Hôm nay,  

Vụng Đường Tu

17/10/201200:00:00(Xem: 232810)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biên khỏi Việt Nam năm 1981. Mười tháng ở trại Kuku, rồi Galang, Indonesia. Đến Mỹ năm 1982, định cư tại Texas. Di chuyển về Oklahoma năm 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. Hiện làm việc tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Vũ mang tựa đề “Vụng Đường Tu”, kể về chàng tị nạn Việt đã quyết chí đi tu, nhưng rồi vướng món nợ... tóc vàng. Bài dài, được phân làm ba hồi, với tiểu tựa trích từ bài viết.

I. Tên Mỹ nghe quen mà khó nhớ

Hắn ra trường tại một đai học ở Texas, rồi đi kiếm việc vào lúc mà nền kinh tế nước Mỹ đang xuống dốc, mà kinh nghiệm cũng như vốn liếng tiếng Anh chuyên môn của hắn thì chưa đủ khá, để có thế cạnh tranh với những sinh viên khác, nên việc kiếm job đầy gian nan vất vả.

Nhớ hồi còn trong nước, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, học sinh phải phấn khởi để học tiếng Liên Xô hay Trung Quốc cho thức thời, thì mấy thằng “ngụy” con như hắn lại đi học tiếng của “đế quốc” Mỹ. Sau mấy năm trung học, cứ tưởng trong đầu đã đầy những chữ của đế quốc, vậy mà hắn, thằng con trai 17 tuổi, được cha mẹ kiếm đường cho đi vượt biên đến trai tị nạn, lúc phỏng vấn xếp lớp Anh văn, lại chỉ được bà giáo người Mỹ cho vào Cấp Một vì giọng đọc sai bét của mình. Nghĩa là chỉ hơn một bậc, so với mấy ông bà già và đám còn nít chẳng biết tí gì về tiếng Anh.

Đáng buồn, nhưng hắn vẫn không dám trách mấy ông thầy giáo ở Việt Nam vì “…nửa chữ cũng là thầy.” Phải thông cảm cho thầy, khi mà nghề dạy học chủ yếu là để bán ô mai, cóc, ổi, bánh kẹo trong lớp, hầu kiếm thêm thu nhập. Chính hắn cũng đã nhiều lần phụ thầy cô giáo mang những túi bánh kẹo vào lớp rồi chuyền tay nhau mua giúp thầy cô. Học tiếng Mỹ, vừa ngậm kẹo, vừa tập đọc theo giọng hờ hững của cô giáo đang lẩm nhẩm đếm tiền lẻ, thì giỏi được như hắn bây giờ cũng là khá rồi, tự trách làm gì. Thôi! Coi như học lại từ đầu cho chắc ăn!

Vậy nên những ngày trên đảo, chẳng những hắn yên tâm học Anh văn, mà còn nghe lời khuyên của bà giáo, hắn tình nguyện đi làm không công cho văn phòng Cao Ủy Tị Nạn. Quét dọn và thu xếp hồ sơ, để có dịp nghe tiếng Mỹ cho thủng lỗ tai. Nhưng càng nghe, hắn càng thấy chữ nghĩa nhảy múa lung tung, đến nhức cả đầu!

Ấy vậy mà khi đến Mỹ, rồi liều mình vào đại học nộp đơn, nói chuyện bằng tay quơ quào thế nào mà hắn cũng được nhận, và được gọi đi học vào một buổi sớm mùa xuân có nắng hanh vàng phủ trên những thảm cỏ xanh rì trên sân trường. Hắn thấy cuộc đời quả là thần tiên!

Mà thần tiên hơn nữa, là hắn cũng từ từ qua được những môn học cần đến nhiều tiếng Anh như English Composition, U.S. Politics, History…, là những môn khó gặm cho một thằng con trai tị nạn như hắn. Cũng may, nhờ những lớp học về toán và khoa học, mà hắn trụ được cho tới ngày tốt nghiệp. Và rồi, để bảo đảm cho vị thế của một công dân trong xã hội, hắn nộp đơn xin vào quốc tịch Mỹ. Nghe lời khuyên của những đàn anh ra trường đang có việc làm, hắn đã lấy tên Mỹ, để khi đi phỏng vấn xin việc, những ông chủ hãng không phải méo miệng mà gọi hắn bằng tên Việt Nam, như vậy dễ có cảm tình hơn!

Colin Do - Nghe cũng có vẻ Mỹ đấy! Đang lúc hắn rất tự hào về cái tên vừa dễ đọc, dễ viết, mà lại dễ nhớ…, thì Đông, một trong những thằng bạn chung phòng, không đồng ý:

- Mẹ…! Đang không lấy tên Mỹ làm gì, Cô Lìn với chả Cô Lèo… Tao mà làm sếp đi phỏng vấn mấy thằng Á Châu, cứ thấy tên Mỹ họ Việt là tao loại… Ai kiện, cho là kỳ thị thì tao chịu… Tên cha ông đặt cho, lại bỏ đi là làm sao?

Thằng bạn nó nói cũng có lý, nhưng tên Mỹ hay Việt thì cũng chỉ để gọi thôi! Hắn gãi gãi đầu…, mình tóc đen, mũi tẹt thế này, dù có gọi bằng tên Mỹ cả chục lần thì cũng chẳng khác Việt Nam được, chắc tổ tiên bất chợt hiện lên cũng vẫn nhận ra…! Hắn nhủ lòng như thế, để yên tâm mà đi xin việc.

Hắn gửi resume đi các nơi. Cũng hên là nước Mỹ chỉ có năm mươi tiểu bang, chứ nếu một trăm tiểu bang thì hắn còn tốn khối tiền gởi hồ sơ, để rồi toàn nhận được phúc đáp là những sự từ chối. Bạn bè có đứa lên giọng dọa nạt là bằng kỹ sư điện của hắn, chỉ có nước bỏ đi nếu như một năm mà chưa xin được việc, khiến hắn thở dài lo lắng! Rồi đứa khác lại cười cười cho rằng nước Mỹ, quả là u mê, nên vẫn chưa nhận ra được một con người tài năng như hắn…

Chẳng biết tụi nó nói thật hay nói chơi!

Đến gần nửa năm trời, sau khi thấy hắn vẫn ngày ngày nhai mì gói, thằng bạn chung phòng tội nghiệp, nhờ quen biết, xin cho hắn vào làm trong một hãng sản xuất bóng đèn, giúp hắn có tiền mà share tiền phòng. Tám tiếng một ngày, làm việc dây chuyền, đếm đủ 20 bóng cho vào một thùng, rồi đếm đến thùng khác… Được cái hắn giỏi toán nên đếm chả mấy khi sai! Hắn gật gật đầu, “làm” bóng đèn, nghe cũng có vẻ dính dáng ít nhiều về…điện, điện tử, hy vọng bằng cấp của mình nhờ vậy mà không đến nỗi bỏ đi như lời thằng bạn độc miệng.

Xem ra, trời chẳng phụ lòng người, một buổi chiều, hắn nhận được thư gọi đi phỏng vấn technician job từ hãng Boeing, mà vì gởi nhiều đơn quá, hắn cũng chẳng nhớ là mình đã xin việc này khi nào! Technician cũng tốt thôi, được phỏng vấn là may rồi, hắn tự khuyến khích, ít ra là có cơ hội học hỏi kinh nghiệm phỏng vấn như thế nào. Boeing mà, máy bay bay đầy trời chứ dở sao!

Vậy mà hắn lại được nhận ngay. Bắt tay tạm biệt ông supervisor, hắn mừng rối rít.

Thế rồi, chẳng biết nhờ ai mách nước là trong resume, nếu khai vừa đi học vừa đi làm thì dễ “câu” job kỹ sư hơn. Cũng giống như bán một món hàng mà chứng tỏ được món hàng đó sẽ có giá, thì người mua dễ để mắt đến. Nghe cũng xuôi tại, nên hắn đi thi lấy cái GRE test, rồi xin vào trường, học tiếp Master bằng tiền trợ cấp của hãng.

Hình như hắn đã đoán đúng, đi học lại chưa được một năm, “tiếng tăm” cần cù siêng học của hắn đã đến được tai của management trong hãng. Cũng đúng thôi, hãng trả tiền học, nhưng có mấy đứa còn kém cỏi để vừa đi học vừa đi làm như hắn đâu, nên tên của hắn thường xuyên nằm chình ình trên phòng Tài Chánh của Human Resources chờ ký giấy nhận tiền. Cũng vừa lúc hãng đang cần một kỹ sư cho ca làm buổi chiều, bà Mỹ già Julie - Engineering Manager - 20 năm kinh nghiệm để mướn những “nhân tài” với số lương rẻ mạt cho hãng, nghĩ đến đơn của thằng Việt Nam ốm nhách, nhưng chăm chỉ…, bà cho ngay tên của hắn vào Promotion List.

Ôi, cuộc đời quả là đáng sống. Đường quan lộ sáng chói như ánh đèn 100 watts trong đêm tối mênh mông, vì vừa được đi học, vừa được làm đúng nghề như hằng mơ ước.

Hắn đậu xe vào parking-lot rồi nhanh nhẹn khoác backpack lên lưng, tất bật phóng vào lớp học.

Bữa nay trong lớp chia nhóm để làm project cuối khoá. Hắn chọn lớp này, Biomedical Instrumentation and Robotics, làm môn học lựa chọn để hy vọng dễ đậu điểm cao. Môn học được học chung với những sinh viên năm chót của ngành Biomedical Engineering.

Nhìn danh sách các nhóm được dán trên của lớp, hắn mong được xếp chung với những đứa nổi tiếng siêng học, như những du sinh đến từ Ấn Độ thì đỡ quá, hắn sẽ có cơ hội phát huy tính dựa dẫm của mình. Những hắn bỗng giật mình khi thấy tên của mình chung nhóm với hai đứa con gái. Vậy là mệt rồi! Chung với ai chứ với con gái thì hắn đã có kinh nghiệm nhiều lần. Cố nài lưng ra mà làm bài, làm programs, làm projects… Đúng thì xong nợ, mà sai thì cũng chỉ có mình hắn bỏ thời giờ ra sửa lại.

Thực ra, cũng có những đứa con gái giỏi, siêng năng, nhưng số hắn hình như lận đận với đám bạn…làm biếng. Nghĩ lại, từ năm thứ nhất vào trường đến giờ, hắn đã chẳng may mắn để vào được nhóm nào có mấy đứa siêng học cả. Nếu hên, được “lọt sàng” mấy đứa con gái, thì lại “xuống nia” với mấy trự con trai mà lấy sự nghiệp ngồi hành lang cafeteria là chính. Nơi có những ly cà phê với điếu thuốc cháy dở, và ánh mắt trần tục ngắm nghía con gái qua lại, như một hobby trong cuộc sống… Hắn thở dài, mùa học này quả là xui cho một thằng đi học part-time như hắn!

Ừ, hắn chỉ lấy hai lớp học trong niên khóa này vì còn phải đi làm.Cũng nhờ bà sếp tốt bụng, không giao cho những việc nặng nhọc nên hắn có thời gian đi học. Nghĩ đến khuôn mặt hiền lành nhưng không kém phần cương nghị của bà, hắn thấy mình thật may mắn được là một trong những nhân viên có bà sếp như thế.

- Hi…!

Đang suy nghĩ cách nào, xin với bà sếp già, cho thêm giờ rảnh để làm project ở trường, hắn quay lại vì nghe có giọng con gái gọi phía sau… “Hừ…! Làm mình giật bắn cả người, cứ tưởng bà sếp Mỹ hiện ra…” Nhưng không phải. Trời ạ! Trước mắt hắn là đứa con gái xinh đẹp trong lớp, mà hắn chẳng biết tên, hay nói đúng ra là chẳng có cơ hội biết tên.

- Are you Colin…?

Hắn gật gật.

Vì chẳng biết tên nàng là gì, lại bản tính chậm chạp, hắn cứ trân trân nhìn đứa con gái tóc vàng, mắt nâu, đang ban phát những lời nhỏ nhẹ chào hỏi. Chắc tội nghiệp thằng học sinh Á Châu ngớ ngẩn, đứa con gái giơ tay cho hắn bắt:

- Im Jackqueline… Very glad to join your group!

À thì ra vậy! Hắn đương thắc mắc tên những đứa con gái chung nhóm, thì con nhỏ co-worker này lại tự động dẫn xác tới. Bàn tay mềm ấm của cô làm hắn thấy tự tin hơn:

- Good, so am I..! Jack… Jack…!

Hắn lắp bắp tên của nàng, làm đứa con gái phải nhắc lại:

- Jackqueline! Nhưng “mày” cứ gọi là Jackie được rồi!

Danh xưng của Mỹ quả là bình đẳng, chẳng phải nghĩ ngợi, anh, em… lôi thôi như Việt Nam. Cứ “you, you, me, me…” mà lại tiện. Hắn thở phào:

- Yeah! I am pleasure…, rất hân hạnh…!

Vậy là hắn quen nàng, rồi được quen luôn cả Teresa, em Mễ đen đen, lùn lùn, có cái bụng tròn quay, cùng chung nhóm ba đứa với nhau.

Coi như xong, phận trai mười hai bến nước, hắn trôi dạt vào nhóm với hai em, một Mỹ, một Mễ. Em Mễ tóc đen, và nàng, tóc mây vàng óng ả! Hắn phân biệt như vậy cho dễ liên tưởng. Việt, Mỹ, Mễ…, vậy ra nhóm của hắn là một pha trộn đặc chế đấy. Trời đôi khi có vẻ bất công, chẳng hiểu sao lại lơ đãng nặn ra một đứa con gái tròn tròn, ngăm ngăm như em Mễ, bên cạnh một đứa thon gọn, hồng hào như nàng thế kia, lại còn bắt hai đứa chung một nhóm với nhau. Hắn lắc đầu, ngầm đưa mắt nhìn hai em group-mates để cố tìm hiểu ý nghĩa khôi hài của Thượng Đế.

Ấy vậy mà em Mễ lại có vẻ siêng và học giỏi. Sau khi bàn bạc, biết hắn đang làm cho Boeing, em Mễ sốt sắng, tình nguyện thu thập bài vở, liên hệ với các nhóm khác lấy tin tức, và học hỏi kinh nghiệm qua lại. Em đề nghị giao cho hắn công việc lắp ráp và thực hiện đề án, còn em Mỹ trắng phụ trách phần trình bày.

Đáng khâm phục! Em Teresa, Mễ đen… nhưng đầu óc thật là thông minh sáng suốt, quả là một nhân tài trong làng quản trị! Phần mình, hắn thấy như vậy là đúng lắm. Hắn chỉ chờ con nhỏ soạn bài vở, tài liệu. Phần lắp ráp, thực hiện thì quá dễ đối với hắn. Hắn sẽ mang vào phòng thí nghiệm trong hãng, nối nối, ráp ráp, rồi thử ngiệm vài ba bữa là xong… Phần nàng, em Mỹ trắng, hắn tin là nàng cũng chẳng có gì trở ngại, vì vừa trắng trẻo, cười tươi, lại nói tiếng Mỹ giỏi hơn cả Mỹ, thì phần trình bày của em ăn đứt các nhóm khác là cái chắc. Hắn thấy yên tâm để lấy điểm “A” cho môn học này!

Ngày nộp project, đúng như dự đoán, nhờ tài khéo trình bày của em Mỹ trắng, nhóm hắn được điểm tối đa. Thực là giỏi, hắn tự động mời hai em đi McDonalds để mừng chiến thắng! Em Mễ đen thoái thác vì bận công việc. Em Mỹ trắng nháy mắt “méc” với hắn là Teresa muốn đi chơi với bạn trai. Vậy sao, em Mễ có bạn trai! Hắn không biết là tai mình có nghe lộn không? Thì ra, Thượng Đế hằng chí công vô tư, để người ta mất cái này, thì sẽ cho cái khác đền bù. Hắn thầm cám ơn em Mễ. Ừ, cứ đi đi, để mình hắn với nàng được rồi…!

Ngồi vào trong xe, lấy tay hất mái tóc vàng, nàng hỏi hắn:

- Bữa nay “you” không phải về đi làm à?

Hắn gật gật đầu:

- Có, nhưng “tao” xin đi làm trễ, để được đưa người đẹp đi ăn McDonalds, tưởng thưởng tài khéo của cô ấy!

Chẳng biết sao mọi ngày vụng về, mà bữa nay hắn lại nói được một câu tài hoa như vậy! Đứa con gái lấy làm hài lòng:

- Okay, chiều nay “tao” rảnh, mình có thế đi lâu một chút.

Mặc dù được nàng “cho phép” đi lâu, nhưng trong đầu hắn cũng chỉ nghĩ đưa nàng vào McDonalds, ăn xong rồi còn về làm việc. Thực ra, hắn cũng chẳng biết đi đâu ngoài tiệm fast food này của Mỹ. Đã bảo hắn là thằng quê mùa lắm mà! Qua Mỹ gần 10 năm trời, mà có biết một quán ăn sang trọng nào đâu! Quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy món ăn bình dân, nếu không là phở ở quán Việt Nam thì cũng hamburgers, hotdogs…hay pizzas nơi những tiệm Mỹ.

Nhưng nàng lại có vẻ sốt sắng vì được đi ăn với hắn ở cái tiệm bình dân này. Thật là chân tình! Chắc là đang vui vì qua được một môn học, hay vì trời còn đang Xuân mát mẻ, nàng hạ cửa xe xuống, chỉ vào những bụi hoa được cắm trồng thẳng hàng trên những ngôi mộ trong một nghĩa trang:

- Oh! “Mày” coi kìa, hoa nghĩa trang đẹp quá…! I really like to be here…!

Nghe mà phát ớn! Ở đâu không ở, lại thích ở nghĩa trang. Hắn thì không, mặc dù phải công nhận, nghĩa trang bên Mỹ quả là đẹp như lời nhận định của nàng, hắn cười cười:

- Yeah! Đẹp lắm, nhưng “tao” không thích vào “nằm” ở đây…! Vậy nên lúc nào cũng cầu Chúa cho được sống lâu.

Nàng cười lớn tiếng vì câu khôi hài của hắn, rồi nhìn nắng hồng lung linh trên những đóa hoa ra vẻ thích thú…

Cũng chỉ hơn nửa giờ để ăn, mà nàng hỏi về cuộc đời, công danh, và sự nghiệp của hắn còn hơn cả bà manager phỏng vấn đơn xin việc của hắn trước đây. Ăn xong, hắn đưa nàng về lại sân trường. Đứa con gái chia tay hắn với một tiếng cám ơn ngọt như giọng nói của nàng. Đã tới giờ phải đến hãng, hắn tự nhủ là sẽ nói chuyện với nàng sau:

- Bye Jen…! À không phải…, Jackie ạ!

Hắn chẳng biết tên của học sinh trong lớp nhiều, nhất lại là tên con gái Mỹ, nghe thì quen mà khó nhớ. Dù vừa ăn trưa, nói chuyện với nhau, nhưng đến tên của nàng hắn vẫn còn mại mại, lúc nhớ lúc không…

Gọi lại tên em một lần nữa
Để chắc rằng ta đã không sai
Tên Mỹ nghe quen mà khó nhớ
Lần này, lần trước sớm phôi phai…

Sở dĩ hắn phải lẩm bẩm tên nàng, vì hồi nào đến giờ, con gái, nhất là tên con gái, đối với hắn là một cái gì như dị ứng, rất khó nhớ trong đầu… Chắc một phần vì nhát gái, phần nữa, dù có vẻ mơ hồ nhưng lại quan trọng hơn, là trong thâm tâm sâu thẳm, hắn muốn…đi tu.

Vâng. Đi tu!

Chẳng biết sao lúc nhỏ, 7, 8 tuổi, những dịp theo mẹ vào thăm cha xứ. Ông cha già vuốt tóc hắn, hỏi xem có muốn đi tu không, thì hắn lắc đầu quầy quậy. Dù vẫn biết đi tu sẽ được nhiều kẹo như những hũ kẹo xanh đỏ trên bàn của cha, những hắn vẫn sợ phải vào nhà Chúa…!

Thế nhưng, chỉ từ hồi qua Mỹ đến giờ, tư tưởng đi tu, dâng cuộc đời cho Chúa lại vẩn vơ trong đầu. Chẳng phải vì hắn sợ đàn bà con gái đến độ không dám đến gần, hay vì hắn… chỉ thích con trai? Không, chẳng thế thế được! Đôi lúc vui chơi uống cà phê với đám bạn con trai, lỡ có đứa nào ôm vai, hay lỡ đặt tay lên đùi hắn, hắn vột hất tay ra, rùng mình vì thấy kì cục… Như vậy chắc hắn không thế là “gay”, như báo chí hay sách vở diễn tả rồi. Lại nữa, một bằng chứng chắc chắn hơn, là khi nhìn một đứa con gái đẹp như nàng, hắn thấy tâm hồn mình có chút rung động rõ ràng mà! Quái lạ, vậy sao giờ lại có tâm tình muốn đi tu mà trước đây không có nhỉ. Hắn lẩm bẩm thắc mắc như thế!

Để rồi một lần, hắn đánh bạo đi gặp một bác sĩ tâm lý xin ý kiến. Biết đâu trong một gene sâu thẳm nào đó của tâm hồn, do ông bà truyền lại, có liên hệ đến một… tu sĩ nào đó thì sao? Sau khi khám bệnh, hỏi thăm, trò chuyện tỉ mỉ, vị bác sĩ tâm lý, nổi tiếng nhiều thân chủ nhất trong thành phố, phán một câu rất an tâm là hắn… bình thường, chỉ vì chưa gặp người con gái, đúng tần số trái tim, để cùng rung động đó thôi!

Ra thế đấy, chắc là ông nói đúng! Vì từ hồi qua Mỹ đến giờ, hắn đã gặp ai “tương xứng” để thương yêu đâu. Vốn rụt rè, lại bận rộn học hành, hắn chưa quen được đứa con gái nào thì cũng không có gì là lạ! Hắn an tâm và tin vào Chúa sẽ sắp xếp cuộc đời cho riêng mình.

Kỳ tới: Gặp lại nhau.
Ngờ ngợ tên em

Vũ Công Ynh

Ý kiến bạn đọc
09/08/201706:42:42
Khách
Chuyên vui, nhưng "tao, tao, mày , mày" nghe không lọt.. Kỳ quá! Tại sao không dùng chữ "cô, tôi"????
29/01/201523:24:31
Khách
Truyen hay va cam dong, xin doc Gia "con meo" ton trong quyen tu do tin nguong
Khong chi trich ton Giao cua nguoi khac. Theo toi. Thoi dai intêrnt ma ban con lac hau nhu thoi an long o Lo. Buon cho ban 3 Phut.
21/10/201307:00:00
Khách
Thưa quý độc giả,
Nhận ra lỗi văn phạm trong bài viết như sau:
“I am pleasure…” Đúng ra phải viết là “I am pleasured…” hay “I am pleasant…”
Tác giả xin chân thành cáo lỗi.
Vũ Công Ynh
19/10/201200:43:19
Khách
Đọc thấy hay lạ , Tác giả đăng tiếp phần sau nhanh nhé.
19/10/201214:46:32
Khách
Tác giả "con mèo" chắc là người vô thần của thế kỷ 17! Ngay như ở những nước hùng mạnh và khoa học tiên tiến thuộc loại hàng đầu của thế giới như Anh, Pháp, Mỹ,... các nguyên thủ quốc gia còn lòng tin vào tôn giáo; thì chẳng lẽ chỉ vì một thiểu số phạm tội trong tôn giáo mà loại vô thần như "con mèo lại bất mãn; "con mèo" có vào Internet cũng chỉ để tìm đọc mấy chuyện pornography thôi phải không?
17/10/201220:11:56
Khách
Lạc hậu quá. Giờ này mà còn chúa với cha, tác giả cần đọc Internet để biết sự thật về đạo của mình.
17/10/201217:32:16
Khách
Anh lam` on đang tiep hai bai` ke' anh nhe'! Anh viet hay & hai` huoc lam' , em đang buon`ddoc xong chuyen anh viet bot buon` roi` ne`.
Kiep' nhan sinh đuong tu châng đậng .
Xin hoan` thanh` su' mênh tô? tông .
Chuc' anh luon khoe? manh
Kim Ho
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,578,315
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến