Hôm nay,  

Ngày Giỗ Của Cô

16/11/201200:00:00(Xem: 274142)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, 2012. Ông tên thật là Nguyễn Cao Thái, sinh năm 1959 tại Huế, vào Saigon 1968, vượt biển đến Mỹ 1979, hiện định cư tại San Jose, CA. Bài mới của tác giả kể về một cô giáo cũ.

Tôi nhớ khi còn nhỏ học lớp hai hay lớp ba, đọc trên sách tập đọc rằng: khi đi thuyền gồm có cha, thầy, và vua, nếu thuyền bị đắm, phải cứu vua trước, xong sẽ cứu thầy, rồi mới đến cứu cha. Ô hay, thầy còn đứng trên cả cha nữa? Dĩ nhiên tôi không đồng ý. Phải cứu cha trước chứ, rồi mới đến cứu thầy. Còn vua là ai ?

Đời người ai cũng chỉ có một cha, nhưng lại được nhiều thầy cô dạy dỗ, và mỗi thầy cô, theo tôi, đều phải được kính trọng, và biết ơn như nhau. Thế nhưng, tình cảm của học trò đối với từng thầy cô thì có khác. Những năm trung học, chúng tôi có một giáo sư dạy toán, cô tên là Nguyễn Thị Tuyết Anh. Tôi có thể nói rằng, bất cứ một học sinh nào trong trường đã học qua với cô dù chỉ một lớp mà thôi, ngoài lòng kính trọng với cô như bao thầy cô khác, còn có một tình cảm lạ kỳ đặc biệt dành cho cô, cả nam sinh lẫn nữ sinh. Cô đẹp, nhưng trong trường có lẽ có cô khác đẹp hơn. Cô hiền, nhưng không dễ chút nào, lạng quạng là ăn zero như chơi. Cô dạy hay, nhưng cũng có những thầy cô khác dạy cũng rất hay, rất thu hút học sinh… Vậy cái gì đã làm cho chúng tôi kính mến cô vô ngần, dù đã ra khỏi trường mấy chục năm rồi vẫn không phai lạt? Thật khó giải thích. Tôi hỏi nhiều bạn của tôi tại sao thương mến cô Tuyết Anh như vậy? Họ đều nhún vai, không ai biết tại sao.

Theo tôi đó là cái bản sắc của cô. Cái tinh anh tiềm ẩn trong cô dù vô hình vô ảnh nhưng đã chinh phục được tất cả những học sinh của cô, kể cả những tên cứng đầu cứng cổ nhứt trường.

Cuối năm 1977, sau khi tốt nghiệp trung học chia tay mỗi người mỗi ngả chuẩn bị cho cuộc sống chông gai sắp tới, tôi và một vài người bạn khác định đưòng vượt biên nên đã sớm đi từ giả một số thầy cô cũ, trong đó có cô Tuyết Anh.

Hôm đến thăm cô và cho biết ý định, cô ôm vai tôi và nói “Chúc em may mắn. Nhớ thư về cho cô sau khi đã đến bên ấy” Tôi ra về lòng cứ thấy bùi ngùi, nghĩ rằng biết đâu đây không phải là từ giã mà có thể vĩnh biệt! Tôi phải ra đi. Không còn một chọn lựa nào khác. Và khi đã đem mạng sống đánh cuộc với số mệnh trên biển cả mênh mông, ai mà biết được chữ ngờ.

Tôi may mắn đến được bến bờ tự do, nhưng mải lo phấn đấu cho cuộc sống, cho tương lai, nên đã quên lời cô dặn và không thư từ gì cho cô cả. Mãi đến gần mười năm sau nữa, gặp lại một bạn học cũ từ VN mới sang theo diện đoàn tụ gia đình có địa chỉ của cô, nên hai đứa tôi và một người bạn nữa cùng nhau viết chung một lá thư về thăm cô Tuyết Anh.

Chúng tôi đã rất cảm động khi cô viết trả lời và cho biết thêm tin tức một số bạn cùng khóa của chúng tôi đang ở VN. Trong thư cô viết rất điềm đạm, không thấy có gì là triệu chứng của bệnh hoạn cả.

Ba đứa học trò viết lá thứ hai về cho cô hay tình hình một số học trò cũ của cô hiện nay ở hải ngoại. Bặt đi khoảng vài tháng sau tôi nhận được một lá thư từ VN gởi sang mà tên người gởi là Ngô Thanh H. chưa bao giờ quen biết. Té ra là cô con gái của cô báo cho biết cô Tuyết Anh đã bệnh và mất đột ngột mấy tháng trước. Lá thư thứ hai mà ba đứa tôi gởi đã không tới kịp. Tuy nhiên, cô con gái đã đọc và trả lời dùm mẹ. Trong thư có cả tấm hình nhỏ của cô nữa. Lá thư của cô con gái gởi báo tin đó bạn bè chung khóa chúng tôi ở hải ngoại chuyền cho nhau đọc và cuối cùng không rõ ai đang giữ .Nhưng nhớ rõ rằng, thư kể xe tang của cô Tuyết Anh đã được đưa đi ngang trường cô đang dạy, để cô một lần nữa có thể nhìn lại mái trường mà cô dạy dổ biết bao nhiêu thế hệ học sinh, và cũng là dịp cho toàn thể học sinh trường tiễn đưa cô lần cuối.

Sau này có dịp tình cờ quen cô bạn cũng là học sinh chung trường sau tôi 5 khóa, và cũng từng học toán với cô Tuyết Anh. Người này kể thêm rằng ngày tiễn đưa cô Tuyết Anh đến nơi an nghỉ cuối cùng, chính cô ta đã tham dự, và hầu như tất cả những học trò cũ dù đã ra khỏi trường từ lâu cũng thông báo cho nhau và cùng về tiễn đưa cô lần cuối. Khi xe tang đi ngang cổng trường thì tất cả học sinh cũ cũng như mới không ai cầm được tiếng khóc.

Gần mười năm sau, tôi có dịp về VN lần đầu, tìm đến nhà cô năm xưa. Tôi muốn thắp một nén nhang cho cô và nhân tiện để ý xem thầy hay các em có cần một sự giúp đõ nào đó không.Nhưng vật đổi sao dời quá nhiều, tôi kiếm mãi vẫn không tìm được nhà. Loay hoay một hồi cuối đành chịu thua.

Đây là nội dung thơ cô Tuyết Anh gởi hồi âm cho ba đứa tôi năm 1990

SàiGòn, 5/6/1990
Các em Thái, Duy, Phương

15 năm qua, cô đã gặp bao nhiêu là chuyện lạ lùng và bất ngờ xảy ra ở đây và đối với bản thân cô, trong đó lẫn lộn có chuyện vui, buồn, oán, thương… Bây giờ đây cô đã bình tĩnh lắm. Tuy vậy, cái thơ của các em lại làm cho cô vô cùng xúc động và cảm thấy mình hạnh phúc lắm. Cả cuộc đời dạy học, cô thấy mình chưa làm được điều gì tốt nhưng không tuyệt nhiên chưa có làm điều gì xấu mà lại được các em đối đãi trân trọng như vậy. Rõ ràng là mình chưa tốt bằng học trò của mình.

Ngay ở tại thành phố này cũng vậy, cô vẫn được các em học sinh cũ thỉnh thoảng đến chơi. Lúc còn ở đây Duy cũng đã an ủi cô nhiều. Thái và Phương có nhớ 2 bạn Tuấn 10 B2 không? Trung Tuấn và Minh Tuấn bây giờ là đồng nghiệp của cô đấy. Lâu lắm rồi cô có gặp Đình Thắng. Đình Cường, Mạnh Cường trước khi xuất cảnh cũng có đến từ biệt cô. Các bạn gái cùng khoá với các em cũng thường đến chơi với cô, mỗi lần như vậy thì kỷ niệm của năm học lúc “giải phóng” đó đầy sôi động và tràn ngập tâm hồn mọi người và làm tâm hồn cô trẻ lại, do đó mà cô vẫn nhớ được từng em một của 10B1 và 10B2

Bây giờ thì Thái và Phương làm gì? Có được vui vẻ không? Duy còn tiếp tục học hay đã đi làm rồi? Có dịp nào rảnh rổi cho cô biết tin tức với. Ở xứ người mà các em còn được gặp lại nhau thì thật là hay quá.

Đọc mấy dòng thơ của Thái, cô thấy tình cảm của em đẹp lắm và cô đoán là cuộc sống của em cũng khá hạnh phúc, cô mừng. Phương có sống cùng với gia đỉnh không? Cô mong em cũng được bằng lòng với hoàn cảnh của mình. Duy thì cô biết được nhiều hơn, được sang đấy với cả gia đình nên yên tâm lo cho tương lai, nhưng để sống thanh thản, Duy ạ, đôi khi mình cũng nên bằng lòng với cái mình hiện có, đừng cao vọng lắm.

Bây giờ cô đã tóc bạc trắng, có vẻ già trước tuổi, nhưng các em yên tâm cô không có gì đau khổ, chỉ có hơi cực một chút và làm việc nhiều (phải dạy thêm ngoài giờ). Các em con của cô, chúng đều ngoan, đứa lớn nhất cũng đi dạy học, 3 đứa kia còn đi học. Đồng thời với cô bây giờ các thầy cô đã tứ tán hết. Cô còn gặp cô Yến dạy Địa lý và cô Mỹ dạy Anh văn ở Marie Curie, cả hai người đều khỏe.. (À . còn thầy Điều và thầy Hòa nữa chứ, 2 ông vẫn còn bay bướm như xưa)

Cô chúc các em vui, khoẻ. Cám ơn các em đã nhớ đến cô.
Cô Tuyết Anh

Cô mất năm 1990. Mới 45 tuổi mà tóc cô đã bạc trắng. Làm sao không bạc khi cô một mình phải lo cho chồng là sĩ quan VNCH đang đi cải tạo tận một nơi xa xôi nào đó. Bốn đưá con còn nhỏ tuổi đi học. Cô còn đường nào khác hơn là phải ráng sức dạy học thêm để trang trải cho cuộc sồng. Sau này có bạn cho tôi biết cô bị tai biến mạch máu não và không cứu kịp. Thỉnh thoảng tôi vẫn tiếc nuối là trong thời gian đó, tôi vốn có thể giúp đõ cho cô phần nào. Sống chết là số phần. Có ai cãi được đâu. Nhưng ít ra chắc tôi cũng có thể giúp cô đõ phải chật vật quá như vậy.

Không biết ngày giỗ của cô, thôi thì lấy ngày 20 tháng 11 là ngày nhớ ơn thầy cô để thắp một nén hương cho cô Tuyết Anh kính mến.

ThaiNC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,996,168
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến