Hôm nay,  

Cơm Mớm

30/07/201200:00:00(Xem: 183823)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả sống tại Ottawa, Ontario, Canada từ 1980. Bút hiệu là tên trường học nơi Minh Thành từng dạy môn Sinh - Hoá từ cuối thập niên 70. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Minh Thành kể chuyện gia đình "Người Mỹ Hàng Xóm.". Bài gần nhất là: “Nội soi ruột già.” Bài mới được ghi là “Thuật lại lời kể của người anh họ tôi.”

Anh bạn tôi ở Little Sài gòn gọi phone kể lại cho tôi nghe chuyến về thăm quê của anh sau gần ba mươi năm xa cách. Tôi háo hức lắm, tôi muốn biết cái phố nhỏ ngập đầy kỷ niệm tuổi thơ ngày xưa của mình thay đổi ra sao. Bạn bè và bà con hàng xóm, người thân người xa…

Nhà anh hồi đó liền vách nhà tôi và chúng tôi cùng lứa tuổi nên bạn hữu và láng giềng hầu như cùng là bạn bè chung. Tôi chưa có dịp về lại chốn cũ vì gia đình tôi kể cả họ hàng cô dì chú bác đều ở Mỹ hoặc Canada nên nhu cầu về thăm gia đình không có. Còn đi du lịch? Tôi vốn là người lười đi nên từ bao lâu nay chỉ quanh quẩn xó nhà như ếch ngồi đáy giếng, nhìn lên khoảng trời phía trên một màu xanh ngắt cứ tưởng mình biết hết cả vũ trụ mà tự đắc một mình. Hài lòng với công việc vợ chồng đang làm tuy thuộc loại lao động chân tay nhưng có đời sống ổn định “nhìn lên thì chẳng bằng ai” nhưng ngó xuống thấy vẫn có nhiều người còn phải sống nhờ Welfare thì cũng tự thấy mình giàu, mình sang! Cái gì thì khó chứ “Sáng rựou sâm banh tối sữa bò” cũng chẳng khó lắm. Dĩ nhiên, sâm banh không phải sáng nào cũng sơi nhưng sữa bò có khi nào thiếu. Nào uống sữa tươi cho xương cứng đá mềm. Nào cho sữa ông Thọ vào cà phê cho giống kiểu cà phê Việt nam … Có ngày nào thiếu sữa đâu mà cần ao ước?

Tóm lại, từ lâu tôi sống trong tự mãn! Cứ nghĩ mình là nhất! Cứ tưởng có cái job thơm bền vững tuy mặc áo cổ xanh nhưng chịu cày cũng nuôi được mấy đứa con ăn học đàng hoàng để bây giờ chúng được chuyển lên tầng lớp mặc áo cổ trắng là giỏi lắm.

Bạn tôi còn giỏi hơn tôi nhiều. Vợ chồng anh có tiệm nail nên tiền bạc rủng rỉnh hơn. Anh thì cả gia đình ở Mỹ nhưng bên chị thì tất cả đều ở Việt nam nên trách nhiệm của chị nặng nề hơn anh. Ngoài việc cấp dưỡng cha mẹ già và anh chị em ruột đằng đẵng từ ngày mới đặt chân đến Mỹ còn đi học ESL và làm thêm Job rửa chén ở nhà hàng với số tiền khiêm tốn chỉ đủ gói ghém gửi về nhà một ít thuốc, vài thước vải… Như một nghĩa vụ phải có của một người con hiếu thảo sống nơi sang giàu chia sẻ cho gia đình. Chẳng bao giờ anh phiền trách về điều đó huống chi bây giờ, hai người cùng cặm cụi làm chủ tiệm nail.

Tiệm nhỏ chỉ có hai vợ chồng nhưng lượng khách lâu năm quen thuộc nên chẳng khi nào ngơi việc. Anh chị cũng không có ý định mở rộng tiệm vì đã có lúc muốn làm chủ lớn như người ta chỉ tay năm ngón mà thất bại! Đào tạo được người làm đến lúc thạo việc, có nhiều khách riêng,họ to nhỏ với khách rồi đùng một cái, họ xin nghỉ việc, bỏ đi làm chỗ khác, hoặc mở tiệm riêng… Riết rồi anh chị cũng hài lòng với cửa tiệm chỉ có mình có ta cho dễ.

Được cái, cả hai vợ chồng cùng chịu khó nên tiền bạc cứ đều đều thu vào cao hơn chi. Thương gia đình bên nhà thiếu thốn đủ mọi đằng nên chị càng mạnh tay cung cấp. Đứa em út lập gia đình cần chi phí cho đám cưới và một căn nhà ba tầng để ở. Những đứa lớn chị cũng lo toan gói ghém chu toàn rồi bây giờ còn thằng út chẳng lẽ không cho? Chị lôi hộp đựng tips đếm thấy cũng gần đủ. Lấy thêm vài ngàn trong cash nữa đã biến giấc mơ của đứa em trở thành hiện thực. Chị thấy mình như bà tiên có cây đũa thần trong tay, vung lên một cái là nhà cửa, xe máy hiện lên cho cả nhà tận hưởng.

Chỉ tưởng tượng dòng nước mắt vui mừng của mẹ già chảy ra trước sự hân hoan của tất cả các em, các cháu cũng như những lời trầm trồ thán phục của hàng xóm kéo dài không dứt từ ngày này sang ngày kia của đầu làng cuối ngõ về lòng hiếu thảo của mình là chị đã hả dạ. Mà cũng la, cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó chị lại thấy mình tràn đầy một sức mạnh vô biên để có thể cặm cụi làm việc từ thứ hai đến chủ nhật. Từ 10 giờ sáng đến 9 giờ đêm trong căn phòng lúc nào cũng nồng nặc mùi Acetone và mùi sơn móng tay độc hại. Thực ra, mới đầu chị cũng thấy khó chịu với mùi này lắm. Nhiều lúc cả người còn bị mẩn đỏ và nôn nao khó thở!

Chị từng muốn kiếm việc khác vì thấy sống trong bầu không khí nồng nặc đến mệt mỏi chẳng muốn ăn nhất là lại bị xẩy thai ngay năm làm đầu tiên. Rồi suy đi tính lại, không nghề nào kiếm tiền cho bằng nghề này nên chị trụ được đến bây giờ. Miệt mài làm để lấy kinh nghiệm và vốn cần thiết cho dự tính trong tương lai. Rồi khi kiếm đã đủ tiền, tay nghề đủ vững, chị mở tiệm và bảo anh bỏ hãng điện tử về làm cùng cho thoải mái tự mình làm chủ. Nghề này học không khó! Anh không muốn nhưng chị nỉ non, than vãn mãi nên cũng bùi tai. Nhiều lúc thấy chồng đường đường một đấng nam nhi mà ngồi cạo từng móng chân cho các bà “ngồi trên” chị cũng xót ruột lắm. Nhưng xót ruột là một chuyện, tiền bạc lại là chuyện khác. Cứ mỗi khi xong việc, nhìn các bà khách hài lòng cám ơn rối rít kèm theo những tờ đô màu xanh mà các bà trân trọng tặng người thợ khéo tay thì bao nhiêu mặc cảm tiêu tan hết. Vả lại lúc này, cái khúc ruột gia đình chị ở quê nhà càng phình to ra. Lo cho anh chị em ấm êm nhà cửa xong bây giờ đến các cháu. Nhu cầu thời @ có khác thời lạc hậu.

Quà tặng tết nhất bây giờ không phải là những viên thuốc chữa bệnh như ngày xưa mà là những cái laptop, cell phone đời mới… Cũng không phải cứ khơi khơi rình tìm đồ bán on sale mua rồi gửi về quê như ngày mới chân ướt chân ráo đến xứ cờ hoa của thập niên 80 ngày xưa, cái ngày mà tình cảm quê nhà còn đầy ắp .Bây giờ cứ dollars xanh thẳng tiến mới đúng điệu vì thứ gì bên nhà cũng có. Hàng hóa không thua kém hàng bên Mỹ. Có thiếu chăng, chỉ là những tờ giấy màu xanh thơm phức. Gửi những tờ giấy này vừa nhanh vừa tiện lợi.

Các cơ sở chuyển ngân nở rộ như nấm sau mưa. Dịch vụ chuyển tiền ngày càng hoàn hảo. Có khi cần gửi gấp, người gửi chưa kịp về đến nhà thì ở quê hương xa vạn dặm, những đứa cháu đã hân hoan đếm xấp đô còn thơm mùi mực mới và ngắm nghía kỹ lưỡng đề phòng bạc giả! Có những lúc từ cơ sở chuyển ngân về tiệm, chị thấy đôi chút chạnh lòng khi nhìn chồng đang cặm cụi gò lưng, cúi mặt, ghé sát mắt vào chân một bà khách để coi móng đã cọ rửa sạch chưa. Mới ngày nào tóc anh còn xanh, lưng anh còn thẳng mà bây giờ tóc đã muối nhiều hơn tiêu! Mắt anh đã phải đeo kính và tốc độ làm việc chậm chạp hơn. Anh trông đã có vẻ mỏi mệt của tuổi tác.


Mấy chục năm trôi qua thật nhanh. Chị về thăm gia đình đã cả chục lần. Lần thì giỗ cha, lần thì ăn cưới cháu còn anh không thể đi vì cả hai cùng đi lấy ai trông tiệm? Quanh năm suốt tháng ở xó bếp nên anh chủ quan tưởng bên nhà vẫn thiếu thốn mọi đằng như xưa bởi những cuộc chuyện trò qua điện thoại với gia đình vợ anh thường tràn ngập lời trách móc về sự thiếu trách nhiệm của vợ anh với gia đình. Đành rằng anh có đọc báo, coi TV nhưng ai giàu có kia chứ không phải gia đình bên vợ vì anh thấy vợ anh vẫn phải cung cấp đều đều cho gia đình.

Thi thoảng, chị cũng thẫn thờ, suy tính mỗi khi nghe gia đình các em, các cháu gặp khó khăn! Hết khó khăn này đến khó khăn khác! Khó khăn nào cũng chỉ giải quyết được bằng đô! Mà mình dĩ nhiên dư dả hơn thì phải giúp. Vả lại, sự giúp đỡ đó có làm sứt mẻ chút mẩu bánh mỳ nào trên bàn ăn nhà mình đâu mà nghĩ ngợi.

Anh chị có mấy người con cũng ngoan. Ngoài giờ học, đứa nào cũng đi làm thêm nên chi phí đại học chúng tự lo được hết. Đứa con gái từ lúc 15 tuổi đã ra phụ làm ở tiệm nên rất thạo công việc. Mùa hè được nghỉ nó nói sẽ trông tiệm để bố mẹ cùng về quê trứơc hết cho bố thăm lại nơi chốn cũ đồng thời ăn cưới thằng cháu con cậu em vợ. Anh vui lắm. Trước khi đi, anh phone tôi kể niềm háo hức của mình. Hỏi tôi nên mua quà gì tặng bạn cũ và bà con chòm xóm. Đúng là anh đã hỏi lầm người. Tôi còn xó nhà hơn anh nhưng tôi làm mặt khôn khuyên anh nên mua một ít sâm loại tốt về tặng mỗi người một ít vì bạn chúng tôi thì bây giờ cũng lên lão cả rồi! Mình ở đây còn lão nữa là bên nớ. Anh hỏi vợ thì chị gạt đi nói không cần, cứ mang đô cho nhẹ! Đô là bao nhiêu? Anh không biết, anh để chị lo. Tuy nhiên, anh cũng thủ vài hộp sâm như lời xui dại của tôi để tặng những người bạn cũ mà theo như tưởng tượng của chúng tôi thì có lẽ họ còn “lão” hơn chúng tôi nhiều lắm vì hầu hết đều đã đủ tuổi hưu trong khi ở nơi đây, chúng tôi vẫn còn đang tuổi “cày”.

Rồi khi quay lại Mỹ, tôi thấy anh như người lẩn thẩn Anh phone tôi liên tục. Anh kể chuyện và anh so sánh. Anh chê mình lạc hậu, chưa biết hưởng thụ. Nước Mỹ chỉ được tiếng giàu nhưng thực ra “có tiếng không có miếng”! Mọi người làm việc hùng hục như trâu! Anh nhìn nếp sống của mấy cậu em vợ mà thèm!

Anh mang tiếng chủ tiệm mà cũng chỉ thỉnh thoảng mới có dịp nhắm nháp vài ly trong những ngày lễ tết. Cậu em vợ anh điểm tâm buổi sáng bằng rượu đế lai rai ở quán ngay đầu ngõ đến xế trưa khật khiễng chân nam đá chân chiêu quay về nhà ngủ tiếp. Bia, rượu thay cho nước uống! Cô em dâu tóc xanh tóc đỏ cưỡi xe dream đi đâu buổi sáng tới gần mười giờ về quán phở của cô ngay cạnh nhà nấu nháo nhào kịp bán cho tốp thợ nghỉ ăn trưa trong khoảng vài tiếng đồng hồ rồi lại đóng cửa quán đi chơi! Thấy mấy anh thợ đến muộn nài nỉ chị nán lại vài phút bán cho chúng em ăn trưa thì cô lạnh lùng trả lời quán đã đóng cửa mà anh tiếc hùi hụi. Chẳng bù cho anh chị có những lúc tiệm đã tắt đèn mà có khách vào lại bật đèn lên ở lại làm xong cho khách dù họ nói có thể quay lại hôm sau!

Theo anh, kỳ lạ nhất là làm ăn phất phơ vậy mà nhà cửa của họ rất đàng hoàng. Đồ đạc toàn đồ xịn. Mấy cô em dâu, em gái vợ lúc nào cũng ăn mặc như chuẩn bị đi dự tiệc! Các cháu thì hình như chúng không đi học mà chỉ lêu lổng chơi bời đàn đúm! Không biết chúng lấy tiền ở đâu? Không lẽ kiếm tiền nơi đây dễ hơn bên Mỹ?

Anh ngậm ngùi cho cái thiếu hiểu biết của mình về những thú vui xa xỉ! Anh chê mấy ông Mỹ không văn minh. Một số tiệm cà phê ở Little Sài gòn mới chỉ mặc thiếu vải chút xíu mà tính làm to chuyện. Sao không chịu nhìn những quán cà phê ôm, cà phê cởi? Anh hào hứng kể tôi nghe về cơm mớm. Gì chứ cơm mớm tôi đã từng nhìn qua. Bà nội cô bạn học tôi vẫn mớm cơm cho em bé. Bà nhai nát cơm trong miệng rồi dùng lưỡi đẩy thẳng vào miệng em hoặc nhổ ra tay rồi bón cho em! Tôi rùng mình khi nghe anh nhắc lại cách bón cơm này. Đến khi tôi lớn, không thấy ai bón cho em bé theo kiểu này vì họ được dạy về phép giữ vệ sinh. Không ngờ bây giờ, người ta lại quay lại kiểu ăn uống thời xưa cũ.

Anh để tôi nói hết rồi mới từ tốn: Thế mà cũng đòi biết! Cơm mớm thời nay là thứ mớm văn minh của những kẻ lắm tiền nhiều bạc. Mới đầu chỉ có một số người “Lợi thì có lợi nhưng răng không còn” biết hưởng thụ còn bây giờ tuốt luốt cả già lẫn trẻ miễn có nhiều đô. Các cô gái trẻ măng nghèo áo lẫn quần ngồi ép sát cạnh hoặc ngồi trên lòng những người cần mớm! Không chỉ mớm cơm mà họ mớm cả trái cây, bia, rựơu…

“ Thế họ lấy tiền ở đâu mà ăn chơi dữ vậy” Tôi hỏi, anh cười khẩy: “Còn ở đâu ra? Có nhiều nguồn cung lắm. Ông may mắn không có dính líu ruột thịt rắc rối như vợ tôi nên lúc nào ông cũng ung dung. Bấy lâu nay tôi cứ tưởng mình sướng nên ngoan ngoãn làm việc như một con trâu mà không biết hưởng thụ. Mà kỳ thật, không hiểu sao mà tự nhiên bây giờ tôi hết cả hứng thú miệt mài kiếm tiền như trước mà cứ hay so sánh như một người đàn bà nhỏ mọn tính toán thiệt hơn! Rồi tự nhiên thấy mình mệt mỏi, già nua. Có khi đang cọ rửa chân cho khách mà chỉ muốn ngủ gục! Hay là mình già thật rồi? Vô lý, mình còn chưa tới tuổi hưu! Răng mình còn đầy đủ mà, chưa đến lúc phải ăn cơm mớm!

Anh bạn tôi còn phone dài dài và so sánh nhiều chuyện nhưng có chuyện tôi nhớ có chuyện thì không. Nhiều lúc anh lải nhải chì chiết như một bà già khó tính! Lại có lúc anh tiếc nuối đã bỏ phí quãng đời trai trẻ để vùi đầu làm việc như một người điên với ý tưởng sẽ về hưu sớm! Duy có điều tôi biết chắc chắn là anh đã đoạn tuyệt hẳn ý nghĩ làm thật nhiều khi còn sức để tích lũy một số vốn rồi hưởng thú điền viên cho tuổi già!

Bây giờ, những lúc vắng khách, anh không lau chùi, sửa chữa những thứ hư hỏng trong tiệm như xưa mà anh lang thang ra ngoài ngắm người, ngắm shop. Anh cho tôi biết anh hay đi quanh quẩn khu Phước Lộc Thọ tìm kiếm xem ở đây có cửa tiệm nào kinh doanh... cơm mớm?

Vợ anh thì vẫn như xưa. Chị không bao giờ có thì giờ quan sát những thay đổi của chồng. Chị vẫn miệt mài làm việc như mấy chục năm trước. Chị tưởng chị chưa già! Chị vẫn trung thành với ý nghĩ là chị chỉ cần làm thêm mỗi ngày vài giờ thì gia đình anh chị em và các cháu bên nhà bớt khổ!

Minh Thành

Ý kiến bạn đọc
12/08/201215:01:19
Khách
Xin cảm ơn Le . Chúc vui
Thân mến
Minh Thành
14/08/201208:55:55
Khách
Đọc bài viết của Minh Thành tôi thấy tác giả rất am hiểu cuộc sống thực tế ở VN.Tôi đã được chứng kiến nhiều cảnh những gia đình ở VN có người thân ở nước ngoài [Việt Kiều]khi họ về chơi thăm gia đình họ đã phải bật khóc vì những người thân của họ tranh giành nhau của cải,đánh cãi nhau vì ăn chia ko công bằng.Họ đã phải thốt lên rằng "Các người có biết ko ,để có được đồng tiền mà các người đang tranh giành nhau,tôi đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt ,có khi còn cả máu nữa.khi các người trong chăn ấm ,gối êm thì tôi phải dầm mình trong cái rét buốt của nhiệt độ-15°Cđể làm những công việc mà các người ko thể tưởng tượng được"Đào Giun".các người cứ nghĩ rằng tôi ở bên kia làm ông vương bà tướng à?cuộc sống các người bên này còn đế vương hơn tôi nhiều.Và từ đấy họ rất ít về VN.
19/08/201216:30:58
Khách
Xin cảm ơn lời bình của Khánh Hoàng về sự am hiểu của Minh Thành với cuộc sống thực tế ở VN cũng như cung cấp thêm một số chi tiết về cách cư sử với người thân giữa Việt kiều và gia đình…
Chúc vui.
Thân mến
Minh Thành

05/08/201219:59:59
Khách
Cảm ơn Thuận Hải đã chia sẻ ý kiến quí giá . Những gì Minh Thành thuật lại qua lời kể của người anh họ trong “ Cơm mớm” là sự thật đã xảy ra đối với gia đình anh ấy . Tuy nhiên, Minh Thành đã lược bỏ những chi tiết đáng buồn như cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình anh ấy càng ngày càng xấu hơn . Người vợ không còn thiết tha với gia đình gồm chồng và các con của mình bằng khúc ruột quê hương của bà .Anh chồng lúc nào cũng cô đơn và mất hết tin tưởng vào người vợ của mình… Minh Thành nói anh đọc chia sẻ của Thuận Hải để thấy anh ấy không cô đơn đâu ! Hình như anh ấy cảm thấy được an ủi hơn ? ( Hy vọng như thế) . Điều này đáng vui hay đáng buồn ? Minh Thành cũng muốn viết nhiều bài góp cho “ Viết Về Nước Mỹ” của Việt Báo nhưng sự hiểu biết về nước Mỹ của Minh Thành quá nghèo nàn ! Nếu Thuận Hải muốn quan tâm về cuộc sống người Việt trên đất Canada , xin mời Thuận Hải vào trang blog : http://minhthanh-viet-ca.blogspot.com/
Người chồng trong “Cơm Mớm” và Minh Thành xin chúc Thuận Hải những điều tốt đẹp nhất.
Thân mến
Minh Thành
05/08/201209:09:17
Khách
HAY !
03/08/201203:21:58
Khách
Hoạt cảnh mà anh tả lại trong câu chuyện này thật y chang như hoàn cảnh của ông bà chủ tiệm của tôi. Họ tằn tiện từng xu, cực khổ trăm bề, gom góp gởi về; để gia đình anh em ở VN tha hồ phung phí. Có một lần, người em của bả sang Mỹ du lịch trong khi chờ bảo lảnh; thấy cảnh cơ cực của họ, ổng bỏ hồ sơ chạy luôn không dám sang Mỹ nữa. Ở VN chờ lảnh viện trợ vẫn sương hơn! Tình đời là thế đấy! Bài học của anh đăng lên, không biết có cảnh tĩnh được ai không? Mong anh viết tiếp.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,620,474
Nhạc sĩ Cung Tiến