Hôm nay,  

Cô Gái Phòng số 6

27/10/201200:00:00(Xem: 266251)
viet-ve-nuoc-my_190x135Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một kỹ sư điện, cô hiện làm việc tại DPW-LACO. Bài mới của cô là chuyện kể nhân mùa Halloween.

Chuyện xảy ra vào cuối tháng Mười, cách đây 7 năm, mỗi khi nhớ lại cứ tưởng như mới đêm qua.

Chiều thứ năm ấy, như thường lệ, tôi ghé qua vườn trẻ rước con sau khi đi làm về. Vô sân, không thấy anh ngoài vườn tưới cây, công việc mà anh không bao giờ bỏ qua khi những cơn đau chưa kịp làm suy sụp đến tinh thần. Vô phòng thấy anh nằm trên giường, khuôn mặt xanh xao, tôi hỏi:

- Anh có sao không?

Anh nói chờ tôi về chở anh đi bác sĩ. Giờ đó thì các văn phòng bác sĩ đã đóng cửa, phải vô nhà thương thôi. Thường tới lui nhiều lần trong vòng 10 năm nay sau một tai nạn giao thông nên những nhà thương quanh vùng hầu như đã quen mặt với gia đình tôi.

Vào phòng cứu cấp, y tá đo huyết áp, nói với anh:

- Số đo xuống rất thấp.

Sau đó cô tiếp tục làm những việc cần thiết. Tôi thay anh trả lời những câu hỏi đã thuộc lòng, cùng với tấm giấy về tất cả loại thuốc anh đang uống. Mấy lọ thuốc này trị đau nhức, thuốc cho tim, thuốc cho máu, loại kia cho phổi, cho gan, … còn đây là những loại thuốc chống lại phản ứng phụ của thuốc này và thuốc kia … cứ thế … danh sách những tên thuốc càng ngày càng dài, liều thuốc càng ngày càng mạnh thêm.

Sau khi làm xong những thủ tục cần thiết, cô y tá cho gọi người phụ lấy xe lăn tay đẩy anh vô giường bệnh nằm phía trong khu cứu cấp ....

Ngồi cũng gần hai tiếng, con trai tôi mặc dù còn nhỏ nhưng đã sớm hiểu biết, không được khóc hay nhõng nhẽo, chỉ lẳng lặng lấy sách ra đọc từ cái túi tôi mang theo. Thỉnh thoảng nó liếc nhìn cha đang nằm lim dim mệt mỏi. Yên lặng một hồi anh nói tôi ngồi đây cũng không làm gì, với lại anh thấy đỡ mệt nhiều, anh bảo tôi chở con trai lên trang trại, cách nhà một dặm đường hướng núi, là chỗ giữ con ngựa tên Cana của con tôi. Tôi hỏi thăm anh, nói em ngồi đợi cũng không sao, nhưng anh nhất định bảo tôi dẫn con ra ngoài cho đầu óc thoải mái một chút.

Nghe lời anh, hai mẹ con lên trang trại, từ nhà đi chỉ khoảng hai phút lái xe. Ở đó độ nửa tiếng, tôi ghé ngang nhà để lấy chút đồ ăn cho con, định xong sẽ trở vô nhà thương. Đang lụi hụi trong bếp thì nghe tiếng cổng mở, nhìn ra tôi mất hồn vì anh đang đứng ngoài cổng. Hôm đó lần đầu tiên tôi thấy cái mặt "xanh như tàu lá chuối" là xanh như thế nào. Tôi hỏi:

- Sao anh không đợi em đến nhà thương đón?

Anh nói:

- Nhà thương đó không làm gì hết, về nhà cho xong!

Tôi hơi lo nhưng không hỏi thêm vì đây không phải lần đầu anh trốn nhà thương về mà là lần thứ thứ chín hay mười gì đó. Anh còn mặc áo của bệnh viện, cái áo bận ngược về phía sau chỉ có một sợi giây, đi tới đi lui sẽ lấp ló khoe cái bàn tọa cho mấy cô cậu y tá chiêm ngưỡng. Biết anh còn bịnh rất nặng, vì thấy anh yếu quá, nhưng tôi không nói gì. Coi đồng hồ, lúc đó khoảng 7 giờ tối. Anh vô giường nằm.

Tôi cho con ăn xong, thấy anh ra ngồi trên ghế, hơi thở rất yếu. Anh bảo tôi chắc phải trở vô nhà thương nhưng nhất định muốn đi nhà thương khác.

Lái xe tới một nhà thương gần nhà, chạy vòng một hồi không thấy phòng cấp cứu đâu cả, tìm ra cổng chánh, gặp ông gác cổng, ông bảo rằng đây là nhà thương dành cho bệnh ung thư, chỉ có xe cứu thương đem vô thôi chớ tự mình vô không được. Ông viết cho tôi địa chỉ của một nhà thương cách nhà tôi khoảng mười phút lái xe, hướng trên núi, gần nhà mà tôi không hề biết. Chắc lúc đó anh có cảm giác kỳ này sẽ ở lại nhà thương lâu, nên anh bảo tôi gởi ai trông coi con vài hôm. Tôi gọi điện thoại cho nhỏ bạn, nó có đứa con trai bằng tuổi con tôi, nhờ nó vài hôm. Tôi hôn con, nó vui và hí hửng vì được ngủ ở nhà bạn lần đầu tiên.

Theo lời hướng dẫn, tôi đưa anh đến nhà thương hướng trên núi. Vô phòng cấp cứu. Lúc đó anh vẫn còn tỉnh, nằm trên giường, nước biển đã vô, sau khi trả lời mấy câu hỏi của cô y tá, anh nhắm mắt, cô y tá bước ra ngoài. Tôi kéo ghế ngồi kế bên giường, nhìn anh ngủ. Một hồi tôi thấy sao mặt anh không còn màu xanh mà trở nên trắng bệch, trắng như giấy và như không có chút sức lực nào. Vừa nghĩ đến đó thì tôi nghe tiếng máy báo động kêu ầm lên, cô y tá ban nãy chạy vào, mấy bác sĩ và những y tá khác, tất cả chạy vào bao quanh giường anh. Tôi đứng lên chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì cô y tá đã kéo tôi ra khỏi phòng vừa, hỏi anh có làm tờ chỉ thị y tế không? (Đó là tờ chỉ thị để tự quyết định những phương pháp điều trị y tế mình muốn, hoặc quyền không muốn điều trị, để khi mình bị bịnh nặng không còn đủ lý trí và nói chuyện với bác sĩ.) Tôi bảo là không có. Tôi hỏi anh ấy có sao không, cô không trả lời mà xoay trở vào phòng.

Đứng bên ngoài nhưng tôi thấy rõ những gì xảy ra phía sau tấm màn. Tôi nhớ nghe máy nhắn liên tục "Code Blue", tôi không trong ngành y nhưng biết đại khái đó là báo động khi nào có bệnh nhân ngưng thở. Bên kia màn, tiếng bác sĩ ra lệnh:

- 3, 2, and charge...

Bác sĩ đang truyền điện vô người anh, một và hai lần, rồi tôi nghe tiếng ai đó nói:

- Tôi bắt được nhịp tim rồi...

Tôi chết đứng trong mấy phút. Sau đó, tất cả trở lại yên lặng.

Nhịp tim anh đã đập trở lại, nhưng phải cần đến máy trợ thở. Bác sĩ và mấy y tá đã đi ra, qua phòng bịnh nhân khác, tôi trở lại ngồi kế bên giường. Cô y tá của anh là người Đại Hàn, thấy tôi mất hồn nên cô đem cho ly nước lạnh, bảo tôi uống. Cô giải thích cho tôi biết sự việc đã xảy ra và nói là họ sẽ chuyển anh sang khu CCU (Critical Care Unit).

Bước ra ngoài sân, trời đã tối mịt, lạnh buốt, nhìn đồng hồ chưa đến 9 giờ, tôi cố hít một ngụm không khí tươi mát. Có lẽ tôi vừa mới kề cận bên sự chết sống cho nên đêm đó tôi thấy không khí nó khác với mọi lúc bình thường... rất tinh khiết ... rất quí ... rất cần.

Tôi gọi điện thoại hỏi thăm con trai, nhỏ bạn nói đã cho hai đứa ngủ. Tôi cám ơn nhỏ bạn và chúc nó ngủ ngon.

Trở vô phòng cấp cứu được cô y tá cho biết đang sửa soạn chuyển anh sang bên CCU. Vơ lấy cái bóp và vài thứ trong áo anh mặc khi vô nhà thương, tôi lẽo đẽo theo hai nhân viên trẻ đẩy chiếc giường dọc qua những hành lang trong nhà thương. Hành lang cảm thấy rất lạnh đêm đó, cái lạnh của bệnh viện và mùi... của không khí chết. Đường đến CCU sao dài thăm thẳm.

Khu CCU này có 6 phòng, dành cho những bệnh nặng, phòng nào cũng toàn máy móc, mỗi y tá săn sóc riêng cho một bệnh nhân. Họ đẩy anh vô phòng số 6, anh y tá người Phi tên Danny, vẻ mặt hiền lành, giải thích vài điều với tôi và lấy số điện thoại để liên lạc lỡ có chuyện cấp bách. Anh bảo trong đây không cho người nhà ngủ lại, nhưng tôi có quyền ra vô bất cứ lúc nào cũng được. Anh lấy cho tôi cái ghế để bên giường và bảo tôi ngồi đó nhắm mắt cho đỡ mệt. May thay lúc nào cũng đem theo cái áo len nên không bị cóng bởi cái lạnh buốt da cắt thịt trong phòng này. Mệt cùng với lạnh trong phòng giúp tôi thiếp đi hồi nào không hay..

Đang chập chờn thì giật mình vì cảm thấy có bóng một người nữ đứng quay lưng về phía tôi, đang chăm chú quan sát anh. Hơi thắc mắc vì người này không mặc đồng phục y tá, cũng không có áo khoác của bác sĩ. Áo cô mặc là cái áo đầm màu đen, đính đầy hạt cườm và kim tuyến, nổi bật dưới ánh đèn âm u bên giường bệnh, đúng ra là áo đi tiệc chớ không hạp đi làm. Tôi cố gắng mở mắt để nhìn cho kỹ, à .. có thể đó là một bác sĩ trẻ “on call” chạy thẳng đến từ một buổi tiệc nào đó? Tôi thấy cô ta đứng yên rất lâu, chỉ nhìn anh chớ không khám gì hết, làm tôi càng thắc mắc, tôi lên tiếng:

- Xin lỗi có phải cô là bác sĩ không?

Cô không trả lời. Có thể cô không nghe, tôi lên tiếng lần nữa, giọng nói lớn hơn, thì thấy anh Danny chạy vô hỏi tôi cần gì. Xoay qua xoay lại tôi không thấy cô ấy đâu.Tôi hỏi:

- Bác sĩ khám ra sao rồi?

Danny bảo,

- Sáng mai mới có bác sĩ đến.

Tôi hỏi vậy cái cô đứng bên giường anh hồi nãy là ai mà sao tôi hỏi cô không trả lời. Danny nói không ai được vô phòng này mà không báo cho anh biết, ngoài tôi ra chưa ai được phép vô phòng này hết.

Thấy tôi ngơ ngẩn rồi dớn dác ngó quanh, Danny nhìn tôi. Trong ánh mắt, tôi đọc được anh biết tôi không mơ!

Danny bảo tôi nên trở về nhà nghỉ ngơi vài tiếng, khi nào muốn thì cứ việc trở vô, anh hết ca lúc 7 giờ sáng.Tôi lái xe về nhà.Đêm đó là đêm đầu tiên tôi ở nhà một mình, tự dưng cảm thấy nhớ Micky quá, con “chuột nhắt” của tôi bây giờ chắc đang ngủ ngon bên cạnh bạn nó. Bao nhiêu đèn trong nhà vặn sáng hết. Bấm TiVi lên cho có tiếng động, không hiểu sao sự yên lặng đêm ấy làm tôi không yên tâm. Tôi không sợ ma! Nhứt định là không sợ, nhưng sao ... có gì đó làm tôi bứt rứt, không yên lòng, và chút ớn lạnh. Tôi cần ánh sáng, cần không khí sống động trong nhà. Lúc đó chắc khuya lắm rồi, tôi ôm lấy TíNị, cẩu con, vô phòng Micky lên giường nằm rồi mê đi hồi nào chẳng hay. Không biết ngủ được bao lâu thì cô áo đen khi nãy lại hiện ra trong đầu tôi. Tôi bừng dậy. Trời rất lạnh mà mồ hôi chảy ướt cả áo. Cô ta là ai mà sao anh y tá lại không nhìn thấy. Tôi phải vô nhà thương ngay. Đồng hồ trên tường điểm 3 giờ sáng.

Vô phòng CCU, cửa phòng số 6 đối diện dãy bàn y tá. Tôi để ý thấy Danny lúc nào cũng túc trực ngay đó, không có anh thì một y tá khác ngồi thế. Trước khi vô phòng tôi dặn anh khi nào bác sĩ tới thì cho tôi hay liền. Danny khẳng định đến sáng mai bác sĩ mới khám. Vô phòng, đến bên giường, anh vẫn thở bằng ống, tôi nói với anh:

- Anh ơi, ráng khoẻ để về nhà, vì nhà mình vắng quá.


Tôi nắm tay anh và thấy hai tay còn buộc dây an toàn dính vô thanh giường, để phòng hờ anh lật té xuống đất. Đã trải qua hai lần mổ nên mỗi lần nhập viện tôi luôn nhắc y tá săn sóc anh cẩn thận, lỡ rớt khỏi giường, chỉ một lần thôi cũng rất nguy hiểm vì có thể làm anh bại liệt.

Anh nằm ngủ rất yên. Tôi lấy thêm mền đắp cho anh. Tôi sẽ ngồi lại đây cho đến khi bị y tá đuổi ra vì tôi nhất định phải gặp lại cái cô áo đen ấy.

Khu CCU quá yên tĩnh, mỗi phòng chỉ có một bệnh nhân buộc dính vào chiếc giường bao quanh bởi cơ khí của những bộ máy tự động, màn hình, dây nhợ, và ống thở. Nó yên đến nỗi tôi có thể đếm từng giọt nhỏ trong bình IV, nghe từng ngụm hơi cùng với tiếng bíp trên màn hình trái tim EKG.

Khu nầy, trong sáu phòng, có sáu người không quen biết nhau, chưa hề gặp mặt. Chẳng phải họ đang cùng nhau đấu tranh với kẻ thù chung là tử thần đó sao? Hay họ đang cùng nhau mong đợi đến một nơi không đớn đau, không cần thuốc men, không cần phụ thuộc vào máy để thở?

Tôi lại ngồi trên ghế hồi nãy, cách không xa giường bao nhiêu. Tôi chọn vị trí đó, những gì xảy ra phía ngoài và ai ra vô tôi đều thấy rõ. Nhìn quanh phòng thấy ánh sáng mờ mờ xanh xanh đỏ đỏ chiếu ra từ những máy điện tử, toàn máy và máy. Từ phía bên giường, nhịp thở phát ra đều đều... không muốn suy nghĩ gì thêm, đầu óc trống rỗng, hình như tôi lại thiếp đi. Không biết vào lúc nào đó, tôi bỗng giật mình bởi cảm giác như một luồng gió thật lạnh từ phía giường anh thổi qua. Cái lạnh rất lạ. Mà dường như cái lạnh này tôi đã cảm nhận được lúc nãy. Ráng mở mắt ... kìa, cô ấy đang đứng bên giường.

Xoay lưng về phía tôi. Đúng rồi! Đó là cô gái hồi nãy, cô đứng quan sát anh rất lâu. Chưa lên tiếng, tôi muốn xem cô ấy làm gì và tại sao anh y tá không có mặt trong phòng lúc đó? Nhìn dáng, tôi đoán là một cô người Á-Đông, còn trẻ. Tóc cô dài chấm vai, bên phải thẳng nhưng bên trái lại rối bù. Thầm nghĩ cô này làm ban đêm nên không cần chải tóc cho tươm tất. Tôi rất thắc mắc, ráng xoay người để nhìn mặt cô, tôi muốn lên tiếng cho cô biết tôi đang ngồi đây nhưng không tài nào mở miệng được. Tôi nghiêng người qua một bên, ánh đèn từ phía ngoài chiếu vào ... nhìn được, tôi mất hồn, tôi thấy một khoảnh phía trái có gì đó, tóc cô rối nùi... tôi rùng mình. Lạnh càng thêm lạnh, cả người ... Bỗng tiếng máy báo động reo lên ầm ỹ sau đó tiếng mấy y tá chạy vô. Tôi nhìn Danny, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, Danny hỏi tại sao tôi tháo dây an toàn và giây gì đó... cũng bị tháo ra luôn. Chưa kịp trả lời thì họ đuổi tôi ra ngoài phòng đợi.

Tức quá, tôi đi vòng hết khu CCU, phòng nào cũng nhìn vào. Tôi muốn tìm cho ra, xem cô gái kia dù có đi nhanh cách mấy, phải còn lẩn quẩn đâu đây. Đi mấy vòng không thấy cô nên tôi ra ngồi ở phòng đợi. Ngồi đó một hồi, tôi trở vô phòng, chỉ còn mình Danny. Trên gương mặt Danny có nét hốt hoảng. Anh giải thích cho tôi hiểu sợi dây đã bị rút ra là dây trung tâm, nối thẳng vào gân chánh, nếu không hay kịp, bệnh nhân có thể ra máu đến chết.

Tôi hỏi Danny:

- Ai gỡ dây an toàn ra? Ảnh mà té xuống giường thì rất nguy hiểm. Tôi có dặn rất kỹ. À, trước khi báo động xảy ra tôi thấy cô ta đứng ngay bên giường mà. Hay là cô ta tháo ra?

Danny nhìn tôi, không nói gì thêm ngoài câu mà anh đã nói lúc nãy:

- Không có ai vô phòng này mà không có sự đồng ý của tôi. Từ lúc đưa anh ấy vào đây, chỉ có mình cô và tôi vô đây thôi.

Thấy tôi có vẻ bực, anh dẫn tôi đi hết khu CCU, phòng nào cũng nhìn vào và anh còn nói:

- Tất cả y tá làm hôm nay không ai giống như người cô đã nói đâu.

Rồi Danny bảo tôi về nhà nghỉ, có thể tôi bị kiệt sức nên thấy quẩn. Anh hỏi tôi có đạo không? Anh bảo tôi nên cầu nguyện. Tự dưng tôi nổi quạu khi nghe anh nói câu này.

Lái xe về nhà, vẫn còn rất tức giận về cô gái ấy. Tại sao chỉ mình tôi thấy? Trong đó có sáu y tá, cùng với nhân viên ra vô khác, mà không ai thấy là tại sao? Về nhà, còn nguyên quần áo, tôi lên giường, nhắm mắt, đúng ra là lả người vì mệt chớ không phải ngủ.

Đồng hồ báo thức 5:00 giờ sáng, tối qua quên tắt trước khi lên giường. Tôi bật mình dậy, đầu óc rất tỉnh táo. Lái xe trở lại nhà thương để gặp Danny trước khi anh xuống ca lúc 7 giờ. Thấy tôi, Danny chạy theo vô phòng. Danny nói sau khi tôi về, sợi dây an toàn bị tháo lần nữa và anh mất máu rất nhiều. Danny không thể giải thích được tại sao dây an toàn có thể tự tháo ra. Chính Danny và một cô y tá khác phụ buộc lại để biết chắc anh không thể tự tháo sợi dây ra được. Cả Danny và cô y tá cùng nhau ra vô canh chừng rất kỹ, còn nói chắc chắn cả hai người không thấy anh tỉnh lại dù chỉ một phút từ khi anh được đưa vô phòng này. Danny nói sẽ dẫn tôi vô gặp bà y tá trưởng sáng nay trước khi anh xuống ca nghỉ ba hôm, hôm đó là ngày làm cuối trong tuần của anh.

Sau khi nói chuyện với bà y tá trưởng, bà nói sẽ cử y tá thay phiên nhau ngồi trực 24/24 ngay cửa ra vô để canh chừng anh. Tôi trở về phòng, ngồi trên cái ghế ấy cách giường anh nằm, ngay cửa có cô y tá ngồi trực. Cô ngồi đó và làm việc bằng máy tính để trên cái bàn nhỏ. Cô nhoẻn nụ cười chào tôi. Mặt cô thật phúc hậu, tất cả y tá tôi biết rất dịu hiền, có lẽ đó là bản tánh trời cho nên họ mới chọn ngành này. Cô nói với tôi cần làm gì thì cứ đi vì lúc nào cũng có một y tá ngồi đây, cô giới thiệu tôi với cô y tá săn sóc anh ban ngày. Tôi thấy đỡ lo phần nào. Sáng hôm đó không việc gì xảy ra, anh ngủ và thở bằng ống trợ thở. Tôi vô sở xin nghỉ vài tuần.

Tối hôm đó trở vô nhà thương. May quá cô y tá ban đêm là người Việt, chị tên Chi. Chị người miền Nam, lớn hơn tôi nên chị gọi tôi là cưng nghe ngọt xớt. Đêm đó thật yên lặng, không việc gì xảy ra, có thêm cô y tá khác ngồi trực ngay bên giường. Tôi ra vô như thường lệ và lúc nào cũng ngồi ở cái ghế ấy. 

Đang ngồi trong phòng thì chị Chi vào, sau khi làm những việc cần thiết, chị ngồi xuống kế bên tôi và hỏi về bệnh anh. Tôi kể chị nghe về chuyện cô áo đen ấy. Quan sát thấy mặt chị có vẻ hơi bất thường, một vẻ sợ thì đúng hơn. Chị hỏi tôi:

- Cưng đạo Phật hay Công Giáo?

Chưa trả lời thì chị thò tay ngay cổ lấy ra sợi dây chuyền có hình Đức Phật và nói tiếp:

- Chị làm nhà thương này gần hai mươi năm nay, tượng Phật này giúp chị nhiều lắm. Cưng lên chùa thỉnh một cái để đeo trong mình.

Chị chỉ nói vậy rồi đi ra làm việc tiếp. Tôi chạy về nhà, lấy tượng Phật nhỏ để trên kệ sách, đó là tượng Phật màu tím hoa cà nhạt mà nhân một dịp đi chùa, một ni cô đưa bảo tôi đeo để được phù hộ. Tôi rất quí và đem về để trên kệ trong phòng con trai. Trở vô nhà thương, gặp chị Chi, tôi đưa chị xem, chị nói:

- Vậy là cưng sẽ không thấy cô ấy nữa đâu.

Chị kể tôi nghe về cô ấy....

Cách đây 3 năm, khoảng nửa đêm, xe cứu thương chở cô ấy vô, cô bị thương trong một tai nạn giao thông. Mất máu rất nhiều. Chị là một trong mấy người có mặt trong phòng cấp cứu đêm đó, bây giờ là khu CCU. Bác sĩ hết sức cứu nhưng vết thương trên đầu quá nặng và cô mất khoảng gần 3 giờ sáng. Người mình thì tin có oan hồn. Oan hồn cô ấy hình như cứ lẩn quẩn trong phòng này. Nhưng chị không hiểu sao chỉ có một số người thấy cô, và tôi là một người trong số đó. Nghe xong, tôi hiểu và không còn sợ nữa.

Những đêm sau đó tôi không đem theo tượng Phật vì tôi muốn gặp lại cô. Anh ở trong phòng này hết ba tuần, nhưng cô không xuất hiện lần nào nữa. Có thể cô biết tôi biết sự hiện diện của cô, nên cô không muốn tôi sợ? Hay là chưa đến lúc anh đi nên cô không đến nữa? Cũng có thể, bởi vì đêm đó tôi ngồi cạnh giường, nắm lấy tay anh, tôi thầm nói với cô ấy, “nếu đến lúc anh phải ra đi thì cầu xin hãy giúp anh đi một cách bình yên. Ai có số người nấy. Cô ra đi một cách oan uổng, nhưng xin cô đừng làm tôi sợ và đừng bắt anh đi khi anh chưa đến lúc phải ra đi.”

Sáng hôm sau tôi vào chùa thắp cho cô ấy một nén nhang.

Cuối tuần qua mấy chị em tụ lại nhà chị Ba chơi, có chị Bảy, chị kế của tôi ghé qua sau khi vừa hết ca làm ở nhà thương, vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục. Thấy bộ đồng phục y tá, tôi nhớ chuyện xưa và nhắc lại chuyện cô gái phòng số 6. Tưởng chị tôi sẽ cười nhạo “nhỏ này lớn đầu rồi còn đem chuyện huyền bí ra hù con nít” ... nhưng, chị đã không cười mà còn kể cho cả nhà nghe câu chuyện về đứa bé trong khu chị làm.

Chị làm việc trên tầng lầu thứ tư, khu đặc biệt về bịnh tim dành cho bệnh nhân lớn tuổi. Chuyện thằng bé ấy xảy ra mấy năm rồi. Nó, mới bảy tuổi, xe cứu thương đem nó vào cùng với ba má và hai đứa em, sau một tai nạn giao thông. Cả gia đình bị thương nặng, nhưng thoát nạn, chỉ mình nó không qua khỏi. Cứ mỗi đêm, những bệnh nhân nào không ngủ được là thấy nó, vẫn còn quấn băng trắng cho vết thương trên đầu. Nó đi vòng vòng hết phòng này tới phòng kia chỉ để nói chuyện với những bệnh nhân nào không ngủ được. Mỗi sáng trong tờ báo cáo, có vài người trong số bệnh nhân, nói rằng tối qua họ đã gặp và nói chuyện với nó. Có vài bệnh nhân hỏi chị tôi,

-Khu nhi đồng có gần đây không? Tối nào thằng bé cũng qua nói chuyện, nó nói nhiều lắm, kể đủ chuyện ...

Chị không nói gì cho bệnh nhân biết, thường trả lời rằng lầu thứ tư này hồi trước là khu nhi đồng. Thằng bé đó tên là Eddy.

Có phải linh hồn của những người chết bất đắc kỳ tử, chết oan chết ức, chết khi chưa muốn chết nên còn vấn vương cõi trần!

Nghe chuyện bé Eddy, tôi chạnh nhớ cô gái mà tôi đã gặp mấy năm trước. Không biết cô đã siêu thoát chưa? Hay vẫn còn lẩn quẩn trong phòng số 6, trong cái nhà thương hướng về phía núi ấy?

Trương Kim Hoàng Thư

Ý kiến bạn đọc
28/10/201201:30:57
Khách
Mùa Halloween đọc câu chuyện CGPSS thấy rợn cả người.
Cô TKHT cũng khá tỉnh trí, gặp chuyện kinh khủng như vậy, biết rõ hồn ma cô gái đó 2 lần rút ống động mạch là cố tình muốn bắt chồng cô đi theo cô vẫn tìm cách tiếp xúc với hồn ma qua tâm linh để cứu chồng.
Tôi tin rằng có ma, và cũng tin rằng nhiều hồn ma có lương tri, biết ngừng lại, như hồn oan cô gái phòng số 6.
Câu chuyện cậu bé Eddy cũng thương tâm, quyến luyến mãi cõi trần vì chết quá trẻ.
Chúc cô và gia đình nhiều sức khoẻ
31/10/201202:55:01
Khách
"Với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate, Trương Kim Hoàng Thư đã nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một kỹ sư điện, cô hiện làm việc tại DPW-LACO. Bài mới của cô là chuyện kể nhân mùa Halloween. "
Chắc bạn Tiêu Hà muốn nói về phân đoạn nầy? .
Bạn hiểu sai rồi, vì đây là đoạn toà soạn Việt báo giới thiệu về tác giả đó . Tại Việt báo không để khung riêng, hay tách rời ra khỏi bài viết nên gây hiểu lầm. :-))
29/10/201215:15:50
Khách
Bài viết này đâu dính dáng với “Hồi Ức Tháng Tư Của Long Mỹ,” cùng viết với người cháu là Hải Quân Trung Tá Paul LongMy Choate?

Thiệt tào lao .
28/10/201207:47:11
Khách
HAY!
03/03/201319:53:04
Khách
GREAT STORY !
Co`n Mr Tieu Ha du'ng la` i't hoc, hay hoc chua to'i.......thi'ch kie^'m chuye^n, ong la` con nguoi NEGATIVE . Phe bi`nh ba^y ba.
19/03/201319:09:48
Khách
Great story! Scary!
27/10/201214:01:32
Khách
Chuyện hay!. Tui thích mấy chuyện này lắm.
Mình sợ ma , có cách trị là thờ Phật.
27/10/201206:55:05
Khách
Bậy bạ quá đi !Sống ở thế kỷ 21 rồi mà còn kể chuyện ma làm chi không biết nữa !Báo hại tui sợ quá trời !

Từ nay nếu có việc phải ở lại trong bịnh viện ban đêm,làm sao tui sống khi con tim thổn thức đánh lô tô nhịp swing chình chát liên hồi !

Công nhận kể chuyện hay lắm,y như thật...Bởi vậy không nhớ thì thôi,nhớ tới thì...ớn da gà muốn chết !
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến