Hôm nay,  

Đêm Mưa Bong Bóng

15/09/201200:00:00(Xem: 267632)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2012. Nguyễn Văn cho biết ông sinh năm 1965, quê ở Phú Yên; Vượt biên năm 1988, hiện sống cùng gia đình tại Chicago. Cho tới nay, ông đã góp 4 bài: “Chuyện Của Bill”; “Tôi Không Là Ai Cả”; “Ngày Tháng Buồn Hiu”; “Mùa Thu Nashville.” Cả ba bài đều cho thấy cách viết tinh tế và sống động. Sau đây là bài viết thứ năm.

Nam ngồi thẩn thờ nơi sofa. Mẹ anh vừa gọi điện thoại sang từ Việt Nam bảo rằng bà không được khỏe, mong anh thu xếp công việc để về. Bây giờ thì anh không còn lý do nào để thoái thoát được nữa. Anh đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng, anh quyết định lấy hết ba tuần phép còn lại của năm và gọi tới văn phòng du lịch để tìm chiếc vé sớm nhất có thể. Anh cũng chuẩn bị tiền, mua ít quà, xếp mấy bộ quần áo vào chiếc túi xách và chờ ngày lên đường.

Đã hai mươi mấy năm, kể từ ngày ra đi đến giờ Nam chưa một lần về thăm lại quê cũ.

Suốt những đêm sau đó Nam như kẻ sống trong ảo giác. Ký ức về những tháng ngày xa xưa tưởng đã ngủ yên trong bóng tối của quá khứ bỗng chồm mình ngồi dậy. Bao nhiêu hình ảnh cứ không ngừng xô đẩy, chen lấn nhau nhảy múa trong đầu. Những khuôn mặt người một thời cứ lướt qua, hư ảo trong những vũ điệu của cơn cuồng hoang bất tận.

Đã đôi lần, Nam chợt thức giấc vào lúc nửa đêm, và cứ thế ngồi bần thần cho đến sáng. Ngồi chán, anh lại dán mắt vào tấm ảnh ba và mẹ chụp chung với nhau thời trẻ. Anh đã nhìn tấm ảnh ấy không biết bao nhiêu lần. Đó cũng là tấm hình duy nhất về hai đấng sinh thành mà anh có được. Một tấm ảnh đen trắng bạc thếch, đây đó vẫn còn in dấu những vết phân ruồi. Vậy mà lần nào nhìn lại anh cũng thấy lòng mình rộn lên một cảm giác mãnh liệt đến độ khiến người như run lên. Và anh thấy lại hình ảnh của chính mình thời thơ ấu. Một đứa bé gầy nhom với khuôn mặt trắng nhợt, và cái nhìn như căm gắm bao nỗi u buồn từ tiền kiếp.…

“…Ê, thằng không cha! Tụi tao không muốn chơi với mày!...Sao không về lại thành phố của mày đi! Thằng mặt trắng!...”

Lũ trẻ bỏ đi. Cũng như bao lần, Nam đứng lại một mình, mân mê những viên bi vừa thắng được trong lòng bàn tay cáu bẩn, nhìn đám bạn cùng xóm bằng cái nhìn của kẻ đang bị bỏ rơi. Buổi trưa ở một vùng quê lam lũ, khung cảnh cũng nhuốn màu xám xịt, héo hắt. Những mái nhà tranh đứng xiêu quẹo, ủ rũ trong nắng. Gió Lào thổi thốc qua những thửa ruộng xác xơ gốc rạ. Những con bò gầy nhom đứng gặm đám cỏ cháy xém bên vệ đường. Nam bước lần theo lối sỏi quen đầy đá dăm bằng đôi chân trần, hướng về phía căn nhà lá nằm ở cuối xóm. Mẹ Nam ngồi trên thềm nhà, đang vá lại chiếc áo rách chằng rách đụp dưới cái nắng hè nhễ nhại. Khuôn mặt bà ửng đỏ và ướt đẫm mồ hôi.

“Con đói chưa?”

“…!”

“Có khoai lang luộc má để dành cho con trên bàn. Vào lấy mà ăn!”

Nam nín thinh, không đáp.

“Ủa, cái thằng này! Hôm nay sao vậy cà?...”

“Má!… Ba con đâu?” Nam làu bàu.

Mặt mẹ Nam tái nhợt. Buông chiếc áo đang khâu dở, bà đưa đôi mắt đỏ hoe nhìn đứa con trai của mình, vẻ đau đớn. Nam chưa từng thấy nét đau khổ như thế trong ánh mắt mẹ mình trước đây.

“Má đã nói rồi… Con không có ba!...”

“Ai cũng có ba! Tại sao con không có chớ!...”

Nam đứng sững nhìn những hàng nước mắt tuôn ra đầm đìa trên khuôn mặt của mẹ. Và như một thứ bản năng bẩm sinh của loài thú, Nam lao vào lòng bà. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc òa.

“Bao giờ con lớn, má sẽ kể cho nghe!...”

Bà thì thầm vào tai đứa con trai bằng những câu kinh huyền hoặc. Từ đó Nam không nhắc về ba với mẹ lần nào nữa…

“Máy bay đang vào không phận của Việt Nam!” Có tiếng của một hành khách nào đó thốt lên.

Nam cựa mình mơ màng trên ghế. Dòng ký ức bị cắt đứt. Bên ngoài ô cửa kính là cả một khoảng không gian tối nhờ, sâu thẳm. Máy bay đang hạ thấp độ cao. Áp suất trong khoang thay đổi hẳn, anh thấy người trở nên nôn nao, khó chịu một lúc. Mặt đất hắt lên những chùm sáng le lói, tít tắp ở phía dưới.

“Trông giống thành phố Đà Nẵng quá!...”

“Hình như là Nha Trang!...”

“Không phải đâu, Hồng Kông đấy!...”

Đám hành khách như nhốn nháo cả lên. Ai cũng nhất định là mình nói đúng. Những cặp mắt đau đáu nhìn qua các ô cửa kính.

Nam ngồi âm thầm trên chiếc ghế trong góc và lắng nghe. Từng chuỗi âm thanh như được khuếch tán lên, vang vọng. Chúng len lỏi, thẩm thấu qua từng lớp tế bào, rồi ngân vang mãi trong tận cùng ngóc ngách của da thịt. Người Nam như co rúm lại. Ôi những địa danh thân thương của quê hương! Nam chưa từng đến Hà Nội. Anh cũng không biết Sài Gòn. Vậy mà anh đã đi tới tận tây bán cầu, và sống ở đó hơn hai mươi năm nay.

Máy bay bỗng rung lên bần bật như chiếc xe lăn trên lớp nhựa đường lỗ chỗ. Có tiếng của cô tiếp viên vang lên trên loa, cho biết là máy bay đang vào vùng thời tiết xấu, và yêu cầu hành khách phải thắt dây an toàn.

Nam đặt chân xuống Sài Gòn vào lúc nửa đêm. Cái nóng hừng hực như hắt vào mặt. Thành phố sáng rỡ trong muôn vàn ánh đèn cao áp. Người anh bỗng dậy lên một thứ cảm xúc bồi hồi đến khó tả. Tim cứ đập xôn xao trong lòng ngực.

Rời khỏi phi trường, Nam đón taxi tìm nhà trọ nghỉ qua đêm. Anh dự tính sáng sớm hôm sau đi tàu hỏa về quê. Anh thức đến gần sáng để ngồi ngắm nhìn thành phố từ trên ban công của khu nhà nghỉ.

Báo chí cứ ra rả rằng Sài Gòn là thành phố năng động nhất Việt Nam. Và Sài Gòn cái gì cũng có. Trước mắt Nam, thành phố về đêm của hơn bảy triệu dân trông rạo rực như một cô gái đang xuân sẵn lòng buông thả vì những nhu cầu xa hoa của mình. Những tòa nhà mới mọc lên xen kẻ những ngôi biệt thự cổ do người Pháp xây dựng hàng thế kỷ trước. Đủ thứ kiểu dáng. Muôn vàn kích thước. Một kiểu chắp vá khá hỗn độn về quy hoạch kiến trúc, khiến những ai từng ghé qua đây một lần đều có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh được phối màu bởi tay họa sĩ tồi. Đủ mọi trường phái. Đủ thứ ý tưởng lẫn khuynh hướng. Tất cả cùng chen chân trong một không gian hẹp, hệt như cô gái đua đòi sắp bị bội thực về thời trang khi phải mang quá nhiều các phụ kiện trang sức. Phải mất một thời gian nữa người ta mới nhận ra sự hào nhoáng vô nghĩa và thừa thải từ những thứ mà mình đang khoác lên người….

Năm 1975, khi bánh xích xe tăng của những người miền bắc nghiến xuống đường phố Sài Gòn, nơi Nam đang đứng bây giờ, đó cũng chính là thời khắc lịch sử bắt đầu lập lại một tấn tuồng đã cũ. Hình ảnh bạo liệt của vua Gia Long hơn hai trăm năm trước khi cưỡi voi bắc tiến bỗng hiện về. Có điều, đoàn quân chiến thắng bây giờ đang tiến theo hướng ngược lại...

Mẹ đưa Nam rời bỏ thành phố về quê ngoại sống, từ ấy. Hồi đó mẹ còn trẻ, đâu chừng hăm tám tuổi. Cuộc đời con người cũng giống như những con đường, có quá nhiều lối rẽ ở phía trước. Và nhất là khi người ta trẻ…

Nam mua vé tàu ở toa giường nằm và ngủ dật dờ trên suốt chặng hành trình về quê. Cũng may là anh đã kịp thức để xuống đúng nơi mà mình muốn tới.

Anh mang túi hành lý đứng nhìn con đường làng trước mặt. Con đường cứ mỗi khi cơn mưa đến lại bê bết bùn đất khi xưa đã thành đường bê tông. Cảnh trí xung quanh giờ cũng khác hẳn. Những ngôi nhà gạch mọc lên nhan nhản hai bên đường. Trên các thềm nhà, những bà già ngồi chăm lũ cháu, đưa mắt nhìn khách qua đường, dáng điệu cũng chẳng khác gì những kẻ đã nằm yên dưới mộ sâu. Nơi đầu làng, hồi ấy là ruộng lúa giờ bỗng trở thành khu chợ với vô số những hàng quán. Tiếng nhạc từ các tiệm café, bia ôm vang lên lạc lõng trong buổi chiều quê yên ắng. Ngọn núi Chùa với um tùm cây dại nằm gần con đường sắt giờ bỗng trơ cả đá, xám ngắt. Ngày trước, đây là nơi Nam cùng lũ bạn cứ mỗi trưa nắng lại bày trò đánh trận giả.…

“Pằng! Pằng!... Trúng chưa?... Chưa trúng!... Pằng! Pằng!... Mày chết chưa?.... Tao chưa chết!... Pằng! Pằng!...” 

Nam bước lần về cuối xóm. Ngôi nhà tranh vách lá khi xưa đã không còn nữa trên nền đất cũ. Từ chỗ ấy, tự khi nào lại mọc lên ngôi nhà đúc bằng xi măng cao hai tầng, bề thế. Anh đứng ngơ ngác ở đầu ngõ. Mồ hôi tuôn ra thấm đẫm chiếc áo đang mặc. Tiếng chó sủa chát chúa phía bên kia hàng rào dâm bụt.

“Xin hỏi, đây có phải là nhà của bà Hương không!” Nam hướng mặt về phía người đàn bà còn trẻ đang quét rác trước sân nhà.

“Anh là ai?”

“Tui…”

“Hả?...Trời ơi, anh Nam!... Má ơi, anh Nam dzìa!”

Cả nhà túa ra. Ngày bỏ nhà ra đi, hai đứa em cùng mẹ khác cha với Nam còn bé lắm. Bây giờ thật tình anh cũng không còn nhớ mặt mũi chúng ra sao nữa. Tiếng chào hỏi, cười nói râm ran cả một góc sân. Không gian như loãng ra, xao xác. Nam đảo mắt tìm kiếm một hình bóng đã mang theo hai mươi mấy năm trong lòng. Mẹ anh đang đứng ở bậc thềm. Thân hình run rẩy. Đôi vai bà rũ xuống như đang gánh sức nặng của cả bầu trời. Anh lao người về phía bà chỉ với một cái sải chân.

“Má!...”

“Ối, con ơi!...”

Nam ôm cái thân hình xương xẩu của bà vào lòng. Cả hai mẹ con cứ đứng yên như thế hồi lâu. Không ai nói gì, để mặc cho những dòng nước mắt nóng ấm tuôn ra dàn dụa trên mặt. Xung quanh có nhiều tiếng khóc thút thít nổi lên.

Không biết bao lần trong giấc mơ của mình, Nam ao ước một ngày về khóc lại trong lòng mẹ bằng những giọt nước mắt hờn giận của ngày xưa. Nhưng mẹ giờ đây không phải là hình ảnh đã hằn sâu trong ký ức của anh. Anh đang ôm trong lòng một hình hài già nua và khô héo. Một người đàn bà với mái tóc bạc trắng. Mắt mờ đục. Và khuôn mặt đầy những nếp nhăn rúm ró vì năm tháng, cũng có thể vì tủi cực của kiếp người. Ôi, thời gian mới tàn nhẫn làm sao!...

“Má đau ở chổ nào?” Anh quệt nước mắt.

“Má nhớ con nên nói dzậy, chớ đau ốm gì đâu!...” Nói xong, bà cười mếu máo.

Trong niềm vui vỡ òa của cả nhà trong buổi chiều tắt nắng, có một ông già vẫn ngồi yên trên ghế đẩu bên chiếc bàn trà giữa hàng hiên, lặng lẽ hút thuốc. Ông chính là người chồng sau của mẹ anh. Cái người mà anh đã từng ghét cay ghét đắng suốt cả quãng đời niên thiếu của mình.

Ngày xưa ba mẹ Nam quen nhau chưa kịp cưới hỏi gì thì ông đi lính và chết trận. Ông bỏ lại cho mẹ anh một giọt máu vừa mới được thành hình trong bụng. Không chịu nổi sự rẻ rúng của gia đình và điều tiếng từ lối xóm, mẹ anh một mình bụng mang dạ chửa lên thành phố bươn chải kiếm sống. Mẹ sinh ra anh trong ánh đèn tù mù của khu nhà trọ mà không cần tới bà đỡ. Tự tay bà cắt dây rốn rồi rửa ráy cho anh trong chiếc thau nhôm sứt mẻ giữa một đêm mưa gió. Anh cũng đã từng có một tuổi thơ bình yên trong sự yêu thương và chăm sóc của mẹ. Mãi đến khi mười hai tuổi, anh về ở hẳn với ngoại khi mẹ đi bước nữa với người đàn ông này.

“Chào dượng!...” Giọng Nam nhẹ nhàng đến nỗi chính anh cũng không còn nhận ra đó là tiếng của mình.

“Không dám! Chào anh,” giọng bắc của ông vẫn còn rõ ràng và cứng nhắc như ngày xưa. “Mời anh vào đây ngồi uống với tôi tách trà!...”

Ông nói với vẻ mặt cau có. Nam bước lên bậc thềm, rồi ngồi xuống chiếc ghế bên kia bàn đối diện với ông. Mẹ đi theo và ngồi xuống bên cạnh. Bà cứ nắm chặt lấy tay anh không chịu rời. Chốc chốc bà đưa tay lên chùi nước mắt.

“Bà để anh ấy xơi chén trà! Không khéo lại đổ cả lên người!...” Dượng nói với mẹ giọng không buồn, cũng chẳng vui.

Người chồng sau của mẹ, nghe đâu quê ở tận vùng chiêm trũng Ninh Bình ngoài bắc. Ông tên Chiến, da bủng rệu, đen đúa. Mỗi khi cười, răng lại chìa ra lô nhô như chiếc bừa cào. Ông xuất thân là bộ đội, chuyển sang làm cán bộ phòng giáo dục huyện vì nghe nói đã từng học sư phạm một năm ở đại học trước khi vào lính. Ông ở lại hẳn miền nam sau năm 1975. Về ở với mẹ anh, bà sinh cho ông hai đứa con, một trai một gái. Hai đứa cách nhau bốn tuổi. Đứa con gái lớn ông đặt tên Thi, đứa con trai nhỏ tên Đua. Cả hai đều tốt nghiệp đại học. Con Thi là cô giáo trung học. Còn thằng Đua làm ở ngân hàng huyện. Hai đứa đều lập gia đình và cũng đã sinh cháu bé. Cả ba thế hệ cùng ở chung trong ngôi nhà hai tầng này.

Mẹ ngồi hỏi anh đủ thứ chuyện về cuộc sống bên Mỹ, về công ăn việc làm, rồi chuyện vợ con, nhà cửa. Bà trách anh không chịu đưa vợ con về thăm. Anh nói vì đi gấp quá nên không thu xếp được.

Trời chiều bỗng đổ mưa. Những cơn mưa giông bất chợt của mùa hè. Từng hạt rơi lộp độp trên mái ngói. Tiếng rơi nặng dần, rào rạt. Nước từ trên mái, chảy theo máng xối, tuôn ùng ục vào ống thoát, trút xuống sân. Loáng mắt, khoảng sân xi măng trước thềm nhà nước ngập lênh láng. Từng bong bóng nước nổi lên dập dềnh, rồi vỡ ra tan tác theo từng giọt mưa ném xuống. Dòng nước chui theo đường rút ngầm chảy óc ách ra lòng đường.

Nhà dọn bữa tối nơi hàng hiên. Nam ăn được khá nhiều cơm với bông bí luộc chấm nước mắm nhĩ, dầm thêm vài trái ớt sim. Đây là món ăn anh rất thích hồi bé.

Dượng hỏi:

“Việt kiều ăn thế à?”

Nam ậm ừ không đáp. Cơm nước xong, mẹ sợ anh mệt, giục đi ngủ sớm. Cơn mưa vẫn còn dai dẳng. Đêm đầu tiên trong căn nhà của mẹ, Nam không tài nào chợp mắt được.

Anh nằm trên chiếc đivăng ở tầng một, trằn trọc mãi. Nam còn nhớ hai mươi năm trước, anh bỏ nhà để bước lên một chiếc tàu cá ra đi cũng vào một đêm mưa như thế này. Tiếng muỗi bay vo ve ngoài chiếc mùng. Không khí lùa qua cửa sổ ẩm ướt. Trong làn gió đêm mang theo hơi nước, còn xen lẫn mùi phân bò, phân heo hăng hắc, có cả mùi hoa sữa nhà ai thoảng lên nồng nặc. Nam nhớ là mình đã chợp mắt được một lúc. Anh chợt thức giấc khi cảm giác như có bàn tay ai đó sờ lướt qua khuôn mặt của mình. Một bàn tay chai sạn, xương xẩu. Dù không mở mắt , anh vẫn biết được đó là tay của mẹ. Vẫn kiểu vuốt ve ấy như hồi anh còn bé. Bà đắp lên người anh chiếc mền vải, rồi rón rén ngồi xuống một bên. Nam nhắm mắt nằm im, cố giữ hơi thở đều đều để mẹ tưởng rằng anh đã ngủ. Người anh mềm nhũn, mồ hôi tuôn ra ướt nhòe nơi lưng áo. Anh biết mẹ đang ngồi ngắm anh và khóc. Bà cố kềm tiếng nấc trong cổ họng vì sợ làm anh thức giấc. Và khi không còn kềm chế cơn thổn thức được nữa, bà vội đứng lên. Nam mở mắt nhìn theo. Bóng mẹ anh lướt đi âm thầm trong bóng đêm về phía phòng của bà…

Sáng hôm sau Nam nhờ đứa em gái ra chợ mua ít trái cây, bánh ngọt, nhang đèn lên cúng mộ ngoại anh trên rẫy. Ngoại mất hồi anh đang học năm cuối ở bậc trung học. Thời gian rảnh còn lại trong ngày, không biết làm gì anh lấy xe đạp đi thăm bạn bè và bà con lối xóm. Bạn bè ngày xưa giờ cũng tản mác cả. Người lên thành phố làm ăn, kẻ lấy vợ xa, người lại đổ bệnh vừa mất…

Tối đến, nhà làm tiệc mừng Nam về. Hàng xóm đến thăm đông lắm. Ai cũng nhắc lại chuyện xưa. Nam sai đứa em đi mua bia về đãi cả nhà. Dượng nói:

“ Uống chi ba cái thứ nước nhạt thếch ấy!” Ông không uống thật. Ông chỉ uống thứ nước đục lợn cợn như màu sữa, chắt ra từ chiếc thố đựng cơm rượu. Ông còn nói:

“Thời buổi bây giờ ăn uống thứ gì cũng nghe nói có chất độc. Dùng thứ cây nhà lá vườn này cho chắc ăn!...”

Và ông ngồi nhấm nháp thứ rượu ấy một mình. Chốc chốc ông lại nhìn Nam, ánh mắt lạnh căm. 

“Con đừng buồn dượng,” mẹ ngồi bên anh rủ rỉ. “Dù sao ổng cũng đã cận kề hôm sớm với mẹ suốt bao năm nay…” Bà đưa mấy ngón tay thấm nước mắt.

Khoảng cách giữa Nam và người dượng ghẻ như hai ngôi sao cô đơn giữa bầu trời, khó có thể xích lại gần nhau. Anh không còn hận ông như trước đây. Dù trong thâm tâm, anh không bao giờ quên được những trận đòn roi ông dành cho anh ngày bé.

“Cơ ngơi này có được, ngoài tiền con gửi về cho, còn có tiền lương hưu dành dụm của ổng, cả tiền của hai đứa em con nữa góp lại mới xây nổi.” Mẹ nói như phân bày.

“Chính sách của đảng bây giờ là hòa giải cho tất cả các thành phần bỏ nước ra đi trước đây, lại còn tạo cơ hội cho về thăm nhà và đầu tư làm ăn. Thế anh có dự định gì không?” Dượng nói, hệt như đọc lại một văn bản đã nghe đâu đó.

Thằng Đua tiếp theo:

“Anh về góp vốn làm ăn với em đi. Em đang tính bỏ việc nhà nước để ra ngoài kinh doanh. Bây giờ nước mình mở cửa, có nhiều chính sách ưu đãi, nhân công lại rẻ, thật là cơ hội để hốt bạc…”

“Để xem sao đã!...” Nam chép miệng.

“Anh nên quyết định sớm. Bây giờ là lúc em cần kinh nghiệm của anh, chứ đợi đến mai mốt khi rành rẽ rồi thì cần làm gì…”

“Nhà nước ta rất khoan hồng. Anh phải hiểu như thế!...” Dượng thêm vào.

Mẹ kêu mệt, xin phép đi nằm. Bà con lối xóm lục tục ra về. Họ không thích nghe chuyện chính trị. Thằng Đua cũng bị vợ lôi đi ngủ sớm để sáng mai còn phải đi làm. Cuối cùng chỉ còn Nam và người dượng ghẻ của mình ngồi lại.

“Nào khúc ruột xa ngàn dặm! Anh có dám ngồi uống với tôi đêm nay không?”

“Thì uống, sợ gì!...” Nam trả lời bực bội.

Ông Chiến nhếch môi cười mỉm. Không ai nói thêm với nhau câu nào. Họ cứ cụng ly và so đo với nhau từng phân rượu nhỏ. Cả hai không ai nói ra nhưng họ quyết ăn thua đủ với nhau bằng rượu. Họ uống cho tới lúc không ai còn có thể đứng lên được bằng đôi chân của mình nữa, và cứ thế lăn đại ra sàn mà ngủ.

Sáng hôm sau, cả Nam và ông Chiến đều không ai dậy nổi. Con Thi làm nước chanh đường cho uống để giả rượu, nhưng uống vào họ lại càng nôn thốc nôn tháo ra thêm. Họ mửa như cào hết mọi thứ trong ruột ra ngoài, mửa đến mật xanh mật vàng. Người cứ sốt hâm hấp. Tay chân bủn rủn không còn chút sức lực. Bà Hương nước mắt giọt ngắn giọt dài, hối thằng Đua tìm xe chở cả hai vào bệnh viện cấp cứu. Cả hai nằm liền ba ngày ở bệnh viện mới thấy người khỏe lại. Bác sĩ làm đủ các khâu xét nghiệm vẫn không tìm ra được nguyên do bệnh. Người thì nói chắc trúng gió. Kẻ lại bảo ngộ độc rượu…

Riêng tôi, người viết bài này lại không tin thế. Tôi biết cả hai đều mang trong người một chứng bệnh kinh niên giống nhau, một thứ bệnh mà không một bác sĩ nào trong cái thời đại thổ tả của chúng ta có thể chữa khỏi.

Nam đổi vé về sớm lại Mỹ một tuần sau đó…

Nguyễn Văn

Ý kiến bạn đọc
17/09/201217:50:39
Khách
Truyện hay! Đằng sau bối cảnh cá nhân, tác giả đã lồng vào đó bức tranh xã hội và những diễn tiến của lịch sử.
Cảm ơn tác giả Nguyễn Văn.
20/09/201204:06:42
Khách
Câu chuyện không kết thúc, nhưng để dzậy mà hay!...Nhân vật Nam chỉ hơn một tuần đã giã từ lặng lẽ trở lại Mỹ trước hạn hết phép. Còn cái gì để níu chân Nam nữa đây? Cái cần thấy Nam đã thấy, cái không muốn thấy thì lại án trước mặt. Mấy đứa em bòn tiền, ông bố dượng cay cú -mỉa mai, xóm làng thay đổi , bạn bè tan tác...Hai người đàn ông như hai đầu xe lửa chở đầy cay đắng chạy ngược chiều trên hai đường ray, gặp một lần rồi xa...Bong bóng như niềm mơ ước không thực, có đó nhưng lại vỡ oà- trôi đi trong đêm mưa...
Bạn viết "tới" lắm. Like it!
18/09/201215:34:30
Khách
Cảm ơn Nhất chi Mai, TT,
lời chia xẻ của hai vị đã khích lệ Văn rất nhiều.
16/09/201201:05:16
Khách
Gợi cảnh và diển tả tình cảm trong một văn phong nhẹ nhàng mà sâu lắng
20/09/201219:15:25
Khách
Gửi bạn Rakhoi,
Có được một độc giả tri âm như bạn,
kẻ làm công việc viết lách tẻ nhạt này cảm thấy an ủi rất nhiều.
Xin chân thành ghi nhận tình cảm bạn đã dành cho truyện ngắn này! Văn.
28/09/201215:28:01
Khách
Kính gửi hai bác Thời, melody
Cảm ơn hai vị đã chia xẻ. Kính.
Văn.
27/09/201219:38:12
Khách
Thành thật ngợi khen anh Nguyễn Văn! Rất thích đọc những bài viết của anh.
23/09/201203:31:54
Khách
Tôi rất thích tác giả này. Đây là một cây bút cá tính nhất của việt Báo trong những năm gần đây.
Mỗi truyện ngắn của anh đều mang một thông điệp về những vấn đề của xã hội và thời sự.
Tôi gặp được anh ở lễ trao giải Việt Báo năm nay 2012. Anh có đôi mắt rất hiền, ít nói, cử chỉ lúc nào cũng như bối rôí, cứ lóng nga lóng ngóng. Không ngờ bên trong con người có vẻ như thư sinh này là một bộ óc rất thông minh, và cực kỳ bén nhạy. Tôi đoán anh sẽ còn có những bước tiến dài sau này. Bỡi anh là con người không thích sự thoả thiệp, dù là thoả thiệp với bản thân mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,659
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY đăng 2 kỳ.Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2011. Tên chàng là Nguyễn Thy, ông xã của tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011. Hai mươi năm, bộ sách lịch sử ngàn người viết đưa tới nhiều thân tình giữa các tác giả. Bút hiệu 'Tê Hát I Cờ Rét' được chọn theo cách Cụ bà Trùng Quang gọi tên chàng theo lối đánh vần kiểu Bắc kỳ cũ. Bài viết mới nhất của THY được ghi “Hè 2019, kỷ niệm 30 năm tìm được “cái xương sườn cụt của tôi”. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ sáu của bà kể về mùa lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, Bà tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Bài viết thứ 7 của bà được viết trong ngày lễ Phật Đản.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Lần đầu góp bài dự Viết Về Nước Mỹ, ông đã liên tiếp nhận các Giải Biệt VVNM 2017; giải Danh Dự VVNM 2018. Sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada từ năm 1981. Mong bà tiếp tục viết.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bai mới đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết. (Ấn bản chủ nhật có sự sai sót. Xin đăng lại phần đúng và trân trọng cáo lỗi.)
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19. Tác giả tên thật Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, khoá 19 Võ Bị, 50 năm lính với Chiến Thương Bội Tinh. Mậu Thân 1968, ông là một Đại Đội Trưởng Thuỷ Quân Lục Chiến tại trận địa Phú Lâm, Chợ Lớn. Tháng Tư 1975, ở với đồng đội ven đô cho tới giờ phút cuối, sau đó là 10 năm tù công sản. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO1, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải á khôi năm 2014. Tác phẩm đang trình làng: Nửa Đường. Kính mời tham dự buổi ra mắt trưa Chủ Nhật 2-6-19.