Hôm nay,  

Ăn Theo Việt Kiều Đi Du Lịch

06/11/201200:00:00(Xem: 234276)
Tác giả đang sống tại Saigon, thường viết chuyện về Việt kiều và quê nhà, đã nhận giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Năm 2007, bài "Gả Con Cho Mỹ" của ông vào danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Bài viết mới của ông là một du ký kể chuyện đưa bà con Việt kiều đi từ Nam ra Bắc.

Cứ mỗi lần nhà tôi có người từ hải ngoại về thăm, tôi lại có dịp đi đây đi đó. Nói lịch sự là tháp tùng, còn nôm na ra là ăn theo đi ké.

Lần này anh Toàn về rất ít ngày, muốn ở gần chuyện vãn với Mẹ, nên tôi được phong chức trưởng đoàn đàng hoàng, để dẫn phái đoàn chu du một chuyến.

Gia đình anh chị Toàn có bốn người con thì mỗi đứa mỗi nơi, muốn về cùng nhau đã phải chuẩn bị sắp xếp cả năm trời, mà thời gian ở VN chỉ tròn mười hai ngày nên từ vé máy bay, xe, khách sạn tôi đều phải đặt trước.

Những nơi muốn đến, các cháu nhà tôi đều coi trên mạng rồi cho tôi biết để đáp ứng theo yêu cầu: Ngày đầu tiên về tới Sài gòn thì nghỉ ở khu du lịch Bình Quới 2 trong bán đảo Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh, nằm sát bên sông SG. Cảnh trí đồng quê rất đẹp, có ao sen, ao súng. Vườn hoa, cây cảnh cũng được chăm sóc xanh tươi, rực rỡ. Phòng nghỉ làm theo dạng nhà sàn trên mặt nước, kiểu bungalov, mỗi căn biệt lập, bên ngoài ghép gỗ, mái lợp bằng lá tàu dừa nước. Coi cũng lạ mắt nhưng có mùi hôi của đất bùn.
image003
Đi đò từ Quốc Lộ vô nhà ở Kinh 5.
Chuyến về Kênh 5

Hôm sau ra nhà anh Ba Châu ở chợ Búng, Lái Thiêu. Đất ở đây phù hợp với các loại cây trái. Nhìn xa xa đều thấy một màu xanh tốt mượt mà. Anh Ba mua được ba công. Đàng trước là con kênh thủy lợi, phía sau có nhiều loại cây ăn trái: Dừa, mít, dâu da, sầu riêng...

Đặc biệt có nữ hoàng trái cây: Măng cụt. Có cây đã mấy chục năm tuổi, mùa này đang ra trái (Tuổi thọ của cây này khoảng 200 năm). Dọc theo vườn có hai cái ao dài, thả nhiều loại cá. Sấp nhỏ thích quá, ào ra câu cá và hái trái, tới giờ cơm cũng không muốn vào.

Bác Ba sợ các cháu không quen thức ăn ta nên đã mua nào là sandwich, pizza, gà chiên... mà chúng nó đâu đụng miếng nào.

Buổi chiều tôi mua vài lạng tép giã ra làm riêu nấu canh rau đay, thêm cây măng lồ ô đem luộc, câu cá trê lên chiên chấm nước mắm gừng. Nấu hai nồi cơm mà vẫn còn thiếu.

Sau một ngày để gia đình đi thăm mộ bà ngoại và anh em chị Toàn, chúng tôi đi xe đò nằm về kênh Năm, Rạch Giá.

Xe Phương Trang có lẽ bây giờ là số một, rất đúng giờ ghi trên vé. Trên chuyến đi chỉ nghỉ ở trạm dừng chân Cái Bè ba mươi phút. Ai lề mề vui lòng chờ đi xe sau, khỏi có màn chờ đợi.
image007
Chàng rể Mỹ cũng tát đìa.
Trong xe không hút thuốc. Các thức ăn có mùi như bánh bao, sầu riêng, mít... đều phải để ở khoang hành lý.

Theo chiều dọc có ba hàng ghế cách nhau bởi hai lối đi, nằm ngồi tự nhiên thoải mái hơn các xe khác, hơn cả ghế máy bay.

Thời gian đi còn bị lệ thuộc vào chuyện tới phà Vàm Cống có kẹt xe hay không. Trung bình mất khoảng năm đến sáu tiếng. Mọi người đều ưng ý, nói lúc trở về SG cũng muốn đi xe này. Giá vé bây giờ là 140.000 (7 usd), bằng giá xe tốc hành đưa đón tận nhà.

Từ đầu kênh vào chúng tôi vẫn đi bằng đò. Trước nay các băng ghế ngồi dưới đò thường được kê sát dưới lòng ghe. Kiểu ngồi bó gối thật khó chịu nếu mặc quần chật và cũng rất bất tiện cho các bà, các cô mặc váy. Lần này tôi đã nói với chủ đò đóng thêm hai cây dọc theo lườn ghe cao lên, kê băng gỗ ngồi thoải mái, đứa cháu dâu khỏi phải bịt bịt, che che như lần trước.

Ở kênh có hai ngày chỉ đi thăm được nhà thờ, nghiã trang, nhà anh chị Mai trong kinh 5B. Nhưng cũng dành thời gian buổi sáng để tiếp xúc với một số em học sinh đã hẹn với ban Giám hiệu từ trước, vì kỳ này đang nghỉ hè.

Ai cũng nói đây là một dịp may để các em có thể đối thoại trực tiếp với người nước ngoài, có chút thực hành trong việc học ngoại ngữ. Có điều tính rụt rè cố hữu vẫn chưa bỏ được nên kết quả chắc chả bao nhiêu.
image008
Du khách vô cung tha hồ mặc triều phục chớp hình. Áo thì nhiều lắm nhưng quần chỉ có vài cái, nên coi hình thì trịnh trọng vậy chứ vén lên, mấy thằng cháu vua nhà tôi quần xà lỏn hết.
Hôm tôi tát đìa ở Kinh 5, có mấy đứa cháu bạo phổi ùa xuống bắt cá. Trên bờ la ơi ới coi chừng bị cá đâm. Cứ để bị đâm thì chúng nó mới biết hết cảm giác của người đã từng đi bắt cá chứ.

Chỉ tiếc là tôi đã mất công âm mưu mua mấy ký cá lóc gộc, cá rô mề...lén thả xuống từ trước, nghĩ là để các cháu mò được thì thú vị hơn. Ai dè cá dồ với cá tai tượng nuôi còn nhiều quá, nếu tát cạn sẽ bị sặc bùn chết hết. Đành để nước lõng bõng, tụi nó chả mò được con nào. Đúng là thằng chú "ngẫn ngờ thả gà ra đuổi".

Gia đình anh chị tôi về lần này, Mẹ tôi cứ nghĩ không biết có còn sống thêm để gặp lần nữa không, nên muốn làm bữa tiệc mời đông đông cho vui. Nhưng anh chị tôi nói thời gian về ngắn quá, như mấy lần trước cũng vậy. Tiệc tùng đông người, con cháu lại đông, không có dịp gặp riêng để biết cháu nào ra cháu nào. Tôi đã làm như ý anh chị và thấy cũng hay, vì có không khí của gia đình đoàn tụ.

Ra Bắc coi Hà Nội - Hạ Long

Từ kênh 5 về tới Sài gon nghỉ qua đêm, hôm sau chúng tôi lại phải ra sân bay từ sáng sớm, cố gắng tận dụng thời gian trong ba ngày hai đêm để ra Hà Nội, đi Hạ Long và quay về Huế nữa.

Đến Nội Bài, chúng tôi được cô hướng dẫn viên của tour du lịch ra đón đưa về khách sạn, ở phố Lý Quốc Sư. Địa chỉ số 10 trên con đường này là tiệm phở danh tiếng từ lâu. Tại Sài gòn và các tỉnh thành khác cũng có nhiều tiệm phở lấy tên này.

Chúng tôi tính ghé ăn thử, nhưng cô Hướng Dẫn Viên nói muốn đãi chúng tôi ở quán nức danh bún chả Hàng Mành. Diện tích quán nhỏ, chỉ kê được không tới mười bàn vuông cho mỗi tầng. Khách quá đông, tây ta đủ cả, xe cộ xếp dài ngoài lề đường cả mấy trăm mét. Khách phải nối đuôi nhau chờ ở các lối lên cầu thang.
image010
Thăm vườn cao su Dầu Tiêng, nơi ông bà nội ngày xưa từng sống. Thực tập cạo mủ cao su, hứng...vàng trắng.
Một phần ăn: cả ký bún, một dĩa chả cuốn chiên, một tô thịt, nem nướng. Tô nước chấm đầy đu đủ xanh thái lát, kèm với rau sống tùm lum. Nhiều quá, sức tôi cũng chỉ ăn hết phân nửa. Có lẽ nhờ vậy mà nổi tiếng. Có điều đồ ăn chuẩn bị thường để ở gầm cầu thang, bụi bặm từ sáng tới giờ chắc cũng rơi rụng đi nhiều... nên lúc chúng tôi vào ăn không còn thấy mấy.

Tôi đã ra Hà Nội mấy lần mà không lần nào có thời gian dạo quanh. Lần này mới biết phố cổ đường xá nhỏ quá lại lắm ngã tư. Xe cộ phải bò bò như chuẩn bị vào bến, cái cảnh phóng nhanh giành đường ồn ào như ở SG không thấy.

Trời nóng 37 độ C nhưng chúng tôi muốn đi những nơi mới từng nghe qua: Văn Miếu, Chùa Trấn Quốc, Hồ Tây, Trúc Bạch... Cô hướng dẫn nhiệt tình và cũng tế nhị hỏi:

- Mỗi người đều có nhận thức riêng. Thế không biết gia đình ta có muốn vào thăm lăng bác không?

Mấy đứa cháu ngạc nhiên:

- Bác nào vậy?

Chắc chúng nó tưởng trong họ còn có ông bác nào nữa đang vớ vẩn ra ở ngoài này.

Đi lòng vòng nhìn các bảng hiệu, tên đường... cũng do môt từ kép mà ra, sao tôi thấy cũng buồn cười. Trong nam gọi là đường, ở đây là phố. Tô phở trong nam gọi đủ thứ, ở đây bảo thập cẩm (Ở Huế còn kêu là một tô lộn xộn. Bữa đó tôi chưa ăn ớt mà suýt chết sặc, vì theo cách phát âm ở đây, đầu óc tôi lại hiểu theo nghĩa khác, quái dị hơn). Hẻm là ngõ lại còn có ngách nữa. Dân nhậu còn nhìn ra tấm bảng đề "Trung tâm thịt chó".

Mọi người chưa đói nhưng cô hướng dẫn lại bắt phải ăn bánh tôm Hồ Tây. Vừa no vừa phần thời tiết nóng nực, không ai biết ngon là gì, vì sắp đến giờ chúng tôi đi chơi tự do, công ty không còn trách nhiệm nữa.

Hôm đó là ngày Chúa Nhật, từ chỗ chúng tôi ở chỉ đi mấy bước là tới Nhà Thờ Lớn nên đi dự lễ ở đây. Nhìn bên ngoài đúng là rêu phong cổ kính, bên trong rực rỡ huy hoàng.

Đặc biệt kinh thương xót, vinh danh, chiên Thiên Chúa vẫn còn được hát bằng tiếng La tinh. Nghe toàn giọng nam ngân nga Ki- ri- e. Giọng cha chủ tế vút cao: Gló- rí- a in- ề sen- sí- đê- ồ thật trang trọng và sốt sắng làm sao.

Tuy không hát theo được, nhưng khi nghe những cung bậc thánh ca quen thuộc mà đã cả 50 năm mới được nghe lại, biết bao kỷ niệm thời ấy quay về khiến lòng tôi bồi hồi quá.

Quay sang thằng cháu rể Mỹ thấy môi nó đang mấp máy. Tôi hỏi chọc quê:

- Có hiểu bài hát này không?

Nó bảo có và nói thêm đã từng học tiếng La tinh, cũng như có thời gian ở trong chủng viện. Thật tẽn tò!

Buổi tối, chúng tôi tà tà quanh hồ Hoàn Kiếm, ung dung vào Thủy Tạ xơi kem. Lúc tính tiền mới là tái mặt. Đắt quá. Lãnh một phát chém đầu tiên. Tính ngồi lì để gỡ gạc, khốn nỗi gần khuya mất rồi, chúng tôi còn phải ra phố đi bộ và chợ đêm nữa.

Tôi thích cảnh nam thanh nữ tú Hà Nội ngồi uống nước hay ăn quà vặt ở vỉa hè.

Họ không cần bàn ghế, cứ tụm năm túm ba ngồi dài dài trên các bậc thềm chuyện trò khúc khích. Nếu có mưa cứ bình tĩnh dương ô lên là xong việc. "Sao lại phải trú, phải đụt cho khổ thân vậy chú? Đối với bọn cháu giời đất lúc nào cũng là của mình". Một cô bé xinh xinh nói thế khi chúng tôi lúp xúp trú mưa. Có lẽ cô đang là sinh viên khoa triết học.

Tôi nghe nói người nước ngoài làm kiếm tiền chỉ để đi du lịch, về làm đủ tiền lại đi du lịch cho chuyến tiếp theo. Cái vòng tròn ấy cứ xoay mãi tới khi không đi được nữa mới thôi. Điều này đa phần người Á Đông cũng thích đấy, nhưng còn muốn tích lũy dành cho con cháu chứ đâu dám xả láng như vậy.

Vẫn biết đi du lịch là phải tốn tiền, nhưng tôi thật xót ruột mỗi khi trả tiền ở những nơi được gọi là khu du lịch. Du gì thì du cũng vừa phải thôi chứ, nhẹ nhàng cũng mắc gấp bốn, lơ tơ mơ thì kêu tô mì gói chúng quất tới tám mươi ngàn (gấp 20 lần).

Đọc báo và nghe đồn cũng nhiều nên tôi rất rụt rè khi mua hàng. Khi ra Hạ Long qua ngả Hải Dương, ghé vào cơ sở rất lớn làm đồ đá mỹ nghệ. Đồ trang sức bày la liệt, đề giá toàn bằng đô la. Vợ tôi tí tởn kéo các cháu gái ngó nghiêng này nọ. Tôi vội nghiến ngầm mà cũng cố tình cho cả đoàn cùng nghe: "Câm mồm! Cấm được hỏi".

Bà ấy tái mặt, chắc không hiểu tại sao hôm nay thằng chồng dám hỗn làm vậy.

Ra đến Hạ Long vào ngày Thứ Hai. Khách du lịch lưa thưa, Công ty du lịch đành phải thuê cho chúng tôi nguyên cả chiếc tàu, có mười một người tha hồ mà múa.

Lênh đênh ra vào bốn tiếng đồng hồ, cảnh đẹp nhưng nhìn riết rồi cũng chán mà không dám la cà đến xem các bè cá, chỉ sợ nó vớt cá ra đập chết rồi bắt mua nghìn đô thì bỏ bố.

Tàu chỉ ghé cho chúng tôi vào xem hang "Sửng Sốt". Vẻ đẹp của thiên nhiên thật lạ kỳ, những hình ảnh làm cho những ai giàu trí tưởng tượng cứ việc thả hồn bay bổng. Còn tôi thì sửng sốt vì không biết sức mạnh nào đã đưa được tấm thân già lão của tôi ra đến cửa hang. Leo lên leo xuống bao nhiêu là bậc. Mệt quá.

Ngồi nghỉ, tôi nhìn mấy người bán ghe hàng rong thấy cũng hem hễ cùi đày, vậy mà mời gọi khách được bằng nhiều thứ tiếng. Nếu dzu không phải thì mông-xi-ơ. Thằng cháu tôi có mái tóc dài nghệ sĩ thì được gọi ma-đam. Học ngoại ngữ nơi đây là thực tế nhất.

Trong hai ngày ở đây các bữa ăn đều do Cty du lịch đặt trước. Nước uống thì mình phải tự mua, bất kể nước lạnh, nước ngọt hay bia rượu.

Nghỉ một đêm ở bán đảo Tuần Châu, chúng tôi được ở khách sạn hạng sang, điểm tâm có nhiều món ăn tự chọn, rất ngon. Không biết cuối tuần hay lễ tết thì thế nào, chứ khách khứa lèo tèo kiểu này e rằng chủ Khách sạn lỗ vốn.


Cái nắng mùa hè của miền Bắc oi bức, ngột ngạt hơn trong miền Nam. Đi vào thăm khu vui chơi giải trí ai nấy đều phải cầm theo chai nước, bộ dạng uể oải.

Rồi cũng đến lúc phải lên xe về Hà Nội. Trên xe có máy lạnh, mọi người thiu thiu ngủ. Tôi quay lại nhìn xa xa thấy tháp treo cầu Bãi Cháy, nói thầm lời vĩnh biệt vì chắc là lần cuối cùng tôi ra đến đây.

Lại ghé một điểm khác ở thành phố Hải Dương. Chỗ này bán quà bánh đặc sản như bánh đậu xanh, bánh phu thê (có người gọi là su sê). Ở SG bánh làm bằng bột nếp rồi trộn màu, ở đây được làm bằng cốm nếp giã, còn thấy rõ hạt gạo, ngon hơn nhiều. Chè Lam lại là một loại bánh dẻo, được áo bằng bột cho khỏi dính. Mới nghe tôi cứ tưởng là một loại nước uống.

Xe đưa chúng tôi đi trên đường vành đai Bắc Ninh - Nội Bài. Hai bên đường những luống đậu phộng tươi tốt xen vào cánh đồng lúa vàng đang mùa thu hoạch. Môt bức ảnh thật nên thơ. Giá gặp được một đám liền anh, liền chị, dám tôi nhảy xuống làm vài câu quan họ.

Nhìn từ xa thấy cánh đồng mênh mông bát ngát, nhưng khi đến gần mới thấy bị phân chia manh mún. Có lẽ mỗi hộ chỉ được một vài sào. Chúng tôi dừng lại cho các cháu chụp vài tấm ảnh cảnh gặt lúa bằng tay, xe bò kéo lúa về nhà.

Suốt đoạn đường dài không thấy gì gọi là cơ giới hóa nông nghiệp.

Cứ năm mười cây số lại mọc lên một ngôi làng toàn vi-la cao cấp, mới xây xong phần thô, các khuôn cửa còn trống hoác và chắc cũng không có người ở, vì cỏ rả mọc um tùm. Đây là những công trình mà chủ đầu tư tính đón gió chương trình đô thị hóa nông thôn, không ngờ kinh tế suy thoái, bất động sản tụt xuống cái ào, nên đành đau khổ nhìn cả đống tiền nằm chơ vơ, trở nên gần như hoang phế.

Chia tay với bác tài xế hiền lành và cô hướng dẫn hơi hơi dễ thương, cũng có mùi quyến luyến. Chuyến đò nên quen mà.

Công ty du lịch Viettravel cũng gọi điện chào, hỏi chuyến đi thỏa mãn chứ? Tôi trả lời:

- Ở nhà coi TV sướng hơn.

- Nói như bác vậy thì công ty chúng em chết đói hết à?

Huế

Chúng tôi vào đến Huế lúc hơn 10 giờ đêm, xe cộ lưa thưa, nhiều khu phố đã im lìm. Mà ban ngày ở đây mật độ xe cộ cũng chỉ bằng SG về khuya.

Sáng hôm sau chúng tôi qua chợ Dinh thăm bà cụ, mẹ chị Điểm, bà cũng gần tầm tuổi mẹ tôi, nhưng có vẻ còn ốm yếu hơn.

Đối diện nhà là con rể bà, đã bị tai biến ngồi một chỗ hơn chục năm qua.

Trông người lại nghĩ đến ta. Tôi sực nhớ về mẹ và ông bà già vợ đang đau yếu ở nhà. Bảo rằng đi chơi cho tâm hồn thư thái, sao hai chữ sau của sinh lão bệnh tử cứ lởn vởn trong đầu tôi mãi thế này.

Thăm hỏi chỉ được năm mười phút, chúng tôi phải đi cho kịp chương trình đã định.

Vòng lại qua chợ Đông Ba, phiá mấy chị em nhà mình thích shopping đòi vô ngắm hàng. Một hồi đi ra, mặt mày ai cũng ngơ ngáo bởi chẳng hiểu mô tê răng rứa chi cả.

Xe chạy cặp theo sông Hương- nắng đục mưa trong- chúng tôi lên chùa Thiên Mụ. Hai hàng phượng vĩ đỏ thắm in hình trên mặt nước lung linh tuyệt đẹp.

Áo trắng sân trường lại ùa về trong tâm tưởng. Vợ tôi tên Phượng cũng đang hếch mũi ra nhìn với vẻ mơ màng, chắc nàng ta không biết rằng tôi đang so sánh giữa hoa và người có màu đối chọi.

Lên đến sân chùa thấy người ta bu vào một phía, tôi cũng tò mò chen lấn vào xem. Thì ra đang quay phim ngoại cảnh cho một ca sĩ nổi tiếng hát một bài về Huế, có vẻ được thu hút hơn ngắm cảnh chùa. Lúc ra, tôi thấy lạ vì trời nóng mà cô lại khoác cái áo choàng dày cộm. Chị Toàn nói là trong áo đó có máy lạnh hay quạt gì đó. Thảo nào ca sỹ nào coi cũng xinh, cười hơn hớn. Thân thể được bảo quản kỹ như thế thì chắc lâu lắm mới bị hư hỏng.

Đi vòng quanh qua tất cả cổng thành chúng tôi mới vào Đại Nội. Vào tới cung điện nơi vua thiết triều, tôi giải thích cho các cháu biết là các cảnh trong phim cổ trang hiện nay đều đã được cải biên. Thời ấy không có chuyện vua và quan đối diện. Từ ngai vua tới sân chầu xa lắm. Tất cả đều là thánh chỉ và sớ viết tay. Lời nói thì chuyển tiếp qua trung gian là các thái giám. Nhiều triều đại đã bị khuynh đảo vì những tên dở dở ương ương gọi là "Công công" này.

Ngặt cái tôi không dịch được từ hoạn quan, quay sang chị Toàn cầu cứu thì chị cười. Bảo thằng Chộp nó cũng lượng sượng. Tôi nói đại:

- Begin was a man, later became a woman.

Không ai hiểu. Tôi nói lại:

- No man, no woman, half and half.

Hơi hơi hiểu. Giá tôi có cái gì đó để moi ra, dùng bàn tay làm hiệu chém gió "Phựt" một cái thì chắc chúng nó hiểu tuốt.

Vào đây thú vị nhất với các cháu là cỡi voi và mặc triều phục. Áo thì nhiều lắm nhưng quần chỉ có vài cái, nên coi hình thì trịnh trọng vậy chứ vén lên, mấy thằng cháu vua nhà tôi quần xà lỏn hết.

Mải mê trong cung, chúng tôi trễ hẹn. Tội nghiệp bà già và cháu chắt chị Điểm chờ cơm mệt xỉu luôn. Chúng tôi thì ai nấy óc ách nước mía, nước suối, không ăn gì nổi.

Chuyện trò thấy các cháu ngoài này than thở làm ăn khó khăn quá, có ý xuôi Nam một chuyến coi có công việc gì khá hơn chăng.

Chúng tôi vẫn còn thời gian vòng qua lăng vua Khải Định, rồi mới ra phi trường bằng con đường mới mở.

Đây là con đường Bắc Nam đi tránh TP. Huế, rộng hơn đường cũ nhưng mới làm sao đã lắm ổ voi thế này? Hai bên nhà cửa còn thưa thớt lắm. Các ngọn núi bị lấy đất đá đi san lấp trông nham nhở. Thỉnh thoảng mới có mảnh ruộng hay hoa màu mà cũng xấu lắm, canh tác vậy sợ không đủ tiền đóng thuế. Những chỗ trũng có nhiều vuông nuôi tôm cá, nước trong xanh thấy đáy chứ chẳng thấy con gì.

Đúng là cố đô trầm mặc cổ kính. Trong TP không thấy công ty xí nghiệp nào cả. Còn gọi là dân buôn bán thật ra chỉ như trao đổi với nhau. Nguồn thu được kỳ vọng ở đây là ngành du lịch. Kẹt cái chỉ có mùa và khách du lịch bị hạn chế trong phạm vi những quốc gia nói tiếng Pháp mới thích nơi này nhiều hơn.

Tôi có người bạn nói tới đây Huế sẽ là nơi trung chuyển các hàng hóa từ bên Lào về, vì từ đây tới cửa khẩu Lao Bảo rất gần, mà dân ta đang đổ xô sang "nước bạn" khai thác rất nhiều mặt hàng. Tôi vội vàng ra đó mua ngay miếng đất ở thị xã Hương Thủy. Cầm chắc giàu tới nơi rồi còn gì.

Gần một ngày đêm thăm đất Thần Kinh thì ngắn quá, nhưng các cháu coi bộ cũng thỏa mãn rồi. Vì khi chúng nó mở bản đồ TP Huế đem từ bên Mỹ về, chỉ chỗ nọ chỗ kia chưa đến. Tôi gạt phắt, xuất khẩu thành thơ:

- Chỗ đấy cũng như chỗ này.

Không nhanh thì trễ máy bay bây giờ.

Thôi giã từ cố đô yêu dấu.

Đồn điền cao su

Trước khi về VN, anh tôi đã cho các con biết chuyến này sẽ đi thăm quê cha. Nơi mà ông bà nội sau khi rời quê hương đói nghèo đã vào đây sinh sống bằng nghề cạo mủ cao su của Cty Michelin Dầu Tiếng.

Đó là ấp Định Phước, xã Định Thành, quận Trị Tâm (Nay là huyện Bến Cát) tỉnh Bình Dương.

Hôm nay đã là ngày áp chót rồi, nên tuy hôm qua về trễ chúng tôi vẫn phải thức sớm, để đi Dầu Tiếng cho các cháu kịp tới xem những cảnh công nhân cao su làm việc như ươm cây, bôi thuốc, cạo mủ ... Vì theo thói quen xưa nay, làm nghề này bắt đầu cho một ngày làm việc rất sớm khi còn tối thui, chỉ chừng 10 giờ sáng là đã xong công việc.

Bây giờ làm việc cạo mủ dễ dàng hơn vì họ đeo đèn pin trên trán.

Chính vì điều này mà từ lớp người đầu tiên ký công-tra đi phu cao su, dù ở miền đông (nam VN.) hay qua Miên, Lào đều đi dễ khó về, không còn tiền bạc gì hết. Thời gian rảnh rỗi quá nhiều, nhàn cư vi bất thiện dễ sa vào tệ nạn, sinh ra hút sách, cờ bạc, rượu chè. Chứ tuy gọi là dưới ách Thực dân nhưng cứ sống lành mạnh thì đời sống không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là no đủ.

Vừa qua khỏi thị xã Thủ Dầu Một, rẽ trái là đường đi Dầu Tiếng. Năm mươi cây số, hai bên đường rặt rừng cao su bạt ngàn. Cao su non hay đang cho mủ hàng lối đều tăm tắp. Ngày trước thì khoảng cách là 3 x 4, nay chỉ còn 2 x 3. Cũng giống như lúa mùa với thần nông, giống cao su bây giờ cho mủ sớm và nhiều, thì mau già cỗi hơn.

Hồi trước công nhân cao su có tiếng cực khổ lắm, cạo xong trút mủ gánh chạy bộ oằn vai. Bây giờ tất thảy đều thồ bằng Honda. Lương tháng chỉ hơn một triệu nhưng cuối năm tiền thưởng (chia lời) lên tới ba mươi đến hàng trăm triệu.

Hơn nữa một số người sau 1975 tự khai phá rừng hoang, làm được tới đâu thì được công nhận là đất của mình tới đó. Họ cấy cao su, bây giờ được gọi là vàng trắng thì cuộc sống khá hơn nhiều. Tuy vậy họ đã đánh đổi sự sung túc này bằng giá rất đắt, có khi cả bằng mạng sống vì cày cuốc phải đạn mìn.

Tôi đã điện thoại cho mấy đứa cháu đang ở làng cũ, chuẩn bị cho hơn chục cái cà mèn, trong đó cơm với măng le kho với cá khô hay cá hộp. Đem vào một lô nào gần nhà để ăn cơm trưa, cho các cháu biết cái cảnh cơm nắm cơm gói của cha ông ngày trước. Nhưng mấy hôm nay trời mưa nên đất sình và coi trong lô âm u quá. Công nhân cũng đâu đi cạo được nên đành kéo nhau về nhà.

Gia đình mấy đứa cháu của tôi bây giờ dâu rể đầy đàn, kéo lại đâu cũng tròm trèm ba chục. Được cái chúng nó làm đồ ăn nhanh lắm. Trong khi chờ đợi, thằng cháu lớn đưa gia đình anh Toàn ra vườn cao su sau nhà cạo biểu diễn cho mọi người xem.

Xen kẽ trong vườn vẫn còn một số cây ăn trái, đặc biệt có giống mít múi màu đỏ tía, ăn giòn và ngon hơn mít thường nhiều. Anh chị Toàn bảo chẳng những chưa từng được ăn mà còn chưa từng thấy nữa. Chúng nó gọi là mít Thái. Tôi bực mình tự ái, hỏi Thái nào mà ở đất Dầu Tiếng này? Cứ cái gì to và ngon là của nước ngoài!

Mâm cơm dọn ra, chúng tôi bất ngờ vì ngoài món măng le, còn có nấm mối xào mà mấy chục năm nay chúng tôi mới có dịp thưởng thức lại và những dĩa bánh xèo nóng hổi.

Nấm mối xào không cần thịt thà mà vẫn thơm ngon tuyệt vời. Tôi nghe nói, đến bây giờ loại nấm này không làm meo trồng như nấm rơm, nấm mèo được. Nó mọc hoàn toàn tự nhiên dưới những lớp lá, mà phải là thời tiết mưa rào nó mới nảy. Lại còn bí hiểm giống như tìm trầm vậy, vì có khi người đi trước vừa đi qua không thấy, người đi sau lại vớ được cả rổ.

Bánh xèo ở đây ăn với rất nhiều loại lá, hỏi mấy đứa cháu cũng chẳng biết tên. Chúng nó bảo vậy nên người ta mới gọi là rau rừng. Chú cứ ăn đi, ngon lắm, không chết đâu.

Khi quay về, vì đã nghe cháu Nga nói ở đầu làng Hai có xe bánh tiêu của vợ chồng ông cụt chân bán ngon lắm. Chúng tôi hốt hết. Ai nấy đều nói đúng là ngon nhất thế giới. Bánh tiêu mà lại có nhân đậu xanh bên trong. Ai có dịp ghé ngang làng quê tôi, xin mời ăn thử.

Lên xe, mẹ con chị Toàn và vợ tôi trò chuyện riêng tư. Còn tôi và chắc cả anh Toàn nữa, đang ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng trong mắt vẫn xa xăm như vẫn còn nhớ nhớ, quên quên điều gì đó của thời thơ ấu.

Đi Dầu Tiếng về, anh chị tôi tính cho tụi nhỏ nghỉ một ngày lấy sức để khuya nay lên đường. Vậy mà chúng nó như không biết mệt, rủ nhau đi coi Dinh Độc Lập và nhà Bảo Tàng Chiến Tranh. Tối còn đi hát karaoke. Ghé coi năm sáu vũ trường nữa, rồi tất cả đều nhận định Sài Gòn vui hơn Huế và Hà Nội.

Ngược lại thì Mẹ tôi khi tiễn gia đình anh chị đi rồi, liền chuẩn bị hành lý về quê luôn, bảo là ở đây toàn thấy nhức đầu với chóng mặt.

Xem ra Hòn Ngọc Viễn Đông đối với bà chả có lý thú gì, so với Kênh Năm mà bà đã sống sáu chục năm qua.

Chung Mốc

Ý kiến bạn đọc
08/03/201917:15:15
Khách
I like rock songs! I really do! And my favourite yadrock band is Hootie & Blowfish! All band members has reunited to perform more than 50 concerts to their fans in 2019! To know more about Hootie and The Blowfish in 2019 visit website <a href=https://hootietheblowfishtour.com>Hootie and the Blowfish tour Toronto</a>. You won't miss any performance this year if you click on the link!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,784,353
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến