lòng:

- Phòng này tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ và gọn, vừa với business cũng tôi.

Tôi lo lắng hỏi:

- Các đồ trang bị của bà…?

- Không sao, bà Linda ngắt lời. Tôi làm ăn nhỏ, trang bị ít và nhỏ, cần hai bàn tay là chủ yếu, còn máy X-Ray không cần, tôi có thể refer khách hàng đi phòng X-Ray của bạn tôi.

Tôi vẫn còn lo:

- Văn phòng của tôi không có phòng đợi, khách của bà ngồi đâu? Phòng bà lại trong cùng.

- Khách tôi đi thẳng vào phòng tôi, bà Linda trả lời dễ dàng. Tôi sẽ làm bảng chỉ dẫn, đánh mũi tên cho họ thấy.

Thế là mọi việc tạm ổn, tôi thâu được 2 tháng tiền rent của bà Linda, nghe sao mà nhẹ nhõm cho việc chi phí sắp tới, nhưng trong lòng cũng phập phòng lo sợ, ái ngại cho việc làm ăn của bà Linda.

Khoảng gần hai tuần sau, bà Linda mới khệ nệ dọn bàn ghế, trang bị đến phòng bà. Thấy bà đơn chiếc, cả văn phòng gần tôi, già Danh làm thuế, nhỏ Hồng bán vé máy bay, thằng Khôi làm địa ốc đều lật đật ra đỡ cho bà một tay. Mà thật ra đâu có gì nặng nề, cả một phòng bác sĩ mà chỉ có một bàn, ghế nhỏ, máy laptop, và một giường đấm bóp nhỏ như giường em bé nằm. Biết chúng tôi ngạc nhiên, bà Linda giải thích qua loa cho mọi người yên tâm là bà có ít thân chủ, hơn nữa trang bị phải gọn, nhẹ cho vừa với cái phòng nhỏ bé này.

Tuy nhiên, phía bên ngoài, chủ các tiệm lân cận có vẻ bỡ ngỡ, những người đứng trước cửa văn phòng tôi soi mói. Thật ra họ ngạc nhiên cũng phải. Đây là một trung tâm thương mại dành riêng cho người Á Châu, có tên là Asia Shopping Center mà lọt vào một bà Mỹ bơ vơ, lạc lõng làm ăn thì thật là lạ kỳ.

Bên ngoài như vậy, nội bộ chúng tôi cũng lao xao không kém. Mới có mấy ngày đầu, tôi phải đối phó với một số chuyện thật đau đầu. Bà Linda mới vào đòi ngay phải thay bóng đèn cũ, đổi qua thành bóng điện xanh lạt cho dịu với khách hàng bà, xong lại đòi sửa heater sao cho không nóng quá và lên vách ngăn cao đụng trần để bảo vệ sự riêng tư của khách hàng. Tôi cố gắng làm vừa lòng bà, nhưng những chuyện quá khả năng do cách cấu trú sẵn có của phòng đành phải nói "sorry".

Còn đối với các bạn đồng nghiệp trong phòng tôi, không hiểu do một thành kiến cố hữu nào mà không ai có vẻ thân thiện với bà Linda, chỉ chào hỏi bà lấy lệ. Nhưng một cuộc cãi vã lớn nhất khiến tôi phải vất vả lắm để can gián được. Hồng là cô bán vé máy bay chiếm phòng ngoài trước, bàn lại ở phía đường đi còn bà Linda ở phòng trong cùng. Một hôm bà Linda bước vào văn phòng, ngang qua bàn của nhỏ Hồng khó chịu, bà vấp, suýt té vì ghế dành cho khách hàng của Hồng để lấn qua lối đi.

Bà Linda vừa hết hồn vì suýt té vừa giận, bà la lớn:

- Này tôi nói cho cô biết, ghế đặt thế này gây nguy hiểm cho mọi người, cô phải chịu trách nhiệm hết nếu không thay đổi.

Hồng cũng lớn tiếng phản đối:

- Cái ghế này tôi để như vầy từ trước, có ai bị té gì đâu?

- Không té bây giờ thì sớm muộn gì cũng có người té, nhất là khách hàng họ sẽ sue cô, cô phải tôn trọng các qui định, như hallway đằng kia để khách hàng đi vào các phòng trong, sao cô lại để thêm tủ chận đường làm sao đủ cho chiếc xe lăn của handicaped vào? Bà Linda kể một loạt các vi phạm của nhỏ Hồng mà từ trước, ai cũng thấy nhưng ngại nói.

Hồng ngang ngược nói:

- Sao bà hay kiếm chuyện. Bà cứ tắt heater làm mọi người lạnh cóng mà chưa ai nói.

Bà Linda không chịu thua:

- Mỗi lần tắt heater tôi có cho mọi người hay; heater này cũ, đã mất tính tự động nên phải dùng tay để điều chỉnh.

Thấy cuộc cãi vã đã quá gay cấn, tôi đành ra can gián, vã lã cho mọi người êm dịu. Tôi không dám thiên vị ai mặc dù thấy nhỏ Hồng quá nhiều sai trái.


Ngày qua ngày, mọi người cũng lần lần quen thuộc với sinh hoạt của bà bác sĩ lạ thường này mặc dù chẳng ai làm thân hơn với bà.

Khách hàng bà rất ít vì không có quảng cáo, chỉ có giới thiệu nhau, khi là những khách cũ hẹn tới hẹn lui như ông mục sư Tin Lành, khi thì một bà người Phi, một ông Mỹ đen. Một lần, một chuyện lạ kỳ lại xảy ra.

Một bà Mỹ khách hàng quen đã từng đến vài lần trước đây có lẽ trị đau nhức và mất ngủ. Phòng bà Linda khi có khách thường được đóng kín cẩn thận không ai biết bà làm gì trong đó, chỉ nghe được tiếng lách tách nhẹ và đều có lẽ là tiếng xoa bóp của bàn tay bà Linda cho các bắp thịt của bệnh nhân bà.

Bỗng văng vẳng có tiếng thở dài đều đều rồi bắt đầu là tiếng khóc. Nhỏ Hồng động tính tò mò rủ già Danh và thằng Khôi đến ghé sát cửa phòng bà Linda. Tôi không tò mò như họ nhưng vì là chủ của phòng, rất sợ trách nhiệm nên cũng chạy lại gần xem sao rủi có chuyện gì? Tuy không ai thấy gì, nhưng vẫn nghe rõ tiếng thở dài và tiếng khóc xen kẻ đều đặn, càng ngày càng rõ và lớn dần.

Thế rồi một tiếng ré, đúng hơn là một tiếng rú lanh lãnh đến nỗi mọi người đang đứng sát cửa bà Linda, sợ ù té chạy ra xa.

- Không sao đâu, chắc kiểu này là lên đồng, lên bóng gì đó, già Danh nhiều kinh nghiệm về đồng bóng trấn an mọi người.

Quả nhiên, vài phút sau bà bệnh nhân Mỹ bước khỏi phòng bà Linda, đôi mắt còn ngấn lệ, nhưng có vẻ tỉnh táo, bước đi mạnh khỏe.

- Chắc bà này được trị xong rồi, tôi tự nhủ và thở phào nhẹ nhõm.

Vài ngày sau, bà Linda đợi lúc phòng vắng, anh em trong phòng đã đi ăn trưa, đến gợi chuyện với tôi, có vẻ bà muốn phân trần chuyện hôm trước.

- Tôi có lối trị bệnh đặc biệt, không giống các Chiropractor khác, tôi ít khi dùng trang bị máy móc mà chú trọng về tâm linh trị liệu nhiều hơn, như hôm qua bệnh nhân tôi rên khóc, Mike có phiền không?

- Không đâu, tôi vội trả lời, tôi hiểu phần nào lối trị liệu này.

- Đây này, bà Linda giơ lên một đồng tiền lớn, đây là một trong các dụng cụ đơn giản của tôi để trị bệnh.

- À, tôi mừng rỡ như chợt hiểu, người Việt chúng tôi cũng có dùng đồng tiền cạo gió để trị cảm lạnh.

- Không, bà Linda có ý cải chính, dụng cụ này được chế tạo không có cạnh sắt như đồng tiền, không gây rách da và nguy hiểm nhiễm trùng. Hơn nữa, tôi không cạo mạnh mà chỉ cọ nhẹ dọc hai bên đường xương sống, nơi có nhiều huyệt.

- Ủa, tôi ngạc nhiên, bà cũng biết bấm huyệt?

- Tôi có học khóa về bấm huyệt "Acupressure" ở trường đại học Berkeley, Cali.

Tôi hơi tò mò, hỏi thêm:

- Do dịp nào bà làm quen với các trị liệu của Đông Phương?

Bà Linda liền nắm tay, dẫn tôi vào phòng như để giải bày điều gì. Đây là lần đầu tiên tôi vào "phòng mạch" bà Linda, dù tôi là chủ thuê văn phòng này, nhưng tôi rất tôn trọng tính cách riêng tư của mỗi người. Tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài các bàn ghế, giường nhỏ mà chúng tôi đã giúp bà Linda dọn vào trước đây, trên vách tường có treo một hình đồ biểu thân người với chi chích những mạch huyệt mà tôi đã từng thấy ở các phòng châm cứu.

Bà Linda chỉ vào bảng hình người:

- Đây là sơ đồ tôi lấy từ lớp học ở trường Berkeley dành cho bấm huyệt.

- Bà cũng có những lọ để…, tôi chỉ vào các lọ đặt sát tường.

- Lọ để giác đó, bà Linda tiếp lời ngay, nhưng không dùng lửa nguy hiểm.

Bà Linda đưa tôi xem tập album hình, lật từng tờ và bắt đầu tâm sự:

- Ý tưởng trị bệnh bằng phương pháp Đông Phương của tôi không phải do ở lớp học của trường Berkeley. Cách đây khoảng 5 năm, có lần tôi đi vào tiệm làm nail người Việt nhờ giúp, được quen với một cô người Việt, lần lần chúng tôi quen thân nhau và cô ấy mời tôi cùng về Việt Nam chơi. Nhờ chuyến đi này mà tôi được dịp ngắm các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam và tiếp xúc với một số người Việt, làm quen với văn hóa họ và gặp một vài lương y Việt Nam.

Bà Linda nói tới đây thì tôi chợt hiểu, thảo nào trong phòng mạch bà có ngổn gang các lọ thuốc Đông Y, trên tường treo một bức tranh áo dài Việt Nam. Dưới mắt tôi lúc này, bà không còn kỳ lạ nữa mà là một người Tây phương phóng khoáng, đi tìm cái hay, đẹp của một nước Đông phương bé nhỏ để đem về giúp người. Không biết các bạn tôi đã hiểu bà chưa, tôi tự hỏi.

Bà Linda tiếp tục câu chuyện:

- Tôi hành nghề lâu nay không nhằm lợi nhuận mà chỉ nhằm giúp bệnh nhân, tôi theo "Tiếng gọi thiêng liêng".

- "Tiếng gọi thiêng liêng", tôi lập lại và nhìn vào bà như tìm hiểu.

- Vâng, bà Linda tiếp, cũng vì "Tiếng gọi thiêng liêng" mà tôi đã rời bỏ cha mẹ ở Virginia qua đây và tiếp tục cuộc đời độc thân để phục vụ bệnh nhân, kể cả những bệnh nhân về tâm linh. Tôi dùng năng lực "energy" để truyền cho các bệnh nhân suy nhược, giúp họ thư giản, giảm đau.?

Tôi không hỏi bà Linda thêm nữa vì nghĩ đây là lãnh vực tâm linh, tôn giáo, mà mỗi người có một niềm tin riêng, hiểu và làm theo niềm tin đó.

Câu hỏi cuối cùng của tôi:

- Lúc về Việt Nam, bà có học được tiếng Việt không?

- Chút đỉnh thôi, bà Linda mỉm cười, như vài câu chào hỏi, nhưng tôi sẽ cố gắng học thêm tiếng Việt.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là mấy câu nói xấu của nhỏ Hồng dù bà Linda có nghe, chắc không hiểu gì.

Tháng ngày qua, kinh tế Mỹ vẫn còn yếu kém, mọi việc làm ăn đều xuống dốc, phòng mạch của bà Linda đã ít khách, nay bớt khách thêm nữa. Xe cũ của bà hư, sửa không nỗi, đành bỏ đó đi đỡ xe đạp, bà nói an ủi từ apartment bà ở tới văn phòng không bao xa, vả lại đi xe đạp là một cách exercise cho thân thể bà đỡ béo phì. Thậm chí đến tiền rent trả cho tôi bà cũng không đủ khả năng, phải khất đi, khất lại, đợi có một bệnh nhân nào trị xong trả đủ tiền, bà mới hoàn lại cho tôi. Thiếu tới, khất lui, lúc nào bà vẫn còn thiếu tôi 2 tháng tiền rent mà tôi vẫn vui vẻ chấp nhận.

Nhưng một buổi trưa vắng, bà Linda đẩy xe đạp vào văn phòng, gặp tôi có vẻ hơi buồn. Bà Linda nghiêm mặt nói:

- Tôi rất tiếc không còn làm đây được nữa, phải đi gấp dù Mike đối xử với tôi rất tốt.

- Chắc bà không thể trả…?

- Không phải vậy, bà Linda ngắt lời tôi, về tài chánh tôi có thể xoay xở được, nhưng (bà nhỏ giọng lại), tôi nghe "Tiếng gọi thiêng liêng" bảo tôi phải đi xa.

Lần này, tôi gặn hỏi cho rõ:

- “Tiếng gọi thiêng liêng” là gì?

- Đó là tiếng gọi của Đấng tối cao, tôi cứ nghe văng vẳng ở không trung nhiều lần trong đời, dẫn dắt tôi hành động. Tôi bắt đầu nghe lại "Tiếng gọi thiêng liêng" cách đây vài tháng, bảo tôi ra đi, nhưng lúc đó tôi cố cưỡng lại nên trong người vô cùng bức rức, khó chịu. Đến hôm nay, khi tôi quyết định "đồng ý" ra đi thì cảm thấy thanh thản, khỏe mạnh trở lại. Tôi vẫn nhớ và sẽ phải trả đủ cho Mike hai tháng tiền rent.

- Không sao đâu, bà đừng quan tâm, nhưng bà sẽ đi đâu?

- Đi Ohio, bà Linda thờ thẫn trả lời, theo "tiếng gọi", khá xa đây, hẻo lánh và lạnh lẽo hơn đây, nhưng tôi đã chuẩn bị xong và có một số bạn bè ở đó.

- Tôi mong bà tới nơi bình yên, phục vụ bệnh nhân tốt và…à, tôi có món quà cho bà, bà đợi một chút.

Đúng ra, tôi phải ra tay nghĩa hiệp cho bà Linda vài trăm tiền còm để đi xe, nhưng lúc đó tôi cũng đã gần khánh tận, móc túi chỉ còn vài chục, đành nghĩ tới món quà văn nghệ. Tôi chạy vội ra xe, chộp tập thơ nhỏ trong trunk. Đây là tập thơ đầu tay mới ra lò của tôi. Loại thi sĩ tài tử như tôi, sách không bán mà chất cả đống ở garage nhà hoặc để một số trong xe, phòng khi gặp bạn dọc đường có mà tặng.

Tôi thủng thẳng cầm tập thơ về văn phòng, rất phân vân. Bọn thằng Khôi, nhỏ Hồng cầm thơ tôi, đọc chữ Việt mà thiếu điều muốn vất đi sọt rác thì bà Mỹ này biết gì mà xem.

Nhưng tôi quyết định trao bà Linda tập thơ.

- Đây là tập thơ đầu tay của tôi tặng bà làm kỷ niệm, tôi rất tiếc chưa có bài nào được dịch ra Anh ngữ, nhưng dầu sao cũng có bức hình tôi ở bìa trong.

Bà Linda cầm tập thơ, cám ơn và lững thững dắt xe đạp ra đi. Tôi cũng bùi ngùi trông theo bà, tưởng không còn gặp nữa.

Nào ngờ vài tháng sau, cũng vào giờ trưa, mình tôi ở văn phòng, bà Linda bất ngờ xuất hiện, tay cầm cây đàn guitar.

Tôi mừng rỡ:

- Bà phục vụ xong ở Ohio, nay trở về?

- Không, bà đáp, tôi chỉ về Cali vài ngày thăm bệnh nhân cũ, tôi còn nhiều việc phải làm.

Tôi liếc thấy trên tay bà có cầm tập thơ tôi, e ngại bà đọc không được nên trả lại.

Bỗng bà Linda đặt tập thơ tôi lên bàn, nâng cây đàn guitar lên và hăm hở nói:

- Để tôi hát cho Mike nghe một số tình khúc xưa mà tôi nhớ Mike rất thích, có phải Love Story hay Romeo and Juliet không?

- Tôi thích "Unchained Melody" hơn, tôi trả lời.

Bà Linda lắc đầu, gương mặt có vẻ bí mật:

- Lần này bản khác, rất đặc biệt.

Tiếng đàn dạo chầm chậm, buồn buồn của cung thứ, nghe hơi quen mà không có vẻ nhạc ngoại quốc. Thế rồi giọng trầm buồn bà Linda cất lên, nghe tiếng được tiếng mất vì đó là người Mỹ cố hát tiếng Việt, phải chính tác giả mới nhận ra tiếng lòng của mình.

"Dừng chân bên bến sông buồn
Mưa thu bỡ ngỡ với hồn lang thang
Bởi chưng hồn vẫn miên man
Trôi theo dòng nước Thoại Giang thẫn thờ"

Tôi nghe tim đập rộn ràng. Bài thơ đắc ý của mình đã được phổ nhạc, nay được một người Mỹ cố học cho bằng được tiếng Việt, để diễn tả đầy xúc động, nhất là tới chữ "Thoại Giang", một con sông nhỏ ở miền Tây Việt Nam được tôi làm cảnh cho bài thơ, đã được bà Linda phát âm rõ ràng.

Bản nhạc vừa dứt thì hai mắt tôi đẫm lệ mờ vì cảm động, tôi nghẹn ngào hỏi:

- Như vậy bà đã hiểu được thơ tôi?

- Yes and No. bà Linda giải thích:

- Tôi đã nhờ một người bạn Việt Nam dạy cho đọc thuộc lòng bản này, tôi không hiểu bài thơ mà chỉ biết đại khái đó là thơ tình. Người bạn dặn phải ráng đọc chữ "Thoại Giang" cho đúng vì đó là tất cả trái tim của nhà thơ! Nhưng tôi lại rất hiểu tâm tình tác giả vì tôi cảm thông với nhạc mà nhạc là ngôn ngữ chung của mọi dân tộc! Thôi, tôi xin từ giã mọi người, lần này tôi theo "Tiếng gọi thiêng liêng" đi xa hơn nữa.

Sau khi bà Linda vừa bước ra khỏi cửa, các bạn đồng nghiệp tôi: già Danh, thằng Khôi và nhỏ Hồng cũng vừa ăn trưa về. Họ tò mò, bu lại hỏi tôi:

- Sao bà Linda trở lại, bà có định thuê phòng nữa không và đã trả đủ tiền rent chưa?

Tôi nghiêm nghị trả lời:

- Bà Linda trở lại thăm chúng ta và sẽ đi luôn, nhưng đã trả đủ 2 tháng tiền rent rồi.

Đây là lần đầu tôi nói dối với các bạn đồng nghiệp cho họ hài lòng, nhưng có thể họ sẽ hài lòng hơn khi được biết người vừa ra đi đã cố công vượt qua bức tường dị biệt về chủng tộc, ngôn ngữ và cả văn hóa nữa.

Giang Thiên Tường

Ý kiến bạn đọc
14/12/201220:23:51
Khách
O doi nay con co con nguoi de thuong nhu ba Linda thi toi thay doi cung con dep lam ! Vi nhin quanh nhin quan o xu nay dong tien sao duoc coi trong qua. Voi nguoi thuong, ba la mot ba BS ky la, nhung voi toi ba la hien than cua mot luong tam nghe nghiep cao qui.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,722,093
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến