Hôm nay,  

Con Tôi Vào Trung Học

22/09/201200:00:00(Xem: 224411)
viet-ve-nuoc-my_190x135Nguyễn Khánh Vũ là kỹ sư điện toán cho một công ty bên Arizona. Là con một gia đình H.O., từng trải qua nhiều năm khốn khó khi miền Nam đổi đời, tác giả đã góp nhiều bài viết xúc động khi tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

"Ba có thích đi học trung học không Ba?", con gái tôi háo hức mở lời khi hai cha con đang trên đường đến trường ngày nhập học. Tôi không "nắm lấy tay" con tôi "dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp" như trong bài "Tôi đi học" của Thanh Tịnh, mà lái xe đưa con bé đến trường với biết bao cảm xúc vừa vui vừa lo lẫn lộn. Vui khi thấy con càng lớn càng học giỏi, biết nghe lời nhưng cũng lo không biết bạn bè mới, trường mới của con ra sao, con có đủ khôn ngoan chưa vì con hiền lành, con thơ ngây.

"Ba, sao Ba không trả lời, Ba có thích đi học trung học không? Con nghe nói học trung học khó lắm phải không Ba?", cô con gái cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

"Hả, ờ, con hỏi Ba cái gì?", tôi ngập ngừng cười trừ.

"Ba có thích đi học trung học không?", con tôi giận hờn hỏi lại.

"Học trung học vui lắm. Theo Ba nghĩ, trung học là khoảng thời gian đẹp nhất trong tuổi học trò. Con sẽ tìm hiểu, học hỏi chuẩn bị cho tương lai của con. Ngoài giờ học, con vẫn có thể chơi piano hay violin cho ban nhạc của nhà trường hay tham gia câu lạc bộ về khoa học vừa vui vừa tốt nữa. Đừng quá lo, lúc nào Ba cũng ở bên cạnh con."

Thế là con bé lại hồn nhiên quên ngay những âu lo vu vơ của nó. Tôi thiển nghĩ, con cái luôn cần đến Cha Mẹ cho dù ở tuổi nào khi nữa, một lời giải thích cho một nỗi lo không đáng có hay việc chia xẻ một lời khuyên, một kinh nghiệm trong hoàn cảnh bế tắc đều có giá trị quan trọng như nhau. Tôi luôn rất trân quí những giây phút tôi được hàn huyên với Cha Mẹ tôi và tôi cũng hy vọng con tôi có những cảm nhận tương tự như vậy.

Việc chọn trường cho con cũng là một vấn đề khiến tôi đau đầu.

"Ba, thầy Woodrock khuyên con nên đi trường FV vì trường đó có ban nhạc hay lắm Ba", con tôi chia xẻ trong bữa cơm khi cả nhà bàn luận về việc chọn trường.

"Ba, con muốn trở thành robotic engineer."

Rồi, "Ba, con muốn mai mốt vô trường MIT."

Và, "Ba, bạn của con nhiều đứa sẽ đi học trường Marina."

"Ba, con muốn đi trường nào mà con có thể học thêm tiếng Nhật. Mai mốt con lớn sẽ sống ở Tokyo", con tôi vừa cười lớn, vừa nói.

"Em nghe nói trường W. có tình trạng băng đảng đó!", bà xã tôi lo lắng.

"Má nghe trên radio, sẽ có một buổi hội thảo về cách chọn trường do luật sư L. tổ chức đó con", Má tôi gọi điện thoại cho biết.

"Anh coi chọn trường nào để việc đưa đón thuận tiện một chút, chứ trường của Tin mà đằng Đông còn trường của con lại đằng Tây thì kẹt lắm đó", bà xã tôi có ý kiến.

"Hê, mày tính cho con gái học trường nào? Trường nào thì trường, đừng đem nó vô trường X. nha mày, tao nghe nói trường đó năm ngoái có vụ học sinh xài cần sa bị cảnh sát bắt đó nghe", một thằng bạn vỗ vai tôi tâm sự.

"Anh cho con bé Christine học trường nào? Thằng Kenny con tôi sẽ theo học trường A. Hồi đó tôi cũng học trường này. Trường tốt lắm.", một người bạn bắt tay tôi cho biết.

"Con cũng đừng lo lắng quá. Trường tốt¸ thầy tốt là rất quí nhưng điều quan trọng là năng lực của bản thân nó. Giúp nó tự tin nha con", Ba tôi trấn an.

Và tôi đã đưa con bé tới tham dự các buổi giới thiệu về trường lớp, tìm hiểu các chương trình MERITS, AVID, các điểm mạnh của các trường trong suốt mùa hè. Hai cha con ngồi nghe các thầy cô hiệu trưởng trình bày, thu thập các tờ rơi phát ra, sắp hàng đến từng bàn gặp gỡ, trò chuyện với các vị cố vấn để biết thêm chi tiết về các chương trình. Rồi hai cha con lại nhỏ to, bàn luận với nhau hàng ngày.

Từ ngày học con bé còn trong middle school, tôi đã bắt đầu nói chuyện nhiều hơn với con. Theo tôi, nói chuyện với con cái, trải lòng ra với con thì con sẽ mở lòng với mình. Tôi biết nhiều cha mẹ gặp phải vấn nạn, con cái đi học về là đóng cửa suốt ngày ru rú trong phòng, không hề nói chuyện với cha mẹ, ông bà. Chưa nói đến chuyện với cái máy điện toán kết nối internet thì nó chu du đến đâu, xem gì, liên lạc với ai thì hầu hết các cha mẹ đều không biết hay không thể biết hoặc không quan tâm.

Thật ra chuyện này cũng không khó mấy. Cách thức đơn giản nhất là sử dụng Windows Explorer kiểm tra những chỗ như Temporary Internet Files, Temporary, History hay Application Data. Đây là chỗ lưu lại "dấu vết" những nơi người sử dụng đã "đi qua" hay sao chép xuống những gì.

"Tin nhớ chỉ sử dụng máy tính làm bài thôi đó", tôi nhắc thằng bé con khi nó xin sử dụng máy tính làm bài tập ở nhà.

"Con biết rồi Ba. You can check what I've done on my computer, Dad. Trust me please", thằng bé Tin cằn nhằn sau lần thấy tôi "biểu diễn" cho nó thấy nó đã lén vào chơi game trực tuyến mà không xin phép.

Tuy nhiên cha mẹ cũng nên biết rằng nhiều đứa trẻ rất tinh ranh, chúng có thể biết cách xoá đi các dữ liệu này. Nếu một ngày đẹp trời kiểm tra thấy những nơi lưu trữ này bỗng nhiên trống rỗng là các vị phụ huynh nên đặt dấu hỏi ngay không kẻo trễ. Trên thị trường hiện có rất nhiều nhu liệu như eBlaster, Child Safe, Spector hay Sentry PC. Các nhu liệu sẽ giúp ghi lại các hoạt động trên máy tính như việc vô các website, viết email, hay ngăn cấm việc vào các một số website "đen" hay tìm kiếm những từ ngữ bậy bạ, thô tục, vân vân và gửi các bảng phân tích cho người cài đặt, là quí vị phụ huynh trong trường hợp này. Nếu không rành, cha mẹ có thể đem máy điện toán đến Fry's, Best Buy hay Good Guys để nhờ các nhân viên kỹ thuật ở đó giúp đỡ. Việc cài đặt cũng nên làm khéo léo, đừng đột ngột đem máy điện toán ra khỏi phòng tụi nhỏ trong lúc giận dữ. Vì làm như vậy đôi khi có thể có tác dụng ngược, tụi nhỏ càng không nhìn ra hảo ý của cha mẹ là muốn bảo vệ chúng.Tốt nhất là nên cài đặt ngay từ lúc mua máy ở tiệm.

Tôi luôn thảo luận với con cái, phân tích cho chúng thấy những điều hay, những điểm không tốt, giải thích cho chúng hiểu tại sao tôi đã hay sẽ làm điều gì đó.

"Ba, sao Ba không cho con smartphone?", cô con gái tôi mè nheo khi hai cha con trên đường đến trường.

"Tại sao con cần smartphone?, tôi hỏi lại.

"Bạn con đứa nào cũng có hết, chỉ có một mình con không có", con gái tôi phụng phịu.

"Ba hiểu smartphone có nhiều tính năng "cool" lắm, như texting, email, tìm kiếm trên internet, hay chụp hình nhưng với cái điện thoại hiện tại con vẫn có thể gọi cho Ba Mẹ khi cần đúng không? Nếu con muốn chụp hình thì con đã có cái máy Ba Mẹ cho hôm sinh nhật rồi. Còn email hay google, con có thể sử dụng laptop của con ở nhà mà.", tôi giải thích.

"Con nhìn kìa, mấy đứa học sinh đó, vừa đi bộ lại vừa texting. Con thấy có an toàn không?", tôi chỉ cho con.

"Nhưng mà ...", con tôi ấp úng.

"Con nghĩ xem đến trường mà đầu óc lúc nào cũng vướng bận những cuộc nói chuyện linh tinh, vô bổ thì làm sao học được. Nếu suốt ngày con bận rộn với texting, với Facebook, con đâu có thời gian để làm bài tập, làm sao con lúc nào cũng đạt được điểm A như vầy. Con thấy có đúng không?", tôi dẫn giải tiếp.

"Humm, nhưng mà ... mai mốt con lớn Ba cho con smartphone nghe Ba?", con tôi cười cầu tài.

"Ừ, mai mốt con lớn, khi con cần Ba sẽ mua cho con", tôi trấn an con bé.

"I love you Dad. You're the best.", con gái tôi hồn nhiên chia tay tôi.

Và con tôi hiểu rằng tôi thuộc về "phe" của nó.

Ngoài chuyện sách vở, trường lớp, tôi bắt đầu tập cho con quan tâm đến những khía cạnh khác của cuộc sống như các vấn đề thời sự, văn hóa, tín ngưỡng và cả chính trị. Thú thật, tôi vẫn luôn thích đọc sách báo Việt ngữ hơn Anh ngữ, dù đã định cư tại đất nước tuyệt vời này gần 18 năm. Ngoài việc đặt mua các tờ nhật trình như Việt báo để theo dõi tin tức về cộng đồng (quảng cáo không công một chút cho tòa soạn), tôi cũng tìm mua các tạp chí Time, People, National Graphic, Reader's Digest ... cho hai cha con. Thế là đề tài mà hai cha con luận bàn nay được mở rộng hơn rất nhiều. Thấy bài viết nào hay, tin tức quan trọng, tôi chỉ cần lật trang đó để lại trên bàn ăn như thể vô tình, chắc chắn hai cha con lại có những giây phút hàn huyên chia xẻ với nhau.

"Ba, Ba có đọc bản tin vụ nổ súng trong rạp hát bên Aurora, Colorado làm 12 người chết, trong đó có một em bé chưa? Sao người ta ác vậy Ba?", con tôi thảng thốt đọc.

"Ba, sao mấy người celebrities lại hay hút thuốc, uống rượu vậy Ba?", hay

"Ba, Ba sẽ bầu cho ai, tổng thống Obama hay ông Romney?", hoặc

"Ba, Ba nói Mẹ đừng mua đồ ăn của China nghe Ba. Họ ác lắm, làm sữa cho con nít mà toàn chất độc không!", hay

"Ba, Ba thích đi thăm nước nào? Ba có tính chừng nào mình đi du lịch nước Nhật không Ba? Ba coi hình chụp hoa anh đào bên Nhật nè, đẹp quá Ba.", con tôi chia xẻ.

Không biết tôi có lo quá không, nhưng khi con cái ở vào cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới, sống trong sự bảo bọc, chăm sóc tuyệt đối của cha mẹ nhưng lại đang muốn tìm hiểu cái thế giới rộng lớn ngoài kia, cái thế giới của biết bao điều mới mẻ đầy hy vọng nhưng cũng không thiếu cạm bẫy, là lúc tôi lo nghĩ nhiều. Tôi muốn là người cung cấp những thông tin "chính thống" cho con tôi, chứ không phải bạn bè nó hay những kẻ xa lạ nào đó.

Hôm con bé đem về tờ giấy để cha mẹ ký tên cho phép được tham gia buổi học của nhà trường về giới tính hay của nhà thờ về cách thức phòng ngừa hoặc đối phó với những hành vi quấy rối tình dục, tôi cảm thấy bất an. Tôi hiểu rằng dù muốn hay không, dù trở ngại hay thuận lợi, trong bổn phận là cha mẹ, tôi phải nói chuyện với con tôi về những vấn đề tế nhị này. Nhà trường và nhà thờ đã làm giúp tôi một phần rất lớn. Tôi nhận ra một thực tế, con tôi đã qua rồi cái tuổi có thể chấp nhận lời giải thích kiểu "con cò đem em Tin đến cho gia đình mình" khi nó hỏi về em nó hồi còn bé.

"Ba, sao có mấy đứa trong trường con đã có boyfriend, girlfriend?", con tôi chất vấn.

"Hả, con hỏi Ba cái gì?", tôi giật mình khi đang chú tâm đọc một bài báo.

"Sao nhỏ Melissa trong lớp con đã có boyfriend rồi?", con tôi hỏi lại với một chút giận dỗi như thể tôi không quan tâm đến cái chuyện "lớn" đó.

"Ba nghĩ điều đó là không nên trong lứa tuổi của tụi con. Tương lai của con phụ thuộc rất nhiều vào những năm con học trung học rồi còn lên đại học nữa. Con nhớ con ước mơ trở thành robotic engineer không?", tôi nhắc con bé.

"Đã có những học sinh phải bỏ học vì quen với bạn trai, bạn gái quá sớm, bỏ bê học hành và có cả trường hợp có em bé khi còn rất trẻ. Con thấy đó, ngay việc con xin Ba một con chó nhỏ để nuôi Ba thấy còn không ổn vì con quá bận rộn, ngoài việc học trong trường, còn học đàn, luyện võ, làm sao chăm sóc cho nó. Hãy hồn nhiên vui học để có một tương lai tươi sáng, rồi những chuyện tốt đẹp khác sẽ đến. Con hiểu ý Ba nói không?", tôi phân tích cho con.

"I know Dad. Boys are stupid anyway.", và con bé quên phén ngay cái vấn đề tưởng như "to lớn" đó.

Tôi cười thầm trong bụng và cầu mong cái ngày mà con gái tôi nói với tôi cái câu "He is smart, Dad. And he is also handsome by the way" hãy còn xa xa.

"Phải truyền được sự tự tin của người cha cho con gái của mình", Gary, ông chủ công ty của tôi, chia xẻ trong lúc hỏi thăm về sức khỏe và chuyện học hành của con tôi. Và để giúp con hình thành sự tự tin đó, tôi cần sự góp sức của rất nhiều người.

"Ba, mình biết võ, nếu ai ăn hiếp mình thì mình làm gì?", con tôi chất vấn.

"Thì mình ... chạy", tôi vừa trả lời, vừa cười.

"Mình biết võ mà Ba?", con tôi tỏ thái độ không đồng ý.

"Con nên biết, điều quan trọng là mình phải biết sử dụng sự khôn ngoan của mình để tránh những hoàn cảnh bất lợi trước đã. Học võ giúp mình tự tin, biết cách đối phó chỉ khi thật cần thiết. Khi mình tự tin, mình có nhiều cơ hội nhận được sự tôn trọng của người khác, và họ hiểu rằng họ không thể làm mình sợ", tôi giải thích.

"Học võ trước hết giúp con khỏe hơn, đúng không?", tôi dẫn giải tiếp.

"Yeah, hồi đó con chạy 1 mile không nổi, bây giờ it's so easy Dad", con tôi cắt ngang.

Và tôi cần đến sự trợ giúp của các anh chị hướng đạo.

"Tưởng cháu hỏi ý chú chuyện gì, chứ chuyện cho tụi nhỏ tham gia hướng đạo là chú khuyến khích cả hai tay. Hồi chú bị stroke, chú tự nhủ "hướng đạo cố gắng" và chú đã không đầu hàng. Chú tập luyện mỗi ngày, giờ chú đi đứng ngon lành, chú lái xe lại được rồi", chú T.T. An Sơn cười hiền lành.

"Anh biết không, hồi đi vượt biên, nhờ mấy cái skill học trong hướng đạo mà tui còn sống đó. Thiệt là cám ơn hướng đạo hết sức", một trưởng hướng đạo chia xẻ, hôm tôi đưa hai đứa nhỏ đến xin gia nhập phong trào.

"Anh biết không, hướng đạo là một cuộc chơi nhưng là cuộc chơi rất có ý nghĩa. Nó giúp các em trở nên tự tin hơn, kỷ luật hơn đồng thời trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ngay cả lúc sống còn.", anh nói tiếp.

Và tôi luôn nhận được sự quan tâm hết lòng của Ba Má tôi trong việc dạy dỗ các con.

"Để dạy con cái, Ba chỉ nói với tụi con 2 chữ "làm gương"", Ba tôi nhắn nhủ.

"Nhiều cha mẹ bắt con làm cái này, buộc con phải nghe cái kia nhưng bản thân thì không ra sao cả. Mình coi TV, coi phim cả đêm mà bắt con đi ngủ sớm thì nó nghe sao? Mình hút thuốc, uống rượu sao có thể khuyên con tránh xa những tật xấu đó?", Ba tôi cắt nghĩa.

Má tôi vốn là một nhà giáo mấy chục năm trời nên Má có rất nhiều kinh nghiệm. Bà để ý từng ly từng tí.

"Má thấy bé Trúc ngồi cái bàn đó không tốt, cái lưng không được thẳng", hay

"Con nhớ để ý nhắc Tin đọc kỹ đề bài trước khi làm. Nó thông minh nhưng còn hơi cẩu thả", Má tôi dặn dò.

"Ông Bà Nội ở hơi xa tụi con, nếu không, Ông Bà Nội lên trường với tụi con mấy ngày nhập học", Ba Má tôi vỗ về hai cháu.

Nói vậy, chứ năm nào cũng thế, trước hôm tụi nhỏ quay lại trường, Ông Bà ghé thăm, ngủ lại với mấy đứa cháu. Bà nội lại có dịp nhỏ to với cô cháu gái về chuyện học hành, trường lớp. Ba tôi lại lúi húi chiên cơm , "tụi nhỏ thích cơm chiên, Ba chiên cho tụi nó có mà ăn ngày mai đi học".

"Ba Má lì xì tụi nhỏ chút tiền, tụi con coi mua thêm cái áo, hay tập vở gì đó.", Ba Má tôi nhắn nhủ.

"Thôi Ba Má, tụi con lo được cho tụi nhỏ", tôi phân trần.

"Bậy nè, cái nào ra cái đó chớ. Nhận cho Ba Má vui", Má tôi cười.

Khi bạn lữ hành trên một con đường dài, với biết bao khó khăn phía trước và bạn luôn biết rằng trên con đường bạn đi sẽ luôn có những bóng mát, những nguồn nước trong, bạn sẽ thấy mình may mắn biết dường nào. Và hình ảnh Ba Má tôi là bóng mát đó, những lời động viên, khuyến khích của Ông Bà là nguồn nước trong cho tôi. Tôi thiển nghĩ, là phận con cái, nếu không thể làm vui lòng Cha Mẹ, thì chí ít nên tránh cho Cha Mẹ những nỗi buồn, những ưu tư khi Cha Mẹ đã cao tuổi.

Và điều quan trọng nhất, tôi tập cho con có một đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa.

"Con có biết tại sao có những học sinh tuổi teen lại tự tử không?", tôi hỏi con bé.

"Chắc bị bully ở trong trường hả Ba?", con tôi hỏi lại.

"Ba biết, tình trạng hiếp đáp bạn bè trong trường là một vấn nạn. Nhưng ngoài chuyện đó, có thể còn do nhiều nguyên nhân khác, ví dụ học tập sa sút, trong gia đình xảy ra những chuyện không hay như cha mẹ ly dị, nghiện ngập, bê tha, vân vân, và con cái trở thành nạn nhân", tôi nói tiếp.

"Nhưng điều quan trọng là những đứa trẻ đó không có ai để chia xẻ, để dựa vào chí ít về mặt tinh thần. Nếu mình không may mắn có những người thân yêu quan tâm, những bạn bè tốt giúp đỡ, nhưng khi con có một đức tin mạnh mẽ, con sẽ biết, luôn luôn có một Đấng ở trên cao để con có thể đặt niềm tin vào. Đức tin và sự phó thác sẽ giúp con vượt qua những hoàn cảnh tưởng như bế tắc, tuyệt vọng, và không bao giờ cho phép mình đầu hàng hay làm những điều không nên làm", tôi khuyên con.

Và tôi kết thúc bài viết này với một câu hỏi khác của con tôi trong một lần hai cha con trên đường đến trường. "Ba có ước mơ gì mà Ba chưa làm được hả Ba? I will live your dream, Dad!". Tôi đã suýt không kềm được cảm xúc của mình khi nghe con hỏi. Với tôi chỉ một câu nói này là đủ, bao nhiêu đêm thức khi con đau ốm, những mệt mỏi vì lo lắng cho con, đã được "trả" xong.

"Không, Ba muốn con sống cho ước mơ của con, chứ không phải của Ba. Ba sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của Ba để giúp con đạt được giấc mơ đó", tôi run giọng trả lời con bé.

"Cô bé ngày nào vẫn nhảy đùng đùng trên giường của tôi nay đã là một thiếu nữ trung học", tôi nhủ thầm khi nhìn con sải chân cùng chúng bạn vào lớp. Rồi đây con sẽ bay xa, bay cao hơn với những ước mơ mà hai cha con vẫn chia xẻ với nhau nhưng Ba sẽ giữ mãi những hình ảnh của ngày hôm nay trong hành trang cuộc đời Ba. Xin cám ơn Thượng Đế đã cho tôi được có những đêm trằn trọc vì lo lắng cho con, cùng con vượt qua những bài toán hóc búa, những bài luận văn đòi hỏi nhiều công khó tra cứu.

Và tôi tự mỉm cười với mình, lạc quan cho một ngày làm việc mới.

Nguyễn Khánh Vũ

Ý kiến bạn đọc
03/06/201514:17:43
Khách
Chào Khánh Vũ.Ngọc Hạnh đây,đọc được bài viết của Vũ thật cảm động,con gái trông có vẻ giống mẹ nhiều.Tụi mình mất liên lạc khá lâu phải không.Hạnh rất vui khi nhìn thấy hình hai bác và các thành viên trong gia đình ai cũng đẹp,nhưng sao Hạnh không thấy chị Khánh Uyển đâu cả.Vài dòng thăm Vũ cùng đại gia đình bên đó.Ngọc Hạnh chúc mọi người thật nhiều sức khỏe,hạnh phúc và an lành.
18/03/201515:48:35
Khách
Huỳnh Mai hả, Khánh Vũ 10 AB13 đây! Mai khoẻ không, mất liên lạc với Mai lâu quá rồi, sao Mai biết đây là Vũ?
10/03/201511:07:35
Khách
Xin lỗi có phai Khánh Vũ học 10 AP 13 , TTH Nguyễn Trãi ?
18/10/201213:03:24
Khách
Hồi nào tới giờ tui ít thấy người cha nào thể hiện tình cảm, lo lắng cho con gái nhiều như tác giả, có lẽ người Việt mình vẫn còn mang tư tưởng trọng nam, khinh nữ hay sao đó. Ba tôi thường chỉ giành phần lớn thời gian cho mấy anh em trai tui, còn mấy đứa em gái thì một mình Mẹ tôi lo. Tui nghĩ con nào miễn ngoan, vâng lời là thương, chứ con trai, con gái mà làm gì. Cám ơn tác giả về bài chia xẻ đầy tình thương cha con.
22/09/201222:16:09
Khách
Bài viết thật xuất sắc! Tác giả không những chỉ là 1 nhà khoa học mà còn là 1 nhà giáo dục bậc thầy! Rất ngưỡng mộ và mong nhiều cha mẹ sẽ đọc và thực hiện theo lời chia sẻ của tác giả.
22/09/201223:52:05
Khách
Nếu chỉ nói :"Lòng mẹ bao la như biển Thái binh..."không thì chưa đủ;ông Nguyễn Khánh Vũ cũng cho chúng ta thấy cái bát ngát,bạt ngàn của một tấm lòng người cha!Tôi có nghe nhiệu "bậc"cha mẹ,những khi nổi giận với con cái hay lầm bầm:Nếu hồi xưa đẻ ra hột gà,hột vịt...luộc ăn còn biết ngon biết béo,đẻ ra mấy đứa tụi bây sao mệt quá trời!!!

Thương con,lo lắng cho con...là thiên chức của các bậc làm cha mẹ nhưng lo cho con như thế nào để gần gũi con mà vẫn giữ được niềm tin:con nghe ta và sẵn sàng trang trải những ưu tư thắc mắc,mơ ước của chúng với ta là chuyện không đơn giản!

Ai đã và đang làm cha mẹ có con cái tuổi "nhức đầu thường trực" hẳn rất hân hoan chia xẻ cảm xúc với tác giả.Cám ơn Ông với những tâm tình trong bài.

Tôi tin rằng với tấm lòng tận tuỵ chăm lo sít sao của cha mẹ và ông bà,các cháu bé của Ông hẳn sẽ thành nhân chi mỹ.

Hoan hỷ chia sẻ kinh nghiệm làm cha của Ông.

Trân trọng.
28/09/201219:31:21
Khách
Cảm ơn những chia sẻ quí báu của tác giả...!!!
25/09/201219:29:22
Khách
Hết sức ngưỡng mộ tác giả vì tấm lòng của một người cha. Tôi chỉ mới có một cháu, mới 3 tuổi, chưa ở vào tình trạng "nhức đầu thường trực" như độc giả Kim Quan đề cập, nhưng chắc phải "uống thuốc ngừa" từ từ là vừa. Sẽ cố gắng bắt chước tác giả được chừng nào hay chừng nấy.
22/09/201216:48:55
Khách
Bài viết thật đẹp về tình cha con. Xin cám ơn tác giả đã chia xẻ.
22/09/201204:22:32
Khách
Bài viết hay và cảm động lắm!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến