Hôm nay,  

Tháng Mười Gặp Lại Nhau

28/10/201200:00:00(Xem: 238391)
viet-ve-nuoc-my_190x135Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, quản nhiệm Hội Thánh Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, thêm giải Việt Bút 2009, ông đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện ngắn của ông hiện có tại các tạp chí văn chương trên internet như Da Màu, Tiền Vệ.

Thế là lại có đề tài hấp dẫn để tôi viết bài. Chỉ khổ là việc phải chép lại toàn bộ bức thư vào trong máy, vì thư viết gửi bưu điện, chẳng làm sao để copy và paste nó như cách thông thường của thời hiện đại chỉ trong mười… một giây. Nhưng vì nội dung bức thư cũng… giá trị lắm, nên rất vui lòng mà chép nó, chứ không phàn nàn gì.

Số là ngày hôm qua tôi đi ra thùng thư đầu đường, chờ một bức thư viết tay ở ngoài bì thư, để đoán rằng đó là bức thư không có viết chữ gì ở trong, mà chỉ có một cái check. Bốn quyển sách đã gởi đi lâu rồi, chờ cũng hơi lâu, bữa nọ làm như… vô tình gọi người order sách, nói là để hỏi thăm sách tới chưa, nghe nói là đã nhận được rồi, và đang đọc ngấu nghiến, say mê. Có lẽ ngấu nghiến say mê quá mà quên gởi check chăng, làm cho tác giả nghèo của quyển sách cứ mất công ngóng đợi mãi. Nói cũng đáng tội. Có vài chục chứ mấy mà làm gì thảm quá vậy. Vả lại, việc này cũng chẳng phải là hiếm xảy ra, nếu không nói là thường xảy ra ?

Tôi lôi ra một vài bức thư quảng cáo, vài giấy quảng cáo. Rồi một cái thư có hình dáng một cái thiệp, chắc chắn không phải thiệp đám cưới, ngoài bì đánh máy, đề Rev. Kien Lu. Đoán là của một cơ quan từ thiện nào đó gởi đến quyên góp gì đây, và lòng cũng đang không vui, nên tà tà mang về để trên bàn, làm bộ quên cho tới chiều. Tới chiều thì bức thư tự nó nhắc, đưa tay lấy ly nước, quơ nhằm bức thư rơi xuống đất. Lúc ấy nỗi buồn về cái check mấy cuốn sách cũng đã nguôi ngoai, nên đi lấy cái dao rọc thư, rọc ra, thấy một cái thiệp bình thường, mở thiệp ra, rớt hai thứ ra một lúc, đó là một cái thẻ Starbucks có in hình mùa thu lá bay, và một bức thư hai tờ gấp lại. Tuy rất… mừng vì cái thẻ Starbucks, nhưng nôn nóng đọc bức thư hơn. Trong bụng nghĩ thầm, bà Mục sư làm bộ surprise mình.

Đây là bức thư mà tôi phải khổ công đánh máy lại:

Maryland 11/10/2012
Kính thưa Mục Sư,

Chắc Mục sư cũng đoán ra khi nhận được bức thư này (đồng tác giả? Đặc biệt tôi rất vui vì computer của tôi đã được cài phần tiếng Việt và tôi cũng phải “học” dấu hỏi ngã nhiều lắm để đánh được bức thư này, chắc Mục sư cũng vui?)

Thưa Mục sư, trước hết xin Mục sư tha lỗi cho tôi vì sau khi đọc những bài viết của Mục sư, đặc biệt khi đọc ”Chỉ Là Một Cánh Chim Bay” (trong cuốn “Nếu Những Con Chim Biết Nói”, sẽ nói về quyển sách này sau) Tôi ân hận vô cùng, bị cáo trách nặng nề, vì những thông tin trong bức thư trước hoàn toàn không có thật. Nghĩa là tôi không phải là tín đồ của Mục sư ở Hội Thánh Fort Worth, Texas mà là tín đồ ở Maryland này. Tất cả là do tôi tưởng tượng (Hội Thánh nào thì cũng giống nhau, rất dễ để tưởng tượng) và dựng nên bởi tôi muốn đánh lạc hướng Mục sư đó. Và tôi đã thành công, Mục sư chỉ lo “điều tra” về Hội Thánh ở Texas thôi, chứ không ngờ tác giả ở tiểu bang khác, tôi đã dùng kế “dương Đông kích Tây” đó Mục sư ơi.

Sở dĩ thư trước tôi gửi được từ Texas vì tôi đi công tác ở Texas, nhưng đi weekday nên không đến Hội Thánh Mục sư để thờ phượng Chúa được (cũng buồn là vì đi ít ngày nên không gọi điện thoại cho Mục sư để tới chơi được. nhưng như vậy mà lại hay, vì nếu vậy lần này Mục sư sẽ biết tôi là ai) Tới đây thì cũng như lần trước, xin Mục sư đừng tìm hiểu tôi là ai, có phải là tín đồ của Mục sư hay không, điều đó không cần thiết lắm đâu. Hơn nữa, Mục sư ơi, Chúa Jesus có những môn đồ “kín giấu” thì tôi xin được là một tín đồ “kín giấu” của Mục sư vậy, được chứ?

Tuy nhiên tôi cũng xin nói để Mục sư không hiểu lầm, chỉ những thông tin “cá nhân” là không đúng thôi, chứ những điều tôi nói về mặt tâm linh là hoàn toàn có thật. Bản thân tôi được thay đổi. Tôi nhớ trước đây tôi cũng nhóm thờ phượng Chúa, mà “làng nhàng” thôi. Nhưng sau những sứ điệp có trộn đường, muối, giấm, cà phê, kể cả đắng như khổ qua nữa từ nơi Chúa qua Mục sư, tôi như sáng mắt ra, thay đổi quan niệm, từ đó mới thấy mình khá lên đôi chút, và sự thờ phượng Chúa của tôi có ý nghĩa hơn. Ngay cả trong vòng những tín đồ khác, sau khi Mục sư đi rồi, tôi vẫn nghe những lời nói tốt và tiếc nuối về Mục sư đó.

Bây giờ trở lại quyển sách “Nếu Những Con Chim Biết Nói” Mặc dù tôi đã được đọc hầu hết các sách của Mục sư in ra, nhưng phải nói là cuốn sách nào cũng làm tôi “chết mê chết mệt” hết, đọc mỗi cuốn mới lại thấy vừa cuốn hút lại vừa thấy thương Mục sư quá, bởi tâm tình của Mục sư đối với công việc Chúa (nói tới đây tôi muốn khóc) Tôi đọc một hơi, vừa đi làm tranh thủ thời gian nghỉ trưa cũng đọc, ăn cơm chiều cũng đọc (bị bà xã la).

Tôi hết sức cảm tạ Chúa đã ban nhiều ân tứ cho Mục sư, cám ơn Chúa hơn nữa là Mục sư đã dùng hết những ân tứ của mình để phục vụ cho công việc nhà Ngài.

Thưa Mục sư, cuối cùng tôi chỉ biết cầu xin Đức Chúa Trời giữ gìn Ông Bà Mục sư trong mọi hoàn cảnh, thêm sức, thêm niềm vui nhiều cho Ông Bà trong mỗi công tác hầu việc Cha ta ở trên trời. Tôi vốn biết sự hầu việc Chúa là khó khăn lắm, tốn nhiều công sức, và nhất là mệt nhọc tâm trí, không giống bất cứ công việc nào ngoài đời hết, và không phải ai muốn làm cũng được, nhưng phải được sự kêu gọi từ nơi Chúa, cho nên thương Mục sư thì chỉ biết cầu nguyện cho Ông Bà thôi.

Hết sức quý mến,

Tín đồ “kín giấu” của Mục sư.
(còn cái thẻ, tôi có bao nhiêu tiền trong túi bỏ ra mua hết, nên nó có “lẻ” trong đó)

Bạn thân mến, check lại bức thư xem tôi có chép lại đúng hoàn toàn với nguyên bản không? Có một tín hữu, một “fan” như anh vậy, há chẳng phải là sướng sao? Tôi đã “sướng” suốt buổi chiều, và không chịu nổi cái “sướng” đó, nên ngay lập tức điện thoại lên Maryland cho bà Mục sư.

Đầu… điện thoại, tôi phủ đầu trước:

Anh có chuyện này hỏi thật nghe.

Bà Mục sư à hả, mà giọng hơi run run, không biết chuyện gì nữa đây.

Trả lời cho thật nghe.

À há, giọng rõ ràng cố gắng tự nhiên mà tự nhiên đã mất.

Có phải bà Mục sư là tác giả hai bức thư và hai cái thẻ Starbucks năm ngoái và năm nay không.

Im lặng một chút, rồi bên kia đầu giây có tiếng nhỏ nhẹ. Bà Mục sư chẳng bao giờ tưởng tượng ra một chuyện như vậy.

Tôi đề nghị đọc bức thư cho bà nghe, đọc xong bà hỏi: Mục sư “sướng” chưa, đừng có than thở nữa nhé..

Anh bạn thân mến (tôi đoán là anh vì trong thư có nhắc đến “bà xã”, hy vọng anh không dùng chi tiết này để đánh lạc hướng tôi nữa, (tôi như con chim bị trúng… đạn một lần, nên bây giờ đọc cái gì cũng đâm ra nghi ngờ), thế là tháng mười ta lại gặp nhau. Gặp mỗi năm một lần. Như Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau mỗi năm một lần. Hơi “méo mó nghề nghiệp”, tôi ao ước biết anh ngay để mời viết bài tham dự cuộc thi viết truyện ngắn báo Hướng Đi, vì rõ ràng bức thư viết rất có nét, đặc biệt là không sai một lỗi chánh tả nào, nếu viết thêm, khai thác thêm, chắc sẽ trở thành một truyện ngắn (không biết giám khảo có hơi thiên vị không). Nhưng tôi tôn trọng những gì anh viết, tôi sẽ chẳng “điều tra” nữa, cứ để nhập nhòa mờ ảo thế mà lại vui, lại hay, lại đặc biệt, để hình dung một ngày gặp mặt trong ngạc nhiên vui thú, để có thêm tài liệu mà viết truyện, để anh đọc, và “chết mê chết mệt” nữa, mà chỉ mong rằng ngày nào đó, ngày gần đây, khi trở lại Maryland (đã có kế hoạch), anh sẽ tự đến trước mặt tôi, cười nói, thưa Mục sư, tôi chính là tín đồ “kín giấu” của Mục sư đây, nhưng anh ơi xin hãy đến gặp tôi với nụ cười, kèm theo thẻ Starbucks, chứ đừng bắt chước Ni cô đem mà đem thuốc thơm hòa với lư hội để mà… xức xác, đầy nước mắt khóc thương ?

Sáng nay, tôi rất muốn đọc bức thư này trước Hội Thánh nhà, như đã đọc năm ngoái, chỉ với mục đích muốn chia xẻ một niềm vui, nhưng cuối cùng tôi đã không đọc. Tạ ơn Chúa vì tôi đã không đọc. Tôi biết rằng mình sắp đi rồi, và không nên làm bất cứ điều gì để gây sự ngộ nhận. Năm ngoái khi tôi đọc bức thư đầu, tín hữu đã cười vui, nhưng năm nay chắc sẽ không cười vui nữa. Mà chắc là sẽ khóc buồn. Tôi cũng yêu mến và tôn trọng các tín hữu tại đây.

Hôm qua, một tín hữu gọi:

Mục sư ơi, Mục sư đang ở đâu, lát nữa tới nhà con lấy cá kho được không, con đã kho cho Mục sư một nồi cá catfish. Nếu Mục sư thích luôn cá bống kho, con sẽ sớt cho Mục sư một nửa. Mà Mục sư nhớ ăn cá với bún chứ đừng ăn cơm, lên đường đó.

Vẫn còn những tín hữu như vậy.

Sáng nay, trước khi bắt đầu bài giảng, tôi dùng “cái đầu” của mình để nhập đề về sự thay đổi. Cái đầu này đã thay đổi khi đi California về. Như là một truyện viết tiếp từ “Người Ở Xa Mà Gần”. Lần này về, lại gặp ông bạn “vừa”, chẳng thể nào trốn thoát ổng. Ổng đang lo “quắn……” lên vì ông cụ sắp qua đời, mà vẫn còn bình tĩnh để hỏi tôi:

Lần này chịu nhuộm tóc chưa ông.

Hình như ông có cái đam mê đè đầu nhuộm tóc cho tôi phải không.

Tôi nói ông nghe. Lần này ông giảng cho Hội Thánh tôi, đề tài là sự thay đổi, thì Mục sư cũng phải làm cái gì thay đổi để làm gương cho tín hữu chớ. Biểu Hội chúng thay đổi mà Mục sư không làm gương thì ai làm theo.

Tôi đang “nghẹn họng” thì bị nhét vào một trái táo “ngọt ngào” nữa:

Chiều nay ông lên nhà tôi đi, tôi nhuộm tóc xong chở ông lên Pasadena thăm ông cụ. Thế có phải là một công hai chuyện không.

Máy cúp. Cúp máy. Hy vọng chiều nay có sự cố gì đó để “cha” quên đi cái chuyện không hề thích tí nào. Gia đình chị tôi cũng ngồi đó và nghe cuộc đối thoại của chúng tôi. Họ cười ha hả. Lần này ông Mục sư “mình” quyết tâm lắm rồi, ông Mục sư “nhà” chắc chẳng thể thoát khỏi.

Chúa có nghe lời ao ước của tôi. Quả nhiên tới trưa, “cha” gọi tới: Ông ơi, ông cụ tôi sắp qua đời rồi, tôi phải đi lên đó gấp. Thôi cancel buổi chiều nay.

Cầu Chúa cho ông cụ bình an. Vậy là tôi không được đi theo thăm cụ. Đã tưởng cái hẹn đè đầu được cancel. Nhưng chắc là chẳng ai tin nổi cái khúc sau của chuyện này. Chiều, hoàng hôn đổ tím sân sau có gốc chanh ngọt của nhà chị tôi, điện thoại reng, nhìn tên biết là chàng. Mở máy chưa kịp hỏi đã nghe liếng thoắng: Ông cụ qua đời bình an, tôi đang trên đường về nhà đây, ông lên nhé. Bó tay. Thôi thì nhân tiện, thử một lần xem sao, và cũng để làm nhập đề cho bài giảng thay đổi luôn, tự nhủ lần đầu cũng là lần cuối. Dầu vậy tôi cũng làm một “phản kháng” cuối cùng là sau khi bị đè đầu ra nhuộm, được dặn dò 10 phút sau gội đầu, tôi nhào ngay vào phòng tắm, xả nước ào ào, đổ lên đầu một đống xà bông, cào mái tóc tơi tả hy vọng màu đen sẽ trôi theo. Hậu quả, một mái tóc nâu. Người cười: Mục sư có mái tóc màu hạt dẻ.

Những người bạn văn nghệ của tôi nhìn mái tóc mới khen trẻ quá, nhìn hình trên facebook mà Nina Hòa Bình post lên, cũng thầm công nhận là có “trẻ” hơn một chút so với tuổi (hình như ông Từ “trẻ” hơn?), nhưng tôi chẳng cảm thấy “sướng”, lại càng ngậm ngùi tiếc mái tóc bạc ngày xưa. Bà Mục sư bảo, trẻ thật, nhưng lần sau đừng nhuộm nữa nhé. Nhiều tín đồ khen, nhưng có một tín đồ (nữ), khi ra về trước cửa nhà thờ, nhìn tôi, rồi nói: con nói thiệt, con thích mái tóc (bạc) kia của ông Mục sư hơn, trông rất dễ thương và rất hiền. Tóc (hạt dẻ) này nhìn ông Mục sư “tơi tả” quá. Vậy mà tôi lại yêu một lời chê đó hơn mười lời khen khác.

Thế thì sao tôi lại nỡ làm cho họ buồn trong khi tôi đang vui. Tôi lại nghĩ rằng, biết đâu, có thể, khi tôi rời khỏi đây, vào những tháng mười, tháng mà giáo hội Báp Tít “bày đặt” ra một thông lệ “đáng yêu”: tháng tri ân Mục sư, tôi lại nhận được thư “nặc danh” từ Texas, và lại có thêm tín đồ “kín giấu” nữa, để đời thêm vui.

Tôi biết rằng Chúa luôn có những phần thưởng nhỏ cho người hầu việc Chúa tại trần gian trước khi ban phần thưởng lớn cho họ trên trời đời đời. Chúa chẳng biết rằng (cái này là nói giỡn mặt Chúa, và nói rất nhỏ thôi, hy vọng là Chúa không nghe?) những phần thưởng nhỏ đó lại làm cho tôi vui nhiều hơn.

Ngài mai tôi sẽ “khai trương” cái thẻ Starbucks mới này, để coi số “lẻ” là bao nhiêu (cái số lẻ này vậy mà làm tôi cảm động hơn số “chẵn”, thật đấy. Cái số chẵn có nhiều người làm được, nhưng cái số lẻ có ít người làm được). Bạn ơi, tôi hy vọng rằng sau 5 năm nếu mà Chúa cho cả hai chúng ta còn sống và anh bạn còn giữ cái “truyền thống” đáng yêu này, thì tôi sẽ tỉ mỉ chép 5 bức thư này lại, biến nó thành một truyện ngắn 5, 6 trang, chỉ là những bức thư thôi, cũng hay hay, cũng ngồ ngộ, vì đó là những bức thư thật chứ không phải do tôi tự ”chế” rồi giả vờ… phao vu rằng có ai đó viết cho mình để thích thú vui vẻ chơi, để an ủi mình, để khích lệ mình trên bước đường hầu việc Chúa… Ít ra trên đời này cũng có những người như vậy để mình biết rằng Đức Chúa Trời quả thật (quả thật) chẳng những có thật và cũng rất “tiếu lâm”, tuy là một Đức Chúa Trời cao cả vĩ đại uy nghiêm, ai lỡ nhìn thấy mặt Ngài thì chết, mà cũng hay làm những chuyện nho nhỏ ngồ ngộ như vậy, để nhắc nhở về sự hiện diện thầm lặng mà thật đáng yêu của Ngài.

Trần Nguyên Đán

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,100,794
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Bài viết mới của tấc giả đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Ngày 14 Tháng Sáu sắp tới sẽ là Father’s Day 2019, mời đọc bài viết của tác giả Phước An Thy. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018, ông đã nhận giải đặc biệt về Huế Tết Mậu Thân với bài viết về một gia đình bên cầu Bạch Hổ Huế, có người cha bị cộng sản chôn sống.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2919. Ông cho biết có cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979. Qua Mỹ năm 1998, ông hiện là một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Bài viết thứ hai của ông có lời ghi “Viết cho sinh nhật đầu tiên của cháu ngoại. Tựa đề được đặt lại theo nội dung: “bật mí” là âm nói lái của “bí mật.”
Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ và là thành viên ban tuyển chọn chung kết của giải thưởng nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019. Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu. Sau 2 bài đầu không thể phổ biến vì quá dài, cám ơn tác giả kiên nhẫn góp thêm bài thứ ba sống động và duyên dáng. Mong bà tiếp tục viết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến