Hôm nay,  

Tháng 3, Ngày 8

15/03/201500:00:00(Xem: 7073)
Tác giả: Song Lam
Bài số 3486-16-29886vb8031515

Với 12 bài viết trong năm, cho thấy một sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersy, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây là bài mới nhất của tác giả.

* * *

Theo thông báo của Nha Khí Tượng, ngày 8 tháng 3 là ngày đầu tiên của mùa Xuân. Đây là tin vui cho hàng triệu người sống ở miền đất lạnh từ Alaska đến North East. Năm nay, đất trời nổi giận hay sao mà lạnh dữ dội đến nỗi Niagara Falls ở biên giới Mỹ và Canada cũng đóng thành băng. Cái lạnh luôn ở dưới 0 độ F (có ngày ở Virginia âm 17 độ F) với những cơn bão tuyết liên tục không những hoành hành miền Đông Bắc Hoa Kỳ mà còn "di căn" đến miền Trung Tây, Tây Bắc như Minnesota, Georgia đến Washington State, cả Texas và Arizona. Hàng chục người chết vì lạnh, hàng trăm tai nạn giao thông xảy ra ở mọi nơi vì icy trên mọi lối đi. Xe cộ đụng nhau liên hoàn trên highway, ở New Jersey, ở I-95, I-76… Chưa kể hết, xe truck lật cháy ở New Jersey, xe lửa trật đường rầy gây thương tích cho hành khách ở Los Angeles trong tháng 2/2015

Mùa Đông năm nay thật dài, mọi sinh hoạt gần như tê liệt ở vài nơi như Massachusetts, Washington DC, New York, Pennsylvania, New Jersey. Mọi người đang chờ mong mùa Xuân đến như mong đợi người yêu!

Mùa Xuân đến gần giống như hoàng tử đánh thức nàng công chúa Mùa Đông ngủ quá say trong rừng từ tháng 11/2014. Nhìn lên những vòm cây trơ xương chúng ta thấy những nụ non vừa chớm. Sự báo hiệu rất chính xác của mùa Xuân.

Ở trong nước, từ sau 1975, ngày 8 tháng 3 là ngày Quốc Tế Phụ Nữ. Thực tình, người viết không hiểu chữ Quốc tế họ dùng vì Âu Mỹ không có ngày này, có lẽ ở các nước cộng sản chăng? Người ta cười cợt, nhạo báng vì ý nghĩa lễ này "hữu danh vô thực". Như trước đây, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, dân tình nhạo báng Hội phụ nữ liên đới của bà Ngô Đình Nhu thành "phụ nữ liên đái".

"Hôm nay ngày tám tháng ba
Tui giặt dùm bà cái áo của tui"

Hoặc:

"Hôm nay ngày tám tháng ba
Chị em phụ nữ đi ra đi vào
Anh em đứng dậy vái chào
Chị em phụ nữ đi vào đi ra"

Tôi đã có 17 năm, 17 lần dự cái "Lễ Phụ Nữ" kỳ cục này. Năm nào cũng nghe riết đến ngán ngược mấy cái tên: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Thập, Mẹ Suốt, O du kích, vân vân và vân vân. Cả thầy cả trò ngồi nghe hiệu trưởng, bí thư Đoàn trường báo cáo rêm cả mình mẩy, nhức nhối tay chân. Từ đó, ngày lễ này được học sinh gọi là ngày "chị em ta".

Người phụ nữ trong nước, cho đến bây giờ, có lẽ chỉ được coi trọng có một ngày thôi, còn 364 ngày còn lại trong năm là vùi dập, khinh miệt. Chưa có một giai đoạn nào của lịch dân tộc, người phụ nữ lại rẻ giá như vậy! 40 năm qua, họ được những gì? Hay phải tha phương cầu thực? Hay phải bán thân bằng cách này hay cách khác ra nước ngoài vì miếng cơm manh áo? Quí vị thấy đó, hàng trăm ngàn cô dâu ở Nam Hàn, ở Hồng Kông, ở Đài Bắc, ở Singapore… đã sống một cuộc đời vừa khổ vừa nhục… chỉ vì muốn giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh bần hàn đói lạnh triền miên ở vùng xa, vùng cao. Có em, không, rất nhiều em gái phải "bỏ mạng sa tràng" nơi đất khách! Nàng Kiều với 15 năm lưu lạc đã làm nên kiệt tác "Đoạn Trường Tân Thanh", làm nên tên tuổi Nguyễn Du đời đời rực sáng! Còn những nàng Kiều Việt Nam từ sau 75? Họ về đâu, họ ra sao? Giọt nước mắt của những người phụ nữ trẻ đó đã chảy thành sông, thành suối nào ai biết được?

Trời hỡi, những cô gái Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam với "tám chữ vàng" được Đảng và Nhà Nước ban tặng chỉ là viên kẹo ngọt dụ trẻ trẻ lên ba, lại bị chà đạp nhân phẩm một cách tồi tệ. Ở Sàigon, thành phố văn minh, xinh đẹp của cả nước lại diễn ra những cảnh buôn người thật rùng rợn, kinh hoàng. Từng nhóm tú bà, Mã Giám Sinh "thu gom" các cô gái trẻ đẹp ở các vùng quê xa xôi, hẻo lánh về đây để cho mấy lão già các nước lân cận lựa chọn, kén vợ kiểu "tân thời thực dụng". Các cô này sắp hàng trần trụi để mấy lão già này thò lỏ con mắt ngắm nghía, lựa như lựa cá ngoài chợ, vạch mang xem vảy coi cá còn tươi hay đã ươn rồi…

Cao cấp hơn, người phụ nữ có chút nhan sắc khắp nước chen lấn nhau bằng mọi cách dành cho được ngôi vị Hoa Hậu, người mẫu. Ở Việt Nam cách đây vài năm, Hoa Hậu được tổ chức khắp mọi nơi, khắp các tỉnh thành, quận hạt. Cuộc thi nào cũng giống nhau, cũng được yểm trợ, bảo bọc bởi người có thế lực, tiền của. Để chi? Rồi đi đến kết cục nào? Cuối cùng những cô người mẫu, hoa hậu này không thể nào thoát khỏi vòng tay phù thủy gớm ghiếc của mấy lão gia quyền cao chức trọng! Những "nàng Kiều" của thời đại mới, dù gì chăng nữa, cũng "mua vui cũng được một vài trống canh" mà…

Chuyện này cứ nói thêm là bạn đọc sẽ "la làng": Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…

Ngày 8 tháng 3 năm nay lại mang thêm một ý nghĩa lịch sử: Hội Cựu Chiến Binh Mỹ sẽ về thăm lại Đà Nẵng Việt Nam, nơi mà cách đây đúng nửa thế kỷ (1965- 2015) họ đặt chân đến miền đất này. Phải, cũng ngày này năm 1965 chiến hạm Mỹ đã đưa những người lính Mỹ đầu tiên đến Việt Nam để hỗ trợ cho Quân Lực VNCH đánh trả sự xâm lăng của Cộng quân phương Bắc.

Trong mười năm tham chiến ở Việt Nam (1965- 1975) người Mỹ, nhân dân Mỹ đã đổ biết bao sức người sức của ở nơi này. "Việt Nam war" không chỉ là nổi ám ảnh không nguôi của người Việt Nam mà còn là nổi kinh hoàng của nhân dân Mỹ. 58 ngàn lính Mỹ đã hy sinh nơi này là vết thương ngàn đời nhức buốt của hai dân tộc Mỹ- Việt.


Những người chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam hôm nay là những người may mắn dù bây giờ tuổi đã già (70- 80 tuổi) và có một số mang thương tật từ chiến trường Việt Nam.

Không ai có thể phủ nhận ân huệ từ người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Người cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam hôm nay để tìm lại kỷ niệm đã tưởng chừng bị lãng quên 50 năm qua. Có lẽ, trong ký ức của từng người, đều có tấm lòng nhớ thương đồng đội đã "ở lại" Việt Nam, mà bức tường đá đen ở Washington DC chi chít những tên tuổi của họ.

"Mười năm tình cũ" tham chiến ở Việt Nam, người lính Mỹ đã sát cánh với quân đội VNCH chống trả mưu đồ thâm độc của CS Bắc Việt muốn nhuộm đỏ miền Nam Việt Nam nơi có thành phố Sàigon đẹp xinh, thanh lịch, đã từng được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Thảm họa đỏ đó người miền Nam không tránh được khi Mỹ quyết định rút quân. Và từ 30/4/1975 đến nay, 40 năm chẵn chòi, đồng bào miền Nam ta sống trong cảnh "cá chậu chim lồng"!

Bổng nhiên những hình ảnh cũ, kỷ niệm xưa bổng ùa về trang viết hôm nay. Bỏ qua nhiều cảnh tượng chính trị, kinh tế, đau khổ xãy ra gần như mỗi ngày ở miền Nam Việt Nam, người viết chỉ muốn dừng lại một chút về đời sống xã hội ở Sàigon trong mười năm ấy. Đối với riêng cá nhân tôi, khoảng thời gian này tạm coi là tươi vui nhất của thời mới lớn, thời thanh niên, giai đoạn đẹp nhất của một đời người.

Đúng ra người lính Mỹ xuất hiện chưa nhiều ở những năm đầu 65- 66. Mãi đến 1967- 70 khi cuộc chiến leo thang ngày càng khốc liệt ở Quảng Trị, sau cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế 1968, lính Mỹ đổ bộ nhiều ở miền Nam Việt Nam. Lúc ấy, chúng tôi đang còn ở Trung học. Các anh tôi, các bạn tôi lần lượt vào lính vì bị tổng động viên.

Từ 1967, chúng tôi đã thấy những chiếc GMC chạy mù trời giữa nắng lửa Sàigon, trên đó ngồi hai hàng lính Mỹ. Nóng quá. Có người cởi trần. Sàigon lúc đó hãy còn yên bình. Thật ra, lính Mỹ ở Sàigon hay lính Việt Nam chỉ xuất hiện nhiều ở cuối tuần trong tư thế đi phép. Đêm đêm, Sàigon cũng thấy xuất hiện hỏa châu từ chiến trận vùng ven, ở Đức Hòa, Đức Huệ, Trảng Bàng (Hậu Nghĩa) hay ở Bình Long, Phước Long (Thủ Dầu Một). "Đêm Nghe Tiếng Đại Bác" của Nhã Ca đắt khách trong giai đoạn này. Sàigon còn bình yên, còn là tổng hành dinh của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Người lính Mỹ làm xáo trộn đời sống xã hội Sàigon.

Người Sàigon bắt đầu biết ăn đồ hộp. Sô-cô-la của Mỹ. Những thứ này theo chân người lính Mỹ đến Việt Nam là một điều hợp lý, vì thức ăn thức uống đó được bày bán không có thuế ở P.X của Mỹ và cửa hàng người Việt Nam không thể nào mua được. Nhưng, những thứ đó tràn lan "ngoài luồng" do những tay trung gian mua bán ra ngoài. Đường Tự Do Sàigon bắt đầu mọc lên những "quầy hàng di động" nho nhỏ của người Việt Nam. Họ bán bánh kẹo, đồ trang sức, vật dụng và đặc biệt là thuốc lá Mỹ. Dĩ nhiên người bán nhận tiền đô từ người lính Mỹ dạo phố. Đồng Đô-la rực sáng ở Sàigon. Một số người Việt Nam ở Sàigon và các tỉnh bổng nhiên làm ăn khấm khá, cất nhà lầu từ những đồng Đô-la Mỹ kiếm được.

Một hiện tượng nổi lên ở các thành phố lớn, các tỉnh thành là hiện tượng Snack Bar. Ở Sàigon, Snack Bar mọc lên như nấm. Dọc con đường Trịnh Minh Thế, hai bên đường đều là Snack Bar mà người Sàigon thời đó gọi nôm na là "sờ nách ba". Nơi uống rượu, ăn chơi của Mỹ, dĩ nhiên phải có tiếp viên nữ! Nghề tiếp viên này hình thành luôn một giai cấp mới ở Sàigon lúc đó là: nghề bán bar, gái bán bar. Đã có những mối tình tuyệt vọng giữa đôi người yêu nhau. Nàng vì sinh kế, lao vào nghề này và chỉ có nghề này kiếm tiền nhanh nhất, nhiều nhất. Và anh con trai lao vào lửa đạn của một thời chinh chiến triền miên. Thuyết hiện sinh nổi lên thời này. Tiểu thuyết của Francois Sagan, Jean Jaul Sartre được giới trẻ chuyền tay… tuổi trẻ Sàigon, tuổi trẻ Việt Nam không có con đường tương lai tươi sáng nào trước mặt.

1972 "Mùa Hè Đỏ Lửa" Phan Nhật Nam phản ánh thật rõ cuộc chiến Việt Nam bằng những trận ác chiến khốc liệt ở Bình Long An Lộc. Thương vong nhiều, thật nhiều cả hai phía, dẫn đến cuộc hòa đàm 1973.

Xã hội Việt Nam lúc này thật xáo trộn. Người ta sống vội vã, không còn biết đến ngày mai. Do vậy, giá trị đạo đức xã hội băng hoại đến không ngờ.

Hòa đàm Ba-lê 1973 không dẫn tới một lối thoát chính trị nào. Mọi người đang chờ ánh lửa cuối đường hầm, nhưng ánh lửa đã tắt.

Và cuộc chiến kết thức bằng sự rút quân đột ngột của chính quyền Mỹ, bỏ lại Việt Nam như rắn mất đầu. Ngày 30/4/1975, 11:30 sáng Dương Văn Minh đầu hàng Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Xe tăng quân Bắc Việt ủi sập cánh của sắt của Dinh Độc Lập. Lịch sử sang trang.

Một đất nước Việt Nam tan tành. Một thành phố Sàigon hổn độn, náo loạn. Dân tình nhớn nhác lo âu. Hàng vạn lính VNCH vào tù. Hàng vạn trẻ thơ con lai đói khát.

Mới đó mà đã 40 năm, cơn ác mộng thật dài, vết thương xưa hãy còn mưng mủ.

Vui buồn lẫn lộn trong ngày 8 tháng 3, người viết lại thêm một lần hồi ức về mảng đời của nhân dân Sàigon, của dân tộc Việt Nam trong suốt cuộc trường chinh Bắc- Nam, nồi da xáo thịt.

Trong một ngày tuyết phủ đầy sân, cơn bão tuyết trùm phủ khắp 38 tiểu bang hôm nay (5/3/2015), xin quý độc giả hãy cùng tôi cầu nguyện cho ngày mai nắng đẹp. Ngày mai nắng đẹp không chỉ cho chúng ta, những người may mắn ở Mỹ này mà còn cho cả đồng bào ta trên quê hương mình còn chịu nhiều bất công, đói khát, lao khổ, lầm than.

Việt Nam ơi, Hòa Bình ơi, biết đến bao giờ?

5/3/2015

Song Lam

Ý kiến bạn đọc
04/04/201521:14:15
Khách
Rất đồng ý với độc giả Kim Phương. Văn dĩ tải đạo, nhất là văn viết về một giai đoạn lịch sử hay là một phần đời của người viết ( như một đoạn hồi ký ), cần phải trung thực vì đó cũng là lương tâm và liêm sĩ của người viết ( một đoạn ) lịch sử.
Người viết với tâm tình " Văn dĩ tải đạo " phải công bình, công và tội rõ ràng, không vu cáo chuyện xấu không có cho kẻ thù, không khen chuyện tốt không có cho phe mình, không vì ghét mà nói xấu, không vì thích mà khen nịnh.
16/03/201520:08:38
Khách
Bài hay nhưng tôi cảm thấy thế nào khi đọc câu " Saigon, tổng hành dinh của chính quyền Nguyễn văn Thiệu". Có Nên chăng nên viết Saigon, thủ đô của VNCH hay muốn dùng chữ chính quyền thì nên viết chính quyền Tổng Thống Thiệu .. Tuy Tổng thống Thiệu không làm tròn trách nhiệm của ông khi ông hấp tấp ra đi bỏ lại miền Nam nước Việt tang thương, nhưng không thể phủ nhận công lao đánh giặc, giữ gìn miền Nam của ông trong một giai đoạn mất còn của VNCH trong thời chiến tranh Quốc -Cộng.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,984
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.