Hôm nay,  

I Love My Job

09/11/201200:00:00(Xem: 239670)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với kiểu “viết như nói”, tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Sau đây là bài viết mới nhất.

Mỗi ngày thường, khi mở mắt thức dậy, bạn có thể mau mắn hay chán nản tùy theo tiếp theo đó bạn phải làm gì. Nhiều khi mở mắt ra, tôi nhắm mắt lại liền và ước gì tôi được nhắm mắt luôn cho một giấc ngủ dài tiếp theo, không lo lắng, không muộn phiền. Thú thật, có người không muốn vậy nhưng trời bắt phải nhắm là nhắm. Tôi có muốn cũng chưa được. Tôi đành mở mắt nghĩ coi phải làm gì trước tiên. Ngày nào như ngày nấy, nghe chừng đã quen thuộc nhưng mỗi sáng tôi vẫn làm đều đặn như là việc phải làm và cần làm.

Tôi đến Mỹ 1990. Tôi đứng trước cửa văn phòng xin việc làm từ 6 giờ sáng mỗi ngày từ tháng 7/92 cho tới tháng 9/92 để thi bao nhiêu là test nhằm được bỏ tên trên danh sách chờ phỏng vấn khi người ta cần người. Thường là những người có số điểm trên 90% mới có cơ hội, còn không cứ ngồi đuổi ruồi hay chờ thời.

Tôi không ham cờ bạc, không mua xổ số bao giờ, và chưa biết trúng số cảm giác nó ra sao, nhưng ngày tôi nhận được giấy báo nhận việc tại sở xã hội Beaverton, Oregon 6/21/1993 là ngày trúng số của tôi. Cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn từ đó. Trong thâm tâm, tôi biết ít nhất đó cũng là điều tôi phải làm được cho bao nhiêu công lao, sức lực và tiền bạc cha mẹ tôi đã đổ vào đầu tư cho tôi học tiếng Anh và sinh ra tôi không ngu ngốc. Là con áp út trong nhà, ít nhiều gì tôi cũng được chiều chuộng nên ra đời hơi ấu trĩ. Tôi đã nhờ cái job của tôi mà lớn lên, mà trưởng thành rất nhiều. Cuộc đời tôi sống vì job, đau khổ vì job, khóc vì job, cười vì job, viết được nhờ job vậy.

Thời gian đầu nhận việc, tôi vẫn còn mang cảm giác nặng nề của một người bị bắt buộc làm việc vì nhu cầu đời sống nhiều hơn là muốn làm việc hoặc là muốn học hỏi cho ra một nghề nghiệp. Tôi chỉ hiểu công việc này là phương tiện sống cúa tôi, giúp tôi ở lại thành phố lớn Portland này trụ vững cho tới ngày ra trường dù con đường tôi có thể tốt nghiệp cử nhân hay không cũng còn mù mịt lắm. Lúc đó tôi mới 26 tuổi, thất bại nhiều trong đời sống trước khi đi định cư vì chế độ thang điểm chênh lệch ở Việt Nam tôi không được vào đại học. Tôi lúc nào cũng mang sẳn trong người cảm giác chấp nhận sẳn tin xấu hơn là tin tốt như là người ta có thể đưa tôi cùi lương vào một ngày đẹp trời nào đó và bảo mai tôi đừng trở lại làm. Trời ơi trời, tôi thấy tôi ngu thật là ngu. Khó khăn lắm tôi mới được nhận, người ta mà có hăm dọa đuổi thì phải khóc kể khổ cho người ta rút quyết định đó lại chứ chưa có gì mà tôi đã có tinh thần chấp nhận bỏ cuộc. Thường người ta nói người bỏ nghề chứ nghề không bỏ người. Tôi chỉ là một cư dân tị nạn đang cố ngoi đầu lên và vượt qua khỏi số phận trước đâycủa mình. Có được hay không, thật tình lúc đó tôi không định được.

Tờ lương đầu tiên sau khi trừ thuế của tôi những 700. Số tiền này hơn gấp 3 những hai tuần lương tôi nhận từ công việc bán thời gian tại thư viện thành phố Salem. Tôi bắt đầu nhìn ra đâu là lẽ sống và tận tụy với công việc hơn. Phải nói là tôi rất tận tụy vì tôi bắt đầu nhận ra mình mang những nỗi ưu tư và khắc khoải từ công việc về nhà một cách không tự nguyện. Những nỗi buồn, nỗi khó khăn từ những gia đình tôi gặp từ công việc mang tới tôi những khắc khoải về đêm. Những lời nói hạ cấp tôi được nghe từ những khách bị từ chối, những lời cám ơn chân thành của giới trẻ khi tôi thông cảm được với họ dù tiếng tăm và hiểu biết về đất nước của họ ở tôi còn non nớt. Tôi thấy tôi như bị đặt vào một bãi chiến trường đã bắt tôi phải thay đổi bộ mặt và cảm giác của tôi mỗi phút, mỗi giây trước mỗi tầm nhìn. Khi mới nhận ra điều này, tôi rất háo hức để cảm nhận. Nhưng sau đó, tôi lại thấy mệt mỏi, mệt mỏi vô cùng. Sự mệt mỏi này thấm dần, thấm dần vào xương tủy tôi. Cho tới một lúc, tôi bắt đầu nhận ra lúc nào mình cũng mệt mỏi và bị nhức đầu kinh niên. Tôi đến văn phòng bác sĩ, ông biết tôi làm full time và học bán thời gian thì khuyên hộ, " quit your job," tôi vô cùng sợ hãi " are you kidding me? ". Tiền kiếm được từ công việc nuôi sống tôi và trang trải tiền học phí. Rút dây động rừng và xem như chấm dứt sự bắt đầu của những ước mơ tôi đang nuôi dưỡng. "Ông điên à?". Tôi chấm dứt với ông bác sĩ và cầm toa thuốc của ông đi ra khỏi phòng mạch mà lòng rất buồn.

Tôi suy nghĩ tìm cách giải thoát cho chính mình. Lúc đó tôi không liên lạc với gia đình nhiều. Tất cả anh chị em tôi đều phải dốc hết lực học và làm việc để tự lo cho bản thân vì cha mẹ tôi đã già. Tôi tự nhủ hay là kiếm người chia xẻ. Anh nào cũng được miễn là chịu ngồi nghe mình chia xẻ một tuần độ vài lần. Có mà chia xẻ. Anh nào chịu cho nổi. Chưa cần anh nào tốt như ông bác sĩ khuyên thẳng tôi bỏ job, các anh chỉ nghe tôi than cuộc đời tôi đến lần thứ hai là cúp điện thoại khi nghe tiếng tôi từ đầu dây bên kia " Anh hả ". Tôi bắt đầu tự nhận ra nếu tôi không chịu nổi áp lực từ công việc một mình và đi học thì hoặc là bỏ học, hay bỏ việc. Có thế thôi. Tôi đã không bỏ việc vì cần phải sống. Một lần nữa tôi nghiệm ra đồng tiền có sức mạnh mãnh liệt.

Tôi sống không có cuối tuần và không bạn bè khoảng 4 năm. Những năm đó, tôi một mình một bóng, tôi thấy bài học tôi phải học trong cuộc đời là tập làm quen với cô đơn và tập làm bạn với nó. Tôi không than, không túng thiếu, không về hạch tiền cha mẹ, có lẽ đó là thời gian cha mẹ tôi bằng lòng về tôi nhất vì nghĩ tôi gan dạ và bản lĩnh. Trong bốn năm đó, có những năm vào ngày Giáng Sinh tôi ngồi trong nhà trọ không đèn đóm, tủi thân và khóc cho đến sáng. Tôi tự nhủ nhiều lần, không biết mình sống để làm gì, có người thân như không, có tiền không dám xài vì đâu đủ. Chỉ còn có nước ráng học ra trường có bằng cấp cao hơn đi kiếm job khác, mặc đẹp, ra vào văn phòng cắp cặp da sáng đi chiều về cho thỏa. Rồi tôi cũng ra trường. Tôi cũng nộp đơn cho nhiều job khác nhưng nói thật, tiếng Anh tôi nói dở quá, kiến thức tôi về đời dở quá, tôi không có cơ hội nào khác chờ đợi cả. Tôi tự nói với mình ráng hết sức hai năm nữa rồi mới nộp job khác xem sao.

Những năm đầu làm việc, tôi chưa vững về áp dụng luật và tìm luật lắm. Mọi điều, mọi lẽ chuyển tải tới khách hàng tôi học từ những người đồng nghiệp. Tôi phải chạy theo số lượng hồ sơ để giữ được công việc làm nên về phần chất lượng những đồng nghiệp lâu năm cứ nói đúng thì tôi cho là đúng. Ai muốn cãi tôi cứ lên người lãnh đạo tôi mà hỏi. Tôi như một cái máy, có khi còn hơn như vậy. Tôi vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn ăn lương mà lòng không chút áy náy là mình đang làm gì, biết gì và hiểu gì. Cũng khá lâu sau đó tôi mới nhận ra tôi không hề biết tôi là ai, là ai theo cái nghĩa tư tưởng và nguyên tắc sống trên đời.

Tôi bắt đầu nhìn vào tâm của mình. Tôi bắt đầu xem xét lại trong đời, trong cuộc sống của mình mình cần gì, quý gì, muốn giữ gì, muốn thay đổi gì. Tôi bắt đầu viết, nhìn vào đời sống hàng ngày mà viết, vào sự mạnh mẽ vươn lên trong đời từ những khách hàng tôi tiếp xúc hàng ngày mà viết. Họ sinh ra trên đất nước của họ nhưng cũng có những vấp váp những khó khăn tương tự thì tôi, dù có khó khăn bao nhiêu cũng ráng học vươn lên như họ một phần chắc cũng nên tự an ủi mình rồi.

Tôi dần nhận ra từ chỗ tôi đang ngồi, từ công việc tôi đang làm, tôi có thể học từ khách hàng của tôi, tôi có thể nói những lời, những câu làm sáng một ngày của họ, động viên họ, động viên tôi mà tôi đã không làm.

Như khi tôi từ chối đơn xin bảo hiểm của một học sinh 18 tuổi được học bổng đi ngoài tiểu bang Oregon học đại học. Cậu chỉ cần một chữ yes từ lá đơn cậu nộp là cậu đang có bảo hiểm để được nhận học bổng toàn phần chơi bóng rổ cho trường đại học đó. Cậu kể tôi nghe cậu sống trong gia đình người bạn thân. Một ngày trước cổng trường, cậu đợi mãi không thấy cha mẹ tới đón và từ đó sống với gia đình người bạn và lấy đó làm gia đình của mình. Dù không được chấp thuận đơn cậu vẫn cám ơn tôi đã trả lời cho cậu và lời chúc tốt đẹp trong lá thư tôi đã dành cho cậu. Cậu học sinh đó làm tôi thấy mình nhỏ bé. Bao nhiều điều tôi đi trước cậu mà vẫn còn một điều tôi cần học từ cậu đó là lòng can đảm và lòng dũng mãnh đối phó với sự thật và tiếp tục con đường mình đã chọn.

Rồi từ câu chuyện với một người khách hàng cố tình miệt thị tôi bảo tôi không biết nói tiếng Anh khi tôi từ chối đơn của bà. Bà đang học đại học bán phần tại Portland State University, ngôi trường trước kia tôi học, học sinh ngoại quốc nói tiếng Anh với giọng riêng đủ cả. Bà không nghe được tại bà dở thôi. Có chém chết tôi tôi cũng không thể nói tiếng Anh với chất giọng không phải ngoại quốc. Nếu bà đủ hiểu biết, bà không cần nói đi nói lại tôi không biết nói tiếng Anh làm gì. Không hiểu là do bà ấy không muốn hiểu tôi thôi, bà ta trả lời lại vanh vách những điều tôi hỏi mà một mực vẫn bảo tôi không biết nói tiếng Anh. Bà làm tôi vừa tức, vừa buồn cười. Sau đó tôi phải tự tập tôi không có đời sống cá nhân trong công việc làm. Tôi chỉ cần chuyển phone họ tới người lãnh đạo để họ xác nhận quyết định của tôi là đúng. Ai muốn miệt thị tôi thì cứ việc nói với boss, tôi chẳng cần nghe, không cần để ý. Họ trả lương tôi để làm việc chứ không để chấp nhận lời miệt thị hay cãi tay đôi về những việc không phải là công việc trong 8 tiếng tôi ở sở làm. Tôi vượt qua rất nhiều, rất nhiều mà vẫn chưa thấy mình đủ lớn.

Sự thật, từ những năm còn học phổ thông, bố tôi rất muốn tôi trở thành nha sĩ. Tôi thật tình cũng muốn trở thành nha sĩ lắm chớ nhưng tôi học Hóa học rất dở. Tôi qua Mỹ học Sinh vật thì cũng viết sai tên bộ phận cơ thể con người nên mộng làm nha sĩ của tôi trôi qua sông hồi nào không hay. Tôi không dám nói cho cha mẹ tôi biết. Còn ông bà thì cứ đinh ninh ngày nào đó con gái mình có thể ra trường và mở phòng mạch làm răng. Cứ coi như tôi đã chịu tội đi.

Tôi đi khám răng ở đây thì càng thấy mình không thành nha sĩ quá đúng. Bà nha tá clean răng tôi hỏi tôi một ngày đánh răng mấy lần. Tôi bảo rảnh thì hai, bận quá thì một. Tôi thành thật và thực tế chứ có ba hoa chích chòe chi đâu. Thế mà bị bà la. Bà đưa tôi hai bàn chải đánh răng lúc ra về, nhấn mạnh một cái để trong xe khi cần hay lúc chờ đợi gì trong xe có thể đem ra chà sạch răng. Trời ơi trời. Tôi trả lời liền với bà, thưa bà, tôi biết bà quan tâm tới tôi nhưng khi đang lái xe, hay ngồi trên xe, tôi có thấy người ta làm mặt thì đã bực mình, ai mà thấy tôi đánh răng chắc là không xong đâu bà ạ. Tiền đóng bảo hiểm là hụi chết. Lái sao cho an toàn, không phân tâm để được giảm ai lại muốn nó tăng hả bà.

Sau đó tôi xin đổi người nha tá. Tôi rất ngại tới làm sạch răng bà không bằng lòng về tôi tôi cũng buồn chớ. Và cũng từ đó tôi không còn tiếc rẻ gì cái nghề nha sĩ quan tâm đến răng cỏ người khác hơn chính răng cỏ của mình nữa.

Nghề tiếp theo mà tôi thích là nghề gõ đầu trẻ. Tôi thấy để được gõ đầu trẻ tại Mỹ thì phải có license này nọ rất phiền. Tôi vô phụ giúp trường các con đang học, thấy học sinh tiểu học rất có nề nếp thì mừng thầm. Bụng bảo dạ có ngày tôi sẽ thực hiện lại ước mơ của mình. Nhưng hỡi ôi, một ngày tôi vô phụ làm thủ công với lớp đứa con gái nhân ngày Mẹ, trời ơi trời, bọn học sinh như ngày hội, bao nhiêu giấy cắt, vứt, xả, đứa đòi giúp cái này, đứa đòi giúp cái kia. Tôi nhìn bà cô giáo mà phục. Cuối ngày đó, tôi nói với bà giáo, thưa bà, tôi phục bà ghê lắm. Bà nhìn tôi mặt mũi bơ phờ cười động viên, bà có thời gian ngày khác lại đến nhé.

Tôi có đến trường để phụ nữa nhưng tôi không vào lớp. Tôi vào thư viện xếp sách lại cho trường học để nhớ lại cái nghề đầu tiên tôi làm tại Mỹ, library attendant.

Mỗi ngày đã hơn 14 năm rồi, tôi vào cùng một văn phòngtại Salem (năm năm trước đó tôi làm tại văn phòng xã hội tại thành phố Beaverton), làm cùng một job, tiếp cận với khách hàng không khác là bao nhiêu. Tôi được nói tiếng Việt khi làm việc, tôi được viết tiếng Việt trong giao tiếp, trong thư từ. Tôi được lớn lên trong công việc từ những đụng chạm và tiếp xúc căng thẳng hàng ngày nếu có. Tôi bị ganh tỵ cũng có, tôi được thông cảm cũng có. Tôi được khóc, được cười và được đồng nghiệp quý trọng vì biết cảm thông hay kiến thức trong công việc. Một điều tôi thật sự hiểu, I really love my job, bạn ạ.

Công việc của một người công tác xã hội biết học hỏi, biết truyền đạt và chưa bao giờ dừng phát triển về tư cách, đạo đức và kiến thức trong công việc dù đã làm gần 20 năm.

Cám ơn đời sống đã dẫn tôi đi con đường nghề nghiệp thật tuyệt vời.

I love my job.

Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
11/11/201218:32:23
Khách
good job Vành Khuyên, hãy chấp nhận điều gì mình đang có. Mến.
10/11/201203:16:06
Khách
Một bài viết rất hay súc tích và đầy nhân bản. Xin chúc sức khoẻ tác già
09/11/201223:36:10
Khách
Tôi đã đọc nhiều bài viết của tác giả Vành Khuyên trên Việt Báo và các website khác trong nhiều nâm qua. Tôi rất thích cách viết như kể chuyện chân thật của tác giả. Xin cám ơn đã chia sẻ suy nghĩ của mình với mọi người.
09/11/201222:24:22
Khách
Ai chẳng từng trải qua bao nhiêu ngày đầu trần ai khổ cực đi kiếm job,tìm một nghề cho mình khi mới rời ngưỡng cửa học đường/có khi chưa rời cũng không chừng !Ấy thế mà đọc tự sự của Vành Khuyên,tôi nghe được tiếng chim buồn bã hót những vui buồn nghề nghiệp mà không khỏi xốn xang tấc dạ!

Viết mộc mạc mà chân tình vô cùng! Tôi thấp thoáng thấy lại mình trong những vui buồn nghề nghiệp của cô.Tôi cũng cảm phục nghị lực của một người con gái trẻ tuổi chịu đựng cô độc suốt bốn năm để vươn lên trên con đường...không thấy rõ được con người thật của mình.

Cám ơn Vành Khuyên về lời trần tình chơn chất;nó làm tôi có cảm giác Vành Khuyên viết như kể lể nỗi lòng mình trong nhật ký.

Ngày nay cô không còn đối diện những khó khăn trong công việc như những ngày mới vào nghề nhưng tôi cũng chưa thấy rõ niềm hân hoan vui thích được phục vụ nhân quần xã hội;Vành Khuyên ơi,ta chỉ là con ốc nhỏ xíu xiu trong cỗ máy dù cô làm bất cứ nghề gì nhưng thiếu một con ốc máy móc vận hành cũng không trơn tru đơn giản đâu,phải không?

Lời tâm tình của cô khiến tôi bâng khuân thương cảm quá;Cám ơn sự chia xẻ chân tình.
14/11/201202:32:54
Khách
You love your job, that's fine. You get the right sow by the ear. Congratulation!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,730
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.