Hôm nay,  

Sự Sụp Đổ Của Một “Kim Tự Tháp”

05/09/201200:00:00(Xem: 200433)
viet-ve-nuoc-my_190x135Công ty đầu tư ZeekRewards, sau 2 năm phát triển, vừa chính thức phá sản. Trong số hơn một triệu nạn nhân của công ty này, gồm nhiều người Á Đông, trong đó có nhiều đồng hương Việt Nam. Sau đây, mời đọc bài viết của Anthony Hưng Cao, một bác sĩ nha khoa hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Ông là người đã nhận giải Tác Giả Xuất Sắc Viết Về Nước Mỹ 2010.

Từ ngày dọn vào căn nhà này, chúng tôi chỉ thuê có một người làm vườn duy nhất. Anh tên Hùng, dáng người hiền lành chất phác và làm việc rất tận tụy. Mấy cụm hoa, cây kiểng tôi trồng xung quanh nhà, một tay anh cắt tỉa, chăm sóc thật kỹ càng, đẹp mắt. Dáng người anh nhỏ, không to con dềnh dàng như những anh chàng Mễ Tây Cơ, nên đôi khi tôi áy náy khi thấy anh hì hục đẩy chiếc máy cắt cỏ với những giọt mồ hôi làm ướt đẫm chiếc áo thun sờn cũ.

Những lúc anh nghỉ tay, tôi mang cho anh chai nước lạnh, và anh thường cám ơn rối rít, nhất là vào những ngày hè nóng nực.Sau này khi quen thân hơn, thỉnh thoảng anh còn xin nhờ dùng microwave của tôi để nấu ly mì gói mà anh mang theo để ăn trưa. Có lần khi tôi hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình của anh, anh thổ lộ không chút ngại ngùng:

"Dạ, em qua Mỹ diện H.O. Sau khi "học tập cải tạo" hơn 3 năm, ra trại không vợ, không con, sống nay đây mai đó làm đủ mọi việc kiếm sống. Cũng may nhờ có chương trình H.O. này. Thôi thì đến xứ Mỹ này, mình cố gắng làm bất cứ việc gì để kiếm tiền và có dư chút đỉnh, em gửi về giúp cho má em và 2 đứa em còn kẹt lại ở bên đó...".

Tuy lớn tuổi hơn tôi, nhưng anh vẫn xưng là "em", có lẽ theo thói quen của nhiều người Việt Nam vốn kính trọng những người chủ mà họ làm việc. Không thấy anh nhắc đến chuyện vợ con, nên tôi tò mò hỏi thêm:

"Anh Hùng có cháu nào chưa?"

Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt, anh cười hiền hòa trả lời:

"Vợ con gì anh, thân em còn lo chưa xong. Để mai mốt xem có gì làm kiếm thêm tiền, chứ làm nghề cắt cỏ như em, thì có "ma" nào dám lấy."

Anh trả lời bằng giọng của người miền Nam rất hiền hoà, chân chất.

Thời gian thấm thoát trôi qua.Anh vẫn đến nhà tôi đều đặn với công việc cắt cỏ mỗi ngày thứ Tư. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, tôi nhận thấy có sự thay đổi ở anh. Anh có vẻ hoạt bát và yêu đời hơn.Anh sắm được chiếc xe pick-up truck mới và thuê một người Mễ thay anh cắt cỏ và anh chỉ ngồi trong xe làm tài xế mà thôi, thay vì hì hục tự mình cắt cỏ như trước đây.

Một buổi trưa thứ Tư như thường lệ, khi thấy bóng dáng tôi từ trong nhà bước ra để đưa chai nước lạnh cho anh chàng Mễ, anh Hùng bước vội ra khỏi xe và chạy đến bắt chuyện với tôi. Sau vài câu chào hỏi thường lệ, anh vào đề ngay:

"Không biết anh có nghe về chương trình ZeekRewards không? Đây là cách làm ra tiền hay và nhanh lắm, mà em đã được bạn bè chỉ cho cách làm hơn 8 tháng nay và em kiếm được nhiều tiền lắm."

Rồi anh thao thao nói về chương trình ZeekRewards như một diễn giả chuyên nghiệp trong các buổi seminar mà tôi thỉnh thoảng tham dự. Nào là nếu tôi ghi danh vào với chương trình ZeekRewards, tôi sẽ trở thành người "down-line" của anh, nào là vốn đầu tư ban đầu bỏ vào chương trình đầu tư này không có là bao nhiêu, chỉ cần vài ngàn thôi và sau đó không lâu, tiền lời sẽ "đẻ" ra lên đến vài chục ngàn và những người đã gia nhập vào ZeekRewards trước anh, bây giờ có người có tiền trong account của họ đến cả triệu bạc, nào là mỗi ngày chỉ cần bỏ ra vài phút để đăng một mẫu quảng cáo đấu giá lên thôi, không cần biết có ai vào mua hay không, vân vân và vân vân. Thảo nào tôi thấy anh lúc nào cũng mang kè kè theo cái ipod, chắc là để thích thú ngồi ngắm những con số điểm lên hàng ngày trong account với số tiền lời 1.5 phần trăm mỗi ngày mà chương trình ZeekRewards cho và cắt những mẫu quảng cáo dán vào theo chỉ dẫn của trang mạng này.

Anh còn khoe thêm với tôi bằng một giọng tự hào:

"Anh biết đó, em đi làm nghề này đâu có để dành được bao nhiêu tiền. Cũng may là em chạy mượn người này, người nọ, gom lại được khoảng 10 ngàn đô để bỏ vốn vào đầu tư. Em đã kêu gọi được những người quen trong gia đình và bạn bè cùng vào làm ăn với chương trình này. Bạn bè em cũng có người không có sẵn tiền, nên có người rút tiền từ quỹ retirement ra. Bây giờ thì nhiều người bắt đầu thấy số tiền lời đã tăng lên nhiều lắm rồi, so với số vốn ban đầu mà họ bỏ ra."

Nhìn thấy anh đang say sưa như người hùng trở về trong niềm vui chiến thắng, nhất là khi anh đưa cho tôi xem những con số tiền lời đến chóng cả mặt, tôi không muốn bàn ra vì sợ sẽ làm anh mất hứng, nếu không muốn nói là anh sẽ nhìn tôi như một người không bình thường, thấy cơ hội ngon lành mà không chịu "nhảy vào". Giữa tiếng ồn ào của chiếc máy cắt cỏ, tôi chỉ biết từ tốn chia sẻ với anh là với cách thức đầu tư kiểu này, đối với những người lần đầu tiên chưa quen thì có lẽ họ không biết, nhưng đối với cá nhân tôi, thì thật ra không còn lạ gì. Không phải tôi tài giỏi gì, vì tôi chẳng phải là kinh tế gia hay những vị chuyên viên hàng ngày tính toán với những con số, nghiên cứu những phương thức kinh doanh làm giàu, v.v., chẳng qua vì tôi đã sẵn có "kinh nghiệm đau thương" với những lối làm ăn như vầy mà thôi.

Tôi tò mò hỏi xem anh có nhớ là cách đây không lâu, nhiều người ở quận Cam ngày nào mở đài radio cũng nghe có những người lên chương trình mời mọc mọi người đi tham quan miễn phí một công ty có số vốn được quảng cáo là bạc tỉ ở trên Los Angeles. Khi đến nơi, sau khi được dẫn đi xem một vòng công ty cho thấy sự hào nhoáng của nó, những người đi tham quan, trong đó có tôi, được mời mua những sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, những người tham gia vào công ty này mới té ngửa ra rằng muốn có lợi nhuận, chúng tôi phải liên tục giới thiệu những người mới vào mua hàng của công ty và ngay cả những người vào từ trước, cũng buộc phải tiếp tục mua hàng của công ty này mỗi tháng và giới thiệu thêm người mới, nếu không, tất cả các quyền lợi bổng lộc sẽ bị mất hết.

Cách thức làm việc của những công ty theo kiểu này là theo lối Pyramid scheme (Kim tự tháp), tức là những người vào trước phải "dụ" những người quen biết vào sau và cứ thế mà tiếp nối để được chia lời theo mô hình kim tự tháp. Cách kinh doanh theo lối này thường dẫn đến sự sụp đổ vì đến một lúc nào đó, khi đã hết người để giới thiệu vào, những lợi ích sẽ bị mất đi và công ty cũng dần dần biến mất. Cá nhân tôi đã học một bài học đau thương sau lần "lò mò" học nghề đầu tư tay trái này. Công ty này sau này không còn nghe quảng cáo trên radio nữa và tôi đoán chắc nhiều nạn nhân, trong đó có tôi vẫn còn chất đầy những sản phẩm của công ty trong garage xe làm... kỷ niệm vì bỏ thì uổng, cho thì chắc không mấy người xài tới!

Một hình thức kinh doanh khác, với tên gọi là Ponzi, có từ những thập niên 1920, với người quản lý công ty lúc đó là ông Charles Ponzi. Ông ta đã hứa những khoản tiền lời thật lớn cho người đầu tư, nhưng lại dùng tiền của những người đầu tư sau để trả tiền lời cho những người đầu tư trước và cho cá nhân ông, thay vì dùng tiền lợi nhuận của công ty vì thật ra công ty của ông ta không có làm ra lợi nhuận gì cả. Để có tiền, họ phải chiêu dụ những người đầu tư thay vì rút tiền lời ra, thì khuyến khích họ nên tái đầu tư vào những chương trình có lợi nhuận to hơn. Những chương trình mà công ty đưa ra thật ra là không có thật, chỉ để lừa làm những người bỏ vốn đầu tư bị mê hoặc, hy vọng hảo huyền vào những chương trình hứa hẹn nhiều tiền lời, chỉ rút tiền ra một ít và để lại phần lớn tiền có trong trương mục để tái đầu tư vào những chương trình "ma". Tuy nhiên, khi có những tin đồn bất lợi như công ty có vấn đề, tiền bạc đầu tư không rõ ràng, người chủ công ty bỏ trốn, v.v., thì những người đầu tư sẽ ồ ạt lấy tiền ra và làm cho công ty nhanh chóng sụp đổ vì không còn tiền để trả. Cách làm việc gian trá này của ông Cherles Ponzi bị đổ bể, bị chính phủ của Hoa Kỳ điều tra và bản thân của ông Ponzi phải vào tù. Sau này, tên của ông Ponzi được đặt cho lối làm việc mánh lới này. Trong lịch sử những vụ lừa đảo lớn nhất theo mô hình của Ponzi scheme, vào năm 2009 có vụ Madoff lừa đảo lên đến hàng chục tỉ đô la nhưng phần lớn nạn nhân là những người đầu tư giàu có, không thuộc cộng đồng người gốc Á châu, nên ít được báo chí Việt ngữ nhắc đến.

Cách đây vài năm, tôi cũng nghe lời "rủ rê" của một người bạn thân đầu tư vào một công ty mà những người đứng đầu là một nhóm chuyên viên đang cần tiền đầu tư vào việc viết ra lập trình về cách định giá cả nhà để bán rất nhanh trên toàn nước Mỹ (instant appraisal). Theo họ, nếu các cổ động viên đầu tư vào chương trình này thành công, một khi chương trình này được các nhà băng chọn để sử dụng thay vì thuê chuyên viên đi làm định giá nhà (appraisal), mỗi khi nhà băng xài đến chương trình này, họ phải trả chi phí cho công ty. Các dự án ban đầu nghe rất ngon lành, nhưng cho đến bây giờ thì tôi chỉ thấy công ty thông báo tiền lời ... qua giấy tờ khi các nhà băng trả tiền khi dùng những software của công ty, chứ cá nhân của những người đầu tư như tôi chưa lãnh được một đồng xu tiền chia lời nào.

Tệ hơn nữa, thỉnh thoảng khi tôi nhận được tờ statement của công ty gửi đến thì muốn chóng cả mặt với những con số chi tiêu lên đến cả chục ngàn đô la, nào là tiền hội họp của ban giám đốc với khách hàng, chi phí ăn uống, di chuyển, luật sư phí, vân vân và vân vân. Quá mệt mỏi với cách thức làm việc của công ty này, tôi gửi thư cho biết muốn rút tiền lời ra và bán lại cổ phần của mình, thì ngay lập tức tôi lại bị lạc vào một mê hồn trận khác nào là không nên rút tiền ra vì công ty đang... làm ăn khấm khá, nào là những thủ tục rắc rối (mà tôi không được biết trước đây) nếu tôi muốn bán lại cổ phần của mình, v.v.. Tôi đoán đây là một lối đầu tư theo kiểu Ponzi scheme mà cá nhân tôi đang gặp phải (tôi sẽ viết chi tiết hơn với những tình tiết éo le gửi đến cho các bạn đọc trong một dịp khác.)

Lần này, sau khi nghe lời "chiêu dụ" của anh Hùng bỏ tiền vào chương trình ZeekRewards, tôi thấy thật áy náy vì tôi quen biết anh đã lâu, nhưng không biết phải giải thích ra sao cho anh hiểu khi mà cá nhân anh đang được hưởng tiền lời mỗi ngày và anh đang sống trong hiện tại như một ông chủ nhỏ và còn thuê được người làm thay cho anh. Anh không còn phải nhờ tôi cho anh dùng microwave để nấu ly mì gói ăn trưa nữa. Thông thường, khi lợi nhuận đến quá dễ dàng sẽ làm cho người ta bỏ qua những lý trí xét đoán mặc dầu nếu chúng ta sống ở Mỹ đã lâu, chắc chắn mọi người ai cũng đã từng nghe qua cụm từ "too good to be true."

Đúng như điều tôi đã dự đoán vì sau khi nghe tôi chia sẻ đôi điều tôi biết được từ kinh nghiệm của chính mình, anh Hùng không có vẻ thông cảm mà còn lộ vẻ giận dỗi vì thấy tôi có vẻ "cứng đầu", chứ không như nhiều người quen của anh mà anh khoe đã lên đến cả chục người đã nghe theo anh và đầu tư vào chương trình này. Tôi chỉ biết ái ngại đứng nhìn theo khi chiếc xe pick-up truck của anh quay lui ra khỏi sân. Tôi biết anh đang đứng trên đỉnh cao của chiếc kim tự tháp ZeekRewards và những đám mây màu xanh của đồng đô la với những con số tiền lời lên đến độ chóng mặt mỗi ngày đang làm cho anh hoa cả mắt.Một điều anh Hùng còn cho tôi biết thêm là anh chưa muốn rút tiền ra nhiều vì sợ rằng số tiền lời sẽ không tăng trưởng nhiều nếu anh rút tiền ra. Điều đó cũng dễ hiểu vì đó là tâm lý chung của những người đầu tư như anh.

Mấy ngày sau, anh Hùng gọi điện thoại cho tôi biết là anh sẽ không tiếp tục làm công việc cắt cỏ cho nhà của tôi nữa và anh đã sa thải người Mễ giúp việc vì anh muốn dành thời gian cho công việc đầu tư, đi gặp gỡ nhiều thân chủ và giới thiệu chương trình ZeekReards đến với nhiều người hơn. Tôi buồn vì mất đi một người mà tôi đã quen biết từ nhiều năm qua, với cách làm việc cần mẫn, chăm chỉ của anh. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh anh không còn phải vất vả cực nhọc đẩy chiếc máy cắt cỏ vào những buổi trưa hè, nhất là không còn những lúc khi anh phải ngượng ngùng xin mượn microwave để nấu ly mì ăn liền, tôi thầm mong sao cuộc đời anh sẽ được tươi đẹp hơn, có một mái ấm gia đình chứ không còn phải chịu cảnh "ma nào mà lấy em" như anh đã từng than thở với tôi trước đây.

Mùa hè năm nay lại về với khí hậu dường như ngày càng nóng bức hơn so với các năm trước, có lẽ do hậu quả của tình trạng quả địa cầu bị hâm nóng do con người gây ra.

Trưa thứ Tư tuần rồi, lúc tôi đang ngồi soạn chương trình trước khi lên quay cho buổi talk show, qua khung cửa sổ, tôi thoáng thấy bóng chiếc xe pick-up truck quen thuộc của anh. Dáng anh thật mệt mỏi, bơ phờ như người mất ngủ nhiều đêm liền. Tôi thấy anh ngập ngừng mất mấy phút trước khi bước đến bấm chuông cửa nhà tôi.

"Chào anh Hùng, đã mấy tháng nay không gặp anh." Tôi lên tiếng chào để mong xóa đi nỗi ngượng ngập đang hiện rõ trên khuôn mặt của anh. "Lúc này anh vẫn khoẻ chứ?"

Anh lúng túng trả lời:

"Dạ thưa cám ơn anh. À, chắc anh đã nghe về tình hình của công ty đầu tư ZeekRewards rồi phải không?Coi bộ không còn hy vọng gì nữa, anh ơi.Không biết anh có thể nào cho em trở lại lãnh công việc cắt cỏ cho anh không? Em đang lo vì không biết lấy tiền đâu để trả lại nợ của mấy người bà con và bạn bè đã cho mượn.Tệ hơn nữa, bây giờ, thật là ngại khi gặp lại những người thân quen, bạn bè mà họ đã tin tưởng và nể lời mình mà bỏ tiền vào đầu tư.Thật tình em lo quá và không biết phải làm sao đây anh."Anh nói với tôi bằng một giọng run run, nước mắt như chợt trào ra nơi khoé mắt.

Tất nhiên là tôi không thể nào từ chối việc để anh nhận lại công việc cắt cỏ, nhất là trong hoàn cảnh của anh lúc này.Tiễn anh ra về rồi, trong lòng tôi chợt dâng lên nỗi buồn khi nghĩ đến con số hơn một triệu người, mà phần lớn là người Á Đông, trong đó chắc chắn có nhiều người đồng hương Việt Nam đang lâm vào nỗi thất vọng tràn trề trước sự sụp đổ của công ty đầu tư ZeekRewards này.Bao nhiêu ước mơ bỗng tan thành mây khói.Chiếc kim tự tháp ZeekRewards đầy ánh hào quang kéo dài trong hai năm qua trong phút chốc đã sụp đổ vì nó đã được dựng lên và điều hành theo cả 2 lối Ponzi và Pyramid scheme.Tuy nhiên, tôi mong rằng lần này, với sự can thiệp kịp thời của chính phủ, những người đầu tư vào sau và chưa kịp rút tiền vốn của họ ra, có thể được hoàn trả tiền lại, để họ không đến nỗi bị mất trắng vốn liếng bỏ vào.

Chúng ta vẫn thường nghe Hoa Kỳ là đất nước của cơ hội - Land of Opportunity. Với sự cần cù, chăm chỉ và ý chí vươn lên của người Việt tị nạn, chúng ta đã nhìn thấy nhiều gương thành công của những người đồng hương Việt Nam trong những năm qua. Đó là những tấm gương của những người đã vươn tới đỉnh cao của chiếc kim tự tháp được xây lên từ chính công sức, mồ hôi và nước mắt của họ. Những kim tự tháp này chắc chắn sẽ bền vững với thời gian. Còn những kiểu kim tự tháp được xây lên như ZeekRewards không sớm thì muộn cũng dễ dàng bị sụp đổ, kéo theo ước mơ của bao nhiêu người trong phút chốc cũng tan biến theo.

Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
16/09/201222:42:05
Khách
Bài viết thật có giá trị. Cám ơn tác giả đã viết chia sẻ kinh nghiệm thật hữu ích cho mọi người.
09/09/201210:38:10
Khách
Ở VN chúng ta thướng mất ví vì bọn móc túi tay chân, chúng láy mất ví của bạn vì bạn sơ ý. Qua bên Mỹ, nạn móc túi tay chân ít thấy nhưng chính bạn lại phải móc ví ra đưa cho bọn móc túi vì chúng là họn móc túi trí tuệ. Chúng lừa bạn một cách hợp pháp đấy, nên những bài như của tác giả AHC rất là hữu ích, dù có được giải hay không cũng xin cảm ơn TG và chương trình VVNM.
09/09/201205:47:12
Khách
Đầu tư về vụ này phải lo tranh thủ lấy vốn , vậy mới khôn ngoan là người biểt tính toán . Còn không coi như đi chơi bài 1 ván là xong .
10/09/201202:18:34
Khách
Kính gửi Báo Việt Báo và Tác giả Anthony Hưng Cao.
Thưa Anh Hưng, tôi rất tâm đắc với bài báo của anh vì tôi củng là một trong những người bị lừa dảo trong cuộc sống nơi xứ người vì sự hạn hẹp về kiến thức của mình trong một xã hội mới. Qua bài viết của anh, tôi nghĩ anh là một người có tâm và thông cảm với những người Việt không may mắn trong cuộc sống. Với sự nhận thức trên, tôi có một ý kiến xin gởi dến Việt Báo va anh như sau.
1/ Lập một trang web hoặc một địa chỉ email dể cho những người Việt tai Hoa Kỳ có cơ hội nêu lên những thắc mắc khi họ cần được giúp đỡ những thông tin chính xác và hửu ích về những vấn đề thuộc về xã hội, kinh tế, y tế.... để tránh được những sự lường gạt của những cá nhân hoặc tổ chức gian manh. Tôi nghỉ, với số lượng ngươi Việt đông đão tai Mỹ và trên thế giới thế nào cũng có những cá nhân đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm và một TẤM LÒNG để giúp đở những người Việt cần giúp đỡ khi họ đọc được thông tin thắc mắc trên mạng. Với phương thức trên sẽ hạn chế rất nhiều sự lường gạt trong xã hội.
2/ Bao Việt Báo sẽ có mục " NGƯỜI THẬT VIỆC GIÃ " để đăng những cá nhân và tổ chức nào cố tình lừa gạt mọi người với những chứng cứ cụ thể.
Với thiển ý trên, mong báo Việt Báo va anh Anthony Hưng Cao sẽ nghiên cứu và có những hành động cụ thể để giúp đỡ những người đồng hương chân lấm tay bùn như chúng tôi tránh được những sự thua thiệt trong cuộc sống nơi xứ người.Chân thành cảm ơn.
11/09/201219:32:19
Khách
Wow!Thật là một bài học đắc giá!Ý toi muốn nói về bài viết cua AHC và cả bài học về kinh nghiệm sống ở Mỹ,đầu tư ở Mỹ.

Hoan nghênh một chia xẻ cực kỳ giá trị cho cộng đồng của một chân tình hiếm có ở nơi người khôn của khó như nước Mỹ.

10/09/201216:11:44
Khách
Cảm ơn bài viết hữu ích của Chú. Rất mong Chú viết thêm chi tiết "instant apraisal" cho bài viết tiếp theo.
05/09/201206:08:23
Khách
Bài viết rất hữu ích,cám ơn tác gia?.Hy vọng sẽ giúp mọi người thận trọng hơn trong vấn dề dầu tư
06/09/201216:15:44
Khách
tham thì thâm , đi học tiểu học đã dạy rồi , tiền chùa ở đâu mà cho không !!!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,995
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến